Chim Việt Cành Nam           Trở Về   ]          [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Hình tượng thần thánh 
một thời Angkor

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Trong luôn ba tháng, từ 16.10.2013 đến 13.01.2014, kéo dài đến 27.01.2014, viện Bảo tàng Quốc gia Á Đông Guimet ở Paris triển lãm "Angkor, nơi sinh nở một huyền thoại - Louis Delaporte và Cam Pu Chia". Được nhiều hội đoàn như Sony, Total, Nomura,...hổ trợ, cùng thực hiện với các báo Beaux-Arts (Nghệ thuật), Le Monde (Thế giới), Le Monde des Religions (Thế giới các Tôn giáo), Télérama,...cuộc triển lãm ngày nay trình bày thế nào cuộc di sản Khơ me đã được khám phá ra lại và thế nào công chúng ở Pháp đã đươc thưởng thức vẻ đẹp Angkor qua các cuộc triển lãm lộng lẫy quốc tế hay thuộc địa đầu thế kỷ XX. Một bộ 250 di tích vô cùng phong phú trưng bày những tác phẩm điêu khắc Khơ me các thế kỷ X-XIII, những tượng đúc khuôn bằng thạch cao (thực hiện giữa 1870 và 1925), những tranh ảnh, những tài liệu đô thị thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX (những bức vẻ mực, tranh màu nước, bản in) hầu như để báo cáo lại những cuộc gặp gỡ đầu tiên của người Pháp với nghệ thuật Cam Pu Chia xưa qua tay một nhân vật biểu trưng Louis Delaporte (1842-1925). Là một nhà thám hiểm, ông đeo đuổi mục đích "đưa nghệ thuật Khơ me vào trong viện bảo tàng". Những di vật nầy lúc ban đầu được trình bày ở viện Bảo tàng Trocadéro (từ 1878 đến 1925), sau  mới được chuyển qua viện Bảo tàng Guimet đồng thời được phục chế. Nhờ cuộc triển lãm, nhiều di vật trở thành nổi tiếng, từ đấy đưa ra ánh sáng một gia sản đến nay ít được chăm sóc hay bị bỏ quên.
Ở viện Bảo tàng Guimet ngày nay, cuộc triển lãm di vật Khơ me tại Angkor chiếm toàn bộ phòng "triển lãm tạm thời" và các phòng Khơ me "triển lãm thường trực". Viện Bảo tàng nhân đây phục chế nhiều di vật trong phòng Khơ me như tháp các khuôn mặt đền Bayon. Để bổ túc, nhiều viện bảo tàng Pháp cũng như quốc tế như viện Bảo tàng Rodin, Trung tâm Georges Pompidou, viện Bảo tàng những năm Ba mươi, chịu cho mượn những di vật của họ. Ngay cả những viện Bảo tàng Quốc gia Phnom  Penh, Bảo tàng Quốc gia Angkor cũng hào phóng đặc biệt chịu gởi qua những tác phẩm điêu khắc trọng đại nhất của gia sản văn hóa Khơ me. Ông Pierre Baptiste, Quản đốc viện Bảo tàng Guimet và cũng là Ủy viên điều khiển cuộc triển lãm cùng với Thierry Zéphir, giải thích lý do là vì không những hàng triệu khách du lịch hằng năm lại viếng viện bảo tàng mà còn vì viện có sẵn một bộ sưu tập nghệ thuật Khơ me đẹp nhất ngoài biên giới đất Cam Pu Chia bấy lâu bị bỏ quên. Duyên do từ đầu là nhà hình họa Louis Delaporte, nguyên trung úy hải quân, quê quán thành Loches vùng Touraine, được ghi tên vào một phái đoàn thám hiểm sông Mê Kông năm 1866 dưới quyền chỉ huy của Ernest Doudart de Lagrée (1823-1868) và Francis Garnier (1839-1873), trong mục đích  tìm một đường giao thông qua Trung Hoa. Nếu kết quả là chứng minh sông không thể sử dụng được, đoàn nhân tiện ghé qua Angkor đã được Henri Mouhot "khám phá" năm 1860. Say mê nghệ thuật Khơ me, nhiều lần ông trở lại thực hiện hằng trăm ký họa và đổ khuôn những tác phẩm ngày nay một phần bị hư hỏng hay đã mất đi. Theo bà Sophie Makariou, Giám đốc viện Bảo tàng Guimet, đưa ra ánh sáng những tài liệu quí hóa nầy là bước đầu của sự đổi mới viện Bảo tàng, một viện nghệ thuật Á châu lớn nhất ngoài đất châu Á. Để cho xứng danh "điện Louvre Á đông", viện đã mời đuợc hãng Total giúp 800.000 euros  ; bộ Văn hóa cũng đóng vào 250.000 euros, đặc biệt vào công việc trùng tu những tượng đúc khuôn bảo quản trong một tình trạng thảm hại tại nhìều nơi ở ngoại ô Paris, tầng hầm điện Tokyo, tu viện Saint-Riquier, trước khi được đưa về kho tạm giữ ở Essonne mùa thu 2012 để phục chế.
