Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Bình minh vĩnh hằng

Quý Thể

Tôi dừng xe trên cầu Trần Phú B, cây cầu mới xây là ước mơ lâu đời của người Nha Trang. Cầu rút ngắn  con đường đi ra Bãi Tiên, có thắng cảnh tuyệt vời   truyền thuyết về cô Tiên út ham bắt bướm hái hoa lạc đàn xuống trần, cởi bỏ xiêm y thấy biển đẹp tắm nơi đây. Tắm xong cô lên bờ xoả tóc hong khô, gối núi mộng mị, chân duỗi khoả nước đùa sóng biển đông. Hằng năm cứ vào tiết Vũ Thuỷ từ vú nàng tiên phóng lên trời tia sữa thành đám mây óng ánh ngọc trai rụng xuống cơn mưa trắng đục tưới mát cánh đồng Lương Sơn lúa đang thời kì làm đòng ngậm sũa.  Cầu kéo dài thêm bãi tắm lý tưởng, một trong 29 bãi biển đẹp nhất thế giới. Bao nhiêu chính quyền, bao nhiêu nhiệm kì của những người cầm quyền lâu nay không ai nghĩ ra cách dệt dài thêm tấm lụa óng ả cát vàng kỳ quan này. Cây cầu gác ngang qua cửa sông Cái Nha Trang. Dưới cầu lô nhô ghe thuyền đi khơi về lộng, đánh bắt dài ngày trên những vùng cùng trời cuối biển đào đãi kho tàng đại dương về làm giàu cho xứ sở trầm hương. Những chiếc thuyền nằm im lìm như chiến binh dạn dày trận mạc về đây dừng chân nghỉ ngơi dưỡng thương sau bao ngày lênh đênh chiến đấu với ba đào sóng gió. Kia là Hòn Chữ. Một nhóm mấy hòn đá chất chồng như ổ trứng của loài thuỷ quái khổng lồ thời tiền sử. Trên Hòn Chữ có đền thờ cá voi,  Ngài được sắc phong là " Nam Hải Cự Tộc Ngọc LongThượng Đẳng Thần". Gọi tên là Hòn Chữ bởi trên mặt những phiến đá có khắc chìm nhiều hình thù ngoằn ngoèo giống như những hàng chữ, mà trải qua bao nhiêu lần bãi biển nương dâu sóng gió vùi dập nét chữ vẫn còn hằn sâu trong lòng chất đá hoa cương. Chữ gì, chữ của dân tộc nào, đến nay chưa có thư tịch ghi lại, chưa ai đọc được. Hay đó chỉ là những  ngẫu nhiên của hiện tượng đá bị phong hoá mà thành, chẳng phải chữ nghĩa gì ? Không nên đem khoa học ra giải thích làm nghèo nàn cổ tích vốn đã hiếm hoi thời thực dụng này. Cứ để Hòn Chữ tồn tại mãi với thời gian, với huyền thoại  niềm kiêu hãnh muộn màng đáng yêu như bao thế hệ người Nha Trang đã tưởng.  Cây cầu cong cong, dáng thanh tú như  nét mày lá liễu thiếu nữ  thiêm thiếp giấc nồng. 

Còn sớm lắm. Trời biển chỉ mới mơ hồ hứa hẹn bình minh. Chân trời là một đường cong mỏng tang bằng nước. Biển trời chưa nở rời xa nhau. Mặt trời còn ở đẩu đâu phía sau Hòn Tre, hồi quang thổi lên nền trời  lớp bụi bình minh màu hồng nhạt. Ay là lúc trời vừa thức dậy điểm trang phơn phớt chút phấn hồng. Ngày vẫn còn đang thời con gái, ngày mới là đoá hồng hàm tiếu. Từ nơi tôi đậu xe nhìn bãi tắm Nha Trang là một  vịnh lớn, một cánh cung mảnh mai dịu dàng võng xuống đến Bãi dương. Con đường cong ấy chưa được những đợt sóng bạc đầu vỗ vào tô trắng thành viền. Rồi nền trời phía sau hòn Tre hưng hửng lên. Bỗng nhiên, mặt trời như một khối cầu lửa đồ sộ loang loáng ướt át nhô lên. Anh sáng mặt trời như chất dầu óng vàng tuông trào lênh loang mặt biển. Ngày đã qua thời  hàm tiếu. Ngày bước vào tuổi mãn khai, thời nở rộ con gái phát mã, tràn trề nét thanh xuân. Và ngày từ từ mở những chiếc cánh màu hồng mỏng manh vĩ đại, ngày nở ra như một đoá hoa. Bình minh phố biển là một sự nhiệm màu, nhiệm màu lặng lẽ đời thường...

