Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]


 
Tìm ẩn số Tiên Rồng . . ? 
qua ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Biên khảo : Trần Hạ Tháp

Từ lâu, lễ hội đền Hùng đã trở thành truyền thống dân tộc :

"Dù ai đi ngược, về xuôi..."

"Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba"

Đã là con dân nước Việt, hiển nhiên không thể nào lãng quên ngày hết sức đặc biệt ấy. Như cuộc hẹn thường niên, ngày để tất cả chúng ta nghiêm cẩn, đem hết tấm lòng thành cùng hướng về cội nguồn, vùng phát tích uy linh...

Là một ngày kỳ diệu, bất chấp mọi biên giới - đang hoặc đã - tồn tại trong các dòng nguồn tâm thức Việt...Từ ý thức hệ, cho tới tôn giáo, địa phương, sắc tộc, giới tính, và ngay cả các giai cấp xã hội, thân phận sinh tồn...Hết thảy - dẫu chỉ có hướng tâm về, hoặc bằng chính bước chân thật sự - đều tạm quên đi mỗi "cái tôi" riêng lẻ, mỗi thân thế thăng trầm để gặp nhau trong cuộc hành hương về cội nguồn dân tộc.

Trong không-thời-gian-vĩnh-cửu ấy, dù chỉ một ngày, ngay dưới chân anh linh chư Tổ : Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ và Thập bát thế Hùng Vương...Thêm lần nữa, bạn hãy nghe về huyền sử Rồng Tiên ? Vâng, mồng mười tháng ba. Những con số ngỡ như hết sức ngẫu nhiên ấy - thực ra - với tôi, chưa hẳn đã không ngầm nói lên điều cao sâu, huyền nhiệm...

Núi Nghĩa Lĩnh, nơi dường như để hậu duệ muôn đời sau biết choáng ngợp trước tầm cao của liệt tổ liệt tông. Là cơ hội để ai nấy đều cảm nhận sự thấp kém, cần hướng thượng của chính mình khi phải đến lúc quay lưng. Hạ sơn, bước thấp dần xuống núi...

Nếu chưa lần cảm nhận điều hiển nhiên ấy cũng có nghĩa, ta mất đi cơ hội để có thể soi lại và cải thiện những ý nghĩ sai lầm, rất có thể đã bắt nguồn từ tâm thức kiêu mạn. Vâng, Nghĩa Lĩnh thật sự là đền-đài-của-mọi-đền-đài trên tổ quốc. Là biểu tượng về đạo-đức-trước-hết-mọi-đạo-đức-Việt-Nam. Đạo lý cội nguồn Việt - trên hết - để kẻ đời sau thể hiện khi hành hương, đặt chân lên Nghĩa Lĩnh, phải chăng ? Là thật sự cúi đầu kính ngưỡng trước khí thiêng sông núi, trước anh linh chư Tổ từng hiển hiện mấy ngàn năm oanh liệt. Là nơi, cụ thể nhất để chúng ta hiểu thế nào là cảm xúc thực về hai tiếng "Ngàn thu".

Trước ý nghĩa vĩ đại của đền Hùng, không thái độ tôn vọng nào bằng chính sự im lặng thành khẩn trong mỗi tự thân hậu duệ. Là lúc tự nhìn rõ hơn, cái bóng chính ta - với gang tấc hữu hạn thế kia - cũng chỉ hân hạnh được nhập nhoà phút chốc bên sườn non vĩnh cửu. Lịch sử với những bước đi thăng trầm từng chuyển biến đến khôn lường, song khi ngược thời gian để tìm về nơi xuất phát, tất cả đều đồng quy nhất thể...Nhất thể trong ẩn số của Rồng Tiên.

Vâng, không mãi đắm chìm vào khói sương huyền sử để có thể - bạn cùng tôi - nhìn rõ hơn hai con số giản đơn..."Mồng mười tháng ba". Ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

Lịch pháp và khâm thiên giám, hoặc các cơ quan có phần vụ tương đương - chuyên quan trắc thiên văn càn tượng, địa lý phong thuỷ - của nhiều triều đại lớn ở viễn đông (từ ngang nhà Châu trở xuống) đã cố định vào tháng đầu mỗi năm là tháng kiến dần. Và lần lượt, vì thế nguyệt kiến cho 12 tháng mỗi năm được lưu hành tuần tự :

Tháng giêng : kiến dần
Tháng hai : kiến mão
Tháng ba : kiến thìn
Tháng tư : kiến tỵ
Tháng năm : kiến ngọ
Tháng sáu : kiến mùi
Tháng bảy : kiến thân
Tháng tám : kiến dậu
Tháng chín : kiến tuất
Tháng mười : kiến hợi
Tháng (mười) một : kiến tí
Tháng chạp : kiến sửu

Giỗ Tổ tháng ba - tháng kiến Thìn. Tháng đã lấy hình tượng Rồng làm tiêu biểu. Linh vật tôn quý tối cao, một trong Thập nhị địa chi(mười hai con giáp...Cách nôm na, người bình dân thuờng gọi).

