Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

Q u ả  đ ồ n g  c h ù y  t ó c  b ệ n

Truyện ngắn : Trần Hạ Tháp

Khi tôi băng qua quốc lộ để đụt mưa thì trời chỉ mới hơn bốn giờ chiều. Một cơn giông đang ập tới đột ngột.Lách mình vào mái quán chật hẹp, xong tôi mới thấy đây là quán cắt tóc. Vùng này, xưa là nơi được triều đình nhà Nguyễn chọn làm bãi pháp trường để xử trảm tội nhân, còn gọi là Cống Chém.

Người chủ quán đang làm việc, bắt chuyện:

- Răng đó? Tìm mồ mả người thân ra chưa thầy. Vùng Cống Chém dạo ni thay đổi mau lắm!

Tôi chỉ cười, lắc đầu không nói gì. Bên ngoài mưa nặng hạt. Cống Chém bên kia quốc lộ là một vùng mồ mả nhấp nhô, hết sức thông thường như mọi vùng mồ mả khác quanh đây. Tôi đã qua lại đây không biết bao nhiêu lần rồi, thế mà có dịp dừng lại quan sát cái di tích kia, thì lần nầy là thứ nhất. Có lẽ ngược lại với cái tên đầy ấn tượng, hình thức vùng Cống Chém chẳng có gì lạ cả.

Một đám tóc bay vướng vào chân tôi gây cảm giác rờn rợn. Không biết sao tự nhiên tôi đưa tay sờ lại cái bao vải cũ mèm đang đeo lủng lẳng qua vai. Các vật đựng bên trong vẫn yên vị. Ngẫm nghĩ một chút, thấy mưa vẫn còn lâu mới dứt hạt, tôi bần thần bước hẳn vào quán và nhờ anh ta cạo râu và lấy ráy tai luôn thể.

Anh ta lớ ngớ vì gặp phải mối bất ngờ, giúp tôi cởi cái túi vải ra:

- Chi mà nằng nặng? Để mô đây thầy?

- Thôi được... Tôi cầm lấy, không sao.

Chủ quán bắt đầu tò mò và lộ vẻ bất an. Anh ta chỉ vào một chỗ thủng trên bao vải của tôi:

- Răng... có tóc người a thầy? Có chi trong... không?

Tôi muốn ngã người xuống ghế dựa để được lan man theo dòng tư tưởng riêng mình nhưng phải mở miệng bao ra. Anh chủ quán tròn mắt ngó lom lom:

- Cục sắt tròn với lọn tóc... bện!

- Đồng! Không phải sắt đâu. Đây là loại binh khí người xưa để lại. Một kỷ vật gia truyền đã hai đời bên dòng họ ngoại nhà tôi... Cái này gọi là quả đồng chùy tóc bện.

Anh chủ quán cẩn trọng không mó tay vào, chỉ cúi xuống nhìn cho rõ... Binh khí này gồm hai phần dính vào nhau tương phản lạ lùng. Phần trên tròn cứng, phần dưới mềm dài, phối hợp một cách kỳ diệu tính "cương nhu" trong vận hành sâu xa của "lý âm dương" không thể tách rời...

Phần cứng gọi là quả đồng chùy bằng đồng hun, đã lâu năm nổi lên lớp ten đồng mầu xanh trên mai cua sống, đậm nhạt loang lổ tợ như rêu bám. Quả chùy tròn vo lớn chừng trái quýt, lòng bàn tay có thể nắm gọn dễ dàng. Nếu nhìn kỹ hơn, quả chùy còn ẩn hiện vết lồi lõm do đụng chạm mạnh khi giao đấu mà thành. Một cái khoen tròn vòng cung, có thể đút qua ngón tay cái đàn ông, được đúc liền vào quả chùy dùng để làm quai nối với bộ phận mềm bên dưới.

Phần mềm gọi là bện tóc - mới thực sự là chế tác vô cùng công phu - hết sức đặc biệt. Phải có búi tóc thực dài, người xưa mới có thể chiết ra từng ấy được. Phần này to chừng ngón cẳng cái đàn ông, dài hơn bốn gang tay nhưng đã được gập đôi lại ở hai đầu mối, nên lọn tóc mới ngó tưởng chỉ dài chừng ấy. Đầu luồn qua khoen đồng rồi mới chập đôi. Bên ngoài toàn thể độ dài của cả bện tóc được quấn chặt lại bằng một lớp tóc khác, se thành chỉ như sợi cước to ngày nay. Phần đuôi của bện tóc được chập đôi trước khi quấn, còn chừa lại một vòng tròn đủ đút lọt quả đồng chùy.

Mầu tóc đã nhuốm bụi thời gian, hơi ẩm mốc xông lên không ngớt nhưng bện tóc vẫn dẻo dai và mềm mại. Sự bền bỉ của binh khí này rất hiển nhiên, tóc đã cũ đi rất nhiều nhưng những múi chỉ quấn quanh vẫn chưa hề sút ra nơi nào cả!

- Thầy có dùng khi mô chưa? Chắc... nhà thầy giỏi võ lắm.

- Biết chút đỉnh vốn cổ, nhưng môn này thì chưa... Tiếc là cậu tôi...

- Nghe nói võ Tàu có nhiều môn, nhưng môn... này chắc không có?

