Chim Việt Cành Nam           [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]                 [ Tác giả ]

 
Thung Lũng Tình Yêu
Việt Hải
Phi lộ:

Việt Hải xin cám ơn nhà văn Quang Hành HVĐ đã đọc bài cho thơ cảm đề:

"Mênh mang bát ngát hải hà
Bụi trong nước đục lỡ làng tình duyên"
Một cuộc đời trôi vào dĩ vãng, một chuyện tình lỡ chìm sâu vào Thung lũng Tình yêu. Có những đáng yêu và đáng nhớ trong tâm hồn tôi.
Gửi các bạn San Fernando Valley: Dương Viết Điền, Peter Morita, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Tấn Pháp, Lâm Xuân Quang, Lâm Quốc Dân, Nguyễn Đình Phú, Nguyễn Khánh Hồng, Phong Vũ, Mười Trương, Lê Thế Bằng, Phạm Khanh,  Nguyễn Đại Nghĩa, và...
VH.

San Fernando Valley nhìn từ xa







Thung Lũng Tình Yêu

"Gọi gió lên thung lũng hồng, mây trôi bềnh bồng.
Hạt nắng lung linh tím dần, mông mênh thu vàng.
Còn đó em yêu dỗi hờn, long lanh lệ buồn.
Còn đó sương vây kín đầy, cho tình ngất ngây.

Tình xa trên thung lũng hồng,
Tình nhớ trên thung lũng hồng.
Ngàn sau rồi sẽ khóc thầm,
Tình yêu vụt theo lời gió.

Tình xa trên thung lũng hồng,
Tình nhớ trên thung lũng hồng.
Ngàn sau tình cũng lỡ rồi,
Tình yêu vỗ cánh mà đi..."

Tôi chăm chú lắng nghe nhạc phẩm yêu đương nói về cái thung lũng đáng yêu trên Đà Lạt mà nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đặt là thung lũng hồng, giọng ca Khánh Ly vẫn du dương tiếp diễn trong khi hai anh em chúng tôi vẫn bàn luận về một cái tên để Việt ngữ hóa tên Mỹ của cái thung lũng bao la, rất đáng yêu, mà trong đó có nhiều vùng đồi núi trùng điệp, những con dốc thiên nhiên khúc khuỷu, cong quẹo như Đà Lạt ở quê nhà, rất dễ thương, tôi muốn đặt nó như tựa bài ca này, nhưng anh thi sĩ Hạ Ái Khanh lại đề nghị tên là "Thung Lũng Tình Yêu" vì nhiều bạn bè anh trước đây, đến nơi này họ gặp ngỡ nhau và yêu nhau tại đây. Tôi không mảy may từ chối, vì tôi đã bỏ lại con tim lại nơi đây một tình yêu tuyệt vời trong đời. Hơn nữa màu hồng vốn dĩ tượng trưng cho tình yêu, chúng tôi đồng ý cái thung lũng tên Mỹ này qua tên ưu ái là Thung Lũng Tình Yêu (TLTY). Cái không gian TLTY thật dễ thương và êm đềm của vùng đồi núi từ Universal City, qua Sherman Oaks, Encino, Tarzana, Woodland Hills, Calababasas, Agoura Hills, Hidden Hills, bọc về Chatswoth, Northridge, Mission Hills, North Hills, Burbank, Glendale, rồi vòng về North Hollywood để giáp với Universal City nơi có phim trường nổi tiếng Universal Studios. Thật vậy, TLTY hay SFV tạo ra không biết bao cuộc tình đến rồi dừng chân hay trong một bối cảnh khác đến rồi chia tay. Tôi sắp viết ra đây một chuyện tình của tôi tại nơi được bao quanh bởi nhiều đồi núi thơ mộng, bởi nhiều kỷ niệm khó quên, như tựa đề màu hồng của sự gắn bó không nguôi của chuyện này.


Thung Lũng Tình Yêu

"Thiên lý ơi, con che tờ báo cho đỡ chói nắng và đứng đây để mẹ về lều lấy nón cho con nhé", tôi khẽ chào người phụ nữ xinh xắn xếp hàng vào mess hall đứng kế sau tôi đang dặn dò cô con gái nhỏ của nàng, tôi đoán có lẽ cháu không hơn 6 tuổi. Tôi bảo nàng cứ đi đi tôi giữ chỗ và trông chừng giùm cháu cho nàng. Người phụ nữ có đôi mắt đen huyền tròn xoe qua ánh mắt cho thấy sự biết ơn của nàng đối với lời đề nghị của tôi.

Tôi bắt chuyện làm quen với Thiên Lý: "Cháu ở trại mấy ?"

