Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
Chùa Hốc Bảo Định Sơn Ở Trung Quốc

Võ Quang Yến

Tứ Xuyên là một trong những tỉnh lớn nhất Trung Quốc và cũng là một tỉnh mật độ dân cư cao nhất. Phía tây tỉnh có nhiều núi, địa thế hiểm trở nên là nơi trú ẩn những chính khách trong lúc chờ thời như Lưu Bang, Lưu Bị, gần đây chính phủ Trung Hoa Dân Quốc khi Nam Kinh bị quân Nhật đánh chiếm. Khách du lịch có thì giờ đi lùng khắp nơi, nhận thấy có rất nhiều sắc tộc, một phần gốc Tây Tạng. Từ Trùng Khánh chạy xe sâu vào lòng tỉnh khoảng 150 cây số trên một con đường phong cảnh hữu tình, cây cao bóng mát thì ta đạt đến thị trấn Đạt Tổ (Dazu) san sát những ngôi nhà gỗ, những quán hàng mở rộng ra ngoài đường chờ đợi khách. Quanh thị trấn là một vùng có nhiều đền đài, di tích rải rác trên một số địa điểm điển hình cho một nền văn hóa phong phú, dồi dào. Hai thắng cảnh gần nhất và cũng dễ tham quan là Bắc Sơn (Beishan) và Bảo Định Sơn (Baodingshan). Kho tàng ở hai tổng thể nầy là số lớn hình tượng Phật giáo khoảng một vạn cái ở mỗi địa điểm, thực hiện giữa cuối triều đại Đường (618-907) đến cuối triều đại Nam Tống (1127-1279). Đặc điểm của những toàn bộ hình tượng chạm trổ sơn vẽ trong các hốc đá nầy là cách diễn tả mạnh dạn, tự do chưa từng thấy đến nay với một cường độ khác thường những cảnh tượng hằng ngày, có lúc ngây thơ, hồn nhiên như tâm hồn người dân quê...

Bắc Sơn tọa lạc cách thị trấn khoảng 2 km, trên một ngọn đồi với 500 bậc thang, cũng phải mất non một nửa tiếng đồng hồ để leo lên. Vừa trèo, vừa nghỉ, dần dần lên cao khách thấy hiện ra trước mắt những đồi núi, thung lũng, chen sẻ với những vườn chè, đám bắp, đây đó vài lùm tre rì rào qua cơn gió, nổi bật giữa những thửa ruộng xanh rờn. Nhìn ra xa, khách nhận ra được trên một ngọn đồi cạnh bên phế tích điêu tàn của chùa Bắc tự thời nhà Đường, hay ngôi chùa Nam tự chế ngự đồi Nam Sơn là một tổng thể khác. Gồm có mấy trăm hốc đá chạm trổ, Bắc Sơn được khởi sự vào những năm cuối nhà Đường. Theo một văn khắc, ngay sau đó, năm 892, địa điểm được dùng làm kho chứa ngũ cốc vì vậy đồng thời cũng được biến hóa thành pháo đài vững chắc. Cạnh văn khắc, trong hốc thứ nhất  là hình tượng vị khai sáng kho chứa ấy, mở đầu cho một tổng thể gọi là Lạc Vạn (Fowan) 290 hốc đá nối tiếp nhau trên gần 250 m, gồm có những hình tượng chạm nổi cao gây ấn tượng mạnh. Những hình tượng nầy phần lớn được thực hiện theo một văn phong giản dị, không hoa mỹ làm tăng vẻ uy nghi và quý phái của các nhân vật. Cách đây mấy chục năm, trong một cuộc trùng tu, những chi tiết lại được sơn son thép vàng nổi bật hẳn trên nền đá đen xám.

