Chim Việt Cành Nam     [ Trở Về   ]         [ Trang chủ  ]         [ Tác giả ]
Lời cám ơn sóng gió... 
Xuân Sương
Trong 3-4 ngày đầu tháng 9, bất kỳ kênh truyền hình Pháp nào cũng bàn ra tán vào quyển Merci pour le moment của Valérie Trierweiler, người-vợ-không-bao-giờ-cưới của Tổng thống Francois Hollande. Mỗi kênh trích ra năm ba câu mẫu "hot" nhất để các ông bà ký giả xoay quanh đó mà ba hoa, nhưng tựu trung cũng quay về câu ác độc nhất, khi ông gọi dân nghèo là bọn "không răng" - nó khiến tất cả răng thật răng giả trên nước Pháp nghiến rin rít phẫn nộ, đặc biệt dân nghèo, và... nha sĩ ! 

Vậy thì dù bị xếp mạt hạng trên bảng "nước đáng sống nhất trên thế giới", Việt Nam cũng còn hơn Pháp chán. Mình có câu "trên răng dưới... rốn", tức vẫn còn răng (hay vì nghèo tới nỗi "chẳng có gì để dưới răng" nên chúng còn nguyên vẹn?). Tội quá, ngày hôm trước sách tung ra thị trường thì hôm sau có cuộc họp thượng đỉnh khối OTAN tại Anh, ông Holland phải đọc diễn văn. Rình nhìn thì cũng an lòng: ông không tiều tụy thảm thương mặc dù chỉ trời mới biết bụng dạ ông tơi bời cỡ nào. Ông hồng hào mũm mỉm, vẻ hiền lành vui tính kiểu gặp nhau nếu ai mời "làm ly anh", thì sẽ hoan hỉ đáp từ "tới bến luôn!". Ấy vậy mà quyển sách với những "phát hiện" tàn nhẫn cũng chỉ trời mới biết có thực hay không, đã như bom nguyên tử dội xuống triều đình ông vốn đã quá lao đao rồi, và tàn phá hình ảnh bình dị thân thiện mà vẻ ngoài ông vốn có.

Dư luận

Ngọai trừ một vài nhà chính trị phe hữu và cực hữu khoái chí, nói chung dư luận chẳng ai đánh giá tốt sự xuất bản quyển sách này, nếu không muốn nói đó là một sai lầm đáng trách. Bởi vì xưa nay chuyện thâm cung luôn luôn là bí sử, nhất là người trị vì đang còn chễm chệ, đừng nói luông tuồng cỡ ấy. Bà cựu tổng thống Bernadette Chirac chỉ nói về chồng đại khái ông là người có máu... ưa gái (bác nào mà chẳng có loại máu nhĩ thượng hạng đầy chất đạm đó?), đã là quá rồi, bây giờ bà tổng thống không-bao-giờ-cưới này đã dám hầm hầm đẩy chiếc giường hôn phối ra đặt chình ình giữa đường làm ùn tắc giao thông, khói bụi mịt mù ô nhiễm môi trường, khiến hơn 2 năm còn lại để ông hoàn thành sứ mạng khó khăn mà dân Pháp đã trao cho, càng thêm khúc khủyu. Cho tới giờ, đây là cú độc duy nhất trong lịch sử chính trị Pháp.