Ba trăm năm mươi năm ( 1653- 2003 ) kể từ ngày nam tiến mở mang bờ cõi đã có hơn "Mười hai vạn bình minh" Mười hai vạn lần ngày nở ra như một bông hoa toả ngát hương. Tôi choáng ngợp trong bình minh tráng lệ huy hoàng trời đất. Bỗng tôi  cảm thấy bàng hoàng, tái tê hồi hợp, run rẩy, thở gấp, toàn thân chợt  tràn đầy ân tứ lạ của tiền hiền liệt sĩ đã sống, đã chết cho mảnh đất thân thương này. Đã tới  giây phút nhập thần hoá thân. Tôi thấy  mình chẳng phải là mình, là thể xác, là cái thân tứ đại ( gió, nước, lửa, đất) trần tục nặng nề nữa, tôi đã  lung linh, vô hình, vô trọng. Tôi nhẹ, rất nhẹ, có thể vỗ đôi tay thành cánh đại bàng bay lên được. Và tôi bay. Cánh chim tôi xé theo ngọn bắc phong lạnh sắc như dao vun vút lên phía bắc, bay, bay mãi bay mãi.  Tôi bay xa hơn trăm cây số không gian và bay ngược thời gian về dĩ vãng đúng 350 năm.

Tôi hạ xuống vùng núi non trùng điệp phía bắc đèo Cả, gần chỗ có hòn đá khổng lồ, vuông vức, đỉnh chới với mây, đá Bia, trên đỉnh Thạch Bi Sơn. Cách đây đúng 350 năm, nơi này đã có một bình minh vô thường, bình minh thần thoại, bình minh mở cõi. Tôi thấy một vị tướng công cao lớn, uy nghi dũng mãnh thần thánh, bạch bào bạch giáp, tay cầm thanh bảo kiếm, đứng dưới ngọn soái kỳ màu đỏ chói chang, hừng hực lửa chiến công trên đỉnh Thạch Bi Sơn. Gió mai lồng lộng, ngọn cờ đào phất phơ hào khí. Tướng công đang dõi theo làn khói đen héo hắt buồn thảm chết chóc từ phía nam đèo bay lên, làn khói tang tóc lên cao hoà vào mây, một lúc sau khói và mây làm cho nền trời chùng xuống, ngọn soái kì và tướng công chập chờn ẩn hiện trong mây.

Vị tướng công đứng trên tảng đá bia trong buổi mai lồng lộng gió ấy là Cai cơ Hùng Lộc Hầu. Tướng công thức trắng đêm, sáng ra thị sát tình hình sau trận đánh. Trên tảng đá bia, vị trí cao nhất vùng, là địa điểm quan sát toàn bộ trận địa một cách lý tưởng. Mấy người lính vào rừng đốn tre nối lại làm chiếc thang dài cho chủ soái leo lên khối  đá cao quan sát toàn cảnh trận địa.

