Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]         [  Trang Chủ   ] 
Chung Cư 

Tác giả :Trần Văn Tuấn

3. Hàng xóm

Trang trước
Trang sau
Chuyện điện tưởng như đã yên, sau khi mỗi tầng có một đồng hồ điện. Nhưng, chỉ yên được đúng có một tháng. Kỳ đóng tiền điện đầu tiên của hệ thống đồng hồ mới đã sinh chuyện đôi co, cãi lộn nhau về việc phân chia đóng tiền. Trừ tầng 3 gồm nhà chị Chín Rơm, gã Ba Tỷ và ông Bi ra là không có chuyện thắc mắc ì xèo. Chị Chín Rơm biết ông Bi và Ba Tỷ đi suốt ngày, xài chẳng bao nhiêu nên tính tiền chia đôi, mình một nửa, hai người kia một nửa. Ông Bi và Ba Tỷ vui vẻ trả tiền cho chị, không cần biết chị tính thế nào.

Các tầng khác không thể êm ấm được như vậy. ở tầng 5, bà Tư Rêu gây lộn với anh Minh. Anh Minh và vợ đều là cán bộ giảng dạy đại học, thức đêm như vạc. Thêm nữa, vợ anh Minh lại mới sinh đứa con thứ hai, tã lót nhiều, giặt giũ, là ủi suốt ngày. Lại còn pha sữa, nấu bột ăn dặm liên tục. Bà Tư Rêu nhất quyết đòi phải tính tiền anh Minh cao hơn, cho dù con trai bà và anh Minh cùng công tác ở một trường. Anh Khánh, con trai bà ra sức ngăn cản, bảo: "Mẹ so kè tính toán như vậy thì sống được với ai!". Nhưng vợ anh Khánh, một nàng dâu khốn khổ bị mẹ chồng xoi mói, rỉa rói suốt ngày đêm, lại lên tiếng bênh mẹ chồng:

- Mẹ nói vậy là đúng, cái gì cũng phải cho công bằng.

Anh Khánh là người tốt bụng nhưng mềm yếu nhu nhược. Anh phân biệt rõ ràng điều đúng sai và luôn làm theo cái đúng nếu không có sự ngăn trở mạnh mẽ. Anh cũng tự thú nhận trong cuộc đời anh sự tác động mạnh mẽ nhất là mẹ và vợ. Hai người này có sức mạnh ngang nhau nên có không ít lần, để ngăn cản xô xát giữa mẹ và vợ anh phải lăn đùng ngã ngửa giẫy đành đạch như bị kinh phong, hai tay đấm ngực rền rỉ:

- Giết tôi đi! Tôi lạy các người! Đừng hành hạ tôi nữa!

Bởi vậy, trong trường hợp này, khi mẹ và vợ đã "đồng tâm nhất trí", dầu biết thế là sai, anh vẫn phải lặng lẽ rút lui, bỏ đi nhậu cho khuất mắt, để mặc cho hai người muốn làm gì thì làm. Bà Tư Rêu nhất quyết chỉ đóng có 40 ngàn kém nhà Minh 20 ngàn. Đúng là cao thủ gặp nhau. Không ai chịu ai. Anh Minh có biệt danh là Trùm sò tân thời, nổi tiếng về tính hà tiện và tính toán chi ly.

Chuyện tưởng như đùa mà có thật. Hồi năm 1982, anh sắm được chiếc xe honda 50 nhờ một chuyến đi thực tập ở nước ngoài. Hồi ấy anh còn ở cái phòng rộng bằng ba mảnh chiếu ở dưới cầu thang trong khuôn viên nhà trường. Mỗi lần đi xe về anh đều bắt con lấy quạt ra quạt cho mát ổ máy chiếc xe. Sau đó, tự tay anh lau chùi cẩn thận. Anh Minh vốn ít nói, trưới sau chỉ bảo:

- Đã có thỏa thuận từ đầu rồi, nguyên tắc là nguyên tắc, không thay đổi được.

