Chim Việt Cành Nam          [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]            [   Tác giả  ] 
 
Paris: Cây Cầu Mirabeau

Sóng Việt Đàm Giang

Mở đầu

Nói đến Paris, Pháp thì chúng ta ai cũng nghĩ đến Tour Eiffel, nhà thờ Đức Bà Notre Dame, viện bảo tàng Louvre, viện bảo tàng Orsay, dòng sông Seine, v.v... Nói đến sông Seine thì mọi người đều nhớ đến những cây cầu nối liền tả ngạn và hữu ngạn con sông này. Theo thống kê thì sông Seine có tất cả 37 cây cầu, không kể những cây cầu ngoài vòng các quận của Paris, cũng như những cầu dàng riêng cho hệ thống xe điện, xe lửa (RATP, SNCF), v.v...

Cây cầu cũ nhất làm bằng đá bắc ngang sông Seine hoàn thành năm 1607 mang tên Pont Neuf. Cây cầu mới nhất dành cho bộ hành là cây cầu Simone de Beauvoir, hoàn thành năm 2006.

Hoành tráng nhất phải kể là cây cầu Alexandre III hoàn thành năm 1900. Và một trong những cây cầu được nhắc đến trong thơ văn, và nhờ đó trở thành rất nổi tiếng thì phải kể đến cây cầu Mirabeau. Bài viết ngắn này thu hẹp trong cầu Mirabeau và bài thơ liên hệ.

Cầu Mirabeau

Đây là một cây cầu thép có cấu trúc khung vòm, nằm giữa quận 15 và quận 16, Paris, Ile de France do Jean Resal vẽ kiểu. Cầu có ba vòm, dài 173 mét, rộng 20 mét (đường xe đi rộng 12 m, vỉa hè hai bên mỗi bên rộng 4 m) được xây cất vào năm 1893 và hoàn thành năm1896. Vì cầu làm bằng thép nên vòm giữa đã nâng cao được gần 100m, một điều mà cầu đá không thể thực hiện được. Tổng thống Felix Faure khánh thành cầu ngày 11 tháng 4, năm 1897.

Cầu có hai cột trụ lớn đặt sâu xuống lòng sông, ở thành lan can trên cầu nhìn xuống hai bên trụ này thì thấy có 4 tượng của Jean Antoine Injalbert như đứng ở mũi thuyền, mang tên "The City of Paris", "Abundance","Navigation","Commerce". Tượng mang tên "City of Paris""Abundance" quay mặt ra sông Seine, hai tượng mang tên "Navigation""Commerce" quay mặt vào cầu.

Abundance
City of Paris
Commerce
Navigation

Bài thơ về cây cầu Mirabeau

Bài thơ Le Pont Mirabeau của Guillaume Apollinaire (1880-1918) làm vào năm 1912, trích từ tập thơ Alcools xuất bản năm 1913, đã được rất nhiều người từ học trò, sinh viên, đến những người thích thơ văn nhớ đến. Bài thơ gắn liền với cây cầu Mirabeau đã làm cầu Mirabeau nổi tiếng hơn và du khách nếu thích thơ Apollinaire thì khi thăm Paris không thể không đến thăm cây cầu nổi tiếng này.

Bài thơ đề tựa "Cây cầu Mirabeau" nhưng nội dung không phải nói về cây cầu này mà là sự so sánh sự mất mát của tình yêu với dòng nước.

Xuất xứ bài thơ

Tài liệu kể rằng thời gian Apollinaire viết bài thơ Le pont Mirabeau, thì ông ta sống ở Auteuil. Là một người đi bộ không biết mệt, ông thường đi qua cấu này để về nhà, luôn luôn chiêm ngưỡng cây cầu. Ông giải thích trong trường ca "Zone" như ông bước về hướng Auteuil, ông muốn đi bộ về nhà... Không biết có phải ông bước về nhà người bạn ông tên là Chagall, ở tại Ruche, vùng quận 15 hay không?