- Tôi vẫn tin là thế, môn này là sáng tạo của riêng "ta" . Võ Ta và võ Tàu đều có chỗ khác nhau... Trong mười tám môn binh khí, gọi là "thập-bát-ban-võ-nghệ" của người Tàu, có một môn gần giống với loại này, nhưng công dụng khác hẳn. Loại "lưu-tinh-chùy" Tàu chỉ khác cái bện tóc như của ta thì không có, thay vào đó là một sợi xích sắt khá dài và, vì thế bất tiện hơn nhiều. Lưu tinh chùy khi sử dụng gây nên tiếng động, khi thu cất chỉ quấn quanh bụng, phải bỏ ra ngoài áo rất lộ liễu. Ngoài ra không thể để vậy lúc nằm ngủ...

Loại đồng chùy tóc bện, tránh được những bất tiện của lưu tinh chùy. Nghĩa là lúc múa lên không ồn ào, khi thu cất thì quấn quanh lưng, cho cái đuôi tròng qua quả chùy là xong, y như thắt lưng vậy. Thắt lưng này bỏ trong áo quần, chẳng ai biết. Nếu không thóp bụng lại thì không thể tháo ra được. Người sử dụng nó, cho dù có chạy nhảy đến mấy cũng khỏi lo bảo quản để binh khí không rơi mất lúc đi đường. Còn lúc cần ngả lưng, thì bện tóc này không làm người đang mang binh khí phải cởi ra khỏi thân thể... Cả hai loại chùy đều có thể dùng để leo trèo, vượt tường rất thiện nghệ, hoặc để đánh đu khi ẩn nấp nơi có độ cao cheo leo, hiểm trở...

Anh chủ quán xoay qua công việc của mình, nhưng vẫn tiếp tục câu chuyện.

Càng nghe, người thợ cắt tóc càng thích thú tìm hiểu về môn binh khí độc đáo này.

- Món hay của "ta" nơi "bện tóc", thầy... giảng cho nghe?

- Đúng thế, nó có độ dai "chây ra" đón đỡ vật cứng, hóa giải. Nếu không kê vào đâu cả, cứ để buông tự do thì cái "đuôi mềm" này không gươm đao nào chém đứt được cả. Môn binh khí này hợp đủ lý "cương nhu", tức là một cứng một mềm - một dài một ngắn - một công một thủ... Đặc biệt hơn hết là, một được rèn đúc từ chất liệu thiên nhiên, một thì phải được công phu "nuôi dưỡng" nơi "búi tóc" một đời người do "khí huyết" sinh ra... Ngày xưa, cha ông ta để tóc búi như một biểu tượng tôn quý nhất cần phải gìn giữ, nó gồm hai ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ "Trung - Hiếu"... Khi chiết búi tóc ra làm binh khí, người chế tác tự coi như đã ứng lấy một lời thề suốt đời đi theo, không lay chuyển... Vật còn người còn, vật mất người mất. Binh khí "bất ly thân", giúp người vượt khó thoát nguy. Người giúp binh khí không để mang tiếng vật bất trung, bất hiếu...

- Ồ, hay quá! Vật như rứa thì người... làm ra nó không phải tầm thường? Tò mò lắm không phải, xin thầy bỏ qua... Tôi chắc có liên quan chi tới vùng Cống Chém ni rồi. Chiều ni, thấy thầy đứng bên tê ngó tới ngó lui mãi...

Đột nhiên tôi có cảm tình với anh thợ. Anh ta không làng nhàng và có cái gì đó rất khác với những chủ quán chung quanh. Tôi lẳng lặng ôm lấy cái bọc vải cũ vào lòng, trầm ngâm nói:

- Tôi không tìm mồ mả nào ở đây cả. Sở dĩ dừng lại hơi lâu chỉ vì sau khi lo xong chuyện bên quê ngoại... trở về ngang đó - Cống Chém, làm tôi đi không dứt. Người đã tạo tác ra quả đồng chùy tóc bện này chính là một trong những nghĩa sĩ yêu nước đã bí mật hưởng ứng cuộc khởi nghĩa thời vua Duy Tân. Hai lãnh tụ trực tiếp là cụ Thái Phiên và cụ Trần Cao Vân đều đã đền nợ nước nơi đây. Những người còn lại... bị truy nã gắt gao hoặc mai danh ẩn tích.

- Hình như thầy đang có công chuyện... không vui chi đó?

- Giữ gìn kỷ vật trước tôi là mợ tôi... Kể từ hôm nay là chính tôi. Bà vừa mới qua đời, từ lâu tôi đã hứa với bà việc hương khói, vãng lai bên nhà ngoại. Trước để vui lòng mẹ mình, sau để thỏa mãn lòng thương của mợ.

- Xin lỗi thầy, tôi bậy... thấy lạ hỏi lôi thôi buồn thầy.

Anh thợ tế nhị đâm ra ít nói, vẫn tiếp tục làm việc trong khi mưa bên ngoài càng to hơn. Sấm chớp nổ đầy trời. Chốc sau thì xong, người chủ quán bật ngọn điện lên và ra sập cửa liếp xuống, dằn lên trên chiếc xe đạp của tôi. Dọn dẹp sơ qua đồ nghề, chủ quán chế bình trà và trấn an:

- Trà nóng mời thầy, không lo... có áo mưa cho thầy mượn. Trộ mưa ni dữ thiệt. Thầy nôn về chi cho mắc mưa giông có hại, gặp khi đã mỏi mệt cả ngày.

Tôi cảm ơn người chủ quán tốt bụng, hỏi thăm hoàn cảnh của anh:

- Có điện sao anh không làm đêm như mấy quán bên... Rồi thôi hà?

- Mắt kém thầy à, tôi bị thương một con vào năm 79.

- À, ra anh đã từng là bộ đội tham chiến.

