Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]             [ Trang chủ ]              [ Tác giả ]

Lão Dậu tò he

Truyện ngắn của Nguyễn Chính

Chiến tranh cuối cùng cũng đã phải kết thúc. Làng Tó mở hội ăn mừng mấy ngày liền, kèn trống ỏm tỏi, lửa đèn sáng đêm. Thật tội nghiệp, chỉ có nhà lão Dậu chuyên nghề nặn tò he là suốt ngày cửa đóng im ỉm, mới chập tối lão đã vội tắt đèn lên giường. Lão nằm đó mà lòng rối như canh hẹ, hết nghĩ đến thằng Thực, lại nhớ đến người vợ xấu số đã bỏ lão mà đi vì bị sản giật, khi thằng Thực tội nghiệp của lão còn đỏ hỏn. Cả đêm trằn trọc không tài nào chợp được mắt, lão lại trở dậy hút thuốc lào khan. Cái điếu cày đang sòng sọc rít lên, bỗng bị lão lấy tay chặn lại, chỉ còn phát ra tiếng khèn khẹt như người bị nghẹt mũi. Lão không muốn có bất cứ sự chú ý nào. Ngay cả ba gian nhà mái rạ ọp ẹp này, lão cũng chỉ muốn có một phép lạ làm cho nó độn thổ luôn, tụt sâu vào lòng đất cho rồi. Chao ôi ! chẳng thà cứ như mẹ thằng Thực lại còn được yên phận. Trằn trọc miên man mãi, rồi lão lại thở dài, lẩm nhẩm một mình xin giời phật đại xá, rằng vì tủi thân, và buồn ... và giận thì nghĩ vậy thôi, chứ lão nhớ thương thằng con lão lắm... Thằng Thực của lão, hòn máu của lão, núm ruột của mẹ nó để lại, chính là báu vật mà lão được giời đất ban cho. Lão làm sao quên được trong cơn hấp hối, nước mắt mẹ nó cứ ứa ra nhìn lão, miệng cố mấp máy mà không thành lời, nhưng lão đã gật đầu để mẹ nó yên tâm rằng, lão hiểu hết, hiểu hết...
*
*   *
Làng Tó nằm bên sông Giang thuộc vùng "chiêm khô, mùa thối", từ xa xưa đã nghèo. Cứ liên miên mãi hết chiến tranh này đến chiến tranh khác, nên làng Tó lại càng nghèo. Lão Dậu mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bị tật bẩm sinh, bước đi khập khiễng vì cẳng chân trái chỉ nhỏ bằng cái ống điếu. Lão đi ở chăn trâu cho nhà cụ Bá Mật. Mang tiếng là giàu nhất nhì làng Tó, nhưng nhà cụ Bá Mật cũng chỉ có vài mẫu ruộng và mươi con trâu. Tuy chỉ là đứa ở, nhưng chăm chỉ, lại thật thà chịu khó, nên Dậu được cả nhà cụ Bá Mật thương, chẳng phân biệt đối xử gì. Cụ Bá Mật có người con trai đầu là Bân cùng trạc tuổi Dậu, sau này khi lập gia đình thường gọi là Trưởng Bân. Ngày ngày, Dậu và Bân cùng đi thả trâu, thân thiết chẳng khác gì anh em. Người làng Tó dựng vợ, gả chồng cho con cái sớm lắm. Chưa đầy mười tám tuổi, Bân đã có vợ. Còn Dậu, tuy khỏe mạnh, tốt tính thật, nhưng vì có tật nên nhà nào có con gái cũng ái ngại. Vậy mà không hiểu sao hồi ấy, mẹ thằng Thực lại bằng lòng lấy Dậu. Cụ Bá Mật mừng lắm, cho gọi Dậu lên, bảo :

- Nó hơn mày hai tuổi cũng không sao. Gái hơn hai, giai hơn một là chuyện thường. Cốt là ở sự hòa thuận, cùng bảo ban nhau mà làm ăn. Vậy là mày có phúc rồi, nếu mày chịu, ông sẽ cưới cho.

Có vợ rồi, Dậu được cụ Bá Mật cho một con trâu cùng sào rưỡi ruộng và được ra ở riêng. Cuộc sống tuy nghèo, nhưng đang an bình thì chiến tranh tràn đến. Pháp đuổi Việt Minh, rồi Việt Minh lại đuổi Pháp. Dân làng Tó tan tác, kẻ chạy ngược, người chạy xuôi. Vợ chồng Dậu tản cư lên ngả Hòa Bình. Thằng Thực vừa được sinh ra đã phải mồ côi mẹ, đúng vào những ngày chạy giặc khốn khổ ấy. Đó là giữa năm 1950. Khỏi phải nói những ngày tháng sau đó, Dậu đã phải một mình gà trống nuôi con cơ cực như thế nào. Thằng bé khát sữa cứ khóc ngằn ngặt. Dậu tập tễnh bế con đi hết bản này, đến bản khác xin người ta cho nó bú nhờ. Rồi cháo, rồi bột ... Rồi địu con trên lưng, ai cần việc gì cũng gắng làm, vừa để kiếm sống qua ngày, vừa có chút tiền gom vào gửi người ta mua sữa. Nhờ giời, thằng bé hay ăn, mau lớn và cũng không hay ốm vặt, tối tối cứ rúc vào nách bố ngủ ngon lành. Cứ thế, thằng Dậu nhờ vào hơi ấm của bố mà lớn lên ...

Khi Dậu dẫn con về lại làng Tó, thì thằng Thực đã được hơn ba tuổi. Bố con lếch thếch vừa đi, vừa nghỉ suốt mấy ngày liền. Thằng Thực lon ton lúc chạy, lúc lại được bố nó cõng trên lưng, cho ngồi lên cổ, về đến đầu làng thì trời đã tối mịt. Cả làng tối thui, chẳng thấy bóng người, chỉ nghe ran ran tiếng chó sủa, khiến thằng Thực sợ hãi cứ ôm riết lấy cổ bố. Căn nhà mái rạ bé tý của vợ chồng Dậu ngày nào đã biến mất, còn trơ ra cái nền đất lạnh ngắt trong ánh sáng lập lòe của lũ đom đóm. Lặng đi một lát, rồi Dậu cõng con lần mò đến nhà cụ Bá Mật. Cổng nhà cụ Bá Mật chỉ còn một cánh, mở toang. Nhà trên tối thui. Nhà bếp phía dưới leo lét ngọn đèn dầu, lố nhố những bóng người. Chuồng trâu trống hoác. Thảo nào không thấy tiếng chúng cọ sừng vào cột chuồng sồn sột, hay đen đét quất đuôi xua muỗi ...

- Cụ ơi ! Con đây cụ ơi ! - Dậu hấp tấp gọi liền mấy tiếng.

- Ôi ! chú Dậu, cả nhà ta ơi chú Dậu về này. Cả con chú ấy nữa này.

- Anh Bân ! chào bác Bân đi con !

Thằng Thực vẫn chưa hết sợ, nói lý nhí, chẳng nghe ra câu gì. Trưởng Bân bế thốc nó vào nhà :

- Vào trong này, vào trong này, thế là cu Mía có bạn chơi rồi đây.

Ngọn đèn dầu đã được vặn to lên. Dậu giật mình , khi nhìn thấy cái bàn thờ sơ sài ở gian giữa bếp có đồ thờ cúng trắng toát.

- Bác ơi, cụ đã ...

Trưởng Bân buồn rầu :

- Ừ ! Thầy tôi đi rồi chú ạ, vừa qua bốn chín ngày. Chuyện dài lắm để nói sau. Thế thím ấy đâu, không về cùng à ? Sao, chú nói sao, thím ấy mất khi nào, làm sao mà mất ?

Chỉ mới nghe Dậu kể sơ qua, Trưởng Bân đã hiểu cả, nói sau tiếng thở dài :

- Thật tội nghiệp cho thím ấy, tội nghiệp cho bố con nhà chú. Thôi đã về rồi thì đừng đi đâu nữa, no đói gì, ở làng cũng vẫn hơn.

- Sao không để bàn thờ cụ ở nhà trên hở bác ?

- Chú ơi ! Vì bị quy là địa chủ nên nhà trên bị Đội cải cách niêm phong rồi, mọi thứ trong nhà đều bị tịch thu hết, đang chờ chia quả thực.

Mãi mấy hôm sau Trưởng Bân mới nói cho Dậu biết, cha mình vì bị đấu tố oan ức quá, nên đã uống thuốc chuột tự tử. Dậu nghĩ mà thương cụ Bá Mật quá. Ngày vợ chồng Dậu đến chào để chạy tản cư, cụ vẫn là một lực điền khỏe như vâm, vậy mà ...

Trưởng Bân cũng có cậu con trai hơn thằng Thực gần một tuổi, được ông nội đặt tên là cu Mía. Hai đứa thân nhau ngay, suốt ngày tha thẩn đánh bi, bắt dế ... Cho đến một hôm Dậu được tay đội trưởng cải cách gọi đến :

- Anh đi ở cho nhà địa chủ gian ác Bá Mật từ bao giờ ?

- Thưa , từ nhỏ.

- Cẳng chân anh tại sao lại bên bé bên to, đích thị là bị Bá Mật nó đánh đến thành tật như thế phải không ?

- Không ! hoàn toàn không ! Cụ chưa bao giờ đánh tôi - Dậu gay gắt cãi.

Người đội trưởng liền đập tay xuống bàn :

- Cụ, cụ cái gì. Không được gọi địa chủ là cụ. Nó ác như quỷ, nó đánh cho đến thọt cả chân, mà còn cụ, cụ ...

- Không phải ! Chân tôi từ ngày cha mẹ sinh ra đã thế. Không tin, xin ông đội cứ đi mà hỏi cả làng. Cụ Bá Mật là người tốt. Cụ chẳng đánh ai bao giờ. Tôi không thể vu oan cho cụ...

Viên đội trưởng cải cách lại đập bàn cắt lời Dậu, quát lớn :

- Im ngay ! Tôi cấm anh không được gọi địa chủ là cụ.

- Nhưng cụ Bá Mật còn nhiều tuổi hơn cả bố tôi.

- Nhiều hơn, nhưng nó là địa chủ. Anh hiểu chưa ?

- Địa chủ thì địa chủ, tôi cũng không thể hỗn, thể láo với cụ được.

- Đấy ! lại cụ, cụ ...

Rồi cả hai đều im lặng. Lát sau viên đội trưởng hạ giọng, nhưng vẫn đầy vẻ hách dịch :

- Anh Dậu ! Anh nghe đây, đội đã chọn anh làm cốt cán ...

- Làm cốt cán là đi làm cái giống gì ? - Dậu hốt hoảng cắt ngang.

- Anh là đứa ở cho nhà nó lâu. Anh biết rõ nhiều chuyện. Anh phải tố giác những việc làm bóc lột nông dân, độc ác quỷ quyệt của nó ...

- Nhưng người ta chết rồi.

- Chết rồi cũng phải tố cho nó lòi cái mặt giả nhân, giả nghĩa, tiếp tay cho phong kiến, đế quốc sài lang, nhằm chống đối cách mạng thế giới của nó ra. Anh sẽ được chia quả thực.

- Thế thì xin ông đội tìm người khác. Tôi không cần nhận quả thực, quả thiếc gì sốt. Tôi cũng không làm cốt cán được, không nói điều thất đức được.