 Mới chiều qua, đại binh vừa hành quân đến đây trong cuộc viễn chinh bình Chiêm. Đời vua Lê Thần Tông, năm Thịnh Đức thứ 1, năm Quý Tỵ (1653). ( Lúc này đất đàng trong vẫn còn là cương thổ nhà Lê, nên phải dùng niên hiệu Thịnh Đức ) Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, được tin  Chiêm Vương tên là  Bà Tấm quấy phá vùng Phú An ( Phú Yên). Vương sai Cai cơ Hùng Lộc Hầu ( Cai cơ một chức võ quan, Hùng Lộc là tên, Hầu là tước ) trao ấn tổng binh, cùng với Xá Sai Minh Vũ( Xá sai là một chức quan văn trong Xá Sai ty, Minh Vũ là tên )  đem 3000 tinh binh nam tiến bình Chiêm. Con đường đại quân đi từ An Cựu Huế đến đây xa vạn dặm, qua rất nhiều núi dồi sông suối, ngoài quân ra còn có nhiều khẩu thần công đúc bằng đồng đỏ nặng nghìn cân.  Ngày sau có một vị "thần công" không theo kịp binh đoàn lập công trạng hiển hách, rơi rớt lại ngủ vùi trong cát, trong thời gian làm nên câu chuyện lạ lùng, từ bi mà hùng tráng...Chiều qua đại binh mới đến Thạch Bi Sơn ( Núi Đá Bia phía nam Phú Yên)  Hổ Dương đèo (Đèo Cả).  Hổ Dương hay còn gọi là Hổ Giàng, thần hổ. Vì đường đèo hoang vu  nhiều hổ báo,  người qua đèo thường đợi nhau hợp thành số đông mới dám qua, sợ hổ quá nên gọi tôn là thần ( Giàng ) hổ. Quan quân vừa hạ trại, có người trong quân nghe tướng lệnh động binh ngay, liền can : " Quân đi đường xa, người ngựa đều nhọc, đánh e không lợi." Cai cơ Hùng Lộc Hầu liền quát : " Phàm chiến trận, bất ngờ là thượng sách, dùng quân khẩn địch quân huỡn thì giành thế thượng phong ngay từ đầu. Đại binh ta từ xa đến đây không phải địch không biết. Quân thám báo của địch theo dấu quân ta từng phút giây và từ rất xa đã biết ý đồ quân ta và chúng cũng suy nghĩ như nhà người, nghĩa là mới đến ta không dám động binh. Nay ta tương kế tựu kế, hạ trại  ăn uống xong là lên đường đánh thẳng vào đại bản doanh loài giặc cỏ miền biên tái . Muốn vượt đèo ban đêm phải có ánh sáng. Cần rất nhiều đuốc. Vùng này có nhiều cây tre rừng ( Cây luồng ) Lại có nhiều cây dầu rái, cứ lấy dao chém thân cây, chất dầu rái chảy ra. Cho dầu vào ống tre rừng làm đuốc, cháy rất tốt. Quân ta không cần nghỉ ngơi thắp đuốc  băng rừng, đánh thốc qua đèo Hổ Dương, ắt là phá được địch."  Quả nhiên với tài thao lược của người cầm quân dạn dày trận mạc, với tính bất ngờ, quân Chiêm không kịp trở tay, bị đánh tan tành trên đèo Hổ Dương, thừa thắng đại quân đánh thốc xuống đèo, phóng hoả đốt cháy nhiều khu doanh trại và đại bản doanh của vua Chiêm Bà Tấm. Chiêm Vương  thua to tàn quân tả tơi không còn manh giáp, chạy một mạch không dám ngoái lại, nhiều ngày sau đến sông Phan Lang ( Phan Rang, Ninh Thuận ) mới dừng binh. Chiêm Vương sai con tên là Xác Bà Ân dâng biểu qui hàng,  nộp đất từ bắc sông Phan Rang trở ra, về phía Tây  dâng đất đến sông Mê Kông. Nay là lãnh thổ các tỉnh nam miền trung và cả vùng Tây nguyên. Từ đó vua Chiêm qui hàng, không dám gây hấn và chịu cống nạp hàng năm. 

Phải nói đây là một trận đánh đầy tính chất mạo hiểm. Địa hình  khu vực nầy rất hiểm trở. Giữ dễ đánh khó. Không rõ con đường qua đèo thời ấy có trùng với quốc lộ  1 A ngày nay không? Nếu trùng thì thực là tử địa, tuyệt lộ, một bên núi cao chớn chở, một bên vực thẳm biển cả, con đường đá len lỏi giữa cây cao bụi rậm. Thế nhưng nhờ vận nước, cũng nhờ tài thao lược nên ta phá được giặc Chiêm. Chiêm Thành chẳng thiếu tướng tài, các tướng Chế Bông Nga, Chế Mân, Chế Cũ... cũng đã có lần uy hiếp cả kinh thành Thăng Long thời nhà Trần. Song mấy đời vua sau kém tài bạc đức. Đời vua Bà Tấm, thấy các chúa Nguyễn còn bận chinh chiến với họ Trịnh đàng ngoài, lơ là gìn giữ  biên cương miền nam, nên đem quân quấy phá vùng Phú An (Phú Yên) bắt trâu bò, trộm thóc lúa, cướp phụ nữ... Vì thế mà chúa Hiền tức giận cho quân bình định. Quân Chiêm đến đâu thường dùng vật liệu có sẵn tại chỗ, tranh tre đất sét dựng trại. Nhân đó quân Việt dùng hoả công, đánh một trận gồm thâu hơn mấy mươi nghìn cây số vuông đất đai trù phú. Lần quấy rối biên cương này có Chiêm Vương thân chinh, quân Chiêm đóng đại bản doanh ở vùng mà bây giờ là Xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Một vùng đất bằng nhỏ, ba bề núi cao, một bề giáp biển, tưởng đâu là  hiểm địa dễ giữ, ai ngờ quân Việt dụng hoả công nửa đêm phóng hoả đốt cháy doanh trại, đến sáng hôm sau khói vẫn còn nghi ngút , héo hắt trời mây.