- Vâng... thành ra cứ chừng ấy thôi... Nghiện trà, làm một bình chờ cơm tối. Không bắt chước như người ta được.

Thấy tôi còn chờ dứt hạt mưa và thân thiện hơn, ngẫm nghĩ hồi lâu, chủ quán ghé mắt qua khe liếp nhìn vùng Cống Chém đang mờ mịt trong mưa:

- Thầy dạy... môn sử?

- Sao anh biết?

- Các cô thầy dạy trường huyện qua đây dễ biết lắm, thường ngày mà... Còn nhìn cái vật xưa nớ, tôi mới "linh tính" ra đó. Chừ không ai có mô.

- Vâng, may mắn không bị thất lạc đi kỷ vật quý hiếm này. Có thể coi như kể từ hôm nay, giữ gìn quả đồng chùy tóc bện, tức là tôi lo phần hương khói cho bên ngoại của mình. Trước tôi, còn một bà mợ - vợ của ông cậu - gánh vác phần trách nhiệm kia. Bà vừa mới qua đời sau mấy năm bệnh hoạn ở tuổi xấp xỉ chín mươi.

Tôi là cháu, cũng vừa xong việc an táng mợ xuống ba tấc đất. Mợ tôi không con cái, chồng tập kết ra bắc khi mới sống với nhau chưa tròn một năm. Bà ở vậy cho tới khi biết chồng đã trở thành liệt sĩ. Khi ấy đất nước hoàn toàn giải phóng, bà đã xấp xỉ tuổi bảy mươi. Mợ tôi sống một mình trong mái tranh và vườn cau do ông bà ngoại tôi để lại. Chỉ có mình tôi hay lên xuống thăm bà, nên mợ coi tôi như con đẻ. Ông bà ngoại tôi có hai con trai và mẹ tôi là gái giữa. Cậu lớn là chồng của mợ - cậu thông minh tài giỏi vô cùng, nhất là võ nghệ, nhờ ông ngoại tôi truyền cho. Cậu út mất sớm khi còn thơ ấu. Vì thế, ngoại trừ mẹ tôi ra thì hiện nay dòng ngoại chẳng còn ai cả. Lúc lớn lên, tôi càng được biết nhiều hơn về cái kỷ vật này. Còn thời nhỏ dại, nhớ rằng nó vốn đã được treo trong bàn thờ ông bà ngoại chẳng biết đã bao lâu...

Nghe kể, cậu tôi thường được ông ngoại dẫn vào thì thầm bên kỷ vật ấy.

Những lúc vắng người, còn đem ra múa quay như chong chóng, nhảy lên hụp xuống liên miên. Ông ngoại cưới vợ cho cậu xong thì qua đời. Mợ mới về làm dâu chưa bao lâu thì cậu lên đường tập kết ra bắc. Chẳng bao lâu sau, bà ngoại tôi cũng mất. Mợ nói lúc đi, cậu đã quấn quả đồng chùy tóc bện ấy vào lưng, nhưng nghĩ sao đó, lại cởi ra giao cho mợ, bảo giữ cho cậu đợi ngày đoàn tụ gia đình...Mợ đã làm tròn lời hứa lúc xuân xanh. Sau 75, tôi càng thăm viếng mợ nhiều hơn. Những lúc ấy có mặt mẹ tôi bên mợ, bà vui vẻ lắm, nhất định về giao phần hương khói cho tôi. Lúc đã biết rõ giá trị của quả đồng chùy tóc bện, tôi cạn nghĩ đòi mợ lập tức giao sự bảo quản ấy cho tôi:

- Mợ ở một mình, kẻ gian ngờ vàng bạc chi đó... lấy mất thì sao? Cứ giao con càng sớm càng chắc cho rồi mợ ơi.

- Không được mô, khi tao chết quyền mi... Tao còn sống để tao ngó đã chớ!

Cậu mi đã quấn nơi bụng còn cởi ra giao cho mợ mà. Cậu đã giao răng thì mợ giữ rứa... tới ngày nhắm mắt. Cứ để đó mặc kệ mợ!

Vì sao kỷ vật này xuất hiện trong nhà ông ngoại tôi? Ông không phải là người đã công phu chế tác ra nó. Binh khí ấy vốn là vật bất ly thân của người thầy bí mật đã dạy võ nghệ cho ông ngoại của tôi. Người ấy, tục gọi là ông Câu, làng Hương Cần, huyện Hương Trà. Cả quê nội và quê ngoại tôi đều cùng chung trong huyện ấy.

Cha mẹ đều qua đời sớm, ông Câu phải chăn trâu cắt cỏ cho nhà người chú ruột. Một hôm vì sự khắc nghiệt của người chú giàu có nhất làng mà bất nhân ấy, ông Câu bỏ làng đi lang bạt kỳ hồ. Người ta chào xáo rằng, ông vào Bình Định tìm thầy học võ, khi thành tài sẽ trở về hỏi lại gia sản ruộng vườn bị người chú chiếm đoạt. Quả đúng, sau mười mấy năm biệt tích, ông Câu về với võ nghệ kinh người. Nhưng thực lạ lùng, ông không hề gây thù chuốc oán với ai cả. Chính cuộc sống bí ẩn của ông càng gây thêm kinh ngạc...

Thoắt ẩn thoắt hiện, ông chỉ sống một mình, không vợ không con và đặc biệt không cả nhà cửa ruộng vườn. Nay người ta thấy ông ngủ ở miếu này, mai lại ngủ ở đình kia... toàn là những nơi hoang vu không có bóng người. Người chú ruột nơm nớp lo âu nhưng cũng chẳng việc gì. Có nguồn tin ác ý, cho rằng ông Câu dùng võ nghệ làm nghề "không vốn" - là một tay trộm "tài danh".