- Hừ ! giỏi. Thế thì anh giỏi thật, dám chống lại đội thì rõ là to gan. Được, chúng tôi sẽ có biện pháp với anh. Kể từ hôm nay, bố con nhà anh không thể ở trong nhà địa chủ Bá Mật, để bàn tính chuyện chống phá cách mạng thế giới với thằng Trưởng Bân con nó được nữa. Anh rõ chưa ? Thôi cho anh về.

Nói là làm. Ngay trưa hôm đó, viên đội trưởng đã cho hai du kích đến, dẫn bố con Dậu ra ở một góc đình làng Tó, nơi từ mấy tháng qua đã bị biến thành chỗ nhốt trâu bò, lợn, gà tịch thu được của mấy nhà bị quy là địa chủ.

Ơn giời, những ngày điên điên, khùng khùng ấy rồi cũng nặng nề trôi qua. Dân làng Tó lại xúm nhau dựng cho bố con Dậu căn nhà mái rạ trên nền cũ. Bàn thờ cụ Bá Mật cũng đã được chuyển lên nhà trên. Ngày ngày, bếp của mỗi nhà dân trong làng lại mấy lần đỏ lửa. Bữa ăn tuy một phần gạo phải độn đến mấy phần khoai, sắn, nhưng cứ được an bình, không có giặc là sướng rồi. Thằng Thực và cu Mía cùng đi thả trâu, cùng học một lớp. Càng lớn lên, chúng càng thương nhau như anh em. Hai đứa cùng nhổ dò bằng nhau như đôi đũa. Vào cấp ba, phải đi học tận thị trấn cách nhà những hơn chục cây số, hai đứa vẫn cùng ở trọ một nhà, cùng góp gạo thổi cơm chung, đến quần áo cũng mặc chung. Cu Mía còn làm bí thư chi đoàn của lớp. Nó vừa hát hay, lại vừa hay hát và thiên về các môn xã hội, nên muốn trở thành nhà văn. Còn thằng Thực lại yêu thích các môn tự nhiên, nhất là môn sinh vật, mơ sau này được làm bác sỹ ... Khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, thì hai đứa vừa nhận được bằng tốt nghiệp lớp mười. Một hôm, cu Mía hồ hởi chạy đến tìm thằng Thực :

- Này ! Tớ xung phong đi bộ đội ngay đợt này, đằng ấy đi cùng tớ không ?

- Đi ngay đợt này à ? Sợ thầy tớ không chịu.

- Có gì mà không chịu. Trai thời loạn, gái thời bình. Thầy cậu sẽ không cản đâu. Hôm dự lớp học chính trị trên tỉnh, nghe anh bí thư tỉnh đoàn nói, mình thấy chí lý lắm.

- Nói sao ?

- Lý tưởng của thanh niên phải là lý tưởng cộng sản. Nợ nước, thù nhà thì phải trả. Đại khái anh ấy nói nhiều lắm. Khi viết thu hoạch bài giảng tớ đã liên hệ rằng, ông nội tôi chết oan ức cũng vì bọn phong kiến, đế quốc. Chúng đối xử với đồng loại như loài cầm thú. Bạn tôi, tức là cậu đấy, vừa lọt lòng đã phải mồ côi mẹ, cũng là vì bè lũ đế quốc, tư bản độc ác. Aø này, tớ vừa học thuộc được mấy bài hát. Bài nào cũng hay hết ý. Đằng ấy nghe thử nhé, tất nhiên là tớ hát chưa được đúng nhạc lắm.

Và, cu Mía lên giọng hát rất hồn nhiên :

" Có những ngày vui sao cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống dục ..." và " Đường ra trận mùa này đẹp lắm...". Rồi "đi ta đi, những trai làng Phù Đổng, còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân...". À này, đằng ấy có nhớ câu nói của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vị cha già của dân tộc ta chứ ? Bác đã nói là "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được tự do, độc lập". Riêng với nhà thơ Tố Hữu, một đại thi hào minh họa của cách mạng, thì được ra trận là hồ hởi lắm, sướng lắm, nên ông đã có câu thơ được coi là ngang tầm thời đại " xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai ...". Thế đấy, đằng ấy thấy chưa ...

Thế là, giữa tháng 5 năm 1970, trong khí thế đầy phấn khích và bừng bừng hứng khởi như vậy, thằng Thực và thằng cu Mía làng Tó đã cùng xung phong nhập ngũ để được ra mặt trận.

*
*  *

Qua những ngày cố gượng vui, gượng cười cho con yên tâm cùng bạn bè ra đi, lão Dậu đổ sụp như cây chuối già sau trận bão, hết tập tễnh ra sân lại vào nhà, ngồi xuống ghế, nằm ra giường, rồi lại nhổm dậy. Tay chân lão cứ đờ đẫn không thể nào mó mẩn được cái gì, mồm miệng nhạt thếch, niêu cơm chỉ bé bằng quả quýt mà ăn mấy bữa không hết. Trưởng Bân bây giờ đã là đội trưởng sản xuất, thỉnh thoảng thường ghé qua nói dăm ba câu chuyện, nên dần dà lão cũng nguôi ngoai. Có lần Trưởng Bân đột ngột hỏi :

- Chú Dậu sinh sau tôi có vài tháng. Vậy là chú mới ở độ tuổi "tứ thập nhi bất hoặc", tuy đã thông tỏ được mọi nhẽ đời, nhưng vẫn còn trẻ chán. Hay là, hay là tìm lấy một đám rổ rá cạp lại, cho cửa nhà đỡ hiu quạnh.

- Không ! Không được bác ạ. Thằng cháu Thực thương tôi, nhiều lần nó cũng bảo thế. Nhưng tôi sống thế này quen rồi. Mẹ nó mất sớm, tật nguyền như tôi, ông giời cho có được nó đã là đại phúc, chẳng còn dám mong gì nữa. Chỉ cầu cho chóng hết cái chiến tranh, đợi cháu Thực nó về, cưới vợ cho nó xong là tôi mãn nguyện.

- Ban quản trị hợp tác xã cũng ái ngại cho hoàn cảnh của chú lắm. Họ muốn kiếm một việc vừa sức để chú làm cho khuây khỏa. Nghe nói hồi tản cư ở Hòa Bình, chú có làm bẫy giữ nương cho đồng bào, để muông thú khỏi phá sắn, phá ngô ...

- Có, có. Bẫy cũng làm, nhưng đánh không xuể, chủ yếu là tôi làm những thằng bù nhìn dọa cho chúng sợ. Tôi còn học được cả cái nghề làm tò he cho trẻ con. Hết mùa vụ, lại quay ra giã bột nặn tò he mang ra chợ bán. Vậy mà hai bố con cũng sống tàm tạm được.

- Vậy thì tốt rồi, để tôi báo lại với mấy ông quản trị.

Thế là suốt mấy năm trời, cứ đến khi lúa bắt đầu đông sữa là những cánh đồng làng Tó lại ngất ngưởng lũ bù nhìn hình người kỳ dị đủ loại bằng rơm, bằng lá chuối. Người gọi là con bù nhìn. Người gọi là thằng bù nhìn. Trưởng Bân tặc lưỡi "Thôi thì con, thì thằng gì cũng được tuốt, tật tật đều bởi một tay lão Dậu bày ra cho chúng nó làm trò hề, miễn là đánh lừa được lũ chim muông ngu dại...".

Ruộng đất làng Tó chẳng nhiều bằng ai, nhưng lại có hẳn một hợp tác xã bậc cao với cái tên nghe thật oách : Hùng Mạnh. Mùa nào bội thu, mỗi ngày công là mười điểm cũng chỉ được chia dăm lạng thóc ướt, nên cả làng cứ đói dài dài. Mỗi con, mỗi thằng bù nhìn của lão Dậu chẳng biết có được tích sự gì không, cũng được phóng lên tới ba công, tức là ba chục điểm. Dân làng Tó xì xào " Lão Dậu thế mà sướng. Một thân một mình, chẳng phải nuôi ai, hai tay vày vào lỗ miệng". Thời chiến hàng hóa khan hiếm, phân phối từ lít nước mắm, vài ba cây kim, dăm trăm mét chỉ khâu, đến cả mấy cái áo may ô, mấy cái quần đùi. Cũng như những nhà khác có con ở chiến triến trường, cái gì lão Dậu cũng được ưu tiên, chỉ hơn người ta một tý ty thôi cũng thấy hãnh diện, thấy sướng. Vẻ vang nhất là trong các cuộc mít tinh của làng, của xã, cha mẹ của liệt sỹ, của thương binh, của bộ đội chiến trường, đều được mời lên hàng ghế đầu danh dự, được lãnh đạo đến bắt tay ... Tuy vậy, lão Dậu vẫn sống rất tằn tiện, khiêm nhường. Ăn một miếng ngon, lão cũng ứa nước mắt nhớ thương con. Đêm giá rét, nằm trong chăn ấm lão cũng ứa nước mắt nhớ thương con. Từ ngày thằng Thực đi B, tức là ra chiến trường, mỗi tháng lão Dậu được nhà nước cấp cho mười đồng. Lão bảo đó là tiền xương máu của thằng Thực, nên gửi tất vào ngân hàng. Làm lụng gom góp được đồng nào, lão cũng gửi hết cả vào ngân hàng. Lão bảo, thằng Thực về thì cứ sãn đấy mà cưới vợ.

Đã lâu lắm rồi, dễ cả gần nửa năm không có tin tức, thư từ gì của thằng Thực và thằng cu Mía. Không biết chúng nó có còn được ở với nhau nữa không. Nghe trên đài, thì càng ngày càng đánh nhau to lắm. Lão Dậu cứ thấy bồn chồn không yên, liền đến nhà Trưởng Bân hỏi thăm. Lòng dạ Trưởng Bân cũng đang như lửa đốt, nhưng nhìn vẻ mặt lo lắng của lão Dậu, Trưởng Bân vẫn cố lấy giọng bình thản an ủi :

- Chắc là chúng vẫn cùng ở với nhau thôi, tuổi trẻ là hay mê mải lắm, chúng còn phải lo kiếm lấy mấy cái dũng sỹ chứ.

- Bác bình tâm được, còn tôi lại cứ thấy lo. Tuổi trẻ, tuổi già gì thì cũng thế cả. Hòn tên, mũi đạn làm gì có mắt, nó nào có biết kiêng nể ai.

- Nhưng mình có lo cũng chẳng làm gì được. Thôi thì ta cứ nhờ vào ông giời ...

*
*  *

Chạng vạng tối một ngày đầu hè năm 1972, sau trận chiến giáp lá cà với quân giải phóng bên bờ sông S, thuộc tỉnh Q, chiếc máy bay lên thẳng nhãn hiệu Hoa Kỳ loay hoay mãi vẫn chưa tìm được chỗ hạ cánh. Viên chỉ huy gầm lên :

- Cứ xuống đại đi ! Hết mẹ nó thời gian rồi.

Khi máy bay vừa tiếp đất, nhiều người đã nhảy xuống cùng với những chiếc cáng, chạy đến bên những thân người nằm ngổn ngang, không biết còn sống hay đã chết. Tất cả đều được chuyển vội vào máy bay. Viên chỉ huy luôn mồm la hét trong tiếng nổ phành phạch của động cơ :

- Nhanh lên, nhanh nữa lên ! Bọn pháo nó sắp chụp xuống rồi.

- Báo cáo đại úy có một Việt cộng bị thương rất nặng, hình như còn thở.

