Chim Việt Cành Nam     [  Trở Về  ]           [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

Ô TRÁN NHÀ THỜ THÁNH FOY Ở CONQUES

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Nằm thu gọn trong một thung lũng nhỏ hình vỏ sò vùng Rouergue chiếm gần trọn tỉnh Aveyron, phía nam miền Auvergne, được cơ quan Unesco ghi vào danh sách các Di tích Quốc tế trên đường Saint-Jacques de Compostelle, Conques là một làng xếp hạng trong bản các "Làng Đẹp nhất nước Pháp". Đứng trên đồi cao nhìn xuống, nổi bật trong những mái nhà lúc nhúc là nhà thờ lớn với đàng trước hai lầu chuông cao. Lúc trước ở đây là một nơi tĩnh mịch thường được các nhà tu hành ưa chuộng. Vào thế kỷ 8, một ẩn sĩ tên Dadon hay Datus (viết tắc tên La Tinh Deodatus, có nghĩa Người hiến thân cho Chúa) đến trước một nguồn suối, bây giờ gọi là Fontaine de Plo, cảm kích phong cảnh hữu tình, chọn nơi dừng chân, tiện bề trầm tư, mặc tưởng giữa đám chim chóc, thú rừng. Vỏ sò theo tiếng La Tinh là concha, tiếng Occitan có tên conca nên nơi ông chọn lựa được gọi là Conques. Sau đó, một ẩn sĩ sùng đạo khác, Medraldus, lại chia sẻ cuộc sống định tâm với Dadon. Tiếng tăm thần thánh của hai ông không mấy chốc vang dội khắp vùng, nhiều tu sĩ lại nhập cuộc và dần dần một tu viện dòng Bénédictin (thánh Benoït) được dựng lên. Vào lúc nầy, Dadon tự nghĩ nhiệm vụ mình đã xong, đằng khác luôn trung thành với lý tưởng sinh sống đơn độc, ông nhường sự lãnh đạo tu viện cho Medraldus và về lưu trú ở thung lũng Dourdou gần đó, nơi sau nầy sẽ thành lập làng Granvabre.
Năm 866, nhờ những thánh tích của thánh Foy dành dật từ Agen đem về, Conques trở nên một trung tâm hành hương trên đường Saint-Jacques de Compostelle, cho nên có tên nhà thờ Sainte-Foy. Tục truyền vào thế kỷ 3, cô bé Foy con một công chức vô thần, nhờ bà vú hướng dẫn, chịu nhận rửa tội. Mặc dầu được dụ dỗ, bị dọa nạt, cô luôn giữ vững lòng tin và bị viên Thống đốc Aquitaine Dacien kết tội thiêu sống nhưng khi cô lên hỏa đàn thì một trận mưa dập tắc lửa. Tuy vậy, cô vẫn bị chém đầu cùng với cô em. Lòng can đảm và tính cương trực của cô Foy khuyến khích những người có đạo theo gương, không sợ tử vì đạo mà bỏ đi, đồng thời quy nạp theo đạo một số binh lính vô thần. Cô đã thực hiện ba tâm lực lớn nhất của Công giáo : đức tin, hy vọng và từ thiện. Bài thơ thánh Foy bằng tiếng Occitan thế kỷ 11 đã từng ca ngợi :

Một đất nước vô cùng may mắn
Được Chúa Trời hướng dẫn một đức thánh cao siêu
Nhân danh Ngài thực hiện những phép lạ mỹ miều
Những điều kỳ diệu tao nhã cùng kỳ quan vụn vặt...