Đó là vào thời Pháp thuộc, vua Duy Tân triều Nguyễn đang tìm cách liên lạc với các nghĩa sĩ yêu nước để mưu đồ lật ngược thế cờ, chống lại giặc Tây. Các cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân, là những lãnh tụ trực tiếp cầm đầu phong trào ngấm ngầm ấy. Ông Câu là một trong những nhân vật thân tín của hai cụ Thái, Trần. Ông lãnh nhiệm vụ bí mật ra vào Đại Nội để liên lạc, nhờ ông giỏi thuật "Phi thiềm tẩu bích" hơn ai hết. Ngày nay gọi là thuật ẩn thân, chạy nhảy mau lẹ như có phép biến hóa.

Ông Câu qua mặt cả những tay thị vệ cao thủ ngày đêm canh gác trong cung. Trong các thị vệ kia, vua Duy Tân biết ngầm có tai mắt của Pháp gài vào. Một đêm kia bị phục kích ở Hậu Hồ, và truy bắt... Ông chạy thoát vào nằm trong đụn rơm nhà ông ngoại tôi. Nhờ băng bó vết thương kịp thời, ông mới thoát chết. Từ đó...

Ông ngoại tôi thường giao công việc đồng áng cho bà ngoại để có điều kiện ngày đêm luyện tập võ nghệ. Ông Câu thường hay lai vãng nhà ông ngoại tôi vào đêm khuya. Lắm lúc ông ăn ngủ nhiều ngày trên cái lậm đựng lúa trong nhà. Tướng người như ông Câu rất có "oai", nghe kể rằng người ông vạm vỡ, đặc biệt búi tóc, và thường quấn ngang đầu cái khăn xổ chéo góc để che bớt đi con mắt làm người khác sợ hãi, sáng như chớp. Ông bận áo tứ thân mầu chàm, trong bụng luôn quấn quả đồng chùy tóc bện. Vạt áo dài gần gối, làm binh khí này được che đi rất kín đáo.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, không thấy ông Câu xuất hiện nữa. Cho tới một ngày kia, tin cuộc âm mưu khởi nghĩa Duy Tân bại lộ. Hai lãnh tụ Thái Phiên và Trần Cao Vân đều sa vào tay quân giặc. Một đêm trước ngày chúng đưa hai vị ra pháp trường xử trảm thì ông Câu gọi cửa nhà ông ngoại. Người ông Câu nhuộm đầy máu me, thương tích trầm trọng. Ông bị trúng đạn Tây nhưng vẫn cố thoát thân nhờ thuật "Phi thiềm tẩu bích", không biết ngoài ông ra, còn có ai trong số nghĩa sĩ ấy thoát nữa không?

Từ đó, ông Câu cảm nghĩa người học trò "trời định" - Ông ngoại tôi, vừa ẩn thân nơi đây vừa ra sức truyền nghệ, chờ cơ hội ngày mai... Đây là lúc ở Hương Cần, làng ông Câu, giáp biên với Cổ Lão, quê ngoại tôi bắt đầu xôn xao vì bị lính "hàng phủ, hàng huyện" thời ấy về vây và lục soát...

Tội phạm ấy là ông Câu, người bị kết án "khi quân" từng đột nhập vào nội cung "lấy cắp" đồ ngự dụng. Người ta gán cho ông là tên trộm làm kinh động đến đức hoàng thượng. Với hành vi bí ẩn và võ nghệ cao cường kia, thì lý giải ấy tự nhiên thành hữu lý. Nhưng tất cả mấy lần vây bắt kia đều chẳng làm gì được ông cả! Cuối cùng đành bất lực, người ta dùng mưu sâu độc kế. Phủ huyện bí mật có "sức" về, lệnh rằng phải tìm mọi cách hạ thủ ông Câu, nếu không, hạn chót thì địa phương Hương Cần phải bị tội. Nhiệm vụ nặng nề này được giao cho người từng âm thầm tố giác ông Câu - người chú ruột trong làng.

Cái bẫy đã giăng ra. Ông Câu sợ liên lụy gia đình ông ngoại tôi, bắt đầu từ đó cũng thưa lai vãng. Ông không bỏ đi biệt xứ vì còn muốn nghe ngóng, hòng tìm lại liên lạc với những nghĩa sĩ còn sống sót qua biến động không thành. Thỉnh thoảng, dấu hiệu xuất hiện của ông quanh mấy làng trong huyện đủ để người ta vẫn cố công chờ đợi...

Hết hạn chót, lệnh Phủ huyện phải thi hành. Người chú ruột của ông Câu bị bắt tội "gia giáo bất nghiêm" - không giáo dục con cháu trong nhà, để sinh ra "loạn thần tặc tử" - khiến liên lụy vì đã thông đồng trong các hành động "phạm thượng khi quân". Và bản án "trảm thủ" được ban ra, cho giải về nha môn thi hành. Ngày hôm ấy, người chú ruột bị đóng gông và dẫn đi.

Dọc đường làng, bốn tên "lính lệ" đánh đập tội nhân rất tàn nhẫn. Mọi người thỏa mãn về kết cuộc của tay phú hào gian ác. Nhưng thực bất ngờ, trưa hôm ấy ông Câu phục sẵn trong bụi tre và bất thình lình xuất hiện. Bốn tên "lính lệ" chống không lại, bị hạ trong nháy mắt. Thế là người chú ruột được giải thoát và lập tức hai chú cháu trốn đi, cùng tính chuyện tha phương ẩn tích.

