Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập II : Làm gì cho Huế 

Võ Quang Yến

***

16-HƯƠNG VỊ HUẾ GIỮA NAM ĐÔ 

Huế chưa có sân bay quốc tế nên từ nước ngoài mỗi lần muốn về thăm sông Hương núi Ngự phải chọn sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài. Năm nay vì có ý định tham quan đồng bằng sông Cửu Long, tôi và nhà tôi chọn đỗ cánh Sài Gòn. Không biết là tình cờ hay may mắn, mà tôi tin thường may mắn dễ lại với ai có lòng tin và nhiều nhiệt huyết, vì mới chân ướt chân ráo đến nhà đứa cháu là có tin được mời đi dự buổi gặp mặt đầu năm của hai hội cựu học sinh Quốc Học - Đồng Khánh.

Sáng hôm chủ nhật 8.2.98, quen thói Âu Tây, chúng tôi lại chỗ họp đúng 8 giờ rưởi. Trừ những vị trong ban tổ chức, có lẽ chúng tôi là khách đến sớm nhất. Cũng hay thôi vì như vậy chúng tôi có dịp hàn huyên với nhũng bạn chưa từng quen biết. Học sinh Quốc Học - Đồng Khánh không nhất thiết phải là người Huế nhưng hôm đó giọng ọ ẹ miền Trung rầm rập hội trường, ở trên sân khấu cũng như trong phòng. Sau những bài diễn văn cần thiết, phần văn nghệ dồi dào tỏ ra các anh chị vẫn luôn còn giữ vẻ trẻ trung của thời học sinh thuở trước. Ngồi nghe và ngắm nhìn những ca sĩ, nhạc sĩ tiêu biểu, râu tóc điểm màu tiêu muối, sắc mặt của những bậc phụ huynh mà vẫn tươi tắn, nhanh nhẹn, phong độ tưởng như còn ở tuổi đôi mươi, tôi cảm phục và mừng thầm cho nhưng người biết sống mãi không già.

Trong phòng họp hôm đó, tôi đã làm quen được một số bạn mới nhưng cũng vui mừng gặp lại vài bạn xưa tưởng như không khi nào còn có dịp hội ngộ. Một chị khá lớn tuổi hỏi tôi có phải là người năm mươi năm trước đã kèm học hai đứa trẻ bên Hàng Bè. Tôi không nhận ra chị ngay nhưng bổng nhiên nhớ lại cả một thời niên thiếu, học năm cuối ở trường Khải Định trước khi vô Sài Gòn. Hồi ấy vừa đi học lớp đệ nhị khoa học B, tôi vừa làm "gia sư", túi không đầy tiền nhưng sống một cuộc đời vô tư, hồn nhiên. Chính vào dịp đó mà tôi đã làm quen với những xóm Đông Ba, Gia Hội náo nhiệt từ thuở nào. Tôi cũng nhớ lại cầu Trường Tiền vừa mới bị sụp một vài, hàng ngày phải đi đò vượt qua sông Hương, một dịp để các học sinh vẩy nước chòng ghẹo các cô áo trắng tóc thề e lệ núp sau chiếc nón bài thơ nhưng vẫn khúc khích chuyện trò, không chút bực tức, có khi nghiêng nón biếu tặng cả một nụ cười duyên dáng hay một liếc nhìn chấn động lòng chàng trai.

