Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Đêm hiển thánh

Quý Thể

Đêm đen như một mái tóc ẩm. Hình như con người cũng giống như loài côn trùng, trong đêm cứ nhắm ánh sáng lao tới. Anh sáng nơi đây phát ra từ quán nhậu của chị Sáu Liễu là do cây đèn măng sông.

Cây đèn măng sông treo trong quán nhậu Sáu Liễu thu hút bao nhiêu côn trùng của cả cánh đồng lớn bay đến, nó còn lôi cuốn bọn đàn ông, từ mấy anh sồn sồn, đến mấy lão chống gậy, kể cả bọn choai choai, mặt mày đầy mụn, mép môi lún phún lông măng cũng bắt chước người lớn để hàng ria mép giả.

Quán Sáu Liễu có đủ bia rượu, song những chai bia Saigòn, bia lon sang trọng đắt tiền chẳng ai uống. Dân nhậu nhà quê chỉ xài thứ rượu trắng nấu bằng gạo. Có nhiều loại, từ nhẹ lên đến nặng. Rượu gạo nặng nhất là rượu nước nhất. Thứ rượu gạo nước nhất này mạnh lắm, đổ mấy giọt ra đĩa châm que diêm, rượu cháy, ngọn lửa xanh lè, cháy xong không còn giọt nước nào, dùng rượu này nướng mực khô, mực chín không bị hôi khói. Thế nhưng thứ rượu này rất quí, đắt tiền lắm, vì ba ký gạo mới được một lít, không ai dùng để nướng mực, cũng không uống "xết". Sáu Liễu lấy rượu gạo nước nhất pha vào thêm nhiều nước dừa xiêm thành rượu hạng ba, rẻ tiền bán cho bọn chăn vịt Bàu Cạn, bọn chăn trâu trên cánh đồng Cọ, mọc đầy cây mắc cỡ, và bọn thanh niên đi cày. Nhờ pha nước dừa, rượu dễ uống, có tay uống liền hai ba xị đi đứng nói cười, ra đồng làm việc tỉnh bơ. Vùng này có lò đường anh Chín Lò, người biết nghề còn lấy mật mía nấu ra thứ rượu mằn mặn, ngòn ngọt, cay cay, gọi là rum, dễ uống nhưng cũng dễ say, thứ rượu này say, mấy ngày sau còn nhừ, dập mình, dập mẩy, xương cốt chân tay rã rời.

Lão Thoại còn gọi là Ba Thoại, lái lợn, kiêm nghề thiến heo chó, trâu bò, một người đàn ông năm mưoi, người gầy đen, xương xóc, tay chân gân cốt vặn vẹo, làn da lưng nhăn nheo như một thân cây chà rang trong mùa đốt rẫy. Hình như người ngợm hắn lúc nào cũng nhiễm hơi trâu chó, lão mới đến đầu làng, bọn chó đã kéo từng bầy theo sủa. Lão thì than:"Mô Phật, cả đời mình không đụng vô miếng thịt cầy sao chó cứ bu theo sủa?". Lão vào quán từ lúc mắt trời mới rụng phía sau núi Voi, chưa tối hào quang còn hắt lên tới lớp mây chiều. Lão ngồi trầm ngâm một lúc, nói bâng quơ:"Lạ hè, bữa ni ngày chi mà bọn nhậu xóm Cận Sơn trốn biệt?". Mới nói tới đó đã nghe tiếng ồn ào và thấy mấy người bước vô quán. Bọn họ ăn mặc tươm tất, tóc chải lật ra sau còn ướt trông biết ngay là người mới tắm sông lên, thấy đường hoàng đĩnh đạc, bọn họ đi làm đồng về nhà tắm rửa, ăn cơm xong, không ở nhà với mấy mụ vợ già hoặc trẻ song vì đẻ dày quá quắt queo trong như con gà mái mệ nuôi bầy con đông đúc, xơ xác, ủ rủ không còn hấp dẫn gì cả, nên mấy thằng chồng bỏ đi chơi ra quán nhậu nói tầm phào cho qua ngày. Tối về sần sần mới chui vô mùng vợ. Thấy lão Thoại có đứa kêu to :

- A! Cha nội "Tam Quốc" đây rồi !