- Bỏ luôn ! chỉ còn mấy phút thôi, bỏ luôn đi, rõ chưa ? - Viên chỉ huy hét.

- Rõ !

- Không được ! Ông đại úy! Tôi đã xem kỹ, anh ta còn sống, đưa lên khoang cấp cứu ngay !

- Đù má, muốn hứng pháo hả. Đứa nào không nghe tao bắn bể ...

Chợt nhận ra đó là tay bác sỹ, hình như là người nhà của chuẩn tướng tư lệnh mặt trận, viên đại úy chỉ huy khựng lại, rồi hạ giọng :

- Thôi được, thưa bác sỹ xin ông khẩn trương cho.

Người lính Việt cộng bị mất quá nhiều máu. Anh ta bị hai viên đạn xuyên qua phổi và nát hết bàn chân phải do mảnh pháo. Những người lính được chuyển lên máy bay, ngoài mấy người đã tử nạn, còn hầu hết đều bị thương. Họ luôn miệng rên la, chửi bới. Có ba người phải đưa vào khoang cấp cứu cùng người lính Việt cộng.

- Muốn liên lạc về Bộ tư lệnh có dễ không thưa ông đại úy - Người bác sỹ hỏi.

- Dễ. Nhưng bác sỹ có yêu cầu gì cứ nói với tôi.

- Vậy, tôi muốn cả bốn người lính bị thương nặng này phải được đưa luôn vào Đà Nẵng. Vì tính mạng của họ rất nguy kịch.

- Được ! Tôi đồng ý.

*
*  *
Mía vừa thức dậy, chưa kịp rửa mặt đã thấy cậu liên lạc của đại đội hớt hải bước vào :

- Báo cáo trung đội trưởng, chính trị viên cho gọi anh lên ngay.

- Chắc là đã có tin về mấy anh em mình trong trận sông S ?

- Hình như thế. Anh lên ngay nhé.

Trống ngực đập thình thình, Mía loạng choạng bước thấp bước cao đi về phía hầm chỉ huy đại đội, bụng bảo dạ, chắc là lành ít, dữ nhiều.

- Cậu ngồi xuống đi, bình tĩnh nghe mình nói nhé - Sau giây lát im lặng, chính trị viên nói tiếp - Trong trận sông S, cả ta và địch đều tổn thất rất nặng . Chúng đã cho đạn pháo dọn sạch đến từng mét đất. Sau mấy ngày tìm kiếm, bộ phận công tác đặc biệt xác định một số đồng chí của ta đã hy sinh, trong đó có trung đối phó Thực...

Mía chết lặng, hai tai ù đặc, không còn nghe thấy chính trị viên nói gì nữa. Người Mía run bần bật như đang lên cơn sốt. Cả tuần rồi Mía lo lắng về Thực đến mất ăn, mất ngủ. Phút chốc hình ảnh chú Dậu tập tễnh, cố chạy theo cái xe nhà binh chở Thực và Mía hôm đưa tiễn hiện ra, khiến Mía thấy mặt mũi tối sầm ...

- Liên lạc đâu, gọi y tá ngay !

Mía và Thực từ rất nhỏ đã sống với nhau, đi học cùng nhau, ăn chung, ngủ chung, quần áo cũng mặc chung, chia ngọt sẽ bùi, nhường nhịn nhau như thể anh em ruột thịt. Thực vô tư, thật thà đúng như cái tên của mình. Thực nhanh trí, thông minh, dễ tin và rất tự tin, thấy cái đúng là quyết theo bằng được. Khi vào trận, Thực luôn nhận thay Mía dẫn mũi tiến công chính, tìm mọi cách để kéo hỏa lực địch về phía mình, trận nào cũng có chiến tích. Vì thế mà từ tổ trưởng ba người, Thực được phong vượt cấp luôn lên trung đội phó... Thủa còn thả trâu, đánh đáo thì mày mày, tao tao. Lớn lên thì gọi nhau là "đằng ấy" với "tớ". Nhưng bao giờ Thực cũng coi Mía như anh trai. Vào bộ đội, được ở cùng thì cặp kè như tình nhân, không "đằng ấy" với "tớ" nữa thì Thực cứ quen miệng gọi là "anh cu Mía". Lần hành quân qua Quảng Bình, phải ở tạm nhà dân ít ngày, giao lưu với chi đoàn địa phương toàn là các o gái, mà Thực cũng cứ hồn nhiên gọi toáng lên : " Anh cu Mía ơi ! anh cu Mía ơi ! à đồng chí bí thư ơi !...", khiến các o gái vừa cười, vừa nhại theo " eng cu Mía ơi ! eng cu Mía ơi!", làm Mía đỏ mặt, ngượng chín cả người, mất cả khí thế, lúng túng mãi mới điều khiển được cuộc họp. Sau lần ấy, khi họp tiểu đội, Mía đã nghiêm khắc phê bình " Từ nay tôi yêu cầu đồng chí Thực không được gọi anh cu, anh chim gì nữa, đồng chí Thực rõ chưa ?". Thực vội đứng phắt dậy : " rõ". Thấy vẫn chưa yên tâm, Mía hỏi lại " Đồng chí rõ, là rõ thế nào". Thực lại phải đứng dậy, làm bộ dằn từng tiếng một " Báo cáo tiểu đội trưởng, rõ là không được gọi anh cu, anh chim ...". Thế là tất cả cùng òa lên, ôm bụng cười ... Còn bây giờ thì Thực ơi ! mày đâu còn, để tao cho mày tha hồ muốn gọi anh cu, anh kẹo, anh chim, anh cò gì cũng được ... Chao ôi ! Cứ nhớ lại những kỷ niệm ấy là Mía lại nấc lên ngẹn ngào ...

*
*  *
Đã qua gần một tuần rồi mà Thực vẫn sốt rất cao. Trong cơn mê sảng Thực luôn ú ớ gọi " Thầy ơi ! Thầy đâu rồi ... ". Ngày nào người bác sỹ đã cấp cứu Thực trên máy bay cũng ghé đến và ở lại rất lâu bên người thương binh Việt cộng này. Ông kiểm tra rất kỹ đơn thuốc và các thông số ghi trong bệnh án. Nhìn biểu đồ theo dõi nhiệt độ của Thực , ông lắc đầu, hỏi cô y tá trực :

- Đã có kết quả xét nghiệm lại máu chưa ?

- Phải chờ khoảng nửa giờ nữa, thưa bác sỹ.

- Cô xuống đó chờ lấy, rồi đem ngay lên cho tôi nhé !

Vừa đi ra, cô y tá đã quay vào ngay :

- Thưa bác sỹ, lúc tám giờ có một ông nói là bạn của bác sỹ gọi điện đòi gặp, tôi nói bác sỹ đang ở phòng mổ. Vừa rồi ông ta lại gọi, nhưng bác sỹ vẫn chưa mổ xong. Ông ta nói bác gọi lại cho ông ấy theo số máy này.

- Xin cảm ơn cô. Đúng, ông ta là bạn tôi.

Người bác sỹ vội chạy lên phòng tổng đài dã chiến dành riêng cho bên quân sự. Ông nhấc máy, trầm ngâm hồi lâu rồi mới bấm số :

- A lô ! Xin chào tướng quân. Ừ, tao bác sỹ Lương vừa ở chỗ mày về đây, à cảm ơn, cảm ơn, đúng rồi, đúng rồi, tiến sỹ, tiến sỹ. Chưa khao, chưa khao, đợi lúc nào mày về Sài Gòn khao luôn. Ừ, ừ, thằng bé còn rất trẻ chỉ khoảng hai mươi, hai mốt gì đó thôi, đang trong cơn rất nguy kịch, không biết có qua khỏi không. Nặng ! nặng lắm, còn đánh đấm thế quái nào được nữa. Chân phải của nó nát hết, buộc lòng bọn tao phải tháo khớp rồi... Đúng! Bọn tao có lời thề Hyppocrate, cũng như chúng mày có lý tưởng đánh nhau giết người của chúng mày thôi. Cái gì ? lai lịch, quê quán, tên đơn vị của nó à ? Chúng mày cần những cái đó để làm gì ? Nguyên tắc phải thế à ? Được thôi, tao sẽ cho làm rồi gửi cho mày ngay. Nhưng tao cũng có một yêu cầu rất mong được mày giúp. Ừ, tao nói ngay đây. Khi về Sài Gòn, tao muốn mang theo thằng nhỏ Việt cộng đó. Mày cười cái gì ? Tất nhiên là nó đang rất nguy kịch, tao không nói láo đâu. Nhưng tao sẽ cố hết sức. Cái gì ? Mày bảo mày biết tỏng chuyện của tao rồi à ? Thế đấy, cô ấy đã bỏ tao để theo một thằng mẽo rồi, ừ hồi cuối năm ngoái. Tao nghĩ cũng phải thôi, gần năm chục cái xuân xanh rồi, biết chắc mình không bao giờ có con được, thì ràng giữ mà làm gì, giải phóng cho người ta là phải đạo. Chắc chứ ! tao là bác sỹ mà. Sao ? Mày bảo thế nào, yêu cầu của tao khó à ? Nhưng mày là tướng tư lệnh kia mà. Ừ, ừ tao hiểu rồi, tao sẽ cho gửi ngay những thông tin về thằng bé cho mày. Được mày ok như thế là tao cảm ơn mày lắm rồi. Thế nhé, tao chẳng chúc mày thắng thua gì đâu, chỉ cầu giời cho bom đạn của Việt cộng nó chê mày thôi. Rất cảm ơn. Goodnight !

Xem xong kết quả xét nghiệm lại máu của Thực, bác sỹ Lương giục cô y tá :

- Cô chuẩn bị mọi thứ để đưa cậu thương binh này bay vào Sài Gòn ngay.

- Thưa, bác sỹ cũng đi cùng phải không ạ ?

- Đúng rồi ! cô chuẩn bị gấp lên nhé.

*
*  *
Hai tháng sau. Thực dậy sớm, chống nạng đi đi, lại lại trong vườn hoa của một biệt thự nhỏ tại Sài Gòn. Thực được ra viện từ chiều qua. Đây là nhà của ông bác sỹ mà mới tiếp xúc lần đầu khi vừa tỉnh lại, đã gây cho Thực cảm giác thật gần gũi. Khi biết mình đang ở giữa Sài Gòn, nơi mà các cán bộ chỉ huy và anh cu Mía thường nói chính là sào huyệt cuối cùng của bọn Mỹ Ngụy, thì Thực nghĩ đích thị mình đã địch bị bắt rồi còn gì.

- Không có ai bắt cậu và cũng không có địch, có ta gì ở đây cả - Ông bác sỹ lúc ấy đã khẳng định với giọng dứt khoát.

- Nghĩa là ...

- Nghĩa là cậu đã sống lại và bây giờ cậu phải sống, trước hết vì bố mẹ cậu, vì những người thân của cậu.

- Thưa bác sỹ , đây là ...

- Đây là cơ sở điều trị từ thiện của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế.

- Thế cháu có được liên lạc với bên ngoài không ?

- Được chứ ! Nhưng trước mắt thì chưa thể.

- Vậy bây giờ cháu phải làm gì ?

- Cậu không phải làm gì cả, ngoài việc lo điều trị và sẽ phải tập luyện.

- Rồi bác sỹ lại trả cho cháu về lại đơn vị cũ chứ ?

- Tất nhiên rồi, nếu cậu muốn.