Hai thế kỷ sau, đồng thời với tu viện, làng Conques trở nên một thị trấn trù phú và trong Cuốn sách các phép lạ thánh Foy, tác giả Bernard d'Angers miêu tả một thành phố quan trọng, mở rộng ra lên đồi bao quanh tu viện. Sách còn nói đến một ngành thương mãi phát đạt bán sáp và đèn cho khách thập phương. Quán trọ, quán ăn cũng là một mối lợi tức đáng kể vì các tu sĩ không thể bảo đảm lương thực và phòng nghỉ cho tất cả khách hành hương. Trong ngành xây dựng nhà thờ, tu viện, thành lũy, cửa ô,...nếu các thợ đẽo đá, thợ chạm gỗ từ xa mời lại, nhân công, thợ đào đất được tuyển mộ tại chỗ cống hiến một số công ăn việc làm cho dân bản địa. Năm 1341 Conques sổ sách kê 730 hộ gồm có khoảng 3000 nhân mạng, sầm uất hơn nhiều cái làng nhỏ bây giờ. Và tất cả dân cư nầy sống quanh tu viện với một kiến trúc tất nhiên thiết dụng đáp ứng hai nhu cầu tiếp đón quần chúng hành hương đồng thời đảm nhận trong nhà thờ mỗi ngày bảy lần các buổi lễ từ kinh mai đến kinh tối, đúng theo nghi thức của dòng thánh Benoït. Nơi Dadon chọn lựa trước kia đúng là chỗ để xây dựng một nhà tu nhỏ bé, khổ hạnh, bây giờ chỉ mở rộng ra thành được một nhà thờ thu hình : hậu cung không sâu, gian giữa ngắn (20,70m) đối với một cánh ngang tầm rộng ít thấy (35m). Để bù vào kích thước nhỏ bé ở mặt đất, nhà thờ chỉ có thể phát triển lên chiều cao (22m), cao ngang hàng với những nhà thờ dài gấp đôi trong vùng. Trong thực tế, ba nhà thờ đã tiếp tục nhau mọc lên. Cái thứ nhất xây dựng vào khoảng cuối năm 800 là để thờ Chúa Cứu Thế. Khi thánh tích của thánh Foy được đem về đây, vì khách thập phương quá đông, vào giữa thế kỷ 10, trưởng tu viện Etienne cho xây một nhà thờ lớn hơn, tồn tại không được một trăm năm. Qua thế kỷ 11, với đoàn khách hành hương Saint-Jacques de Compostelle dồn dập đổ xô, trưởng tu viện Oldoric bắt đầu thực hiện nhà thờ tu viện phong cách roman ta thấy ngày nay, thường được xem là một kiệt tác miền nam nước Pháp. Bắt đầu với phần dưới mặt ngoài gian giữa, nhà thờ được mở rộng ra hướng tây để kết thúc sau ba phần tư thế kỷ, với nhiều lúc gián đoạn, dưới thời trưởng tu viện Boniface. Sau Cách Mạng, nhà thờ bị bỏ rơi, may nhờ có nhà văn Prosper Mérimée, hồi ấy là thanh tra các Di tích lịch sử can thiệp tác động, nhà thờ mới được trùng tu từ năm 1837. Viếng nhà thờ Conques ngày nay, khách không sao dửng dưng được trước kho tàng kim hoàn những hòm thánh tích bằng vàng, bạc, đá quý, men khảm. Người yêu chạm trổ mặc sức chiêm ngưỡng hơn 300 mũ cột với đủ loại trang trí, từ hoa, lá qua thú vật, đến những cảnh tượng hàng ngày hay nguồn gốc tôn giáo.