Cai Cơ Hùng Lộc, nheo mắt nhìn làn khói trại địch cháy, tiếng quân reo hò tở mở truy kích chuyển động thiên địa, lòng thấy lâng lâng như vừa nốc chung ngự tửu chúa ban, cảm khái vô cùng, ngài nở nụ cười đắc thắng. Đúng lúc ấy vừng dương cũng vừa cất mình bay lên từ khơi Mũi Nạy, nơi đây cũng là điểm nhô ra xa nhất về phương mặt trời mọc,  hiện nay trên mũi có ngọn hải đăng. Mũi Nạy như một cánh tay vươn ra ôm vào lòng Vũng Rô. Đó là bình minh hoành tráng nhất. Bình minh khơi nguồn, bình minh mở cõi. 

************

Sau này các Chúa còn mở mang bờ cõi, gồm thâu Chân Lạp để có đất nước úôn lượn dáng rồng bay ngày nay. Trận đánh lịch sử đó đến nay còn lưu truyền lại nhiều huyền thoại trong dân gian mộc mạc mà  hào hùng. Ở Đại Lãnh thuộc huyên Vạn Ninh có một địa danh gọi là "Cánh dồng cỏ ngựa". Trong cuộc truy kích thần tốc năm xưa, tiền quân tiến nhanh quá, lương thảo hậu quân không theo kịp. Quân không có lương, ngựa không cỏ. Không biết tìm đâu ra lương cho lính, cỏ cho ngựa ăn. Chủ soái quan quân còn đang lúng túng thì có ông lão râu tóc bạc phơ dáng tiên phong đạo cốt, chống gậy trúc đầu rồng xin yết kiến chủ soái. Vị lão trượng hiến kế: Lúa trên cánh đồng này đang kì con gái xanh mượt tốt lắm, xin tướng công cho xua chiến mã xuống ăn để lấy sức lên đường thừa thắng đuổi địch mở rộng biên cương. Tướng công chắp tay xá : " Thưa lão tiền bối, khi trao ấn tiên phong bình Chiêm cho tại hạ, nhà Chúa có dặn, quan quân không được phạm lá rau ngọn cỏ của dân..." Lão trượng cười : " Chớ có câu nệ tiểu tiết. Thời cơ nghìn năm có một. Hãy lệnh cho ngựa xuống đồng, Làm dân lúc này không giúp nước còn chờ khi nào?..." Nhờ thế bầy chiến mã đã no nê mặc sức mà tung vó nuốt nghìn dặm đường. Cánh đồng năm xưa  mang tên "đồng cỏ ngựa" đến nay vẫn còn giử tên này. Đủ thấy nhân dân ta từ xưa đã đồng lòng hiệp sức không tiếc gì tài sản, tính mệnh khi tổ quốc cần. 

Trong dân gian có câu chuyện về một loài cá gọi là cá cơm.  Ngựa đã có cỏ, còn binh lương cho lính tráng, lấy đâu?  Mọi người đang hoang mang chưa biết tính sao thì xảy ra một hiện tượng tự nhiên vô cùng dị thường. Biển đang phẳng lặng bình yên mặt nước bỗng sôi lên rồi vô vàn loài cá nhỏ xuất hiện. Cá đầy biển, trên thuyền nhìn xuống thấy biển trắng xoá ánh bạc. Dân chỉ việc bơi thuyền ra xúc đem vào luộc lên cho lính ăn thay cơm. Vì thế loài cá ấy có tên là " cá cơm". 