Ba Thoại có biệt danh là ông "Tam Quốc", vì gặp ai, ở đâu lão cũng xổ cái bầu Tam Quốc ra. Có điều lạ là lão mù chữ, chữ quốc ngữ mới biết đánh vần như con nít lớp một. Còn chữ Nho một chữ cắn đôi không biết thế mà tới đâu lão cũng xổ nho hột, nho chùm. Có lần Sáu Liễu thấy một ông thầy thuốc bắc chơi khăm, lấy ngón tay dí vũng rượu đổ trên bàn viết mấy chữ Hán, đố là chữ chi? Lão Thoại bí, ấp úng một hồi, tìm kế hoãn binh, nói:"Chữ nghĩa thánh hiền phải có văn phòng tứ bửu (bút, nghiên, giấy, mực) viết một cách chỉnh chu đường hoàng nhìn còn không ra mặt chữ. Ông viết nghuệch ngoạc thế này ai đọc được mà đố?". Lão thuộc chuyện Tam Quốc thông qua mấy tuồng hát bội. Trí nhớ lão rất tốt và như tất cả mọi người dân quê thực thà lương thiện ngày trước "lập trường" khá rõ ràng, căm hận phường gian xảo, bọn nịnh thần, khâm phục người đức độ, nghĩa khí, chánh phải thắng tà, trung thắng nịnh... Thần tượng của lão là Quan Vân Trường, một danh tướng phò Lưu Bị. Lão luôn miệng ca tụng thần tượng của mình, nhất là về chiến tích "quá ngũ quan trãm lục tướng" (quá năm ải chém sáu ttướng) quay ngựa về, chén rượu tiễn vẫn còn nóng! Bọn thanh niên đời nay rất khoái coi phim chưởng. Hỏi:"Võ công ngài chắc là trang anh hùng cái thế đảm lược? Minh chủ võ lâm hả. Lão Thoại :

- Không đâu, không phải chuyện võ, chuyện văn. Hạng văn chương tầm tầm, hạng võ biền vai u thịt bắp, hữu dũng vô mưu thời nào cũng có, ai thờ làm chi ? Nói về võ thì phải kể tới thằng "đệ nhất anh hùng Lữ Phụng tiên" là thằng Lữ Bố. Bọn bây coi tuồng Lữ Bố hí Điêu Thuyền thì biết. Thằng này mạnh đến nỗi một mình chấp cả ba anh em Lưu Bị, Quan Công , Trương Phi, đánh dư trăm hiệp bất phân thắng bại gọi là "Tam anh chiến Lữ Bố". Nhưng nó là thằng bất nhân, bất hiếu, bất nghĩa, lưu danh xấu ngàn đời. Vì một con đờn bà mà hắn nỡ đâm chết nghĩa phụ là lão gian tặc Đổng Trác bằng cái cây dáo nhọn tên là "phương thiên họa kích".

Nói tới đây hình như cái gian tà của cha con Đổng Trác, Lữ Bố làm cho lão lợm

giọng. Lo ho mấy cái rồi khạc, nhìn quanh, không thấy ống nhổ, nhổ đại xuống đất. Chị Sáu Liẽu nghe tiếng khạc nhổ rùng mình than :"Trời ơi tởm quá, ngồi quán lúc nào cũng khạc nhổ, làm ơn ra ngoài sân, người đâu không biết giữ phép lịch sự". Lão Thoại không để ý đến lời trách, lão vẫn hùng hồn:"Còn đức Quan Công, nhân nghĩa tràn lan ra tới muôn dân trăm họ, cỏ cây, trời đất, lưu danh muôn thuở. Bao nhiêu chiến tướng, bao nhiêu trung thần liệt sĩ có ai được hiển linh, được phong thánh đâu, xưa nay chỉ có ngài". Lão lại khạc nhỗ, chị Sáu lại nhăn mặt:"Người đâu mà bê bối quá chừng!" Chỉ có ngài cho tới bây giờ còn đền thờ nhiều nơi. Bọn bây vô đình chùa nào cũng có tượng ông mặt đỏ râu năm chòm là ngài đó".