Một bước dài đã được thực hiện từ ngày Louis Delaporte lần đầu tiên đứng trước một Angkor điêu tàn năm 1866  : khối lòi gốc, đá ngổn ngan, săc phai màu, bia phá vỡ, bãi sụt hỏng, tường sụp đỗ, thềm xiêu vẹo,...Sau nhiều thế kỷ chịu đựng mưa gíó, các nóc tháp phân hủy thành mảnh gãy nhỏ rơi xuống đất. Trên mặt đất, lẫn lộn trong lá rừng một vài đầu răn bằng đá. Cảnh tượng hư ảo giống như trong truyện hoang tưởng mô tả lâu đài huyền diệu che dấu dưới các cành cây uốn éo phủ lá sum sê. Delaporte đã khám phá điện đài cổ đại Yasodharapura, một kinh đô thần thoại các vua Khơ me đã mất, nay còn lại đó để quấn chặt, bóp ngạt, che giấu hay che chở Angkor. Khi gởi Delaporte đi theo  đoàn thám hiểm sông Mê Kông, bộ tham mưu Sài Gòn mơ tưởng những kết quả lừng lẫy tuơng tự thành tích phái đoàn Bonaparte qua Ai Cập. Bì bõm trong bùn lầy, giữa một địa ngục nóng như lửa đốt, đầy dẫy rắn rít, một nhóm binh lính, hải quân, bác sĩ, kỹ sư, những nhà địa lý học, thực vật học, địa lý thủy văn phát giác những dấu vết một nền văn minh huy hoàng. Riêng Delaporte kinh ngạc trước vẻ uy nghi, phong phú đồng thời bùi ngùi trước cảnh đổ nát của đền đài, những mương hào, những mặt đường ngưởi khổng lồ trên những đường đê cũng sụp đổ tan tành. Trong những điều kiện vô cùng khó khăn, họ ra sức họa vẽ, rập khuôn, tháo gỡ những kho tàng mà họ muốn tiết lộ cho thế giới. Để biểu thị vẻ đẹp lộng lẫy đền Bayon của vua Jayavarman VII ở trung tâm điện Angkor Thom gồm có 64 tháp 4 mặt, Delaporte đổ khuôn ở đây một bộ mặt, đằng kia lấy dấu ấn một hàng hiên, xa hơn dấu ấn một hình khắc nổi thấp, ...rút cuộc ông lập nên một ngôi tháp lý tưởng  ! Được thành tích kích thích, ông còn kiếm cách điều khiển sau nầy hai phái đoàn 1873 và 1881-1882 qua Angkor. Những lần sau nầy ông đem theo vài nghệ sĩ đổ khuôn giỏi như Joseph Ghilardi, Sylvain Raffegeaud thích dùng keo động vật gelatin rập khuôn rồi sang qua thạch cao, kết quà khả quan hơn. Sau đó còn có những phái đoàn khác  : Lucien Fournereau 1888-1889, Sylvain Raffegeaud(1890), Urbain Basset (1896-1897), Henri Dufour và Charles Carpesux (1904).
Ở Paris, trái với dân chúng hoàn toàn được thuyết phục, những vị khoa cử không biết hay không muốn đánh giá sắc thái một kho tàng quí báu như vậy. Sau biết bao vận dụng di chuyển tế nhị trong một hành trình đường biển khó khăn, kiệt sức, Delaporte thành công đưa về được trên bờ sông Seine, ngay trước điện Louvre, 102 thùng di vật  ! Nhưng viện Bảo tàng Louvre không chịu nhận kho tàng biết bao công phu để rút ra khỏi được chốn rừng sâu xa xăm, Delaporte phải thương lượng để đưa về tạm giữ ở phòng canh gác lâu đài Compiègne. May thay, bốn tháng sau, những người tổ chức Hội chợ Quốc tế 1878 thiết lập viện Bảo tàng Đông Dương ở điện Trocadéro. Măc dầu những nhà quản đốc bảo tàng cũng như các nhà khoa học nếu không khinh miệt thì cũng dửng dưng trước môn nghệ thuật dân gian ấy, nhờ được công chúng nhiệt liệt ủng hộ, Delaporte thành công đưa cao nghệ thuật Khơ me ra mắt thế giới và chính ông cũng dành cả đời mình để phục vụ nghệ thuật ấy. Trở nên khá giả nhờ cưới một bà vợ đẹp, hưởng gia tài  lớn, ông được bổ nhiệm Quản đốc có nhiệm vụ trùng tu và làm cho sinh động (không lương) viện Bảo tàng Trocadéro tứ 1880 đến 1925. Tỏ lòng biết ơn ông Delaporte, EFEO (Trường Viễn đông Bác cổ) đã nâng cao một trang sử nưóc Pháp trong lúc những nhà khảo cổ học phanh phui quá khứ thế giới, từ Xiêm La qua Ai Cập. Nối gót Pháp, nhiều nước khác cùng nhau lại sửa chữa 200 công trình nghệ thuật  , 500 vị trí địa hình Angkor  : sau khi những mìn Khơ me đỏ đã được dọn sạch, những người Ý.âm thầm làm công việc củng cố được cho là đẹp mà ít ai biết  ; người Nhật trùng tu với những kỹ thuật xưa  ; người Ấn Độ đổ nhựa lên các hình khắc nổi thấp để tránh thấm nước nhưng lớp sành bị nén nên vỡ ra  khi nước len vào dưới đá, người Đức bỏ công sửa chữa những tai hại  nầy  ; ngoài ra một số người Hàn, người Úc  ,... đua nhau phụ tay phá bụi, đào bới, phục chế. Một bước thêm của những góp sức nầy là cuộc triển lãm Angkor, biểu lộ lòng cảm phục trong luyến tiếc một ý niệm nào đó về nước Pháp vạn năng.