Ô trán nhà thờ Sainte-Foy ở Conques

Nhưng tức khắc đập vào mắt khách đến viếng nhà thờ là cổng vào với ô trán khổng lồ (rộng 6,75m, cao 3,62m) trình bày 124 nhân vật sắp trên ba tầng (thiên đàng, trần thế, địa ngục hay nơi chuộc tội tartare) hoàn toàn được bảo quản tốt đẹp. Với thời gian, màu sắc đã bị phai lạt ít nhiều, nhưng nhìn kỹ cũng còn thấy vài vết làm nổi bật những nét chạm trổ, màu xanh trội nhất ở chốn thiên đàng, các màu đỏ, son nơi địa ngục. Ô trán đặt cách mặt đất chỉ 3,60m, khá thấp để có thể nhận rõ các chi tiết mặc dầu số nhân vật phong phú, những cảnh tượng nhiều dáng vẻ. Nếu tầng trên cùng dành cho các thiên thần, tất cả xếp đặt quanh đức Chúa Cứu Thế trong một khung hình bầu dục mandorle ở tầng giữa, thanh thản, không nghiêm nghị, chẳng yếu đuối, hai mắt một thoáng xa vời nhìn thẳng ra đằng trước, mình phủ một tấm quàng vai pallium hở bên mặt, hai tay phác họa một cử chỉ tín hiệu ít thấy trong khoa tranh ảnh các ô trán nhưng rất quan trọng : tay mặt hướng lên cao như được kéo lên trời trong thời kỳ Thăng thiên, cũng là để đón nhận những ân huệ của Chúa ; tay trái ngã xuống đất tỏ lời từ biệt vì Ngài sẽ trở lại, nhưng bàn tay ngửa ra cũng có nghĩa là để chia sẻ ân huệ với những ai cần vì Ngài sẽ trở lại để cứu vớt chứ không phải để phán quyết : vinh hồi và cứu thế. Cử chỉ nầy gợi lên sự song tính của đấng Christ, vừa là thần thánh, vừa là hóa thân. Hai chân đặt trên một cái bệ nghiêng xuống âm phủ nhắc lên chuyến xuống cõi chết trước khi sống lại, nghĩa là Ngài mang cả ơn giải thoát xuống địa ngục. Giêsu mất đi, xuống địa ngục, sống lại để lên trời, rồi trở về trần xét xử người sống và người chết. Vào thời roman, phán quyết chưa phải là một xét xử mà là sự hiện hình một đấng Christ siêu việt, chúa tể cả cái sống lẫn cái chết, vị cứu tinh những ai tin tưởng ở Ngài. Đây ta đứng trước một đấng Christ thắng trận, trong dáng vẻ lộng lẫy huy hoàng một vị hoàng đế La Mã, vừa là nhà vua vừa là quan tòa, chễm chệ trên một chiếc ngôi đầy sao bao quanh, dưới chân có hai thiên thần cầm nến soi sáng địa cầu. Người Pháp thường tôn vinh Ngài là le Christ en Majesté (Đức vua Christ) ngồi trong một ô trán mang tên Phán quyết cuối cùng (Jugement dernier) trong Phúc âm theo Matthieu, bên tay mặt là những vị được ân sủng ở Thiên đàng, bên tay trái là những kẻ bị tội về Địa ngục.
 
Đức vua Christ 
Thiên thần
Bên tay mặt Ngài, phần dưới là các vị cơ sở theo kinh Cựu ước : những nhà tiên tri và những giáo trưởng trước công nguyên ngồi xếp hàng từng cặp dưới sáu vòm, bảy cột họp chung thành mái đền Giêrusalem ở thế gian, trong một khung gọi là minh phủ limbe. Ở vòm giữa là Abraham, gia trưởng hê brơ, một nhân vật quan trọng kinh thánh, hai bên đứng hai đứa trẻ đại diện cho con cháu là Jacob và Isaac. Vòm kế bên mặt là Moïse đặt tay lên Aaron để tấn phong vào chức giáo sĩ , vòm cực mặt hai vị tiên tri Zacharie và Ezéchiel. Ba vòm bên mặt Abraham dành cho ba cặp Malchisédech và Josias mang bình rượi lễ, Esther vợ vua xứ Perse đã cứu dân tộc của mình và Hoàng hậu Saba người yêu của vua Salomon, Maria và Marie de Magdala mang một cuốn sách mở rộng. Bốn bà sau nầy đều đứng chứ không phải ngồi như những giáo trưởng trước. Trên khung minh phủ là một khung hình tam giác : bên mặt thánh Foy chắp tay quỳ gần chạm bàn tay của Chúa Trời, bên trái hai vòm trình bày một bình rượu lễ trên bàn thờ và một chiếc ngôi trống là chỗ của đấng Christ chủ tọa buổi ban thánh thể, vài xiềng xích treo trên xà vì thánh Foy được xem là vị ân nhân giải phóng tù tội. Một khung hình tam giác cạnh bên trình bày cuộc đón tiếp những người được chọn vào Thiên đàng.
từ trái sang mặt
Maria và Marie de Magdala - Esther và Saba - Malchisédech và Josias - Abraham và Jacob, Isaac - Moïse, Aaron - Zacharie và Ezéchiel
Cũng bên tay mặt của Ngài, phần trên là 13 vị được ân sủng, dẫn đầu có thánh Maria, mẹ Giêsu, đứng trước, hai tay chắp lại với nhau, những ngón tay chạm vào những làn sóng từ khung bầu dục tỏa ra, giữ vai người cầu kinh có nhiệm vụ can thiệp giùm với Ngài ; đứng sau có thánh Pierre, người sáng lập Giáo hội, tay cầm chìa khóa mở cửa Thiên đàng ; cả hai đều có vầng hào quang quanh đầu ; ẩn sĩ Dadon, người khai trương nhà thờ ; cả ba có kích thước tương đối lớn, đắm mình trong một bầu sóng thần thánh. Theo sau là những vị có công đức với nhà thờ, kích thước càng xa càng nhỏ lại, phần lớn trình bày nhìn nghiêng ba phần tư : trưởng tu viện Oldoric, người xây dựng nhà thờ ta thấy ngày nay ; vị nầy tay trái cầm gậy quyền, tay mặt cầm tay dẫn vua Charlemagne là người đã đóng góp nhiều cho nhà thờ ; đi kèm với nhà vua carolingien nầy là người con, vua Louis le Pieux, và người cháu Guillaume de Gellone ; theo sau là hai tu sĩ đại diện cho Giáo hội, một vị mang một cuốn sách là kinh Phúc âm, vị kia mang Bảng Luật biểu lộ sự liên tục giữa hai kinh Cựu uớc và Tân ước ; sau đó là các thánh Jérôme, Antoine, Foy, và Marie de Magdala, vị nầy ngồi mặt ngoảnh nhìn trở lại. Những vị nầy được sắp đặt theo một thứ tự niên đại : ở giữa là trưởng tu viện Oldoric (1130-40) xem như là hiện tại, hai bên lui về đầu công nguyên, bên mặt tu sĩ Dadon (năm 750), rồi thánh Pierre (năm 64), sau cùng Maria (năm 0), bên trái Charlemagne (800), thánh Jérôme (400), thánh Antoine (350), thánh Foy (303), sau cùng Marie de Magdala (0).

