Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]             [ Trang chủ ]              [ Tác giả ]

 Môn đệ - nghịch tử

Truyện ký của Nguyễn Chính

Lời dẫn: 
" Môn đệ, nghịch tử" là câu chuyện có thật, đề cập đến một vấn đề mà lâu nay được cả xã hội rất quan tâm. Đó là vấn đề đạo đức suy vi, từng được công luận nhiều lần cảnh báo. Đáng nói là, sự suy vi đó xuất hiện cả ở một số người có trình độ học vấn cao, thậm chí từng nhiều năm đứng trên bục giảng đường đại học. Chuyện về học trò phản thầy, lừa thầy xưa nay không có gì mới. Nhưng với những thủ đoạn quỷ quyệt, tinh vi, tráo trở và trắng trợn như anh học trò trong truyện ký này thì quả là không nhiều. Câu chuyện đã lên án hành vi "ăn cháo đá bát" của anh ta. Nhưng, bạn đọc còn được thấy trong truyện ký một kiểu xử án phản công lý rất trắng trợn, của một phiên tòa giữa Thủ đô. Đưa vào hình ảnh "Tể tướng Lưu gù" khá nhuyễn và táo bạo, tác giả đã góp phần cảnh báo một vấn đề xã hội rất nghiêm trọng và không kém phần nguy hiểm khác, đó là sự suy vi trong đạo đức nghề nghiệp và lương tâm của những người được giao trọng trách, cầm cán cân công lý giữa pháp đình...
Nhà thơ Giang Nam

"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Thời xưa, trong hàng những người phải tôn kính, quý trọng : "Quân, Sư, Phụ", thầy dạy đã được xếp sau vua. Chắc là cổ, kim, Đông, Tây, thời nào cũng thế cả. Cho nên, chuyện học trò lừa thầy, phản thầy thật hiếm. Vậy mà vụ việc sau đây lại có thật một trăm phần trăm, thật đến từng chi tiết. Người viết không cần phải hư cấu gì thêm, chỉ sắp xếp lại các sự kiện theo trình tự thời gian và chỉnh trang câu chữ cho ra vẻ một ký sự, một bút ký hay một ghi chép gì đó. Song, dù là gì đi nữa thì những trang viết này chỉ mong cùng bạn đọc suy ngẫm về một "trái đắng". Vâng ! một trái đắng, mà trớ trêu thay những người ngay thẳng, trung thực, có tấm lòng vị tha lại thường phải nếm trải giữa cuộc đời. Đó là sự phản trắc. Vì lý do tế nhị, chúng tôi đã định thay đổi tên các nhân vật. Song, chính một số người trong cuộc lại yêu cầu giữ nguyên tên tuổi họ, âu đó cũng là một ý hay, buộc kẻ chính, người tà, tất cả đều phải đối mặt với sự thật - điều mà lâu nay, trong không ít những vụ việc lớn nhỏ, người ta thường hay viện đủ lý do để né tránh. Tuy nhiên, với lương tâm người cầm bút, tôi vẫn buộc phải tránh cho nhân vật chính là gã "môn đệ nghịch tử" trong truyện ký này cái tên "cúng cơm" của anh ta. Kể cả tên những người thân của anh ta cũng vậy. Bởi, bài học mà anh ta nhận được đã quá đắt đối với một đời người.

Đến mùa xuân năm Mậu Dần này (1998), PGS-PTS Vũ Trọng Hốt đã bước vào tuổi sáu mươi ông có dáng người cao đậm, nước da hồng hào và đôi chân mày đen rậm, trông rất nghiêm khắc. Còn bà Thảo, vợ ông, một kỹ sư chăn nuôi, cũng đã nghỉ hưu được mấy năm; dáng người bà nhỏ thó, khuôn mặt khắc khổ, rất kiệm lời. Tôi đã tìm gặp vợ chồng ông, sau một câu chuyện rất tình cờ với một số đồng nghiệp ở Hà Nội, về những vụ án dân sự phức tạp và việc xét xử bất công của một số "quan toà". Họ bảo chính ông - nguyên đơn dân sự trong một vụ kiện, khi phiên toà vừa kết thúc, đã tiến tới chỉ vào mặt chủ toạ : "Toà xử đểu, cướp đất cho thằng Bá". Vậy mà, vị "Chủ toạ" này chỉ biết cúi đầu im lặng, không dám phản ứng gì (?) ... Vợ chồng PGS Vũ Trọng Hốt tiếp tôi trong tâm trạng của người vừa trải qua một "cú sốc" khá nặng nề , do công lý bị bẻ cong và do sự phản trắc, tráo trở của chính gã học trò mà họ đã đùm bọc, nâng đỡ suốt mấy chục năm trời. PGS Vũ Trọng Hốt kể : "Tôi sinh ở Quảng Ngãi, trong một gia đình mấy đời nho giáo, luôn sống theo tâm niệm truyền thống của cha ông mình "bần tiện chi giao bất khả vong". Tính đến nay, tôi đã công tác tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội được hơn 40 năm. Thời gian ấy quả là khá dài với cuộc đời của một người, đủ để cho tôi suy ngẫm, chiêm nghiệm về thế thái, nhân tình, về con người, về công việc ... Tôi đã bước qua tuổi "tri thiên mệnh" từ lâu, mưa nắng biết được việc của trời, vậy mà lại bị bất ngờ trước cái xảo trá, lọc lừa tiềm ẩn trong con người ta. Quả là lòng người, đáy vực. Năm 1985, chuyện nhà ở vẫn còn rất khó khăn, nhất là ở Hà Nội. Đã sắp nghỉ hưu rồi mà gia đình tôi vẫn chưa ổn định được chỗ ở. Trong một dịp về chỉ đạo sản xuất tại xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, Hà Nội, được biết xã đang có đợt giãn dân, tôi rủ ông Vũ là công nhân, người cùng cơ quan với tôi từ 1965, làm đơn xin đất. Chúng tôi được xã cấp cho hai lô liền nhau, mỗi lô 200 m2. Có đất rồi, nhưng chưa có tiền nên chúng tôi chưa xây cất gì được. Mấy năm trời, do không có người coi ngó thường xuyên nên đất của chúng tôi bị các hộ dân lấn chiếm mất khá nhiều và lấy đất đào thành ao. Cuối năm 1992, tôi bàn với ông Vũ cùng san lấp để làm nhà, nhưng ông Vũ nói là không có tiền nên muốn bán lại phần đất của mình cho tôi. Chúng tôi đã thoả thuận với nhau giá 1.000 USD.

