Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]                 [ Tác giả

Nữ kỷ lục gia thực hiện
Con đường gốm sứ ven sông Hồng

Phanxipăng

Được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố (TP) Hà Nội phong tặng 
là 1 trong 11 công dân thủ đô ưu tú năm 2010, 
nhà báo kiêm hoạ sĩ Nguyễn Thị Thu Thuỷ thiết kế và chỉ đạo thi công 
công trình tạo tiếng vang mạnh vào dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: 
con đường gốm sứ ven sông Hồng đã đoạt kỷ lục Guiness 
"bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới".
Về vùng núi Nùng sông Nhị dự đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một trong những việc đầu tiên mà tôi thực hiện ngay: phóng xe chầm chậm trên trục lộ ven sông Hồng - gồm chuỗi đường phố Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư - để xem bức tranh gốm sứ do nhà báo kiêm hoạ sĩ Nguyễn Thị Thu Thuỷ thực hiện. Ý tưởng tạo lập công trình độc nhất vô nhị này quá tuyệt vời, mà lại được đề xuất và triển khai thực hiện bởi một liễu yếu đào tơ, đủ khiến mọi người háo hức quan tâm, mặc dù nhiều phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh rằng con đường gốm sứ đang thi công lại nẩy sinh lắm sự cố đáng tiếc là bong tróc, nứt vỡ. Thêm điều nữa càng lôi cuốn sự chú ý của mọi người: chi phí thực hiện con đường gốm sứ chủ yếu do Thu Thuỷ tự xoay xở bằng biện pháp gọi là "xã hội hoá".

Con đê bê tông xám tối ngày nao nay vụt hoá thân thành công trình mỹ thuật quy mô và đa dạng với sắc màu chuyển hoá sống động. Ngay khi đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa khép, tôi phát biểu:

- Trong những món quà mừng sinh nhật thứ 1000 của Thăng Long - Hà Nội, ắt con đường gốm sứ là sản phẩm tài hoa nhất và vĩ đại nhất.

Làn thu thuỷ
Nguyễn Thị Thu Thuỷ chào đời tại Hà Nội năm Tân Hợi 1971. Năm 1992, Thu Thuỷ tốt nghiệp khoa Tiếng Nga trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Giai đoạn 1997 - 2002, nàng công tác tại tạp chí Mỹ Thuật, từ năm 2002 đến nay làm phóng viên báo Hà Nội Mới. Với đôi mắt sáng và nụ cười tươi, Thu Thuỷ cho tôi biết:

- Bố em là nhà báo Trung Đông. Mẹ em là nhà giáo Nguyễn Thị Xuân Trang. Thời sinh viên Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, em đã mê vẽ. Em học sơn dầu với Phạm Viết Song; học sơn mài với Trịnh Quân, Công Kim Hoa, Tạ Phương Thảo, Phạm Viết Hồng Lam; học đồ hoạ với Lê Huy Tiếp. Tranh của em từng triển lãm ở Hà Nội, Seoul (Hàn Quốc), Bucharest (Romania), Washington D.C. (Hoa Kỳ).

Tôi hỏi:

- Con đường gốm sứ ven sông Hồng được Thu Thuỷ hình thành ý tưởng từ đâu, bao giờ?

Thu Thuỷ đáp:

- Cuối năm 2003, được tham quan khu vực khảo cổ trong Hoàng thành Thăng Long, em xúc động ngắm nhìn loạt hiện vật như ngói âm dương thời Đinh, ngói ống trang trí hoa cúc thời Lý, tượng đất nung đầu chim phượng hoàng thời Trần, bình gốm men lam và men trắng thời Lê. Xuyên qua thời gian, một dòng chảy lịch sử được lưu giữ trên chất liệu gốm truyền thống. Đầu óc em bật ý tưởng: nên làm bức tranh gốm sứ chạy dài theo một tuyến đường. Hà Nội, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tuyến đường ven sông Hồng - dự án khởi phát thế đấy, anh Phanxipăng ạ.

- Phải chăng Thu Thuỷ phải cố gắng hoá giải muôn khó khăn trắc trở thì chương trình mới được khởi động vào tháng 10-2007?