Địa chi hội ý trên mặt đất, nơi con người sinh ra để kết nên xã hội, nhân quần. Biểu tượng Rồng trong loài người còn có nghĩa vua hay hoàng đế. Vị quốc chủ đứng đầu một cõi để gìn giữ sơn hà, mở mang đất nước. Người bảo vệ tận tuỵ để xứng đáng được cai quản muôn dân.

Biểu tượng Rồng, tất yếu còn đi đôi "long đức". Để gánh vác thành công tất cả những trọng trách, bậc quốc chủ phải đích thật đem âu ca hoan lạc và rưới nhuần ơn mưa móc khắp nơi. Câu "Kiến long tại điền" hào từ trong quẻ thuần càn, tiêu chí phổ thông để đời sau khẳng định về "long đức"cơ bản nhất của một bậc quốc chủ...

Điền, là ruộng rẫy đất đai, cương thổ. Thứ vốn liếng tạo dựng nên bằng máu xương thế hệ, là sinh lực chủ chốt của đại bộ phận con dân dưới bóng của vì quốc chủ ấy. Hơn thế, đấy còn là danh dự chung dân tộc. Là lý-lẽ-của-mọi-lý-lẽ để cuối cùng thần phục được nhân tâm.

Lạc Long Quân, người mở đất vĩ đại. Kẻ miệt mài đi tìm về phía biển. Nơi cuối cùng của trăm sông giao hội, đổ về. Nền nông nghiệp lúa nước hoặc ngay cả việc chài lưới đều tựu trung vào chữ "thuỷ". Chữ mà loài Rồng gắn bó.

Rồng, xứng danh và oanh liệt khi vẫy vùng trên mặt thuỷ...

Rồng, vì vậy không thể không hướng mình về biển cả mênh mông.

Nhiệm vụ hay "long đức" tiên quyết của bậc quốc chủ vĩ đại nhất dân tộc căn bản đã hoàn thành. Lạc Long Quân vị vua Rồng về phía biển, lên đường...Đấy chính là mẫu mực đi trước, làm tin cho nòi giống Lạc Việt biết noi theo tiên tổ.

Ngày giỗ Tổ - mồng mười - còn mang ý nghĩa nào đặc biệt ?

Học thuật thiên văn cổ phương đông chia vòng hoàng đạo trên bầu trời tương ứng 28 chòm sao...Nhị thập bát tú : 1. Giốc, 2. Cang, 3. Đê, 4. Phòng, 5. Tâm, 6. Vĩ, 7. Cơ, 8. Đẩu, 9. Ngưu, 10. Nữ, 11. Hư, 12. Nguy, 13. Thất, 14. Bích, 15. Khuê, 16. Lâu, 17. Vị, 18. Mão, 19. Tất, 20. Chuỷ, 21. Sâm, 22. Tỉnh, 23. Quỷ 24. Liễu, 25. Tinh, 26. Trương, 27. Dực, 28. Chẩn.

Chòm sao Nữ theo thứ tự, ứng vị trí thứ 10 ngay trên vòng Hoàng đạo. Đấy là chòm sao trong Nhị thập bát tú mang thêm biểu tượng thứ hai hết sức đặc biệt - người nữ. Thông thường, sao Nữ cũng như 27 chòm sao khác, chỉ để biểu tượng các con vật như dơi, gà, khỉ, vượn...Đa số được đặt tên dựa theo phần hình dạng tương đối của chòm sao.

Thiên văn cổ, chuyên quan sát các hiện tượng của bầu trời. Các phân dã tương ứng dưới mặt đất, qua các chòm sao liên hệ là một trong bốn học thuật chính được kết hợp để các bậc đại trí dự báo lẽ thiên cơ (Dịch độn, Đẩu số, Thiên văn và Phong thuỷ ). Sao Nữ hay "người nữ trên trời" hàm ý bậc Tiên nương, Tiên nữ.

Ngày mồng mười ở đây như một thông điệp ngầm mang các đức tính tuyệt vời một bà Tiên trong tâm tưởng trẻ thơ : hiền dịu, an lành và che chở, thương yêu. Là kẻ luôn hiện ra bên những nỗi lòng hẫm hiu đầy ngang trái cuộc đời.