Đến nay cá cơm vẫn còn rất nhiều. Nước mắm cá cơm là đặc sản miền nam trung bộ.

Lại thêm một huyền tích thô sơ nhưng vô cùng tráng lệ nhiểm  đầy chất từ bi thanh tịnh ngay chính trong thời kì chinh chiến loạn lạc về trận đánh vào buổi bình minh mở cõi.

 Cha con nhà Sáu Sum sống nhờ lộc con sông Cái Nha trang. Người vùng Cồn Dê Ngọc Thảo bên này có nghề ban đêm chèo thuyền dọc hai bờ sông dùng đèn soi bắt tôm cá. Người dân Ngọc Sơn bên kia sông lập làng dưới chân núi Sạn chuyên khai thác đá bán  làm móng nhà.  Cha con lão không theo nghề soi tôm cá hay chẻ đá. Lão sắm chiếc thuyền nan, mùa hè nước cạn chèo ra giữa sông Cái xúc cát lên bán cho vựa cát Hai Tảng, nhà phía sau  Tháp Bà. Cha con lão rất nghèo. Người ta gọi lão là Chữ Đồng Tử tái thế, quanh năm chỉ có cái quần đùi trên mình. Có ai chê cười, lão nói sắm áo quần cho nhiều cho đẹp đẽ làm chi, suốt ngày hụp lặn dưới sông xúc cát, có đi chơi chỗ thăm viếng tiệc tùng chỗ mô ? Một hôm cha con phát hiện dưới lòng cát đáy sông có vật lạ. Một cái gì to dài và nặng lắm, xeo nạy không nhúc nhích. Thanh niên hai làng Vĩnh Ngọc, Ngọc Hiệp cột dây kéo  chẳng lên. Sau phải nhờ đến hai con trâu tên Xe, Pháo, trâu đực chiến tướng từng đánh cọp trên Hòn Dù, lấy dây thừng, loại dây thừng đại bằng bắp tay, dùng neo tàu, kéo vật lạ lên con đường làng, để dưới nắng, thấy tròn to và dài như cây cột đình Ngọc Hội, chỗ lớn một người ôm không hết. Cột to lắm bám đầy rong rêu, hàu, sò. Lúc đầu chẳng ai biết ấy là vật gì.

  Sau, ông thầy Sáu Đậu có sách Thọ Mai biết chút đỉnh chữ Hán, làm nghề thầy cúng, đi ngang qua, thấy lạ dừng lại, nhìn xem một hồi, cứ lặp đi lặp lại câu : " Cái chi lạ dữ rứa hè. Thấy giống như... giống như..." . giống như cái gì mãi thầy không biết. Về nhà ngủ một đêm sáng tưng bửng hôm sau thầy ra chỗ vật lạ. Lấy rựa, cạo lớp rong rêu bên ngoài, giật mình thấy có dòng chữ Hán: "Bình Chiêm, thảo khấu, trấn biên, đại thần công". Lão than thầm : " Ôi, hoá ra đây là khẩu  thần công ngày xưa các chúa Nguyễn đánh giặc, mở cõi. Thế mà 350 năm sau cha con thằng khố rách áo ôm tìm ra. Thiện tai ! Thiện tai !..." Trong cuộc hành quân từ Phú Xuân vào, qua bao nhiêu núi đồi đồng ruộng làng mạc cầu cống, đoàn quân kéo theo nhiều khẩu thần công. Đây là một khẩu súng khi chiếc bè tre qua sông Cái Nha Trang lật bè rơi xuống, quân đoàn đành bỏ lại lao vào chiến dịch cho kịp. Hơn ba trăm năm sau vật đổi sao dời khẩu súng bị vùi sâu trong lớp cát sông. Nhờ cha con Sáu Sum đánh thức giấc ngủ vùi 350 năm trong cát, "Thần công" mới có cơ triều kiến ánh mặt trời.

  Dân chúng trong làng kéo ra xem. Ai cũng kinh ngạc về việc nòng súng thần công chìm trong lòng cát sông Cái mình đây. Riêng mấy chị bán cá biển, cá đồng chợ Đầu Cầu, thấy chỗ ông thầy cạo ra sáng loáng chất đồng thau, nói : " Cha con nhà Sáu Sum  chuyến này ông bà cho ăn lộc con sông Cái, thành triệu phú rồi ! Còn hơn trúng số độc đắc. Bọn lượm ve chai nhặt nhạnh được ký lô dây điện đồng bán cho vựa được mấy chục ngàn. Cái súng này nặng cả tấn, khẳm tiền..."

