Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Đại Lạc: Phật Cha hòa Phật Mẹ 

Phanxipăng

Ngày 28-2-2013, mạng xã hội Facebook xuất hiện tấm ảnh chụp tượng đồng 
một vị Phật cùng một phụ nữ ngồi giao hoan. 
Báo The Bangkok Post  cho hay ảnh nọ chụp tại Việt Nam, không rõ ở địa điểm nào, 
khiến đông đảo Phật tử Thái Lan phẫn nộ vì 
" báng bổ Đức Phật mà các tín đồ Phật giáo hằng thờ phụng và kính trọng". 
Ngày 4-3-2013, mạng BBC tiếng Việt đưa tin đó với nhan đề 
Phật tử tức giận vì tượng Phật 'ở Việt Nam'
Kỳ thực, vậy mà... không phải vậy! 
Trên mạng internet ngày thứ hai 4-3-2013, BBC giật titre / title rất dễ gây hiểu nhầm: Phật tử tức giận vì tượng Phật ‘ở Việt Nam (1). Bài viết mô tả: "Trên bức hình, Đức Phật ôm trong lòng người phụ nữ khỏa thân để tóc dài trong tư thế tương tự như quan hệ phối ngẫu từng được mô tả trong các ấn phẩm cổ của Ấn Độ, Bhutan, Nepal hay Tây Tạng. Hiện chưa rõ ai tung hình ảnh này lên internet."
Bồ tát Phổ Hiền / Samantabhadra
Trong bức ảnh đang gây xôn xao dư luận, pho tượng gồm hai nhân vật, một nam, một nữ. Nam là ai? Chắc chắn chẳng phải Phật Thích Ca. Cũng không phải Phật A Di Đà hay Phật Di Lặc. Đó chính là Phổ Hiền - một trong bốn Đại Bồ tát của Phật giáo.

Phổ Hiền, chữ Hán ghi 普賢, tiếng Bắc Phạn / Sanskrit gọi Samantabhadra, phiên âm thành Tâm Mạn Đà Bạt Đà La.

Từ điển Phật học  do Đoàn Trung Còn (1908 - 1998) biên soạn (Phật Học Tòng Thơ, Sài Gòn, 1963 - NXB TP.HCM tái bản, 2001) ghi nhận về Phổ Hiền: "Người ta tặng danh ngài là Đại Hạnh. Mật tông (2) cho rằng ngài với A Tăng Già / Asamgha là tổ của họ. (...) Ngài có 108 tên. Ngài cũng tên là Di Du Bạt Đa / Visvabhadra."

Qua kinh Pháp Hoa, Bồ tát Phổ Hiền từng nói: "Nếu người tu hành, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi mà trì tụng kinh này, tôi sẽ hiện thân với voi sáu ngà, với chư Đại Bồ tát đến chỗ của nhà tu hành ấy mà ủng hộ và an ủi, đặng cho tấn tới trong sự tu hành." (3) Bởi vậy, trong chính điện nhiều ngôi chùa, giữa thờ Phật Thích Ca, bên trái thờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi cưỡi sư tử xanh, bên phải thờ Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà.
Đất nước Trung Hoa có "tứ đại Phật giáo danh sơn", trong đó núi Nga Mi / Đại Quang Minh ở tỉnh Tứ Xuyên được quan niệm rằng do Bồ tát Phổ Hiền bảo trợ. Vì thế, tại núi Nga Mi, trên ngọn chính Kim Đỉnh cao 3.099m, tháng 5-2006 đã hoàn tất pho tượng Bồ tát Phổ Đà gồm mười (10) đầu, an tọa trên đài sen được nâng bởi bốn voi sáu ngà. Đây là tượng Phổ Hiền cao nhất thế giới (48m) được đúc đồng, phía ngoài mạ bằng 20kg vàng.

Yab-Yum / Yuganaddha
Bồ tát Phổ Hiền không chỉ được tôn thờ qua hình tượng cưỡi voi sáu ngà, mà còn thêm hình tượng khác vô cùng độc đáo được tiếng Sanskrit gọi Yuganaddha, tiếng Tây Tạng gọi Yab-Yum.

Yuganaddha nghĩa là liên kết chỉ quán song hành. Yab-Yum nghĩa là cha mẹ.  Rõ ràng cụ thể thì đó là hoạt động giao hợp giữa nam và nữ.

Quý bạn đọc hãy gõ bàn phím truy tìm hình ảnh Bồ tát Phổ Hiền theo tiếng Sanskrit là Samantabhadra trên internet, chắc chắn thấy hàng loạt tranh và tượng ngài đang Yab-Yum / Yuganaddha với mỹ nữ trong tư thế ngồi. Tất nhiên, đôi lứa đều khỏa thân. Xin đính kèm một số trong loạt ảnh mà chúng tôi truy cập từ mạng Google và Yahoo.

