Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]             [ Trang chủ
Truyện ngắn Xuân Tuynh

Chối bỏ cuộc tình

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng miền Nam nhưng mãi đến trưa ngày 30 Tết năm 1976, nghĩa là sau chín tháng Tâm mới khoác ba lô về nhà trước sự vui mừng của gia đình, họ hàng và bà con xóm làng. Bà mẹ Tâm ôm lấy con, hai tay sờ nắn khắp người từ đầu đến chân, xem thử con mình có thương tật ở chỗ nào không. Bởi sau ngày giải phóng ít tuần, bà nghe người ta phao tin, Tâm trên đường từ Sài Gòn ra Bắc, đi trên một chiếc xe tải bị tai nạn ở đèo Cả, địa danh giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Từ khi nghe tin đồn thất thiệt đó bà đứng ngồi không yên, suốt ngày lúc nào cũng nghĩ về con. Bởi bà chỉ có Tâm, một cậu con trai độc nhất.

Về nhà, ăn Tết xong, bà giục Tâm xây dựng gia đình để bà có cháu nội bế. Lúc này Tâm đã hai mươi tám tuổi. Tâm có ý định sau đợt nghỉ phép một tháng, về đơn vị xin chuyển ngành kiếm một công việc làm ổn định khi ấy mới tính đến chuyện lấy vợ. Nhưng trước sức ép của gia đình, họ hàng, mọi người nói: "Anh phải lấy vợ cho mẹ an tâm rồi học hành, làm gì hãy tính sau. Mẹ anh giờ đã già rồi, người già heo hắt như ngọn đèn trước gió, chẳng biết tắt lúc nào không hay". Nghe gia đình, họ hàng nội, ngoại khuyên nhủ vậy, Tâm cũng gật đầu cho mọi người an lòng.

Ông Ba, bác họ ở cạnh nhà Tâm, một người đã giúp đỡ gia đình Tâm suốt mấy mươi năm, kể từ ngày cha Tâm lâm bệnh qua đời khi Tâm mới năm tuổi. Tuy là bác họ nhưng ông quý Tâm như cháu ruột. Khi Tâm còn nhỏ, ông thường xuyên chăm lo, dạy bảo Tâm học hành, Tâm coi ông như người cha, chú của mình. Ông đã giới thiệu cho Tâm một cô gái có tên là Yên ở xã bên, cách nhà Tâm chừng cây số. Yên là cô gái vừa mới tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm hệ bảy cộng ba, đang ở nhà chờ được đi dạy. Yên người nhỏ nhắn, không đẹp nhưng gương mặt tròn, nhìn có duyên; một cô gái hai lăm tuổi, ít nói, sống nội tâm. Tuy mới gặp nhau lần đầu, cả Tâm và Yên đã có cảm tình nhau. Qua hai tuần lễ được phép của gia đình Yên, hai người đi chơi với nhau. Tâm đã từng chở Yên trên một chiếc xe đạp thống nhất cũ kỹ của Yên đi du ngoạn chùa Hương Tích, cách xa nhà hai chục cây số. Yên rất yêu thích những bài thơ tình của Tâm sáng tác. Yên đã chép hàng chục bài thơ tình của Tâm vào sổ tay. Yên Tâm đắc nhất bài: "Anh và em":

"Anh và em/ Ví như hoa và gió/ Hoa dù thơm biết bao/ Nếu không có gió đưa hương/ Không ai biết được hoa thơm/ Và gió, gió dù ngọt ngào biết mấy/ Nếu không mang theo hương hoa gió chẳng quyến rũ được ai/ Em ơi gió và hoa kết lại/ Nói lời tình yêu".