*****

Nhân lúc này chùa Hang, tên chữ là Hải An Ni Tự chùa sư nữ, trùng tu, tính đúc quả đại hồng chung, rất cần đồng, nhà chùa cho người qua hỏi mua. Cha con Sáu Sum bán súng xong có nhiều tiền, không còn muốn là Chữ Đồng Tử  nữa. Cha con lão sắm nhiều quần áo đẹp, sang trọng, ăn chơi phè phỡn, bỏ luôn nghề xúc cát. 

 Mua súng xong, nhà chùa không biết làm sao đem lên chùa ở lưng chừng núi. Cái nòng súng to quá, bỏ quả bưởi vào lọt, súng dài ba sải tay, nặng lắm. Bao nhiêu con người không đủ sức đem súng lên núi. Lúc này mấy lão già mới hỏi nhau. Súng ống to nặng như thế, tiền nhân làm sao đem khẩu súng này đi xa vạn dặm đánh giặc mở đất cho mình sinh sống lâu nay ? Ngày trước đâu có đường sá to lớn láng lẩy, cho xe cộ như bây giờ? Có người nói : Thì có quan quân. Quân hàng ngàn, hàng vạn người, làm gì không được. Đến đâu nhờ quan bản  địa sức dân chúng vào việc chung. Qua sông suối, có thuyền bè, một chiếc không nổi kết liền hai ba chiếc. Không thuyền thì có bè, bè chuối, bè tre. Sức dân là vô địch nếu biết hướng sức ấy vào việc tốt, việc chính nghĩa, thì việc di sơn đảo hải là chuyện bình thường".

  Chùa thuê thợ cưa súng ra làm nhiều đoạn khiêng lên núi. Sư bà trụ trì Diệu Không cho đệ tử qua ấp Hà Thanh, vùng có nghề đúc đồng, kêu người qua bàn chuyện đúc chuông. Thầy thợ ấp Hà thanh nghe nói đúc quả đại hồng chung to lớn quá, không dám tự làm, nói để về Huế thỉnh sư phụ nghề đúc tới làm. Sư bà coi được ngày lành tháng tốt, thống lĩnh toàn đệ tử, đứng xếp hàng theo thứ bậc. Những bậc trưởng thượng áo cà sa vàng rực núi đồi. Hạng đệ tử mới nhập môn đứng sau, cuối cùng là mấy đứa bé nhà nghèo cha mẹ cho lên chùa, nói là đi tu lấy phúc, thật ra chỉ để chẻ củi, nấu cơm, quét chùa, kiếm cơm, xếp hàng gần chân núi. Củi lửa cháy rần rật, mấy khúc súng thần công trong hàng chục cái giót bằng đất sét (dụng cụ nấu kim loại) dần dần sụp xuống, chảy ra. Thiện nam tín nữ bao chung quanh. Nhiều người kín đáo lột vòng vàng cho vào. Mấy bà già bán cá ở chợ Phương Sài gia tài chỉ là hai chiếc hoa tai nhỏ bằng hạt đỗ cũng tháo ra cho vào lò. Người ta tin khi đúc chuông có thêm vàng, người cúng dường vàng lên ngôi Tam Bảo sẽ được phước và tiếng chuông ngân vang vọng xa hơn. Sư bà lĩnh xướng cho chúng ni đệ tử tụng kinh cầu quốc thái dân an. Nhiều ngày sau đập khuôn ra. Ay là một quả đại hồng chung toàn mỹ, chất đồng mới tinh sáng ngời như sắc vàng mười.   Trên mình chuông không trang trí hoa văn theo mô típ chùa chiền thanh tịnh như cá hoá long, sen Tịnh Đế... Để ghi nhớ nguồn gốc quả chuông và công trạng của tiền nhân hy sinh xương máu mở mang bờ cõi. mình chuông trang trí toàn danh lam thắng cảnh nước nhà. Gõ thử thấy âm thanh tuyệt vời.  Hồi chuông công phu buổi ban mai lanh lảnh ngân nga nương trên đầu những con sóng trẻ sóng già ra tận Hòn Tằm, Hòn Rùa đem lời chào ban mai của người đất liền gửi gắm cho  người vất vả nơi đầu sóng ngọn gió. Hồi chuông Tịnh độ buổi  hoàng hôn trầm hùng bay theo làn gió núi gửi tâm tình quê hương về phía non ngàn khiến bọn đi  địu  ngậm ngải tìm trầm không khỏi mang mang nỗi nhà... 