Cháu nhỏ nhẹ đáp": "Dạ, trại 4"

Tôi hỏi tiếp: "Chú cũng ở trại 4 ngay gần căn đầu ra mess hall này. Thiên Lý sang chỉ có mẹ thôi à?"

Cháu lại đáp: "Ba bị kẹt lại, chỉ Mẹ và con đi thôi"

Khi hàng lãnh cơm trước mess hall bắt đầu dài hơn, tôi bảo Thiên Lý ra đứng trước tôi. Mẹ Thiên Lý trở lại và nàng cảm ơn tôi. Hai mẹ con Thiên Lý lấy xong thức ăn ra bàn ngồi và khi tôi cầm điã cơm đi ngang mẹ Thiên Lý mời tôi ngồi chung ăn cho vui. Tôi đồng ý và đặt phần ăn trưa xuống bàn. Vừa ăn chúng tôi trao đổi những mẩu chuyện sơ giao về đời sống tại trại tị nạn Orote Point bên Guam và trại Pendleton này. Tôi hỏi tên nàng.

Nàng cười e ấp trả lời: "Mai hay Lệ Mai".

Tôi đáp lời: "Tên cô đẹp lắm, Mai là loài hoa quí mà người ta chưng vào dịp tết, cho ngày vui đầu năm. Còn Lệ là đẹp, cũng có thể là e ấp, là thẹn thùng, là mắc cỡ. Lệ cũng là nước mắt, đúng không ?"

Mai trả lời: "Thú thật Mai chưa bao giờ nghỉ đến ý nghiã tên mình, có thể vì lớn lên với nó, mình thấy quá quen thuộc và ít khi thắc mắc hay tìm hiểu nó nữa cho đến khi anh hỏi và được anh phân tích luôn ý nghĩa. À, anh đi một mình sao ?"

"Vâng, tôi đi chỉ một mình và vì một mình nên dễ đi hơn !", tôi trả lời với câu nói bao hàm nhiều ý nghiã mông lung pha chút dí dỏm.

"Nếu anh độc thân thì ông bà cụ, anh chị em có ai đi không ?", Mai thắc mắc.

"Ông bà cụ tôi lớn tuổi rồi và ở miệt Cần Thơ, tôi không nghĩ ông bà đã ra đi, nhưng cậu em trai trong đơn vị hải quân đóng ở Vũng Tàu có thể ra đi. Mấy hôm nay tôi thường ra phòng thông tin dò la tin tức hay nhắn tin cậu ấy, nhưng không có tin tức gì cả", tôi trả lời nàng.

Nàng hỏi về tôi và ước mơ về tương lai sau khi xuất trại. Tôi cho nàng biết khi xưa tôi có dịp tu nghiệp tại hai căn cứ không quân Lackland bên Texas và McClelland bên Cali. Tôi kể nàng nghe về Texas và Cali những tôi đã qua và đời sống tại Mỹ theo sự hiểu biết trong ký ức cũ tồn đọng của tôi. Nàng như bao người khác chưa từng đặt chân đến Mỹ nên không thể hình dung hay cảm nhận được đời sống ngoài trại tị nạn như thế nào và nàng rất băn khoăn, lo lắng về tương lai.
Tôi hỏi nàng tại sao ra đi có 2 mẹ con, Mai thoáng buồn trên mặt trả lời: "Anh ấy làm tại bộ Tổng Tham Mưu vì xếp kêu ở lại cố thủ. Hơn nữa mẹ ảnh không chịu đi, nên ảnh đưa mẹ con Mai đi trước".
Khi số người vô nhà ăn càng đông, tôi đề nghị ra về và nhường chỗ lại cho các thực khách khác vào sau đang đứng chờ bàn ghế ngồi. Tôi gom tât cả rác đem đi vứt và hẹn Mai buổi cơm chiều. Trên bước đường lưu lạc được gọi là di tản hay rồi tị nạn mà thực tế nó lại như chuyến đi nghỉ hè bất đắc dĩ vì mùa hè trong tháng 6 và tháng 7 từ hải đảo Guam đến vùng Oceanside, nam California có trại tị nạn Pendleton, có khí hậu nóng trong cái dịu của gió biển. Guam có bãi biển xanh chạy dài quanh hải đảo, khí hậu nhiệt đới tương tự như Nha Trang, như Phan Thiết của quê nhà... Oceanside tuôn gió mát vào vùng trại tị nạn Pendleton, nên kỷ niệm của tôi và Mai đã chia sẻ với nhau những tháng ngày bên nhau trong các sinh hoạt thường nhật của trại tị nan như làm thiện nguyện cho cơ quan Red Cross, như xem chung bên nhau những buổi ca hát, chiếu phim trong trại, những buổi cơm chùa trong các mess hall,... và dĩ nhiên gồm luôn những giây phút tâm tình, thủ thỉ có nhau.