Delaporte là một người của thời đại ông. Những khám phá của ông đã theo đúng những phương pháp tiến hành khoa học  : thực hiện tuần tự những bản kê khảo cổ học, những hình rập, những khuôn rập các công trình nguyên thủy Angkor. Rủi các công trình nầy đã đổ nát lấp vùi trong cây cỏ nên rất khó thấy, khó lường. Vì vậy, khi Delaporte muốn xây dựng lại một công trình lý tưởng gần giống bản nguyên thủy, lắm khi ông nhượng bộ một vài chi tiết so với xác thực khoa học. Khi một bộ phận mất thiếu, ông đưa ra giả thuyết chính xác để xây dựng, dựa lên những mảnh gãy lượm lặt bên cạnh, không ngoài mục đích hoàn lại phẩm cách cho công trình. Sự kiện nầy bị chỉ trích nhưng Delaporte luôn tin ở thể dạng khoa học của mình rất thịnh hành hồi ấy, tương tự Viollet-le-Duc khi phục chế các nhà thờ. Cho đến những năm 1920, khi EFEO được thành lập, những kiến thức về Angkor trở thành chính xác hơn, gây tổn thương cho thanh danh của Delaporte, ngay trước khi ông từ trần năm 1925. Ông có để lại một tập tường trình đăng dần từng kỳ "Hành trình khám phá Đông Dương" trong tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh Thế giới), năm 1873, nhà xuất bản Hachette. Qua cuộc triển lãm và cuốn catalô mang cùng tên "Angkor, nơi sinh nở một huyền thoại - Louis Delaporte và Cam Pu Chia" (được giải CatalPa 2013 Mention Spéciale) những nhà chức trách mong khôi phục danh dự cho Delaporte. Họ muốn chứng minh phương pháp tiến hành của ông có thể đánh giá là khoa học, cách thức mô tả các công trình dựa lên những bằng chứng cụ thể nghệ thuật và lịch sử thực sự. Để nhập đề cuộc triển lãm, cùng được trưng bày những tài liệu, những tác phẩm các hậu duệ của ông còn giữ, những bản báo cáo nổi tiếng các phái đoàn, những ảnh bản gốc của Emile Gsell (1838-1879) và những hình vẽ các công trình Angkor do chính Delaporte tự tay thực hiện.

