Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]                 [ Tác giả ]  

Bửu Chỉ - 
người về cõi không, sắc còn tồn lại

Phanxipăng

Họa sĩ Bửu Chỉ từ trần lúc 14 giờ 35 phút chiều thứ bảy 14-12-2002, 
nhằm ngày 11 tháng 11 Nhâm Ngọ, tại nhà riêng ở Vỹ Dạ, Huế. 
Bài viết này thay nhành hoa vĩnh biệt một cây cọ tài hoa.
Bửu Chỉ là họa sĩ nổi tiếng nhờ phong cách độc đáo - từ phong cách sống đến phong cách sáng tác nghệ thuật. Riêng trong lĩnh vực tạo hình đương đại, Bửu Chỉ được xem là cây cọ xuất sắc không những ở Huế, ở Việt Nam, mà cả khu vực Đông Nam Á.

Tạp chí Asian Art News (Thông tin mỹ thuật châu Á) xuất bản tại Hong Kong tháng 5-1996 từng trang trọng giới thiệu bức tranh sơn dầu Sự sống và sự chết của Bửu Chỉ trên bìa 1, đồng thời đăng bài Rebel With A Cause (Nổi loạn có duyên cớ) do nhà phê bình Sherry Buchanan viết về tác phẩm và con người Bửu Chỉ: "Bửu Chỉ là một trong số ít họa sĩ Đông Nam Á đã nắm bắt được để đưa lên khung vải cái chất mâu thuẫn cực độ của vùng đất này với tư cách chứng nhân cho tính phi nhân của con người đối với con người. (...) Là đứa con của cuộc chiến Việt Nam, Bửu Chỉ thể hiện qua tranh mình nỗi đau khổ, tính bạo lực, sự ngược đãi, cả những linh hồn lạc lõng và những thiên thần đọa lạc nữa."

Sinh thời, mỗi khi đề cập về bản thân, Bửu Chỉ thích nhấn mạnh đặc điểm mà anh lấy làm tự hào: "Tự học để trở thành họa sĩ." Điều này cũng có duyên cớ.

Tự học ở nhà trường lẫn trong nhà tù
Chào đời ngày 8-10-1948 nhằm mùng 6 tháng 9 năm Mậu Tý tại Huế trong một gia đình "hoàng phái" thuộc đệ nhị chánh hệ (1), phòng 11(2), Bửu Chỉ lớn lên êm đềm bên bến sông trăng(3) nơi thôn Vỹ Dạ.

Thân phụ của Bửu Chỉ là Ưng Thuyên, một công chức rất khoái... văn nghệ. Ông lấy bút hiệu Vu Hương, thỉnh thoảng tụ tập bạn thơ xướng họa. Ngoài ra, ông còn là một peintre du dimanche (họa sĩ nghiệp dư - nguyên nghĩa là người vẽ tranh vào ngày chủ nhật). Sinh hoạt tài tử của ông bố ắt ảnh hưởng ít nhiều đến con cái. Tuy nhiên, ông khuyên con cái chớ dại theo đuổi con đường văn nghệ chuyên nghiệp mà... nghèo! Vì thế, nhiều anh chị của Bửu Chỉ đã vào Đại học Sư phạm rồi trở thành nhà giáo: Công Tằng Tôn Nữ Thanh Thu dạy sinh vật, Bửu Văn dạy tiếng Pháp, Công Tằng Tôn Nữ Hồng Vân dạy lịch sử. Còn Bửu Chỉ, sau khi hoàn tất bậc trung học tại trường Quốc Học thì vào Đại học Luật khoa Huế.

Bửu Chỉ kể:

- Cha mình muốn mình trở thành luật sư, nên mình theo học cử nhân luật. Học luật nhưng mê vẽ. Từ năm 17 tuổi, lúc còn là cậu học sinh trường Quốc Học, mình đã tự nghiên cứu hội họa. Đọc sách về hội họa cổ điển, cận và hiện đại, rồi mình ngắm nghía, phân tích các phiên bản tác phẩm của những cây cọ bậc thầy như Léonard de Vinci, Pierre-Paul Rubens, Edouard Manet, Claude Monet, Paul Cézane, Auguste Renoir, Paul Gauguin, Vincent Van Gogh, Henri Matisse, Georges Braque, Juan Gris, v.v. Mình cố gắng rút ra một số "bí quyết" dựng hình, phối sắc, bố cục. Tự học, đương nhiên khó khăn, nhưng lại có sự hào hứng và sảng khoái của người tự do khám phá. Trên hành trình đó, đặc biệt gây ấn tượng sâu sắc đối với mình là tranh Pablo Picasso và tranh mộc bản dân gian Việt Nam. Ý tưởng xây dựng một thế giới sáng tạo riêng cho bản thân dần hình thành trên cơ sở dung hòa kỹ thuật phương Tây với những nét đặc trưng của nghệ thuật dân tộc. Cứ thế, mình vừa tự học, vừa thể nghiệm, và hoàn toàn đứng bên lề thời cuộc cho tới Tết Mậu Thân 1968.

