Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Nghề mọn

Quý Thể

Mỗi lần về quê tôi không quên diện bộ đồ chiến, quần áo ka ki vàng đội nón cối đánh phấn trắng, mang giày Ba-ta. Thời ấy  công chức đi đâu cũng ăn mặc theo lối này  và được bà con gọi bằng cái tên chung la " Thầy Hai". Họ tưởng tôi làm cái ông gì to lớn lắm ở trển ( trên Sài Gòn ). Sự thực tôi cũng là công chức hẳn hoi. Công chức chính ngạch, hạng C, chỉ số lương tập sự 180, ngang một người tốt nghiệp đít-lôm.  Tôi làm việc cho sở vệ sinh đô thành. Ngành dọc của tôi là bộ Y Tế, ngành ngang là tòa Đô Chính. Chỉ riêng cái nghề của tôi thì tôi chẳng muốn nói với ai, cũng chẳng muốn nghe ai nói: Tôi làm nghề bắt chó chạy rông!

Mỗi tổ có hai người. Một lo đẩy chiếc xe nhốt chó, tương tự như xe cải tiến bây giờ trên có chuồng sắt nhốt chó. Một người nữa có nhiệm vụ bắt chó. Nghề này chẳng qua trường lớp hay khóa đào tạo nào, kẻ sau bắt chước người trước, thực tế trên đường phố vài ba tháng và thế là thành nghề. Nhà nước trang bị cho chúng tôi cây gậy dài thước hai, đầu có dây thòng lọng, Gọi theo từ kiếm hiệp  là "kéo cẩu bổng". Mỗi năm chúng tôi được phát hai bộ áo quần, trông cũng oai ra phết, bọn  cảnh sát thấy tưởng lính thiệt, không đến đòi xem giấy tờ bắt lính hay làm khó dễ. Đi đâu tôi có bộ kaki vàng bốn túi. Thường ngày, trước khi đến cơ quan công tác tôi diện áo quần sang trọng giày da, mũ phớt, cỡi chiếc xe đạp đơ-luých. Thấy thì oai lắm nên người trong xóm, tôi ở mấy chục năm, chẳng ai biết tôi làm nghề gì. Tới cơ quan tôi mới thay bộ đồ "tác chiến" vào. Ra đường, tôi xấu hổ, chỉ sợ gặp người quen, tôi sắm cái mũ tai bèo, kéo sập xuống che hơn nửa  mặt,  khó ai nhận ra tôi.

Đối với chúng tôi bắt một con chó dễ như lấy cây kẹo trong túi. Tôi cứ việc giấu cây gậy sau lưng, giả bộ "vô tư" tới gần, xuất chiêu, chỉ trong vài giây đã kéo cổ con cẩu nhắc bổng cho vào chuồng. Chúng tôi là công chức cho nên mỗi nhóm đều có cái gọi là "Thẩm quyền quản hạt" nghe rất oai, gọi theo từ ngữ bây giờ là địa bàn hoạt động, có ranh giới rõ ràng không ai xâm phạm của ai. Ai làm việc tốt được tăng lương, ai xấu bị kỉ luật, thuyên chuyển.

Tôi là một anh công chức tận tụy mẫn cán,  đi về đúng giờ . Tôi là người làm việc nổi tiếng  nguyên tắc, theo đúng phương châm" Pháp bất vị thân" Chó ông to bà lớn cách mấy cũng mặc kệ! Hễ để chạy rông thì tôi tóm! Tôi chẳng ngán ai cả! Ngòai ra, tôi còn là một công chức thanh liêm. Tôi không ăn của đút lót bao giờ. Đừng tưởng nghề này không ai hối lộ, có đấy mà lại còn nhiều nữa. Đây là niềm tự hào của anh công chức quèn như tôi. Có nhiều lần thấy tôi bắt con chó cưng của họ, họ liền đem tiền đến xin tha, còn hứa sẽ hậu tạ.  Tôi nghiêm sắc mặt, nói như quát: "Coi chừng tôi lập biên bản về tội đưa hối lộ!"  Thế là họ rút lui, sau đó rôi ôn tồn giảng giải : "Chó chạy rông rất tai hại, nó cắn truyền bệnh dại, chúng còn gây ra nhiều tai nạn giao thông, phải nuôi chó trong nhà và đem chó đi tiêm ngừa. Chó bị bắt về sở vệ sinh không phải bị giết ngay. Ba ngày sau, chủ nhà không đến lãnh thì giết!". Hồi ấy tôi cũng không biết mấy con chó bị giết, loại "chiến lợi phẩm" quí giá cho bọn ghiền thịt cầy nầy đi về đâu? Tôi được người thương nhưng chó thì rất ghét.