Tôi có cậu học trò mà gia đình tôi tin tưởng, coi như con cái trong nhà, tên là Bá Lê Bá, sinh năm 1957 học lớp chăn nuôi khoá 19, sau khi tốt nghiệp ra trường, được tôi xin về bộ môn. Sáng ngày 1.3.1993, vì có cuộc họp không thể vắng mặt, tôi đã nhờ Bá cầm 1.000 USD mang đến trả cho ông Vũ. Vốn lo xa, sợ ông Vũ tiêu tiền "đô" có gì lôi thôi, tôi dặn Bá khi đưa cần ghi lại sê-ri tiền. Buổi trưa, Bá đã đợi vợ chồng tôi trên đường về. Gặp chúng tôi, Bá nói ngay :

- Xong rồi thầy ạ, nhưng ông Vũ đòi thêm 300USD nữa.

- Sao lại đòi thêm ? Ông Vũ thống nhất 1.000 USD rồi kia mà ?

- Dạ, vợ ông Vũ đòi thêm, chứ không phải ông Vũ.

- Vậy cậu nói với cô chú ấy thế nào ?

- Em sợ kỳ kèo cô ấy không bán nên đã đồng ý nói lại với thầy cô, để thầy cô trả thêm 300USD nữa.

Sau vài phút đắn đo, cuối cùng tôi bảo Bá :

-Vậy lúc nào rỗi, cậu đến lấy hộ tiền trả thêm cho ông ấy. Mà này, tôi mua lại đất của ông Vũ, sao giấy tờ lại đứng tên cậu thế này ?

Lê Bá trình bày : "Em có suy nghĩ là xin thầy cô cho em tạm đứng tên, để em đi đòi lại phần đất bị lấn chiếm. Việc này em có thể làm được vì gia đình vợ em ở tại đây và bố vợ em là bí thư Đảng uỷ xã, như thầy cô đã biết. Em sẽ cố gắng đòi được, nếu đòi được, thầy cô cho em xin một phần đất để làm nhà ở".