Thật ra đọan trường ai có qua cầu mới hay, có ai nằm trong da của bà mới thấm thía nỗi đau của người đàn bà bị đá từ bệ cửu trùng rơi xuống. Vừa hí hửng theo ông leo lên ngai một tháng, bà đã bị búa rìu dư luận khi công khai ủng hộ một ứng viên trong cuộc bầu Quốc hội để chống người-vợ-không-bao-giờ-cưới-thời-trẻ của ông rồi. Có lần đi kinh lý, một bà cụ hăm hở khuyên ông: "Đừng cưới bả nghe, chúng tôi không ưa bả". Đâu phải dễ dàng ngồi ở ghế mẫu nghi thiên hạ. Biết lỗi, bà lấm lét rút vào bóng râm học cách xử sự cho xứng với cái phô-tơi. Khổ cái bà cũ sống sờ sờ nhưng lại là bóng ma trong đời bà mới, mà theo sách bà này viết thì ông và bà cũ có những "trao đổi mập mờ". Âm dương lẫn lộn nên thầy pháp bắt ấn thấy bất an. Học bài cư xử hơi thuồng thuộc thì đùng một cái báo chí đăng hình ông tươi hơn hớn đội mũ bảo hiểm cưỡi Vespa đèo cô diễn viên kịch nghệ trẻ đẹp rong chơi... Tá họa! Em nào chẳng có chị Họan Thư đưa đẩy. Thế là một trận thư hùng rồi anh đường anh tôi đường tôi. Và bà hăm dọa mày bỏ bà thì bà sẽ tàn hại đời mày. Thì quyển sách bom tấn ấy đúng là tàn hại đời ông tới bến.

Sách bán chạy hơn tôm hùm tươi khuyến mãi. Nghe nói tháng sau bản dịch sang tiếng Mỹ ra đời. Một số tiệm từ chối không bán hoặc nổi cáu viết bảng sừng sộ không sinh ra để làm thùng rác cho Trierweiler-Hollande, hay nhất định không làm máy giặt quần áo dơ của Trierweiler, hoặc lịch sự thì "Rất tiếc, chúng tôi không còn sách của Valérie Trierweiler, nhưng còn nhiều quyển của Balzac, Dumas, Maupassant, v. v..." (dấm dớ chửa, mấy ông kẹ cụ như trái đất này ta đã biết rồi, ta chỉ muốn đọc cái "hot" mới rượi hấp dẫn kia, ai cần văn chương đâu nà!). Chỉ 4 ngày đã cạn kho 200 nghìn cuốn. Bà ẵm gọn 600 nghìn ơ-rô trên số phát hành đầu tiên ấy, và đã tái bản ngay gần 300 nghìn cuốn nữa. Phiên bản bán trên mạng cũng suýt soát 150 nghìn lượt. Túi ấm. Nhưng tim vẫn lạnh. Người-vợ-không-bao-giờ-cưới-thời-trẻ của ông được vào chính phủ vì không còn người-vợ-không-bao-giờ-cưới-thời-hiện-tại làm kỳ đà nữa. Tim càng thêm lạnh. Báo chí lại khăm, đùa là biết đâu khi họp nội các, tay ông lại chẳng ve vuốt đùi bà cũ dưới gầm bàn?
 

Ai là ai ?

Lại bấm độn, thầy pháp bảo Tổng thống này có số đào hoa nên lận đận. Bà nào cũng nhan sắc nhưng ông chẳng cưới ai dù bà cũ đã "qua ải một mình" cho ông bốn lượt. Bởi vậy khi luật cho phép đám cưới đồng giới tính ra đời, mề đay "Đại giải thưởng của Câu lạc bộ Báo chí về Sự hóm hỉnh và Chính trị" năm 2013 rơi vào tay một cựu Bộ trưởng, nghị sĩ của phe UMP với câu bình trứ danh "Đám cưới cho mọi người, trừ ông ấy". Chính trị gia mà dí dỏm mới cừ.

Rồi cuộc thăm dò ý kiến xảy ra vào thời điểm nhạy cảm ác độc nhất này, điểm ông chỉ còn 13, thấp chưa từng thấy trong lịch sử đệ ngũ Cộng Hòa. Nhưng ông vẫn giữ vững nụ cười trước bàn dân thiên hạ, dù rằng hình ảnh tại cuộc họp thượng đỉnh OTAN có lẽ vô tình phản ánh tâm trạng ông chăng? Như mọi người nhìn hướng tây thì một mình ông nhìn hướng nam, mọi người nhìn thẳng phía trước chụp hình kỷ niệm thì ông nhìn xuống, mọi người đứng lên thì ông vẫn ngồi trầm tư... khiến dân mạng thế giới cười cợt.