Tranh và tượng Bồ tát Phổ Hiền Yab-Yum / Yuganaddha được thực hiện bằng rất nhiều chất liệu: vẽ bằng sơn, bột màu, màu nước, acrylic lên giấy, vải, thủy tinh, tường gạch; đan móc, thêu thùa, in lụa; dùng kỹ xảo máy tính; khắc tạc bằng đất sét, thạch cao, kim loại, đá, v.v. Còn có người vẽ, thậm chí xăm hình tượng đó lên châu thân.

Thể hiện Bồ tát Phổ Hiền Yab-Yum / Yuganaddha một cách phổ biến, cần lưu ý mảng tranh thangka (4). Đó là dòng tranh dân gian hình thành từ thế kỷ XI, do công chúa Bhrikuti đưa từ Nepal đến Tây Tạng theo cuộc hôn nhân chính trị với Tạng Vương Lichchavi / Tùng Tán Cán Bố. Thangka là tranh thêu, khâu kết vải, hoặc vẽ bằng màu tự nhiên lên giấy, lụa, vách núi đá.

Hình tượng "đệ tam sướng" này mang nhiều ý nghĩa, trong đó có: "Đây chẳng phải chuyện dơ uế, xấu xa, thấp kém, mà trái lại."

Hình tượng đó được các sư sãi và Phật tử tại Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Tây Tạng, Mông Cổ, v.v., thờ phụng.
Vậy nếu ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trưng bày pho tượng Bồ tát Phổ Hiền Yab-Yum / Yuganaddha thì chẳng có gì bất thường, mà là sự trọng vọng, tôn kính. Phật tử chẳng rõ điều này, lại còn nổi sân si, tất sai lầm biết mấy!

Mong đừng ngộ nhận !
Trong 5 giới luật đầu tiên mà mọi Phật tử thệ nguyện giữ gìn, có: không tà dâm. Nghĩa là vẫn được quan hệ nam nữ một cách chính đáng, đàng hoàng, thoải mái, nhằm tăng cường hạnh phúc và phát triển sự sống.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia lưu ý: "Vô thượng du già (zh. 無上瑜伽, sa. anuttarayoga), cũng được gọi dạng dài là Vô thượng du già đát đặc la (zh. 無上瑜伽怛特羅, sa. anuttara-yogatantra, bo. rnal `byor bla na med pa`i rgyud རྣལ་འབྱོར་བླ་ན་མེད་པའི་རྒྱུད་) (5) là Đát đặc la (zh. 怛特羅, sa. tantra) cao cấp nhất (vô thượng, sa. an-uttara) trong bốn loại Đát đặc la Phật giáo. Ba loại khác là Tác (sa. kriyā ), Hành (sa. caryā ) và Du già (sa. yoga ). Các Đát đặc la này nằm trong Đại tạng của Tây Tạng, thuộc phần thứ bảy trong Cam châu nhĩ (zh. 甘珠爾, bo. bka` `gyur བཀའ་འགྱུར་) và bao gồm 22 bộ. Hai bộ Đát đặc la danh tiếng nhất được xếp vào hạng Vô thượng du già là Bí mật tập hội (sa. guhyasamājatantra ) và Hô kim cương (sa. hevajratantra). (...) Vô thượng du già đưa ra một loạt phương pháp tu tập thiền định để đạt được kinh nghiệm nói trên. Hầu hết tất cả những phương pháp thiền định (được gọi là Nội du già) này đều được sự phụ trợ của những nghi lễ, khế ấn, thủ ấn (Ngoại du già). Những nghi lễ này đều mang một biểu hiện tâm lý thâm sâu và tất cả những nghi quỹ, hành động của hành giả Đát đặc la đều không tự có giá trị - chúng chỉ là những biểu tượng tư tưởng của người thực hiện. Kinh nghiệm tối thượng của Vô thượng du già chính là sự thống nhất, sự hoà hợp của hai yếu tố chính để đạt Niết bàn, đó là trí huệ (sa. prajñā) và phương tiện (sa. upāya). Hai yếu tố này đã đưa đến cho Vô thượng du già những biểu tượng tính dục nam nữ và trong đây, trí huệ được xem là nữ tính, phương tiện thuộc nam tính. Biểu tượng giao hợp (sa. yuganaddha, bo. yab-yum ཡབ་ཡུམ་) của nam nữ được sử dụng vì trong tục thế, không có biểu tượng nào gần gũi, cô đọng hơn và cũng vì những biểu tượng này mà Vô thượng du già thường bị hiểu lầm." (6)

