Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập II : Làm gì cho Huế 

Võ Quang Yến

***

17-TỪ DEBUSSY ĐẾN TÔN THÂT TIẾT 

Nước Pháp mùa xuân năm nay hân hoan tổ chức " Những ngày nhạc Việt Nam". Hai đoàn Phú Xuân (Nhạc Cung đình và Ca Huế) và Thái Hà (ca trù) được mời qua trình diễn từ 10 đến 17 tháng 5 năm 2002. Nói cho đúng, trừ hai buổi diễn tối hôm 10 ở nhà thờ Saint-Loup de Naud (Seine-et-Marne) và tối hôm 17 ở rạp Théâtre des Nouveautés tại Le Parvis - Tarbes (Pyrénées), tất cả những buổi khác đều được tổ chức ngay tại Paris. Khởi đầu hai chiều thứ bảy 11 và chủ nhật 12, khán giả được xem không trả tiền ba xuất Nhạc Cung đình lúc 15, 16 và 17 giờ tại Cité de la Musique. 14 nhạc sĩ quanh hai cụ Trần Kích và Nguyễn Kế, nguyên là nhạc công trong dàn nhạc Cung đình lúc trước, biểu diễn ngay trong đại sảnh Rue Musicale, đứng trên một bục gỗ, không có trang trí đặc biệt nên cảnh tượng không được trang nghiêm như hai danh từ cung đình đòi hỏi. Ban nhạc tương đối không đông nên có vẻ lẻ tẻ dưới vòm nhà cao vút. Lần nầy ban Nhạc Cung đình có thêm bóng dáng một phụ nữ, cô Tôn Nữ Lệ Hoa, chuyên môn đàn tranh trong nhóm Ca Huế. Hôm tôi lại xem vào chiều thứ bảy thấy khá ít khán giả, có lẽ vì chương trình không được phổ biến rộng rãi. Ngoài một số có ghế của phòng xem máy truyền hình bên cạnh, phần lớn khán giả ngồi ngay dưới sàn nhà.... Những bài Tam luân cửu chuyển, Thập thủ liên hoàn, Phụng vũ, Mã vũ, Tẩu mã, Song tấu, Bông, Mán,... quen thuộc trong một lúc đã đưa hồn tôi về quê xưa, quá khứ, nhưng chắc gây không ít thắc mắc, lạ lùng cho những người nước ngoài tò mò lại nghe, mặc dầu kèn, trống trong những cuộc diễn hành ở đây cũng vang dậy không kém và dân Parisien ngày nay đã có nhiều dịp tiếp xúc nhạc quốc tế. Có lẽ cần thêm vài lời giải thích tuy đã có người cho tôi hay nhạc chỉ cần cảm chứ không cần hiểu. Hay ít nhất cũng phải giới thiệu vị trí của nhạc cung đình trong nền văn hóa Việt Nam.

Trái với xuất nhạc cung đình, buỗi trình diễn ca Huế và ca trù có bán vé lúc 16 giờ rưởi trong Amphithéâtre du Musée thì phòng nhạc chật cứng thính giả. Tuy ít có người Việt, tôi cũng mừng thấy mặc dầu quảng cáo không rầm rộ, khách thích nhạc không thiếu người hâm mộ ca Huế và ca trù là hai thể nhạc trong phòng, theo tôi, rất khó nghe, khó thưởng thức cho lỗ tai người ngoại quốc, đặc biệt người Âu. Sau nhiều năm mới lại được nghe, tôi thấy giọng hát cô Thanh Tâm già dặn thêm nhiều. Tờ giới thiệu viết cô là ca sĩ đào tạo truyền thống ca Huế hay nhất. Kim tiền, lưu thủy, cổ bản, xuân phong, long hổ, nam bình, hầu văn, lý giao duyên, tương tư khúc, tứ đại cảnh, hò mái nhì đủ cả. Riêng tôi chỉ tiếc thiếu mấy câu nam ai.... mà cô Minh Mẫn đã ca tặng tôi hồi tôi về thăm quê hương lần thứ nhất, trên một chuyến dạo đò đêm. Nghe ca Huế dưới bầu trời Paris, xa Huế hằng ngàn dặm, tôi không sao tránh được nhớ lại những đêm nhạc trên sông Hương, trăng thanh, gió mát, rượu nồng, bạn vui. Sau buổi trình diễn, cô bán một dĩa CD với giá ủng hộ. Sáng kiến hay tuy không lạ, giúp thính giả về nhà có dịp nghe lại. Tiếng hát cô Thúy Hoa, học trò nữ nghệ sĩ ca trù có tiếng Quách Thị Hồ nay đã mất, thét nhạc hay hát nói, hát giai hay hát ru, bác phản hay chừ khi, xẩm huê tình ba mươi sáu giọng, vẫn luôn réo rắt, não nuột trong tiếng đệm đàn đáy của hiền huynh Nguyễn Mạnh Tiên và tiếng trống cầm chầu của thân phụ cụ Nguyễn Văn Mùi. Lần nầy, đoàn có thêm ca sĩ Thanh Hoài, nguyên là nghệ sĩ hát chèo, hiến thêm một điểm sinh động trong cuộc biểu diễn.