Có đứa hỏi - Nghĩa khí sao mà được hiển thánh ?

- Nội chuyện này đời sau mấy ai làm được.

- Chuyện chi ?

- Bây đi coi tuồng "Quan công phò nhị tẩu" thì biết con người của ngài nghĩa khí sáng trưng như vầng nhật nguyệt. Trong cuộc chinh chiến, ba anh em Lưu Bị có khi thua thất điên bát đảo, lạc cả vợ con. Quan Vân Trường phải dẫn hai bà chị dâu đi lánh nạn tìm chồng. Ngày đêm ông em kết nghĩa kề cận bảo vệ nhị vị phu nhân quốc sắc thiên hương. Có đêm ngài phải chống thanh long đao, tay cầm đuốc canh cho hai bà chị ngủ. Dù là chị em dâu, đã là đàn ông đàn bà, trai tài gái sắc, ai không động lòng.

Có đứa cắc cớ chận laị hỏi:

- Hai phu nhân có ngon bằng mụ Son chủ mấy sào đất thổ trồng mía cạnh gò Nổi trên kia không ?

Lão cười :

- Ai so sánh trang quốc sắc thiên hương quí tộc, vợ vua với con mụ nhà quê.

Có đứa chọc :

- Cha nội thèm thấy mồ còn làm bộ õng ẹo, chê mụ nhà quê.

- Ừ thì con Son, một mụ đàn bà ba mấy bốn mươi rồi goá chồng mà người ngợm còn đầy đặn tròn trịa, múp míp, nở nang, ngó sướng con mắt hơn bọn gái chưa chồng nhiều. Nhưng ... thôi im đừng nói tào lao nữa để tao kể tiếp. Quan ngài dẫn hai bà chi dâu đẹp như tiên đi lánh nạn, tìm chồng. Nhiều đêm ở giữa đồng vắng ngài thắp đuốc, chống cây thanh long đao uy nghi như pho tượng đá đứng canh suốt đêm cho hai bà chị dâu an nghỉ.

Có người lên tiếng:" Tại sao lại phải thắp đuốc".

- Trong đêm đen phải thắp đuốc cho sáng để thấy giặc, và cũng để người chung quanh thấy mình, không thể dị nghị tiết hạnh của hai bà chị dâu. Chứ như bọn bây thì ngồi trong bóng tối, chờ khuya mò vô đánh du kích.

Nhiều người cười xoà. Có người rót cho lão ly rượu gạo nước nhất, thưởng lão về cái công kể chuyên "Tam Quốc". Lão ngửa cổ nốc cạn, khà lên một tiếng khoái trá. Có đứa hỏi cắc cớ:" Như ông, có làm được vậy không ?"

- Tao là người phàm, còn nặng nợ, con Son chúng bay nói đó ngon hết sẩy, nên tao chưa dám nói trước... Nói xong, lão lại bưng cốc rượu lên nốc can, lại khà lên một tiếng khoan khoái. Bọn thanh niên thi nhau rót cho lão cái thứ rượu gạo nước nhất pha nước dừa xiêm. Rót bao nhiêu lão uống cạn. Khuya, lão một mình thủng thẳng đi bộ về. Con đường làng đoạn này chạy giữa hai đám mía rậm rạp. Mấy con chim đêm, mấy con chồn, con chuột núi băng đường, có con suýt đụng vào chân lão.