Cũng trong buổi họp đó, chúng tôi gặp lại một anh bạn quen từ bên Pháp nhưng bặt tin mấy chục năm nay. Cuộc trùng phùng đã gợi lại cho chúng tôi những kỷ niệm vui tươi của thời.... chưa cưới. Hồi ấy chúng tôi là sinh viên sống ở xóm La Tinh tại Paris. Hôm 14.7.54, năm Điện Biên Phủ, sau một ngày học đừ người, vào khoảng 5 giờ chiều, tôi đi xem khiêu vũ được tổ chức khắp các nẻo đường nhân lễ quốc khánh Pháp. Tôi làm quen với hai cô chị em nữ sinh ở công trường Sorbonne sau khi nhảy một điệu valse với cô em. Trời đổ mưa và dàn nhạc cũng ngừng đánh, tôi mời hai cô về nhà uống trà và sau đó ăn tối : món ăn độc nhất mà tôi biết nấu và lúc nào cũng sẵn có vật liệu ở phòng trọ hồi ấy là bún trộn với pho mat Gruyère (bún khô không khi nào hư còn pho mat thì đặt ngoài cửa sổ cũng đủ lạnh để giữ nhiều ngày). Tối hôm đó, cả một bọn bạn tụ họp tại phòng tôi để cùng nhau đi xem đốt pháo bông ở Pont Neuf, rồi đi nghe nhạc và khiêu vũ trước Hôtel de Ville . Trời mát, nhạc hay, bạn bè vui vẻ, chúng tôi quên mất giờ chuyến métro cuối cùng. Sau đó, không ai có tiền thuê taxi, phải hộ vệ hai nàng cuốc bộ về nhà ở tận trên quận 19 miền Bắc Paris, hai người tình nguyện là tôi và anh bạn Nguyễn Tế. Ba năm sau, cô chị trở thành vợ tôi còn anh Tế thì trong thời gian ấy đã lên đường về nước phục vụ. Nhà tôi nhận ngay ra anh mặc dầu nhiều năm xa cách. Đã về hưu như chúng tôi, anh không khác trước bao lăm thời trẻ, từ nét mặt, điệu bộ, đến cách ăn nói, phê phán tình hình, nhưng anh không còn nhớ gì về cái đêm 14.7 đó nữa.

Thấy cuộc gặp mặt bạn bè xưa vui quá nên khi được tin có buổi họp đồng hương Huế -Thừa Thiên chủ nhật sau, chúng tôi tranh thủ ngay thời gian để đến dự. Nhớ lại những buổi họp đồng hương vài năm trước ở đường Phan Đăng Lưu, tưng bừng, náo nhiệt với một bầu không khí văn nghệ sôi nổi nhưng êm đềm, chúng tôi mừng thầm lại được sống những giờ phút ấm áp khó quên. Như chủ nhật tuần trước, chúng tôi thuộc số những ngưới có mặt sớm nhất. Nhưng ngay sau đó, có người nhỏ nhẹ cho chúng tôi biết hôm nay là một buổi họp nội bộ. Hiểu ý, chúng tôi chào hỏi qua loa vài bạn quen rồi ra về với ít nhiều luyến tiếc nhất là sau nầy biết có cuộc mừng thọ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương mà những bản nhạc trữ tình như Đêm đông, Người đẹp vườn xuân, Bướm hoa,... đã làm rung động cả một thời tuổi trẻ của tôi, hay lưu luyến như bài Trên sông Hương mà âm điệu mấy chục năm sau vẫn còn gợi lên hình ảnh giòng sông êm ả hữu tình

