Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

FRIEDRICH NIETZSCHE 
(1844-1900) 

Triết gia, nhà văn Đức gốc Ba Lan
cha đẻ thuyết Siêu Nhân

Cuộc đời của Friedrich Nietzsche là sự cô đơn và đau đớn, tác phấm của ông qua triết lý Siêu Nhân đã có ảnh hưởng rầt lớn trong thế kỷ thứ XX. (1)
Triết-gia và nhà văn Đức sinh ngày 15-10-1844, con một vị mục sư của một vùng thôn quê tỉnh Saxe thuộc nước Phổ (Prusse), ông tự nhận xuất thân giòng giõi quý tộc người Ba Lan bắt buộc phải chạy tỵ nạn qua Đức vì bị truy hại tôn giáo.
Năm 1858, F. Nietzsche theo học tại trường danh tiếng Schulpforta cho đến năm 1864.
Tiếp theo ông sang Đại Học Bonn học môn Thần học, đặc biệt là Triết học với giáo sư F.W. Ritschl. Khi vị giáo sư này giảng dạy tại Leipzig, Nietzsche bỏ học ở Bonn đi theo học tại Đại Học Leipzig .
Năm 1968 ông gặp nhà soạn nhạc nổi tiếng R. Wagner (1813-1883).
Năm 1869, với sự gởi gấm của Ritschl, lúc bấy giờ Nietzsche 25 tuổi, nên được bổ nhiệm chức vụ giáo sư triết học tại Đại Học Bâle, Thụy Sĩ.
Chức vụ này ông đã đảm nhiệm cho đến năm 1878 ; Năm sau đó ông tình nguyện gia nhập đơn vị cứu thương của quân đội Đức trong chiến dịch đánh Pháp nhưng vì sức khoẻ quá yếu kém đã bắt buộc ông phải giải ngũ trước khi chiến tranh chấm dứt.
Chịu ảnh hưởng tư tưởng của Schopenhauer và một số quan niệm thẩm mỹ của R. Wagner. Nhưng kể từ năm 1878 Nietzsche bất đồng tư tưởng với Wagner
Năm 1879 cũng vì lý do sức khỏe Nietzsche buộc lòng từ bỏ chức vụ giáo sư tại Đại Học Bâle để cống hiến toàn bộ thời gian vào công việc sáng tác.
Năm 1884 quyển Zarathoustra đã nói như vậy (Also sprach Zarathoustra) được cho ra mắt (2).

Bệnh hoạn lại thêm sự đau khổ trong đời sống tình cảm cá nhân (vào năm 1882, lời cầu hôn của ông với Lou Andréas Salomé không được chấp nhận), buồn nản ông lang thang tại các thành phố Venise, Gênes, Rome, Nice … Cơn bệnh ngày càng trầm trọng, năm 1889 tại Turin, một thành phố lớn của Ý, một cơn điên rồ đã quật ngã Nietzsche giữa đường phố, kể từ ngày đó ông đã được mẹ và chị ông, Elisabeth Foerster Nietzsche, chăm sóc tại Naumbourg và sau đó tại Weimar, nơi đây ngày 25- 8- 1900, F. Nietzsche qua đời.

Friedrich Nietzsche chỉ trích kịch liệt những giá trị cổ truyền, và khẳng định rằng tư tưởng thiên chúa giáo được thiết lập bởi giai cấp những người đang nắm quyền bính với mục tiêu : cưỡng chế người dân phải tuân phục theo họ.

Nietzsche trình bầy trong những luận cương của ông về sự đăng quang của một trật tự mới sẽ lật đổ hệ thống cổ truyền hiện hữu, trong trật tự mới đó ‘’siêu nhân‘’ (Ubermensch), chấp nhận một thái độ cá nhân chủ nghĩa, đối kháng với quần chúng. Ngoài ra ông khẳng định rằng con người không phải : thượng đế cũng không phải thực sự được làm sẵn mà nó là sự trở thành bởi thế (cũng giống như cuộc đời) sự sáng tạo luôn luôn được tân trang, trốn chạy không ngừng nghỉ về một sự kiện nào đó, để cũng lại luôn vượt qua.
Những công thức lớn của ông (ý chí của sức mạnh, sự quay lại vĩnh viễn, siêu nhân…) đã được suy diễn một cách mâu thuẫn thí dụ điển hình qua trường hợp cuá em gái ruột ông : Chính người em gái ông đã phản bội một cách cùng cực tư tưởng của Nietzsche khi lấy chồng, một người bài Do Thái (antisémite) để sau đó phục vụ cho phe Cực hữu và Đức Quốc Xã ; Elisabeth Foerster Nietzsche đã bóp méo ý nghiã những tác phẩm Nietzsche đã làm việc dở dang vào năm 1884, đặc biệt năm 1886, để phát hành dưới tựa đề La Volonté de puissance.
TÁC PHẨM CỦA F. NIETZSCHE :
· Sự khai sinh ngành Bi kịch (Die Geburt der Tragödie, La Naissance de la tragédie,1872.)
· Những nhận định không hợp thời (Unzeitgemässe Betrachtungen, Considérations intempestives, 1873-1876.)
· Người, quá người (Menschliches, Allzumenschliches, Humain, trop humain, 1879-1886).
· Rạng đông (Morgenröte, Aurore, 1880-1881).
· Sự hiểu biết vui vẻ (Die fröliche Wissenschaf, Le Gai savoir, 1881-1882).
· Zarathoustra đã nói như vậy (Also sprach Zarathoustra, Ainsi parlait Zarathoustra, 1883- 1885.
· Bên kia cái Tốt và cái Xấu (Jenseits von Gut und Böse, Par-delà le bien et le mal, 1886).
· Phả bệ học của luân lý (Zur Genealogie der Moral, La Généalogie de la morale, 1887).
· Hoàng hôn của những thần tượng (Götzendämmerung, Crépuscule des idoles, 1888).
· Nietzsche chống lại Wagher) Nietzsche contra Wagner, 1888.
· Trường hợp của Wagner (Der Fall Wagner, Le cas Wagner, 1888).
· Kẻ chống Chúa (Der Antichrist, L'Antéchrist, 1888).
· Ecce Homo, 1888
(1) Siêu nhân là người không thừa nhận tất cả những giá trị hiện tại.
Theo Nietzsche thì tôn giáo hay đạo đức chỉ do con người bày ra, chỉ làm trở ngại cho sự phát triển trên đường chinh phục của siêu nhân. Bởi vậy siêu nhân chỉ có cách là đạp đổ tất cả những trở ngại đó.
(2) Sự Hiểu biết vui vẻ (Die fröliche Wissenschaf, 1881-1882) và Zarathoustra đã nói như vậy (Also sprach Zarathoustra, 1884). Die fröliche Wissenschaf, xem như là quyển mở đầu cho Also sprach Zarathustra. Ðây là cuốn sách căn bản Triết học của Nietzsche. Trong đây chứa tất cả những tư tưởng của siêu nhân. Thiên Chúa giáo đã chế ngự thế giới mấy ngàn năm, và giờ đây chúng ta phải tự giải thoát lấy. Ðể sáng tạo lại thế giới, chúng ta phải là những đứa bé, là những vị thần... Zarathoustra sau 10 năm suy nghiệm trên núi đã tìm ra chân lý và xuống đồng bằng vào các đô thị để truyền bá tư tưởng của mình. Zarathoustra khuyên mọi người hãy sống trong hiểm nguy, sống sát núi lửa Vesuve, sống trong chiến tranh và hãy sống với quả đất này.


Trở Về  ]