Một hôm Mai thông báo cho tôi biết là nàng vừa được một gia đình Mỹ bảo lãnh ra tại vùng biển La Jolla, vùng ngoại ô thành phố San Diego, nàng vui vì muốn xuất trại định cư sớm. Tin nàng cho làm tôi chẳng vui, nhưng tôi cố che giấu bằng nỗi vui giả tạo khi chúc mừng nàng. Với tôi cuộc sống độc thân, chẳng có thân nhân, chẳng có gia đình thì ở đâu cũng vậy. Vả lại ở lâu trong trại này lắm lúc lại là nguồn vui, thoải mái, nên tôi chẳng vội vàng xin xuất trại. Mỗi ngày xếp hàng ăn cơm chùa, còn nếu đi làm thiện nguyện cũng giết được thì giờ nhàn hạ, rảnh rỗi.

Thế là nàng ra trại và thỉnh thoảng gọi vào trại thăm tôi. Mai cho biết gia đình bảo lãnh rất tốt giúp nàng tìm việc làm tại một ngân hàng địa phương như một bank teller, tôi lại chúc mừng cho nàng lòng tôi lại cô đơn thêm. Mai kể tôi nghe đời sống bên ngoài và khuyên tôi sớm xuất trại. Một ngày kia, cậu em của tôi từ trại tị nan Fort Chaffee, Arkansas được một nhà thờ thuộc giáo hội Mormon bảo lãnh ra thành phố Provo, Utah.. Từ đó cậu em tôi là Tiến tìm ra tông tích tôi và nhờ nhà thờ này kiếm người bảo trợ cho tôi. Em trai tôi khuyên tôi nên xuất trại vì sớm muộn gì các trại sẽ đóng cửa hết, hãy ra ngoài tìm việc làm, nhìn xung quanh trại mỗi ngày người ta lũ lượt xuất trại, người ta hoan hỉ vui mừng kéo nhau ra đi, số trại viên vơi dần, tôi siêu lòng Mai và em tôi sẽ từ bỏ những ngày ăn cơm chùa tại mess hall nơi đây.

Tôi đặt chân lên vùng đồi núi Woodland Hills lúc 6 giờ chiều mùa đông khi mặt trời đã lặn sau rặng đồi hùng vỹ từ hướng tây. Tôi được một gia đình Mỹ trẻ chiếu cố, nhận bảo trợ và họ lo cho tôi khá chu đáo. Ông bà bảo trợ là cặp vợ chồng trẻ, không con cái, tốt bụng, họ có nếp sống sung túc, nhưng rất đạo đức và có tôn giáo. Người chồng, John McIntyre làm kỹ sư âm thanh ánh sáng cho một hãng phim lớn tại Hollywood, người vợ Melanie McIntyre làm giám đốc nhân viên cho một công ty điện tử, bà hứa tìm việc cho tôi và từ từ tôi sẽ ổn định cuộc sống của tôi tại Mỹ. Trong ngôi nhà đồ xộ và tráng lệ này giờ đây tôi lạc lõng như con mèo ướt, xa lạ với nếp sống mới và nhớ trại tị nạn nhiều hơn, nhớ kỷ niệm xếp hàng lãnh cơm chùa bên mẹ con Mai.

Sau tháng đầu tiên tại thành phố đồi núi này, Mai gọi điện thoại thông báo sẽ lên thăm tôi. Người bạn gái Sharon tức con ông bà bảo trợ làm tài xế chở mẹ con nàng lên thăm tôi. Cả một chiều thứ sáu sau một tuần làm việc vất vả ở hãng về, nhưng lòng tôi nôn nao cả buổi, tôi không cảm thấy đói bụng như mọi lần, mà chỉ cảm nhận cái khao khát hay đói của tiếng điện thoại reo. Chuông điện thoại reo, chúng tôi nói chuyện không lâu trong phone, nhưng bao tiếng cười thi thầm, tiếng tình tự khúc khích, tiếng thủ thỉ hẹn hò, bao lời tâm sự ngọt ngào nhất được trao đổi như đôi tình nhân đã quen nhau từ lâu lắm rồi, để rồi tôi cảm thấy lòng mình gắn bó với hình ảnh Mai nhiều hơn lúc nào hết. Có lẽ vì tôi cô đơn và phải lòng Mai chăng?