- Vâng. Trước tiên, lập dự án để trình các cấp thẩm quyền cho phép tiến hành. Thứ nhì, huy động lực lượng nghệ sĩ và nghệ nhân trong lẫn ngoài nước cộng tác thực hiện. Thứ ba, mặc dù từ tháng 6-2009 được UBND TP Hà Nội đầu tư 17 tỉ đồng, nhưng ngay lúc khởi công và bao chi phí khác lâu nay thì em phải ngược xuôi vận động các cá nhân và tập thể giúp đỡ kinh phí. Mỗi chuyện rất hợp tình hợp lý thế này cũng phát mệt: xin phép chính quyền được gắn logo để ghi danh các nhà tài trợ.

Tháng 11-2006, Nguyễn Thị Thu Thuỷ lập xong dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng: công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày 23-10-2007, UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt dự án nọ. Cũng năm 2007, Thu Thuỷ được Chủ tịch UBND này là ông Nguyễn Thế Thảo trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt". Nàng kể:

- Năm 2006, được sang Đức tu nghiệp ngắn hạn (2 tháng) về báo chí tại thành phố Berlin, gặp cơ hội dạo thăm 7 nước châu Âu, em say mê chụp ảnh các công trình kiến trúc gắn gốm của Hundert Wasser ở Damstart (Đức), của Antonio Gaudi ở Barcelona (Tây Ban Nha). Tháng 10-2008, sau khi thi công được một đoạn đường gốm sứ tại Hà Nội, em được mời sang Hoa Kỳ tham quan các bích hoạ bằng acrylic của nhiều hoạ sĩ ở Philadelphia (bang Pennsylvania), ở Chicago (bang Illinois), ở San Francisco (bang California). Đó là những tài liệu tham khảo quá bổ ích.

Thu Thuỷ linh hoạt tổ chức thực hiện dự án bằng nhiều biện pháp. Chẳng hạn để tổng hợp tranh tường, với sự hợp tác của trường tiểu học An Dương, trường Quốc Tế Unis, cung Thiếu nhi Hà Nội, quỹ trẻ em Blue Dragon, cuộc thi vẽ theo chủ đề Hà Nội - thành phố vì hoà bình được phát động, đã thu hút cả nghìn thiếu nhi Việt Nam lẫn quốc tế tham gia, rốt cùng chọn được 200 bức của Tô Vũ, Nguyễn Anh Thư, Ngô Thuỷ Giang, Dora, v.v., để gốm hoá. Nhờ mối quan hệ rộng rãi, Thu Thuỷ trân trọng mời 34 nghệ sĩ - trí thức trong lẫn ngoài nước tham gia sáng tạo bằng nhiều phong cách khác nhau (1), đồng thời huy động 50 sinh viên mỹ thuật cùng 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ các địa phương nổi tiếng nghề gốm truyền thống là Đông Triều (Quảng Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh), Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội), Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Biên Hoà (Đồng Nai), Lái Thiêu (Bình Dương), Chợ Lớn (TP.HCM), Long Hồ (Vĩnh Long), v.v.

GS sử học Lê Văn Lan nhận xét về dự án do Nguyễn Thị Thu Thuỷ đề xuất:

- Tôi cho đây là một ý tưởng hay, là một sáng kiến. Có thể nói cao hơn nữa rằng thậm chí đây là một phát kiến.

Chiều thứ hai 23-8-2010, Hội đồng thi đua - khen thưởng TP Hà Nội công bố danh sách 10 công dân thủ đô ưu tú, trong đó có Nguyễn Thị Thu Thuỷ với thành tích khởi xướng và tổ chức dự án vừa nêu. Danh sách này sau đó được đặc cách bổ sung nhà toán học Ngô Bảo Châu. Lễ trao tặng danh hiệu công dân thủ đô ưu tú được tổ chức vào chiều thứ bảy 4-9-2010.

Nét xuân sơn
Dạo xem con đường gốm sứ ven sông Hồng, khi thì "toàn tập", khi thì từng đoạn ngắn, lắm khi chỉ một vài hoạ tiết, qua nhiều buổi - sáng, trưa, chiều, tối - trong những điều kiện thời tiết khác nhau, tôi nhận ra rằng công trình nghệ thuật quần chúng này thực sự góp phần tích cực vào việc làm tốt làm đẹp thủ đô đúng đại sự kiện: sinh nhật thứ 1000.