*******

Ông cụ Luận 98 tuổi, một người được gọi là cư sĩ, người tu tại gia. Ông thường mặc bộ nâu non cũ kỷ suốt ngày quanh quẩn nơi cái bàn thờ lớn sắp xếp theo kiểu "tiền Phật, hậu tổ". Hôm nay rằm tháng bảy xá tội vong nhân. Hồi đầu hôm ông tụng bộ kinh Vu Lan, gọi là Vu Lan Bồn. Kinh của vị Phật Mục Kiền Liên. Theo nhà Phật ngày này âm ti mở cửa cho ma quỉ rong chơi. Ông cụ tụng xong bộ kinh Vu Lan. Ông còn phải gõ chuông. Cứ mỗi tiếng boong thì niệm : " Nam mô đại hiếu Mục Kiều Liên Bồ Tát" cho đủ một ngàn lần. Xong thì trời cũng vừa rựng sáng, ông ra sân, vươn vai, thấy mặt trăng giữa tháng tròn, trong trong, ở giữa gờn gợn gân trắng  đục như lát củ cải xắt mỏng, trăng gác ở đầu non. Ông vào nhà nằm chờ sáng, tiện tay ông rút quyển sách bằng chữ Hán đã cũ, giấy úa vàng, nhiều chỗ thủng mối mọt. Ay là quyển Nam triều công nghiệp diễn chí. Ông đọc tới đoạn 350 năm trước, Cai cơ Hùng Lộc Hầu được phong "Đại tướng quân", dẫn 3.000 tinh binh và nhiều khẩu thần công từ Thuận Hoá vào tới núi Đá Bia (Phú Yên) mở mang bờ cõi nước ta thêm ngàn dặm biển, đất, trời, hàng vạn mẫu đất đai phì nhiêu màu mỡ, thêm bao nhiêu danh lam thắng cảnh. Thật đúng là giang sơn gấm vóc, rừng vàng biển bạc. Trận đánh lịch sử ấy đến nay vẫn còn vết tích,  truyền thuyết đó đây khắp vùng.

  Ông cũng thường vào Nam. Xe qua khỏi Cam Ranh một đoạn nhìn về hướng Mặt trời mọc, thấp thoáng sau những làng mạc nhà cửa là cồn cát trùng điệp. Cồn cát nơi đây dài hàng trăm cây số tới tận Phan Rang. Màu cát không trắng, không vang mà lại hung hung đỏ. Người ngồi bên cạnh ông giải thích : "Ấy là máu chiến binh đổ ra trong cuộc chinh chiến mở cõi năm xưa". Bây giờ đọc xong quyển sử cũ, ông chợt bồi hòi xúc động. Ôi, hoá ra công cuộc mở đất ngày xưa đâu phải không tàn nhẫn, khốc liệt, đòi hỏi hi sinh. Máu đã đổ, mà còn đổ nhiều nữa, mới có được cuộc đất này cho ông bà chúng ta, cho chúng ta và cho con cháu chúng ta ngày sau...