Chiến sự tàn khốc diễn ra dịp Tết Mậu Thân 1968 ở cố đô Huế đã ám ảnh Bửu Chỉ, hướng cuộc sống lẫn đề tài sáng tác của anh vào khúc ngoặt lịch sử. Những ai từng sống ở các đô thị miền Nam Việt Nam từ đầu thập niên 1970 hẳn không quên loạt hình vẽ tài tình và gan góc với thủ pháp "đánh bóng carô", ký tên Bửu Chỉ, xuất hiện trên tạp chí Đối Diện cùng các ấn phẩm của phong trào sinh viên học sinh chống chiến tranh, chống bạo quyền, đòi hỏi hòa bình và thống nhất đất nước. Chẳng hạn tranh bìa và phụ bản mà Bửu Chỉ vẽ cho tập bài hát Tiếng ca giữ nước của Tôn Thất Lập và Nguyễn Phú Yên, hoặc phụ bản trong tập ca khúc Ta phải thấy mặt trời của Trịnh Công Sơn(4). Cả hai tập đó đều phát hành năm 1970, niên điểm Bửu Chỉ được bầu làm Tổng thư ký Hội Sinh viên sáng tác trực thuộc Tổng hội Sinh viên Huế.

Trong tập 2 Nghiên cứu Huế (2001), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tường thuật: "Trong những năm chiến tranh ác liệt ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như người duy nhất vẽ rất nhiều đề tài chiến tranh và hòa bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt với mực đen. Tranh anh được in trên các tạp chí nước ngoài và gây được một dư luận rộng rãi."

Thật ra, cùng với hàng loạt tranh bút sắt mực đen vẽ trên giấy khổ nhỏ - như Ngợi bình minh, Một tuổi thơ chưa kịp lớn, 26 chiếc đinh tội ác, Các thế hệ đi đày - thì Bửu Chỉ thuở bấy giờ còn thể hiện một số tranh sơn dầu khổ lớn mà nổi bật là bức Trên cánh đồng tháng 8 với kích cỡ 2 x 3m triển lãm chung với Phan Hữu Lượng và Phạm Mỹ Trinh tại trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn năm 1971 nhằm "chống văn hóa nô dịch" và "chống văn hóa đồi trụy lai căng". Trong cuốn Tiếng hát những người đi tới (NXB Trẻ, 1993), nữ họa sĩ Phạm Mỹ Trinh nhớ lại: "Quả tình khuôn khổ bức tranh có làm tôi hơi 'khớp', vì so với tranh của tôi, tranh của anh Chỉ có cái gì đó rất sâu, rất chững chạc và nhất là rất cách mạng!".

Năm 1972, chính quyền Sài Gòn tống giam Bửu Chỉ, rồi đưa ra tòa án quân sự kết tội "sinh viên nổi loạn và bất phục tùng", tuyên phạt 5 năm tù. Bửu Chỉ hồi tưởng:

- Qua mắt nhà cầm quyền, mình là kẻ gây rối và chống chiến tranh. Đúng. Suốt đời, mình luôn chống chiến tranh, luôn cổ vũ tình nhân loại. Trước khi ra tòa, mình bị biệt giam 6 tháng tại khám Chí Hòa, bị tra tấn nhiều lần. Ở tù, bằng mọi cách, mình vẫn tự học hội họa, vẫn tiếp tục vẽ.

Trong hoàn cảnh lao lung, tất nhiên chỉ có thể vẽ tranh khổ nhỏ bằng bút chì, bút sắt, mực đen. Những bức tranh đặc biệt ấy được lén tuồn ra ngoài và lần lượt xuất hiện trên báo chí trong Nam ngoài Bắc. Đó là các bức Khát vọng, Trái tim hòa bình, Bầy quạ chiến tranh, Phận người, Người nữ tù, Chân dung hòa bình, Mẹ hòa bình, v.v. Một bức tranh trong tù của Bửu Chỉ - bức Khát vọng hòa bình vẽ những cánh chim câu - bay vút sang tận... Đại học Boston, được sinh viên Hoa Kỳ phóng lớn lên áo pull nhằm "phản đối chiến tranh Việt Nam". Sách báo ở Pháp, Tây Đức, Canada, Nhật Bản bấy giờ cũng in tranh trong tù của Bửu Chỉ.