Dừng chân phía đầu cầu Chương Dương, ngắm đôi rồng thời Lý chầu dãy số ghi hai niên điểm đáng nhớ 1010 - 2010 được bố trí trên nền những vòng cung đa sắc và ngoài cùng là muôn đoá hoa đào tươi thắm, rồi tạt qua khỏi chợ Long Biên một quãng ngắn trên đường Trần Nhật Duật, nhìn dòng chữ Thăng Long Hà Nội 1010 2010 xanh thẫm - xanh nhạt - xanh nõn chuối - cam - đỏ với biểu trưng chính thức của Hà thành là logo gác Khuê Văn do hoạ sĩ Phạm Ngọc Tuấn thiết kế (2) gần bên mặt trống đồng Ngọc Lũ, tôi nhận ra sự khéo léo phối kết hợp gốm sứ nhiều kiểu thức trên bức tranh tường: mảnh vuông, phiến chữ nhật, viên gạch và nhiều hình dạng khác theo đối tượng được tạo hình cụ thể.

Không chỉ tranh bằng phẳng, con đường gốm sứ ven sông Hồng có những chỗ mà các hoạ tiết nhô ra tạo nên phù điêu. Qua đó, rất nhiều điều được quần chúng thoải mái đón nhận qua kênh mỹ thuật thị giác. Có 21 trường đoạn tranh gốm nối tiếp nhau theo các chủ đề: chuỗi hoạ tiết theo dòng lịch sử từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; hoa văn của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng Việt Nam; làng quê Việt Nam; lễ hội dân gian; gốm sứ Việt Nam; gốm sứ thế giới; tranh thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với khát vọng hoà bình; tranh gốm phong cách đương đại do các hoạ sĩ quốc tế thể hiện; thế giới các loài hoa; dấu ấn định đô Thăng Long; mùa xuân phố cổ, v.v. Ngoài ra, công trình này còn bộc lộ tình hữu nghị quốc tế khi thể hiện hoa văn cùng cảnh sắc đặc trưng của nhiều quốc gia, tái tạo tranh Vicent van Gogh (1853 - 1890), v.v.

Gốm phủ men màu được nung từ 1.2000C trở lên, gắn chặt bằng keo Mora, dẫu gặp lắm sự cố đáng tiếc nẩy sinh như bị nứt vỡ, bong tróc, song Nguyễn Thị Thu Thuỷ cùng cộng sự tích cực tìm phương án sửa chữa, thay thế, duy tu, bảo dưỡng. Không chỉ chừng ấy, tác phẩm lớn này còn cần đảm bảo vệ sinh, phòng tránh những hành động nghịch phá, v.v.

Dọc theo con đường gốm sứ ven sông Hồng, bây giờ mọi người thấy hiển hiện logo các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đã nhiệt tình tài trợ cho công trình nghệ thuật cộng đồng này. Đó là UBND của nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hoà Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nghệ An, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Đó là các đại sứ quán Italia, Argentina, Tây Ban Nha, Hà Lan tại nước ta. Đó là các ngân hàng Vietcombank, Habubank, SeABank, BIDV. Đó là các công ty Vietnam Airlines, Vinaphone, Petrolimex, Vinapaco, Vinaconex, Vnsteel, Viglacera, Hanosimex, Hapro, Handico, Hanel, Mova, Cyvad, Vincom, Garco 10, Impsa, FPT, CEO, PVFC, Hồng Hà, Việt Hà, Thái Dương, Trần Hồng Quân, Thạch Bàn, Quang Minh, Sông Đuống, Thung Lũng Vua, Đá Đỉnh Vòm. Đó là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Quỹ Freedom to Create, Quỹ Ford Foundation, Viện Goethe ở Hà Nội, Viện Giáo dục quốc tế, v.v.

Tháng 8-2008, con đường gốm sứ ven sông Hồng được trao giải "Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội".

Sáng thứ ba 5-10-2010, bên chân cầu Long Biên, lễ khánh thành con đường gốm sứ ven sông Hồng được tổ chức trọng thể. Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - trân trọng gắn biển "kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" vào công trình đặc sắc này. Bà Beatriz Fernández, đại diện Tổ chức Kỷ lục Guinness / Guinness World Records trao tận tay Nguyễn Thị Thu Thuỷ bằng chứng nhận bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới. Lúc ấy, chỉ trường đoạn Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử từ của khẩu An Dương đến cửa khẩu Tân Ấp với chiều dài 810m có diện tích bề mặt 1.570,2m2 được công nhận kỷ lục Guinness.