Nàng trong chiếc áo đầm vàng hoa cúc hay màu vàng hoa mai của cái tên nàng, nàng trông thật thật trẻ trung, dễ thương, thật là quyến rũ trong ánh mắt của tôi, đi sau nàng là Thiên Lý và Sharon. Tôi giới thiệu khách với ông bà McIntyre, chúng tôi ra một nhà hàng địa phương dùng bữa trưa sau đó tôi rủ Mai, Thiên Lý và Sharon ra thăm bờ biển gần nhà nhất là biển Malibu, nắng chiều nhạt dần, gió biển thật lạnh mà khách của tôi không mang theo áo đủ ấm, tôi đã thủ sẵn 3 cái áo khoác jacket của tôi chia cho mỗi người. Tôi khoác cho Thiên Lý chiếc nhỏ nhất, dù vậy áo vẫn rộng thùng thình cho thân hình cháu nên cháu trông như cô hề bé tí hon. Mai cám ơn tôi bằng lời nói và trong ánh mắt trìu mến khi tôi tỏ vẻ săn sóc cho con nàng. Sharon và Thiên Lý đi dạo ra hướng bãi cát gần bờ sóng. Tôi và Mai bách bộ chậm rãi trên bờ đá và vừa đi vừa thì thầm. Tôi bỗng vuốt tóc nàng trong cơn gió thổi tóc bay bềnh bồng, tôi hôn lên bờ tóc ấy, rồi choàng vai dìu nàng đi tiếp. Tôi hỏi thăm về tin tức bên gia đình nàng. Mai cho biết không được tin tức về chồng, nàng không biết số phận ba của Thiên Lý và lại không có liên lạc được với bên nhà chồng. Nàng cho biết đã liên lạc được với hai người chị gái của nàng mà một định cư tại Chicago và người kia ở Orlando, Florida. Tôi nói tôi rất mong hoặc tôi dọn về San Diego ở gần với nàng, hoặc nàng có ý định dọn lên đây với tôi trên này. Nàng tỏ vẻ hài lòng với cái thành phố nhiều đồi núi Woodland Hills duyên dáng và yên tĩnh này, một địa danh trong Thung LũngTình Yêu nơi tôi đang ở. Những năm tháng sau đó chúng tôi thường lui tới thăm hỏi nhau vào dịp lễ lạc hay cuối tuần. Chúng tôi thực sự làm quen với đoạn đường dài thăm thẳm của Freeway 405 nối liền hai thành phố Los Angeles và San Diego. Hè 1978, Thiên Lý sang Chicago thăm chị Lệ Hằng khi nghỉ hè 3 tháng, tôi và nàng gần gũi nhau hơn, tôi xin nghỉ phép một tháng xuống sống chung với nàng, lúc này nàng đã dời về vùng Mira Mesa, hướng bắc San Diego. Mỗi chiều chúng tôi thường ghé thăm gia đình bảo trợ của nàng và ghé hóng mát tại bờ biển thật thơ mộng La Jolla. Hôm tháng Tám sinh nhật của nàng, chúng tôi thuê khách sạn tại bờ biển này sau khi đi xem ciné và ăn tối về, tôi thấy nguồn hạnh phúc trong tình yêu của chúng tôi càng thiết tha và càng gắn bó hơn. Cho đến lúc này tôi và nàng thực sự yêu nhau như hình với bóng, một tình yêu nhiều đam mê của nụ hôn nồng cháy nhất, nhiều kỷ niệm nhớ nhung ràng buộc, nhiều chia sẻ cần thiết của cuộc sống thường nhật và chúng tôi sẽ khó lòng gỡ ra được hay rời bỏ nhau vì sự quyến luyến của những tâm hồn thật sự đã trao nhau và sự đồng bộ của nhịp đập con tim.

Hai năm sau đó tôi đã mua một căn nhà tại vùng phía tây thành phố này là vùng West Hills khá thanh lịch, tôi gợi ý rủ nàng dọn lên ở chung, nàng nhờ tôi hỏi trường gần nhà nhất cho cháu Thiên Lý theo học, lúc này cháu đổi tên Mỹ là Tiffany, theo học bậc junior high. Tôi đã chuẩn bị các giai đoạn cần thiết cho cháu Tiffany học trên này và nàng yên tâm dọn về TLTY với tôi. Nàng tìm được việc làm trong hệ thống ngân hàng Great Western Savings Bank tại Northridge, lúc này nàng theo học các lớp chuyên nghiệp về tài chánh và địa ốc. Tôi thấy nàng rất có năng khiếu về ngành tài chánh và ngân hàng tôi khuyến khích nàng học thêm. Cũng trong thời gian này tôi đã xong cái văn bằng kỷ sư computer tại trường đại học 4 năm CSU-Northridge. Chúng tôi có những gì đã từng ước mơ như từ mái ấm hạnh phúc gia đình, rồi cả hai có việc làm ổn định đến đời sống sung túc.