Bửu Chỉ tiếp:

- 30-4-1975 là một ngày trọng đại với toàn quốc nói chung, với cá nhân mình nói riêng. Lòng ngập tràn hy vọng, mình rời lao ngục, trở lại quê nhà, hy vọng sẽ đóng góp chút gì vào công cuộc tái thiết xứ sở.

Biểu tượng biểu tượng 
Hiện thực cuộc sống "ngổn ngang trăm mối" lại đặt vấn đề theo chiều kích mới, khiến Bửu Chỉ trăn trở suy tư và bộc lộ thái độ - trước tiên là qua sáng tác của mình.

Những năm tháng sau ngày đất nước Việt Nam thống nhất, bằng đường nét và màu sắc, Bửu Chỉ tham gia thiết kế mẫu bìa và vẽ minh họa nhiều sách, báo, tạp chí. Nhận công việc này, anh luôn chứng tỏ trách nhiệm bằng sự chăm chút kỹ lưỡng và sự hiển lộ cá tính sáng tạo. Bao vui buồn lẫn lộn dập dồn. Một kỷ niệm khó phai trong lòng Bửu Chỉ là tranh bìa tạp chí Văn Nghệ Bình Trị Thiên số ra mắt vào tháng 7-1976. Anh vẽ cách điệu đường ray uốn lượn trong khuôn viên một nhà máy. Tạp chí vừa phát hành, lập tức có vị chất vấn liên thanh: "Tại sao đường ray chẳng có xe gòòng chạy? Tại sao ống khói nhà máy không phụt khói? Tại sao sân xí nghiệp vắng bóng công nhân?"

Một kỷ niệm nữa, cũng liên quan truyền thông đại chúng: trên tạp chí Sông Hương số 45 phát hành tháng 3-1991, Bửu Chỉ đăng nơi trang 45 bức tranh ngộ nghĩnh thể hiện bàn tay nối liền bàn chân, kèm đôi dòng: "Tôi xin nhờ bạn đọc gần xa đặt giúp nhan đề cho bức tranh này, kèm theo lời bình (nếu có). Bạn nào đặt nhan đề và lời bình sâu sắc và hóm nhất, tôi sẽ xin nhượng lại nhuận bút cho bạn đó." Vụt rộ lời đàm tiếu theo kiểu chơi chữ không phân biệt dấu hỏi với dấu ngã: "Thằng họa sĩ ni hơi bị hiểm! Tranh vẽ tay, vẽ chân, mà thiếu đầu, tức vắng thủ. Vắng thủ, nói lái là... đích danh ngài bí thư tỉnh ủy Bình Trị Thiên: Vũ Thắng!".

Giai đoạn ấy, Bửu Chỉ bắt đầu có điều kiện khai thác chất liệu hội họa mà anh yêu thích: sơn dầu. Từ tranh sinh hoạt Nguồn năng lượng mới vẽ năm 1977, đến tranh phong cảnh Sự sống của mặt đất bình yên dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980 tại Hà Nội, Bửu Chỉ đã cùng các cây cọ ở Huế lúc bấy giờ - gồm Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Hoàng Đăng Nhuận, v.v. - cống hiến cho công chúng "một dáng vẻ riêng của miền đất cổ kính, nên thơ và đau khổ" như Nguyễn Quân từng ghi nhận trong công trình nghiên cứu Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại (NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1982).

Chừng đó, với Bửu Chỉ, vẫn còn quá thiếu. Anh xoay xở tìm tòi, khát khao bứt phá. Bấy giờ, vật tư mỹ thuật trong nước cực kỳ khan hiếm. Bửu Chỉ ắt là người đầu tiên nghĩ và làm "tranh bố". Tức vẽ sơn dầu trên... bao bố. Xuất hiện những bức "tranh bố" lý thú vào thập niên 1980: Tiền thân rong chơi, Trước biển, Đêm qua tôi nằm mơ thấy mình là chim, v.v. Không ngờ loại tranh "khắc phục khó khăn" nọ lại được giới thưởng ngoạn thích thú, trong đó có nhà văn Nguyễn Tuân.