Với một chút nước sông Seine và tên một cây cầu, Apollinaire đã tạo ra một bài thơ tuyệt diệu nói về sự trôi qua của thời gian và bản chất tình yêu không bền vững phản ảnh qua sự tiếp tục chảy không ngừng của dòng nước. Bài thơ này được coi như là Apollinaire làm để nhớ lại mối tình trôi qua rất nhanh của ông với nữ họa sĩ Marie Laurencin (1885-1956), một cuộc tình kéo dài bốn năm (1909-1912).

Có một bản ghi lại thanh âm của nhà thơ khi ông đọc bài thơ này, một thời gian trước khi ông chết. Giọng nói đã được thu tại Studio-Laboratoire des Archives de la Parole (Voice Archive Studio-Laboratory). Viên thu âm này đã bắt đầu làm việc thu lại tiếng nói của những nhân vật nổi tiếng từ năm 1911 tại Sorbonne. Đây có lẽ là tài liệu cũ nhất để tán dương sông Seine.

Hình chụp từ trên đỉnh Tour Eiffel xuống cho thấy từ gần đến xa: cầu Bir-Hakeim, cầu Rouelle, cầu Grenelle (có t ượng Nữ Thần Tự Do trên đảo Thiên Nga) và cầu Mirabeau (photo by Sóng Việt)

Le Pont Mirabeau
Guillaume Apollinaire

Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu'il m'en souvienne
La joie venait toujours après la peine
 

         Vienne la nuit sonne l'heure
         Les jours s'en vont je demeure
 

Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l'onde si lasse
 

         Vienne la nuit sonne l'heure
         Les jours s'en vont je demeure
 

L'amour s'en va comme cette eau courante
L'amour s'en va
Comme la vie est lente
Et comme l'Espérance est violente
 

         Vienne la nuit sonne l'heure
         Les jours s'en vont je demeure
 

Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé
Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
 

         Vienne la nuit sonne l'heure
         Les jours s'en vont je demeure

"Le Pont Mirabeau"
Apollinaire, Alcools (1913)

Một chút bàn luận về bài thơ

Bài thơ gồm 24 câu thơ, 4 tứ cú kèm 4 điệp khúc hai câu, th ơ được viết liên tục không có dấu, tưa như một giòng nước chảy. Mỗi đoản thơ viết với cấu trúc 10/4/6/10 tiết âm, điệp khúc mỗi hàng có 7 tiết âm.

- Bốn câu đầu cho biết nơi có kỷ niệm của hai nhân vật trong bài thơ: đó là cây cầu Mirabeau.

- Bốn câu đoạn thứ hai: quá khứ hiện lên, với kỷ niệm mối tình còn như đang sống

- Bốn câu đoạn thứ ba: sự trôi qua nhanh chóng của mối tình

Bốn câu chót: sự trôi qua nhanh chóng của thời gian. Tác giả so sánh tình yêu đã mất với sông Seine. Thời gian trôi, nước chảy, cuộc hành trình không đảo ngược được.

Hai câu điệp khúc với 7 tiết âm (Đêm cứ đến chuông giờ cứ điểm Ngày cứ trôi mình tôi còn đây) được nhắc đi nhắc lại trong bài sau mỗi tứ cú và kết thúc tạo cho toàn bài một âm điệu buồn buồn, và nh ư một vòng tròn.
Bài thơ là một bi ca với tình yêu mất, đau khổ dai dẳng, không có giải pháp cho cuộc tình đã tan. Nỗi nhớ đã gợi lại kỷ niệm vui. Sự dùng nghĩa đôi cho những câu thơ và kỷ niệm tình tiếp tục qua giòng nước tạo một nghĩa mơ hồ xoay quanh tình yêu tan rã, nhưng kỷ niệm và hiện tại vẫn sống. Apollinaire đã dùng động từ ở nhiều thể và thì khác nhau như: thể mạng-lịnh-cách (imperative) trong đoạn hai để làm nổi hình ảnh đôi nhân tình với thời gian: tình yêu chết, kỷ niệm sống. Tác giả dùng tiếp-tục-pháp (subjunctive) trong câu đầu của điệp khúc, và thì hiện tại ở câu thứ 2 của điệp khúc để diễn tả những gì đang xảy ra trong suy tưởng và ngay lúc đó. Bài thơ đã dùng sông Seine với dòng nước chẩy, đêm, ngày, tháng trôi là cái động của thời gian để so sánh với cái bất động, cái bất biến, vẫn hiện hữu là cây cầu kim loại, và chính nhà thơ.