CSUN Oviatt Library

Mai rất thích nấu nướng và trồng cây kiểng xung quanh nhà. Khí hậu tại vùng TLTY này rất nóng vào mùa hè, do đó những cây ăn trái vùng nhiệt đới rất dễ sinh sống như xoài, ổi xá lị, mận hồng đào, mãng cầu, thanh long, nhãn, trái vải, hoa lài, dạ lý hương, hoa sứ,... nhà chúng tôi đều có trồng. Về mùa đông khí hậu tại đây chỉ lạnh vừa đủ như Đà Lạt nên lý tưởng cho các loài hoa hợp khí trời lạnh ẩm như hoa hồng, hoa đào, hoa phong lan hay hoa ngọc lan Việt Nam. Cây ăn trái và cây kiểng là niềm vui thú điền viên mà tôi theo cái sở thích thanh tao này của nàng. Nghe kể lại ngày xưa gia đình ba má nàng có nhà ở Thủ Đức, Biên Hòa và Đà Lạt có trồng nhiều cây ăn trái và ba nàng là tay thiện nghệ chơi kiểng bonsai và các loại lan rừng hiếm quý.

Hè đến cháu Tiffany được nghỉ, Mai lấy vé máy bay cho gia đình sang Florida thăm chị Lệ Hằng của nàng. Bước xuống phi trường Orlando, anh chị nàng đưa chúng tôi về nhà. Nhà chị Hằng khá gần bờ biển rất hữu tình thuộc vùng tình Indialantic Beach, trong một khu phố nhỏ hiền hòa. Chúng tôi ghé thăm vài vùng biển khá đẹp như biển South Daytona Beach, Cocoa Beach, bờ biển có trung tâm không gian Florida's Canaveral National Space Center, rồi thăm khu Vườn Địa Đàng nổi tiếng hầu như các du khách ở xa mới đến thường ghé qua là Disneyworld. Dĩ nhiên cháu Tiffany rất thích, dù rằng cháu khá quen thuộc với Disneyland của Cali. Đi các trò chơi mà người lớn chúng tôi thật sự hòa đồng sinh hoạt với Tiffany và 3 đứa cháu con chị Hằng. Khu trò chơi Epcot phô trương văn hóa đa quốc và những kỳ quan thế giới của nhiều nước, khu Magic Kingdom có Space Mountains, khu nhà ma Hauted Mansion, khu Big Thunder Mountain Railroad khá vui, khu Pirates of the Caribbean mà bên Cali cũng có, ... một ngày thật vui vẻ cho các cháu, nhưng sang ngày đi biển Cocoa Beach là ngày gia đình buồn thảm. Sau khi thăm viếng cầu Cocoa Beach pier, chúng tôi ghé xuống bãi tắm, bờ biển dài có cát trắng thu hút cái thị giác của bờ biển Nha Trang hay Phan Thiết trong trí nhớ của tôi vẫn còn trong kỷ niệm. Biển Florida ấm và không lạnh như bên miền tây Cali, sóng tại đây khá nhiều nên rất lý tưởng cho những tay đua bộ môn surfing, lướt ván trên sóng. Hai cháu Tiffany và Jefferey bị sóng cuốn trôi ra thật xa, khi được tin chị Hằng hô hoán lên tôi và một thanh niên Mỹ chơi môn lướt sóng bơi theo giành giật lại hai cháu nạn nhân của những con sóng dử, tôi nắm được tay Tiffany choàng qua vai rồi bơi vào theo thế thả nổi và nhìn về phía bờ có nhiều người hơn ra tiếp cứu, chàng thanh niên Mỹ đem cháu Jeffrey vào bờ trước tôi. Vì uống khá nhiều nước nhân viên thực hiện các phương pháp hô hấp nhân tạo, Jeffrey tỉnh dậy trước, phần Tiffany sắc mặt vẫn còn tái xanh, xe cứu thương đưa cháu vào nhà thương, tôi phóng lên đi theo xe cứu thương, nhìn qua cửa kính tôi thấy xe chị Hằng và Lệ Mai theo sau, tôi đã chứng kiến nàng khóc nhiều và bối rối lắm khi cháu được đưa vào bờ, nàng sợ cho phần số đứa con duy nhất này. Vì trời đã về chiều, bác sĩ quyết định giữ Tiffany lại qua đêm, cháu được rút nước trong người ra, mặc dù đã tỉnh lại, nhưng vẫn còn yếu, cháu bị sốt và được truyền nước biển. Tối hôm đó tôi và Mai nán lại tại nhà thương. Mai bảo chị Hằng về nhà, nàng và tôi ngủ lại nhà thương, Mai ngủ trên ghế trong phòng Tiffany, tôi ra ngủ ngồi ngoài phòng lounge, thỉnh thoảng ghé vào thăm Mai và Tiffany. Sáng hôm sau Tiffany được cho về. Tiffany ôm tôi khóc và cháu nói tiếng cám ơn. Tôi đã từ lâu hướng dẫn cháu nhiều lãnh vực, nên cháu xem tôi như người thầy hoặc người cha đỡ đầu vì tôi kèm cháu học, tôi nấu nướng những món ăn mà cháu thích, tôi lo thuốc men cho hai mẹ con Mai, nên sau này Mai kêu Tiffany gọi tôi là "Ba". Tiếng "Ba" mà cháu Tifany gọi thật trìu mến mà tôi vui lòng nhận lấy. Thế là chúng tôi cắt ngắn chuyến đi 4 ngày, về Cali sớm hơn dự định ban đầu.

