Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

Hành trình và khoảng cách 

truyện ngắn: Trần Hạ Tháp

1/

Không quen biết nhưng gã và tôi có số ghế sát nhau trên một toa tàu lửa. Suốt chuyến đi, tay chân luôn va quẹt và nghe rõ cả hơi thở song chẳng ai nói gì với ai. Cứ thế, cho tới khi tôi vớ được tờ báo cũ do người ta bỏ lại.

Tôi miệt mài đọc còn gã bật ghế ngả lưng. Xế trưa, sắp tới một nhà ga lớn... Gã vươn vai đứng dậy, lần lượt thò tay vào các thứ túi quần. Một cách tỉ mẫn, tất cả được gã lộn trái kéo ra ngoài, phủi phủi cho rơi sạch bụi cát. Gã không đẩy vào như cũ, cứ để chúng lòi hẳn ra. Bình thản, hắn ta khoanh tay trước ngực chờ đến lúc con tàu dừng bánh.

Ngồi trên toa chờ chạy tiếp, tôi nhìn qua cửa sổ thấy rõ cái dáng đi ung dung của gã khi xuống tàu.Với chút ít hành trang, hắn ta có vẻ ổn giữa dòng người xuôi ngược. Hẳn con người ấy đang tự tin vào phong cách tân trang.

Hiện thực đến quái dị, gã không còn sợ kẻ gian quấy nhiễu? Cũng nên kể là một chiêu thức trong túi khôn thời đại. Đã từng nghe đâu đó nhưng tôi chưa tận mắt như lúc nầy.

Ồ, sao gã không thực hành luôn khi sửa soạn lên tàu, trước nhỉ...? Mà là lúc xuống tàu, sau hành trình đầy cô đơn tù túng? Tôi xếp báo, bỗng dưng tự bật cười. Lắm khi chậm muộn về nhận thức vẫn còn rất đáng quý. Nhất là chậm muộn vì hạn chế nhân thân hoặc do địa vị mỗi con người quy định.

Tiếng còi tàu, tiếng loa phóng thanh lại vang lên. Bây giờ thì ghế trống bên cạnh tôi đã có hành khách mới. Một thanh niên lòng thòng ear-phone lên tàu, tóc nhuộm loay hoay cùng laptop trên tay.

Chàng ta mãi rung đùi, đôi lúc ngó phớt qua đầu mọi người tựa như luôn cập nhật cái thế giới không hề nằm trong mặt phẳng ảo trên tay.

Quả thực tôi may mắn vì chưa thả tờ báo cũ vào thùng rác lúc người quét dọn đi qua. Chiều, tôi mới xuống một nhà ga tỉnh lẻ.

2/

Ở lại nhà Th đúng hai hôm, tôi sửa soạn quay về. Sáng nay, hắn dậy sớm bỏ đi đâu một chốc rồi lui lại, đèo tôi. Quán cà phê cóc quen thuộc.

Dựng chiếc xe ôm cà tàng dưới gốc cây vệ đường, Th lột mũ lưỡi trai nhàu nát thảy lên gương chiếu hậu. Hắn nhếch mép khôi hài khi tôi diễn dịch dùm rất đạt "Dấu hiệu vẫn sẵn sàng tiếp thị".

Quán cà phê xa trong hẻm, hai đứa lặng im bước vào. Th lôi ra mấy ghế nhựa lùn. Hai cà phê đá và một buổi mai còn sương mù đây đó.

Hắn đưa tấm vé ra, chùng giọng xuống "Tám giờ". Tần ngần hồi lâu, tôi buột miệng "Tám giờ". Bao ny lon có hai nắm xôi chưa ai ăn, vẫn y nguyên trước mặt.

Khi đã đứng trước nhà ga tỉnh lẻ, Th đưa bao ny lon ra trước mặt, nói to "Đi đường xa đói bụng". Tôi lắc đầu "Mi đứng gốc cây ăn". Hắn mở bao ny lon lấy xôi ra, cự nự "Mi ăn, tau ăn". Tôi bật cười "Con nít".

Nhìn Th chia phần, nhớ thuở xẻ đôi cuốn kiếm hiệp dày, cùng gầm đầu đọc chui trong giảng đường Văn khoa... Tôi trợn mắt cau có "Mỗi đứa chỉ nửa lóng tay, không ăn gian". Th ngớ người ra, cười khục khục "Tau không đeo kính cận. Tau đọc mau hơn mi. Mi phải mỏng. Tau dày".

