Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
Cuộc cờ lều Ngộ Vân
Truyện ngắn của Trần Hạ Tháp (*)
   - 1 -
     Trước khi Thừa Chỉ Nguyễn Trãi trở về Lệ Chi Viên, lều Ngộ Vân vốn đã là kiểng chùa nhỏ hoang tàn từ lâu. Cuộc chiến chống giặc Minh ngày ấy khiến ngôi chùa làng vô danh này bị thiêu rụi gần hết. Kiến trúc chỉ còn lại khoảng hậu liêu trơ trọi giữa trời xanh. Cảnh vật đổ nát, tàn xiêu không được ai tu bổ, cỏ mọc xanh rì. Đã qua rồi thời cực thịnh Phật đạo của nhà Trần... Nay chỉ còn lại hai thầy trò sư Ngộ Vân nương náu nơi đây.

     Họ vẫn an bần cùng cảnh sống đạm bạc qua ngày. Không khách thập phương nào lai vãng tới đây. Thỉnh thoảng một đôi kẻ bẫy chim, say theo con mồi lạc bước, băng qua. Nếu không lưu ý, người ta cứ tưởng như đây là nơi không người. Ngộ Vân trạc tuổi thất tuần, đôi mắt tinh anh như điện chớp. Chú tiểu lên chín, lên mười, nét mặt hồn nhiên đôn hậu. Hai thầy trò ít có thời giờ để chuyên miệt mài kinh kệ. Một vài sào đất quanh ngọn đồi, chừng ấy tạm đủ cho họ tự túc mưu sinh, chưa tính chuyện rời đi nơi khác. Không biết đã bao lâu, tiếng chuông chẳng còn gióng lên vào những sáng tinh sương. Tài sản đáng quý nhất còn sót lại ở đây là chiếc tiểu Hồng Chung đã khuyết bể, nằm nghiêng kê một bên chái hè mặc cho mưa nắng phôi pha...

     Đường đi vào lều Ngộ Vân khuất lấp, bờ bụi um tùm và xa cách đường cái nhiều dặm quanh co. Vào những buổi tối trời, đôi lúc người ta nhìn thấy đôi vệt khói lam chiều nhẹ tỏa lên từ mái lều lạc lõng ấy. Dân cư quanh vùng chỉ quen gọi đây là lều Ngộ Vân...

     Sau khi Thừa Chỉ Nguyễn Trãi về lại Lệ Chi Viên, ông thường mặc áo vải thô, đi giày cỏ để tìm hiểu dân tình. Lều Ngộ Vân chỉ cách Lệ Chi Viên chừng mười mấy dặm đường nên ông cũng đã từng ghé qua nơi ấy. Dần dần giữa sư và người khách đặc biệt kia, thành một mối giao du tương đắc.

Ngay buổi đầu gặp mặt, sư buông cuốc cung kính vái chào rồi cúi xuống tiếp tục lượm cỏ. Thừa Chỉ Nguyễn Trãi ướm thử một câu:

       - Không màng đến chúng sinh, sao gọi là tâm Phật?

     Ngộ Vân vẫn cứ lượm cỏ, từ tốn đáp:

       - Một tấc đất hoàng triều không dám để hoang. Bần tăng suốt ngày lo cày cuốc khác gì chúng sinh? Chúng sinh lại không màng đến chính mình ư ? Xin hãy hỏi nơi những người chưa từng cày cuốc. Miễn chấp... miễn chấp.

     Nguyễn Trãi vuốt râu cả cười, lý thú:

       - Chỉ lo nhổ cỏ, chẳng lý đến người. Ngài có cho là làm lành lánh dữ đấy không ?

     Ngộ Vân vái một vái, ngẩng đầu lên nhìn khách mới đến:

       - Không dám... Tôn ông dạy quá lời. Ngài biết chăng ? Bước qua chỉ vài bước, cỏ đã mọc lại sau lưng... Suốt đời bần tăng chỉ lo nhổ cỏ ngay dưới chân mình, e chưa kịp, nói gì đến đại ngôn ? Ai là người nhổ hết... sạch chăng ?

     Nguyễn Trãi giật mình giữ tay áo nghiêm chỉnh vái chào:

       - Thực cao minh chí lý. Xin tùy duyên chỉ giáo cho kẻ tục khách đến quấy nhiễu đại sư.

     Ngộ Vân buông cuốc, đáp lễ sát đất, giây lâu chợt nói:

       - Chỉ bàn Nhân pháp, không hỏi Phật pháp. Không lý gì cảnh, chỉ lý tới tình. Chẳng để ý tài vật, lại xét tới thiện tâm... Có người như thế đấy ư ? Dưới gầm trời nước Nam đời nay, được mấy ai vượt lên trên cả sách vở như Hầu gia họ Nguyễn ở Lệ Chi Viên trong vùng ? Xin mạo muội hỏi ngài... có quan hệ thế nào với bậc đại thần, đại nghĩa ấy ? Bần tăng cam thất lễ...