***

Đêm đen quánh như dầu nhờn. Mấy ngôi sao khuya bị đẩy lên cao tới chốn mơ hồ, vô cùng. Mặt trăng cuối tháng mỏng manh và lạnh lẻo như mảnh nước đá trôi giữa đám mây vờn như khói đốt đồng. Gió từ biển thổi vào đã ngừng từ hồi chạng vạng. Gió trên núi ông Voi chưa thổi xuống. Cây cối đứng yên như bị chôn chân vào đất, và lá cũng đứng yên như bị dán dính cứng trên cành.

Chị Son, bắc cái chõng ra sân hóng mát, than, nóng nực quá, chị mở hàng nút áo phanh bộ ngực tròn đầy thòng xuống như hai quả đu đủ chín, lấy cái quạt đan bằng một chiếc lá nón quạt phành phạch. Quạt xong chị gài nút lại, một lúc sau nóng, than, áo sống may bằng thứ hàng ny lông này mỏng mà kín khoác vô một lúc đâm đìa mồ hôi. Chị ta nghĩ, nơi đây, giờ này, ai qua lại đâu mà sợ. Chị cởi hẳn áo ra, vắt nơi cây cột mùng, nằm xuống quạt mấy cái, ngủ lúc nào không hay, ngủ trần.

Lão Thoại lầm lũi một mình trong đêm. Đi một đoạn lão dừng lại tìm bụi rậm tiểu. Một lúc sau lão lại buồn tiểu nữa, lão thấy rượu pha nước dừa uống lợi tiểu chẳng khác gì bia. Lão nghĩ, giờ này, chốn này có ai đâu mà mình phải tỏ ra là người lịch sự, dừng lại chui vô bụi tiểu cho mất công. Sao không vừa đi vừa đái như bọn chăn trâu vẫn thường hát:"Đi đường đứng lại mất công, vừa đi vừa đái vẽ rồng mà chơi!". Và chất rượu chảy trong người làm cho cái máu càn rỡ nổi dậy, lão hứng chí nghêu ngao hát mãi .

Đúng lúc ấy lão đi ngang ruộng mía của chị Son. Chị ta nằm trong mùng, thấy và nghe hết, nghĩ lời thiên hạ đồn thực không sai, quả lão ta là một thằng già mất nết, già dịch, gìa d, già câu sấu, bê bối hết chỗ nói. Chị lên tiếng :

- Ai như Ba thoại ?

- Tui đây, ai hỏi đó.

- Tui, Tám Son đây.

- Đàn bà con gái giờ này nằm đây mần chi ?

- Nhà có đám mía chín bị bẻ trộm nhiều quá, đêm nào cũng ra canh.

- Canh mần chi, bọn chăn trâu nó khát nước xin mấy cây, mình còn muôn ngàn cây, cho chúng vài cây cũng được.

- Anh Ba mói nghe như giọng nhà giàu. Nhà tui có đám mía sào rưỡi này. Mọi thứ đều nhờ mấy cây mía, cho lấy gì sống? Anh Ba đi đâu về khuya rứa?

- Đi chơi, bọn quỉ nó ép uống say quá. Cái thứ rượu gạo pha nước dừa, lúc đầu thấy ngọt, thấy êm êm tha hồ nốc, bây giờ thấm thuốc, thấy hai ba ông trời, còn đất dưới chân như bị dốc ngược, chỉ muốn té.

Nói đến đây, lão nghe từ dưới bao tử trào lên thứ nước nhàn nhạt, không phải nước bọt, khó chịu, xôn xao lắm, lão muốn nôn, không cầm được, lão oẹ khan một tiếng thực to, gập mình lại nôn thốc nôn tháo. Lão nôn ra toàn là nước, lúc đầu còn thứ nước phảng phất mùi men rượu và mùi nước dừa. Sau thì ra toàn nước chua, nước đắng. Lão biết mình đã nôn mửa tới mật xanh, mật vàng. Chị Son, lật đật vén mùng chui ra, chạy vô lều, lục tìm đầu giường lấy hộp cao sao vàng, chạy ra. Chị gấp gáp quá mở mãi không ra nắp hộp cao , tự trách ngày thường vô ý đập chặt quá , hữu sự thì mở không được. Một lúc sau chị mở được, móc một cục dầu cao lớn bôi nơi cổ, ngực, hai bên thái dương, mũi lão. Chị bắt lão há miệng ra bôi dầu trên đầu lưỡi. Chị hỏi :"Đỡ chưa?"Lão Thoại thấy chất dầu cao làm nóng ran cả ngực, nói :"kha khá rồi". Chị Son :"Anh Ba vô trong lều nghỉ, có mửa tui cạo gió cho, có buồn ngủ thì ngủ luôn một giấc, mai khá thì về, đêm hôm khuya khoắt về một mình sao được. Lỡ dại trúng gió nằm đường làm sao ?"