Cuối năm gần mùa Noel là ngày Sinh nhật của tôi và cháu Tiffany, ngày sinh của Tiffany sau ngày sinh của tôi đúng một tuần, nên hằng năm Mai thường nhập lại vào một ngày weekend gần nhất để tổ chức chung. Nàng lấy vé đi xem xiệc của đoàn Circus Circus đang lưu diễn trên đồi Agoura Hills, cách nhà chúng tôi nửa tiếng về hướng tây bắc trên đường đi Santa Barbara. Những con thú khôn ngoan biết nghe tiếng người từ cọp, sư tử, khỉ, voi, chó và ngựa. Tiffany rất thích thú đi cùng với cô bạn Mỹ Crystal mà chúng tôi xin ba mẹ Crỵstal cho đi dự chung vui với sinh nhật của chúng tôi. Cả hai Tiffany và Crystal nói chuyện tíu tít liên hồi. Hai cô bàn về hai chú cọp bạch hổ, lông trắng ngà và mấy chú hắc mã, ngựa đen huyền như giống loài ngựa hoang mustang. Hay mấy chú chó doberman khôn ngoan và rất tinh ranh nhảy vòng lửa. Sau đó chúng tôi ghé sang bờ hồ Westlake. Đây là một hồ nhân tạo nhưng khá rộng lớn, giáp ranh với biên giới hạt Ventura. Hồ có nhiều thuyền, ca nô, club du thuyền, một góc của hồ là khu thương mại có nhiều cửa tiệm và nhà hàng ăn. Chúng tôi ghé vào ăn chiều tại nhà hàng Boccacio's bán thức ăn Ý mang chút hương vị Paris, người bồi bàn đưa chúng tôi vào một bàn bên trong sát cửa kiếng ngó ra bờ hồ vào lúc trời chợt tối sớm vào mùa đông, nên bên ngoài hơi lạnh, chỉ có vài thực khác ngồi dãy bàn ngoài trời sát cạnh bờ hồ, có lẽ họ hút thuốc hay thích ngắm phong cảnh về đêm với muôn ngàn ánh đèn chiếu sáng cả một góc hồ tại đây. Trong khung cảnh vui của những ngày cận Giáng Sinh hầu như cái không khí rộn rã của ngày lễ bao trùm nơi đây, đèn giáng sinh và cây thông được trang hoàng đó đây kèm theo tiếng nhạc Noel thánh thót như các bài Jingle Bell, Rudolph The Red Nosed Reindeer, Joy To The World, Deck the hall, The First Noel,... Chính nơi này khi xưa khi nàng mới lên vùng Thung Lũng Tình Yêu tôi đã có dịp đưa nàng đến Boccacio's hai lần, nơi của sự kín đáo, của tình tứ, của lãng mạn, và là không gian của kỷ niệm âu yếm tim yêu. Bờ Hồ Tây Westlake này với cái nhà hàng Ý Boccacio's nổi danh này đã tiếp khá nhiều đôi tình nhân đưa nhau đến đây hẹn hò, khung cảnh trữ tình khi những người yêu nhau muốn xa lánh chốn ồn ào mà cả hai chúng tôi rất ưa chuộng nó từ những giây phút đầu tiên đập vào mắt chúng tôi. Lòng tôi dâng lên một nguồn vui hạnh phúc gia đình mà Mai đã đem đến cho tôi. Trong cùng một ý nghĩ tương tự nàng nói cám ơn tôi cho nàng cái không khí cần thiết của một gia đình hạnh phúc nồng nàn, rất đầm ấm nhiều năm rồi kể từ khi chúng tôi quen nhau.

