Chim Việt Cành Nam     [ Trở Về   ]         [ Trang chủ  ]         [ Tác giả ]
Lý Toét phu nhân xem đá bóng
Xuân Sương
Việt Nam chưa leo lên tới đó, chớ nếu được thì cũng cổ vũ cầu cho Việt Nam thắng ngọt, hiện giờ chỉ mong cho Tây, nhưng tuyển Pháp bị loại rồi thì đội nào hay xin mời cứ tự nhiên đoạt cúp. Dù vậy, và dù hiểu thiếu Neymar và Silva là nỗi lo của đội Brazil, vẫn mong nó sẽ hân hoan ẵm cúp về để dân chúng được an ủi. Họ đã biểu tình phản đối tức là căm phẫn lắm, không vừa lòng họ dám không xong. Chẳng nói ra chớ Đức mừng rơn, đúng là bất hạnh của người này đôi khi là niềm vui của kẻ khác. Banh cứ ào ạt vào lưới như chỗ không người. Thắng dễ quá thấy cũng bớt... giá trị! Mấy ông truyền thông bảo đó là nỗi nhục, rằng có phải đây là đội tệ nhất của Brazil trong lịch sử không, có phải Scolari đã giết chết Brazil không... toàn những lời đổ dầu vào chảo lửa có nguy cơ nổ bùng trở lại. 

Nhà tôi thì cứ cho tay cầm lon bia lạnh, tay bưng đĩa đậu phộng, một "mách phút" ở truyền hình thì ai có rủa cũng chẳng nghe, cho nên có cái... ác tâm là những trận hay muốn được xem nhiều nhiều. Thấy ai thua, nhà tôi xúi "Huề đi con, huề đi rồi đá thêm giờ cho tía coi". Mà vì ít nói nên cóc mở miệng thường linh hiển, mấy phút sau đội kia gỡ huề, tôi vội phù phép trấn yểm ngay "Ráng trái nữa đi con, ráng ăn rồi về nghỉ cho khoẻ". Vậy thì cách thưởng thức đá banh của tía-má cũng có khác. Tội nghiệp toàn những "thằng cu", mà người ta chia đều năm tháng kiểu chia GDP theo đầu người, thì trung bình là 25 tuổi 8 tháng, chớ nhiều thằng cu chỉ mới đôi mươi. Nắng nóng Brazil ác ôn chẳng khác Việt Nam, vậy mà đá lúc 13-14 giờ, bở hơi, mỗi lần banh văng cao khỏi gôn hay cách xa lưới, lại bị cho là "đá cho Phật Bà coi". Tội nghiệp, dân chúng ngồi yên một chỗ thì thấy hết, chớ cầu thủ phờ người và quýnh, chẳng thấy rõ như mình. Mỗi lần thủ môn nhào chụp quả banh, tôi tưởng tượng trúng trật gì mà lúc đó dù Em có đứng bên kêu mỏi miệng Anh cũng chẳng tơ hào. Nhưng vai trò vô duyên bạc bẽo nhất chắc là cụ trọng tài. Mắt phải căng ra theo dõi kiểm soát từng đứa, chúng nó bịp bợm lắm, hấp háy nhìn không kịp lại mang tiếng với thế gian, chân cứ phải bán mạng rượt theo trái banh, mà chẳng hề được đá một cái nào, Kim Thánh Thán hỏi chẳng khó chịu sao? Và tôi cũng rất phản đối quan niệm "trong sân, trọng tài là vua". Thời buổi máy móc mà cứ để chút nhầm lẫn con người khiến không đáng thua lại bị thua, ức chứ. Rồi cứ phát tới phát lui hình ảnh ấy, thua oan lại càng oán "thằng cha trọng tài". Bởi vậy nên có chuyện "bàn tay Thượng đế" của Maradona dạo nọ.