Lão Thoại lắc đầu quầy quậy:"Thôi để tôi nằm tạm đây một lúc, thấy khá tôi dìa". Lão nằm đại xuống cỏ vệ đường. Chị Son thét lên :

- Không được. Đêm hôm lạnh lẽo , gió mấy, đang say như chết, màn trời chiếu đất sao được, có tuổi rồi đâu còn thanh niên mà ẩu? Để tôi đỡ vô lều nằm tạm. Chị ta cúi xuống nắm vai đỡ lên, nặng quá, bởi lão không chịu, trì lại. Chị thả ra, giật mình, thấy cho tới lúc này vãn còn ở trần, vú móm lòng thòng, xấu hổ lắm, sau tự nhủ không sao, đêm hôm chẳng ai biết, nghĩ tới cái cảnh goá bụa năm năm, không biết hơi hám thằng đàn ông là gì, chị tủi thân, muốn khóc, đây là dịp trời cho, tự an ủi, ai chớ lão già bê bối này trước sau gì cũng giở trò. Chị thấy cái lão này chướng như con nít không chịu vô lều, chị không năn nỉ, không chờ đợi được, đi ngủ, và tin thế nào giải rượu rồi cũng mò vô. Chị đi vô lều, leo lên giường, buông mùng chờ đợi, nghĩ, mèo nào thấy mỡ lại không ham.

Nửa đêm Ba thoại tỉnh dậy, thấy rất lạnh quơ cái chăn đắp, chỉ có đất cát và cỏ, laõ mới nhận ra mình đang nằm giữa đồng không mông quạnh, lúc đầu lấy làm lạ, sau nhớ lại, buổi nhậu quan Sáu Liễu, nói chuyện Quan Công phò nhị tẩu rồi bị bọn trai tráng phục rượu, thứ rượu gạo nước nhất pha nước dừa xiêm, trời ơi tởn tới già, nó đằm đằm nốc mấy cũng không ngán, đến nổi say bùng lên. Cũng may nôn mửa xong, bôi dầu, giờ thấy tỉnh táo và khoẻ hơn. Lão nhìn vào căn lều chị Son, thấy ánh đèn dầu leo lét, như cặp mắt kêu mời. Lão chợt nghĩ lại cảnh Quan Công cầm đuốc đứng canh cho hai bà chị dâu ngủ. Lão ước, gía mình cũng có cây thanh long đao và cây đuốc mà thắp lên cho giống với tích xưa, cho bàn dân thiên hạ thấy cái lão Thoại thiến heo thiến chó đời nay cũng xử sự đoan chính, phân minh không mê dắm nữ sắc, có thua gì đức Quan ngài ngày xưa. Nghĩ tới đó lão thấy mình như vừa chới với rơi vào một thế giới mới đầy sự lạ , thế giới hiển thánh lung linh, trong vắt tinh khôi, thơm lừng nhã nhạc. Lão cứ la đà bay lượn mãi trong vùng mênh mông ánh sáng, âm nhạc thánh thót và trầm hương tinh khiết, thanh tịnh chùa chiền, không muốn trở lại cõi ta bà thế giới phàm tục u ám này nữa...