Bà Beatriz Fernández nói:

- Chúng tôi phải tiến hành đo và tính toán kỹ lưỡng diện tích của bề mặt bức tranh. Theo quy định của Tổ chức Kỷ lục Guinness, chỉ những bề mặt liền mạch với nhau mới được tính là một bức tranh. Tuy con đường gốm sứ của Hà Nội có tổng độ dài hiện tại gần 4km và tổng diện tích lên đến gần 7.000m2 nhưng lại bị phân chia bởi các cửa khẩu nên không thể được coi là một bức tranh duy nhất. Nói chính xác thì con đường gốm sứ là công trình bao gồm nhiều đoạn tranh hợp thành. Với công trình này, chỉ đoạn tranh dài 810m, rộng 1.570,2m2 thì kỷ lục thế giới mới được xác lập(3).

Trên trang web của Tổ chức Kỷ lục Guinness http://community.guinnessworldrecords.com/_Worlds-largest-ceramic-mosaic/BLOG/2699741/7691.html thì số liệu đo đạc con đường gốm sứ ven sông Hồng được công bố lại là: dài 3,85km, rộng 6.950m2.

Cần thêm rằng vào tháng 5-2010, tại TP Rawson - thủ phủ tỉnh Chubut ở miền Nam nước Argentina, đoạn tranh tường gốm sứ Bát Tràng dài 8,6m, cao 1,2m, diện tích bề mặt 10m2, mang tên La Nueva Era / Kỷ nguyên mới đã được các nghệ sĩ Việt Nam thể hiện mỹ mãn. Ngay trước Tết Tân Mão, Nguyễn Thị Thu Thuỷ chuẩn bị hành lý sang Tây Ban Nha để chuẩn bị kế hoạch tặng thủ đô Madrid bức tranh tường gốm sứ vào mùa hè 2011. Nàng chúm chím:

- Con đường gốm sứ ven sông Hồng được dịch ra tiếng Anh là Hanoi Ceramic Mosaic Mural, tắt hoá thành Hanoi Mural. Theo dự kiến, con đường gốm sứ ven sông Hồng đến năm 2013 mới hoàn công. Xin tiết lộ với anh Phanxipăng một thông tin hấp dẫn: em vừa thử nghiệm thành công quy trình in ảnh lên cột gốm đường kính 60cm, cao 1,8m. Nhờ nung nặng lửa, hơn 1.2000C, những tấm ảnh đó chịu đựng được mưa nắng ngoài trời.

Tin rằng trong tương lai, tranh tường gốm sứ và cột gốm xinh xắn mang dấu ấn Nguyễn Thị Thu Thuỷ sẽ hiện hữu ở Huế, TP.HCM, cùng nhiều tỉnh thành khác trên đất nước Việt Nam và thế giới.

____________

(1) Danh sách nghệ sĩ - trí thức cộng tác với Nguyễn Thị Thu Thủy thực hiện Con đường gốm sứ ven sông Hồng:

* Người Việt Nam có Bùi Anh Tuấn (hoạ sĩ), Bùi Viết Đoàn (điêu khắc gia), Bằng Việt (nhà thơ), Công Quốc Hà (hoạ sĩ), Dương Văn Thành Đô (hoạ sĩ), Đào Xuân Tùng (hoạ sĩ), Đỗ Quốc Vị (điêu khắc gia), Hà Huy Hiệp (hoạ sĩ), Hà Huy Mười (hoạ sĩ), Hữu Bảo (nhiếp ảnh gia), Hoàng Hà (nhiếp ảnh gia), Lê Bích (nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia), Lê Huy Tiếp (hoạ sĩ), Lê Trung Kiên (hoạ sĩ), Lại Diễn Đàm (nhiếp ảnh gia), Ngô Bá Hoàng (hoạ sĩ), Ngô Doãn Kinh (hoạ sĩ), Nguyễn Doãn Sơn (hoạ sĩ), Nguyễn Duy Hữu (hoạ sĩ), Nguyễn Đình Toán (nhiếp ảnh gia), Nguyễn Đỗ Bảo (nhà nghiên cứu mỹ thuật), Nguyễn Đức Hoà (phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội), Nguyễn Huy Cường (nhà báo), Nguyễn Mạnh Cường (hoạ sĩ), Nguyễn Mạnh Linh (hoạ sĩ), Nguyễn Ngọc Tuấn (hoạ sĩ), Nguyễn Quang Trinh (hoạ sĩ), Nguyễn Quý Sơn (hoạ sĩ), Nguyễn Thuỳ Vân (nữ nhà báo), Nguyễn Thế Hoà (hoạ sĩ), Nguyễn Trọng Tuấn (chánh văn phòng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long), Nguyễn Vinh Phúc (nhà Hà Nội học), Nguyễn Văn Khánh (hoạ sĩ), Phan Thanh Sơn (hoạ sĩ), Phạm Viết Hồng Lam (hoạ sĩ), Phạm Viết Minh Tri (hoạ sĩ), Quang Thắng (nhiếp ảnh gia), Tùng Ngọc (hoạ sĩ), Tạ Phương Thảo (nữ hoạ sĩ), Trần Bá Nam (hoạ sĩ), Trần Khánh Chương (hoạ sĩ), Trần Tuy (điêu khắc gia).

