Chim Việt Cành Nam            [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]                 [ Tác giả ]

 
Ơn Nghĩa Sinh Thành

Việt Hải

Với mọi người chúng ta ai sinh ra đời cũng có một người mẹ. Mẹ là hình ảnh gần gũi nhất khi người con mới chào đời và mẹ mang con trong bụng mình 9 tháng 10 ngày với bao vất vã, khổ cực thì sự liên hệ kỳ diệu giữa tình mẫu tử qua ống nhau truyền sự dinh dưỡng để con của mẹ được tượng hình khôn lớn. Cái hình ảnh ban sơ chặt chẽ đó đã tạo gắn bó giữa tình mẫu tử, cho thấy sự bao la của lòng me. như bài hát của nhạc sĩ Y vân:

"Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu."

Ca sĩ Thái Hà

Ca sĩ Thái Hà cho tôi biết là cô đang cố gắng thực hiện một buổi đại nhạc hội vinh danh hình ảnh người mẹ qua chủ đề Ơn Nghĩa Sinh Thành. Tưởng cũng nên biết Thái Hà tốt nghiệp MBA về tài chánh tại Canada, bên ngoài việc làm để sinh sống cho một ngân hàng, cô rất quan tâm đến vấn đề xã hội, những việc làm của cô được ghi nhận cho trẻ mồ côi, cho trẻ em tàn tật, những anh thương phế binh,... nói chung là những người cần sự giúp đỡ. Những khổ đau xã hội bao giờ cũng cần những con tim nhân ái trong đời sống. Cô có ý thích ca hát từ tuổi thơ ấu và cũng là dưỡng nữ của nữ danh ca Thái Thanh. Hiện nay Thái Hà và Ý Lan có những công tác từ thiện, bác ái giúp đỡ người khốn khó. Và khi tổ chức buổi đại nhạc hội này không ngoài việc thực hiện những ước mơ về xã hội của Thái Hà. Tiền gây quỹ sẽ trợ giúp cho xã hội, trong mục tiêu lý tưởng phước thiện, mong rằng sẽ có những cha già bệnh hoạn hay những bà mẹ khổ đau được giúp đỡ. Câu chuyện về người mẹ một mắt tôi đã đọc, nội dung thật xót xa, tác giả là một người trí thức Mã Lai được người mẹ nghèo hèn nuôi dưỡng khôn lớn, rồi được học bổng sang Singapore du học, xong ông định cư luôn tại Singapore vì mặc cảm mẹ mình xấu xí chỉ có một mắt. Ngày xưa đi học tại Mã Lai bạn bè chế nhạo mẹ anh là người đàn bà quái gỡ, chỉ có một mắt. Anh thú nhận anh mặc cảm về mẹ mình, anh cảm thấy xấu hổ muốn trốn khỏi để xa lánh bà. Tác giả kể lại:

"Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: "Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!".
Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore .
Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore . Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.

Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: "Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Ði khỏi đây ngay!". Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời     "Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ !" và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?

Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo. Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:

"Con yêu quý,
Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.
Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..
Mẹ yêu con lắm,
Mẹ...".

Bài viết cho thấy sự tai hại, hiểu lầm của người con đối với người mẹ vĩ đại đáng thương. Sự vĩ đại của tình hiền mẫu như nhạc của Dương Thiệu Tước mô tả:

"Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Anh ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ

Công ai nuôi dưỡng.
Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra"

Tôi cảm động theo dõi nội dung cốt truyện đầy đặc tính nhân bản nghe như hồn rơi lệ. Giòng lệ chứa chan tình yêu của người mẹ hy sinh tất cả một kiếp người, và tất cả sao cho cuộc sống của con mình được hạnh phúc. Và tôi suy nghĩ về tận cùng cái giá trị đích thực của tình yêu bao la của người hiền mẫu, chính vì nhận thức được cái kỳ quan của đời sống này ở trái tim của người mẹ hiền. Mẹ hiền ơi! Người xứng đáng nhất để nhận đóa hoa yêu thương cho những năm tháng dài khổ lụy để tạo hình hài người con được hạnh phúc.
Người thanh niên trong câu chuyện ý thức được người mẹ tuyệt diệu trong muộn màng, đó là cuộc sống và tình yêu bao la mà người hiền mẫu đã hiến dâng trái tim mình cho cuộc sống của người con ngay từ tấm bé.
"Người ơi,làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân.
Vì đâu, anh nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai, mà có ta??
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra"

(bài Ơn Nghĩa Sinh Thành)