Chị Son ngủ được một giấc tỉnh dậy, chợt nhớ mọi việc xảy ra đêm nay, lấy làm lạ sao người đàn ông ấy không mò vô đây leo lên giường hú hí với mình? Hay lão ta say quá, ngủ quên ? Chị ngồi dậy, nghĩ, trâu không tìm cột thì cột đi tìm trâu, xấu hổ gì, đêm hôm khuya khoắt chốn này ai biết mà sợ. Chị đi tới chỗ lão nằm. Thấy Ba Thoại suốt đêm vẫn nằm đó, dáng nằm hồi đầu hôm thì thẳng đuột, giờ co ro tội nghiệp, chắc lạnh lắm, chị lấy cái chăn tủ cho lão. Lão nằm yên chẳng cựa quậy, cũng chẳng nói năng gì. Chị lay nhè nhẹ:"Anh Ba, anh Ba... vô nhà!". Không thấy lão động tĩnh, người lão cứng đờ, hết thở. Trời ơi lão say rượu trúng gió chết thiệt rồi. Tính sao đây ? La làng người ta tới thấy cảnh này, chỉ sáng mai ở chợ Đâu Cầu mấy mụ bán cá đồng, cá biển sẽ tha hồ rêu rao cho mà coi. Để lão nằm chết cạnh cái chòi giữ mía của mình cũng không xong, rồi công an cảnh sát tới hỏi, nói thực ai mà tin. Chỉ còn cách thủ tiêu cái xác này. Nhưng mình có là thủ phạm giết lão đâu mà phải dấu xác. Lỡ lộ ra thì tình ngay mà lý gian. Chỉ còn nước kéo cái xác cho xa để người dân không còn đồn đãi dị nghị.

Nghĩ thế chị son cúi xuống cầm hai cổ chân đen và cứng như củi kéo lão đi một đoạn mấy trăm mét, thấy nặng quá, lấy làm lạ, sao đàn ông ngó thì ốm nhom lại nặng chắc họ nặng là tại xương, nên đàn ông chết nước ba ngày không nổi, có nổi phải năm ngày, nổi sấp. Còn dàn bà ba ngày cái bụng chướng lên nổi ngửa lềnh bềnh. Chị quay lại di di hai bàn chân xoá vết kéo xác trên cát, thấy cái áo bà ba màu đen mốc thếch, khi bị kéo tuột lên phía cổ, hai ống quần bị cuốn lên, chị ngồi xuống sửa lại, lật lưng lão, thấy đá sỏi trên đường làm da trầy trụa nhiều nơi, muốn ứa nước mắt, hay do cặp lưỡng quyền nhọn hoắt của mình, mấy mụ coi bói nói tướng sát phu, đụng thằng nào cũng chết? Chị hỉ mũi kéo ống quần lên chùi, than :"Tội nghiêp!".

Sáng hôm sau mới tửng bưng đã nghe tiếng người léo nhéo trên đường, chị tự hỏi, ai giờ này đi đâu mà biết cái xác sớm thế. Chị tự nhủ, mình phải cố làm ra người vô can, phải thật bình tĩnh và phải giả bộ đóng kịch cho hay. Chị mở cửa, làm bộ mặt ngái ngủ hỏi:"Chuyện chi đó bà con?" . Có người nói: "Ba Thoại chết rồi, nằm một đống trên kia kìa!". Chị Son ra sau hè rửa qua bộ mặt mất ngủ, lấy gương soi thấy cặp mắt đỏ lòm với hai lưỡng quyền cao, lại tủi thân muốn khóc, chị khoát nước mát lên làm dịu cơn buồn nóng rực buổi sáng, thấy mình phải đi coi để mọi người không nghi ngờ. Đến nơi thấy bà con xúm đông nghẹt, vạch người ra thấy lão nằm không đúng theo cái dáng mình đặt hồi khuya, ngẫm nghĩ, không lẽ nửa đêm mỏi, cái xác trở mình? Chị làm bộ than :"Tội nghiệp! Say rượu trúng gió, thác rồi!". Chị nói :"Thôi hết, từ nay chẳng còn phò nhị tẩu nữa, tội nghiệp!".