Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Truyện ngắn
DẤU CHÂN TRÊN CÁT

Trần Văn Khang

(Danh tánh các nhân vật trong câu chuyện nếu có sự trùng hợp ngoài đời, 
chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết)
1
Anh là một họa sĩ nghèo, 23 tuổi, mới tốt nghiệp trường Mỹ Thuật được một năm. Anh chưa có tác phẩm nào được sự chú ý của những người sưu tầm tranh hay của giới hội họa. Những bức tranh anh vẽ, được bán với giá khiêm tốn tại các tiệm tranh, các phòng trưng bày tại Sàigòn. Anh sống trong một xóm nghèo thuộc thị xã Biên Hòa.

Anh tên Triều, yêu mến biển cả, nên dùng bút hiệu Hải Triều ghi dưới những bức tranh của mình. Mùa Hè năm ấy, anh dùng chiếc xe gắn máy đã cũ, mang theo hành trang nhẹ, thêm dụng cụ cùng giá vẽ loại có thể xếp gọn, một mình đến Bãi Sau của Vũng Tàu. Anh mướn một góc nhỏ trong căn nhà đơn sơ của một ngư phủ nghèo, rồi hàng ngày ra bờ biển, vẽ tranh... Anh chú ý đến một thiếu nữ, nàng hay đi biển với mấy người em. Đôi khi vào buổi chiều, nàng thong thả dạo bước một mình trên bờ cát. Là một họa sĩ, anh quan sát nhân dáng nàng. Khuôn mặt thanh tú, ngây thơ học trò. Chiếc cổ dài và thon. Đôi chân đẹp, hai bàn chân gót nhỏ. Anh liên tưởng đến thơ văn người xưa, thường ví bước đi của người phụ nữ đẹp là những bước trổ ra những đóa hoa sen. Với chân không, cô gái đi với dáng đẹp dịu dàng trên bờ cát, rồi trên vùng cát nhỏ bên ghềnh đá. Anh thầm ước ao được nàng làm người mẫu cho một bức tranh của mình.

Thế rồi một buổi còn chút nắng chiều, nàng dạo biển. Một làn gió làm bay chiếc nón rơm rộng vành che nắng của nàng. Chiếc nón đẹp tình cờ dừng ngay bên giá vẽ của anh. Vì thế anh và nàng quen nhau. Nàng ngắm nhìn bức tranh đang được anh phác họa và khen tranh đẹp. Nàng hỏi, giọng ngây thơ:

- Là họa sĩ, anh thích vẽ những gì?

Anh trả lời, thật vui vì có dịp nói về lãnh vực của mình với một cô gái đẹp dễ thương, anh may mắn được quen:

- Tôi yêu mến biển, mùa hè ra đây để vẽ tranh. Vẽ cảnh biển lúc sáng ban mai. Vẽ dân chài thuyền lưới ra khơi. Ghềnh đá xanh, với mây trời, chim hải âu... Cảnh sinh hoạt nơi bờ biển. Một hai em bé chơi cát. Vài thiếu nữ dạo biển đó đây. Hoàng hôn trên biển... Nhưng nơi phòng vẽ tranh tại nhà, tôi vẽ cả tĩnh vật và chân dung... Tôi không có xu hướng vẽ tranh trừu tượng, tranh lập thể hay tranh theo trường phái tượng trưng.

Anh khen nàng có dáng đi và đôi chân thật đẹp.

Quen nhau ít ngày, Triều được biết nàng có tên là Ngọc Quỳnh. Cha nàng là một doanh nhân ở Sài Gòn. Nàng mới đậu xong Tú Tài, được cha mẹ cho đi nghỉ Hè cùng các em một tháng tại đây. Mấy chị em đang cư ngụ tại một phòng rộng có bếp núc, trong một khách sạn của một người bạn cha nàng. Có cả một chị giúp việc tin cậy đi theo, nấu ăn và săn sóc cho mấy chị em. Mấy ngày sau, anh dùng bút than đen, nhanh chóng vẽ tặng nàng một phóng ảnh chân dung, và vẽ sơ một bức nữa, hình ảnh nàng, anh giữ để làm kỷ niệm. Anh ngỏ ý, có dịp về Sài Gòn, xin nàng làm người mẫu cho anh vẽ một bức tranh thiếu nữ, tranh sẽ công phu hơn. Nàng nhẹ nhàng:

- Ba mẹ em nghiêm túc lắm, ít muốn em quen với bạn trai. Anh lại để tóc dài, hút thuốc lá hoài, em không dám để cha mẹ biết đâu, nói gì đến việc em làm người mẫu. Em hẹn anh, bỏ tóc dài đi, đừng hút thuốc nữa. Hè sang năm vào đầu tháng bảy, em sẽ gặp lại anh ở đây. Ba Mẹ nói có thể cả nhà sẽ cùng ra đây nghỉ Hè năm tới.