Trimurti  : Brahma, Vichnu và Shiva
Trong đạo Hindu, Trimurti, ba thể dạng devanagari, theo tiếng phạn, là phần hiện hình của thiên tính tối cao để chủ trì những trạng thái của vũ trụ  : Brahma, Vichnu, Shiva tượng trưng sáng tạo, bảo quản và hủy diệt. Ba vị nầy có thể được trình bày riêng biệt hay tập hợp trên một thân. Nếu họ biểu thị vật chất, quán tính, thường họ được ghép thêm một phụ nữ biểu thị năng lực, cử động. Ví dụ Lakshmi (thịnh vượng) cặp đôi với Vishnu, Shakti (hình dạng) với Shiva, Sarasvati (kiến thức) với Brahma. Mỗi vị có một hay nhiều hóa thân hay avatara, tiếng Phạn có nghĩa "xuống" hiểu là "từ trời xuống", hiện thân của một vị thần trên thế gian để đáp ứng một nhu cầu của nhân loại. Nhưng tất cả các hiện thân không phải là hóa thân, mỗi một lúc có nhiệm vụ khôi  phục đạo lý dharma bằng cách thiết lập những nguyên lý nhận thức thời đại mình hiện ra. Trong nhiệm vụ bảo quản, Vishnu phải chăm nom làm sao cho sáng tạo luôn được giữ thăng bằng với những phương tiện con người, thần thánh nếu cần. Trong truyện Ramayana, ông giúp Rama đánh thắng bọn quỷ sứ để lấy lại Sita. Thấy vua voi Gajendra gặp khó khăn với con cá sấu, ông cũng ra tay cứu giúp. Trong số mười hoá thân của Vishnu, Krishna, có nghĩa là đen, xẩm, thật ra có da xanh, được xem là hóa thân đầy đủ punavatara với tư cách là nguyên lý cuối cùng. Krisna là con của ông Hoàng Vasudeva và bà công chúa Devali, sinh ra ở Mathura. Theo truyền thuyết thì Krishna là từ một sợi tóc của Vishnu mà ra  !
 
Vishnu cứu vua voi Gajendra
Thommanon Louis Delaporte (1881-1882)
Vishnu thắng bọn quỷ sứ Rakshassas
 Angkor Vat Louis Delaporte (1881-1882)
Krishna có một tuổi trẻ dữ đội nhưng có đủ mánh lới để tránh được những đòn của ông chú, vua Kamsa, luôn tin tưởng đứa con thứ tám của Devali sẽ tai hại cho ngôi ông ta. Còn nhỏ, chàng ở với bà mẹ nuôi, Yashoda, lúc chưa hết bú mẹ, cho nên chàng thường được trình bày trong cánh tay Yashoda. Những hình ảnh thường được thấy nữa là chàng đang bò gọi là Navanitakrishna, hay nằm ngửa, bú ngón chân, mang tên Santanagopala đuợc các bà mẹ tôn thờ để bảo vệ con mình. Ở Angkor còn có một cảnh tượng nói lên vũ lực của chàng (Bhagavati Purana) là lúc bị Yashoda phạt cột vào một cái cối vì đã ăn trộm bơ và sửa trong trại bên cạnh. Muốn xê dịch, chàng phải mang cối theo, khi đi qua giữa hai cây cổ thụ, cối kéo ngã hai cây cho hiện lại nguyên hình hai đứa con của Kubera bị Narada ếm cho đến khi Krishna đến cứu. Trai trẻ, Krishna sành thổi sáo để quyến rũ bất cứ phụ nữ nào, có chồng hay chưa chồng. Ông cũng rất nghịch ngợm với họ  : chuyện đươc kể nhiều nhất là khi thấy một đám con gái cởi áo quần xuống sông tắm, ông lại lấy hết rồi trèo lên cây ngồi trốn  và chỉ chịu trả cho cô nào lại gần cầu xin  ! Thần thánh đã từng cảnh cáo Krishna phải rời bỏ Dvaraka với tất cả dân cư không thì dòng dõi sẽ tàn lụi. Thấy họ uống rượu và đánh nhau, Krishna cố gắng khuyên răn nhưng không thành công, ông vào rừng trầm từ để thử tìm giải pháp thì rủi có người thợ săn bắn vào gót chân là điểm yếu cơ thể. Trước lúc từ giả cõi trần, ông không quên dỗ dành anh thở săn đã vô ý bắn ông tử thương.
 