Tối hôm thứ ba 14, cả hai đoàn lại trình diễn ở Trung tâm IRCAM-Pompidou . Trong chương trình tối hôm đó có thêm bốn bản nhạc cận đại : Nhịp đơn, nhịp kép của Vũ Nhật Tân, Những ngón chân của Trần Kim Ngọc, Vang vọng của Nguyễn Thiên Đạo và Movement của P.Q.Phan. Cho trình diễn xen lẫn hai loại nhạc truyền thống và cận đại, đều xuất xứ Việt Nam, là một ý kiến rất hay, nhất là trước khán giả ngoại quốc, có thể hiểu như là để nói lên một bước tiến trong ngành âm nhạc của nước ta, tìm cái mới những luôn luôn giữ cái cũ. Sáng kiến nầy còn có nhiều ý nghĩa hơn nữa tối hôm thứ năm 16 tại rạp Cirque dHiver-Bouglione. Bốn chương trình đặc sắc nối tiếp nhau : nhạc Debussy trước và sau, kèm ở giữa nhạc cung đình Huế và bản nhạc cận đại Truyền thuyết Đất phương Nam của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết. Tại sao Claude Debussy (1862-1918) ? Vì ông là một nhạc sĩ phóng khoáng. Theo ông " nhạc là một nghệ thuật tự do, tung phọt, một nghệ thuật ngoài trời, một nghệ thuật ở mức độ những nguyên tố, gió, trời, biển " nên ông muốn cho nhạc mình thoát ra khỏi những khuôn khổ xã hội ngột ngạt, những chân trời âm thanh hạn chế. Luôn hướng về Đông phương, lòng ông được thỏa mãn ở hai hội chợ thuộc địa 1899 và 1900, có dịp thưởng thức nhạc gamelan Nam dương hay theo dõi một gánh nhạc rong Nam Kỳ. Sau đó ông còn dịp tiếp cận nhạc Trung Hoa, nhạc Ấn Độ,... và dần dần những tác phẩm của ông " xây dựng một vũ trụ âm thanh chìm đắm trong không gian âm nhạc, gây ra những mối liên quan với phương Đông và hôm nay với nhạc Tôn Thất Tiết ".

