Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
VIỆT NAM HÔM QUA VÀ HÔM NAY
-
Võ Quang Yến
Từ 24 đến 29 tháng 4 năm 2006, Nhà hát Châtelet ở Paris đã tổ chức một tuần lễ nhạc kịch Việt nam tựa đề Vietnam d'hier et d'aujourd'hui (Việt Nam hôm qua và hôm nay) trong chương trình Moments Musicaux (Khoảng nhạc) - Mémoire d'enfants (Ký ức thời trẻ).

Vì được trình bày nhiều lần, cuộc trình diễn của nhà Hát Chèo Việt Nam có thể xem là tiết mục chính của tuần lễ văn hóa nầy. Đoàn Chèo mời từ Hà Nội sang gồm có 18 đoàn viên trong số ấy có nghệ sĩ ưu tú Thanh Hoài và các nghệ sĩ nhảy múa, diễn viên, ca sĩ, cùng các nhạc công nhị, nguyệt, sáo, trống. Điều khiển đoàn là nhà đạo diễn nghệ sĩ ưu tú Bùi Đắc Sừ, Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đoàn trình diễn vở chèo Quan Âm Thị Kính bốn suất đầu chiều và cuối chiều hay buổi tối để thỏa mãn khả năng đi xem của khán giả. Theo yêu cầu của nhà hát, vở chèo dài hai tiếng rưởi đã phải thu gọn lại một giờ, làm thất vọng một phần nào những khán giả người Việt muốn xem được trọn vẹn vở hát, nhất là đã được trình bày rất khéo, những vai đã được đóng rất đúng mức, hấp dẫn, từ những vai chính Thị Kính (Kim Liên), Thị Mầu (Thúy Hạnh), đến những vai phụ Thiện Sĩ, Mang Ông, Sùng Ông, Sùng Bà, Nô,... Không phải chuyên gia mà chỉ là người ưa xem hát kịch, tôi rất cảm phục lối diễn xuất của Kim Liên và Thúy Hạnh, vui thú thưởng thức nỗi đau khổ, bộ mặt sầu não của Thị Kính bị nghi oan, điệu bộ duyên dáng, đôi mắt linh động của Thị Mầu ve vãn chú tiểu Kính Tâm. Thảo nào, bên cạnh những tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc công, nhiều diễn viên của nhà Hát Chèo Việt Nam đã được phong nghệ sĩ ưu tú, được thưởng những huy chương vàng, bạc trong các cuộc thi hát toàn quốc, các hội diễn hát kịch chuyên nghiệp. Buổi diễn kết thúc với cuộc biễu diễn nhạc cụ : Xuân Diệu độc tấu đàn nhị và Văn Doanh độc tấu sáo. Nếu nghe nhạc không cần biết tiếng, điều đáng tiếc dành cho các khán giả ngoại quốc không biết tiếng Việt khi xem hát kịch. Mặc dầu đã đọc trước cốt truyện, khó lòng theo dõi vở chèo khi không hiểu các lời nói. Ngày nay, trong nhiều rạp hát ở Pháp, khi diễn một vở nói tiếng ngoại quốc, trong phòng có chạy một băng chữ sáng lượt dịch lời các diễn viên. Lẽ tất nhiên đây không phải là việc của đoàn Chèo mà là của Nhà hát Châtelet.