Từ năm 1983 đến 1988, Bửu Chỉ được bầu làm ủy viên ban chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Năm 1986, lần đầu tiên anh được xuất ngoại: qua Liên Xô. Đầu tháng 11-1988 tới cuối tháng 4-1989, anh sang Pháp tham quan, sáng tác và triển lãm tại thủ đô Paris. Clint - một nghệ sĩ tạo hình Pháp - viết vào sổ cảm tưởng: "Cảm ơn về chứng từ cuộc sống xuyên qua công việc sáng tác hội họa của anh. Điều đó làm cho chúng tôi thấy rằng: đừng bao giờ ngủ quên." Một vị khách khác lại ngắm tranh Bửu Chỉ và cho rằng đấy là "những tác phẩm đầu tiên mà tôi được biết về chủ nghĩa siêu thực (surréalisme) Việt Nam."

Gọi tranh Bửu Chỉ thuộc luồng siêu thực e không chính xác. Anh bảo:

- Mình chả gò theo cái "isme" nào. Có chăng là humanisme (5), hoặc phù hợp hơn thì expressionisme socialiste (6).

Suốt đời say mê sáng tác, Bửu Chỉ tập trung xây dựng một số biểu tượng thị giác. Trước kia, anh vẽ bút sắt với mực đen, các họa tiết xích xiềng, chấn song, búa liềm, mặt trời, chim bồ câu cứ lặp đi lặp lại đầy dụng ý. Sau này, anh tung tẩy sơn dầu, bên cạnh mặt trời còn thêm mặt trăng, thường là mảnh trăng khuyết, bên cạnh chim bồ câu là các tĩnh vật gây ấn tượng như cốc trà, tách cà phê, nậm rượu, bình vôi, ngọn đèn dầu hột vịt, lại tạo tiếp cả loạt motif quả trứng, đồng hồ, khối đá, và khá nhiều mặt nạ. Phong cảnh thiên nhiên dường bị triệt tiêu trong thế giới tạo hình của Bửu Chỉ. Nói chính xác thì núi sông, phường phố, làng mạc chỉ thoáng hiện qua một ít ký họa của anh mà thôi - như Đường lên biên giới qua ải Chi Lăng (1979), Cầu bắc qua sông Loiret ở Orléans (1989), Cổng trường Quốc Học và Đồng Khánh (1996). Đặc biệt, tranh Bửu Chỉ sau này, đại đa số con người bất thành nhân dạng, mà giản lược hóa tối đa, cốt sao diễn đạt được khái niệm "con người". Anh lập luận:

- Nghệ thuật hiện đại đang tiến đến chỗ biến mọi hình ảnh thành những ký hiệu. Hình ảnh, màu sắc, mảng khối, đường nét trong tranh, thật ra là một thứ chữ viết của riêng mỗi họa sĩ. Vẽ là gì? Là phát tín hiệu và mong có người thu nhận, giải mã.

Sử dụng loạt biểu tượng tựa hồ "bảng mẫu tự" do mình tự tạo, Bửu Chỉ bộc bạch những chiêm nghiệm về không gian, thời gian, sự sống, nỗi chết, hạnh phúc, khổ đau qua bao lớp sơn dầu dày mỏng. Trầm tư, Người trầm ngâm, Tình người, Thời gian là những tiêu đề chính mà Bửu Chỉ đặt cho chuỗi tác phẩm khác nhau, hình thành những "xêri" tranh mà anh tự nhận "rất tâm đắc". Thời gian nẩy sinh các biến thể Thời gian đầy và vơi, Ám ảnh thời gian, Tay níu thời gian, Chạy trốn thời gian, Chông chênh trên thời gian, Treo trên thời gian, Thời gian và tôi, Thời gian và tình yêu, Thời gian quay trong đầu, v.v. Nature morte - từ tiếng Pháp mà Bửu Chỉ thích dùng chỉ tĩnh vật, nghĩa đen là vật chết - cũng biến hóa bởi các kiểu tổ hợp ngẫu hứng: Tĩnh vật cà phê đen, Tĩnh vật đèn dầu, Tĩnh vật bình vôi, Tĩnh vật bình vôi và chim câu, Tĩnh vật, chim câu và mèo, v.v.

Tôi đùa:

- Nom các tĩnh vật trong tranh, cứ thấy... cả xác lẫn hồn họa sĩ.