Hôm chia tay, anh và nàng dùng nước dừa trong một quán nước bên bờ biển. Một đôi vợ chồng người Âu, còn trẻ tuổi ngồi một bàn gần bên. Họ có hai đứa con, còn nhỏ chừng bốn năm tuổi, đang đùa chạy quanh mấy bàn trống trong quán. Ông chồng dáng dấp thể thao, gọn gàng. Bà vợ khuôn mặt đẹp nhưng khá đầy đặn, mập mạp, bà phải cân nặng trên 80 ki lô. Ngọc Quỳnh nói rỡn với anh:

- Anh Triều, nếu cô này làm người mẫu, anh có chịu không?

Triều kín đáo nhìn người phụ nữ ngoại quốc rồi nói:

- Nhiều người mập cũng có những nét đẹp riêng, như Dương Quý Phi của Đường Minh Hoàng ngày xưa. Nhưng cho hình ảnh phụ nữ đẫy đà, đem vào tranh nghệ thuật, khó có thể hấp dẫn người thưởng ngoạn.

Nàng không cho anh địa chỉ hay điện thoại để liên lạc, lấy cớ gia đình rất khó. Anh về Biên Hòa, cắt tóc ngắn, bỏ thuốc hút. Anh đổi bút hiệu là Triều Hoài Ngọc. Tranh anh vẽ ngày càng tiến bộ và bán khá hơn. Trong ba năm liền, vào tháng bảy Mùa Hè, anh lại ra Bãi Sau Vũng Tàu một tháng, vẽ tranh. Anh vẫn trông tìm lại hình bóng người thiếu nữ đẹp, gặp gỡ mùa Hè năm ấy. Nhưng ba năm qua rồi. Chờ mong, mỏi mòn. Anh không gặp lại nàng!

(Xin mời nghe tâm sự của người họa sĩ trẻ tình si qua bài nhạc Dấu Chân Trên Cát với 
các nối kết Music Video:   http://www.youtube.com/watch?v=xJaakLq1p0E
mp3, Music scores:    http://hathaykhongbanghayhat.org/node/8332    )
 

Dấu Chân Trên Cát

Hôm nao, em đi bước nhẹ
Trên bờ cát êm
Đôi chân gót nhỏ
Gieo từng đóa sen.

Hôm nao, em đi bước nhẹ
Bên ghềnh đá xanh
Đôi chân gót nhỏ
Ghi từng bước em

Hôm nao, em đi bước nhẹ
Khi chiều sớm buông
Đôi chân gót nhỏ
Anh còn vấn vương

Biết bao người đã bước trên bờ cát ấy
Sao anh tìm lại được dấu chân em
Biết bao người đã đến bên ghềnh đá đó
Lớp rêu xanh cũng đã nhạt mờ

Hôm nay, anh quay bước lại
Trên bờ cát xưa
Đôi chân đã mỏi
Mấy mùa nắng mưa

Hôm nay, anh quay bước lại
Bên ghềnh đá quen
Đôi chân dẫu mỏi
Vẫn tìm dáng em

Đôi chân dẫu mỏi
Vẫn tìm..., vẫn tìm... dáng em.

2
Ngọc Quỳnh sau mấy tuần nghỉ Hè thật vui năm ấy, nàng về Sàigòn, ghi danh vào Đại Học Khoa Học. Nửa năm sau, nàng được cha mẹ sắp xếp cho đi du học tự túc tại Pháp Quốc, cùng với một người chị họ. Sau một năm sống tại Pháp Ngọc Quỳnh quen rồi được gia đình đồng ý, cho phép thành hôn với một kỹ sư cơ khí trẻ tuổi, cũng người Việt, đang làm việc cho một hãng sản xuất xe hơi tại Pháp. Hôn lễ tổ chức tại Paris. Song thân Ngọc Quỳnh và các em đều sang Kinh đô Ánh Sáng tham dự. Trong gần bốn năm, nàng sanh được hai em bé rất dễ thương. Nàng sống thật hạnh phúc bên chồng, bên con.

Nhưng cuộc đời "không đẹp mãi như thơ". Gặp rủi ro trong một tai nạn xe hơi, Ngọc Quỳnh thoát chết nhưng bị tàn tật, hư hại nhiều nơi chân trái. Nàng đi đứng không bình thường nữa!