Trước việc đã rồi, vợ chồng tôi không còn biết nói gì, chỉ tin Bá và nghĩ sau khi Bá đòi được phần đất bị lấn chiếm, sẽ cho Bá một phần đất đòi lại được đó vì cậu ta cũng chưa có nhà riêng. Lê Bá quê ở Hải Dương, là học trò của tôi từ năm 1977, cậu ta có sức học tương đối khá và tỏ ra tháo vát trong công việc. Tôi là người hướng dẫn Bá làm luận án tốt nghiệp tại trại chăn nuôi của trường, do vợ tôi phụ trách. Bá có nguyện vọng ở lại trường làm cán bộ giảng dạy.Trong khả năng cho phép của mình, tôi đã tận tình giúp đỡ cậu ta. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã xin cho Bá được ở lại cùng nghiên cứu khoa học với tôi và cùng dạy với vợ chồng tôi một môn học. Suốt gần hai mươi năm liên tục, tôi luôn là thầy giáo, thầy hướng dẫn, và là thủ trưởng trực tiếp của Bá. Vợ chồng tôi chỉ có một người con trai nên Bá qua lại gia đình tôi tự nhiên, như con cái trong nhà. Cha mẹ Bá cũng nhiều lần tới thăm gia đình tôi để cảm ơn về sự giúp đỡ, dìu dắt con của họ. Có lần cha của Bá đã nói với tôi : "Tôi có bảy người con trai, ông cứ coi Bá như con, có việc gì cứ sai bảo và dạy cho nó vài "miếng võ" để làm ăn". Tôi chẳng có võ nghệ gì, nhưng vẫn có ý sẽ trao lại cho Bá những kinh nghiệm thành, bại mà mình tích luỹ được trong mấy chục năm nghiên cứu về giống di truyền. Bởi về già mà có người tin tưởng để truyền nghề , có lẽ ai cũng cảm thấy hạnh phúc. Bắt đầu là đề tài tạo giống lợn có tỷ lệ thịt nạc cao, tôi đã đưa Bá ra thực hiện, theo dõi đề tài tại trại chăn nuôi của Trường. Tại đây, Bá đã mắc khuyết điểm quan hệ bất chính với người đã có gia đình, lẽ ra phải kỷ luật nặng. Nhưng nghĩ rằng Bá còn trẻ, lại mới vi phạm lần đầu, trong điều kiện nơi làm việc vắng vẻ, xa khu dân cư, nên vợ chồng tôi đã cố gắng dàn xếp , chỉ cảnh cáo Bá trong bộ môn để tạo điều kiện cho cậu ta sửa chữa khuyết điểm và tiếp tục phấn đấu. Ngày ấy, nếu không có vợ tôi đứng ra che chở , thì có lẽ Bá đã ngã gục trước nhát dao nóng giận của người chồng bị cắm sừng. Còn tôi thì cứ băn khoăn mãi về khuyết điểm của Bá, nếu mình không bố trí Bá ra trại, thì chắc cậu ta không sai phạm như vậy. Về điểm này, rất nhiều người không đồng ý với tôi, họ bảo : "Tại sao những người khác cũng ở trại mà họ vẫn sống tử tế ?". Thực tình, vợ chồng tôi chỉ muốn và tin rằng, sau khi vấp ngã, Bá vẫn còn có điểm tựa để phấn đấu vươn lên. Bởi tiền đồ, sự nghiệp của cậu ấy vẫn còn ở phía trước, chẳng lẽ vì một phút bồng bột mà xoá đi tất cả. Và chúng tôi đã nghĩ đúng, Bá đã sửa chữa, không tái phạm lần nào nữa. Lúc này thì gia đình chúng tôi và gia đình Bá đã qua lại thân thiết như bà con. Thấy Bá tiến bộ cả trong công việc, chúng tôi vừa tạo cho Bá có chỗ công tác ổn định, vừa cùng cha mẹ Bá tổ chức hỏi vợ cho cậu ta. Chính con gái ông Bí thư Đảng uỷ xã , vợ của Bá bây giờ , là do vợ chồng tôi mai mối. Ngày cưới, vợ chồng tôi đã thay mặt nhà trai xin đón dâu ...

*
*  *

Ngay tối hôm đó (01.3.1993) vào lúc 19 giờ,Bá đến nhà tôi để nhận thêm 300USD. Tôi hỏi lại cậu ta :

- Sáng nay, đưa tiền cho ôngVũ, cậu có ghi lại sê-ri tiền không ?

- Em đã ghi lại đầy đủ và giao cho ôngVũ rồi.

Vợ tôi bảo Bá ghi lại sê-ri của 300USD này,Bá ghi : "Nhận từ cô Thảo thêm 300 USD với sê-ri...". Mọi việc,Bá đều khéo léo, nhiệt tình nên vợ chồng tôi rất an tâm...

Vậy là việc mua bán phần đất đó , giữa tôi và ông Vũ đã xong. Tôi đóng thêm tiền đền bù hoa lợi và các khoản về làm đường cho địa phương, đồng thời xúc tiến ngay việc san lấp. Thực tế, cả hai lô đất này chỉ còn là những cái ao nên việc san lấp rất tốn kém. Sau đó, tôi đã xây dựng một ngôi nhà cấp 4 rộng 20 m2 và xây tường bao quanh toàn bộ đất của mình. Tôi cũng đóng tiền để địa chính xã đo lại diện tích, tổng cộng còn được hơn 290 m2. Như vậy, hơn 100 m2 nữa đã bị lấn chiếm.Bá nói, Bá sẽ đòi lại được và khi ấy sẽ xin tôi một phần trong số diện tích đòi được đó. Tôi đã đồng ý.

Gần một năm trôi qua, đơn từ của tôi xin đòi lại đất bị lấn chiếm và các giấy tờ khác giao cho Bá, để Bá đi "làm việc" với xã, đều không có hồi âm. Chờ mãi, cả hai vợ chồng tôi đều sốt ruột. Một hôm vợ tôi bảo Bá :

- Khó lắm, chắc gì đã đòi được, cậu cứ chuyển lại giấy tờ mua đất cho đúng tên thầy, cô đi.

- Việc này em chưa thể quyết định được. Em xem tình hình rồi sẽ quyết định nên theo phương án nào.

Thấy "ông con nuôi", đồng thời là "ông học trò" trả lời có phần "cứng rắn", "chắc nịch" như vậy, vợ chồng chúng tôi đã có phần chột dạ. Nhưng nào ai dám nghĩ xấu cho cậu ta, tôi nói với bà xã : "Thôi thì cứ chờ, cậu này nó cũng tốt, không đến nỗi nào đâu". Quả nhiên, chúng tôi đã không phải chờ lâu, vào một ngày đầu tháng 1.1994,Bá đến gặp vợ chồng tôi. Cậu ta ấp úng một hồi rồi đặt vấn đề :

- Thầy, cô cho em xin 30 m2, 50 m2, hoặc 70 m2 đất, để lấy lộc cho con em.

- Cậu đã đòi được số đất đã bị lấn chiếm rồi sao ? Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Dạ không.

- Vậy đất nào ?

Hình như đã dự kiến trước các tình huống và chuẩn bị sẵn,Bá vụt thay đổi sắc mặt và lạnh lùng đếm từng tiếng một :

- Em đang cầm giấy tờ đất, giấy tờ mua bán lại mang tên em, thầy có kiện cũng không làm gì được. Thôi chào thầy, cô em về.

