Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ
Thiên tài âm nhạc Frédéric Chopin

Trầm Thiên Thu

Việc chẩn đoán này khả dĩ giải thích một số vấn đề sức khỏe đã "hành hạ" nhà soạn nhạc thiên tài của Ba lan trong cuộc đời ngắn ngủi của ông.

Âm nhạc của Frédéric Chopin gây cảm động và diễn cảm. Nhà soạn nhạc và chơi dương cầm này là người ốm yếu và chết trẻ khi mới 39 tuổi. Qua nhiều năm, các chuyên gia đã đề nghị nhiều cách chẩn đoán vấn đề sức khỏe của ông, từ rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) tới bệnh phổi. Một cuộc phân tích mới đã có một lý thuyết khác.

Các nhà nghiên cứu nói rằng Chopin thường xuyên bị ảo giác, có những đợt u uất và các triệu chứng khác cho thấy ông bị chứng động kinh (epilepsy). Phát hiện này có thể có cách nhìn khác về thiên tài âm nhạc Chopin và cuộc đời ngắn ngủi của ông.

Manuel Várquez Caruncho, chuyên gia X quang tại Xeral-Calde Hospital Complex ở Lugo, Tây ban nha, nói: "Ảo giác của Chopin được coi là cách biểu hiện một tâm hồn nhạy cảm, một con người lãng mạn. Chúng tôi nghĩ rằng nên tách cách nhìn lãng mạn ra khỏi thực tế để có thể hiểu hơn về con người này". Kết quả khám nghiệm tử thi của Chopin đã thất lạc từ lâu, nhưng nhiều khoa học gia và sử gia đã viết về sức khỏe của nhà soạn nhạc thiên tài này.

Chopin sinh năm 1810, luôn khổ sở vì khó thở và sốt. Ông ốm yếu, thường bị ho và bị nhiễm trùng phổi. Hồi nhỏ ông bị tiêu chảy, lớn lên bị đau đầu dữ dội, rồi ông bị chứng u uất hành hạ. Cách chẩn đoán thường được đề nghị nhất về vấn đề sức khỏe của Chopin là u xơ nang (cystic fibrosis) và thiếu alpha 1-antitrypsin - một dạng bệnh phổi di truyền. Người ta không nghĩ ông bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và bệnh tim.

Chắc chắn bệnh phổi đã cướp sinh mạng của Chopin. Nhưng với kinh nghiệm của một chuyên gia, Várquez Caruncho đã xem bệnh án của nhà soạn nhạc này, ông chú ý các triệu chứng có vẻ cho thấy chứng rối loạn tai biến (seizure disorder) - bệnh này chưa hề được nhắc đến trong bệnh án của Chopin. Várquez Caruncho rất thích nhạc Chopin nên đã mải mê nghiên cứu các tài liệu về Chopin, kể cả "Lịch Sử Đời Tôi" (The History of My Life) của George Sand - nữ tiểu thuyết gia người Pháp. George Sand và Chopin đã có những năm yêu nhau từ giữa thập niên 1830.

Chuyên viên X quang Várquez Caruncho chú ý tới những chi tiết "ăn khớp" với chứng rối loạn tai biến. Trong một lá thư gởi cho con gái của bà Sand, Chopin cho biết tại sao ông đột ngột rời khỏi phòng khi đang chơi bản Sonate cung Si giáng thứ trong buổi hòa nhạc năm 1848: "Tôi bất chợt thấy trong thùng đàn dương cầm có những sinh vật bị nguyền rủa như đã xảy ra với tôi vào một đêm sầu thảm tại tu viện Carthusian".

Sand viết về "những kẻ khủng bố và ma quỷ" mà Chopin không thể vượt qua. Bà nhắc đến "nỗi lo về sự tưởng tượng của ông". Chính Chopin cũng diễn tả cảm giác "xa xôi - như thường có trong khoảng không gian xa lạ nào đó".

Várquez Caruncho chú ý một số cách mô tả sự ảo giác của Chopin như phức tạp, thị giác và tái phát, kéo dìa từ 2 phút trở lên, và Chopin có thể nhớ chính xác các chi tiết. Thị giác đôi khi khiến ông cảm thấy xa rời thực tế. Chúng thường xuất hiện vào chiều tối hoặc kèm theo sốt.

Várquez Caruncho và nhà thần kinh học Francisco Brañas Fernández viết trên trên tạp chí Medical Humanities: "Vì Chopin không nghe nói đến tình trạng sức khỏe tinh thần của mình, ông không thể bị tâm thần phân liệt (schizophrenia), trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực hoặc các dạng rối loạn tâm thần (psychosis)". Dựa vào các đặc điểm về ảo giác, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể Chopin bị chứng đau nửa đầu (migraines) với sự thoáng qua và độc tố của thuốc.

Người ta cho rằng Chopin bị chứng động kinh thùy thái dương (temporal lobe epilepsy), có thể tạo u sầu và ảo giác vì sợ hãi, lo lắng, mất ngủ và trầm cảm. Chấn động không nhất thiết ảnh hưởng bệnh. Bệnh này thường là dạng động kinh cục bộ và chỉ ảnh hưởng một phần não, chưa thấy mô tả khi Chopin còn sống. Một nhà thần kinh học xác định bệnh này hơn 10 năm sau khi Chopin qua đời năm 1861.

Barbara Dworetzky - trưởng khoa động kinh, EEG và Giấc ngủ tại Brigham và Bệnh viện phụ nữ ở Boston - nói: "Việc chẩn đoán chứng động kinh thùy thái dương được người ta đồng ý là vẫn có thể có cách giải thích khác". Chopin đã dùng thuốc phiện (opium) như thuốc, và thuốc phiện có thể gây ảo giác. Cũng có thể bệnh phổi của Chopin đã làm não mất oxygen, dẫn đến ảo giác.

Nếu lý thuyết mới là đúng, Chopin không là người nổi tiếng đầu tiên bị chứng động kinh thùy thái dương. Joan of Arc và Vincent Van Gogh cũng đã bị coi là bị chứng bệnh này.

Dù sao thì bạn bè của Chopin thường coi ảo giác của ông là cách thể hiện của thiên tài và bản chất nhạy cảm của ông. Phát hiện mới này cho thấy các thời kỳ này chỉ là triệu chứng của một chứng rối loạn nào đó chưa xác định. Dworetzky nói: "Đa số những người bị động kinh đều là chính họ, và rồi họ cũng bị tai biến. Không phải chứng động kinh khiến họ trở nên thông minh và là thiên tài".

  Trầm Thiên Thu
(Chuyển ngữ từ Discovery News)