Đêm hôm ấy trăng mờ mờ trên dòng Bồ Giang, đoạn chảy từ làng Hương Cần xuôi về ngả ba Sình, có một con đò nhỏ trôi nhanh chờ ra cửa biển Thuận An. Hai người đàn ông, một nằm một ngồi giữ lái đang nhỏ giọng chuyện trò. Lão già râu ngắn, người mập mạp, áo quần xộc xệch đang nằm, giọng run run:

- Tạ ơn trời... đất! May mà chú còn có cháu đoái tưởng lúc lâm nguy. Số vàng... ni, chú giấu trong người chờ... hối lộ với quan trên. Nay thoát nạn rồi, phòng tới nơi đất khách quê người, chú giao cho cháu. Từ nay cháu mô thì chú nấy. Đi thiệt xa mô?... Tùy cháu, cưới vợ sinh con lập nghiệp cháu nờ.

Người cháu đưa mắt nhìn vành trăng khuyết chằm chặp không nói gì. Giữ khoang đò nhỏ lấp lánh mấy thoi vàng, bàn tay lão già bấu vào chân người cháu vật nài lạc giọng:

- Bỏ chú dọc đường thì chú... chết. Giờ phút ni... cháu ơi. Cháu cứu rồi như không. Vì chú mà tội càng nặng thêm, cháu không sợ chi... còn chú răng đây? Giết hết bọn "lính lệ" thì đã cùng đường, trước sau chi...

- Thôi... được, chú cứ giữ lấy đó. Cháu sẽ đem chú vào trong nam tá túc một thời gian. Cháu còn... công chuyện khác hệ trọng hơn. Đừng sợ, trên đường đi đã có cháu lo. Riêng về bốn tên "lính lệ" không chết mô mà lo. Chúng chẳng đáng cho cháu giết, chỉ mang thương tật suốt đời thôi mà.

Lão già râu ngắn mừng rỡ, thở phào cố gắng chồm dậy:

- Chú yên bụng rồi, muốn uống hớp rượu cho ấm... chẳng có chi trong ruột cả! Đêm khuya rồi, xương cốt chú chịu không nổi tụi "lính lệ"...

Người cháu - chính là ông Câu - thở dài, lòng triền miên theo nỗi niềm chất chứa tâm tư bất giác với tay lấy bầu rượu nhỏ trên vai xuống, đặt giữa khoang đò:

- Chú ngủ trong khoang, đừng thò đầu ra nữa. Mặc cháu ngồi đây.

Lão già nắm bầu rượu bò vào trong, người lão càng run rẩy. Bên ngoài ông Câu mắt nhìn trăng, người lặng yên như pho tượng, gió thổi bay góc chéo khăn quàng đầu phần phật.

Lão già nép vào chỗ khuất, vội vã mở nắp bầu rượu len lén liếc mắt ra ngoài, đưa bầu rượu lên miệng nhấp một chút, xong để xuống ngay. Lão rợt nhanh vào bầu rượu một gói bột trắng, xong đậy nắp bầu lắc đều tay cho tan chất bột. Cuối cùng, khi đã đâu vào đấy, lão cẩn thận mở nắp bầu đưa lên miệng... Lần này, không uống rượu, lão chỉ giả vờ đưa lên để kiểm soát xem? Không nghe thêm mùi vị gì khác... ngoài hương rượu nồng nàn, thơm phức... Ngụm rượu lần đầu tiên lão hớp vào vẫn còn nằm trong miệng. Bây giờ lão mới lập cập xoay mặt bò ra, đặt trả lại bầu rượu vào chỗ cũ. Người cháu nghe tiếng ngụm rượu nuốt vào cổ họng, rồi mùi rượu thơm bay ra sau một tiếng... khà... khoái trá:

- Rượu ngon lắm! Uống mừng chú cháu đoàn viên. Chú nằm... đây.

Đêm càng khuya, trời càng lành lạnh. Khi tiếng ngáy phì phò của lão già trong khoang đã thực đều, thực to thì ông Câu cũng vừa uống hết xong bầu rượu "đoàn viên".

Lão già tinh quái vẫn với thế nằm nghiêng, nheo mắt âm thầm quan sát, miệng lão vẫn đều đều... tiếng ngáy. Bụng dạ lão vô cùng hồi hộp, món thuốc bột mua bằng mấy thoi vàng, gởi bên Tàu một tháng sau mới tới tay lão. Nghe nói, cho voi uống vài tô thì vài khắc thôi, voi qụy xuống. Lão đã thử với trâu rồi... Võ nghệ có cao cường đến mấy cũng phải thua mưu thần chước quỷ của lão ta. Đây là loại thuốc bột, gọi là "Nhuyễn Cân Tán" - thuốc mềm gân, không sắc không mùi, người Vân Nam dùng để trị cọp dữ lộng hành trong thâm sơn cùng cốc.

Ông Câu bỗng thấy người choáng váng lạ kỳ... Tay chân rủ liệt như chẳng còn gân sức. Trí óc dường như dần dần mờ nhạt đi thấy rõ. Linh tính lâm nguy đang rình rập đâu đây, ông đưa tay vào bụng chưa kịp tháo quả đồng chùy tóc bện thì người đã lăn ra giữa khoang đò. Người ông đã không còn tự chủ! Lão già râu ngắn mỉm cười xảo quyệt, vội bò tới trước mui đò bật lên ánh lửa làm hiệu.