Tôi đọc tin tức về một câu chuyện rất thương tâm khác của một bà mẹ người Nhật, bà 40 tuổi, đã tình nguyện hiến dâng 2/3 lá gan của mình cho đứa con gái 10 tuổi bị bệnh gan bẩm sinh từ lúc lọt lòng. Em bé gái đã một lần nhận gan từ người cha nhưng không thích hợp nên đã tạo ra những biến chứng đau đớn cho em, thường thì tỷ lệ hợp đối với người đồng dòng máu khá cao. Lần này sau khi nhận gan từ người mẹ, tình trạng sức khỏe của em bé khả quan. Nhưng sức khỏe của người mẹ lại bị suy sụp nặng tới độ bị hôn mê, phủ tạng rối loạn, áp huyết tăng cao. Các bác sĩ đã cố gắng chạy chữa, ghép cả một gan người đàn ông khác 30 tuổi cho bà, nhưng sau 9 tháng chống chọi với tử thần bà đã qua đời. Người con sống bằng sự hy sinh sinh mạng của mẹ mình thật là kỳ công thiêng liêng nhất trong tình thương mẫu tử. Sự hy sinh của người mẹ rất đúng ý nghĩa bao la như trong câu: "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

Thế nên quả không ngoa khi ta nói công đức của mẹ hiền như non cao cũng chưa tương xứng:

"Ai rằng công mẹ như non
Thực ra công mẹ lại còn lớn hơn".
Những bậc cha mẹ là những tấm gương hy sinh cao cả vì con cái, họ đã can đảm bảo vệ con cái trong những hoàn cảnh hiểm nghèo nhất, dù là loài vật hay nhân loại. Người ta không khỏi có những cảm nhận ngậm ngùi khi theo dõi một chương trình truyền hình về thiên nhiên, ống kính truyền hình đã ghi nhận được thước phim thật xúc động, khi một con gà mái can đảm chống chọi với một con diều hâu ác độc, đang đe dọa tính mạng của đàn gà con. Gà mái đã chiến đấu tới cùng với diều hâu để bảo vệ con mình, nhưng cuối cùng gà mái đã thua cuộc, và bị diều hâu xé xác.

Nói tới ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của phụ mẫu sâu rộng tựa trời biển. Văn học Việt Nam có vô số những áng thi văn diễn tả ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ. Công nuôi dưỡng của cha, ơn mang nặng đẻ đau của mẹ, sự đáp đền của phận làm con nên được làm trong ý nghĩa báo hiếu:

"Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang"
Công mẹ không những chỉ mang nặng, đẻ đau mà còn được tượng hình qua hình ảnh sâu đậm của mẹ thật vô biên như trời biển, từ khi bú mớm cho đến lúc nhai cơm lừa cá cho con:
"Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương".
Từ miếng ăn đến giấc ngủ, từ giọng hò đến điệu ru con vào giấc ngủ và dỗ con được nâng niu trong tình thương ấp ủ của mẹ hiền:
"Con ơi, con ngủ cho ngon
Để mẹ đi gánh nước non tang bồng"
Câu trên ám chỉ tình thương nào mẹ đã dành cho con, và tình thương nào mẹ Việt Nam dành cho xứ sở nữa. Hình ảnh về Hòn Vọng Phu, về nàng Tô Thị, về những nữ nhi anh thư trấn giữ bờ cõi như Triệu Trưng sáng ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam . Do vậy, phận làm con khi được nuôi dưỡng lớn khôn hãy giữ đạo hiếu, nhớ ơn cha mẹ qua câu ca dao:
"Đêm đêm ra đốt đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con".
Bổn phận làm con qua ca dao đầy ắp trong dòng suối phong hóa quê hương, ta hãy nghe:
"Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con".

Ý Lan và Thái Hà

Thăm nom, quan tâm lo lắng cho cha mẹ là bổn phận thiêng liêng của người con, văn hóa nào cũng đề cao vai trò này. Ngày Lễ Hiền Mẫu hay Mother's Day là dịp nhắc nhỡ mọi người con về ý tưởng Ơn Nghĩa Sinh Thành. Năm nay Đại nhạc hội tại Montreal do Thái Hà tổ chức hẳn mang ý nghĩa đặc biệt với những hình ảnh đẹp đẽ nhất của mẹ hiền được vinh danh.

Tôi xin cầu chúc Thái Hà thành công trong công tác từ thiện và văn hóa mà cô đã ôm ấp từ lâu.
 
 

Việt Hải (Los Angeles)


bấm vào đây để nghe  bài hát  ->[ cho em quên tuổi ngọc / tác giả : Lam Phương - trình diễn : Thái Hà ]
 


www.emmocoivn.com
www.camonanh.blogspot.com



 [  Trở Về   ]