Yên yêu Tâm bởi Tâm là một chàng trai đã qua thử thách của chiến tranh. Một người có nước da bánh mật, đôi mắt sáng và nụ cười đôn hậu luôn túc trực trên môi. Tâm và Yên đã có với nhau một đêm sống chung trong một phòng trọ ở Bến Đục để sáng hôm sau đi đò vào chùa Hương. Đêm đó, một đêm tháng giêng, trời vẫn còn rét, tuy ở cùng phòng nhưng hai người vẫn giữ một khoảng cách, không đi quá giới hạn. Bởi cả hai đều muốn giữ gìn, không muốn "ăn cơm trước kẻng". Họ muốn dành cho nhau có một đêm tân hôn trọn vẹn, đẹp đẽ đầy hạnh phúc. Sau chuyến đi chùa Hương về, hai người yêu nhau thắm thiết. Gia đình họ hàng đôi bên đều tán hợp. Một lễ ăn hỏi đơn sơ nhưng đầy đủ lễ nghi theo phong tục từ ngàn xưa của ông bà truyền lại được gia đình Tâm mang đến gia đình Yên. Hai gia đình giao ước với nhau, nhất trí cho Tâm và Yên lấy nhau, chỉ còn ấn định ngày cưới là xong mọi việc. Về phía gia đình Yên muốn làm lễ cưới ngay. Mẹ Yên - bà Thinh là một người đàn bà giỏi giang, sắc sảo, xuất thân từ một gia đình làm nghề buôn bán, nên mọi việc làm của bà đều có sự tính toán kỹ lưỡng, thiệt hơn; một người đàn bà khá lạnh lùng. Bà quán xuyến mọi công việc trong gia đình. Từ việc nhỏ đến việc lớn đều một tay bà xếp đặt. Ông chồng bà là một người hiền như cục đất, suốt ngày chỉ biết cặm cụi cấy cày ngoài đồng. Mọi công việc đối nội, đối ngoại đều do bà đảm trách. Bà bảo ông làm việc gì, ông làm việc ấy. Thậm chí là bảo ông ăn là phải ăn, bảo ngủ là phải ngủ. Bà muốn lễ cưới của con gái ngay bởi bà tính toán, nếu để một năm, hoặc hơn một năm mới tổ chức thì con gái bà phải sống trong sự mòn mỏi đợi chờ. Bà muốn con gái bà phải yên bề gia thất và có việc làm chắc chắn trong cơ quan nhà nước, đồng nghĩa phải có cái "sổ gạo" và bìa tem phiếu thực phẩm. Đó cũng là sự lo lắng của mọi công dân miền Bắc sống trong thời bao cấp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Trước khi cho Yên quan hệ với Tâm, bà đã tìm hiểu kỹ, biết Tâm có ông anh rể công tác ở phòng tổ chức Ty Giáo dục, Yên lấy Tâm thì ông anh Tâm ắt phải có trách nhiệm sắp xếp cho Yên đi dạy học ở một trường nào đó trong tỉnh.

Khi biết Tâm chưa có quyết định cưới ngay và ông anh rể Tâm chưa có một lời hứa hẹn gì về chuyện lo công việc cho Yên, bà liền trở mặt.

Buổi tối cuối cùng, trước khi Tâm, hết phép, trở về đơn vị. Tâm đến nhà Yên chào tạm biệt gia đình, mẹ Yên làm ngơ không tiếp. Buổi tối Tâm và Yên ngồi ở trước hiên nhà tâm sự, bà khêu to ngọn đèn dầu, để ở trước cửa ra vào, bà ngồi trong nhà, thu hai chân trên ghế, canh chừng, dõi theo hai đứa nói chuyện. Thỉnh thoảng bà lại đằng hắng một tiếng làm ngắt quãng dòng tâm sự của Tâm và Yên. Yên cảm thấy khó chịu với cách cư xử quá quắt của mẹ mình, cô đứng dậy, vào nhà nói nhỏ với mẹ:

- Mẹ làm vậy con thấy xấu hổ. Mẹ vào giường nghỉ đi. - Bà Thinh chẳng những không để ý đến lời đề nghị của con mà còn được đà bày tỏ quan điểm của mình. Bà vỗ tay đen đét vào bắp đùi nói lớn:

- Con gái phải biết giữ ý, giữ tứ chứ. Đêm khuya ngồi nói chuyện với trai người ngoài thấy, nhổ vào mặt tao à? - Yên lay lay vào vai mẹ:

- Mẹ, nói nhỏ chứ. Vả lại con và anh Tâm đã... - Bà Thinh ngắt lời:

- Đã, đã cái tổ cha mày. Nó đã chịu cưới đâu mà... đã... Biết đâu nó chỉ đùa bỡn với con và là một kẻ "sở khanh". Không giữ là hỏng đời con gái đấy cô ạ. - Bà Thinh nói lớn cốt để cho Tâm nghe thấy. Tâm ngồi ngoài hiên nghe được hết những gì bà Thinh nói. Anh thấy mình bị xúc phạm. Một người đã từng trải, tiếp xúc với rất nhiều, nhiều tầng lớp trong xã hội, chưa ai xúc phạm đến anh, nói anh là "sở khanh". Vậy mà giờ đây... Tâm vứt điếu thuốc lá đang hút dở xuống đất, lấy mũi giày di di, vào nhà chào bà Thinh, xin phép ra về. Tâm bước vội ra khỏi cổng nhà Yên, Yên chạy theo gọi với:

- Anh Tâm!

Tâm quay lại:

- Em vào nhà nghỉ đi...

Tâm chạy như bay trong đêm gió rét. Về đến nhà Tâm nằm vùi đầu vào chăn suy nghĩ: Chẳng nhẽ chỉ vì cái sổ gạo với tờ tem phiếu thực phẩm vớ vẩn mà mẹ Yên nỡ cắt đứt tình yêu của mình với Yên sao?. Đầu óc Tâm quay cuồng. Ngoài trời gió mưa gào thét, thổi qua khe cửa buốt lạnh. Trong sâu thẳm đáy lòng, Tâm tin vào tình yêu của mình với Yên.

Sáng hôm sau, Yên lén mẹ xuống nhà Tâm, tiễn Tâm xuống ga xe lửa trở về đơn vị, hai người chia tay nhau, Tâm lên tàu, Yên quay trở về nhà. Trước lúc chia tay, Tâm nói với Yên, sau hai năm anh về, chúng mình làm lễ cưới. Yên đứng dưới sân ga giơ tay lên vẫy vẫy, nói to: "Em chờ!, em chờ!". Tàu rùng mình chuyển bánh trong chiều mưa xuân lất phất bay. Yên quay về, đoạn đường từ ga về nhà có mười cây số, thông thường Yên chỉ đạp chừng hai tiếng đồng hồ. Nhưng chiều nay sao cô thấy nó dài vô tận. Đi được chừng sáu cây số, thấy người mệt mỏi, cô dừng lại, vào nghỉ ở một quán nước bên đường. Cô mua một ly nước trà nóng. Vừa đặt ly nước lên môi, nghe tiếng hát từ một chiếc cát sét của bà chủ quán phát ra: "Biệt ly nhớ nhung từ đây, ôi còi tàu như xé đôi lòng...". Bài "Biệt ly" một ca khúc bất hủ của Doãn Mẫn. Thời đó miền Bắc cấm không cho hát. Ai hát bị nhà nước bắt bỏ tù. Vậy mà bà chủ quán này to gan, dám mở bài hát giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng dầu sao Yên cũng thầm cảm ơn bà, cảm ơn bài hát đã nói thay nỗi lòng mình lúc này. Yên thầm nghĩ.