Màn kịch đã đến lúc hạ hồi! Hai bên dòng Bồ Giang lúc ấy chộn rộn tiếng người, tiếng gươm đao quát tháo... Ánh đuốc bừng cháy soi sáng khúc sông đang mới còn lặng vắng như tờ. Bảy, tám chiếc đò ngang vùn vụt đâm ra giữa dòng. Tất cả đều trở thành trò bịp bợm, người ta đã đánh đúng vào nhược điểm của ông Câu như sách xưa từng nói: "Muốn giết kẻ tiểu nhân chỉ cần dùng chữ lợi, nhưng muốn hại người quân tử thì phải vận dụng đến nghĩa, tình".

Sức mạnh cuối cùng bùng lên như ngọn đèn trước khi vụt tắt... Ông Câu bỗng gầm lên một tiếng rùng rợn giữa đêm trường nghe rợn gáy. Ông bất thình lình vùng dậy đá văng một lúc hai, ba người xông tới. Hai tay ông quơ, nắm được cả một cái mui đò, vận sức vặn cả chiếc đò lật úp xuống dòng sông. Bao nhiêu mũi giáo phóng tới đều bị ông gạt phắt xuống nước...

Lão già râu ngắn nhảy ùm xuống sông mất dạng. Đò bỗng chông chênh nghiêng ngửa, ông Câu chờn vờn té xuống vịn vào cái cọc lái, mắt đã không còn nhìn thấy gì nữa. Một chiếc câu liêm móc trúng chân, ông Câu lăn ra bất động. Có lẽ khi năm, sáu mũi giáo cùng xuyên qua người ông thì cũng là lúc ông không còn cảm giác gì nữa. Xác ông nhão ra, chân tay vật vờ, toàn thân mềm như bún, mắt ông trợn trừng đầy phẫn nộ.

Người ta không cần mang xác đi, mọi việc được kết thúc nhanh tại chỗ... Việc hại người đã thành công. Năm, sáu người vừa bị chết vừa bị thương là cái giá "bèo" mà người ta phải trả. Thực không ngờ, Phủ huyện cũng không bằng mưu mô xảo quyệt của lão già râu ngắn kia. Xác ông Câu bị "lăn sáo" rồi thả xuống dòng Bồ Giang. Từ đó lính "hàng phủ hàng huyện" mới thôi náo động xóm làng.

Ba ngày sau, xác ông nổi lên dọc mé sông. Người dân thương ông bao nhiêu lại càng nguyền rủa kẻ hại ông bấy nhiêu. Người hiểu chuyện chỉ dám đứng khuất trong bụi tre mà vái ông mấy vái rồi len lén đi ngay. Không có ai dám tới gần, sợ rằng e còn mưu chước gì đây? Nhưng ngay đêm hôm ấy, thì xác ông lại biến mất. Người ta thì thào bảo nhau, rằng chính lão chú kia sợ linh hồn ông báo oán, nên trộm về chôn cất đi chăng? Người lại tin vì có ai ơn nghĩa với ông sâu nặng nên trộm về an táng để được khói hương thờ tự...?

Chỉ có ông ngoại tôi là hoàn toàn im lặng. Sau mấy lần ra đi khi trời vừa tối, lần sau cùng, thì ông ngoại trở về nhà khi trời gần sáng. Tóc của ông ướt mèm, phải đốt lửa mà ngồi. Quả đồng chùy tóc bện này được ông ngoại tôi kín đáo bỏ vào trong bao vải, treo trong bàn thờ. Lại có thêm một bát nhang, cứ đến ngày thì kỵ giỗ trong nhà y như tiên linh thân thuộc.

Nghe tới đây, anh chủ quán không chờ được, cắt ngang:

- Lão chú ác độc về sau... ra răng?

- Chi tiết liên quan tới cái chết bí ẩn của lão sau đó khá lâu rút cục cũng chẳng ai đoan quyết cả. Một đêm mưa gió, lão ta bị sấm sét đánh vỡ toác sọ dừa một lỗ to bằng... trái quýt. Xác lăn xuống ao gần ngã ba đường cái trong làng. Đó cũng là thời điểm mà mợ tôi không thể nào quên, nhằm đúng ba hôm trước khi cậu lên đường ra bắc. Phải chăng? quả đồng chùy tóc bện đã trả xong món nợ cũ. Vì thế cậu không đem theo trong cuộc hành trình. Câu chuyện kỷ vật bên nhà ngoại tôi... là như thế!

- Nhưng mồ mả ông Câu nay còn không? Ông ngoại của thầy chắc biết rõ hơn ai hết.

- Ngay trong vườn cau nhà ông ngoại. Trước chỉ để bằng, sợ người ta sinh nghi. Sau thuận tiện rồi, ông ngoại tôi mới làm cái nấm nho nhỏ lên đó. Trong nhà tránh nhắc nhở, khi cần chỉ nói "nấm ông Đoạn" là đủ. Hoặc ngày kỵ giỗ thì cứ là "ngày ông Đoạn"... Chính vì xác ông Câu không có đầu, bị cắt đứt đem về nha môn làm bằng chứng hạ sát, vào đêm ông thọ tử. Đây là việc đau lòng nên ông ngoại và trong nhà thường ít nói, lâu thành quen đi... coi như đã tự biết.

- Rứa rồi... cái đầu? Không tìm ra được!?

- Vâng, ở nha môn Phủ, huyện thì làm gì có chuyện... tìm? Vả lại ai đi làm việc ấy ắt tự mình rước lấy điều tai bay vạ gió lúc bấy giờ...