Cái hạnh phúc gia đình mà tôi vừa nói đoạn trên bỗng bị một luồng cuồng phong bất thần thổi tan giá buốt tim tôi. Thiện, ông chồng nàng chưa chết như cả nhà đều tưởng trong biến cố mất tích mà anh đã được thả ra từ một trại giam ngoài bắc. Anh được người Mỹ "bốc" sang Hoa Kỳ định cư. Chị Lệ Dung của nàng ở Chicago gọi điên thoại thông báo cho Mai tin này mà qua người bạn thân của chị ấy được anh Thiện nhắn lại Mai sớm lo thủ tục bảo lãnh anh sang Mỹ. Mai nửa vui, cũng như nửa buồn khi được tin bất ngờ. Có thể Mai vui vì người chồng còn sống sót và nàng lại buồn lòng vì cái ý nghĩ mà Mai rất hoang mang, rất bối rối phải xa cách tôi. Cuối cùng, cuộc đời này đưa nàng đến hai ngả đường của một sự chọn lựa mà thôi. Đêm đêm khi đi ngủ Mai ôm tôi chặt, nàng nhìn tôi mà nhạt nhòa bờ mi. Tôi hiểu và thông cảm cho nỗi khổ tâm của nàng. Tôi khuyên nàng sớm hoàn tất thủ tục bảo lãnh Thiện. Nàng lo sợ cho ngày mai không biết sẽ ra sao, tương lai của những ngày tháng tới có thể bấp bênh. Nàng cho tôi biết về người chồng chính thức của nàng, nàng có rất ít hạnh phúc hay cái hạnh phúc đến quá ngắn ngủi trong tương quan hai người vào thời chiến. Với tôi, tôi yêu nàng lắm, Mai thừa hiểu việc này, nhưng tôi mang nặng ý nghĩ đã chiếm đoạt cái hạnh phúc của người khác. Khi tôi mải trầm ngâm suy tư về định nghiã của sự hạnh phúc thì tôi có nhớ đọc đâu đó cái triết lý vị tha nhân bản của Mẹ Teresa, người mà cả đời người tận tụy hy sinh, phụng sự cho nhân loại và Mẹ đã bảo là: "Trong cuộc sống này, có nhiều người kém may mắn hay rất bất hạnh, chúng ta hãy hy sinh cho họ có được hạnh phúc". Hay một ý tưởng khác cao đẹp không kém của người y tá người Anh quốc giàu lòng từ tâm Florence Nightingale đã nói rằng: "Khi cho tha nhân hạnh phúc thì chính chúng ta đã có hạnh phúc". Trong khi nàng đã quen thuộc cái hạnh phúc tôi đã tạo cho ra nàng và Mai đã yêu tôi hơn mười năm rồi, nghĩa là dài hơn cái thời gian Mai sống với Thiện. Tôi tâm sự với nàng là nên đưa Thiện về đây thế cho vai trò trưởng gia đình là tôi. Tôi sẽ dọn lên Santa Clara ở với Tiến, em trai tôi. Lúc này Tiến có một business điện tử khấm khá cần người phụ giúp quản lý. Nếu tôi ra đi thì khi Thiện sang sẽ không cảm thấy bơ vơ vì đoàn tụ với vợ con, Mai sẽ giữ tiếng thơm của người phụ nữ Việt và tôi sẽ không mang mặc cảm phản bội với người chiến hữu trong cùng một quân đội. Sự chia ly nhiều đoạn trường này không những làm cho Mai khổ sở đến tận cùng tâm trí, mà chính cháu Taffany cũng đã thố lộ là cháu cũng băn khoăn, lo ngại không kém vì chưa hề biết ý định ba ruột cháu sẽ ra sao, anh có đối xử với cháu như tôi đã lo lắng cho mái ấm gia đình này không. Hồi chiều này cháu đề nghị tôi hãy qua nhà bác Minh, tức người bạn thân của tôi là tôi share phòng và để gần gũi lui tới thăm nom mẹ con Tiffany. Tôi trả lời cháu là tôi không muốn ba cháu sẽ buồn lòng vì sự tiếp tục hiện diện của tôi, và trấn an cháu là ba cháu là ba ruột thì chắc chắn sẽ thương và lo cho cháu. Cần thời gian tìm hiểu lẫn nhau như tôi đã từng trải qua, tôi chỉ là người thay thế tạm thời khi cháu không có cha ở gần mà thôi. Cháu ôm tôi và khóc ràn rụa. Tôi thật sự quá xúc động khi người con quyến luyến với mình dù không mang dòng máu của mình.

Ngày đi rước Thiện tại phi cảng LAX, tôi cố tình lánh mặt bên nhà Minh, vì tôi đã dọn sang nhà Minh để theo kế hoạch Mai vẽ ra là muốn nói chuyện, cắt nghĩa cho Thiện nghe mọi sự việc xảy ra như thế nào trước khi tôi ra đi. Mai sẽ kể hết nổi lòng của nàng cho chồng nghe. Tôi đồng ý theo sự sắp xếp của Mai. Mai và Tiffany đi rước Thiện tại phi trường LAX, xe đổ dốc núi từ freeway 405 rẻ vào freeway 101, cái Thung Lũng Tình Yêu, San Fernando Valley chiều tối lên đèn sáng rực một vùng trời thung lũng bao la, mênh mông như đón chào người mới tới như Thiện và cũng như tiễn đưa người dư thừa như tôi sẽ ra đi.