Vợ chồng tôi nhìn nhau, rồi nhìn theo bóng cậu "học trò yêu" đã hút nhanh ra phía cửa. Thì ra,Bá đã "quyết định theo phương án này". Bất giác, vợ chồng tôi đều lắc đầu thở dài và cảm thấy đắng chát nơi cổ họng. Chúng tôi không sợ mất đất, bởi chẳng ai có thể đảo lộn được sự thật, với mớ giấy tờ ấy trong tay,Bá cũng không thể nào đổi trắng, thay đen. Chúng tôi nghĩ và tin như vậy, chỉ thương hại choBá, bỗng chốc đã xoá đi tất ca ... Chúng tôi mệt mỏi nghĩ về Bá, nghĩ về một quá khứ đã mất. Nhưng,Bá đã cố tình không cho thầy cô những người đã dìu dắt, nâng đỡ mình trong ngót hai mươi năm cơ hội để nuối tiếc. Tưởng sau "đòn cân não" đó, thầy cô sẽ sợ, vì đuối lý, nên Bá bồi tiếp luôn đòn thứ hai. Ngay mấy ngày sau đó, cậu ta phái vợ mình đến gặp vợ chồng tôi, với "tối hậu thư" : "ông bà cho cháu xin nửa phần đất của ôngVũ". Chúng tôi tròn mắt, ngạc nhiên nhìn cô gái, mà chính mình đã mai mối, gây dựng cho Bá. Thấy vậy, không cần biết đến sự có mặt một người khách của gia đình tôi đang ngồi đó, cô ta lạnh lùng nhắc lại "ông bà cho cháu xin nửa phần đất của ôngVũ", rồi tỏ ra rất nhã nhặn, lễ phép cô ta chào chúng tôi rồi ra về ...

PGS-PTS Vũ Trọng Hốt ngừng kể, ông nhắm nghiền đôi mắt trầm ngâm. Còn bà Thảo, vợ ông nãy giờ vẫn ngồi im lặng, bất giác buông một tiếng thở dài. Có lẽ, họ đang cố nhớ lại cái cảm giác buồn nôn, sau vị chát đắng mà vợ chồng anh chàng "đệ tử" có "tấm lòng vàng", đã gây cho họ trong những ngày đầu tháng giêng năm ấy. Như chợt nhớ ra điều gì, ông Vũ Trọng Hốt lật giở cho tôi xem tập hồ sơ rất dày, gồm nhiều đơn thư và các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm... rồi nói : "Vợ chồng tôi đã theo vụ kiện này ròng ra 4 năm trời, bà xã nhà tôi cũng đã ngã bệnh bấy nhiêu năm vì ức, vì buồn. Mọi việc đến đây có lẽ đã chấm hết".

Tôi nói với ông : "Dù công lý có lúc đã bị bẻ cong, nhưng sự thật vẫn cao hơn tất cả. Với cánh người viết chúng tôi, thì mọi việc không chỉ dừng lại ở các bản án, chúng tôi mong muốn được mổ xẻ vấn đề ở khía cạnh khác. Nói thế, chắc ông bà thông cảm".

- Có cần như vậy không ? ông Vũ Trọng Hốt hỏi lại.

- Cần ! ông chả từng bảo, không biết kiếp trước của ông thế nào, mà kiếp này, ông bị "nạn Lê Bá" là gì.

- Vậy để cho khách quan, xin anh cứ tìm gặp những người khác nữa trong vụ việc này.

- Tất nhiên rồi ! xin cám ơn và tôi sẽ còn xin gặp lại ông bà.

*
*  *

Và tôi đã bắt đầu từ ông Vũ, một "cái nút" quan trọng của vụ án. Quan trọng đến mức, chỉ một cái lắc đầu phủ nhận hoặc gật đầu xác nhận của ông ta cũng đủ để biến đen thành trắng, biến giả thành thật và ngược lại. Đáng nói là ông Vũ đã biết triệt để khai thác vai trò "cái nút" ấy của mình. Trong dư luận, có người bảo ông là "con thò lò lắm mặt". Còn giữa pháp đình (tại phiên xử phúc thẩm do TAND TP.Hà Nội tiến hành), chủ toạ lại sỉ nhục và gọi ông là "đồ hèn hạ". Đến mùa xuân Mậu Dần này, ông Vũ cũng đã ngót lục tuần, dáng người cao gầy, nước da tai tái, cặp mắt nhanh nhẹn trũng sâu, nhìn bề ngoài không thể nhận biết đó là một công nhân. Sau khi biết mục đích cuộc thăm viếng bất đắc dĩ của tôi, ông Vũ tâm sự :

- Tôi xin khẳng định...

- Khoan ! (tôi ra hiệu cho ông ta ngừng lại) xin ông tha lỗi, chắc ông biết rõ, trong vụ việc này, có rất nhiều dư luận không hay về ông, vậy tôi phải hiểu như thế nào về điều ông sắp "khẳng định" ?

- Lương tâm tôi rất cắn rứt và tôi thấy xấu hổ.