Trước khi đi trình diễn ở tỉnh và lên đường về nước, đoàn Chèo còn hiến một suất ở trụ sở Hội Người Việt Nam tại Pháp, tối hôm thứ bảy 29 tháng 4 nhân lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội. Chương trình tối hôm ấy gồm có ngoài vở chèo Quan Âm Thị Kính rút gọn, trích những đoạn Thị Kính lấy chồng, Thị Mầu lên chùa, Thị Mầu dang díu với Nô và Phú Ông đánh trống, một số tiết mục khác : Múa hát giao duyên với sáu diễn viên, Đi cấy với tốp nữ bốn người, Thúy Ngoan ngâm thơ, Thanh Hoài hát, Văn Doanh độc tấu sáo mèo và một màn dài Hát chầu. Hát giao duyên là một lối hát rất thông dụng bên nước ta, ở ngoài Bắc thường vào các dịp lễ hội. Xem ba cặp cô cậu ăn mặc bảnh bao theo lối xưa ta, đối đáp qua những bài dân ca tình tự, tôi nhớ lại đã được may mắn dự lễ hội quan họ Bắc Ninh, trên hai chiếc thuyền ở đầm làng, trai thanh gái lịch đua nhau thi tài trong một buổi sáng nắng tươi trời dịu. Ngây ngất trong những câu hát véo von, tình cảm, tôi thấy mình hòa lòng với dân quê, đất nước và không khỏi bùi ngùi khi một cô ca sĩ lên giọng : người ơi, người ở đừng về ! Màn độc tấu sáo mèo núi rừng cao nguyên của Văn Doanh đem lại trong tôi một tình cảm dồi dào, một nỗi nhớ mông lung, nhắc tôi những ngày hè năm ngoái lang thang thang trên các sườn núi bậc thang ở Lao Chải, Tả Vạn quanh vùng Sapa, Lai Châu, mê mẩn ngắm nhìn các cô thôn nữ sắc tộc như những đoá hoa rừng tươi cười trong những y phục thêu dệt sặc sỡ nổi bật giữa làn sóng xanh các cánh đồng bát ngát. Chầu văn hát vào lúc các bà lên đồng, hóa thân vào các vị thần thánh, nhảy múa theo điệu nhạc. Màn Ba giá đồng gồm có Giá cô Bà Thủy Cung, Giá Cậu Hoàng Ba, Giá Cô Đôi Thượng Ngàn. Nghệ sĩ Kim Liên và tốp nữ bốn người đã biểu diễn rất linh động, lần lượt cho thay y phục và thực hiện những cử động, điệu bộ của mỗi Cô, Cậu : chèo đò, múa kiếm, phân phát quà bánh... Một đoạn đã gây chút lao xao phản ứng nhẹ trong phòng hát và làm suy nghĩ về ý nghĩa cuộc lên đồng là khi Cậu Hoàng Ba được cho uống rượu, hút thuốc, vui say hiện rõ trên nét mặt. Có thể Hát chầu, như đã được đọc trong tờ chương trình, chỉ là "biểu hiện mang rất đậm tính chất biểu diễn sân khấu của tục thờ thần ở Việt Nam" (trích tờ giới thiệu).

Một đoàn Chầu văn cũng được đưa qua trình diễn chiều hôm chủ nhật 14.05 ở Nhà Radio France, gồm có các anh Phạm Văn Ty (đàn nguyệt và hát), Nguyễn Minh Chi (trống), Lê Xuân Diệu (đàn nguyệt, trống) và nghệ sĩ ưu tú Ngô Thanh Hoài. Bản ghi âm Bốn giá đồng Quan, Bà Thủy Cung, Cậu Hoàng Mười và Cô Thượng Ngàn cũng được phát thanh hôm 30.05. Những đoàn nầy được mời qua biểu diễn ở Paris là nhờ công vận động của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết. Trước đây anh đã có nhiều lần đưa các đoàn Việt Nam khác sang Pháp, như gần đây hai đoàn Phú Xuân (Nhạc Cung đình và Ca Huế) và Ca trù Thái Hà năm 2002. Sinh năm 1933 ở Huế, anh Tiết bắt đầu học nhạc ngay ở đất Thần kinh trước khi qua Pháp năm 25 tuổi học hòa âm và đối âm ở Ecole Normale de Musique. Sau đó, anh được nhận vào Conservatoire National de Musique ở Paris. Ở trường nầy, anh học tiếp đối âm, nhạc fuga và soạn nhạc với Jean River và André Jolivet. Anh là tác giả một số tác phẩm đủ loại : 12 bản cho dàn nhạc trong ấy có Tứ Đại Cảnh (1968), Hy Vọng (1971), Ngũ Hành (1973), Vô Vi (1974), Ấn Tượng (1974-75), Những Truyền Thuyết Đất Phương Nam (1996) ; 16 bản cho nhạc phòng trong ấy có Niệm (1974), Chu Kỳ I, II (1976), III, IV (1977), Phong Vũ (1991), Xuân Vũ (1993) ; 5 bản nhạc hát trong ấy có Vang Bóng Thời Xưa (1969), Kiêm Ái (1978), Chu Kỳ VI (1993). Như đã được lưu ý trong bản tiểu sử ở nội bộ Radio France, tuy học nhạc Âu, anh không quên gốc Việt của mình và đã trở về tìm nguồn nhạc trong tư tưởng Á Đông, trong truyền thống Trung Hoa như Kinh dịch cũng như trong Phật giáo hay Ấn Độ giáo. Anh thích làm sống lại tinh thần nhạc truyền thống Việt Nam, nhất là nhạc thiêng liêng, nhạc triều đình. Ngoài những bản đã thấy, người ta còn nhận ra những bản mang tên Pháp Incarnations structurales (Những sự hóa thân cấu trúc, 1967), Terre-Feu (Đất-Lửa, 1981), Jeu des cinq Éléments (Ngũ hành, 1982), Moments rituels (Những thời khắc nghi lễ, 1992) trong số nhạc phòng, Prajna Paramita (Ba la mật da, 1988) trong số nhạc hát. Le chemin de Bouddha (Con đường Đức Phật, 1990-91) là một bản kịch múa. Anh đã lãnh nhiều giải thưởng như giải Lili Boulanger (1972) của Hội SACEM, giải Diễn đàn Quốc tế những Nhà soạn nhạc ở UNESCO (1975), giải Sáng tác của Bộ Văn hóa (1981). Anh cũng còn là tác giả nhạc đệm cho ba phim Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè thẳng đứng của nhà đạo diễn Trần Anh Hùng, phim Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh (2004). Hiện anh đang hình thành một vở opéra L'ArbalèteMagique (Nỏ thần). Với một tinh thần luôn hướng về đất nước như thế, tất nhiên anh sáng lập ra Association France-Vietnam pour la Musique (Hội Pháp-Việt cho Âm nhạc) năm 1993, nhắm mục đích giúp Việt Nam phát triển âm nhạc. Anh với Nguyễn Thiên Đạo là hai nhà soạn nhạc cận đại Việt Nam có tiếng nhất ở Pháp và ngoại quốc.