Kết luận

Tuy rằng bài thơ viết như là tứ cú 10/4/6/10, nhưng vì không có dấu nên có thể coi như là viết theo thể 10/4+6/10 tiết âm có nhịp vận cuối câu. Câu thứ hai trong mỗi đoạn với 4 tiết âm tiếp nối sau bằng câu thứ ba với 6 tiết âm làm thành 10 tiết âm vần với câu đầu và bắt nhịp với câu tiếp: ..la Seine, souvienne, la peine; ...face, passe, lasse;...courante, lente,violente;... semaines, reviennent, la Seine. vì bài thơ diễn tả dùng nhiều thì khác nhau của động từ như quá khứ, hiện tại, mạng-lịnh-pháp, tiếp-tục-pháp nên đã làm cho việc tìm hiểu bài thơ và dịch thuật gặp nhiều thử thách và khó khăn. Người viết những hàng chữ này tạm dịch như sau (theo cách ngắt câu 10/4/6/10 tiết âm và điệp khúc 7/7 tiết âm):
 

Cầu Mirabeau

Dưới cầu Mirabeau dòng sông Seine nước chảy
Như tình chúng mình
Có cần phải tự nhắc rằng
Niềm vui nào có cũng sau buồn phiền đớn đau

Đêm cứ đến chuông giờ cứ điểm
Ngày cứ trôi mình tôi còn đây

Hãy nắm tay nhau và giữ mặt đối nhau đây
Trong cùng lúc này
Dưới cầu tay chúng mình là
Làn sóng mệt mỏi của ánh mắt nhìn thiên thu (*)

Đêm cứ đến chuông giờ cứ điểm
Ngày cứ trôi mình tôi còn đây

Tình qua đi chẳng khác chi giòng nước chảy miết
Tình yêu qua đi
Sao cuộc đời trôi chậm thế
Và Hy-vọng sao mà lại mãnh liệt quá thay

Đêm cứ đến chuông giờ cứ điểm
Ngày cứ trôi mình tôi còn đây

Hàng ngày trôi qua và hàng tuần cũng trôi qua
Chẳng thời quá khứ
Chẳng kỷ niệm tình trở lại
Dưới cầu Mirabeau dòng sông Seine nước chảy

Đêm cứ đến chuông giờ cứ điểm
Ngày cứ trôi mình tôi còn đây

(Sóng Việt tạm phỏng dịch)

Sóng Việt Đàm Giang

12 December 2009


Cầu Mirabeau (hình truy cập từ internet: http://www.pariswater.com/ponts/ponts.htm)

(*): Nếu nhìn tấm hình cầu Mirabeau, thấy gầm cầu có dạng hình vòm, mặt n ước có sóng lăn tăn, rồi hình dung ra một đôi nhân tình đứng đối diện nhau, cách xa nhau bằng tầm tay hai người đang nắm, họ đang nắm tay nhau đưa lên cao trên tầm mắt. Nhà thơ đã ví ánh mắt nhìn của họ như làn sóng dưới gầm cầu.
 

Nghe nhạc:

Bản nhạc Le Pont Mirabeau do Marc Lavoine phổ nhạc và trình bầy ra mắt năm 2001.
Marc Lavoine - Le Pont Mirabeau (Guillaume Apollinaire)
http://www.youtube.com/watch?v=DvOeX9b4Tp4&feature=related
Abdel Clement hát Le Pont Mirabeau, nh?c Marc Levoine:

http://www.youtube.com/watch?v=SbgrB2RORWM&feature=related

Nghe chính Apollinaire đọc bài thơ Le pont Mirabeau:
http://www.youtube.com/watch?v=oShj49SVUN0&feature=related

Tài liệu cầu Mirabeau truy cập trên Wikipedia:
http://en.wikipedia.org/wiki/Pont_Mirabeau



[   Trở Về   ]