Thế đấy, thưa bạn đọc, biết "xấu hổ" là một trong những trạng thái tâm lý đặc biệt chỉ có ở con người những động vật thượng đẳng. Đã là bậc cao niên mà phải nói ra như ông Vũ, kể cũng là chuyện hi hữu. Có lẽ chính vì vậy mà những "khẳng định" của ông Vũ đã được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm thuộc TAND Tối cao, sau khi đối chiếu với các chứng cứ khác, chấp nhận. Và sau đây là câu chuyện của ông Vũ :

"Tôi và ông Hốt cùng bàn bạc, việc tôi bán lại phần đất của mình cho ông Hốt xảy ra vào cuối tháng 2.1993 là hoàn toàn tự nguyện. Trưa ngày 1.3.1993, Lê Bá đến nhà gặp vợ chồng tôi và nói :

- Cháu mới vay được của bà cô ở Hải Dương 800 USD, nghe cô chú muốn bán lại phần đất ở Bồ Đề, mong cô chú bán cho cháu.

Chúng tôi im lặng, không nói gì, Bá cứ nài nỉ mãi. Thấy vậy, chúng tôi đành phải bảo :

- Mảnh đất đấy, ông Hốt đã trả chú 1.000 USD và chú đã đồng ý để cho ông Hốt rồi.

Lập tức Bá chuyển ý ngay và đon đả : "Thầy Hốt với cháu là một mà, cô chú biết rồi còn gì, 1.000USD thầy Hốt trả cho chú đây. Thầy Hốt đưa cả giấy tờ cho cháu để cháu đi đòi phần đất bị chiếm, nên giấy nhượng bán đất chú cứ để tên cháu". Về quan hệ thầy trò giữa ông Hốt và Bá thân thiết như cha con, ở trường ai cũng biết. Vợ chồng tôi tin ngay. Thế là tôi đã viết giấy theo yêu cầu của Bá. Khoảng 3 tuần lễ sau, tôi gặp ông Hốt ở văn phòng bộ môn, tôi phàn nàn với ông :

- Anh nên trả thêm cho ít nhiều để em đỡ thiệt thòi.

- Vậy Bá nó đưa cho ông bao nhiêu rồi ? - ông Hốt hỏi.

- Dạ, Bá đưa cho em 1.000USD.

- Tại sao lại đưa 1.000USD, tôi đã đưa thêm 300USD cho Bá ngay tối 1.3.1993 rồi kia mà. Thế không phải vợ chồng ông nói với cậu Bá, bảo tôi trả thêm 300USD à ? Vậy ông cứ gặp cậu Bá mà lấy.

Vậy là việc ông Hốt đã trả thêm tiền bây giờ tôi mới biết vì sáng ngày 1.3.1993 vợ chồng tôi không hề nói với Bá đề nghị ông Hốt trả thêm 300USD. Anh ta đã lừa dối cả tôi lẫn thầy dạy của mình. Nhưng số tiền 300USD này, về thực chất cho đến nay, tôi vẫn chưa nhận được. Sát Tết âm lịch 1994, nghĩa là gần một năm sau, đột nhiên vợ chồng Bá đến nhà tôi chơi, sau khi trao cho tôi 1 triệu đồng, nói là "biếu để cô chú ăn Tết". Bá trình bày :

- Giấy bán đất trước đây chú viết không có tên vợ cháu nên khó đòi lại phần đất bị chiếm. Nếu để cả tên vợ cháu vào thì dễ đòi hơn. Đòi được, chú cũng có phần... Việc này, chúng cháu đã bàn với thầy Hốt, thầy Hốt cũng nhất trí nên chú cứ yên tâm viết lại giấy khác.

Vừa cầm tiền của Bá xong, lại nghe Bá nói thế, chúng tôi đã xiêu lòng chiều theo ý anh ta (điều mà sau này tôi cảm thấy hổ thẹn). "Thôi thì thầy trò cháu muốn làm thế nào thì làm", tôi nói vậy và lấy tờ giấy trắng ký khống chữ ký của tôi và vợ tôi vào, rồi đưa cho Bá về nhà tự viết. Một thời gian sau, giữa lúc gia đình tôi đang chuẩn bị cưới vợ cho con, thì vợ chồng Bá lại đến thăm. Cũng như lần trước, Bá lại trao cho chúng tôi 2,2 triệu đồng và sau đó lại năn nỉ : "Cô chú ký thêm một số giấy tờ nữa thì công việc mới thuận lợi hơn". Và vợ chồng tôi lại ký khống vào một số tờ giấy trắng nữa, chưa ghi gì cả, đưa cho Bá. Từ đó, Bá thường xuyên lui tới nhà tôi... Vợ chồng Bá cùng cha vợ anh ta là ông Minh đã bàn với tôi làm giấy tờ "giả vờ" trả lại đất cho tôi. Bá bảo : "Giấy nhượng nhà chưa có chứng nhận của địa phương nên chú Vũ cứ nói đất này không bán cho ông Hốt nữa, ông Hốt cũng chẳng làm gì được". Và tôi đã nghe theo lời chỉ vẽ của anh ta..."