từ trái sang mặt : Marie de Magdala, các thánh Foy, Antoine, Gérôme - hai tu sĩ, Guillaume de Gellone, Charlemagne, Louis le Pieux, Oldoric - Dadon, thánh Pierre, thánh Marie
Bên tay trái Ngài, phần trên có bốn thiên thần : hai vị bên trái mang một cuốn sách và một bình xông hương dành cho những người công minh chính trực, hai vị bên mặt mang khiêng và kiếm xua đẩy những người tội lỗi tày đình. Những người nầy sắp đặt có phần hỗn độn hơn bên kia. Phần dưới là Địa ngục lửa nóng đốt cháy, quỷ sứ mặt mày méo mó, dữ tợn cười nhăn. Ở giữa, quỷ Xa Tăng ngồi đặt chân trên một người lười biếng dưới có những ngọn lửa đốt nóng. Có lúc lại bị một con thỏ đốt cháy. Lấn vào trong, một con quỷ vừa đẩy những người bị tội vào miệng há lớn con quái vật Léviathan trong kinh thánh, vừa nhìn lại đàng sau một người đang chạy thoát ra khỏi Địa ngục.
 
Hai dĩa cân công lao và tội lỗi
Qủy đẩy người có tội vào miệng quái vật
 
Bên cạnh là cán cân linh hồn kế toán những điều thiện ác trong đời, chỉ còn lại hai dĩa cân, một con quỷ tinh ranh đang cố nhấn mạnh để làm nghiêng mà không thành. Những tội lỗi có thể sắp thành hai loại tập thể và cá nhân. Về cá nhân, cố tìm cũng bắt gặp được những tội lỗi cốt yếu : trên đã thấy hai chân Xa Tăng đạp lên người làm biếng ; một người đàn bà trần truồng ngoại tình cột cổ với một nguời đàn ông ; một người hà tiện bị treo cổ, túi tiền trước ngực, chân bị rắn quấn ; một hiệp sĩ áo giáp lưới sắt kiêu ngạo bị đánh rơi xuống ngựa ; một người vu khống bị quỷ cắt lưỡi ; một người nóng tánh, hung dữ bị quỷ ăn não và tự đâm dao vào họng ; một người kiêu căng bị quỷ dành cướp cái đàn hạc và cắt lưỡi.
 
Ngoại tình
Xa Tăng - Lười biếng
Hà tiện
 
Trong các tội lỗi tập thể, nguyên do của cải, quyền thế và kiến thức, nhiều cảnh tượng chỉ rõ cách cư xử của các vị có uy lực. Ở giữa, vua nước Đức Henri V trần truồng dùng ngón tay chỉ vua Charlemagne bất bình thấy ông nầy được vào Thiên đường ; đức Giám mục Maurice Bourdin thành Uzerche, người đã tôn Henri V lên làm vua mặc dầu có sự chống đối của vị Giáo hoàng Grégoire VIII, được xem là người chống Giáo hoàng, đây trình bày bị đâm giáo từ miệng qua gáy (đoạn giáo từ tay quỷ đến miệng bị gãy) và bị lật mủ lễ ; vua nước Đức Henri IV bị khai trừ ra khỏi Giáo hội, đây trình bày không có mũ miện, con quỷ đứng chào, chân co ngược, một cử chỉ nhại châm biến ; một người bán vải nạn nhân của con quỷ đang mở cuộn vải ra ăn ; người cho vay nặng lãi bị treo chân, đầu xuống đất, mà vẫn với tay mò tiền bên cạnh .
 