Khi biết chính người bác sỹ tốt bụng này đã giành giật với tử thần từng phút một, đễ mang lại sự sống cho mình, Thực đã coi ông như ân nhân, như người cha thứ hai. Một lần sau khi kiểm tra vết thương, thấy mắt Thực buồn rười rượi nhìn bên chân đã bị tháo khớp dưới, ông bác sỹ liền bảo :

- Tiếc thật đấy, nhưng không đáng sợ, chúng tôi sẽ làm cho cậu một bàn chân khác cũng đẹp và giống như thật. Cậu có biết đáng sợ nhất trong hoàn cảnh hiện nay của cậu là gì không ? Là nếu cậu để mất sự tỉnh táo, sáng suốt, thì đến bác sỹ giời cũng đành bó tay chào thua thôi.

Đi lại một lúc, mồ hôi mồ kê vã ra như tắm, Thực ngồi phịch xuống ghế đá trước mặt, bần thần nhìn cây nạng bằng i-nox. Những ngày qua, sức khỏe càng dần bình phục, thì đầu Thực lại căng thẳng bao nhiêu là suy nghĩ. Hầu như đêm nào Thực cũng mơ thấy bố ở quê. Khi thì thấy bố đang ngồi nặn tò he. Những con vật bé tý bỗng dưng cử động được, rồi vùng chạy tán loạn, làm hai bố con cứ đuổi theo mãi. Khi thì thấy bố đang khom lưng cấy lúa, sợi dây ông buộc quanh bụng bên ngoài cái áo bông rách, sao lại bung ra thế kia ? Thực lao xuống định buộc lại cho bố đỡ rét, thì hai chân cứ bị bùn đất giữ chặt, không tài nào nhấc lên được. Khi lại thấy anh cu Mía cưỡi trâu lội qua sông Giang, người và trâu bị nước cuốn đi, bác Trưởng Bân ở trên bờ cứ chạy theo gọi mãi, gọi mãi, mà anh cu Mía vẫn cười sằng sặc ... Còn bây giờ thì Thực ngồi đây, cách làng Tó xa lắm, dễ phải đến ngót vài ngàn cây số. Cứ nghĩ đến bố là mắt Thực lại ầng ậc nước. Thực nhớ có lần anh cu Mía bảo " Thầy đằng ấy thích thật, tay chân vậy mà cày bừa cấy hái, cái gì cũng làm được, lại khéo tay nữa...". Ôi ! anh cu Mía chắc bây giờ lại đang chỉ huy trung đội đánh nhau dữ lắm. Thể nào anh cu Mía và các anh em khác đều cho là mình chết rồi. Họ không tưởng tượng nổi mình đang ngồi đây,giữa sào huyệt Sài Gòn với cái chân què đâu...

- Chào buổi sáng, con giai dậy sớm nhỉ. Sao, lại khóc à, trời ơi! Nam nhi mau nước mắt là vứt. - Ông bác sỹ vạm vỡ trong bộ đồ thể thao vừa đi vừa vung tay, vung chân đi một bài thái cực quyền rất đẹp. Tập xong, ông đến ngồi bên Thực, sau giây lát trầm ngâm, ông ân cần tâm sự :

- Nghe cậu kể về gia cảnh của cậu, mấy hôm nay ta cứ suy nghĩ mãi. Bố cậu là một người rất đáng kính trọng. Ông ấy hy sinh cả đời cho cậu và cậu chính là nguồn sống của ông ấy. Cậu mồ côi mẹ từ khi mới lọt lòng. Nhưng lại có một ông bố tuyệt vời. Còn cha mẹ ta đều mất vì một tai nạn bất ngờ, khi đang trên đường theo Chúa vào Nam. Lúc ấy ta đã mười tám tuổi. Gần hai mươi năm rồi, vẫn mãi sâu đậm trong ta vùng đồng cói Kim Sơn, Ninh Bình. Ta được như bây giờ là may mắn được một linh mục cưu mang, nuôi dạy. Ta theo nghành Y là làm theo ý Chúa " sống có ích cho đồng loại là có ích cho mình". Cũng như lời Đức Phật khuyên người ta không được làm điều ác. Lý tưởng nào thì cũng quy về việc xử lý thế nào với cái thiện, cái ác, về cách người ta đối xử với con người...

- Nhưng lý tưởng của thanh niên miền Bắc chúng cháu là lý tưởng cộng sản.

- Tốt thôi ! Cộng sản hay tư bản gì thì trước hết và trên hết vẫn phải đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên hàng đầu và phải xuất phát từ tình yêu thương đối với con người.

Tóm lại là cậu muốn được trở về với các đồng chí của cậu phải không ?

- Thưa bác sỹ, đúng là cháu muốn như vậy.

- Rất tốt ! Ta ủng hộ. Tuổi trẻ phải suy nghĩ và hành động bằng chính cái đầu của mình. Nhưng bây giờ phải lo chuyện cái chân của cậu đã. Ta đã dặn người giúp việc hướng dẫn cậu sử dụng toalet; ti vi ; đầu video; cat xét. Cậu thích đọc gì, cứ vào phòng đọc tìm trên giá sách ...

*
*  *
Hai tháng nữa lại trôi qua. Trong sáu mươi ngày ấy, Thực tiếp tục phải đánh vật với cái bàn chân giả, được ông bác sỹ đặt làm rất vừa và đúng là giống y như thật. Còn nhớ những buổi đầu tập đi, Thực phải chống nạng mà vẫn rất khó khăn, mỗi khi nhấc bàn chân giả lên là nhói vào tận óc. Như một người cha tận tụy, ông bác sỹ luôn tranh thủ lúc rảnh rỗi, ân cần an ủi, khích lệ, động viên Thực. Từ ngày vể ở trong biệt thự này, Thực luôn băn khoăn với câu hỏi , tại sao ông bác sỹ lại đối với mình tốt đến thế ? Đọc được suy nghĩ ấy của Thực, ông bác sỹ cười thật sảng khoái, vô tư :

- Ta chỉ làm theo lời răn của Đức Chúa và Đức Phật thôi : " hãy biết thương yêu đồng loại; quỷ giữ trong lòng là sự thù hận" và " an ủi lớn nhất của đời người là được làm phúc".

Khi bàn chân giả đã thuần, bước đi không còn đau, Thực đã bỏ hẳn được nạng. Thực mặc quần áo chỉnh tề, đi đi, lại lại trước gương, thấy vẫn còn hơi ngường ngượng mà trào nước mắt thương về người bố tật nguyền. Cũng những ngày này, chiều chiều ngồi hóng mát, hay sau bữa ăn ngồi uống trà, Thực thường được nghe ông bác sỹ nói về đất nước, về chiến tranh, về thân phận con người. Ông bác sỹ có hiểu biết rất rộng, rất uyên thâm về chính trị, xã hội, đặc biệt là về văn học nghệ thuật. Giá anh cu Mía của Thực mà được nghe, chắc là thích lắm. Ông bảo :

- Chiến tranh là tai họa của một dân tộc, một đất nước. Tất cả các cuộc chiến tranh tàn khốc diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chỉ có duy nhất một người thất bại, đó là nhân dân. Và, kẻ thù của sáng tạo trong mọi lĩnh vực là sự áp đặt. Ngoài ấy, các cậu không biết đến các ca khúc của Trịnh Công Sơn, không có cuốn đốc tờ Zhivago giải thưởng Noben để đọc. Một nền văn học chỉ hun đúc lòng thù hận là một nền văn học phản nhân văn. Một nền văn học chỉ xu phụ, tụng ca, minh họa là một nền văn học nô dịch. Học đến như cậu trong này gọi là tú tài rồi đấy. Cậu bảo cậu học rất tốt môn sinh vật, vậy mà cậu mù tịt về di truyền Menden. Trong khi cậu lại nói vanh vách về những thí nghiệm của Mitxurin, của Lysenko, mà không hề biết cụ Mitsurin chỉ là người thợ làm vườn tài ba, và Lysenko chỉ là anh chàng láu cá, cơ hội, không thể coi là nhà khoa học được. Nếu sau này cậu còn thích ngành sinh học, cậu sẽ phải học lại hết. Thế là công học của cậu thành công cốc.

- Thưa bác sỹ, theo bác sỹ thì cuộc chiến này ở ta còn kéo dài không ?

- Không ! Người Mỹ bắt đầu rút dần và họ sẽ rút hết quân về nước. Chỉ còn lại người Việt Nam chúng ta với nhau. Bên nào cũng muốn dùng bạo lực, thì máu dân mình còn đổ xuống cho đến khi người ta thấy đủ.

- Vậy còn sự trở về của cháu ?

- Ta đang hỏi, họ sẽ trả lời nhanh thôi.

Sau đó là những ngày chờ đợi, Thực được người giúp việc của bác sỹ đưa đi chơi khắp Sài Gòn. Trước mắt cậu học trò nghèo làng Tó, chưa một lần được thấy Hà Nội, hòn ngọc viễn đông hiện ra như trong cổ tích. Được ghé chợ Bến Thành, Tao Đàn, Thảo Cầm Viên ..., nhưng với Thực ấn tượng nhất vẫn là dinh Độc Lập, nghe nói từng là nơi ở, nơi làm việc của gia đình ông Diệm, hiện tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng đang ở trong đó. Chỉ đứng ngoài đường nhìn qua tường rào thôi, mà Thực cũng thấy hồi hộp... Và xe cộ, và người, cơ man nào là người. Họ cứ vô tư, vui vẻ, nhộn nhịp, tấp nập, như thể chiến tranh còn ở tận đẩu , tận đâu ...

Mấy ngày sau nữa, Thực sững người khi nghe ông bác sỹ ân nhân của mình nói rằng, mọi việc đã xong. Rằng, Thực sẽ được đưa trở lại vùng mặt trận trước đây và giao cho một trại tù binh, chờ trao trả cho phía Việt cộng khi chiến tranh kết thúc.

- Dạ thưa bác sỹ cháu cứ tưởng là ... tưởng là ...

- Tưởng là sao con giai ? - Vẫn với giọng ân cần ông bác sỹ hỏi lại Thực.

- Cháu cứ nghĩ là ... nghĩ là cái máy bay đó sẽ lại hạ xuống khu rừng bên bờ sông S, thả cháu xuống, để cháu tự đi tìm anh cu Mía của cháu ...

Ông bác sỹ phá lên cười :

- Trời đất ơi, chân cẳng vầy mà cậu vẫn còn muốn bắn nhau à ? Sao mà cậu nghĩ đơn giản thế. Chắc chắn là người ta cho rằng cậu đã chết rồi, nay bỗng dưng cậu lại nhanh trai, đỏ đắn khỏe mạnh thế này quay về, thì đồng đội nào mà không ngờ vực cậu ? Mới lại làm sao biết anh cu Mía của cậu còn ở đó. Nếu tìm không thấy, cậu sẽ ra sao ?

Thực ngây ra, chết lặng, rồi nấc lên như một đứa trẻ. Ông bác sỹ vỗ vai thực, an ủi :

- Thôi bình tĩnh con giai, con muốn vậy, nếu đó là ý Chúa thì phải chấp nhận chờ khi hết chiến tranh thôi. Mấy tuần nữa có công việc ra Huế, ta sẽ liên hệ trước với người ta, để tự đưa con đi theo ra đó luôn...