Krishna ở Lễ nước Dvaraka/Devarati
Angkor Vat Louis Delaporte 
(1881-1882)
Krishna bị cột vào cối làm đổ hai cây
 Angkor Vat Sylvain Raffegeaud 
(1890-1891)
Trong các nước Đông Nam Á thuộc đạo Hindu, truyện thánh được nói đến nhiếu nhất cùng với truyện MahabharataRamayana. Được viết thành sách bằng chữ Phạn giữa thế kỷ III trước và thế kỷ III sau CN, sách kể chuyện sự lọt lòng và nuôi nấng hoàng tử Rama, hoá thân thứ bảy của Vishnu, cuộc chinh phục Sita và đám cưới với nàng. Sau đó Rama bị vua cha đày đi Ayodhya, theo gót có Sita và em là Lakshmana. Ở đây, vua quỷ Ravana cướp Sita đem về Lanka (thường được cho là đảo Sri Lanka). Sau khi tìm kiếm, Rama tìm ra Sita và cứu ra khỏi tay quỷ sứ nhờ sự giúp sức của Hanuman, đại tướng bầy khỉ. Rama giết Ravana, về nước lên ngôi và trở nên một ông vua khôn ngoan, đạo đức. Trong một phần phụ còn có chuyện nghi oan Sita ngoại tình trong thời gian bị bắt cóc, Sita buồn giận bỏ chồng đem con lại ở nhà Valmiki nhưng vài năm sau oan được giải và Sita trở về lại với Rama. Trong chiến trận Lanka đánh Ravana, Rama đứng trên Hanuman, đàng sau có người em Lakshmana, xung quanh là đoàn binh khỉ đồng minh. Ravana là ông vua-quỷ 10 đầu, 20 tay, rất hung dữ và tàn bạo, lên ngôi sau khi giết anh vừa là vua hợp pháp Kuvera xứ Lanka và chiếm lâu đài bay Pushpaka, được thành bất tử nhờ cầu khấn Brahma 10.000 năm, không sợ bất cứ thần thánh nào, nhưng kiêu ngạo trước con người thì không xin được che chở. Đam mê phụ nữ, chỉ vì ham bắt Sita mà Ravana bị tai hại. Đây ông muốn lay chuyển núi Kailasa, nơi Siva ngự trị. Giúp sức cho Ravana có con quỷ Marica (Marricha), để Ravana dễ bắt Sita, tự biến thành con nai lại quyến rũ Rama ra xa và bị Rama bắn tử thương. Phía dưới, thần ái tình Kuma dương cung bắn Siva. Thần dục tình Rati, vợ Kuma, khóc chồng bị Siva biến thành tro.
 