***
Câu chuyện tưởng đã yên vị hẳn trong lớp bụi thời gian nhưng lắm lúc còn có những cơ duyên bất chợt... Chỉ cần một chút tâm lành đâu đó gieo lên thì trên lớp bụi thời gian kia, để có ngày - dù rất xa, xa hơn cả một đời người chờ đợi... Hạt giống lại nảy mầm... Chứng minh cho những cái tâm lành sẽ được gặp nhau, sẽ không bao giờ vô ích...

Chủ nhật tuần sau, kể từ buổi chiều mắc mưa giông hôm ấy, tôi ghé vào ngôi nhà xưa có "rường cột" đã mối mọt gần hết. Tuy ngồi gần cửa sổ, nhưng bóng tối vẫn nhiều hơn ánh sáng trong nhà. Thì ra, nhà cửa chính của anh thợ cắt tóc là đây, chỉ cách quán làm ăn không bao xa, trong cùng một xóm thuộc vùng Cống Chém này cả. Vợ anh đã ra đồng, đứa con trai duy nhất của anh đang ăn học tại thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ có anh với tôi thực yên tĩnh nghe tiếng lá cau xào xạc bên hè.

Buổi chiều mưa hôm ấy, trước khi ra về tôi đã hứa giúp anh chút việc, thử xem lại số giấy má đời trước còn giữ được trong nhà. Anh có nỗi bâng khuâng chưa giải quyết. Để hoài anh không đọc chữ nho, ngày càng bị hư hao đi vì mưa lụt hằng năm. Đem đốt đi thì không an tâm. Dòng anh "độc đinh", còn lấy mình là trách nhiệm. Tôi nói với khả năng của mình, không dám chắc sẽ làm anh thỏa mãn biết được gì hay cái ấy! Anh hau háu đợi tôi từ hôm ấy.

Hai cái mo cau bó lại với nhau rúm ró. Một mớ giấy "bổi" đã gần mùn đi gồm linh tinh nào văn khế, trích lục nương vườn, phái thuốc Bắc... nhắm chừng chẳng còn mấy giá trị ngày nay. Vài tờ lưu về hướng nẻo địa lý vài ngôi mộ quan trọng nào đó cần ghi chú phòng sai lạc, về sau... Không có gì quan trọng nhiều hơn anh thợ tưởng, những ghi nhận ấy theo anh cũng đã được thân sinh anh truyền lại lúc ông còn tại thế. Ngoại trừ một ngôi mộ, thường được gọi bằng cái tên khác thường - mộ sành - ngang hàng đời ông nội của anh, mà chính thân phụ anh cũng chẳng biết gì hơn. Cứ cho đấy là anh hoặc em trai gì đó của ông nội đã qua đời khi còn rất nhỏ tuổi, thậm chí là một cái thai bào chưa đủ tháng. Vì thế, được ông cố đem táng gọn vào trong chiếc om, hay vại sành gì đó...

- Đời ông nội tôi có chữ nghĩa, là thầy "khóa", nhà nghèo chẳng quan quyền chi. Ông thân sinh tôi thất học vì cha mất quá sớm, học nghề cắt tóc độ nhật rồi truyền tới tôi đó. Giấy má này do ông nội để lại tới bây chừ.

Tôi chú ý tới vài hàng cuối cùng trước khi giao tất cả giấy má ẩm mốc kia cho gia chủ... Những ghi chú của "Mộ sành", đại ý nói rằng:

- "... Mộ này tọa đông hướng về tây, mặt trời lặn. Táng ở cồn Cống Chém. Không phải là dòng tộc với nhà ta. Chỉ có cái đầu mà không xác, bị cắm vào cọc đem "bêu" để cảnh cáo người khác. Phủ huyện kết tội là "làm giặc cướp". Thấy đemlàm nhục ở pháp trường đã ba ngày ba đêm. Không ai dám nhận, ta vốn nhà gần bên, lại biết là người nghĩa sĩ thân cận hai vị Thái, Trần từng vì mưu việc lớn không thành mà bị chém nơi đây. Người nghĩa sĩ bị truy nã mà sa cơ, vốn nghe thọ tử nơi nguyên quán Hương Cần. Ta đợi đêm khuya, lén trộm thủ cấp đem táng vào đây. Ấy là vào đêm hai mươi lăm, tháng bảy, vào năm thứ tư triều Khải Định... Lúc táng bất tiện, chỉ dùng vại sành cho có mà thôi. Có ý để gần mồ mả nhà ta, làm cớ nói là của anh ruột trong nhà, vốn quá vãng từ khi còn đồng ấu. Một để tránh lậu ra mang hại, hai muốn khi hết đời ta, không vì thế mà ngừng phần nhang khói.

"Ta không nói lúc này vì thận trọng, đành lẫn lộn thực, hư. Tự xét, tuy lấy "cái Tâm" mà làm, nhưng ta không vì thế mà cứ để thất lễ với bậc anh hào. Nghĩ kỹ rồi, e phải lấy bút mực làm bằng, việc miệng lưỡi khó bề nói thẳng. Gan ruột ta đã phơi ra, con cháu ngày sau khá chớ coi thường... Bận áo, viết tại nhà tranh, lúc bán dạ...".