       - Đa tạ đại sư... Muôn ngàn lần chẳng dám. Trãi này đã không che được pháp nhãn tinh vi của bậc đắc đạo nơi đây. Xin ngài hãy thông qua cái danh hư ảo ngoài đời ấy, để không thấy sai biệt gì giữa chúng sinh... Mong lắm thay !
Thế là từ đó, họ biết nhau, thường lui tới giao du nơi lều Ngộ Vân ngày càng thân thiết. Hai người, kẻ mặc áo nâu sòng, người quyền quý cao sang khác hẳn nhau sự nghiệp ngoài đời... Nhưng đều lấy nhân cách, tâm hồn làm trọng để thù tiếp nhau khi cuộc cờ, khi luận bàn kim cổ. Cả hai vị đều coi thường chấp nhất của hạng phàm phu, vượt lên trên thói tục hủ nho. Họ kính phục vì kiến thức thâm sâu, tài học uyên bác. Nhưng có lẽ, trước bàn cờ thì hai người mới thực là tri kỷ, xứng tay địch thủ hiếm gặp trong đời. Những lúc cao hứng nhất, cuộc cờ đều bất phân thắng bại, mãi cho tới khi mặt trời gác núi chưa thôi.

     Nơi đây chỉ lấy gạo xôi và lạc rang qua bữa, hoặc có khi tùy tiện, khoai sắn, dưa cà... Đó lại là những giờ phút an bình và thanh thoát nhất khi Thừa Chỉ Nguyễn Trãi đã lui về Lệ Chi Viên, lánh xa nơi triều đường. Con người tài hoa đức độ vẹn toàn kia đã tự thốt lên, khi còn trong vòng áo mão cân đai:

       - Ta sinh nhằm thời loạn, được gặp bậc chân chúa để phò tá ấy là đại hạnh trong đời. Chí lớn, tài ích của ta đã được may mắn góp phần nhỏ mọn vì dân, cho dân là đại hạnh thứ hai. Còn đại hạnh thứ ba ? Ai mới thực là kẻ tri kỷ bằng hữu cùng ta giao du. Ai hiểu lấy bụng ta, đón lấy tâm ta một cách tự nhiên, không vì danh lợi hay sự nghiệp gì trong đời này cả ? Kẻ như thế, thì ta có ư ? Ta đã gặp được ư ?

     Tuy không nói ra, nhưng những lời gan ruột ấy đủ biết, con người danh tiếng thiên hạ này vẫn là kẻ cô đơn về một tình bạn chân phương, vô vụ lợi... Đương triều với Nguyễn Trãi có biết bao danh tướng, văn thần, đại quan, học sĩ ? Bởi vậy sự gặp gỡ trong lều tranh hoang tịch này - lều Ngộ Vân, tự nó mang mối tình tri ngộ. Đây là nơi Thừa Chỉ Nguyễn Trãi quên đi địa vị một Hầu gia từng khai quốc công thần cho triều đại. Ông không nói chuyện triều chính, cũng chẳng bàn đến chuyện hơn thua nơi lầu cao gác tía, chuyện nhân tình thế thái làm gì. Sư Ngộ Vân đáp lại, không thuyết Phật pháp hay trao đổi về nghĩa lý vô thường trong cuộc nhân sinh, trước con người đối diện ấy. Thỉnh thoảng gặp lúc tự bửa củi nấu cơm, mời khách... Sự câu nệ lễ nghĩa hoặc câu nói rườm rà nơi đây bị coi như thừa và không thực với nhau. Họ tự cho như thế là đủ. Cứ nhìn hai người say cờ tưởng như trên đời này không việc gì làm bận trí họ nhiều hơn. Chính Thừa Chỉ Nguyễn Trãi - cho tới giây phút cuối của cuộc đời mình - cũng không thể biết được những cuộc cờ ấy lại mang sẵn một mối cơ duyên cho gia tộc sau này...

     Anh Vũ - khi lên mười, từng theo cha đến lều Ngộ Vân nhiều lần. Duy nhất cậu là người có thể phán quyết về một điều hiếm có ở cha mình. Ông đã thực sự có những tiếng cười sảng khoái nhất khi về lại miền đất bất hạnh của đời mình - Lệ Chi Viên.