Chiến trận Lanka :
Rama đứng trên Hanuman 
Angkor Vat Louis Delaporte (1873)
Vua-quỷ Ravana 
muốn lay chuyển núl Kailasa
AngkorVat Joseph Ghilardi (1881-1882)
Rama bắn chết quỷ Marica hiện hình con nai
Angkor Vat Sylvain Raffegeaud (1890-1891)
Kuma bắn Siva - 
Rati khóc chồng Kuma biến thành tro 
Sylvain Raffegeaud(1890-1891)
Môt trong những cảnh tượng giữ một chân đứng ưu việt trong thần thoại hindu là "Cảnh nhào trộn biển Sửa" amritamanthana do những thần deva và những quỷ asura khởi công trong mục đích chế tạo mật bất tử amrita. Thuở khai thiên lập địa, thần thánh cũng như quỷ sứ đánh nhau để làm chúa tể thế giới. Thần thánh đuối sức, chịu thua, bèn lại cầu cứu Vishnu. Vishnu đề nghị chúng hợp lực với quỷ sứ mới hòng chế tạo được amrita để giải quyết. Cách thức là phải bỏ nhiều cây thuốc xuống biển, lật đổ núi Mandara để đặt lên trên chóp mai con rùa Akupara, một hóa thân của Vishnu, và lần lượt mỗi phe kéo con rắn Vasuki, vua các loài naga, để quay núi. Sau 1000 năm công sức, một số vật và nhân vật huyền diệu đã được cấu thành : Kalakuta hay Hala-Hala là một chất độc vô cùng mảnh liệt mà Siva uống trước khi rải khắp và tiêu diệt hoàn cầu, vài giọt tràn ra ngoài, rắn rít và bò cạp liếm vào nên chúng có nọc độc ; Surabhi là con bò đầy sữa ; Varuni là thần rượu  ; Parijata là cây thơm ; Chandra là mặt trăng ; Uchaishravas là con ngựa trắng tổ tiên loài ngựa với tóc xoăn bảy màu làm thành cầu vồng ; Airavata là con voi trắng làm vật cưỡi cho Indra ; Apsara là những nữ thần hạ đẳng ; Lakshimi là thần nhan sắc ngồi trên hoa sen ; Kaustubha là ý thức không khuyết điểm, châu báu trên ngực Vishnu và Krihna ; và Dhanvantari thầy thuốc của những deva, tay cầm bình kumbha chứa đựng mật amrita. Lập tức, lanh chân hơn các deva, những asura cướp bình amrita nhưng Vishnu dưới dạng Mohini, người đàn bà đẹp nhất hoàn cầu, lấy lại và trao cho các deva. Từ nay bất tử các deva đẩy những asura xuống âm phủ. Vài giọt amrita rơi xuống Ấn Đô ngày nay thành nơi hành hương : Godavari ở Nasik, Shipra ỏ Ujjain, ở Haridwar và ở Prayag hay Allahabad trên sông Hằng Hà.
 
"Cảnh nhào trộn biển Sữa"
Thế kỷ XII Phái đoàn Etienne Aymonier (1882-1883)
Asura lớn nhiều đầu nhiều tay nắm đầu hay thân con rắn Vasuka
Angkor Vat Phái đoàn Louis Delaporte (1881-1882) Đổ khuôn Joseph Ghilardi
"Cảnh nhào trộn biển Sữa" 
Angkor Thom Phái đoàn Lucien Fournereau (1888-1889) Đổ khuôn Joseph Ghilardi

Ở Angkor Vat, cạnh những thần thánh, thường thấy có những nữ thần gác cổng hay gác đền gọi là devata. Rất đẹp, cặp vú nổi trội, mang nhiều đồ trang sức, quần sarong dài trang trí bông hoa, mỗi bà khăn mũ khác, điệu bộ khác, y phục khác, luôn ngậm miệng cười như phong cách Khơ me thời đó (nghe nói chỉ có một bà cho thấy hàm răng), họ đếm tất cả là 1780 bà. Những bà dựng ở tầm tay có vú bóng nhoáng vì được khách sờ nhiều, tin tưởng hưởng được hạnh phúc. Chữ deva, hay đầy đủ hơn devanagari, lấy gốc từ tiếng Phạn div có nghĩa chói lọi, phát xuất từ chữ Au-Ấn deiwos cùng nghĩa sáng rực, lóng lánh. Đạo Vệ đà xưa dùng chữ deva để gọi lên những thế lực hoạt động trong những hiện tượng thiên nhiên hay tinh thần. Qua đạo Hindu, deva trở thành một chữ để chỉ những thần thánh nói chung. Nữ thần được gọi là devi. Người ta thường lầm devi với apsara là những nữ thiên thần nhảy múa xuất thân từ "Cảnh nhào trộn biển Sữa". Ở Angkor, apsara được hình dung thành những nữ thần bay từng đoàn, mang nhiếu đồ trang sức và nữ trang., tượng trưng thần thánh cho niềm vui , thú vui xác thịt và tinh thần. Người ta bảo các bà biết 64 phương cách để kích thích tình dục vì vậy khi một nhà tu khổ hạnh đạt được nhiều quyền lực, thần Indra phái lại vài apsara, không chóng thì chầy ông sẽ sa lưới và mất hết quyền lực. Tục truyền các apsara từ nước vượt lên để cám dỗ người trấn  : ai gạt nó đi sẽ thành điên, ai chấp nhận nó làm nhân tình hay làm vợ sẽ thành bất tử.