3
Sáu năm sau dịp gặp và biết Ngọc Quỳnh, Triều đã trở thành một họa sĩ có tên tuổi. Tranh của anh được trưng bày và bán với giá cao tại nhiều phòng triển lãm. Khách mua họa phẩm của anh thường là những người giàu có trong nước và cả khách ngoại quốc. Những nhà sưu tầm thường tìm kiếm tranh có những đường nét sáng tạo mới lạ. Triều chỉ ra Bãi Sau Vũng Tàu vào ba mùa Hè kế tiếp, sau khi quen biết Ngọc Quỳnh, để vẽ tranh. Không gặp lại người xưa. Những mùa Hè sau đó, một phần vì thất vọng, một phần muốn tìm quên lãng và tìm cảnh vật khác, anh ra Nha Trang, Mũi Né và Phú Quốc...

Hè năm nay, anh dự định đi Đà Nẵng vẽ những cảnh biển đẹp tại đây và vùng phụ cận như Lăng Cô, Sơn Trà, Mỹ Khê, Hội An... Mấy ngày trước khi lên đường, anh ghé lại một phòng bán tranh đường Lê Lợi, rồi qua một cửa tiệm trưng bày khác tại đường Lê Thánh Tôn, hai nơi có nhiều họa phẩm của anh. Cô Bích Liên, người tiếp viên duyên dáng của phòng tranh sau, vừa gặp anh đã vui mừng báo tin:

- Anh Triều! Hôm qua có một bà từ nước ngoài mua luôn hai bức tranh của anh. Bức Bên Ghềnh Đá và bứcTrên Bờ Cát. Bà ấy có vẻ ngưỡng mộ tranh của anh lắm. Bà còn định mua thêm bức họa Hoa Quỳnh. Ông chồng bà có lẽ không phải là dân sưu tầm tranh. Ông ấy nói hành lý nhiều rồi, đem theo tranh nặng nề thêm. Ngày mai hai vợ chồng còn đi Vũng Tàu.

Triều vội hỏi:

- Bà ấy người ra sao?

- Bà ấy đẹp, đi cùng với chồng, có cả hai đứa con còn nhỏ, thêm một bà giữ trẻ đi theo.

Từ khá lâu Triều biết Bích Liên, cô tiếp viên phòng triển lãm tranh này, có nhiều cảm tình với anh. Mấy tháng trước, anh vẽ tặng cô bức họa Thiếu Nữ Bên Hồ bằng phấn màu. Bức tranh có cô gái, bên một hồ sen, rất nghệ thuật. Bích Liên hãnh diện trưng bày bức họa tại phòng tranh này. Vài người hỏi mua, nhưng cô không bán, vì là tranh kỷ niệm.

4
Triều bỏ dự định đi Đà Nẵng, Hội An. Ngay hôm sau anh đi Vũng Tàu. Bây giờ Triều đã có chiếc xe hơi nhỏ. Anh vẫn ở Biên Hòa nhưng đã có nhà, khang trang hơn trước nhiều. Tới Vũng Tàu, anh mướn phòng ngắn hạn tại một khách sạn, gần bên biển, tại Bãi Sau.

Triều đặt giá vẽ ở nơi có kỷ niệm gặp gỡ năm xưa. Anh vừa phác họa tranh, thỉnh thoảng lại nhìn biển khơi, nhìn bờ cát. Anh lại có ý trông tìm một hình bóng..., tuy biết có thể là vô vọng. Đây là bờ cát, với nhiều dấu chân mới. Kia là ghềnh đá quen, chênh vênh, vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Chỉ khác là cảnh cũ, nhưng không thấy hình bóng người xưa.