Bà tiên, tất nhiên không thể và không bao giờ hiện thân nơi đầy hạnh phúc, danh uy. Tiên luôn đứng về phía khổ đau và nước mắt. Đấy là sứ giả đặc biệt dành cho những nơi còn cách xa công bằng và chân lý.

Âu Cơ, sự bổ sung tuyệt hảo cho mặt luôn thiếu hụt của con người. Lòng nhân đạo hay là nghĩa đồng bào. Sự thiếu hụt ấy như một lẽ tất nhiên khi con người còn mãi mê "cái tôi", lo níu giữ đặc quyền đặc lợi của riêng mình. Một khi thụ hưởng nhắm chừng đã vượt quá công lao - thụ hưởng trên nhọc nhằn, tang thương kẻ khác - ấy là lúc lòng ích kỷ sẽ làm nên bất hạnh với đồng bào.

Bên cạnh Rồng, quyền và uy tối thượng. Dẫu là quyền uy thể hiện đích thực "long đức" của một bậc quốc chủ...Vẫn không thể thiếu Tiên để hoà điệu lẽ sống dân tộc. Vâng, đã tồn tại nam không thể nào thiếu nữ. Bên cạnh luật và lệnh của sức mạnh thế quyền, làm sao quên còn có đạo trời, tình người và máu thịt. Khi ba điều ấy không còn, đồng nghĩa với dân tộc mờ nhạt nghĩa Âu Cơ.

Nhưng tại sao ? Cuộc chia tay giữa quyền lực và tình người vẫn phải đã xãy ra "Ta, loài Rồng. Nàng, giống Tiên. Hai ta không cùng bên nhau mãi được". Vâng, nhất thiết đấy không phải là cuộc ly thân đớn đau hay sự chia rẽ đầy nước mắt đầu tiên trong sử Việt. Có chăng, đấy là bài học cổ xưa nhất mà Rồng và Tiên đem bản thân mình làm mẫu mực. "Hy sinh tự tư, tự lợi vì nghĩa lớn non sông". Là cuộc chia tay nhưng - không bao giờ - mang ngữ nghĩa chia lìa.

Rồng và Tiên. Luật lệnh và đạo trời, mỗi người một nhiệm vụ. Cuộc lên đường để cùng làm đẹp thêm tổ quốc. "Năm mươi con cùng cha xuống biển. Năm mươi con theo mẹ lên non". Đấy không phải chia ly để lụi tàn. Đấy là phân công, là hoà-tấu-khúc-của-Tiên- Rồng.

Núi, triệu cây rừng gom lại. Biển, trăm nước sông hợp nhất. Đi tìm ý nghĩa tối hậu cuộc chia tay giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân, cũng có nghĩa sẽ bắt gặp lại "Mộc bổn. Thuỷ nguyên" trong biểu tượng sau cùng. Chia tay, để đời sau gặp gỡ một nhà.

Ai hiểu được nghĩa lý "Đùm, bọc" và tại sao là "Trứng" ? Vâng, con số trăm nào khác gì trăm họ trong minh triết phương đông. Chừng ấy vừa đủ để ngụ ngôn quốc dân, bách tính. Sự hưng thịnh, đông đúc sẽ trở thành vô nghĩa khi "Đùm, bọc" không hiện hữu trong câu chuyện giống dòng. Phải chăng ? Kiến thức, cái nhìn trước hết khi mỗi "Trứng" nở thành con là khung trời Việt được ước lệ, được thu gọn qua "Đùm, bọc" kỳ diệu ấy.

"Nâng như nâng trứng. Hứng như hứng hoa". Huyền nghĩa vô cùng cao xa trong câu chuyện Rồng Tiên nhắc nhở bậc quốc chủ khi cai quản muôn dân. Dân cũng còn là "Trứng" mỏng...

Với đồng nghĩa "Con đỏ" trong Bình Ngô đại cáo, "Trứng" ở huyền sử Rồng Tiên kỳ diệu và tuyệt bút gấp nhiều lần chữ nghĩa Ức Trai Nguyễn Trãi. Vâng, Ức Trai luôn xứng đáng được kính trọng muôn phần. Là người đã - ở cả hai mặt, hiểu đủ và đánh đổi cuộc đời, sinh mạng ba dòng họ tru di - làm ý nghĩa cao xa nhất của huyền sử Rồng Tiên từ ngàn xưa, chói sáng...

Đã là huyền sử, huyền thoại...Ẩn số, chỉ có thể - một cách tương đồng, khế hợp - soi tìm qua Huyền học phương đông. Thưa bạn, ta không thể cứ mở lớn mắt trước ánh mặt trời chói chang để mong nhìn thấy những gì dù ngay trước mắt ta...
 

(thành nội - Huế. 04/2008)
Trần Hạ Tháp


 [  Trở Về  ]