Devata
Angkor Vat Urbain Basset (1896-1897)
Aspara
Angkor Vat Louis Delaporte (1873)

Angkor Vat, đền Khơ me đẹp nhất, được xây dụng dưới thời Suryavarman II (1113-1145) một ông vua chinh phục vừa là một nhà xây dựng lớn. Vào đầu thế kỷ XII, tuy đạo Hindu còn thống trị, những biểu tượng Phật giáo tăng gia, biểu lộ tính quan trọng của tôn giáo nầy, cho đến cuối thế kỷ thì trở thành tôn giáo quốc gia. Những tượng Phật ngồi thế thiền định samadhi trên con rắn naga Mucilinda, một giai đoạn trong đời sống đức Thích ca Mâu ni, đáp ứng những đặc tính phong cách Angkor Vat thế kỷ X. Tục truyền đức Thích ca khi đang mải miết trầm ngâm trong cuộc thiền định, suýt bị nước hồ cuốn đi thì được con rắn naga Mucilinda cư trú ở đấy, dang rộng những đầu quanh Ngài để che chở. Ngồi trên lưng con rắn cuộn lại, Ngài trông như chễm chệ trên ngôi. Hình ảnh nầy là một mẫu gốc đức Phật vì sau nầy rất thông dụng trong nghệ thuật Angkor. Còn quan trọng hơn khi nhiều vua tin tưởng hoàng gia là hậu duệ một hôn nhân giữa một Bà la môn Ấn Độ và một nagini nữa người, nửa rắn. Trong Phật giáo, bên cạnh đức Phật và đức A Di Đà, nhân vật quan trọng bậc nhất là đức bồ tát Amoghapasa Lokesvara hay Lokesvara, hiện hình của Avalokitesvara, nam hay nữ, tức là đức Quan Âm hay Quán Thế Âm bên ta. Theo tiếng Phạn, tên của đức bồ tát có nghĩa " chúa tể thế giới " lokesvara mang một dây buộc chắc chắn có hiệu nghiệm amoghapasa, luôn nắm trong tay là một quyền lực cứu vớt những sinh mạng lạc lối. Đức Quan Âm cũng có định nghĩa cùng hướng  : hiện thân của lòng trắc ẩn, tính thận trọng, những đức tính chính của đức bồ tát. Ngài có ngàn mắt để thấy tất cả, ngàn tay để giúp mọi chúng sinh. Trong "phòng triển lãm trruờng thực" còn có hình tượng một phụ nữ rất đẹp gọi là Prajnaparamita hay Tara (  ?) xem như là hình dung của Jayarajadevi, bà vợ thứ nhất của vua Jayavarman VII, một người giàu lòng từ thiện luôn cứu dân độ thế. Để so sánh với tượng đẹp cở nầy chỉ có thể đưa ra tuợng Chăm tìm ra được ở Hương Quế, thế kỷ X.

   
Đức Phật trên con rắn naga Phong cách Angkor Vat. Thế kỷ XII
Preah Khan ở Kompong Svay Louis Delaporte (1873)
Lokeshvara Bayon Angkor Thom
Phong cách Bayon.Thế kỷ XII-XIII. Louis Delaporte (1873)
Jayarajadevi-Prajnaparamita ¨Phong cách Bayon 
Cuối thế kỷ XII-XIII, Angkor, Preah Khan 
Hương Quế (*)
Thế kỷ X, Quảng Nam