*

Trở về đơn vị ít ngày, Tâm chuyển ngành ra công tác ở một cơ quan báo chí của địa phương, bởi những năm ở trong Quân đội anh đã từng viết tin bài cho Báo Quân đội Nhân dân, làm thơ, viết văn cho Tạp chí Văn nghệ Quân khu... Ở cương vị công tác mới, Tâm dồn hết ý chí, nghị lực vào học tập nhưng hàng đêm anh vẫn dành thời gian nghĩ về người yêu, nghĩ về Yên. Đêm nào Tâm cũng viết cho Yên một lá thư và sáng ra, trước khi đến cơ quan làm việc, tranh thủ ghé vào Bưu điện trung tâm thành phố gửi về cho Yên. Cứ như vậy suốt cả hơn một năm trời. Nhưng có một điều lạ là Yên không hề có hồi âm. Tâm rất lo lắng, không biết ở quê Yên gặp phải điều chi mà không viết thư cho mình. Vào những thập niên tám mươi đến chín mươi của thế kỷ trước chưa có đường dây điện thoại liên lạc đến từng gia đình. Phương tiện liên lạc duy nhất ngày ấy là đường thư. Ở nơi xa Tâm đâu biết, tất cả thư từ của mình gửi về cho Yên đều bị bà Thinh giấu kín, không đưa cho Yên. Bà còn canh chừng Yên mọi lúc, mọi nơi, không cho Yên thư từ trao đổi với Tâm; không cho Yên qua lại nhà Tâm.

*

Tâm đi được nửa năm, ở quê bà Thinh ép Yên lấy một gã trung niên, gia đình giàu có ở xã bên. Gã tên là Quất. Quách Văn Quất một gã ít học, hay rượu chè, cờ bạc. Quất bị tật từ thuở nhỏ, chân đi khập khiễng. Quất hứa với bà Thinh, lấy được Yên sẽ bỏ tiền chạy cho Yên đi dạy học, đảm bảo cho Yên có cuộc sống sung sướng.

Yên không hề yêu Quất, nhưng vì sự ép buộc của gia đình Yên phải "đành lòng theo gió cuốn mưa bay". Ngày cưới, Yên khóc đến cạn nước mắt. Trước đông đủ hai họ mà khi lên xe về nhà chồng, Yên vẫn luôn miệng nhắc đến Tâm: "Tâm ơi! Thứ lỗi cho em!".

Chuyện Yên bị ép đi lấy chồng, mãi hai tháng sau, chị gái của Tâm mới biên thư cho Tâm biết. Hay tin người yêu đi lấy chồng, Tâm buồn lắm, như một kẻ mất hồn. Ngày đi làm, tối về lại nhâm nhi chén rượu một mình trong căn phòng bé nhỏ nhớ về người yêu.

*

Về sống ở nhà Quất một thời gian chừng hai tháng, Yên cũng đạt được nguyện vọng của mẹ, được bổ nhiệm đi dạy ở một trường tiểu học trong xã. Bà Thinh tỏ ra rất hài lòng với Quất. Yên sáng lên lớp, chiều về phải làm việc quần quật chẳng lúc nào ngơi tay. Hết cấy cày ngoài đồng, lại lo cơm nước phục vụ cả một gia đình sáu, bảy người ăn. Tối đến lại phải lên giường phục vụ chồng. Quất là một gã dư sức khỏe, sau vài chén rượu vào, gã chỉ nghĩ đến chuyện giao cấu. Gã quần cho Yên đêm nào cũng mệt lử, người rã rời. Sau mỗi đêm làm tình với vợ, sáng ra gã đi khoe với cánh thanh niên trong làng. Gã hùng hồn nói rằng: "Con vợ tao nó chẳng yêu gì tao, mặc kệ mẹ nó. Tao cóc cần tình yêu. Miễn là có chỗ cho tao "đục" là được. "Mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng". Sống ở đời là cứ phải tứ khoái!". Mấy chị em trong trường nghe được những lời sàm sỡ, vô văn hóa của Quất, mách lại với Yên, Yên buồn và xấu hổ vô cùng.