Tính hạnh Anh Vũ trầm mặc, hồn hậu. Cậu thiếu niên công tử này khác hẳn nhiều huynh đệ trong Lệ Chi Viên. Anh Vũ thường thua kém các anh về nhiều mặt khi cùng ngang độ tuổi. Cậu suy nhược ốm yếu, sinh ra đã khóc "dạ đề" suốt ba tháng mười ngày. Vì thế, Anh Vũ không thông minh như cả nhà mong đợi. Lên ba, cậu bị thêm chứng hen suyễn hành hạ. Nhưng Anh Vũ hiếu thuận và chăm chỉ vô cùng. Có lẽ vừa ý thân phụ nhất, để cậu được ông ban phát nhiều ưu ái hơn cả là lòng nhân hậu sớm có trong thân thể nhiều bệnh hoạn của đứa con vốn mang nhiều thua thiệt này. Tuy ít tuổi nhưng Anh Vũ hiểu cha, gần cha hơn là gần với sách vở, binh thư của cha xếp đống trong thư khố Lệ Chi Viên. Các anh cậu thường xem Anh Vũ như đứa con chẳng mong gì nối được nghiệp nhà. Họ buồn lòng, vì cậu không thể nào đọc thuộc lòng đủ bài Bình ngô đại cáo - một áng văn đã nhập tâm ngoài thiên hạ. Họ chán nản và lo lấy phần mình...

     Từ đó Anh Vũ được tự do rong chơi và rất ít khi bị mọi người để tâm uốn nắn vào nghi lễ của một gia đình trâm anh thế phiệt. Kém về sách vở nhưng chỉ cần nghe một tiếng thở nhẹ khác thường ở thư phòng là cậu biết ngay, thân phụ đang nhíu mày đăm chiêu, lặng lẽ từng giờ. Hoặc nhìn thoáng qua cách vén tay cầm bút của ông cũng đủ hiểu lúc ấy, cha đang hứng chí hay thất vọng trong lòng. Anh Vũ không hay hầu chuyện với cha để được giảng luận về học thuật, thi thư như các anh và đệ tử trong nhà. Tất cả đều cung kính rất mực lắng nghe không mỏi mệt. Cậu không đủ trí khôn để tự hỏi tại sao ? Thân phụ sau những giờ nói giảng ấy, ông chỉ ngồi bên cậu và lim dim chờ cậu bé vuốt râu, phẩy quạt cho mình. Tài hoa và học thuật của ông là cái gương thành công treo trước mắt mọi người. Anh Vũ xa lạ với những rắp tâm tìm tới quan trường trong ý thức thiếu niên. Cậu còn đầy đủ tình phụ tử một cách tự nhiên nhất, không phải ngăn cách qua lớp vỏ khí khái của nghĩa thầy trò. Anh Vũ tuyệt nhiên không đi vào sự chuẩn bị cho bản thân một nghề nghiệp thuận lợi nhất về sau này như mọi người anh trong gia tộc. Trong khi mọi người siêng năng nắm lấy cơ hội tốt kia, thì cậu dửng dưng chẳng thấy mình tận tụy gì. Sư Ngộ Vân có lần xoa đầu Anh Vũ khi nghe thân phụ cậu công tử nói qua về tính hạnh của đứa con mà ông thường đem theo khi du ngoạn. Nhà sư gật gù buột miệng:

       - Muốn thành công phải học cái tài hơn thua cùng thiên hạ. Nhưng muốn thành người ắt là phải học cái đức trước tiên. Nếu ai cũng đầy đủ đức độ rồi thì cái tài hơn thua kia nào phải để tiến thân ư ?

     Cậu chỉ ham thích cảnh vật thiên nhiên, ưa nhìn hoa đồng cỏ nội và hòa mình vào sinh hoạt nhân gian. Anh Vũ rất sợ miệt mài trong thư phòng để suốt ngày tập văn luyện bút. Gia đình, trong nhà đều hiểu cách tốt nhất khiến cậu công tử nhỏ bé này vui lòng là nên rời xa, đừng chăm nom cậu như một con chim nuôi ở trong lồng. Chính vì thế, Anh Vũ đòi theo cha bằng được những lúc ông sửa soạn khoác vào mình áo thô, giày cỏ... Người gia đinh thân tín chuyên mang theo túi đựng cau trầu và hộp cờ của Nguyễn Trãi chỉ có cơ hội làm nhiệm vụ một vài lần trước khi giao luôn cho cậu bé...