Như chưa thực tin vào nội dung văn bản trước mắt mình... tôi bình tâm lại một phút trước phát hiện bất ngờ. Rất cẩn trọng và chậm rãi, tôi lại đọc tất cả phần ấy nhiều lần trước khi giải thích về "mộ sành" cho gia chủ, lẫn cả... chính cho tôi, thêm lần nữa. Anh thợ cắt tóc - người cháu nội duy nhất của kẻ đã làm nên văn bản ấy - như chưa hiểu hết sự cơ duyên kỳ diệu mà người xưa đã an bài. Còn hôm nay, chúng ta, tôi và anh ấy, mới chính là những người được góp phần kết thúc và thưởng thức kết quả an bài ấy...!

Tôi nói cụ thể để bổ túc những minh chứng về câu chuyện liên quan tới quả đồng chùy tóc bện - Câu chuyện mà ngay giờ đây đã trở thành... câu chuyện chung, đã không còn riêng biệt của... một "tôi":

- Rất thuận hợp với thời gian ông ngoại tôi vẫn thắp nhang kỵ giỗ chủ nhân quả đồng chùy... Là ngày hai mươi ba, tháng bảy hằng năm. Cho tới nay, tôi còn nhớ rõ không hề cần tra lại trong tập gia phả nhà ngoại, còn lại đó... Thường được gọi tránh "ngày Ông Đoạn". Nếu so sánh, đây là ngày ông Câu thảm tử ở Bồ Giang lúc trời vừa rạng sáng. Thủ cấp bị đem về phủ huyện để đúng ba ngày ba đêm bày "làm nhục ở pháp trường"... thì vào "đêm hai mươi lăm, tháng bảy" cùng năm, gặp kẻ có "cái Tâm" lén trộm đem táng vào nơi được gọi là "mộ Sành"... thì không nghi ngờ gì nữa, mộ ấy chính là phần thi thể của ông Câu còn xiêu lạc tới ngày nay.

Con người có "cái Tâm" kia, chẳng ai khác chính là ông nội chủ nhân căn nhà xưa nhìn hướng ra vùng Cống Chém này! Anh thợ cắt tóc hiểu rõ, cùng bàng hoàng với tôi trong giây phút khó tả nên lời... Anh nói, giọng bần thần cứ tưởng như đang phiền trách lấy thiếu sót của riêng mình:

- Đã hai đời rồi không biết chi. Ngày hôm ni vong linh... Ông để lại cho cháu chắt "cái Tâm". Ai dạy bảo như ông? Ông ơi, giấy rách phải giữ lấy lề... Cháu ráng cho thằng con ăn học. Chữ nghĩa của ông... Lòng dạ của ông... Ông ơi!

Anh bạn ấy khom mình xuống nhận lấy ở tay tôi chuyển lại mấy tờ giấy mong manh như tơ nhện vật vờ. Chập chúng vào hai bàn tay trước ngực, không kịp bước tới giữa bàn thờ, anh chỉ đứng đó nhắm mắt lại quay về quá vãng, với "cái Tâm".

Tôi ôm... hai cái mo cau rúm ró vào lòng. Giữa lòng tôi nôn nao tựa hồ dòng thời gian đang chảy ngược qua đây vang vọng... Hiện ra chập chùng từng hình ảnh và dạng người như sương khói. Giây phút không làm sao phân biệt nổi từng hình ảnh nào đã thuộc về quá khứ? Và, hình ảnh nào đang còn trong hiện tại...?.

Mấy tháng sau, như đã bàn, đã nói thật nhiều với nhau trong ngôi nhà xưa cũ ấy. Nhân ngày kỵ giỗ ông ngoại, lần đầu tôi tổ chức ở quê ngoại của mình với đông người tham dự, sự giúp đỡ tận tình của anh chị giáo viên bạn hữu thân tình. Gia đình tôi tề tựu về đây. Phía anh bạn mới - chủ quán cắt tóc - có đầy đủ vợ và con trai, một sinh viên tuấn tú. Vườn cau nhà ông ngoại bỗng chốc sáng lên không khí khác thường.

Chúng tôi cùng hoàn thành một ngôi mộ đơn sơ cho người nghĩa sĩ năm xưa, cũng là người thầy truyền nghề cho ông ngoại. Một ngôi mộ đúng nghĩa với đầy đủ phần di thể từng tách biệt đã nhiều năm... Cho dù, các phần ấy nằm ở đâu đi nữa thì mảnh hình hài và thủ cấp của ông Câu cũng không ra ngoài... lòng đất mẹ! Và, cho dù khi đã "cải táng" ngôi mộ "sành" vùng Cống Chém để tận mắt nhìn, đem chiếc vại ấy lên cùng "hiệp táng" nơi đây. Tất cả cũng không còn gì, chỉ là những nắm đất mà thôi!

Bây giờ thì "nấm ông Đoạn" trong mảnh vườn cau này không còn là "Đoạn" nữa, chính thức thành ngôi mộ thứ hai, cạnh mộ của mợ tôi. Xin hãy để cho danh xưng đầy đau buồn tiêu tan theo mây khói...

Cuộc vui tiếp theo, khi lễ kỵ chính vừa xong. Giữa những tiếng chúc mừng nhau, thăm hỏi xôn xao... Tôi lại đứng lên bên người bạn mới của mình, thật trịnh trọng, trước nói lời chân thành cảm kích, sau nữa để một cách đầy đủ hơn thỏa mãn yêu cầu chung của bạn hữu thân tình... Quả đồng chùy tóc bện và mo cau mang di cảo trước mặt mình, chúng tôi lại bắt đầu câu chuyện./.

(Thành nội Huế - tháng 1 đến tháng 3-2000)
Trần Hạ Tháp


 [  Trở Về  ]