*
*  *

Sau khi chuẩn bị một số giấy tờ khả dĩ có thể lật ngược được sự thật, lại có thêm "đồng minh" quan trọng là ông Vũ, cùng sự ủng hộ tích cực của bố vợ, Lê Bá đã tận dụng sức mạnh tổng hợp đó để "tấn công" thầy dạy, đồng thời là ân nhân của mình. Để đạt được mục đích phản đạo lý đó, anh ta đã chà đạp lên tất cả. Vốn là người cả đời làm công tác nghiên cứu khoa học, ít am tường về luật pháp, lại muốn "dĩ hoà vi quý" và sau khi bị ông "hàng xóm hụt" Vũ lật lọng, khai báo với công an, với TAND huyện Gia Lâm là ông ta bán đất cho Bá, vị phó giáo sư đáng kính của chúng ta đành phải nuốt hận nhượng bộ từng bước. Đầu tiên là ông đồng ý theo yêu cầu của bố vợ Bá, cho Bá 70 m2. Nhưng "ông học trò quý" của vị phó giáo sư đâu đã chịu. Anh ta lại đẩy ông Vũ làm "trung gian" hoà giải (tất nhiên ông Vũ phải có phần) để đòi thêm 20 m2 nữa, vị chi là 90 m2. Và PGS Vũ Trọng Hốt cũng phải cay đắng gật đầu. Vậy mà vợ chồng Bá vẫn chưa hài lòng. Lê Bá còn hỗn xược đe doạ thầy : "Ngày mai, tôi sẽ phá tường, ông có giỏi đi mà báo công an". Nhưng không phải dọa mà Bá làm thật. Ngày 31.1.1994, vợ chồng Bá tự ý phá tường bao mà ông Hốt xây trước đây, rồi tự ý xây vào đó một cổng ra vào. Hôm sau, 1.2.1994, Bá đòi trả lại cho ông Hốt 1.300 USD và đề nghị Uỷ ban xã chứng kiến. Hai ngày sau đó, 3.2.1994, Bá áp đến nhà PGS Vũ Trọng Hốt, với một "tối hậu thư" rất quyết liệt : yêu cầu vợ chồng ông ký vào văn bản thoả thuận, cho Bá sử dụng toàn bộ phần đất mà ông Hốt đã mua lại của ông Vũ. Bá nói với vẻ đắc thắng : "Đây là vấn đề tế nhị, thầy chỉ có một giải pháp duy nhất là ký vào văn bản này". Đến mức này thì PGS Vũ Trọng Hốt không còn lùi được nữa, ông đã đưa đơn kiện "vị đệ tử" phản đạo, phản phúc của mình ra cơ quan pháp luật. Song, mặc kệ ! Tháng 4.1994 không biết dựa vào thế lực nào mà Bá đã dám ngang ngược, bất chấp luật pháp, cho xây tường ngăn và chiếm luôn toàn bộ căn nhà 20 m2 , cùng mảnh đất mà ông Hốt đã mua .

Theo quan điểm cần phải khách quan, toàn diện của PGS-PTS Vũ Trọng Hốt, thì người thứ hai trong cuộc mà tôi định sẽ gặp là Lê Bá. Nhưng mà để làm gì ? Mọi việc đã rõ rồi. Ngay từ khi được thầy tin cậy nhờ cầm 1.000USD trả hộ tiền mua đất, Bá đã nảy sinh ý đồ chiếm đoạt. Anh ta đã lừa dối ông Vũ và sau đó lừa thầy dạy để đứng tên trong giấy nhượng bán một cách êm xuôi. Và sau đó, Bá đã xảo trá thực hiện cả một chuỗi lừa dối kéo dài để có được những giấy tờ khác, với nội dung giả mạo. Đánh đúng vào tâm lý hám lợi của ông Vũ, anh ta thả mồi hứa hẹn để lôi kéo, biến ông này thành kẻ lật lọng trong lời khai ban đầu với cơ quan chức năng. Có được nhân chứng (ông Vũ) và vật chứng (giấy mua đất đứng tên Bá và một số giấy tờ giả hoặc đánh tráo khác), người "học trò yêu" của PGS Vũ Trọng Hốt đã dàn dựng khá kỹ một kịch bản để chiếm đoạt, mà thực chất là ăn cướp tài sản của thầy. Và có lẽ cái kịch bản rất đáng xấu hổ đó cũng có cả sự hà hơi, tham mưu, giúp sức của những "quân sư quạt mo". Còn PGS Vũ Trọng Hốt, ngoài lòng tin vào con người, vào công lý và sự thật ra, trong nạn "Lê Bá" này, ông không có gì khác. Vậy cuối cùng lẽ phải thuộc về ai ?