Hồi nhà tôi còn vung vít đôi chân, rờ-co của nhóm bạn là 0-11. Chả là đi trại hè ở một làng miền Nam nước Pháp, thấy sân banh có đèn, thèm quá, cả đời sinh viên chưa bao giờ được đùa nghịch trái banh trong cái sân "hoành tráng" như vậy, các cậu bèn ngỏ ý cù rủ đội banh làng thi thố (đâu ngờ cái làng nhỏ xíu mà có sân banh đèn đuốc thì là thứ dữ: nó chơi "Division d’honneur" của Pháp đấy!). Ông Thị trưởng hăng hái chấp nhận ngay, hí hửng gọi đám banh nhà đang đi hè phải về tức khắc, râm ran đòi bán vé; sợ quá, thú thiệt là mình chỉ tay ngang, thèm đá cho vui thôi. Họ lại tưởng phe ta khiêm nhượng, phải nói mãi mới chịu bỏ "ý đồ" bán vé. Khỏi nói là dân chúng của làng, trại hè sinh viên và trại hè con nít đỏ mặt tía tai hè nhau gào khản cổ khích lệ nhưng trái banh tinh ranh chỉ đánh hơi bàn chân của "chơn cầu thủ" mà quấn quýt. Đám hè nhí thiếu điều nhảy dựng lên bể phổi "Allez les vacanciers", hy vọng giọng ngây thơ của mình có thể động lòng thần thánh. Mà thánh thần vẫn bặt vô âm tín. Sốt ruột, sếp của đội nhà nghề hỏi sếp đội giả nhà nghề "Anh muốn thay người không, tôi cho mượn", hỏi "Anh muốn thay ai?", chỉ tay "Thay cậu đó", trợn mắt "Ý đâu có được, đó là cầu thủ hay của tôi mà!". Là nhà tôi đấy. Biết đá, nhưng vì nhỏ con nên cầu thủ thứ thiệt không dám tới gần, cho nên chẳng cần chơi xấu chơi bạo gì hết, hơi gió phà cạnh bên cũng dám té gãy cổ, nên họ vừa lừa banh vừa nương niu đối thủ, chớ không thì sát phạt dám thành sát nhơn! Thế mà cuối cùng ôm tới 11 cây gậy với tiếng cười khàn đặc của cả làng. Bấy giờ thì họ hiểu không phải các chàng sinh viên da vàng này khiêm nhượng mà là cả gan! Kết thúc hỉ hả thân tình bằng nồi cháo gà thơm lừng của các nữ sinh công dung ngôn hạnh, ông Thị trưởng và đội banh làng hoan hỉ cùng sì sụp. Và cho tới giờ đã về hưu, anh bạn giữ gôn mỗi lần nhắc đến vẫn cứ lên giọng kể công "Nếu không phải là tôi thì còn ăn nhiều trái nữa đấy!". Và các cụ vẫn say sưa cười hỉ hả thoả thuê như trận đấu vừa thổi hết giờ. Từ đó, thấy ai thua mấy trái đành chịu, tôi chỉ mong họ gỡ được một trái làm cây gậy danh dự về đường. Như sốt ruột mong cho Brazil. Và OUF! Rồi nhìn nước mắt dân chúng đổ ra mới ngại làm sao cho những ngày sắp tới... Đức Phật đã bảo mà, đời là bể khổ, hơn thua lại càng khổ!

Đó là bây giờ xem cũng hiêu hiểu rồi, chớ trước kia nhà tôi hoài công vẽ cái bảng, giải thích vị trí hậu vệ, trung vệ, tiền phong... tôi lại càng rối, ngạc nhiên vì thấy cầu thủ chạy tán loạn chớ có đứng nguyên vị trí nào đâu? Và vẫn thắc mắc đối thủ lừa lừa giữ trái banh dưới chân, thì chạy tới làm chi cho mất sức vì mình chưa kịp tới gần là nó đã đá đi chỗ khác rồi? Đã chẳng mặn mòi gì với trò chơi này mà nghe người tường trình hớt ha hớt hải tả cảnh, mệt đứt tim. Có nên cho là anh bạn có máu... cực đoan không, kể một lần thấy cầu thủ té, nằm cáng khiêng ra, chẳng biết phó nhòm quay làm sao được lúc chàng đó nháy nháy mắt, ý là không sao, tớ ăn gian đấy. Từ đó anh bạn chẳng thèm xem đá banh nữa, nói là chúng nó lừa đảo! Đi hè, một bà đầm hỏi vous thấy chồng tôi đâu không, nói ổng đang xem đá banh ngoài kia, bà đầm bỉu môi kết luận "Tui chưa thấy trò chơi nào ngu xuẩn như vậy. Hai chục thằng chạy trối chết giành một traí banh!". Bên Tây phụ nữ có vẻ không "ngu" theo các ông nhiều như bên mình. Thì may là nhằm mùa "khuyến mãi" thời trang an ủi họ. Cho nên nhà tôi bảo đá banh lạ lắm em biết không, đá không vào lưới thì chân nặng như chì, nhưng lọt lưới thì chân như mọc cánh. Không biết. Cũng chẳng thèm biết. Tôi chỉ thấy chỗ nào đồ xôn rẻ mà đẹp thì chân mới mọc cánh thôi! 

Bà Bộ trưởng thể thao trẻ trung xinh đẹp của Pháp ăn nói duyên dáng hay ho. Khi tuyển Pháp bị loại, báo chí cho rằng đã "chấm dứt giấc mơ", bà sửa lưng bảo nói sai rồi, mà là "giấc mơ bắt đầu". Dù không toại nguyện nhưng rất vinh quang, đã quây đội Đức cũng trầy vi tróc vảy. Cầu thủ Xanh-Trắng-Đỏ trở về vẫn được chào đón như những anh hùng. Thiên hạ lại hy vọng tràn trề cho cúp quốc gia Âu Châu trong 2 năm tới. Mệt!

Xuân Sương,
Paris, 7-2014.