Khá đông người đứng phía sau Triều, coi anh vẽ tranh. Vài người bàn tán nhỏ, đôi lời khen ngợi. Triều không phân tâm nhìn về phía sau. Chuyện những người du khách, dừng chân, xem họa sĩ vẽ tranh, đối với anh thường rồi. Nhưng Triều không biết rằng trong đám đông đang theo dõi đường nét vẽ của mình, có vợ chồng Ngọc Quỳnh. Bây giờ Ngọc Quỳnh chợt nhớ lại cuộc gặp gỡ người họa sĩ năm xưa. Ngày ấy, vì bận chuẩn bị gấp đi du học, rồi lấy chồng, Ngọc Quỳnh đã vô tình quên người họa sĩ và quên lời hẹn năm nào! Lời hẹn mà nàng đã vô tâm coi như một chuyện thoáng qua. Nàng thích tranh đẹp, yêu mến nghệ thuật hội họa nên ngày đó có đôi chút cảm tình với người nghệ sĩ tình cờ gặp gỡ. Năm xưa ấy, nàng chưa có một lời nói, một cử chỉ nào xa hơn tình bạn. Nhưng là con gái, thường rất tinh tế, nàng cảm nhận được tình cảm có vẻ thiết tha của Triều . Ngày đó, nàng còn quá trẻ, mới mười tám tuổi, chưa muốn vướng bận, phân tâm về tình yêu, khi chưa gặp "đối tượng" làm mình rung cảm, chưa gặp "người trong mộng". Sau này, nàng được những người bạn yêu hội họa ca tụng những tác phẩm của họa sĩ Triều Hoài Ngọc. Nàng chợt nghĩ tới người họa sĩ. Hôm qua, khi tìm mua tranh, Ngọc Quỳnh được cô bán hàng cho biết người họa sĩ Hải Triều, tác giả mấy bức tranh, đã đổi bút hiệu cả năm, sáu năm về trước. Nàng thấy bồi hồi. Nhưng nàng không hỏi thêm nhiều về người họa sĩ. Ngọc Quỳnh cũng không kể chuyện quá khứ, đã sáu năm qua đi, với chồng. Giờ đây, thấy người nghệ sĩ, tóc hết để dài, không còn hút thuốc, thoáng có nét phong trần già dặn hơn xưa, cô đơn ngồi vẽ, nàng bồi hồi hơn! Ngọc Quỳnh định đến hỏi han và trò chuyện ít câu cùng người quen ngày trước. Nhưng nàng ngập ngừng, suy nghĩ. Rồi nàng lặng lẽ cùng chồng, chậm chạp tiếp tục đi trên lối nhỏ, bên cạnh các hàng quán. Ngọc Quỳnh tự nhủ thầm. Bây giờ đã có gia đình. Một chân vì tai nạn, khiến đi đứng không bình thường. Còn đâu nữa dáng đẹp ngày xưa! Sanh đẻ hai lần, lại ít vận động vì tai nạn, hiện tại nàng đã nặng trên 60 ki lô. Thôi, chuyện xưa đã qua rồi! Nên để cho người nghệ sĩ giữ nguyên vẹn những hình ảnh đẹp, còn mãi trong tâm hồn...

5
Ánh sáng quan trọng trong hội họa. Khi mặt trời đã khuất, sau những hàng cây xa xa phía sau, Triều thu xếp giá vẽ và dụng cụ. Anh trở về khách sạn của mình.

Chiều tối hôm đó trời mát. Ngọc Quỳnh gửi con cho người giúp việc. Nàng vịn một bên tay chồng, đi chậm chạp từng bước bên bờ biển. Những dấu chân trên cát của nàng không còn đều đặn như xưa, không đẹp như xưa. Vì tật nguyền, lại thêm cân nặng, những dấu ấn của bàn chân bên phải sâu và đậm hơn bên trái...

Khoảng chín giờ sáng hôm sau, Triều lại ra chỗ cũ vẽ tranh. Thỉnh thoảng anh nhìn ra bờ cát xưa. Những dấu chân hôm qua đã được sóng biển và thủy triều ban đêm dâng lên, xóa hết. Lại có những dấu chân mới, sáng hôm nay, in trên cát. Rất vô thường. Đẹp hay không đẹp, vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ..., trong cuộc sống "chuyện gì rồi cũng qua đi", như những dấu chân trên cát. Triều nhìn những làn sóng lớn nhỏ, hàng hàng lớp lớp, hết đợt này tới đợt kia, xô vào bờ cát, rồi tan! Kể cả những bọt nước trắng xóa tung lên cao hay rất li ti dưới chân ghềnh đá. Anh tự triết lý với mình: những chuyện to tát hay nhỏ bé trong cuộc đời, cũng như những đợt sóng kia, rồi cũng vào quá khứ, vào quên lãng...

Triều chợt nhìn thấy Bích Liên, cô tiếp viên của tiệm trưng bày tranh đường Lê Thánh Tôn Sàigòn. Cô đang cùng bà mẹ và người em gái nhỏ đi bên bờ biển. Anh nhận ra Bích Liên cũng có thân hình và dáng đi đẹp, đôi chân thon gót nhỏ...

Triều qua cơn mê tình cảm. Ít nghệ sĩ như anh,"si" lâu đến thế. Anh đã ngộ, nhận ra hạnh phúc nhiều khi ở gần bên, trong tầm tay, đâu cần chờ mong tìm kiếm xa xôi...

Trần Văn Khang