Những ngày chờ đợi tiếp theo với Thực vừa dài lê thê, vừa buồn nản vô cùng. Vậy mình rõ là thằng tù rồi còn gì. Hết tha thẩn ra vườn lại vào nhà, xem phim, nghe nhạc mãi, Thực cũng chẳng thấy vui vẻ gì, không biết làm gì cho hết ngày, hay là đọc sách để giết thì giờ vậy. Thực nói người giúp việc của bác sỹ mở phòng sách. Từ hôm đến, nghe bác sỹ nói trong đó có đủ các loại sách, kể cả thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết của miền Bắc, nhưng Thực chưa bao giờ vào. Cửa vừa mở, Thực đã thốt lên "Trời ơi ! những sách là sách ...". Bao nhiêu là sách, dày mỏng, cũ mới đủ cả, được xếp kín mấy cái kệ. Thực nhờ người giúp việc tìm giúp mấy quyển sách miền Bắc. Lát sau, anh ta ôm ra một chồng, nào là : Nhãn đầu mùa; Sóng gầm; Miền Nam bảy năm máu và hoa; Vượt Côn Đảo; Gió lộng; Từ ấy; Bất khuất ... Thực cầm quyển Bất khuất lên ngắm ngía hồi lâu, thì ra nó dày cỡ này cơ mà. Hồi học cấp ba, sách giáo khoa chỉ trích có mấy chương. Quyển này ông Nguyễn Đức Thuận nói về cai tù Bạch Văn Bốn khét tiếng dã man, kinh khủng lắm đây. Bất giác Thực rùng mình, xếp vội tất cả lại, nhờ người giúp việc để vào chỗ cũ. Thì mình cũng sắp là thằng tù của chúng nó rồi còn gì. Bọn không còn chút nhân tính đó đã hành hạ thân xác con người. Rồi liệu mình có còn sống nổi để mà chờ đến ngày hết chiến tranh, được trao trả ? Rồi còn Thầy mình ... rồi còn ... Cứ thế, sau mấy ngày đêm trăn trở, đợi lúc thuận tiện, Thực mạnh dạn nói với ông bác sỹ :

- Thưa bác sỹ, cháu không muốn đi làm tù binh có được không ạ ?

- Sao, cậu nghĩ lại rồi à ? - Ông bác sỹ gật gù im lặng hồi lâu rồi nói tiếp :

- Được ! Không muốn làm tù binh cho người ta, thì cậu sẽ phải làm tù binh của chính cậu, vậy thôi - Ông bác sỹ trả lời thản nhiên.

- Dạ ! Cháu chưa hiểu ý của bác.

Ông bác sỹ liền cười vang :

- Nghĩa là cậu muốn đền ơn sinh thành của bố mẹ cậu, có ích cho người này, người khác, thì cậu phải bắt mình học. Cậu phải là một anh tù khổ sai cho khát vọng được hiểu biết. Cậu hiểu chưa ?

- Nhưng cháu biết học cái gì và làm sao cháu có thể học được, thưa bác sỹ ?

- Này con giai ! Con thích nghề của ta phải không ? Vậy thì con phải đi học, ta sẽ giúp. Chắc đấy là ý Chúa cũng nên. Ta sẽ nói lại ngay với họ rằng, con muốn ở lại để được đi học, để được trở thành thầy thuốc ...

Không còn nghe thấy gì nữa, nước mắt ròng ròng chảy xuống hai bên má, Thực từ từ quỳ xuống trước ông bác sỹ, ngẹn ngào : Cha !

*
*  *
Lão Dậu trở mình, mệt mỏi ngồi dậy, hai mắt vẫn nhắm nghiền. Ngoài đình làng, tiếng trống ếch thiếu nhi vẫn dồn dập liên hồi, nhưng không át nổi tiếng mấy cái loa phóng thanh đang phát những bản hùng ca mừng chiến thắng. Ngồi chán, lão Dậu lại nằm xuống, đầu óc mông lung đủ thứ chuyện. Mới đầu nghe tin thằng Thực hy sinh, lão không tin, sau đó lại nói nó mất tích lão cũng không tin, rồi bảo nó chạy theo địch, lão lại càng không tin. Chỉ đến khi người phát khoản "tiền xương máu" hàng tháng nói rằng, bề trên đã cắt hẳn khoản tiền đó của nhà lão rồi, lão mới choáng váng, cười nói như người mất hồn suốt mấy ngày, khiến người nhà Trưởng Bân phải đưa lão đi bệnh viện. Khi trở lại bình thường, lão vừa thương con, lại vừa giận con. Nhưng từ trong sâu thẳm, lão chỉ có thương và tràn ngập một tình cảm thương con thôi. Lão hiểu con lão lắm. Thằng Thực là đứa con ngoan, từ nhỏ đã biết thương bố, sống tình nghĩa, thật thà, trung thực, chẳng biết sợ khó, sợ khổ là gì, cả làng Tó này ai cũng khen, cũng quý. Lẽ nào nó lại hèn nhát chạy theo giặc. Lão lơ đãng nhìn những con tò he phơi trên cái mẹt đã khô, chưa kịp mang ra chợ. Những con tò he đủ loại, hình Tôn Ngộ Không, hình Trư Bát Giới, hình chú Tễu, hình thằng Bờm, thằng Cuội ... Tất cả cứ như cũng đang nhìn lão mà cười, mà trêu ngươi. Từ vụ mùa trước, hợp tác xã bắt đầu khoán sản, hộ nào có lúa thì tự lo mà giữ, nên cái nghề làm những con bù nhìn của lão đâm ra thất nghiệp. Lão lại quay ra nghề cũ, nặn tò he bán cho lũ nhóc ở quê. Lão có cái biệt danh "Dậu tò he" cũng là vì vậy. Hết nặn chim cò, lão lại nặn người, nặn vật, dựa vào tích này tích kia mà tùy hứng trổ tài. Những bọn chó, bọn dê, vua này, vua khác, chúa nọ, chúa kia, tri phủ, tri huyện, mặt mày lấc cấc, trâng trâng tráo tráo như một lũ lưu manh, cả Hít-le nữa, đều vô cùng sống động bởi bàn tay phù thủy của lão. Ơn giời, có đợt đắt hàng, giã bột, hông xôi, một mình hì hục cả đêm, vẫn không đủ giao cho mấy mụ hàng xén ở chợ. Nhưng cũng nhiều khi ế ẩm, tất cả lũ dê, chó và lũ vua, lũ quan bạc phước kia đều bị phủ một lớp mốc xanh, trông thật thảm hại, đến chó cũng không thèm ngửi...

Hình như có tiếng ai gọi, lão Dậu vội vục dậy, lật đật mở then cửa. Lão sững người thấy trước mặt lão là anh bộ đội mặc áo bốn túi, ngực đeo đầy huân chương.

- Chú Dậu ! cháu đây, cu Mía của chú đây.

Lão Dậu òa khóc, ôm choàng lấy Mía. Lão cứ nấc lên, nấc lên không nói được lời nào. Cu Mía cũng ôm lấy chú Dậu của nó và ngẹn ngào khóc tu tu như hồi còn bé. Hai người đàn ông, một già, một trẻ cứ thế ôm nhau khóc như mưa trong tiếng trống ếch, tiếng hát, tiếng nhạc vọng vào từ cái loa phóng thanh ngoài đình " Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say ...". Cu Mía dìu lão Dậu ngồi xuống giường rồi ghé vào tai lão nói nhỏ :

- Chú ơi! Thằng Thực vẫn còn sống.

Lão Dậu tròn mắt nhìn Mía :

- Làm sao mà anh biết được. Anh có gặp nó không ?

Mía lắc đầu. Nhưng Mía đã kể với lão Dậu rằng, khoảng năm, sáu tháng sau trận sông S, đơn vị Mía được lệnh ém quân kỹ trong một khu rừng ở Q, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô sắp tới. Mới bảnh mắt một ngày nắng ráo, chiếc OV 10 của bọn tâm lý chiến đã vè vè vòng đi, vòng lại, rồi xổ ra cái điệp khúc đã cũ mèm " Các bạn binh sỹ Bắc Việt ! Sớm ngày cơm cháo gì chưa ? Đánh bát cơm nguội với dưa cải ngồng ... Quê hương và những người thân yêu nơi quê nhà đang mỏi mắt chờ các bạn ... Hội nghị Pa-ri vẫn chưa ký được. Chiến tranh sẽ còn kéo dài. Tại sao các bạn phải chết đói khát, bỏ xương trong rừng già. Hãy bỏ súng đi theo hướng ... và hướng.... để về với chính nghĩa quốc gia. Các bạn sẽ được đón nhận. Trong các bạn, đã có các binh sỹ sau đây trở về với chính nghĩa quốc gia : Nguyễn Văn .... ở B.... C... thuộc tiểu đoàn.... Bộ đội chủ lực; Đào Văn... ở B.... C... thuộc tiểu đoàn... và một số người khác nữa. Đặc biệt là Đoàn Trung Thực quê ở ... thuộc B... C...đơn vị đặc công, bộ đội chủ lực, bị thương rất nặng tại mặt trận Q, sau khi được cứu chữa, hiện đã được đi học để trở thành bác sỹ ...". Dù cho rằng đó chỉ là trò tâm lý chiến, nhưng cả đơn vị hôm ấy vẫn sửng sốt bàng hoàng...

- Vậy, biết làm sao bây giờ hả anh ? - Giọng lão Dậu run run như đang lên cơn sốt.

- Cháu cũng không biết nữa. Nhưng xin chú cũng đừng buồn lo nhiều. Chú lớn tuổi rồi, lại đơn chiếc thế này...

Lão Dậu mếu máo, nói trong nước mắt đầm đìa :

- Anh bảo không lo, không nghĩ làm sao được. Hơn năm năm rồi, tôi tính từng ngày, mong nó về. Được nhìn thấy nó, thì có chết tôi mới nhắm mắt được... Yên hàn rồi, anh được về rồi chứ ?

- Dạ chưa, chưa đâu. Cháu về Hà Nội dự hội nghị mừng công, tranh thủ ghé về thôi, Sáng mai cháu lại đi ngay. Thằng Mỹ đã cút, thằng Ngụy cũng đã nhào, nhưng bè lũ tư bản đế quốc còn đó, chưa rẫy chết đâu. Chúng vẫn âm mưu chống phá cách mạng nước ta. Mình muốn tiến lên chủ nghĩa Cộng sản, thì càng không thể say xưa thắng lợi mà lơ là cảnh giác được. Chú ơi! Cháu về chẳng có quà gì. Chú cũng như bố cháu, cháu thương lắm. Chú cầm lấy chút tiền gọi là này, để lúc trái nắng trở giời, thêm tiền thuốc men ...

- Không ! Không ! - Lão Dậu giẫy nẩy dúi lại tiền vào tay Mía, nói tiếp - Đây là tiền xương, tiền máu của anh. Chú sống ổn lắm, có một mình ăn tiêu cũng chẳng tốn kém gì. Chú chỉ nhờ anh cu Mía thương chú, không gặp được, thì biết tin gì của em Thực báo ngay cho chú. Thôi thì nó có theo tư bản, đế quốc sài lang, phản động gì thì nó vẫn là con chú, hu hu...

Mới chỉ nói được đến đấy, lão Dậu đã khóc rống lên. Ôi ! Tiếng khóc phát ra từ thẳm sâu khốn khổ của người cha khi chiến tranh vừa dứt, cứ cứa mãi, cứa mãi, xót sa trong Mía cho đến tận những năm sau này ...