*
*  *

"Trên đời có một cái cân, Nhân Dân là cán cân, Ngài là quả cân giữ cho đất trời, giang san bình yên ...". Một trùng hợp ngẫu nhiên nhưng khá thú vị là, giữa lúc vụ án đang ở giai đoạn gay cấn, quyết liệt nhất, thì trên sóng truyền hình lại đang phát bộ phim "Tể tướng Lưu gù". Tính đến thời điểm này (9.1997), "cuộc chiến" phi đạo lý, phản nhân văn mà Lê Bá tiến hành với thầy dạy của mình đã kéo dài được 4 năm với 6 phiên toà xét xử. Mấy ngày nay, tôi đã phải xoay trần ra, "đánh vật" với đống tài liệu, chứng cứ, lời khai và bút lục của các bản án đó. Một số đồng nghiệp sốt ruột bảo tôi : "Ngoài sự cả tin của ông Hốt và sự phản trắc của thằng cha học trò bất trị ấy ra, cậu còn lọc được gì trong cái đống hồ sơ ấy ?". Vâng ! Một án dân sự kéo dài ngót 1.500 ngày, đã qua tay tới 6 Hội đồng xét xử , từ cấp huyện đến cấp tối cao, chắc chắn sẽ phải có những uẩn khúc, trái ngang. Và biết đâu, tôi chẳng sẽ lọc được nhiều điều, qua sự nặng, nhẹ của "những quả cân" giữa chốn pháp đình trong thời cơ chế thị trường này ? Có lẽ phiên toà gây bất bình trong dư luận nhất là phiên toà phúc thẩm, do TAND TP. Hà Nội xử trong hai ngày 31.12.1996 và 4.1.1997 (đây là phiên toà thứ 5), với thành phần Hội đồng xét xử gồm ông Nguyễn Mạnh Tùng làm chủ toạ và hai thẩm phán là các ông Nguyễn Lương Thuận và Đào Xuân Tiến. Chính tại phiên toà này, khi chủ toạ vừa tuyên bố kết thúc, nguyên đơn (ông Hốt) do không kìm chế được, đã tiến lên bục của Hội đồng xét xử, chỉ thẳng vào mặt của chủ toạ Nguyễn Mạnh Tùng, nói to cho mọi người cùng nghe : "Toà xử đểu, ăn cướp hộ thằng Bá, lương tâm của các ông để đâu ?". Cả ba vị thẩm phán đều im lặng. Sau này, khi gặp "nguyên đơn" Vũ Trọng Hốt, người viết bài này đã thẳng thắn "nhắc nhở phê bình" ông về việc giữa thanh thiên bạch nhật mà dám "đụng" vào những "quả cân". Tại phiên toà này, cũng như những phiên toà trước đó và trong các bản cung được lưu trong hồ sơ, Bá đều khai theo "kịch bản" được dàn dựng của mình, được tóm tắt như sau :

"Tôi đã nhiều lần đặt vấn đề để ông Vũ nhượng lại mảnh đất đó cho tôi. Tháng 2.1993, khi ông Hốt gặp tôi trao đổi về việc nhờ tôi đòi đất bị lấn chiếm, tôi đã nói để ông Hốt biết ý định là tôi mua đất của ông Vũ. Do vậy, ông Hốt, bà Thảo nêu vấn đề cho tôi mượn tiền để trả ông Vũ. Sáng ngày 1.3.1993, ông Hốt tự đưa cho tôi vay 1.000USD, ngay sau đó tôi đến đưa cho ông Vũ, bà Hoà 1.000USD và làm giấy tờ chuyển nhượng, kèm giấy tờ gốc. Thực chất, đây không phải là việc mua bán, mà chỉ là chuyển quyền sở hữu. Vì thực ra, mảnh đất này ông bà Vũ cho vợ chồng tôi. Ngay tối 1.3.1993, tôi có đến nhà và ông Hốt chủ động đưa cho tôi vay thêm 300USD. Số tiền này tôi không đưa ngay cho ông Vũ mà gửi tiết kiệm. Sau này, tôi có biếu vợ chồng ông Vũ hai lần, tổng cộng 3,2 triệu đồng."

Chưa cần phải xét tới các tình tiết khác, chỉ cần qua những lời khai này của Bá, một Hội đồng xét xử công tâm đã vạch ra ngay được một thứ logic vừa bi hài, vừa ngây ngô đến nực cười. Một đồng nghiệp của tôi nhận xét : "Đúng là cả đạo diễn và kịch bản đều là những thứ dỏm". Và thật dễ hiểu khi Hội đồng xét xử của 4 phiên toà trước đều bác bỏ không thương tiếc những lời khai dối trá, đầy mâu thuẫn của Bá. Vậy mà ở phiên toà này, các quan tòa Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Lương Thuận, Đào Xuân Tiến lại chấp nhận tất cả các lời khai của anh ta! Không những thế, các vị thẩm phán này còn trắng trợn đứng hẳn về phía kẻ lừa đảo, quyết bênh vực cho hành vi bất minh của Bá, khi họ nhận định trong bản án : "Khi anh Bá đến trả tiền đất cho ông Vũ, anh Bá có nói ông Hốt đã cho anh Bá mảnh đất của ông Hốt. Do đó , ông Vũ tin lời anh Bá nên bán đất cho anh Bá". Thế là, với lời nhận định được đánh giá là quý "bằng vàng" này, họ đã tuyên cho Lê Bá thắng kiện ... Án có hiệu lực thi hành ngay. Ra khỏi phòng xử án, các đồng nghiệp của tôi chỉ còn biết lắc đầu, ngao ngán : "Chao ôi ! Trên đời có một cái cân. Ngài là ... Nếu Lưu Gù tiên sinh tái thế , có mặt xem xử án, chắc ông cũng "bậy" ngay tại pháp đình cho bõ ghét, như ông đã từng làm nơi cung cấm của Hoàng đế Càn Long"...