*******

Con bé tên Hoa 14 tuổi, cha mẹ cho vào chùa chẻ củi nấu cơm quét sân kiếm miếng cơm manh áo, lúc đó cũng vừa thức giấc. Nó mới vào chùa một năm. Người  lên chùa không biết thân phận con bé, gọi nó là "người nhà chùa". Có mấy bà già vì quá mộ đạo, sợ gọi nhầm bị tội, gọi tôn nó là "sư cô". Nó bối rối không biết làm sao. Lạm nhận thân phận mình là cái tội mà nhà Phật rất kỵ, ấy là tội " mạn". Sư bà biết được quở trách chết. Con bé bối rối lí nhí trong miệng "A di đà Phật! Không dám ạ !".Con bé  lên chùa gần giáp năm, sư bà chưa cho toàn phát (cạo trọc cả đầu). Chỉ mới cho bán thí phát, cạo đầu song giữ một chỏm tóc dài ở giữa. Sư phụ đang nghĩ cho nó cái pháp danh (tên Phật) nào cho đúng với tính cách vô tư hồn nhiên của con nhỏ. Một hôm sư bà thấy con bé quét sân chùa, quét xong, gió thổi lá trúc rơi, nó quay lại nhặt từng chiếc lá trúc kho. Gió cứ thổi lá lác đác rơi, con bé vẫn  nhặt. Nó xem như một trò chơi thú vị không nhọc nhằn gì cả.  Sư bà nghĩ, cây trúc tượng trưng cho người quân tử tiết trực tâm hư ( tính thẳng lòng không ). Đạo Phật là đạo "không", tính Phật là tính trẻ thơ vô tư ( Phật tính tự nhi tính ) nên ban cho con bé pháp danh Hư Trúc.

Tiểu nữ Hư Trúc được sư bà truyền cho thuật chung pháp ( Môn gõ chuông ) vội vào lầu chuông. Trong ánh sáng âm u lạnh lẽo của buổi mai mùa thu, quả chuông như lão già khoác chiếc áo bành tô lớn trong ngày đông tháng giá. Tiểu nữ Hư Trúc tháo dây buộc cây chày dộng chuông. Chày dộng chuông là một súc gỗ vàng tâm to bằng cột nhà buộc nằm ngang, một đầu quấn nhiều lớp vải dày. Tiểu nữ kéo chày ra xa, buông tay, chày nện vào. Quả chuông như lão già đang say ngủ giật mình tung lên trời tiếng chuông tinh khôi đầu tiên. Tiếng chuông như một niềm vui, một ngày mới, một sức sống mới, một sự khởi đầu tốt lành, tung ra khắp đó đây. Tiếng chuông vang vọng đội vào vách đá dựng đứng như kẽm trên lưng chừng núi Sạn, vang lên tới lớp mây thướt  tha như váng sữa giăng mắc đầy trời. Còn sớm lắm, xe cộ và những tiếng động của cuộc sống chưa kịp làm bẩn buổi mai tinh khiết hôm nay.

*****

Ông cụ Luận lắng nghe, ông để hết tâm trí. Ông cảm như trong tiếng chuông còn có cả tiếng gầm của khẩu súng thần công "bình Chiêm", tiếng reo hò của ba quân tướng sĩ lao lên phía trước... và nếu lắng tai nghe bằng cả cái  " tâm" thanh tịnh còn  có những tiếng rền rĩ, van lơn, than thở của những oan hồn uổng tử chết trận kể về nỗi niềm oan khiên ngậm ngùi muôn đời. Tất cả hoà trộn vào âm thanh tiếng chuông công phu buổi  ban mai này.

  Thao thức không ngủ lại  được, ông cụ suy ngẫm mãi về miền đất phương Nam. Hình ảnh mấy con chim Lạc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, mấy con thú, vật tổ của dân tộc cất cánh bay, cất vó chạy về phương Nam trốn rét. Nơi đây đất rộng rừng sâu, núi cao, sơn lam chướng khí, người thưa thớt quá, vùng đất mới khai phá hoang vu mang dã, không thiếu kẻ thù, kẻ thù từ thiên nhiên, từ lân bang. Giờ đây việc đầu tiên là cần có nhiều con người, càng  đông người càng tốt. Nam nữ yêu nhau, sinh ra những đứa con trai dũng mãnh, những đứa con gái xinh đẹp. Họ thờ sinh thực khí (linga-yoni), tôn sùng sung mãn phồn thực, để có đông người mà chống trả sức mạnh thiên nhiên, ác tâm kẻ xâm lược. Họ, chỉ với sức lao động chân tay, với cuốc rựa, lưỡi hái thô sơ làm ra đất trồng, khơi dòng nước chảy. Và với khí giới cung nỏ, tự lực, tinh thần quyết chiến giữ đất giữ nước, họ tạo ra phương Nam thành phương của hạnh phúc, phương của bình minh, phương của Mặt trời. Mặt trời không bao giờ tắt. Mặt trời vĩnh hằng ở mảnh đất hứa có thực trên đời này.
 

 Q.T
 2003