Bửu Chỉ gật:

- Thì chính mình phóng chiếu mình lên toile, thành nature morte. Cả vẽ người, mình cũng thích vẽ như nature morte.

Nhìn nhận chính xác thì chẳng phải tất cả con người trong tranh Bửu Chỉ đều tĩnh vật hóa, giản lược hóa. Có những bức sơn dầu gần đây, anh đặc tả nhân vật với đầy đủ chi tiết hình thái cụ thể. Ấy là khi Bửu Chỉ vẽ chính mình: Chân dung tự họa. Ấy là Chân dung họa sĩ Đinh Cường (4-2001) và Chân dung nhạc sĩ Phạm Duy (10-2002). Ấy cũng là 5 bức Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do anh vẽ, triển lãm tại Huế tháng 7-2001 rồi triển lãm tại TP.HCM tháng 7-2002. Ngờ đâu, đó lại là cuộc trưng bày tác phẩm cuối đời anh!

Đây là điều có thể gây ngạc nhiên đối với khá đông người yêu tranh anh: Bửu Chỉ từng vẽ nude (khỏa thân) rất sinh động. Nhiều kẻ đã xem tranh phụ nữ khỏa thân của anh - chẳng hạn Dâng quả (1987), Chim câu hóa thân (1988), Xuân thì (1989) - chắc chắn thấy nhân vật bị phẫu tích, xong tái cấu trúc theo lối lập thể. Năm 1997, Bửu Chỉ vẽ hai bức Khóc thầm, Khỏa thân và trăng xanh rồi đưa từ Huế vào TP. HCM trưng bày. Đó là đôi bức nude xinh xắn, đậm chất trang trí, tạm gọi "tiệm cận cái thật". Cách dựng hình này được Bửu Chỉ phát huy trong các bức Lim dim (1999), Khỏa thân trăng tròn (2000), Khỏa thân (2001). Một mỹ nữ nằm chợp mắt với các tư thế khác nhau được ba tác phẩm vừa kể thể hiện bằng bút pháp "y như thật". Anh cất kỹ mấy bức ấy trong phòng riêng, gặp "tương tri" thì mới cho... liếc xéo.

Tôi phì cười:

- Phải chăng nhân vật này là một "biểu tượng sống" của đời anh?

Anh nâng ly rượu, tủm tỉm:

- Bất khả tư nghì.

Đang độ sáng tác sung mãn, ấp ủ nhiều đề tài mới đầy hứa hẹn, Bửu Chỉ đột ngột ly trần. Giai đoạn cuối đời, anh dành nhiều thì giờ tọa thiền và nghiên cứu Phật học. Gặp nhau, anh sẵn sàng bỏ cả buổi bàn luận nào giác ngộ, nào vô minh, nào lẽ vô thường "không tức thị sắc, sắc tức thị không".

Thôi thì anh đi!

Bửu Chỉ nhẹ bước trở về cõi không, song sắc còn tồn lại với ba đào và tiếp tục phát tín hiệu. 
 

___________

(1) - Đệ nhị chánh hệ Nguyễn Phúc tộc là dòng dõi vua Minh Mạng

(2) - Tạo lập bởi Tuy Lý Vương Miên Trinh

(3) - Cụm từ trong bài thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mạc Tử

(4) - Bửu Chỉ còn có tranh phụ bản các tập ca khúc khác của Trịnh Công Sơn như Kinh Việt Nam (1968), Phụ khúc da vàng (1972).

(5) - Humanisme: xu hướng nhân bản

(6) - Expressionisme socialiste: khuynh hướng biểu tượng xã hội

Đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 319 (20-12-2002)


Hoạ sĩ Bửu Chỉ (1948 - 2002). 
Ảnh: Phanxipăng
 Bìa tập II Tiếng ca giữ nước do Bửu Chỉ trình bày
 Bìa tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên số 1 (7-1976) 
do Bửu Chỉ trình bày
 Trong nhà lao Chí Hoà. Ký hoạ bút sắt: Bửu Chỉ
 Bầy quạ chiến tranh. Tranh bút sắt & mực: Bửu Chỉ
 Thời gian. Tranh sơn dầu: Bửu Chỉ
Tĩnh vật bình vôi và chim câu. Tranh sơn dầu: Bửu Chỉ
 Dâng quả. Tranh bố: Bửu Chỉ
 Khoả thân. Tranh sơn dầu: Bửu Chỉ
Trần Thị Tường Vy viếng mộ chồng Bửu Chỉ. Ảnh: Phanxipăng