Trở Về   ]   [ Tác giả ]
Thơ Quỳnh Chi

Mai hoa 

Ngâm hoài trường hận phụ phương thì
Vi kiến mai hoa triếp nhập thi 
Tuyết hậu viên lâm tài bán thụ
Thủy biên li lạc hốt hoành chi
Nhân liên hồng diễm đa ứng tục
Thiên dữ thanh hương tự hữu tư
Kham tiếu Hồ sồ diệc phong vị
Giải tương thanh điều giác trung xuy

Lâm Bô
Hoa mai

Tìm thơ vội tả hoa mai 
Giận thơ mãi vụng để hoài vẻ xinh
Trên cành khi ngậm tuyết trinh
Khi kề bên giậu nước in bóng lồng 
Người ưa phàm tục sắc hồng 
Trời ban thanh khiết mùi hương đậm đà
Rợ Hồ cũng biết yêu hoa 
Soạn cho trẻ khúc tù và " Lạc mai "

Quỳnh Chi phóng dịch ( 21/12/2006)

 
 
 
 
 
 
 
 

 



Mai Hoa

Tường giác số chi mai
Lăng hàn độc tự khai
Diêu tri bất thị tuyết
Vi hữu ám hương lai

Vương An Thạch 


Hoa mai

Góc tường mấy nhánh hoa mai 
Nở trong băng giá tuyết rơi trắng ngần
Xa trông vẫn biết, chẳng nhầm
Mùi hương thanh khiết đã thầm tỏa lan 

Quỳnh Chi phóng dịch ( 27/1/2007) 
 

Xuân Hiểu

Xuân miên bất giác hiểu
Xử xử văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu

Mạnh Hạo Nhiên
Buổi sáng mùa xuân 

Xuân còn say ngủ mơ màng
Tiếng chim buổi sáng rộn ràng khắp nơi
Đêm qua gió tạt mưa rơi
Trong vườn nào biết hoa rơi ít nhiều 

Quỳnh Chi phóng dịch ( 12/5/2006)
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 


Đại Lâm tự đào hoa

Nhân gian tứ nguyệt phương phỉ tận
Sơn tự đào hoa thủy thịnh khai .
Trường hận xuân quy vô mịch xử
Bất tri chuyển nhập thử trung lai

Bạch Cư Dị
Hoa đào chùa Đại Lâm

Tháng tư vườn hết cỏ thơm
Hoa đào lại nở rộ trong sân chùa
Xuân qua nào biết đi mô
Nào hay lên núi vào chùa gặp xuân 

Quỳnh Chi phóng dịch ( 20/12/2006)
 
 

 
Giang bạn độc bộ tầm hoa 

Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê, 
Thiên đoá vạn đoá áp chi đê. 
Lưu liên hí điệp thời thời vũ, 
Tự tại kiêu oanh kháp kháp đề. 

Đỗ Phủ
Một mình dạo chơi tìm hoa bên sông

Ngàn bông vạn đóa trĩu trên cành
Trải hoa đầy suối cạnh nhà em 
Luyến lưu mãi lượn đùa đàn bướm 
Véo von cao giọng hót chim oanh
 

Quỳnh Chi phóng dịch ( 28/1/2007)

 
 
 
 
 
 
 
 

 



Xuân nhật túy khởi ngôn chí

Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Sở dĩ chung nhật túy
Đồi nhiên ngọa tiền doanh
Giác lai miện đình tiền
Nhất điểu hoa gián minh
Tá vấn thử hà nhật
Xuân phong ngữ lưu oanh
Cảm chi dục thán tức
Đối chi hoàn tự khuynh
Hạo ca đãi minh nguyệt
Khúc tận dĩ vong tình

Lý Bạch
Ngày xuân uống rượu 

Đời như một giấc mộng dài
Làm chi cho khổ cũng hoài công thôi
Cho nên say khướt suốt ngày
Nằm lăn lóc ngủ mé ngoài dưới hiên
Tỉnh ra ngó quanh trước thềm
Trong vườn hoa có tiếng chim hót chào
Hôm nay tháng mấy ngày nào ?
Chim oanh ríu rít thoảng vào gió xuân
Nghêu ngao cảm hứng mấy vần
Lại nghiêng bầu rượu chuốc thêm chén mình
Chờ trăng ca hát ngông nghênh
Hát rồi chẳng nhớ là mình hát chi

Quỳnh Chi phỏng dịch ( 16/5/2006)

Vọng xuân từ 
thơ Tiết Đào 
Hoa khai bất đồng thưởng
Hoa lạc bất đồng bi
Dục vấn tương tư xứ
Hoa khai hoa lạc thì. 

Không cùng được trông hoa hé nở
Chẳng cùng buồn thương khóc hoa rơi
Xui lòng ta nhớ thương ai
Là khi hoa nở, hoa phai hỡi người 

(11/2/2004)
 

II

Lãm thảo kết đồng tâm
Tương dĩ dị tri âm
Xuân sầu chánh đoạn tuyệt
Xuân điểu phục ai ngâm 

Cỏ thơm kết lại một vòng 
Vòng hoa để tặng tri âm bạn lòng 
Sầu xuân gửi lại tháng đông
Chim oanh lại hót vui mừng xuân sang
 

III.

Phong hoa nhật tương lão
Giai kỳ do miểu miểu
Bất kết đồng tâm nhân
Không kết đồng tâm thảo. 

Ngày qua gió thổi hoa tàn
Một thời xuân sắc huy hoàng qua mau
Tri âm giờ chẳng thấy đâu 
Vòng hoa chẳng kết cho nhau làm gì 
 

IV.

Na kham hoa mãn chi 
Phiên tác lưỡng tương tư
Ngọc trợ thùy triêu kính
Xuân phong tri bất tri. 

Hoa xuân nở rộ đầy cành
Tình chia đôi ngả cho mình tương tư
Sáng soi gương lệ như mưa
Gió xuân nào thấu biết cho nỗi niềm

Quỳnh Chi phóng dịch ( 6/6/2006)
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 


Tuyệt cú

Lưỡng cá hoàng li minh thuý liễu, 
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên. 
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết, 
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền 

Đỗ Phủ
Tuyệt cú 

Liễu biếc đôi hoàng oanh véo von 
Trời xanh cò trắng bay giàn hàng 
Song in núi phủ nghìn năm tuyết
Cửa đậu thuyền qua vạn bến thương

Quỳnh Chi phóng dịch ( 21/12/2006) 
 
 

 [   Trở Về   ]