Những Vua Hùng là một bản nhạc 17 phút, không lời, tuy có một giọng hát soprano như một tiếng đàn huyền diệu nổi bật trong mấy chục cây violon, violoncelle, harpe, kèn clarinette, hautbois, cor, sáo trống, chiêng, xập xỏa đủ thứ. Chỉ huy Dàn nhạc Quốc gia Ile de France là nhạc trưởng Jacques Mercier, người, đã từng điều khiển dàn nhạc giao hưởng ở London, Berlin, Amsterdam, Stokholm, Munchen, Genève,... Tôi không quen nhạc Âu Tây lại càng ít nghe nhạc cận đại. Được nhà tôi hướng dẫn và thúc đẩy, tôi chịu đi nghe mấy buổi. Thì ra lỗ tai mình cũng cần được huấn luyện. Mua thêm được dĩa CD Légendes de la Terre du Sud của cùng dàn nhạc, nghe đi nghe lại nhiều lần, tôi hòa mình với tác giả. Sau nầy, biết vậy, anh Tôn Thất Tiết gởi tặng chúng tôi nhiều dĩa khác của anh. Trong dĩa nhạc vừa mới mua, lời kể chuyện được kịch sĩ trứ danh Georges Wilson đảm nhận, cô Syvaine Davené đóng góp giọng hát. Trong bản Những Vua Hùng, khi nước Văn Lang được dựng lên sau cơn hỗn loạn cũng như khi quanh núi Tản Viên tràn ngập thủy triều sau trận giao chiến Thuỷ Tinh - Sơn Tinh, giọng hát ngân lên, tuy không lời, chỉ âm vị, nhưng du dương, kéo dài trên những nguyên âm, làm thay đổi hình ảnh của lịch sử, môt lịch sử xa xăm, huyền thoại của đất nước. Lịch sử được xích lại gần hơn, thiết thực, quen thuộc với nhạc cung đình Huế. Nếu dàn nhạc giao hưởng với mấy chục nhạc công chiếm đầy sân khấu, ban Phú Xuân mười mấy người thấy thật lẻ loi giữa rạp xiếc rộng lớn như hôm trước ở Cité de la Musique. Ví như có được ban đại nhạc 43 người như xưa !

Tuy ngoài chương trình " Những ngày nhạc Việt Nam", cũng cần nói đến buổi trình diễn đúng là dành cho con trẻ nhưng thật ra người lớn cũng thấy thú vị. Đây lại là một bài học khác : nhạc cũng như người nghe nhạc không có tuổi ! Đó là hôm trình diễn hai bản nhạc cận đại Truyền thuyết Đất phương Nam của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, cũng ở rạp Cirque dHiever- Bouglione, chiều thứ bảy 17, hai xuất, mỗi xuất 35 phút. Cử tọa toàn là con trẻ, người lớn phần đông là phụ huynh hay giáo viên đi kèm. Chương trình gồm có bản Những Vua Hùng đã thấy, cộng thêm truyện Thị Tơ tức sự tích con tằm (19 phút) . Đây là một đề tài rộng lớn để tác giả mặc sức sử dụng những nhạc cụ. Hung thần, nhạc dữ, hiền thần, nhạc dịu. Một tiếng xập xỏa, tai biến sẽ xảy ra. Hơi thở con người được thể hiện qua những nhạc khí thổi. Những nhạc khí dây miêu tả những diễn biến dịu lành. Những tiếng trống, tiếng chuông tường trình biến chuyển khắc khổ của một cô gái nghèo, vô phúc, mồ côi, được đức Quan Âm phù hộ, hiền thần che chở, biến thân thành con tằm xe tơ, khắc sâu tên mình vào lòng dân gian. Tôn Thất Tiết biết phô diễn quan hệ mất thiết giữa con người và tạo hóa, giữa thần thoại và lịch sử. Về mặt kỹ thuật âm nhạc " anh dung hòa phách nhạc liên tục phương Đông với những vành thời tương phản phương Tây, thực hiện một dung hợp những quãng điều hòa và những tiểu quãng nhạc Âu với những thang âm nhạc Việt " (tài liệu Radio France). Anh đã nối liền Đông và Tây với một nghệ thuật tinh tế đầy chất thơ, tránh khỏi mọi xu hướng mô phỏng nông cạn.