Đúng là có sự thỏa thuận từ đầu. Anh Minh đứng tên làm chủ đồng hồ, có trách nhiệm thu tiền các hộ để đóng cho sở điện và chia tiền điện bình quân cho mỗi đầu người. Nhà anh Minh có 5 người (hai vợ chồng, hai đứa con, một ông bố vợ bị điếc) cũng bằng người nhà bà Tư Rêu nên tiền điện bằng nhau. Bà Tư Rêu gầm rú như động cơ xe máy tăng hết ga:

- Chẳng có nguyên tắc nào bất di bất dịch cả. Hoàn cảnh thay đổi, nguyên tắc cũng phải đổi thay.

Bố vợ anh Minh, nguyên là một cán bộ tòa án, có một thời là chánh án cấp quận, dầu bị nặng tai (điếc) từ nhiều năm nay, vẫn nghe rõ những lời bà Tư Rêu, nên ông nhảy vô cuộc, phản bác bằng những lý lẽ của công tố viên:

- Nhưng hoàn cảnh đâu có gì thay đổi để đổi thay nguyên tắc thỏa thuận.

Bà Tư Rêu áp sát ông già nặng tai, rít lên:

- Đứa trẻ mới sinh mà không thay đổi à? Nó là cái gì, hử?"

Chị vợ anh Minh, vốn là bạn học từ thuở nhỏ với vợ anh Khánh, tính nết ôn hòa, nhã nhặn, khẽ khàng nói với bà Tư Rêu:

- Cháu mới sinh, có thêm một nhân khẩu, bằng số nhân khẩu nhà bác, có gì lạ đâu. Xin bác nghĩ lại cho...

Bà Tư Rêu vẫn ào ào, sấn sổ:

- Có gì mà phải nghĩ đi, nghĩ lại. Cái khác là ở chỗ mới sinh ấy. Người xưa có nói, trẻ mới sinh tiền ăn thì ít, tiền công thì nhiều. Đêm ngủ phải có đèn cho nó chơi. Phải thường xuyên quấy sữa, tã lót phải ủi liên tục... Tôi sinh con ba lần, nuôi cháu nội cháu ngoại từ lúc ẵm ngửa, sao không biết chi phí điện nước cho trẻ. Tôi đồng ý, nó cũng là một nhân khẩu nhưng là một nhân khẩu đặc biệt, xài nhiều điện. Hoàn cảnh khác nhau là ở đấy, chị hiểu không.. Người xưa có nói...

Chị Minh chán nản nói:

- Thôi được rồi, con xin bác... Bác đóng bao nhiều thì tùy bác...

Giọng bà Tư Rêu cao vút lên nghe chói tai như tiếng xé vải:

- Tôi không phải là loại người vắt cổ chày ra nước, cứt sắt một đống, xi măng một cây. Tôi không tham tiền bỏ ngãi. Tôi chỉ đòi hỏi sự công bằng, hợp lý thôi.

Biết bà xỏ xiên nói móc mình, nhưng Minh vẫn không tự ái, nổi sùng. Anh khật khừng bảo: "Bác đóng 60 chục ngàn như nhà cháu là hợp lý".

Bà Tư Rêu sừng sộ:

- Tôi chỉ đóng 40 thôi, anh làm gì được tôi nào?

Minh thản nhiên đáp:

- Nếu vậy tôi phải cắt điện nhà bác, báo việc này lên phường...

Bà Tư Rêu nhảy loi choi, xỉa xói vào mặt Minh "Tôi đố anh đấy, tôi thách anh đấy. Thằng nào ba đầu sáu tay dám cắt điện nhà tôi? Hả..."

Bố vợ Minh nghe tiếng được tiếng mất, nhưng hiểu ra việc bà hàng xóm đang trấn áp, thách thức con rể. Ông sấn tới, hiên ngang bảo:

- Tôi đây, thằng ba đầu sáu tay là tôi đây.

Thấy việc căng thẳng có thể gây ra chuyện "nặng ký", chị vợ Minh vội lao ra đẩy bố và chồng vô nhà đóng sập cửa lại, gần như giật lấy tiền trên tay bà Tư, van vỉ:

- Con xin lỗi bác, con nhận... Có gì sẽ bàn bạc lại thêm.