Cho vay nặng lãi
Phá thai
Nóng tánh
 
Ở trên, tội lỗi về tiền bạc và kiến thức còn nặng hơn. Người thợ đúc tiền, chúa tể tiền bạc, tay nắm dấu bảo đảm, chân đạp bình nung vàng, bị ông chủ tham lam gian ác đổ vàng nóng chảy vào miệng ; những người theo dị thuyết, tay cầm sách phổ biến những tư tưởng sa đọa vào thế kỷ 12 : đức Giám mục Béranger ở Tour không tôn sùng đấng Christ thực tế trong bánh thánh thể ; Pierre de Bruys và Henri de Lausanne không chịu nhận uy quyền của Giáo hội,... ; những nhà buôn mang theo tà giáo cũng rơi qua lanh tô bẻ gãy như những người theo dị thuyết nói trên ; một đức Giám mục buôn thần bán thánh bị rơi vào lưới, gậy quyền gãy và đặt ngược, quỳ trước Ma vương cũng là một thiên thần truất giáng, phạm một trong những tội tày trời lớn nhất cho người tu hành....
 
Henri V và Charlemagne
Đức Giám mục Bourdin
Henri IV và con quỷ co chân
 
Kiêu căng
Thỏ thiêu người
Ô trán thật là một cuốn sách vẻ trình bày thời sự, không những về chính trị, đạo giáo, phong tục, mà còn về tình trạng xã hội, kinh tế, thể chế,...Không phải tình cờ mà vua Charlemagne được nâng lên Thiên đàng, đấy là do phái Capétiens muốn hợp pháp hóa cuộc nối ngôi của dòng mình ; đằng kia, những vua Henri IV, Henri V nước Đức bị rút phép thông công và hạ xuống âm phủ cũng là vì triều đại Hohenstauffen muốn lên tiếm ngôi. Râu ria hai ông Abraham và Melchisédech cắt theo kiểu Assyrie, khác hẳn với các vị trong Thánh kinh như Moïse hay Aaron. Nếu đấng Christ ăn mặc theo kiểu cổ, tu sĩ Dadon bận đồ thế kỷ 8 và vua Charlemagne mang y phục thời carolingien....
 
Mở hòm cho những người vào Thiên Đàng
Cuộc đón tiếp vào Thiên Đàng
Vài chi tiết cho thấy ô trán Conques không có một kiến trúc thường được đánh giá thô sơ, đơn giản, trình bày nông cạn, kém sâu sắc, mà là một kiệt tác nâng cao giá trị trung cổ nói chung, roman nói riêng. Nhìn kỹ, khách xem nhận thấy đủ mánh lới của nghệ nhân phát họa bố cục : cân đối, nhịp điệu, đối diện, giống nhau, lặp lại, tỷ lệ, linh tinh,...Thêm vào đó, tài hoa của các nhà điêu khắc, lắm khi với vài điểm hài hước cần thiết trong một khung cảnh quá nghiêm trang, đã hiến cho kẻ hậu thế những thích thú của người biết hưởng ứng cái đẹp trong một phong cảnh hữu tình, một nơi lịch sử trên con đường Saint-Jacques de Compostelle, một nhà thờ mang tên thánh Foy.
 
Thánh Foy khắc ở ghế ngăn gian thờ 
Thánh Foy quỳ trước bàn tay của Chúa Trời
Kỷ niệm một hôm xúc động nghe ngâm thơ và hát những bài vùng Auvergne ở lâu đài Auvers.
Tôi rời quê hương thân yêu
Nhưng tôi để tim tôi lại
Ở vùng Auvergne mỹ miều
Giữa những núi rừng, thung lũng và hoa tươi
Vì tôi nhớ người đang đợi
Cho tôi nàng giữ tình yêu
Và chúng tôi sẽ cưới nhau mùa xuân sau


Xô thành - Vui lễ Giáng Sinh 2011
Võ Quang Yến