Dầu sao cũng chẳng ai nằm trong da ông để biết tâm tư ông những ngày đó thế nào. Người ta chỉ nhìn ông là Tổng thống, mà quên mất hay không chấp nhận một hiện thực là trước khi khoác tấm áo choàng lộng lẫy đó, và hiện tại, và sau này, ông vẫn là một con người, mà lại là một con người đang bị họa vô đơn chí. Vai trò đã quá tải rồi, mang thêm nỗi niềm bị cả thế giới bêu rếu thì dù "cái đầu tổng thống" cũng không thể nào thảnh thơi khi bị đời nhìn vào soi mói. Dù là "thân thể tổng thống" thì cũng chỉ là da thịt con người, làm sao chẳng có lúc đau lưng, mất ngủ... Cho nên tả hữu chỉ trích nhau trên chính trường đủ khùng, xin hãy để yên cho ông làm việc, ông té đủ đau rồi. Dám từ nay con tim chân chính ra ngõ thấy gái là kinh! Ở đây lại mở cái ngoặc nhỏ: nhìn bà Merkel mà thèm. Bà giản dị, tươi cười, trầm tĩnh, tự tin với tất cả minh bạch thênh thang.

Rõ ràng là thương nhau lắm cắn nhau đau điếng. Bà tổng thống mà dân Mỹ gọi là First Girl Friend bị tình phụ này chưa bao giờ được dân chúng yêu mến cả. Mỗi lần bà theo ông đi nước nào, các bloggers nhao nhao hỏi tiền đó ai chi, tại sao phải tốn kém cho người không phải là vợ chính thức của tổng thống, tại sao phải hao công quỹ bảo vệ cho 3 con riêng của bà... Cho nên bà có "đủ" lý do để trả thù người-chồng-không-bao-giờ-cưới và cả nước Pháp. Có điều ngòai nhuận bút và sự hả hê tầm thường rất người, quyển sách này hại ông Hollande đã đành, nhưng cũng chẳng có lợi gì hơn cho bà cả. Nó kể lể niềm vui nỗi khổ của một người đàn bà bình thường, không mang nét gì của một mệnh phụ - bà chưa bao giờ là mệnh phụ. Là ký giả chính trị 27 năm ròng, bà vẫn phạm một tội chính trị khó lòng tha thứ.
 

Khi hỏi về vấn đề này, ông Chevenement chính trị gia phe tả đã trả lời một câu hết sức triết nhân, là "Bà ấy nghe những điều ông ấy không nói". Ông Bayrou, chủ tịch đảng MODEM cũng cho rằng trong giới chính trị, nhiều người có giọng điệu khinh người, nhưng ông không hề thấy điều ấy ở Hollande, rằng Hollande hay đùa nhưng không bao giờ bỉ ổi. Nghe vậy cũng vui. Về phần Tổng thống thì ông nhất quyết là mình không hề gọi người nghèo là "không răng", rằng sự quan hệ giữa ông và dân nghèo yếu nhất là lý do tồn tại của đời mình. Nhưng tác giả cũng nhất quyết chắc như bắp là có. Chỉ trời mới biết!

Rồi may, chuyện phải xắn tay áo tham gia với thế giới trừng trị Nhà nước Hồi giáo của những kẻ khủng bố cuồng tín thành dầu sôi lửa bỏng, báo chí lại ùn ùn kéo nhau đi... kháng chiến. Ông Hollande vơi đi một mảng nhức nhối trong đầu. Ouf! Giờ này mà cụ Tản Đà buồn buồn đội mồ ngồi dậy sẽ thân tình khuyên nhủ: Nè Francois, người ta bảo sau lưng thằng đàn ông luôn luôn có một chị đàn bà. Chú nó hám cho lắm đã một phía trước lại đèo hai sau lưng, thảo nào mà... Thì Francois sẽ cướp lời nhanh nhẩu như hồi tranh cử: Dạ dạ, tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa...

Bão táp nào rồi cũng qua, chỉ sự tàn phá của nó là còn ở lại...

Xuân Sương
Paris, tháng 9-2014