Hai đứa bỗng nhiên ngó đâu đâu, thật lâu không hề nói. Hơi nóng còn trong bao ny lon. Tôi bùi ngùi bóp mạnh. Nắm xôi lòng bàn tay gần bẹp dí. "Ừ, mi một tau một". Hắn ngó lơ qua chỗ khác, nhìn lên trời thì thầm như niệm chú "Cục xôi thay nửa cuốn Kim Dung".

Bỗng tiếng lọc cọc rê tới gần, một giọng khô khan đầy mệt mỏi "Về tới huyện mười ngàn, không đi thì thôi" . Giọng trẻ hơn mai mỉa "Mua xe lăn đi đỡ tốn" . Chiếc nạng gỗ lùa qua, người cụt chân huơ huơ ca nhựa, buồn rầu "Làm rẫy đạp mìn, lên tái khám". Tôi đẩy Th "Mi đi đi, tau về".

Th thả cục xôi vào ca nhựa trước mặt, nổ xe cho người chống nạng leo lên. Mấy tên xe ôm hằm hè ngó theo chưởi túa "Gần hai chục cây. Mười ngàn hút nước ao lên chạy. Mẹ... Nhân đạo là tự sát". Th đưa một tay về phía tôi vẫy vẫy. Hắn la to trước khi vù khuất dạng "Sang năm, về giỗ chạp...".

Đêm hôm qua, hai đứa nằm gác chân nhau chuyện vãn cuộc đời. "Hiểu và sống được theo cái hiểu là khoảng cách một quá trình văn minh hoá". Tôi đồng ý "Và, hành trình nào mang thực nghĩa văn minh, hành trình ấy phải xoá dần đi khoảng cách". Hắn lại gật "Ngược lại là man rợ, là bồi thêm cho khoảng cách bán khai". Hai đứa vùng dậy vét thêm gần xị rưỡi, uống không mồi cho tới lúc tàn canh.

Hắn đi rồi, tôi vào ga sớm. Sát dưói chân, con đường sắt lạnh lùng chạy ngang qua xa tít tắp. Một mình ngồi xuống lấy xôi ra. Tôi chưa đói nhưng ăn vì hơi ấm giữa bàn tay.

3/

Giấc ngủ vùi sau mấy ngày đi xa khiến ý niệm thời gian nhão ra, chùng hẳn xuống. Tôi thức giấc không rõ đã mấy giờ. Đêm vẫn còn khuya chăng?

Bật đèn, tôi thấy tờ giấy để xiên trên bàn viết "Em về, có ghé anh không gặp. Họ tộc đã sẵn sàng đợt trùng tu gia phả. Các cụ xưa quy tiên hết, không có anh khâu đọc dịch sao đây?. Hẹn gặp anh. Em Phú".

Thằng em họ, ở Pháp. Việc trùng tu gia phả do tôi đề xuất từ lâu và Phú cũng đã từng hưởng ứng. Tưởng hắn rồi sẽ quên, đột ngột...

Tiếng chim hót bên ngoài cây nhãn, trời sáng. Vợ tôi pha bình trà cùng thuật chuyện của nhau "Chú Phú bàn chuyện lâu. Lạ. Chuyên hỏi mấy cái chưa từng nghe ai nói... Các danh vị đứng đầu họ tộc như ngài Khai canh, ngài Khai khẩn, khác nhau ra răng? Nói, thằng con làm luận án dân tộc học, rất muốn nhờ các bác chỉ cho. Nhiều cái, chuyện dòng tộc chú nớ không biết mô mà nói".

Tôi sửng sốt vừa buồn cười "Chậm hơn không. Lẽ nào chỉ biết Đông biết Tây còn kiến thức về Tổ tiên mình, cháu con chờ học lại ở người ta".

Vợ tôi kể "Chú ấy bay về Tân Sơn Nhất, lần ni ra quê lại ưa đi tàu lửa. Thằng con năm sau, cũng cứ rứa mà về".

Soạn xách tay, tôi lấy tập bản thảo Th gửi gắm, trịnh trọng đặt lên bàn. Nó ố vàng héo hắt. Nhưng tôi tin, tâm hồn người ôm ấp không như cái vóc dạc bên ngoài, từ góc nhìn thời đại. Mỗi người là một cuộc hành trình. Nếu không, cuộc sống chỉ còn là cơn lốc quay cuồng theo cơm áo.

(thành nội Huế - tháng 4/2013)
Trần Hạ Tháp