Qua đêm đầu tiên ngủ tại Thung Lũng Tình Yêu này, Thiện biết rỏ mọi sự việc tôi và Mai yêu nhau trong thời gian chàng mất tích. Thiện muốn mời tôi về nhà để tất cả chúng tôi cùng nói chuyện giải quyết những khúc mắc của vấn đề. Chàng mặc cảm thừa hưởng những tài sản mà tôi và Mai đã tạo dựng nên, chàng khuyên chúng tôi nên tiếp tục sống chung, chàng sẽ sang Dallas sống với người bạn trong cùng đơn vị cũ của chàng. Tôi ân cần bắt tay khuyên Thiện hãy ở lại, cái gia đình này cần chàng nối tiếp và thời gian dần dà chàng sẽ hội nhập vào nếp sống mới. Với tôi là kẻ đến sau, tôi hiểu Thiện thua thiệt nhiều trong cuộc chiến vừa qua, chàng cần được an ủi, cần lấy lại niềm tin. Vả lại khi tôi dọn lên bắc Cali phụ em trai tôi thì công việc bề bộn lắm, tôi sẽ sớm thích nghi với hoàn cảnh mới. Một lần nữa tôi khuyên Thiện hãy cố xây dựng nếp sống mới, sự cảm thông sẽ hóa giải những thiếu sót do cuộc chiến đem đến và hạnh phúc nào theo Mẹ Teresa cũng cần sự hy sinh. Nếu tôi ra đi mà hai người có hạnh phúc thì đó là niềm vui của tôi mà Florence Nightingale đã nói. Tôi bắt tay và xiết chặt tay chàng mà không quên chúc chàng thành công. Tôi nhìn Mai và Tiffany, cả hai đều ôm mặt khóc ròng, cơn xúc động vô biên này khiến tôi và Thiện đã gặp nhau trong nỗi đoạn trường của sự ngỡ ngàng, mà cả hai chúng tôi không hề muốn vì hậu quả của sự oan nghiệt đầy bối rối để rồi cả hai chúng đều bị xúc động mạnh vì Mai và Tiffany, hay vì vợ con chúng tôi đều khổ sở. Giờ phút này là một sự bàn giao gia đình chính thức cái trách nhiệm từ người này sang người kia không hơn không kém.


Freeway 405 North

Tôi hướng vào Freeway 405 North, chiếc xe uhaul chở đầy đồ đạc của tôi chạy phom phom trên mặt lộ mà đoạn đường này tôi vốn quen thuộc khi tôi đã nhiều lần lái chở Lệ Mai và Tiffany Thiên Lý lên thăm em trai tôi, nhưng ngày hôm nay nó lại khá mới lạ đối với tôi vì Freeway 405 hôm nay tiễn đưa tôi đi, và lòng tôi dâng đầy nỗi cô đơn nhất kể từ ngày tôi biết Mai. Nhìn từ kính hậu xe tôi đang leo lên đỉnh dốc núi cao và bỏ lại sau lưng là Thung Lũng Tình Yêu, hay một Thung Lũng Hồng của Phạm Mạnh Cương mà nơi đó có Mai mà tôi đặt hết con tim yêu thương cho nàng và rồi cuối cùng tôi phải ra đi. Tôi đẩy cuộn cassette vào máy, bản nhạc thương tâm "Biệt Ly" của Dzoãn Mẫn nói lên cảnh bùi ngùi tâm tư khi người ở lại tiễn đưa người ra đi:
 

"Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay
Biệt ly sóng trên giòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi càng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui
Biệt ly ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn đưa
Biệt ly ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Đành sống vui cùng gió sương."

Lệ Mai yêu dấu,

Khi hạnh phúc của đời sống được hiểu như lời của Mẹ Teresa hay Florence Nightingale, thì sự ra đi của anh là lời chân thành đón chào Thiện về với em trong hạnh phúc. Anh cầu chúc em như lời hát khi ta xa nhau: "Êm đềm về ru ấm tâm hồn"... và Mai sẽ có nhiều hạnh phúc trong cuộc đời này ! Cám ơn Mai cho anh những kỷ niệm đáng yêu trong bao ngày tháng đang đi vào dĩ vãng, mà với anh nó rất có ý nghĩa cho sự hy sinh về phần anh và em hãy nhớ rằng đời vốn rất đáng sống để tiếp diễn cho những ngày mới. Cám ơn Thung Lũng Tình Yêu San Fernando cho anh nhiều kỷ niệm thật êm đềm của những chuỗi hạnh phúc đã qua. Xin chào giã biệt thiên đường 83.

Việt Hải Los Angeles


Trở Về  ]