* Người nước ngoài có Anna Tzarev (hoạ sĩ Croatia), Christina Diaz (nữ hoạ sĩ Argentina), Dominique de Miscahlt (nữ hoạ sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Pháp), Giuseph Mastropiero (hoạ sĩ Ý), Jacob Raymond (hoạ sĩ kiêm nhà làm phim Pháp), Jane Golden (nữ nghệ sĩ Hoa Kỳ), Jeremy Donovan (hoạ sĩ Australia), Joel Bennett (nghệ sĩ gốm Hoa Kỳ), Jon Pounds (nghệ sĩ Hoa Kỳ), Maria Teresa Bobbio (nữ hoạ sĩ Argentina), Michael Geertsen (hoạ sĩ Đan Mạch), Olivia Gude (nữ giáo sư mỹ thuật Hoa Kỳ), Paul Scott (nhà báo kiêm nghệ sĩ gốm Anh), Rock San Clay (hoạ sĩ Hà Lan), Sonja Vitulic (nữ hoạ sĩ Argentina), Vonsuelo Le Mure (nhiếp ảnh gia Chile), Xiomara Perez (nhà báo, nhà ngoại giao kiêm nhiếp ảnh gia Panama).

(2)   Mời quý bạn đọc tham khảo bài Biểu trưng Hà Nội & Hội An của Phanxipăng đăng tạp chí Thế Giới Mới 899 (30-8-2010) rồi truyền vào mạng Chim Việt Cành Nam 27-2-2011 http://chimviet.free.fr/truyenky/phanxipang/phanxipn_logoHanoiHoian.htm và weblog Phanxipăng 30-6-2011 http://phanxipang.wordpress.com/2011/06/30/bi%e1%bb%83u-tr%c6%b0ng-ha-n%e1%bb%99i-h%e1%bb%99i-an/ 

(3)  Trước đó, kỷ lục bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới thuộc 清明上河圖 Thanh minh thượng hà đồ ở TP Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Hoa. Đó nguyên là bức tranh của hoạ sĩ 張擇端 Trương Trạch Đoan (1085 - 1145) vẽ trên trường quyển (cuộn giấy dài) 24,8 x 528,7cm; được một tập đoàn dược phẩm ở Cáp Nhĩ Tân tái hiện với kích thước 7,44 x 200,87m có diện tích bề mặt 1.494,4m2 , hoàn thành tháng 8-2006, Guinness công nhận kỷ lục thế giới vào tháng 2-2007.

Đã đăng Kiến Thức Ngày Nay 738 (10-2-2011)


 
Một đoạn trên con đường gốm sứ
Ảnh: Phanxipăng
Thu Thuỷ cùng các hoạ sĩ, nghệ nhân và thợ thủ công thực hiện con đường gốm sứ.
Ảnh: Lê Bích

 
Ngày 5-10-2010, tại Hà Nội, bà Beatriz Fernández trao nhà báo kiêm hoạ sĩ Nguyễn Thị Thu Thuỷ bằng chứng nhận của Tổ chức Kỷ lục Guinness: bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới. 
Ảnh: Lại Viễn Đàm
Phanxipăng cùng Nguyễn Thị Thu Thủy vui với "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" 
đạt những thành quả bước đầu quá phấn khởi