Năm tôi hai mươi hai thì xảy ra biến chuyển lớn trong đời. Như mọi thanh niên khác, tôi yêu ! Tôi yêu con nhỏ Lài ở chợ Bàn Cờ, con này làm đủ thứ nghề hạ tiện, dơ dáy và hôi hám song nhờ tình yêu, tôi thấy mọi hoa hậu trên thế gian này không ai đẹp bằng nó. Tôi rút ra triết lí : Người phụ nữ đẹp dần lên dưới con mắt người đàn ông yêu họ, thành ra ông bà ta có câu "Cái nết đánh chết cái đẹp" Cái nết quá tệ làm người ta không yêu thì có đẹp cách mấy đi nữa cũng vất! Tôi đã rủ con nhỏ đi coi cải lương mấy lần, đối với con gái thời ấy chịu đi coi cải lương với ai là được rồi. Con Lài thích tôi cũng chỉ vì cái mác công chức chính ngạch, tôi có tương lai, một tương lai do tôi vẽ ra, tôi tha hồ thêu dệt bao nhiêu điều tốt đẹp cho ngày mai. Nghe tôi nói, đứa con gái  quê mùa này chắc cũng tưởng tôi đang giữ trọng trách gì to lớn lắm trong chính phủ ở cái xứ  Sài gòn hoa lệ này.

Như tất cả mọi người đang yêu, tôi mơ mộng. Lâng lâng bay bổng, cả thể xác lẫn tâm hồn phút chốc hóa ra nhẹ hơn không khí, quả đất  không còn sức hút tôi được nữa và thế là tôi...làm thơ !!!  Ban đêm tôi cũng thao thức khó ngủ, ban ngày công tác uể ỏai, vì thế thành tích giảm sút thấy rõ, năm sau không bằng năm trước, chớ đừng hòng cao hơn năm trước! Khổ nổi, cái thằng đẩy xe phụ tôi, thấy tôi yêu nó cũng bắt chước yêu. Nó yêu một con bán nước mía và nó cũng... làm thơ !!! Vì thế hai đứa tôi lang thang suốt ngày chẳng bắt được con cầy nào. Chiều lại thằng nầy góp ý, kiểu hai tên lính mã tà Min-on, Min-đơ của Vũ Trọng Phụng: "Hay tao mầy đẩy xe về nhà tao mày câu cổ con  chó Ky, mầy về câu cổ con vện nhà mầy ?" Không bắt được chó cũng vì suốt ngày chúng tôi tìm đến gốc cây bằng lăng trong sở thú, ngồi trên bãi cỏ xanh lấm tấm nắng vàng, mơ mộng rồi làm thơ. Chiếc xe bắt chó trống trơn dựng bên cạnh. Mấy con chó quanh vùng này thản nhiên đi lại chung quanh hai vị hung thần giờ đây trở thành hai nhà thơ rồi!!!

Trước đây tôi là một công chức tận tụy, yêu nghề. Nay tôi thấy cái nghề này tệ hại hèn mọn quá. Không hiểu sao giờ đây tôi thấy thương mấy con chó lang thang, chúng nó cũng cần tình yêu , cũng cần bắt bồ với nhau. Thời kì tôi yêu chính là giai đoạn " bùng nổ" của nạn chó chạy rông. Trong cuộc tình của tôi, chính mấy anh chàng tam khoanh tứ đốm, mấy nàng đầu đường xó chợ là được lợi nhất. Một hôm  đang dạo chơi với con Lài tôi mới giật mình phát hiện ra điều này. Ngòai đường chó chạy rông nhiều quá. Chúng còn ngang nhiên ân ái với nhau giữa thanh thiên bạch nhật, kéo lê ra giữa đường làm xe cộ tắc nghẽn, khiến mấy cô gái đỏ mặt vì cái cảnh đoàn kết, đại đoàn kết... bất đắc dĩ này. Ôi tình yêu tai hại thật, nó làm cho một anh công chức chính ngạch chễnh mảng công vụ, thực đáng trách.