Trong tuần lễ văn hoá nầy, anh Tiết còn tổ chức cũng ở Nhà hát Châtelet ngày 26.04 một buổi hòa nhạc cận đại với những bản của Nguyễn Thiện Đạo : Quartuor à cordes, André Jolivet : Suite rhapsodique (vĩ cầm), Phan Quang Phúc : Etude pour violoncelle seul, và hai bản của anh : Niệm (sáo, harpe) và Poèmes (sáo, alto, harpe, đặc biệt có xen vào một đoạn ca trù). Ý chí có từ lâu, khi đưa nhạc điệu Việt Nam với những khái niệm có quy tắc về nhạc điệu, nhịp điệu, trang trí, biến tấu, ứng tác vào một bản nhạc cận đại, anh Tiết muốn giới thiệu với thính giả Tây phương một nền nhạc chính thức, xác thực, trong một chương trình gồm có nhiều truyền thống các miền Việt Nam, đặc biệt vùng Huế quê hương đã ru ngủ, nung nấu anh suốt thời tuổi trẻ. Tuần lễ văn hóa nầy là một dịp để anh thực hiện ý chí đó. Anh còn đi xa hơn : anh vận động được khoảng 100 học sinh hai lớp cuối hai trường tiểu học ở Paris cùng với một số giáo viên đóng góp vào một vũ điệu trên bản nhạc Paroles de feu ( Lời nói về lửa) của anh mà bọn học trò phấn khởi đã thêm vào "...de vent et d'eau " (về gió, về nước) sau nầy được chọn làm đề tài cho vũ điệu.

Muốn thành công trong cuộc hợp tác nhạc múa nầy, anh đã nhờ một nghệ sĩ nhảy múa kiêm nhà soạn điệu múa Thierry Thieu Niang cộng tác với hai nghệ sĩ nhảy múa Clara Cornil và Charly Totterwitz cùng dàn dựng vũ điệu. Ban nhạc gồm có những đàn violon, violoncelle, và alto, sáo, trống, synthétiseur. Bản nhạc của Tôn Thất Tiết luôn cố định gồm có một phần mào đầu và ba phần chính kết hợp với ba năng lượng thể chất, trí tuệ và tinh thần. "Thieu Niang giữ đúng cấu trúc nầy và thể hiện cho bọn học trò thành ba hành động : diễn tả cơ thể, diễn tả cảm giác, diễn tả dấu hiệu kết thành một ba lê luôn thay mới" (trích tờ giới thiệu). "Chính những kiến trúc trừu tượng, những thi vị hằng ngày và những bí mật giữa chúng với nhau đã đáp ứng tác phẩm nhạc tuyệt vời, không phải để biểu đạt hay diễn tấu mà để giản dị chỉ rõ : một không gian, một nơi chốn, một chỗ đứng cho mỗi người" theo lời giải thích của nhà soạn điệu múa. Vũ điệu rất mới lạ, khán giả chưa quen khó lãnh hội được mọi khía cạnh, tuy nhiên cũng nhận ra được một vài đoạn trích từ truyền thuyết Việt Nam như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ : trên một phông trời đầy sao quanh dải Ngân Hà, một số học sinh nối đuôi nhau bắc cầu Ô Thước giữa hai cô cậu đứng lên cao tượng trưng chàng trai chăn trâu và cô nàng dệt vải. Người chuyên nghiệp, kẻ nghiệp dư đã cùng nhau bắt tay tập dược từ sáu tháng nay. "Hôm nay, tất cả đều muốn vật thể lạ kỳ kia, kết từ gió và nước, ẩn vật kia hiện hình ra trong hiện tại như một trạng thái thế gian thật sự" là ước mong của Thieu Niang. Bên phần anh Tiết thì nhiệt tình của bọn học trò đã làm anh ngạc nhiên và cảm động. Anh rất hài lòng thấy nhà soạn vũ điệu đã thành công đưa người xem vào một thế giới mơ mộng. Trong ba buổi trình diễn buổi chiều và buổi tối hai ngày 25 và 26.04, khán giả rất đông, mà phần lớn rất dễ hiểu là gia đình bốn lớp học sinh.