*
*  *
8 giờ sáng một ngày cuối xuân năm 1979, tại thành phố New York, trên đường ra sân bay Quốc tế, Thực thấy bồn chồn một cảm giác rất khó tả. Thực nghĩ, sang đó dứt khoát là sẽ gặp bộ đội Việt Nam, biết đâu lại gặp cả đồng đội cũ. Họ sẽ nhận ra mình, sẽ hỏi mình đủ thứ. Dù có giải thích thế nào thì họ vẫn bảo là mình theo địch. Họ không tin và thế nào cũng sẽ xảy ra rắc rối. Thực giảm ga cho xe đi chậm lại, rồi hạ cả hai cửa kính.

- Sao vậy con ? - Ông bác sỹ hỏi.

- Vẫn còn cả nửa tiếng nữa, con muốn hít thở chút khí trời cha ạ.

- Cũng được ! Nhưng đừng quá xúc động con ạ. Tất cả đều là do sự sắp đặt của Chúa. Đến phút chót, người ta lại lùi chuyến đi Trung Đông sang tháng sau, do tình hình ở Campuchia cấp bách hơn. Quân Pol Pot đã bỏ chạy khỏi Phnom Penh, để lại một thủ đô hoang tàn, thuốc men và thiết bị y tế đều thiếu nghiêm trọng. Sau khi cân nhắc mãi, ông giáo sư trưởng đoàn chọn con và một cậu kỹ sư thiết bị người Na Uy.

- Có lẽ do con là người Việt Nam.

- Đúng thế ! bộ đội Việt Nam đang làm chủ tình hình ở đó. Con nói thạo tiếng Anh, con sẽ làm luôn việc phiên dịch. Thời gian bảo vệ luận án tiến sỹ của con vào cuối tháng tư, vẫn còn tới gần hai tháng nữa, kịp chán. À, đúng tuổi là năm nay con hai tám phải không nhỉ ?

- Dạ ! hai tám.

- Khi nhận bằng tiến sỹ, ta đã ngoài bốn mươi. Thế ông giáo sư trưởng đoàn dặn con thế nào ?

- Thưa, ông ấy bảo, người của Chữ Thập Đỏ Quốc tế sẽ đón và lo mọi việc cho con ở Bangkok. Còn cậu kỹ sư người Na Uy và ông ấy sẽ bay đến vào hôm sau.

- Ông ấy là người Mỹ gốc Do Thái, có đến mấy bằng tiến sỹ, là người kỳ cựu của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đấy. Ta đã làm việc với ông ấy hơn hai chục năm rồi. Đó là một người rất tốt. Đến phi trường rồi à con ?

- Vâng ! Đến rồi, vừa đúng giờ thưa cha.

Hai người ra khỏi xe, cùng bước vào phòng chờ. Đi được một đoạn, Thực dừng lại nắm tay ông bác sỹ :

- Thôi, để con vào luôn cho kịp. Con Chào cha.

- Ừ ! Cầu Chúa, cầu Đức Phật cho con một chuyến đi thành công. Con chú ý giữ sức khỏe. Vừa đi vừa về chỉ có một tuần. Mọi việc phải nghe theo ông giáo sư, con đừng tự làm theo ý mình.

- Thưa, con hiểu rồi. Cha đi chậm thôi nhé.

Ông bác sỹ đứng nhìn theo cho đến khi Thực lẫn vào đám đông ở cửa phi trường. Trên đường về, ông lái xe đi chầm chậm với bao suy nghĩa miên man. Tội nghiệp, vậy là hơn bảy năm rồi thằng bé mới trở lại Đông Nam Á, mà vẫn chưa thể về thăm người bố đang mòn mỏi chờ đợi nó ở Việt Nam. Sau khi chế độ tàn bạo Pôl Pốt sụp đổ, cả thế giới đang đợi xem Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo, đối với đất nước CampuChia nhỏ bé này? Mặc dù mang quốc tịch Hoa Kỳ và làm việc cho Chữ Thập Đỏ Quốc tế, nhưng muốn về Việt Nam, ngoài chuyện hộ chiếu, visa, thằng Thực chắc là sẽ còn gặp bao nhiêu rắc rối khác. Thằng Thực là đứa con có hiếu, lúc nào cũng hướng về bố, lo về bố, học và làm việc tận tụy cũng là để mong ngày được về gặp bố ... Nó coi ông như cha. Ông cũng thương yêu nó như con. Nó đã là một phần không thể thiếu trong cuộc đời còn lại của ông ... Có tiếng còi pin pin, ông liếc nhìn kính hậu, thấy có chiếc xe nhỏ màu sữa đang bám sát phía sau. Ông vội cho xe né sang, nhường đường. Nhưng chiếc xe này không qua mặt, vẫn tiếp tục bám đuôi. Bực mình, ông nhấn ga cho xe vọt lên và tăng tốc. Lập tức chiếc xe đó cũng tăng tốc bám theo. Hay là có bọn định giở trò .... Ông nhìn đồng hồ, mới gần 9 giờ. Cả hai làn đường, xe cộ các loại vẫn ngược xuôi vun vút như con thoi. Chẳng lẽ... Ông liền giảm tốc độ cho xe từ từ rẽ vào bãi tạm nghỉ, đậu sát những chiếc xe khác. Chiếc xe màu sữa ban nãy cũng đã rẽ vào và đậu ở khoảng cách khá xa. Ông ngồi trong xe, giả vờ gục đầu xuống vô lăng, làm như không để ý gì đến nó, nhưng đã chuẩn bị sãn các tình huống. Có tiếng đập cửa. Ông bình thản ngẩng đầu lên nhìn. Một người đàn ông cao lớn, đầu đội mũ phớt, râu rậm rỳ, đeo cặp kiếng màu tối như của bọn xã hội đen, cổ áo lạnh lông thú chùm đến tận mũi. Ông nhanh nhẹn quay cửa kính. Gã đàn ông vừa cúi xuống chưa kịp mở miệng, thì cằm hắn đã chạm ngay vào họng súng ngắn của ông. Hắn bình tĩnh lùi lại, tay lột bỏ kiếng và cười ha hả ... Ông bác sỹ ớ lên một tiếng, rồi lao ra ôm chầm lấy hắn. Hắn cũng ôm lấy ông rất chặt.

- Không nhận ra tớ nữa à ?

- Ôi ! Xin chào, xin chào tướng quân.

- Thôi thôi, còn tướng với sỹ quái gì nữa. Hồi ấy ở chỗ tụi mình về, mấy tháng sau là cậu biến luôn phải không ?

- Không phải biến. Mình được điều về địa bàn mới ở Afghanistan, rồi Kshmir thuộc Ấn, rồi Trung Đông. Rồi .... Còn ông đi đâu thế này. Hay nhỉ, tôi cứ tưởng ...

- Tưởng mình đã toi trên đường tháo chạy rồi chứ gì ? Súng đạn Việt cộng chê tớ. Ban nãy nếu cậu nổ súng thì tớ mới toi đời thôi, hà hà... Ngay khi ông Thiệu ra lệnh rút khỏi cao nguyên Trung phần, mình đã thấy hỏng rồi, nên kịp về Sài Gòn thu xếp cho cả nhà đi trước, quay lại mặt trận thì tất cả đã như bầy ong vỡ tổ. Sau này càng nghĩ, mình mới càng thấy cái lý đúng của cậu. Mà thôi bỏ qua chuyện đó đi. Cậu còn trẻ, còn phong độ lắm, chẳng khác xưa tý nào, vừa thấy là mình nhận ra cậu ngay. Cậu ở New York à ? Thằng út nhà mình cũng ở đây, hôm nay mình từ Pa ri sang với nó.

- Còn ông chưa già bằng ai mà râu ria để nghê gớm quá. Không tài nào nhận ra được. Ông không bỏ kiếng là ban nãy tôi đòm luôn rồi, hà hà... Tôi đưa tiễn thằng con sang Bangkok để đi Campuchia.

- Chú lính Việt cộng bị trọng thương ở trận sông S chứ gì ? Chính cái anh chàng cao ráo điển trai, ban nãy dùng dằng với cậu ở phi trường đấy à ? Học hành thế nào rồi ?

- Theo nghề tôi, làm cùng tôi, mấy tháng nữa lấy bằng tiến sỹ.

- Thật tuyệt vời, cậu thật tuyệt vời. Chúc mừng cậu - Sau một lát trầm ngâm, ông ta nói tiếp - Chiến tranh, hay cái quái gì nhỉ, đã trấn lột tuổi trẻ của thế hệ chúng mình, trấn lột tuổi trẻ của mấy thế hệ sau chúng mình, rồi trấn lột đến tuổi trẻ của thế hệ chúng nó. Cậu đã kịp kéo nó sớm được mấy năm ra khỏi chiến tranh, ra khỏi những cái bậy bạ, vớ vẩn .... Thế là, cậu đã tạo điều kiện để nó có lại những gì lẽ ra phải thuộc về nó, như tạo hóa đã vốn định như thế. Tuyệt vời, cậu tuyệt vời lắm đó...

- Cảm ơn ông. Ông làm tôi thật sự bất ngờ. Không phải vì ông khen tôi tuyệt vời, mà vì có lẽ đã chết thật rồi cái triết lý súng ống, võ biền, chém giết của ông ngày xưa. Đây là danh thiếp của tôi. Ta sẽ còn phải hàn huyên nhiều lắm, khi chỉ có hai đứa với nhau. Tôi chờ ông. Lúc nào cũng được, trước khi ông về Pa ri ...

*
*  *
Vừa tốt nghiệp bác sỹ với tấm bằng loại ưu, nhờ cha nuôi tiến cử, Thực về làm việc tại Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế chưa được bao lâu. Đây là lần đầu tiên Thực được đi công cán cùng giáo sư Sa- ron. Không chỉ là bác sỹ chuyên khoa chấn thương, chỉnh hình giỏi, ông còn là tiến sỹ các ngành triết học, xã hội học và được coi là nhà Đông Nam Á học, bởi vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử, đất nước, văn hóa.... của các nước trong khu vực này. Giáo sư Sa-ron rất thẳng thắn, cởi mở và cẩn trọng đến từng chi tiết. Thực thấy tự tin hơn, khi được nghe quan điểm của giáo sư Sa- ron về Tổ Quốc, đối với những người làm việc cho các tổ chức Quốc tế, vì sự an sinh và phát triển của nhân loại . Ông bảo rằng, với mỗi người, tổ quốc rất thiêng liêng. Khi hình ảnh Tổ Quốc luôn ở trong lòng mỗi người con xa xứ, thì Tổ Quốc mang giá trị phi vật thể. Tổ Quốc ở trong ta, nên Tổ Quốc thật gần. Trong một thế giới hội nhập, không có bất cứ lợi ích của một quốc gia đơn lẻ nào, lại nằm ngoài lợi ích chung của cộng đồng Quốc tế. Quốc gia nào có những người con của mình trong các tổ chức thiện nguyện Quốc tế đều rất tự hào. Ngược lại, chính những người con đó phải góp phần vinh danh Tổ Quốc mình...