Cómấy đời vua Jayavarman sau cùng, tuy không phải thần thánh, cũng đáng được đề cao trong lịch sử Angkor. Ngoài Jayavarman II (802-?) thành lập Hariharalaya là thành cổ Angkor, có thành tích đánh đuổi quân đô hộ Java, hai vị để lại tên tuỗi là Jayavarman IV và Jayavarman VII. Jayavarman IV (928-941) lên ngôi ở kinh đô Koh Ker còn gọi Chok Gargyar (Đảo Vinh Quang) được xây dựng thành công sự 1200 m2 trong một diện tích 35 km2 với nhiếu đền đài to lớn như phức hệ Prasat Thom tháp chóp bảy tầng cao 30m. Một bảng khắc trên linga đặt trên chóp bằng chữ Khơ me xưa kamrate? jagat ta Rajya chỉ rõ "thần là đức vua ". Nhiếu tác phẩm nghệ thuật đã được thực hiện như hình tượng Garuda nay dựng trước viện Bảo tàng Quốc gia Căm Pu Chia. Kok Ker bị bỏ quên một ngàn năm cho đến lúc Louis Delaporte và Étienne Aymonier phát hiện. Jayavarman VII (1181-1201 hay 1218) là một Phật tử, nhà vua lớn cuối cùng đế quốc Khơ me. Khi quân Chăm sát hại vua Yacovarman II và kẻ chiếm đoạt Tribhuvanaditvavarman, ông chạy trốn và chỉ trở về lại để đánh đuổi quân Chăm và vua Indravarma IV ở một địa điểm sau nầy ông cho cất đền Preah Khan. Ông lên ngôi "Hoàng đế vạn năng" và khôi phục uy quyền Khơ me "thành công trả thù quân địch sau 18 năm dị hóa kiên trì " theo một văn bản Trung Quốc. Sau đó, khoảng 1190, ông qua thôn tính Champa, bắt bỏ tù vua Chăm, năm 1230 biến Champa thành một tỉnh Khơ me, đồng thời mở rộng bờ cỏi Cam Phu Chia qua Lào, Thái Lan. Ông xây dựng đền quốc gia Bayon ở trung tâm kinh đô Angkor Thom, các đến Banteay Kdei phía đông, Preah Khan phía bắc. Ông đưa lại đạo Phật đại thừa lên làm quốc giáo và những hình tượng đức Phật tươi cười bắt đầu chớm nỡ khắp các đền miếu. Hình tượng chính ông cũng là một mẫu Phật phúc hậu, dịu dàng gắn liền với vẻ thẩm mỹ một thời nâng cao lý tưởng thanh thản của đạo Phật. Là một ông vua có công giải phóng đất nước, vừa là một vị suốt đời xây dựng, Jayavarman VII đánh dấu thời đại ông và nhờ ông mà ta mục kích được ngày nay một Angkor dù điêu tàn vẫn đồ sộ và vô cùng huyền diệu. Khó hiểu là những hình tượng của ông đều bị đập vỡ...Delaporte có công phục hồi hình tượng ông tìm ra được thành hai mảnh (đầu năm 1958, thân năm 2000, thiếu tay, thiếu chân) ngày nay được xem là một kiệt tác tuyệt đối của nghệ thuật toàn năng. Một bức đổ khuôn tuyệt vời nữa là trán tường cửa giả chính phòng "Vũ nữ" Ta Prohm, hình dung một giai đoạn đời sống jataka đức Phật, còn đẹp hơn nguyên bản đang bị hư hỏng, hiện đuợc giao cho Archaeological Survey Ấn Độ trùng tu : có lẽ đây là một đền Jayavarman VII xây dựng để thờ bà mẹ đã mất và để cung hiến cho đức Bát Nhã Ba la Mật Đa Prajbaparamita (Hoàn thiện Đạo lý).
 

Jayavarman IV (?)
Prasat Thom Kok Ker Tk. X
Jayavarman VII (?) Phong cách Bayon , Preah Khan Kompong Svay Tk. XII-XIII
Louis Delaporte (1873)

(*) Ảnh chụp Cuộc triển lãm Những kho tàng nghệ thuật Việt Nam - Điêu khắc Champa tại viện bảo tàng Á Đông Guimet, Paris 2005-2006. Tượng hiện trưng bày ở Viện Lịch sử TPHCM.

Tham khảo: Angkor - Naissance d�un mythe - Louis Delaporte et le Cambodge, sous la direction de Pierre Baptiste et Thierry Zéphir, Gallimard/Musée national des arts asiatiques Guimet 2013-2014

Thành Xô mùa xuân Giáp Ngọ 2014

Angkor Trán tường cửa giả chính phía bắc phòng "Vũ nữ" Ta Prohm
Lucien Fournereau Sylvain Raffegeaud (1888-1889)