Trong số những nhân vật Phật giáo, được thấy nhiều nhất là đức Quan Âm Từ Bi. Một phần do ảnh hưởng Mật tông, một phần lẫn lộn với những nữ thần Lão giáo, ở đây đức Bồ tát nầy đã hiện hình thành một vị nữ giới, oai vệ nhưng đầy nhân tính. Một số hốc thực hiện đời nhà Tống trình bày Ngài như một bài tụng ca, khi đứng khi ngồi, có tiếng nhất là bức tượng đức Quan Âm lần tràng hạt ở hốc thứ 125. Ở hốc thứ 9, thực hiện cuối nhà Đường là bức tượng đức Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, thể hiện Năng lượng vũ trụ, biểu lộ xác thực quyền lực cứu khổ, hành động khoan dung, sáng suốt vô biên của Ngài. Ở những hốc sau số 180, những hình tượng thực hiện cũng cuối nhà Đường và trong thời Ngũ Đại (907-960) trình bày Ngài không phải ngồi một mình mà với mười vị Quan Âm khác. Ngài cùng đức Đại Thế Chí cũng có mặt hai bên tượng đức Phật Di Đà trong hốc 245 biểu thị Tây phương Cực lạc, ba hình tượng nhỏ nhưng cực kỳ đẹp mà thuật kiến trúc cho biết là thuộc nhà Đường. Bộ Tam thế gồm có ba đức Phật Quá khứ, Hiện tại, Vị lai ngồi trên hoa sen được trình bày trong hốc 51 thực hiện thời Ngũ Đại, có lẽ dưới triều vua Vương Kiến sáng lập triều đại Tây Chu. Hốc 136 thường được cho là đẹp nhất trình bày hai vị Hộ pháp đứng giữ một cấu trúc hình chóp dựa lên tám cái cột nên được gọi là "máy xay cầu nguyện" dưới có rồng cuộn, phong cách thanh nhã đặc trưng của thời nhà Tống. Ở đây cũng còn thấy nhiều tượng đức Quan Âm, bên cạnh có tượng hai đức Văn Thù ngồi trên sư tử và Phổ Hiến cởi trên lưng voi. Đức Phật Thích Ca thì ngồi trên ngai ở bên trong hốc.

Bảo Định Sơn nằm xa hơn, cách xa thị trấn khoảng 14 km. Đường lên đồi quanh co và như ở Bắc Sơn, càng lên cao càng thấy rõ cảnh vật xung quanh. Những đồi sắp hàng dài như những ngọn núi xanh thẳm trên nền trời, ở dưới chân những thửa ruộng lúa xếp đặt sát nhau làm thành một tấm thảm xanh rờn thẳng cánh cò bay. Trên đỉnh đồi, sau khi lướt qua trước miếu Trường Thọ, khách ngạc nhiên thích thú đứng trước một khe lũng hình vành móng ngựa, bao quanh là những vách đá cao 15-30 m, chạm trổ vô số hình tượng, hình nổi màu sắc rực rỡ. Tổng thể Đại Lạc Vạn (Dafowan) nầy, thực hiện dưới triều đại Nam Tống (1127-1279), hình như bị quên bỏ cho đến 1939 mới được tìm ra lại, và qua 1945 những nhà sử học Trung Quốc mới bắt đầu chú ý đến. Phải đợi hai mươi năm sau mới thấy các nhà khảo cổ sắp đặt thành 31 nhóm những văn khắc, hình tượng minh họa các sách lễ, những chủ đề đặc trưng Khổng giáo như là lòng hiếu thảo đặc biệt nhìn bên khía cạnh Phật giáo và tình yêu của cha mẹ. Muốn vào khe lũng, khách phải bước xuống nhiều tầng cấp, đi ngang qua trước mặt một số Hộ pháp trong hốc số 2, trước khi đạt đến hốc số 3 trình bày Cô xe Thế luân Bhavacacra (hay sinh tử luân, thế gian thừa) cao 5m20, biểu hiện giáo lý dạy lối sống thiện tâm để có quả báo tốt đẹp, như sống thọ, của cải đầy đủ, nhất là tái sinh làm người,...Vị thần oai nghiêm vô thường Anityata, tượng trưng cho Diêm vương Yama, hai nanh cắm trên, hai tay nắm dưới cổ xe được chia làm sáu góc, cổ vũ tín đồ luôn cân nhắc thành quả không thể tránh được những hành vi của mình để tái sinh vào một trong sáu hạng chúng sinh sắp theo hai lớp định mệnh : cảnh giới khốn khổ (địa ngục, quỉ đói, động vật) và cảnh giới hoan lạc (nhân loại, a-tu-la, thần thánh). Bên trái cổ xe là hình tượng tu sĩ Triệu Trí Phong (Zhao Zhifeng), người đã giám sát mọi công trình xây dựng ở Bảo Định Sơn cuối thế kỷ 12, thường được xem là thuộc trường phái bí truyền của Phật giáo.
 