Chiều tàn trên bến mang theo hoàng hôn,
Dòng sông buồn mơ chiếu áng mây hồng,...
Nhưng như tôi thường nghĩ, trong cái rủi thường có lẫn vào một cái may : hôm đó, chúng tôi lại có duyên gặp mặt chị Hỷ Khương mà những câu ngâm thơ bài Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử đầy xúc cảm đã đi vào lòng tôi trong một cát xét thời Bách Khoa mấy chục năm trước. Chính chị đã đưa chúng tôi lại thưởng thức những món đặc sản ở quán Ngự Viên của họa sĩ Tôn Thất Văn và chị Dẫn. Chất lượng thực đơn ở đây vô cùng đặc sắc, có món thanh tao hơn cả ở chính đất Thần Kinh mà chúng tôi vừa có dịp về thăm. Chị Dẫn, tuy vừa mới ở nhà bếp ra, tươi tỉnh như một cô gái dậy thì với nét mặt dịu hiền của một bà mẹ. Cảm kích trước quán cơm Huế yên tĩnh nầy giữa chốn Nam Đô náo nhiệt, nữ sĩ Hỷ Khương đã có hai câu thơ tặng anh Văn, chị Dẫn đóng khung trên tường
Vườn Ngự trăng vàng soi bóng trúc
Thềm hoa kính Dẫn bước Văn nhân.
Giáo sư Vũ Khiêm khi đọc hai câu thơ nầy biết tên hai vợ chồng chủ nhân quán Ngự Viên, cũng cao hứng lấy chữ Văn và chữ Dẫn làm thành hai câu đối chữ Hán mà hoa tay hiện rõ trên nét tuyệt vời
Văn đài dĩ túy Hương giang tửu
Dẫn lộ do phùng ngự uyển hoa.
Tráng miệng hôm đó là món chè đậu ngự ngon ngọt quí báu mà sang đất Pháp phải may mắn lắm mới gặp được. Chị Hỷ Khương đề nghị một câu đối
Vườn Ngự, ta ngồi xơi đậu ngự.
Vế đối là công tác tập thể của ba người
Đầm Sen, mình đứng ngắm hoa sen.
Trên xe taxi về nhà, tôi ngẫm nghĩ Đầm Sen là ở đất Sài Gòn, phải đưa cho được câu đối về chốn Hương Bình
Núi Bằng, gió lộng thoáng chim bằng.
Vế đối nầy chắc chắn là không chỉnh bằng, nhưng tưởng Bằng cũng gần với Ngự hơn Sen. !

Chị Hỷ Khương còn quý khách hơn : ngoài cuốn Hồi ức về cha tôi Ưng Bình Thúc Giạ Thị để

Lời xưa di huấn thời son trẻ
Con vẫn mang theo suốt cuộc đời
chị còn biếu tặng chúng tôi hai cuốn băng vidéo Tình Thúc Giạ, thơ văn cụ qua tiếng hát của chị, và Lễ kỷ niệm 120 năm sinh Cụ tổ chức ở Huế hè năm ngoái. Với những món quà tặng văn hóa quí báu nầy, tôi luôn sống với Huế mặc dầu xa cách hằng nghìn dặm.

Bên phần bác sĩ Dương Cẩm Chương cũng có mặt tối hôm ở Ngự Viên thì lại nhã tặng chúng tôi cuốn Còn vang trong gió của tác giả phu nhân Thân Thị Ngọc Quế mà bác sĩ đã minh họa với những bức tranh tràn đầy nghệ thuật vẻ ở Việt Nam. Chúng tôi không xa lạ với thơ chị Quế và đã có bài cảm nghĩ (bài gởi về tạp chí Sông Hương ở Huế, không được đăng) khi hơn 10 năm về trước nữ sĩ cho ra tập thơ đầu tay Giọt nước cành sen mà tôi hân hạnh còn giữ một bản thảo.

Ngắm giọt nước cành sen
Nhớ về cung thành nội
Buổi tĩnh tâm nắng chiều
Hương còn đọng trên môi.
Thân kính đa tạ các anh chị.

Thì ra tinh thần Huế vẫn luôn tồn tại, bất chấp thời gian, không gian. Riêng phần chúng tôi, những kẻ mải mê trong thế giới khoa học khô khan, ngụp lặn trong hiện thực vật chất xô bồ, qua cuộc tiếp xúc với các anh chị nghệ nhân lỗi lạc, với những bài thơ tình thâm, những bản nhạc động lòng, những tranh tượng siêu hình, đã học hỏi được thêm nhiều trên mặt văn nghệ và từ đó có dịp trau dồi nhận thức cảm tính của mình để sống lâu mãi trong tổng thể tình cảm, nội tâm của con người Huế.

Hắc Ký Ni Sơnmùa Phật Đản 2542
Người Sông Hương 4 1999

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]