     Nơi lều Ngộ Vân - còn một niềm vui khác, không thể tìm ra trong không khí Lệ Chi Viên. Anh Vũ có người bạn cùng trang lứa, tự nhiên và hoạt bát bên mình để cùng nhổ cỏ, hái rau, tưới bầu, trồng bí... Chúng thay nhau xách nước, đun trà. Người bạn ấy là chú tiểu theo tu học bên sư Ngộ Vân từ khi lên tám... Chúng quyến luyến nhau hơn ruột thịt, dần dà chẳng muốn rời nhau, trông ngóng nhau từng buổi gặp mặt bên mái lều Ngộ Vân ấy. Một đứa thiếu gia đình, vốn không cha không mẹ. Một công tử nhà trâm anh thế phiệt lại chẳng thấy sinh thú gì ở nơi toàn lễ nghĩa, thi thư... Sư Ngộ Vân và Thừa Chỉ Nguyễn Trãi mặc chúng bên nhau. Để phân biệt, họ gọi đùa chúng là tiểu Hoàng và tiểu Bạch. Anh Vũ sở dĩ được gọi là tiểu Bạch vì cậu trắng trẻo hơn nhiều so với tiểu Hoàng, người mới thực là chú tiểu ở lều Ngộ Vân.

- 2 -
     Một ngày mùa thu...

     Lúc ấy vào năm Đại Bảo thứ ba (1442). Tiết trời mát mẻ. Lều Ngộ Vân lách cách tiếng quân cờ. Thỉnh thoảng vang lên từng trận cười sang sảng của hai kẻ đang lấy bàn cờ làm vũ trụ. Bên ngoài, tiếng chim gáy gù trong những bụi bờ um tùm, xanh ngắt...

     Thừa Chỉ Nguyễn Trãi, áo vải thô, chòm râu dài phơ phất, ngồi đối diện với sư Ngộ Vân, áo nâu sòng bạc phếch. Họ đang chìm vào những nước đi cao thấp. Bàn cờ và quân cờ là hai thái cực tương phản. Quân cờ bằng ngà voi tiện, cực kỳ sang quý. Nét khắc sắc sảo như kiếm vạch, tinh vi tựa tơ tóc điểm vào... Đây là kỷ vật ngự ban sau ngày đăng cơ của đức Lê Thái Tổ...

     Ngày ấy, nhận ân tứ giữa triều, riêng cho Nguyễn Trãi là một hộp gỗ đàn hương khảm xà cừ. Khi mở ra, ông mới hay là bộ quân cờ gồm ba mươi hai con trong đó. Đáng tiếc thay, không có bàn cờ ? Ân tứ của vua thân ban là cả một vinh dự tột cùng. Không ai dám nhắc nhở lý do nào thiếu đi phần tất nhiên ấy ? Vật ngự ban, chỉ để làm bảo vật gia truyền, không được khinh suất để thất lạc, hư hoại. Vì thế, Thừa Chỉ Nguyễn Trãi đem cất vào nơi tôn quý. Vả lại, ông chưa hề gặp được người bạn cờ xứng tay. Mãi tới ngày... gặp sư Ngộ Vân và, hai người bàn đến chuyện cờ. Nhà sư nghe câu chuyện ân tứ kia, gạt đi không một chút đắn đo:

       - Ngài tất phải tưởng tiếc làm gì. Ngự ban quân ngà nhưng giữ lại bàn son tức là thánh ý muốn ngài nghỉ ngơi đó ! Nếu cứ cố chấp tìm một bàn cờ sao cho thích hợp, ắt là trên thì sai với thánh ý, còn dưới thì cuộc vui nhàn tản của hai ta sẽ phải đợi đến bao giờ ?

     Ngộ Vân cả cười chỉ vào tấm ván cửa còn sót lại trong lều:

       - Bàn son của đức tiên đế Thái Tổ nào khác gì sơn hà đại địa ? Bần tăng không dám tơ tưởng. Nay chỉ xin lấy vật mọn này, tự vạch lấy bàn cờ, chỗ dư ra đủ để hai ta ung dung ngồi xuống đánh cờ. Khi xong cuộc, có thể tùy duyên ngã ra làm giường, lúc đứng dậy ắt là che được gió mùa đông... Bàn son là vật cao quý sao có thể tùy nghi như thế được ?

     Bây giờ họ đang mê mải với nước cờ, thâm tâm đều thán phục cơ trí của nhau. Câu chuyện bàn son và thánh ý ngày nào đều quên cả. Nhưng có lẽ điều đáng kể nhất đối với họ khi đấu cờ, chẳng phải ở thắng, thua... Chính là sự đánh giá người tri kỷ trước mặt đã thấu hiểu thâm ý, bụng dạ của mình được mấy phần ? Là dò được sự nông sâu, sở trường và sở đoản ở nơi đâu ? Chính vì thế, ván cờ không dễ thắng nhau, thường đi đến cuộc cờ hòa. Gần hết nửa buổi sáng nay sư Ngộ Vân và Thừa Chỉ Nguyễn Trãi dần đi đến chỗ cùng tương đắc, cao hứng...