Đến Bangkok, Thực thấy thật tráng lệ. Nhớ về Sài Gòn trong những tháng ngày hồi giữa năm 1972, Thực ngầm so sánh, Bangkok không thể bằng được Sài Gòn "hòn ngọc viễn đông" bên nước mình. Rời Bangkok, dọc theo con đường đi Phnom Penh, hai bên là đồng ruộng mênh mông và làng xóm trù phú thanh bình, Thực thấy nhớ vùng quê nghèo chiêm trũng và làng Tó của mình da diết. Giáo sư Sa-ron lại phá tan sự im lặng bằng giọng trầm ấm, khúc chiết, ông bảo :

- Về ứng xử và ngoại giao với bên ngoài, Thái Lan là một quốc gia rất đặc biệt. Suốt thế kỷ 20 họ không phải đối phó với một cuộc chiến tranh nào. Nhưng nhà vua Thái Lan vẫn bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Sự sáng suốt và tầm nhìn xa của nhà vua Thái, đã tránh được cho nhân dân Thái Lan những cuộc chiến tranh. Đó mới là điều thật sự vĩ đại của người nắm vận mệnh của một đất nước, một dân tộc... Biết lấy thế lực mạnh này để kiềm chế thế lực mạnh khác, ấy là phép "dĩ độc trị độc" của người Á Đông. Dân tộc nào, đất nước nào mà chẳng có tham vọng. Nhưng tham vọng đó phải phải phù hợp và nằm trong xu hướng phát triển của thời đại và văn minh nhân loại. Trung Quốc là nước lớn, có tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng khắp hoàn cầu. Trọng chữ "tín" là một ứng xử tuyệt vời của văn hóa Trung Hoa. Vậy mà vừa qua, cả thế giới phải ngạc nhiên, sửng sốt, khi lãnh tụ của họ đưa ra một quan điểm đối nhân xử thế đại ý là, mèo trắng mèo đen gì cũng được miễn là bắt được chuột. Rồi là, không có bạn vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích của Trung Quốc là vĩnh viễn. Thực dụng đến mức vĩ đại như thế, thì ngay đến người Mỹ cũng phải chào thua, tôn họ lên bậc đại sư phụ. Còn trường hợp của Campuchia có lẽ là chưa từng có trong lịch sử thế giới. Mọi tôn giáo chân chính đều hướng thiện nhân loại. YÙ thức hệ chỉ là một thứ sa xỉ phẩm. Ý thức hệ ấu trĩ và sự cuồng tín hoang tưởng của đám đông ngu dốt, chính là một thứ bệnh hoạn kéo lùi văn minh nhân loại. Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm phát triển của loài người, từ mông muội đến bây giờ, chưa hề có một nước nào lại đưa nhân dân và đất nước mình ra làm thí nghiệm cho một ý thức hệ quái đản, bệnh hoạn ở quy mô quốc gia như thế. Thế kỷ 20, nhân loại tiến bộ đã cùng chung tay loại bỏ một đại họa là chủ nghĩa phát xít. Nhân loại tiến bộ còn phải tiếp tục chung tay loại bỏ mọi thứ chủ nghĩa và ý thức hệ phát xít khác, nhưng được che đậy tinh vi bằng những thủ đoạn bịt miệng, lừa dối, bưng bít, mị dân. Ở đó, thân phận con người bị hành hạ chẳng khác gì con vật. Ở đó, nhà cầm quyền độc tài đối xử với đồng loại chẳng khác gì loài cầm thú. Ở đó, cường quyền và bạo lực không róc mía trên đầu sư, nhưng chúng đã rút phép thông công, hãm hại người hiền tài bằng những thủ đoạn vô cùng tinh vi, hiểm độc, là làm tê liệt tâm huyết và sức sáng tạo của họ. Ở đó, cường quyền và bạo lực đã bao trùm sự sợ hãi lên cả một đất nước, cả một dân tộc ...

Ngừng giây lát, giáo sư Sa-ron lấy tay chỉ vào mình, rồi lại chỉ vào hai cộng sự, giọng ông trở nên sôi nổi :

- Tôi muốn tôi và anh, một kỹ sư chuyên về thiết bị y tế để cứu người và cả anh nữa, một bác sỹ đa khoa, hãy ghi nhận và chiêm nghiệm những điều đó ngay tại đất nước nhỏ bé, từng có một nền văn minh AngKor, rực rỡ vào bậc nhất thế giới trong chuyến đi này...

Sau khi hoàn tất thủ tục ở cửa khẩu, trước khi vào đất Campuchia, giáo sư Sa-ron yêu cầu kiểm tra lại lần nữa máy móc xe cộ, thuốc men, thiết bị trên ba xe tải. Cờ hiệu Chữ thập đỏ Quốc tế được cắm đúng vị trí ở đầu mỗi xe. Hai bên thành của xe con đi đầu và ba xe tải theo sau, đều có tấm băng rôn đỏ ghi rõ hàng chữ " Thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh" bằng tiếng Anh, tiếng Khmer và tiếng Việt Nam.

Đoàn xe đi về hướng Phnom Penh với tốc độ bình thường. Trước mắt Thực là cảnh hoang tàn của những cánh đồng chết, những xóm làng tan hoang. Thỉnh thoảng lại gặp trên đường những toán người quần áo tơi tả, già có, trẻ có, mệt mỏi lê bước về phía thành phố, nơi mà ở đó họ đã bị đuổi ra khỏi nhà của mình. Họ nhìn theo đoàn xe vẫy vẫy tay, chào thân thiện ... Vị giáo sư không nói gì nữa. Tất cả đều im lặng trong không khí càng lúc càng ngột ngạt ... Cột cây số bên đường ghi hàng chữ Phnom Penh 42 Km. Vậy là sắp đến rồi. Ở Bangkok cả đoàn đã được xem cuốn phim tài liệu về thủ đô Phnom Penh dưới thời Quốc trưởng Sihanouk. Thực đã nhận xét, nhỏ hơn và không tráng lệ bằng Sài Gòn, nhưng sầm uất, thanh bình và cũng đẹp chẳng kém gì. Còn bây giờ, chắc cũng đã là thành phố chết. Thực đoán không sai, thậm chí còn tệ hơn. Đến nơi, đập ngay vào mắt là các đường phố bụi mù. Người ta đang thu dọn rác rưởi và phân trâu bò dồn vào từng đống. Các dãy nhà lớn, nhỏ đều đượm màu hoang phế. Nhiều nhà hàng, cửa hiệu ngổn ngang gạch đá và các tấm pa-nô méo mó... Tất cả, tất cả như vừa trải qua một cơn bão hủy diệt kinh hoàng. Giáo sư Sa-ron rất bận rộn với máy ảnh và máy quay phim. Ông bảo, những thước phim này sẽ rất quý cho việc làm tư liệu. Ông nhắc Thực và anh kỹ sư người Na Uy cần chú ý ghi lại những cảnh, những người liên quan đến công việc.

Cũng phải đến hết buổi sáng ngày thứ ba, toàn bộ số thuốc men và thiết bị y tế mới giao xong cho phía nhà chức trách Cămpuchia. Ba xe tải đã quay về Bangkok ngay. Chiều nay giáo sư Sa-ron và hai cộng sự còn đến thăm một bệnh viện lớn ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, vừa hoạt động trở lại mấy tháng trước, sau đó sẽ rời Phnom Penh vào 5 giờ sáng mai. Khi mọi việc xong xuôi thì đã 4 giờ chiều. Thực thở phào nhẹ nhõm vì chuyến đi đã không xảy ra sự cố đáng tiếc gì. Những chiến sỹ bộ đội Việt Nam khi gặp, biết Thực không phải người Trung Quốc, thì đều tay bắt mặt mừng.Thực hỏi thăm đồng hương, nhưng không ai ở cùng tỉnh. Hầu hết họ đều còn rất trẻ. Họ hỏi Hội Chữ thập đỏ này có phải của Mỹ không. Thực hỏi thăm anh em về đơn vị cũ, về chuyện này chuyện nọ. Thực thân mật nắm tay anh em và cố nén những xúc động. Vậy là, Thực không gặp được một ai trong đơn vị đặc công ngày xưa. Rồi Thực lại thấy mình rõ là lẩn thẩn, sau 1975 lứa lính tráng tuổi mình chắc đã ra quân hết rồi còn gì...

*
* *
Chỉ còn mươi ngày nữa là đến tết con khỉ ( Canh Thân - 1980). Trời tháng Chạp âm u ,xám ngắt. Rét căm căm. Những cây xoan trong vườn nhà lão Dậu tò he đã trút hết lá, đứng co ro dưới chiều cuối Đông. Trên cánh đồng làng Tó, những rảnh mạ non kém chịu rét, phải cấy đi, cấy lại mấy lần rồi mà xem ra vẫn chưa yên. Lão Dậu ngồi hơ tay bên bếp lửa, mắt lim dim, nghĩ lung tung đủ thứ chuyện. Ở vùng chiêm trũng này, cả hai vụ lúa đều chật vật. Mùa mười thì gặp lụt, mùa chiêm thì gặp rét. Có năm cả sào ruộng, cố vét cũng chỉ được vài yến thóc. Vậy mà ngày xưa, không biết thời đồ đá, đồ đồng, hay đồ đểu nào ấy nhỉ, bọn văn sỹ bồi bút cứ hoắng lên rằng, năm nào cũng được mùa. Rằng, được mùa là tại bởi ... tại bởi... Hừ ! bởi cái mả bố chúng nó chứ. Đúng là một lũ bồi bút. Hết nghĩ chuyện này, chuyện kia, cuối cùng lão cũng lại lâng lâng nghĩ về cái thư của thằng con nhận được từ tuần trước, đang còn nóng hổi trên túi ngực lão đây. Chỉ có một mình với cái bếp đang bén than đỏ rực, mà lão cũng kín đáo tủm tỉm cười, rồi lại mượn rượu, nhấp một tý để được khoái chí cười hì hì ...

Tin thằng Thực con lão Dậu tò he đậu tiến sỹ tận bên Mỹ, nhanh chóng lan ra khắp làng Tó. Kẻ bảo có, người nói không, cứ bán tín bán nghi. Người bảo có thì nói chắc như đinh đóng cột rằng, chính mình đã được đọc thư thằng Thực, được thấy ảnh thằng Thực cao lớn như Tây, mặc áo thụng đỏ, đội mũ như người ngày xưa trông rất ngộ trong lễ nhận bằng. Còn cái lão Dậu nữa chứ, sợ đ... gì nữa mà phải kín như bưng thế, chẳng giống mấy thằng ở ủy ban, con học dốt như chó, mới vào được cái lớp mười bổ túc đã mổ lợn ăn mừng, vênh váo, đi đâu cũng khoe. Rồi, Thằng Thực làng Tó mình đậu tiến sỹ của nước đại Mỹ, nghe đã hơi bị kinh rồi, lại còn thấy nói nó đang làm cho cái thập đỏ, thập điếc gì của Quốc tế, của cả thế giới nữa mới gớm chứ , vân vân .... Còn kẻ không tin thì bài bác rằng, tiến sỹ, tiến xiếc gì. Làng mình không có, chứ nước mình thiếu đ... gì tiến sỹ giấy. Rằng, con vua lại làm vua, thằng Thực con lão Dậu tò he thì vương tướng chó gì được mà cũng nói ... Người làng Tó cứ túm năm, tụm ba, người tán xuôi, kẻ nói ngược như thế, buộc chính quyền phải vào cuộc.

Lão Dậu đang một mình ngồi nhâm nhi chén trà, thỉnh thoảng lại rít thuốc lào. Tiếng điếu cày kéo dài ròn vang, chẳng kém gì còi ở sân bóng đá. Thấy trưởng công an xóm ho sù sụ đánh tiếng ngoài cổng , lão Dậu vội đi ra, vui vẻ :

- Chào bác đến chơi, để mời bác vào làm chén trà cho ấm.