Sau hai năm, Yên sinh liền tù tì hai cô con gái. Quất thấy vợ sinh toàn con gái, gã muốn có một thằng con trai để nối dõi tổ tông. Bởi Quất là con một, nếu vợ gã không sinh cho gã một thằng con trai thì dòng họ gã tuyệt tự. Đứa con gái thứ hai mới ra đời chưa đầy năm, Yên lại mang bầu. Người Yên lúc này ốm yếu, da xanh như tàu lá, bạn bè, chị em khuyên đi nạo thai nhưng gia đình chồng không cho. Đứa con thứ ba ra đời cũng là con gái, bố mẹ chồng và chồng rất tức giận, bà mẹ chồng chửi rủa Yên thậm tệ. Bà đổ lỗi hết cho Yên, nói Yên không biết đẻ. Bà đẩy vợ chồng Yên cùng con cái ở riêng. Ra ở riêng, chồng là một kẻ lười biếng, một mình Yên với đồng lương ít ỏi, phải nuôi cả nhà năm miệng ăn, tháng nào Yên cũng phải về xin gạo, tiền của mẹ và anh chị em trong gia đình. Đã khổ sở như vậy, Yên vẫn còn bị chồng hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Mỗi bữa cơm không có một chút rượu là gã quát mắng. Nhiều khi đá cả mâm cơm văng vãi tung tóe. Con cái sợ khóc inh ỏi. Trước nỗi cơ cực như vậy, Yên đã nghĩ đến cái chết. Nhưng thương ba đứa con nhỏ nên không đành, cam phải chịu những chuỗi ngày khổ đau. Những đêm về khuya, khi chồng con ngủ say, một mình Yên, ngồi mang ảnh Tâm ra coi rồi ôm mặt khóc.

*

Bà Thinh nhìn hoàn cảnh của con gái sống tủi nhục, bà rất đau lòng. Nhưng đã muộn. Lúc này bà đã bước sang tuổi tám mươi, tuổi cao lại bị căn bệnh hiểm nghèo, sau một tháng điều trị ở bệnh viện, bà qua đời. Ngày đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng xong, về nhà, Yên vào phòng của mẹ, khui trong rương đựng đồ riêng của mẹ thấy cả đống thư của Tâm gửi cho mình, phong bì còn dán kín, Yên đóng chặt cửa, ngồi lần lượt mở từng phong thư ra đọc. Vừa đọc vừa khóc, nước mắt Yên ướt nhòe từng lá thư. Đọc hết những phong thư trong suốt hơn một năm Tâm gửi cho mình, Yên chỉ còn biết kêu trời. Yên hận mẹ. Nhưng giờ mẹ đã không còn. Yên đau khổ nằm sóng soài trên giường rồi thiếp đi lúc nào không hay, cho mãi tới khi cậu em trai đập cửa gọi chị ra ăn tối, khi ấy Yên mới tỉnh dậy.

Sau bữa cúng mở cửa mả, Yên, một mình mang hoa quả, nhang nến ra mộ mẹ. Yên thắp nhang, cắm lên mộ mẹ, miệng lẩm nhẩm khấn vái rồi ngồi gục đầu bên nấm mồ cỏ úa vàng thiếp đi. Trong giây phút mơ màng Yên thấy mẹ hiện về. Bà đến ngồi bên Yên, vuốt ve, nói trong nhạt nhòa nước mắt:

- Con thứ lỗi cho mẹ, chỉ vì thương con, muốn cho con có công ăn việc làm, có cái sổ gạo và bìa tem phiếu thực phẩm, mẹ đã dã tâm chia cắt con và Tâm. Giờ con ra nông nỗi này mẹ đau lòng lắm!. Con thứ lỗi cho mẹ. Có như vậy mẹ mới siêu thoát...

- Mẹ! - Yên bừng tỉnh gào thét thật to trong chiều đông rét buốt. Tiếng thét của Yên xé toạc màn sương mù bao phủ cả một không gian hiu quạnh. Yên chạy như bay về nhà lấy cuốn sổ gạo để úa vàng cùng vài ba con tem thực phẩm mang ra giữa sân, bật lửa đốt. Tàn tro bay mù mịt rồi tan biến vào hư không. Yên cảm thấy lòng mình vơi bớt khổ đau.

Nha Trang, tháng 8 năm 2014

Xuân Tuynh

 

Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang 
DĐ: 0908.625.369-