     Hai người bỗng nhiên cùng cất tiếng cả cười... Họ sảng khoái tột cùng... Tiếng cười lồng lộng ấy vang xa tận dưới đồi, nơi hai cậu bé đang gọi nhau mót củi, tìm măng làm bữa. Tiếng cười trộn lẫn vào nhau, không phân biệt người nào. Thứ thanh âm đặc biệt kia còn vọng mãi trong lòng cậu thiếu niên Anh Vũ cho tận cuối cuộc đời mình sau đó...

     Khi hai cậu bé trở lại lều thì bàn cờ vẫn để nguyên, nhưng dường như cuộc cờ vừa kết thúc. Tiếng Thừa Chỉ Nguyễn Trãi nhẹ nhàng và hoan hỉ:

       - Tăng huynh... Xin bái phục. Sở trường và sở đoản của Trãi này đều đã không che giấu được mắt ngài. May mắn thay, cuối đời... vẫn có một Tăng huynh.

       - Nào dám. Quan huynh đã quá khen rồi. Bần tăng khâm phục.

     Hai người lại phá ra cười... Trước khi kịp để cho Thừa Chỉ họ Nguyễn xóa hết bàn cờ, nhà sư đưa tay nắm lấy một quân cờ. Ông rung đùi, nói về cái bằng chứng tâm đắc nhất:

       - Không nỡ bỏ tốt đen là đường lối của quan huynh. Chính vì lo cho quân cờ này mà từ thế thượng phong, ngài lâm vào cảnh ngộ... phải cầu hòa. Ván cờ nhân nghĩa này quả thực bần tăng không sánh nổi. Kẻ thắng là ngài chứ đâu phải bần tăng ? Quên mình đang ngồi trong chướng phủ, khắc khoải lo sự còn mất cho sỹ tốt ngoài vạn dặm... Không ham thắng riêng mình, đó mới là vương đạo...

     Đến lượt vị Thừa Chỉ đắc ý gật gù:

       - Hiểu gan ruột Trãi này đến thế kia... ư ? Thắng một ván cờ mà tốt đen để mất là cái thắng của hạng bá đạo. Tăng huynh quả là người sáng suốt, nắm vững được nhân tâm... Xin bái phục.

     Thực lạ lùng... Một ván cờ hòa làm hai người đều thỏa mãn. Không ai chịu nhận phần thắng về mình. Nhưng chắc chắn tình bằng hữu tâm giao là được cuộc. Cuộc ấy, không mau xóa như cuộc cờ tàn. Chẳng phải trả một giá nào như cuộc đời và cuộc sống đa đoan. Lại càng khác xa với thời cuộc thăng trầm mà nhân thế giữa bể dâu... còn mãi mãi phải đi qua. Ván cờ ấy cũng là ván cờ cuối cùng ở lều Ngộ Vân.

     Đột ngột tiếng vó câu nghe rộn rã ngoài xa, lúc một gần hơn. Ngựa ai đang nước đại tiến về lều ? Phút chốc xuất hiện người gia đinh thân tín từ Lệ Chi Viên tới bẩm báo việc cần kíp quan trọng.

     ... Thái Tông hoàng đế đương triều đang tuần thú về phương đông. Có chỉ dụ trên đường đi, cho hay ngài sẽ giá lâm về chỗ tôi thần Nguyễn Trãi. Xa giá sẽ tới Côn Sơn và ngay cả Lệ Chi Viên, ngày gần đây. Cấp báo từ triều đình ban xuống, lệnh cho Nguyễn Trãi chuẩn bị lo nghinh tiếp thánh hoàng...

     Quá đột ngột, Thừa Chỉ Nguyễn Trãi vội vàng từ biệt, lập tức theo gia đinh lên ngựa trở về. Tiếng vó câu lại vang lên, khuất dần sau đồi cỏ biếc...

     Anh Vũ thẫn thờ nhìn theo bóng phụ thân. Tay cậu sắp những quân cờ ngà vào hộp gỗ. Cậu không ngạc nhiên vì ngay cả người gia đinh cũng chẳng kịp quan tâm gì đến cậu. Chốc nữa, Anh Vũ sẽ ôm hộp cờ và một mình trở về Lệ Chi Viên, lần đầu tiên cậu thấm thía khoảng trống của người cha để lại. Lòng dạ Anh Vũ nôn nao như linh cảm chẳng lành ? Phải chăng, sắp chấm dứt thời gian tuyệt vời nhất trong tuổi thơ đời cậu !