- Thôi ! chả phải nước nôi gì đâu. Mấy ông ở trên nói tôi đến gặp ông, để làm rõ cái việc mấy hôm nay dân làng cứ xôn xao về chuyện thằng Thực.

- Chuyện gì ? - Lão Dậu hỏi sẵng, vì đã thấy gai gai khi phải nghe cái giọng hách dịch kiểu mấy thằng đội cải cách ngày nào.

- Cứ bình tĩnh đừng có nóng. Thằng Thực chạy theo địch, nay lại gửi thư, gửi từ gì đó về để kích động, gây mất an ninh trật tự, hòng chống phá ...

- Chống phá cái gì ? Chống phá ai ? - Không để trưởng công an xóm nói hết, lão Dậu đã muốn nổi xung lên, nhưng cố trấn tĩnh hỏi tiếp - Thế bây giờ các ông ở trên muốn thế nào ?

- Ông phải giao lại thư từ và những thứ gì thằng Thực gửi về để ...

- Này ! - Lão Dậu vừa tức giận cướp lời trưởng công an xóm, vừa rút thanh củi đang cháy rừng rực đập mạnh xuống đất, rồi dằn từng tiếng một - Ông về nói ngay với mấy người cấp trên, cấp dưới gì đó nhá. Không còn cái thời cải cách khốn nạn đó nữa đâu nhá. Bố làm bố chịu, con làm con chịu. Truy bức kiểu mấy thằng đội cải cách là không xong với thằng già tò he này đâu. Thằng già Dậu nó cũng đang muốn chết đây ! Thế nhé, mời ông lạy nhà cho.

Trưởng công an xóm đã đi ra hồi lâu mà lão Dậu vẫn thở hổn hển, chưa nguôi được cơn tức. Lão lẩm bẩm chửi rủa một hồi, chẳng nghe rõ câu gì, rồi lại vớ cái ống điếu kéo dài một hơi. Từ nhà lão, tiếng điếu cày lại sảng khoái, ròn tan, lanh lảnh vang xa như tiếng còi ở sân bóng đá ...

*
*  *
Chiều ba mươi tết. Cả nhà Trưởng Bân đang quây quần quanh mâm cỗ tất niên, thì thấy một anh bộ đội khệ nệ vác ba lô vào sân, ống tay áo trái buông thõng đã được buộc lại cho gọn .

- Thầy, u ơi ! Anh cu Mía về này - mấy đứa em của Mía cùng reo lên, lao ra đỡ ba lô cho anh chúng.

- Trời ơi ! Con tôi, con tôi. Giời cao đất dày ơi là giời cao đất dày... - Vừa nhìn thấy con, mẹ cu Mía đã kêu lên mấy tiếng nghe thật não lòng, rồi ngất xỉu. Cả nhà lặng ngắt. Mía cũng nước mắt lưng tròng đỡ lấy mẹ, an ủi :

- Không sao đâu u. Còn tay phải, con vẫn làm mọi việc được mà. Từ lâu, Bác Hồ kính yêu đã dạy rồi "Thương binh tàn nhưng không phế". Lần này về, con sẽ lấy vợ rồi ở nhà luôn với u, để u có cháu bế ...

Trưởng Bân cũng rầu rầu nói với vợ :

- Thôi bà nó nguôi đi. Cu Mía nhà mình còn về được là đại phúc đấy. Đánh nhau thì phải có thương binh, có liệt sỹ. Bộ đội ta còn bỏ xác ở bên chỗ cái thằng Pol Pot - Ieng Sary ấy nhiều lắm. Làng Tó mình đây cũng mất mấy anh, chờ sau tết mới báo ...

Rồi mâm cỗ cuối năm nhà Trưởng Bân cũng vui vẻ trở lại. Khi biết chuyện về thằng Thực con chú Dậu, mắt Mía sáng lên vì mừng, nhưng ngay sau đó lại đượm nét ưu tư. Mía muốn sang thăm ngay chú Dậu, hỏi xem thực hư thế nào. Biết con sốt ruột, Trưởng Bân liền bảo :

- Chú Dậu đưa thư và ảnh đang nhận bằng tiến sỹ của thằng Thực cho thầy xem rồi. Không ai người ta bịa chuyện đâu. Chú Dậu mừng lắm. Chú ấy bảo, nếu nhà nước có bắt tội, hay bắt chết gì, chú ấy cũng chịu tất.

Chiều tắt rất nhanh. Bóng đêm như một tấm chăn chụp vội xuống làng Tó bé nhỏ. Trong đêm đen, con sông Giang chỉ còn là một vệt sáng nhờ, trôi lặng lẽ như tự ngàn đời vẫn vậy. Mía bấm đèn pin dò dẫm sang nhà lão Dậu. Vừa nghe tiếng Mía , lão Dậu đã mừng rỡ chạy ra:

- Anh cu Mía về rồi hử. Chú cũng vừa mới nghe, đang định sang chung vui với cả nhà mình, rồi chờ đón giao thừa luôn đây. Cháu về kịp ăn tết, thật là khéo. Ừ ! Anh cu Mía cũng chẳng hao gầy đi mấy, chỉ phải cái khổ thế này, giàu đôi con mắt, khó hai bàn tay ...

- Không sao, không sao đâu chú. Cháu là thương binh. Đảng và nhà nước sẽ phát sổ để lĩnh tiền hàng tháng, chẳng phải lo gì đâu.

- Thế cháu về lần này thì ở nhà luôn là chắc rồi chứ ?

- Dạ, ở luôn rồi chú ạ.

- Ừ ! ở luôn cho thầy, u cháu vui.

- Chú ơi, cháu vừa về đã nghe chuyện thằng Thực ...

- Đây, đây chú đang định nói để anh cu Mía mừng với chú đây. Thư đây, nó viết có ít chữ thôi. Cả cái ảnh đây nữa. Hình như ảnh của thằng tư bản chụp xong, rửa ra là có màu luôn, không phải lấy bút tô tô như bên ta ...

Rồi lão Dậu tò he vặn to ngọn đèn dầu lên, sợ Mía vẫn nhìn không rõ, lão lấy luôn cả bóng đèn ra. Mía ngắm nghía tấm ảnh một lát rồi mới đọc thư :

New York ngày.... Tháng.... Năm 1980

Con lạy Thầy

Từ ngày đi đến nay, đã đúng 10 năm rồi con chưa một lần về thăm Thầy. Con biết Thầy buồn và giận con lắm. Thầy một mình nuôi con lớn khôn, khổ vì con, bây giờ lại cũng vì con mà khổ với làng, với xóm. Nhưng con không chạy theo địch, cũng không đầu hàng. Chuyện vòng vèo dài lắm, nói ra chắc cũng chẳng ai tin. Thôi thì Thầy đẻ ra con, Thầy biết cho con thì con được nhờ, mà Thầy nghĩ khác thì con vẫn đập đầu mà thề với Thầy là con không chạy theo, cũng không đầu hàng ai cả. Chiến tranh nó thế thì con biết làm thế nào được. Nhưng trong lòng con lúc nào cũng có Thầy, có làng Tó quê mình và có Tổ Quốc Việt Nam. Mấy năm trước con không dám viết thư về, là vì sợ bên mình còn căng lắm. Hồi còn ở nhà, con đã biết mấy người đảo ngũ, mấy người trốn lính thì gia đình họ ê trề thế nào rồi. Học bác sỹ xong là con làm ngay cho Hội Chữ thập đỏ Quốc Tế, tức là làm công việc từ thiện giúp những người hoạn nạn vì chiến tranh, vì thiên tai ở tất cả các nước, không phân biệt bên ta hay bên địch đâu Thầy ạ. Vì có bằng bác sỹ loại ưu, con được chọn làm tiếp luôn cấp học cao hơn. Con được nhận bằng tiến sỹ đúng vào ngày giỗ u con đấy Thầy ạ. Thế là con viết thư và gửi cả ảnh về để Thầy xem. Thầy nhìn trong ảnh, là Thầy biết con khỏe hơn ngày ở nhà phải không Thầy. Năm ngoái, con có đi cùng với đoàn mang thuốc men sang tặng cho Campuchia, gặp bộ đội mình ở đó nhiều lắm. Con có hỏi thăm anh cu Mía, nhưng không thấy. Con không biết bây giờ anh cu Mía đang ở đâu. Cho con gửi lời kính thăm cả nhà bác Trưởng Bân. Thư sau con sẽ viết dài. Con mong sớm có ngày được về với Thầy. Con xin cầu chúc cho Thầy đừng đau yếu Thầy nhé.

Con của Thầy

Đoàn Trung Thực

Đọc xong, Mía trầm ngâm hồi lâu, lật qua, lật lại xem tấm ảnh lần nữa rồi hỏi lão Dậu :

- Phải làm sao bây giờ hả chú ?

- Phải làm sao là thế nào hả cháu ? - Lão Dậu ngạc nhiên hỏi lại.

- Trời ơi! Cháu cũng không biết phải nói thế nào để chú hiểu được đây. Chú ...

- Thôi thôi ! - Lão Dậu gạt phắt, rồi thong thả nói liền một mạch, cứ như đã thuộc sãn từ bao giờ - Anh cu Mía không cần phải nói nữa. Sống quá nửa đời người , chú hiểu rồi, thầy, u của cháu cũng hiểu rồi. Ông nội tội nghiệp của cháu nếu còn sống, lại càng hiểu hơn nữa. Chỉ có những đứa như các cháu là còn .... Là còn ....

Lão Dậu đã kìm lại được, không nói hết điều định nói . Mía cũng im lặng, không nói gì. Đây đó đã nghe đì đẹt tiếng pháo nổ. Cái loa phóng thanh mở hết công suất ngoài đầu thôn đã lại vang lên những bài hát của chương trình ca nhạc đón giao thừa, mừng Đảng, mừng xuân : " Đảng đã cho ta một mùa xuân ..." , rồi là " Đảng đã cho ta sáng mắt , sáng lòng " , rồi là " Đảng là người mẹ hiền..."...

Ngoài trời, bóng tối đã sẫm lại, đen như mực. Lão Dậu vội vào bếp dập khúc nứa mang ra, định châm lửa làm bó đuốc soi sáng đường cho Mía về nhà kịp đón giao thừa. Nhưng Mía ngăn lại :

- Thôi chú, cháu có đèn pin đây rồi.

- Chú biết ! Chú biết anh có cái đèn pin bé tý người ta cấp cho các anh rồi. Ánh sáng chỉ bằng cái hạt đậu thì thấy đường thế quái nào được...

- Không sao, cháu quen rồi. Thôi, còn cả gần nửa tiếng nữa, nhưng cháu cũng chúc mừng chú năm mới. Sáng mai, mồng một cháu lại sang...

Lão Dậu tò he đưa Mía ra tận cổng, rồi lật đật quay vào định thắp tiếp nén hương nữa trên bàn thờ vợ, nhưng có lẽ còn quên chưa nói với Mía điều gì, lão lại tập tễnh vội chạy ngược trở ra. Nhưng Mía đã đi hơi xa mất rồi. Lão chỉ còn kịp nhìn thấy cái dáng nghiêng nghiêng của Mía bị hút sâu vào trong mênh mông tối đen của đêm trừ tịch./.

Nha Trang mồng 3 tết Kỷ Sửu - 2009
NC