Người chuyên bắt chó như tôi thì hình như cái mùi chó nó nhiễm tận xương tủy, tới đâu chó đều xúm vô sủa. Con nhỏ Lài thấy lạ hỏi :" Bộ anh Hai mới ăn thịt cầy hả?" Tôi tuy là hung thần của chó nhưng lại chẳng biết ăn thịt cầy. Lần này tôi nhận có ăn, vì dù sao ăn thịt cầy còn "nhẹ tội" hơn cái nghề bắt cầy chạy rông. Từ ngày biết yêu tôi chỉ sợ một điều, sợ điều này còn hơn là cái chết. Tôi sợ sẽ làm cho con Lài thất vọng khi nó phát hiện ra người hùng của nó, một công chức chính ngạch làm cái nghề mọn này. Tôi xin thuyên chuyển qua tốp khác để tránh cái quận ba, có cái chợ Bàn Cờ, nơi thường có chó chạy rông và cũng là  nơi người yêu tôi ngồi bán rau hành và mơ mộng về đấng lang quân. Tôi đi về quận năm bắt chó.

Nhưng rồi cuộc tình này cũng chẳng xuôi chèo mát mái như tôi tưởng. Tôi ở trong ngành hơn năm năm, bắt hàng trăm con chó to lớn hung dữ, không con nào chạm được da thịt tôi.  Thế mà nay tôi bị con chó con, một con chó cò nhỏ bé, ghẻ lở cùng mình, tôi xem thường nó nên không dùng kéo cẩu bổng mà tóm bằng tay không, tôi bị nó táp một miếng đau điếng !  Thực đúng là đi năm sông bốn biển không chết lại chết đuối trong vũng trâu dầm ở đầu làng, sinh nghề tử nghiệp. Tôi bị con chó cắn vào tay cũng chỉ vì  mơ mộng, lơ là công vụ, mất cảnh giác, thực đáng đời ! Hơn ai hết tôi rất lo sợ bệnh chó dại. Tôi xin giấy đi bệnh viện tiêm thuốc ngừa. Thời này phải tiêm 21 mũi vắc-xin quanh rốn. Tiêm thuốc xong tôi vô ý bỏ quên tờ giấy giới thiệu của cơ quan trong túi. Tai hại thay, công tác hành chính thời trước rất lỹ lưỡng, nên dù chỉ là một tờ giới thiệu cũng ghi đủ tên họ, chức tước và nhất là cái nghề tệ hại,  nguyên văn: Bắt chó chạy rông! Khổ nỗi con nhỏ  Lài cũng muốn thể hiện tình yêu bằng cách săn sóc cho tôi. Nó lấy quần áo tôi về giặt, nó lôi tờ giấy ra ê a đánh vần, phơi khô và ủi phẳng trả lại tôi. Thế là tôi xấu hổ quá  trốn  luôn. Lâu đài tình ái sụp đổ !

Tôi nghe nhiều người nói: "Không có nghề xấu chỉ có người xấu" Tôi chắc những người nói câu ấy chưa bao giờ làm các công việc hạ tiện như tôi, họ mới làm bộ nói năng đạo đức giả thế. Nếu  họ đi bắt chó một ngày họ sẽ biết thế nào là cái nỗi cực nhục của "nghề mọn". Có nhiều cái nghề nó hại mình suốt đời. Chính  quyền trước đây biết bao nhiêu ông to bà lớn sao không bị bắt đưa đi cải tạo, có người được hưởng chính sách khoan hồng hòa hợp hòa giải dân tộc. Còn tôi thằng công chức quèn, lại phải đi trình diện chính quyền quân quản với cái lí lịch mới nghe qua đã thấy nó ghê gớm : Công chức chính ngạch, hạng C, chỉ số lương...tôi được đưa đi cải tạo. Cải tạo xong tôi trở lại đời sống thường dân.

Bây giờ ra đường chỗ nào cũng thấy chó chạy rông nhiều quá. Tại sao nhà nước không lập đội bắt chó, bổ nhiệm một người đầy năng lực, liêm khiết như tôi lo gì không tận diệt được cái nạn chó chạy rông?

( Viết ở phòng khách nhà H  ngày 20 tháng 11 năm 1992)