     Căn lều trở lại sự hoang vắng bất ngờ. Tiểu Hoàng vẫn bình thản nhặt rau muống bên bờ giếng. Còn nhà sư, dường như quá mệt trí với ván cờ suốt buổi vừa qua. Ông lặng lẽ nhắm mắt dưỡng thần, xếp bằng ngay trên tấm ván cửa đang ngồi. Không biết nhà sư đã nhập định hay chưa ? Chỉ thấy bàn tay ông đang bấm đốt, tựa như mải nhẩm tính việc gì...? Bàn tay kia nắm lại, để vào lòng. Anh Vũ không hề để ý như thường ngày... Cậu lơ đễnh, không quên đếm đủ những quân cờ ngự ban cho phụ thân... Những quân cờ phải được bảo quản và không thể lưu lạc ở bên ngoài.  Trong bàn tay nhà sư đang nắm lại kia, còn sót một quân cờ. Ngộ Vân chưa kịp thả xuống lúc nãy, Thừa Chỉ Nguyễn Trãi đã vội vàng cáo biệt. Mọi sự thực bất ngờ... Mãi cho đến sau này, cậu mới được Ngộ Vân giao lại, như một kỷ vật cuối  cùng làm bằng chứng cho sự tồn tại của dòng tộc, sau thảm sát Lệ Chi Viên.

     Tiểu Hoàng nắm tay bạn, đưa Anh Vũ một thôi đường. Qua khỏi ngọn đồi, cậu công tử ôm hộp cờ, lủi thủi một mình đi trong nước mắt. Nhưng chỉ mới dăm ngày thôi, thì Anh Vũ đã quay về lều Ngộ Vân. Chú tiểu Hoàng ngạc nhiên hỏi :
       - Quan ngài không tới ư ? Ai đánh cờ cùng sư cụ ?

     Anh Vũ cúi đầu buồn bã. Cậu chỉ biết ở Lệ Chi Viên bây giờ rộn ràng không khí uy nghiêm chưa từng thấy. Tất cả mọi người - trừ cậu, đều hết sức lo âu, nhộn nhịp suốt đêm, ngày... Ai nấy vừa đi vừa chạy. Hương án sơn son thếp vùng được bày ra. Lối đi rộng hơn, sạch sẽ. Quyền môn hai bên đều treo đèn và kết hoa. Cách tung hô và bái lạy phải thực tập và truyền bảo tận tường.

       - Còn tiểu Bạch ? Cậu không việc gì ư, ai bảo cậu rời nhà lúc này ? Quan ngài sẽ trách phạt đó. Này, hãy mau quay về Lệ Chi Viên đi...

       - Không. Dịp may đấy. Tiểu Bạch kém lễ nghi, sẽ làm mất uy danh thân phụ. Trong nhà chỉ lo điều ấy thôi. Tiện nhất là đến đây mấy hôm, xong việc rồi sẽ về. Có sao đâu?

       - Nhưng có ai biết không ? Để cả nhà lo sợ vì cậu sao được.

     Anh Vũ bấy giờ mới mỉm cười, gạt đi:

       - Có đấy. Người gia đinh thân tín sẽ tự đoán biết khi không thấy Anh Vũ. Còn mọi người ư ? Chỉ mình phụ thân lưu ý thôi... Nhưng người đã rời trang viên từ hôm trước. Vả lại, mọi người vẫn yên chí Anh Vũ còn quanh quẩn một mình sau mấy hoa viên rậm rạp...

     Ngay khi hai chú bé dẫn nhau vào chào nhà sư, chưa nói lý do vì sao như thế, thì ông đã khoát tay, dường như chẳng để tâm đến. Ngộ Vân chỉ mỉm cười hiền lành, ông nói với cậu thật mông lung:

       - May thay ! Lành thay ! Cái duyên hương lửa đã đến đây ư ? Trời cao có mắt...

     Ngộ Vân đang nhập định trên tấm ván cửa. Ông ngồi yên như thế đã mấy ngày đêm... từ khi Thừa Chỉ Nguyễn Trãi vội vã cáo từ hôm ấy. Trước mặt, là cái tay nải cũ mèm đã soạn vào dăm cuốn kinh thánh hư nát. Nhà sư mắt lim dim, nói:

       - Nơi đây đang ồn ào, nghiệp chướng. Ta muốn lên núi một chuyến tìm thảo dược trị bệnh hen suyễn cho tiểu Bạch để đền ơn tri ngộ với Quan Hầu. Hai con mau thu xếp hành trang, lương thực mang theo. Còn ba ngày sẽ đến Trung thu, trăng sáng giúp ta đi đường mau chóng, mát mẻ. Dùng bữa tối thực no rồi hãy lên đường đêm nay. Các con nhớ lấy, đừng trì hoãn...