Sinh năm 1933 ở Huế, anh Tiết bắt đầu học nhạc ngay ở đất Thần kinh trước khi qua Pháp năm 25 tuổi học hòa âm và đối âm ở Ecole Normale de Musique. Sau đó, anh được nhận vào Conservatoire National de Musique ở Paris. Ở trường nầy, anh học tiếp đối âm, nhạc fuga và soạn nhạc với Jean River và André Jolivet. Anh là tác giả một số tác phẩm đủ loại : 12 bản cho dàn nhạc trong ấy có Tứ Đại Cảnh (1968), Hy Vọng (1971), Ngũ Hành (1973), Vô Vi (1974), Ấn Tượng (1974-75), Những Truyền Thuyết Đất Phương Nam (1996) ; 16 bản cho nhạc phòng trong ấy có Niệm (1974), Chu Kỳ I, II (1976), III, IV (1977), Phong Vũ (1991), Xuân Vũ (1993) ; 5 bản nhạc hát trong ấy có Vang Bóng Thời Xưa (1969), Kiêm Ái (1978), Chu Kỳ VI (1993). Như đã được lưu ý trong bản tiểu sử ở nội bộ Radio France, tuy học nhạc Âu, anh không quên gốc Việt của mình và đã trở về tìm nguồn nhạc trong tư tưởng Á Đông, trong truyền thống Trung Hoa như Kinh dịch cũng như trong Phật giáo hay Ấn Độ giáo. Anh thích làm sống lại tinh thần nhạc truyền thống Việt Nam, nhất là nhạc thiêng liêng, nhạc triều đình. Ngoài những bản đã thấy, người ta còn nhận ra những bản mang tên Pháp Incarnations structurales (Những sự hóa thân cấu trúc, 1967), Terre-Feu (Đất-Lửa, 1981), Jeu des cinq Éléments (Ngũ hành, 1982), Moments rituels (Những thời khắc nghi lễ, 1992) trong số nhạc phòng, Prajna Paramita (Ba la mật da, 1988) trong số nhạc hát. Le chemin de Bouddha (Con đường Đức Phật, 1990-91) là một bản kịch múa. Anh đã lãnh nhiều giải thưởng như giải Lili Boulanger (1972) của Hội SACEM, giải Diễn đàn Quốc tế những Nhà soạn nhạc ở UNESCO (1975), giải Sáng tác của Bộ Văn hóa (1981). Anh cũng còn là tác giả nhạc đệm cho hai phim Mùi đu đủ xanhXích lô của nhà đạo diễn Trần Anh Hùng. Anh với Nguyễn Thiên Đạo là hai nhà soạn nhạc cận đại Việt Nam có tiếng nhất ở Pháp và ngoại quốc.

Với một tinh thần luôn hướng về đất nước như thế, tất nhiên anh sáng lập ra Association France-Vietnam pour la Musique (Hội Pháp-Việt cho Âm nhạc) năm 1993, nhắm mục đích giúp Việt Nam phát triển âm nhạc. Đã nhiều lần, anh tranh thủ đưa hai đoàn Phú Xuân và Thái Hà qua trình diễn ở Pháp và châu Âu. Lần nầy, anh có được sự hợp tác của những hội CODEV Việt-Pháp, SACEM, tổ chức liên chính phủ Pháp thoại ACCT cùng những địa điểm đón nhận các đoàn biểu diễn. Rất tiếc là anh bảo tổ chức vật chất quá nặng và anh không muốn tiếp tục nữa. Hy vọng đây chỉ là những lời thốt ra trong lúc mệt mỏi. Tôi có đề nghị với anh xin đóng góp cả hai tay (và cả hai chân vì nghe nói dẫn các đoàn đi lại đòi hỏi nhiều nghị lực) và anh cứ kêu tôi khi cần. Trong lúc chờ đợi, tôi giúp sức trong sở trường của tôi : tôi biếu anh những hình ảnh chụp hai đoàn để  cung cấp cho báo chí ngày càng chú ý đến nhạc Việt Nam nói chung, nhạc Huế nói riêng. Dù sao, tôi chắc những người tổ chức đã thỏa mãn ước mong. " Những ngày nhạc Việt Nam " vang âm như hồi Thiên Mụ êm dịu, xa xăm nhưng chứa chan nét duyên quyến rũ.

Hắc Ký Ni Sơnmùa xuân 2002
Nhớ Huế 16 Huế phương xa 2002

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]