 Hốc  3
Hốc  21

Đức Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, cao 7m60, đã thấy ở Bắc Sơn, được trình bày ở hốc số 8 và sơn sửa lại năm 1930. Thật ra tượng có 1007 tay mang mỗi tay một con mắt biểu trưng nhãn quan toàn năng, thần lực vô biên của đức Bồ tát. Ngài nổi tiếng có lòng từ bi vô hạn trước những thống khổ của chúng sinh, đồng thời lại có quyền năng vô song, thần lực vô biên để cứu chúng sinh ra mọi khổ nạn nên người ta thường xưng danh : Nam mô Đại từ bi, cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Sự thờ cúng huyền bí đức Avalokiteshvara hóa thân nầy được một tu sĩ Ấn Độ đem nhập vào Trung Quốc vào khoảng giữa thế kỷ 7, ngày nay rất được thịnh hành và tín đồ nhét vào tay, vào tóc Ngài những mảnh vải đỏ để mong Ngài chiếu cố ban ơn. Tuy được trọng vọng, sùng bái, đức Quan Âm phải chia sẻ vị trí danh dự với đức Phật Thích Ca. Ngài được trình bày trong hốc thứ 11 gọi là "Phật nhập Niết bàn" (khoảng 500 năm trước công nguyên, vào lúc 80 tuổi) thành một pho tượng nằm nghiêng bên mặt, cao 5,5 m, dài 31 m, không có chân, không có tay mặt chống đầu và tay trái duỗi theo thân mình như đã tả trong kinh Đại bát Niết bàn Mahaparanirvana-sutra, giữa một số các đức bồ tát. Tín đồ Phật giáo tin qua giấc ngủ ngàn năm nầy, một trạng thái đại hạnh phúc, biểu tượng một cuộc tịch diệt chấm dứt sự luân hồi mãi mãi trong vòng sống chết, đức Phật dẫn lối cho chúng sinh muốn tiến lên con đường của Ngài đã vạch, con đường giác ngộ.
 

Hốc  13
Hốc  18

Bên cạnh hai đức Phật và Quan Âm còn có một số các vị bồ tát như quanh đức Phật trong hóc "Phật nhập Niết bàn" vừa thấy ; trong hốc số 12 gọi là  "Suối nước Cửu Long" với chín đầu rồng, một vị được rồng phun nước vào mình trước một bể nước ở trên có đức Phật Vị lai ngồi ; trong hốc số 13, một vị ngồi trên lưng con công, thường ngồi trên công là thần Skanda hay Veda, tên bên Nhật là Kumara, nhưng bên nước ấy có thần Kujaku Myô-ô cũng cởi lưng cong ; trong hốc số 5 ba vị được trình bày đứng nghiên, mổi vị mang trong tay hình mẫu một ngôi chùa ;  trong hốc số 29 gọi là "Giác ngộ toàn vẹn", một vị quỳ lạy dưới chân bộ Tam Thế để xin được hướng dẫn trên đường Giác đạo. Phải chăng mọi người sùng đạo đều nuôi mộng sau nầy được lên đến cỏi Tây phương Cực lạc, nơi ngự trị đức A Di Dà với hai vị Bồ tát Quan Âm và Đại Thế Chí : trong hốc số 18 đức A Di Đà được trình bày với thái độ thuyết giáo giữa một số bồ tát, ở dưới là những tín đồ chờ đợi, hai bên là những con trẻ nảy sinh từ những đóa hoa sen, biểu tượng cho sự trong trắng dọn đường lên Tây phương Cực lạc. Ngược lại hốc số 20 trình bày âm phủ với mười tám tầng đau khổ; ở tầng trên cùng đứng giữa mười vị Diêm vương, tay cầm tích trượng để mở cửa âm phủ, là đức Địa Tạng, vị Bồ tát động lòng trắc ẩn chúng sinh, phát nguyện không vào cỏi Nát Bàn, ở lại trần thế giảm nhẹ gánh nặng nhiều nghiệp nhân ác, an ủi những bị cáo, xin giảm bớt tội cho họ. Ở các tầng dưới là những cảnh tượng tra tấn cùng những tội lỗi chủ yếu của Phật giáo : tham lam, giận dữ, ngu si,...
 