 Soạn sách Tinh túy trong sáng của đạo lý Phật giáo, Phạm Công Thiện (1941 - 2011) viết khá kỹ nơi chương IX: "Lòng từ chỉ là lòng từ vì đã có lòng bi, và vì có lòng từ bi mới có được trí huệ: có từ thì có bi, có bi thì có trí, có trí thì có huệ. Thực ra tất cả đều xảy ra nhất loạt, tất cả đều được xuất hiện và thực hiện đồng lúc ngay lập tức. Lòng đại bi là phương tiện thiện xảo, giống như con trai. Lòng đại bi nhập một với trí huệ mà trí huệ (không tính) thì giống như con gái. Đại lạc xuất hiện trong tính nhập giữa từ bi và trí huệ, cái chùy kim cương (từ bi) và cái chuông (trí huệ); cái chùy kim cương được thu lấy trong bàn tay phải và cái chuông được giữ yên ở bàn tay trái của Đức Phật Kim Cương Tát Trụy (Vajrasattva) trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Chuyển qua một bình diện khác, qua một luồng sánh sáng khác trong sáng hiền hậu hơn nữa: cha mẹ của mình ôm nhau khăng khít mặn nồng trong cơn hoan lạc vô biên (đại lạc), nhờ thế mình mới được đầu thai ra đời. Tây Tạng gọi là yab-yum (cha mẹ) trong sự thể hiện Phật Pháp một cách cụ thể siêu việt sự hòa nhập giữa cha (yab) và mẹ (yum) là chứng nhập giác ngộ (đại lạc) giữa lòng kết hợp; hội nhập trọn vẹn từ thể xác đến tinh thần giữa cha là phương tiện thiện xảo (lòng từ bi) và mẹ là không tính (trí huệ). Cha bên phải (chùy kim cương bên phải bàn tay mặt của Đức Phật Kim Cương Tát Trụy) và mẹ bên trái (cái chuông bên trái của ngài Kim Cương Tát Trụy). Cha là cực lạc và mẹ là không tính; cha là tha lợi (vì lợi ích cho kẻ khác) và mẹ là tự lợi (vì lợi ích cho chính mình); cha là tha lực (Tịnh Độ tông) và mẹ là tự lực (Thiền tông); cha là sắc thân (rupakaya) và mẹ là pháp thân (dharmakaya). Đó là ý nghĩa phi thường siêu việt về những ảnh tượng Phật Cha và Phật Mẹ ôm nhau giao hợp mà chúng ta thường được nhìn thấy trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Có nhiều người đã hiểu sai lạc về những ảnh tượng siêu việt ấy, thực ra chỉ có Phật giáo Tây Tạng là một truyền thống Phật Pháp duy nhất hiện nay còn giữ lại tất cả tinh túy nguyên vẹn trong sạch nhất của Phật giáo Ấn Độ, sau khi Phật giáo Ấn Độ đã bị tiêu diệt trọn vẹn vào thế kỷ thứ XIII, do những thế lực tàn ác dã man của ngoại đạo ngoại bang." (7)

Với tâm bình an và vô chấp, hình tượng Phổ Hiền Yab-Yum / Yuganaddha cùng giai nhân chính là Phật Cha hòa Phật Mẹ. Thì Bồ tát là "bực đắc quả Phật, song còn làm chúng sanh để độ đời" (8). Có thể gọi hình tượng đặc sắc này là Đại Lạc.

_________________
(1)http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/03/130304_buddhist_netizens_angered.shtml
(2) Mật tông còn được gọi Bí tông, Chân Ngôn tông.
(3) Theo Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn (sđd, trang 943).
(4) Thangka / thanka / tanka / tanka được tiếng Hoa gọi 唐卡 mà âm Hán-Việt phát "đường tạp".
(5) Nghĩa các chữ viết tắt: zh: tiếng Hán, sa.: tiếng Sanskrit, bo.: tiếng Tây Tạng.
(6)http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4_th%C6%B0%E1%BB%A3ng_du-gi%C3%A0
(7)http://www.quangduc.com/mattong/07tinhtuy2.html
(8) Theo Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn (sđd, trang 223).

Tượng Bồ tát Phổ Hiền hiện cao nhất thế giới (48m) trên Kim Đỉnh, núi Nga Mi, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa
Bức ảnh đang gây xôn xao dư luận
Tượng Đại Lạc bằng đồng có đài sen
Tượng Đại Lạc bằng đồng 
không đài sen
Tượng Đại Lạc bằng xi măng
Tượng Đại Lạc bằng đá
Tranh Đại Lạc bằng đường nét
Tranh Đại Lạc trên giấy (thangka)
Tranh Đại Lạc trên vải (thangka)
Thể hiện Đại Lạc lên da người sống
Tranh Đại Lạc được thể hiện qua máy tính
Bích họa Đại Lạc