     Lên núi ! Hai cậu bé sáng mắt nhìn nhau sung sướng bất ngờ, Anh Vũ mơ ước điều ấy đã lâu nhưng chẳng ai giúp được cậu. Nào suối, nào khe, nào động đá... Tuyệt vời bao nhiêu khi còn có tiểu Hoàng luôn bên cạnh. Nhìn thấy niềm hứng thú của chúng khi chạy ùa đi... nhà sư lặng lẽ thở phào ra nhẹ nhõm. Ông đứng bật dậy cởi bộ áo nâu sòng thực nhanh, đem cuộn vào tay nải. Hít mạnh hơi chân khí, chân đứng khấn chữ Đinh, Ngộ Vân cúi xuống vác bổng chiếc Tiểu Hồng Chung lên bả vai gầy gò... Nào ai ngờ được sức mạnh ấy, ông rảo bước đi ra không mấy khó nhọc ! ấy là đêm mười hai tháng tám. Từ đó trở đi thì lều Ngộ Vân đã là chốn không người. Ngoài nhà sư ra, nào ai hiểu đây là chuyến đi chẳng hẹn ngày về !

- 3 -
    Vài ba hôm sau thì vụ án Lệ Chi Viên đầy thảm khốc đã xảy ra. Trăng Trung thu khuất giữa mây đen. Bầu trời rơi mãi từng đám sao băng như nước mắt... Sương phủ trắng mặt đất, không khô. Suốt tháng, người dân không chải tóc, gội đầu. Họ để "tang trời" không khăn quấn. Toàn bộ sự sản, ruộng vườn ba họ nhà Nguyễn Trãi bị thu vào công quỹ, trở thành... vô chủ. Lệ Chi Viên, cỏ mọc xanh theo tháng ngày lặng lẽ. Nào ai biết nước thời gian ? Nhưng nước giếng quanh vùng trăm dặm, nghe mãi mùi tanh không thể uống...

     Cho đến đầu triều Lê Thánh Tông. Một ngày nhàn hạ. Nhà vua đích thân kiểm lại sổ bộ liệt kê các bảo vật còn lưu trong quốc khố. Tên Nguyễn Trãi được tình cờ đọc đến trong mấy dòng biệt chú: "...Thu hồi bảo vật ngự ban của đức Thái Tổ cho tên Trãi, ngày trước. Không ân tứ bàn son, chỉ ân tứ ba mươi hai quân cờ ngà và hộp gỗ đàn hương khảm xà cừ. Nay kiểm, thấy thiếu mất một quân tốt đen, không tìm ra ở nhà Trãi..." Nhà vua không hiểu nổi chuyện bí ẩn này. Lệnh minh oan cho Nguyễn Trãi được ban hành. Nguyễn Anh Vũ đào thoát mấy mươi năm, cho tìm để khỏi tuyệt đường hương hỏa. Năm Quang Thuận thứ 5, Anh Vũ mới rời núi sâu, tìm về Kinh phục mệnh. Nhà vua ban hỏi:

       - Ngươi có vật gì của phụ thân lưu truyền ? Làm bằng chứng.

     Anh Vũ dâng lên một quân cờ bằng ngà. Vua so sánh, phán bảo vui mừng:

       - Một quân tốt đen. Không hề sai. Nay phong Anh Vũ chức tri huyện. Cho lưu giữ lại vật Tiên đế ngự ban trước đây để phụng thờ phụ thân, trùng tu dòng họ... Truyền bãi triều !

     Lòng dạ Anh Vũ se thắt lại khi nhớ lại lời dạy của sư Ngộ Vân trước khi viên tịch. Ông từ khước lời xin xuất gia của cậu:
       - Con phải trở về. Quan Hầu sẽ không coi ta là bằng hữu tâm giao nếu để con mãi ở nơi khe sâu rừng vắng. Tan hợp, lẽ thường tình. Hãy để tiểu Hoàng sớm hôm kinh kệ. Còn cơ duyên con tốt đen, đã đến lúc phải trả về nhân thế...

       - Không may, nếu con phải phục mệnh làm... quan ?

       - Làm quan ư ? Cho dân hay cho chính mình, tự tâm con biết lấy... Hãy là đứa con xứng đáng của Quan Hầu, đừng hổ thẹn khi con cắm nén nhang vào linh vị. Phải bảo bọc, thương yêu thực tình chúng sinh, hệt như chính con đã từng được chúng sinh cưu mang và nuôi sống... Là dân hay là quan ? Con đều phải sống với chúng sinh. Hãy nhớ lấy những ngày con đi bên mình thân phụ. Nào ai biết đấy là kẻ oai trùm ngoài thiên hạ...?