Hốc  20
Hốc  20

Đặc điểm của tổng thể là không chỉ có những hình tượng các vị thần thánh mà còn thấy nhiều cảnh tượng trong đời sống hàng ngày. Hốc số 21 rộng lớn, dài 24 m, cao 14 m, dành cho tu sĩ Lưu Benzun, sinh năm 855, cuối đời Đường, đã để lại một tấm gương sáng qua một cuộc sống khổ hạnh đầy thử thách mà ông đã vượt qua được, và cuối cùng trở thành chột mắt, cụt tay, ông đã hiến tặng toàn thể đời mình. Trong hốc số 15, những hình tượng minh họa tình thương của cha mẹ dành cho con ; trong cảnh hai vợ chồng cầu xin Phật ban ân một đứa con, hình tượng đức Phật được đặt ở chỗ chính là ở giữa ; bên trái, bà mẹ sắp sinh con (bà mụ xắn tay áo), một tu sĩ cầu niệm cho tương lai đứa trẻ, rồi bà mẹ cho con bú và xa hơn tiệc cưới của đứa con,...Hốc 17 trình bày trái lại lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ, khi còn sống cũng như khi đã chết ; trong hốc, một hình tượng người con gắnh cha mẹ trên vai, nhiều hình tượng trình bày đức Thích Ca lại bên giường cha đang hấp hối, mang quan tài cha khi cha mất, hay hơn nữa, khi ông cha lại khám một bác sĩ, bác sĩ đòi trả giá với một con mắt, đức Thích Ca không ngần ngại hiến con mắt mình,...Một cảnh tượng lạ thường, theo lời chú ở dưới, là thân sinh và thân mẫu đức Thích Ca nghiêng mình trước một bộ xương của con mình đã bị một con cọp ăn. Theo Kinh Thi, trong phần đầu Quốc Phong, hiếu thảo dọn đường đến trung quân, làm nền tảng cho luân lý gia đình, một chủ đề hoàn toàn Khổng giáo, đã được ghép vào Phật giáo, phải chăng để đồng hóa tôn giáo nhập cảng từ Ấn Độ nầy với luân lý Trung Quốc ? Cũng cần nên biết bất hiếu là một tội tầy trời : người ta kể chuyện thi nhạc sĩ Tây Khang, người lỗi lạc nhất trong bảy người hiền của Tao đàn Trúc Lâm thời Tam Quốc ở nước Ngụy (220-265) bị chém đầu vì có người dèm pha là thất hiếu.
 

Hốc  15
Hốc  15
Hốc  15
Hốc  17

Nói chung, không có một đền chùa Phật giáo nào ở Trung Quốc đã biểu lộ một sự kết hợp chặt chẽ giữa thiên nhiên và nghệ thuật tôn giáo như ở Bắc Sơn và Bảo Định Sơn.  Những hình tượng trình bày những vị hiền triết, những bộ mặt đầy lòng trắc ẩn, những cảnh tượng cổ vũ, khích lệ trong vách đá đã đánh dấu cả một thời nhà Tống biết hài hòa quá khứ, đạo giáo với thiên nhiên. Các nghệ sĩ thời đại nầy đã tìm ra lại được những hoạt lực của sông núi mà ông cha biết thờ cúng từ thuở nào. Những vị thần đất, thần trời chẳng qua đều phát xuất từ một thân cây, một viên đá nên người dân làng từ bao thế kỷ đã gắn chặt đời mình với sông, với núi và đất, nước cũng đã ảnh hưởng nhiều lên cuộc phát triển của họ. Họ biết diễn tấu vang âm tế nhị giữa những đức h ạnh luân lý của loài người với những đức tính vật thể của sông, núi. Họ biết theo dòng nước chảy luôn thay đổi hình dạng để rồi lại chắp nối với sự ổn định của những ngọn núi thấy như bất di bất dịch. Khổng  giáo, Phật giáo phát triển trong một môi trường từ lâu đã thấm nhuần một Lão giáo cổ truyền ẩn dụ, sáp nhập thiên nhiên vào thực tại của con người từ đó trộn lộn cảm hứng thơ văn, thần bí cũng như tham vọng chính trị, ước mong đạo giáo. Những tổng thể Bắc Sơn, Bảo Định Sơn đã thành công trong một thời gian đưa khách về với đời sống trong thiên nhiên. Chỉ mong những địa chấn vừa qua không phá vỡ những di tích văn hóa nầy.
 

Hốc  17
Hốc  17
  1995-2008
 


 [  Trở Về   ]