*
*  *

Bà Thảo, phu nhân của PGS Vũ Trọng Hốt, đang rũ như tàu chuối héo vì phải theo kiện quá lâu, vì công lý bị bẻ cong để bênh vực cho kẻ cắp và vì kẻ cắp, lại là gã học trò từng được coi là người thân của gia đình bà, thì nhận được Công văn số 912/NC đề ngày 28.2.1997 của Văn phòng Chính phủ với nội dung : "... Đồng chí Võ Văn Kiệt, Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ , đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án nói trên để giải quyết theo đúng pháp luật, trả lời cho đương sự và thông báo kết quả với Thủ tướng Chính phủ". Tiếp đến, ngày 05.4.1997, VKSND Tối cao đã có Quyết định số 38/KN-DS, kháng nghị bản án nói trên. Bà Thảo gật đầu : "Vậy là trời còn có mắt".

Ngày 26.8.1997, TAND Tối cao đã xét xử giám đốc thẩm vụ án nói trên. Sau khi thận trọng xem xét, cân nhắc, đánh giá và phân tích kỹ nội dung vụ kiện, lời khai và các chứng cứ, Hội đồng xét xử đã sáng suốt nhận định : "Giữa ông Vũ và anh Bá hoàn toàn không có quan hệ chuyển nhượng đất. Qua phân tích các tài liệu có trong hồ sơ, có thể nhận định giấy chuyển nhượng sở hữu đất ngày 1.3.1993 chỉ là hình thức, mang tính giả tạo. Số tiền ông Vũ nhận của anh Bá không phải là tiền của anh Bá, mà là tiền của ông Hốt nhờ anh Bá trả hộ tiền đất cho ông Vũ". Hội đồng xét xử đã tuyên huỷ bản án phúc thẩm ngày 4.1.1997 của TAND TP. Hà Nội, giữ nguyên hiệu lực của bản án sơ thẩm ngày 9.3.1995 của TAND huyện Gia Lâm. Xin được nhắc lại, cách đó 2 năm, TAND huyện Gia Lâm đã xử sơ thẩm, bác bỏ lời khai của Bá và công nhận lẽ phải thuộc về PGS Vũ Trọng Hốt. Sự thật chỉ có một. Toà cấp huyện đã công tâm xử đúng, tưởng lên cấp thành phố sự thật sẽ càng sáng tỏ hơn, nào ngờ lại bị bóp méo, trùm lên bức màn tối đen, để cái xảo trá, gian manh thắng thế ! Mới hay, tâm đức của người "cầm cân nảy mực", đại diện cho pháp luật quan trọng đến mức nào. Liệu có công dân nào còn dám tin vào luật pháp, tin vào công lý, khi các "quan toà" cố tình phủ định sự thật, như tại phiên toà phúc thẩm nói trên, của TAND TP. Hà Nội ? Đáng nói là trong nhiều năm qua, đã có không ít những bản án bất công, gây bao oan khiên cho người dân lương thiện, do những ông "quan pháp đình" ở huyện này, tỉnh nọ, thành phố kia... tuyên xử, nhưng đều bị bỏ qua, không "ông quan" nào bị xử lý gì. Xử oan sai vẫn hoà cả làng thì còn đâu là sự bình đẳng trước pháp luật ?

Khi tôi đang viết những dòng cuối cùng của ký sự này, thì nghe tin vợ chồng Lê Bá lại đến gặp thầy Hốt, cô Thảo để xin tha thứ (?). Con người ta kể cũng lạ. Nếu quả có chuyện ấy, thì cũng tốt thôi. Tôi đang ở cách xa vợ chồng PGS Vũ Trọng Hốt tới hơn ngàn cây số, đã khá lâu rồi tôi chưa gặp lại họ. Chắc những năm tháng cuối đời này, sau "nạn Lê Bá", họ đều "tỉnh" ra. Nhưng tôi tin rằng họ không ghét bỏ, oán hận gì anh ta, chỉ thương hại và nuối tiếc cho người học trò đã vong ân bội nghĩa chỉ vì một dục vọng thấp hèn. Tôi tin như vậy bởi cả hai ông bà đều là nhà giáo. Suốt mấy chục năm tận tụy với nghề "lái đò", họ đã đưa biết bao nhiêu thế hệ học trò sang sông. Đã có lúc nào họ đòi hỏi và chờ sự trả ơn ? Nếu có dịp gặp lại, tôi sẽ không nhắc đến "trái đắng" mà họ phải nếm trải trong ngần ấy năm trời. Vâng ! Hãy để cho những ngày không vui ấy lụi tàn ...

Ký sự này đã khép lại. Vụ việc nhỏ thôi và cũng chẳng nghiêm trọng đến mức "cháy nhà, chết người". Nhưng vấn đề đặt ra, chẳng lẽ chúng ta lại không cần suy ngẫm. Đó là khi đạo đức suy vi : con cái ngược đãi cha mẹ, học trò đánh thầy, lừa thầy..., thì những trái đắng bao giờ cũng ẩn chứa bên trong mầm phản trắc. Lê Bá cũng là thầy giáo. Trên bục giảng đường đại học, anh ta sẽ nói gì với các em, về nghĩa cha con, đạo thầy trò ? Xin được nhắc lại quan điểm của Pithagore, nhà toán học, đồng thời là nhà triết học sống cách chúng ta gần 2.500 năm : "Giáo dục một người đàn ông là giáo dục một con người. Giáo dục một người đàn bà là giáo dục một gia đình. Giáo dục một người thầy giáo là giáo dục cả một thế hệ".

Hà Nội - Nha Trang
10.1997 - 3.1998 NC
(*) Trong tập truyện ký "Hoa cỏ dại" - NXB Văn học 2007.