Để bổ sung cuộc biễu diễn "về gió, về nước" trong tuần lễ văn hóa nối liền Huế với Paris, học sinh hai trường tiểu học Paris được hướng dẫn tìm hiểu truyền thống nước Việt Nam, quê hương hai nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết và soạn điệu múa Thierry Thieu Niang. Một số công tác đã được thực hiện về mặt biểu thức viết, nhạc và tạo hình. Những học sinh ở Paris và ở Phú Bình, nguyên quán anh Tiết, đã có trao đổi thư từ, vật liệu qua trung gian của Hội Codev Viet Pháp. Từ đấy, một cuộc triển lãm đã được tổ chức ngay trong hành lang Nhà hát Châtelet : gởi từ Huế, những vật liệu, dụng cụ đáp ứng ý niệm của các học sinh Paris ; để gợi lên những phong cảnh và hoạt động bên Việt Nam, với khái niệm ngũ hành thường gặp trong sáng tác của anh Tiết, những album hình Phú Bình, những ký pháp vũ điệu thực hiện trong xưởng vẻ ; linh cảm với truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ, biễu hiện của các học sinh qua chất liệu và phần tử tự sự,...

Qua âm nhạc và tuần lễ văn hoá vừa qua, cũng như những hoạt động trước đây, Anh Tôn Thất Tiết đã thực hiện được mong muốn làm hài hòa hai nền nhạc Á Đông và Tây phương, cho hòa mình phương thức tư duy Á Đông, đặc biệt những tư tưởng Phật giáo, Ấn Độ giáo, những khái niệm của Kinh dịch vào nhạc của mình phát xuất từ một nền văn hóa Tây phương. Tình cờ anh cũng đã luôn tiện thực hiện một trong những mục tiêu của Hội Người Yêu Huế hồi thành lập cách đây hơn 20 năm, mong muốn trình bày trên đất Pháp, giữa thành phố hoa lệ Paris, những tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam nói chung, vùng Huế nói riêng.

Bên lề tuần lễ văn hóa ở Nhà hát Châtelet, chiều chủ nhật 07.05 vừa qua, một cuộc hòa nhạc đã được Hội Y khoa Việt Nam ở Pháp và Hội người Việt Nam tại Isère-Grenoble, với sự hổ trợ của Hội cựu cư nhân Khu cư xá Quốc tế Đại học Paris CIUP, tổ chức tại nhà Cư xá Sinh Viên Đông Nam Á MEASE (tức là nhà Đông Dương cũ), đại lộ Jourdan, quyên tiền trùng tu trường tiểu học làng Qui Hòa (Qui Nhơn). Trước buổi hòa nhạc, ban tổ chức cho chiếu cuốn phim tài liệu Trại phong hủi và nhà thi sĩ của Nguyễn Thanh Tòng gây nhạy cảm khán giả trước các vấn đề căn bệnh nầy đã đặt ra : chửa chạy, sinh sống,... và cuộc đối xử của đồng bào với những con em người mắc bệnh, một tiếng gọi thiết tha trong tình thương của người đồng hương. Thành thử tựa đề của buổi hòa nhạc được đặt tên rất thích đáng Des enfants d'ici jouent pour des enfants de là-bas (Những em trẻ bên nầy đàn cho những em trẻ bên kia). Cảm động hơn là những người đánh đàn không phải ai xa lạ : mấy cháu là Nathalie (piano), con gái anh Nguyễn Khắc Nhẫn, bạn học của tôi ở trường Trung học Khải Định, nguyên giáo sư trường Đại học Grenoble, nguyên cố vấn kinh tế và chiến lược công ty  Điện lực Pháp, và các cháu ngoại của anh : Marie (piano, harpe), Aurélie (sáo, piano), Nicolas (violon), Benjamin (violoncelle). Mấy cháu chơi 12 bản nhạc cổ điển : Le Printemps de L.V. Beethoven, L'Hivers của A. Vivaldo, Sicilienne của J.S. Bach, Sonatine của Schumann, Danse hongroise của J. Brahms,... Trừ Nathalie sinh ở Sài Gòn, mấy cháu kia đều ra đời trên đất Pháp và tất cả đã sống lên trong môi trường Âu tây. Với một nửa hay một phần tư dòng máu Việt, các cháu khi sử dụng những nhạc cụ Tây phương, hòa mình vào những khúc nhạc cổ điển Âu châu mà lòng hướng về quê ông, thật là một may mắn cho anh bạn tôi, một cử chỉ gây xúc cảm không ít trong lòng khán giả và đồng thời cũng là một tia sáng trong tương lai cho những người định cư ở nước ngoài.

Xô thành tiết lập hạ 2006
Võ Quang Yến


 Trở Về