     Anh Vũ chợt bồi hồi, nhớ như in dáng dấp một con người mang áo thô, giày cỏ... Lều Ngộ Vân và những cuộc cờ. Vâng, con tốt đen không để mất ! Ngoài đời, phụ thân cậu đã thương xót người dân bao nhiêu thì, trên bàn cờ, ông cũng đã sức cùng lực tận để bảo vệ từng quân tốt đen cho tới hồi tàn cuộc. Lận đận và ngay cả vinh quang đều chỉ ở một quân cờ tượng trưng ấy... Như đã quyết, Anh Vũ không còn thấy nặng nề như khi mới bước chân vào trong cung cấm.

- 4 -

     Trước cổng thành Tây, một tráng sĩ trung niên đang rảo bước đi nhanh. Mọi người quay lại nhìn chằm chặp... Mấy hôm trước, chừng như ở đâu xa lưu lạc tới kinh kỳ, người ấy kiếm bát cơm qua ngày bằng nghề mãi võ nơi đầu đường xó chợ. Hôm nay, anh ta ôm chiếc hộp gỗ đàn hương, nách còn kẹp theo bộ phẩm phục đủ áo mão, cân đai. Người ấy là Anh Vũ, thanh kiếm cắm qua vai, buộc sợi mây rừng hoang dã. Mọi người đứng thành vòng, chờ đợi. Buổi mãi võ bắt đầu:

       - Quý bà con, cô bác... Ân nghĩa một ngày là trọng. Ngày mai, kẻ võ biền đã phải bái biệt đất Kinh sư. Chim có tổ, người có tông, hai mươi hai năm lưu lạc, đã đến lúc quay về quê cũ. Bài "Việt Nữ Kiếm" do bà Triệu Thị Trinh nước ta sáng lập. Đời sau kính cẩn, ngợi ca là "Tâm Kiếm" tổ truyền, đã ngót cả ngàn năm... Nay mượn kiếm thay lời, xin khắc cốt ghi tâm nghĩa tình cưu mang nhau khi hoạn nạn. Mạo muội, chỉ mong các bậc phụ huynh không chê trách.

     Nâng kiếm ngang mày, Anh Vũ xoay về Nam bái tổ. ánh kiếm lóe lên giữa trời chiều, mầu sương giăng bàng bạc. Phút chốc kết thành chữ "Tâm" gồm thượng hạ, tả hữu bốn nét che kín thân người. Đây là bài học cuối cùng sư Ngộ Vân truyền riêng cho Anh Vũ.

     Tiếng những xu đồng chạm vào nhau, kêu tung... tinh trong chiếc gùi để ngửa. Người ta thưởng công anh mãi võ tài hoa, trầm trồ về kiếm thuật tổ truyền đất Việt. Gió vi vu từ thanh kiếm phát ra, nghe như tiếng chim về đoàn tụ vui mừng. Bây giờ, kiếm thép trở thành ngòi bút lông đại tự. Mực đen chuyển sang mầu mống bạc. Giấy trải giữa thanh thiên là tất cả bầu trời... Từng chữ "Tâm" hiện ra, xóa hẳn bóng người. Không "quên mình" đi, bài kiếm ấy không thành !

     Anh Vũ nhập tâm lời dạy của Ngộ Vân. Phút chốc, tất cả đều tan đi những thoáng mộng giữa đời... Những tiều tụy chốn phong trần, buồn thương về năm tháng phôi pha, từng ảo ảnh phù hoa trong vận hội con người... nhòe tan mau trong bóng kiếm. Cậu chỉ còn hai bảo vật, con tốt đen của phụ thân và bài Tâm Kiếm ấy...!

     Tảng sáng hôm sau, ở dưới cửa thành Tây... Khi đám ăn mày tật bệnh choàng dậy, ơi ới gọi nhau đi kiếm sống một ngày, thì Anh Vũ đã đi rồi. Họ giật mình vì không thấy người mãi võ kia đâu. Nhưng kìa, trên viên gạch vồ anh ta thường làm gối qua đêm. Có một nắm xu đồng còn lưu lại. Có lẽ Anh Vũ đã dậy sớm hơn và lên đường khi gà còn eo óc gáy...
 

                                                         (Thành nội - Huế  4/2000)
Trần Hạ Tháp.
 [  Trở Về  ]

(*) - Phiên bản điện tử này do tác giả gửi tặng . Tác giả cho biết hiện nay trên mạng có nhiểu bản lưu hành với rất nhiều sai lạc nghiêm trọng.