Bà Tư Rêu kiêu hãnh bảo:

- Vậy là hợp lý, hợp nhẽ rồi, chẳng có gì phải bàn bạc thêm nữa.

Bà hớn hở ra về. Túm được, chị Lệ Tuyết đang nghỉ chân vịn cầu thang, thướt tha ẻo lả phe phẩy tờ báo, bà hào hứng diễn thuyết:

- Chị thấy không, người ta thay đổi nhanh lắm, mới chỉ là đứng tên làm chủ đồng hồ điện thôi đã tỏ ra quan liêu cửa quyền. Tôi là tôi đấu tranh tới cùng. Chuyện đâu phải chỉ là mấy đồng bạc... cái quan trọng là công bằng. Người xưa có nói "Đồng tiền có gai có ngạnh", ăn không của nhau sao được.

Chị Lệ Tuyết ỏn ẻn:

- Dì nói chí phải.

Bà Tư Rêu hài lòng bảo con dâu:

- Chị phải cứng cỏi, mạnh mẽ như tôi, thế mới sống được ở thời buổi kinh tế thị trường này. Mình mà ù ờ, yếu ớt, thiên hạ sẽ đè đầu cưỡi cổ mình. Người xưa có nói "mềm nắn, rắn buông".

Vợ Khánh cười tủm tỉm:

- Bà dạy đúng lắm, con nhớ nằm lòng, chỉ sợ nhà con không nghe theo, cứ chín bỏ làm mười, chuyện lớn coi nhỏ, chuyện nhỏ coi không có gì. Anh ấy cả nể cả tin lắm. Rồi có ngày bị người ta lột hết, không có áo mà mặc...

Bà Tư Rêu tỏ ra bồn chồn, lo lắng, gặng hỏi "cụ thể là sao?"

Vợ Khánh bâng quơ:

- Chưa biết chừng anh ấy lại đem tiền bù lại cho người ta.

Bà Tư Rêu đập bàn:

- Giỡn hoài!

Xem ra vợ Khánh rất hiểu tâm tính của chồng. Ngay đêm hôm đó, Khánh lén sang nhà Minh đưa cho Minh 20 ngàn, xin lỗi mọi nhẽ, lại dặn đừng nói chuyện này cho mẹ và vợ anh biết. Khánh biết rất rõ con người Minh và mẹ mình. Cả hai người này, thà đánh nhau gẫy tay, lòi xương chứ nhất quyết không chịu thiệt lấy một đồng.

Vợ Minh buồn rầu bảo:

- Trước sau gì bác Tư cũng phát hiện ra, lúc ấy chuyện càng lớn.

Khánh nói:

- Tôi không nói, cô không nói, Minh không nói thì ai biết.

Vợ Minh lắc đầu:

- Không ổn đâu! Dù không ai nói ra nhưng cũng có thể đoán ra và truy hỏi anh.

Khánh khẳng định:

- Tôi nhất quyết không nói.

Minh bảo:

- Mà cậu có nói cũng chẳng sao, cậu là chủ gia đình cơ mà.

Vợ Minh gạt ngay:

- Không được, anh thừa biết anh Khánh làm sao có thể cãi lại mẹ và vợ. Thế nên, cách tốt nhất là có đồng hồ điện riêng cho từng hộ.

Minh nói ngay:

- Phải đấy, cậu quen thân với thằng Ba Tỷ, nói nó xin cho cái đồng hồ riêng...

Khánh khen phải, sáng sớm đã gặp Ba Tỷ, nhờ làm riêng đồng hồ điện. Ba Tỷ quý trọng vốn kiến thức thông kim bác cổ của Khánh, bảo "Tôi chỉ làm cho anh thôi".

Năm ngày say, nhà Khánh có đồng hồ điện riêng. Cả chung cư xôn xao, xu hướng ly khai làm đồng hồ riêng nổi lên mạnh mẽ, ai cũng muốn gặp Ba Tỷ. Gã này nhất quyết không làm hộ ai nữa, trước sau đều nói:

- Để mang tiếng ăn không, ăn chặn nữa à! Thằng này là Ba Tỷ, không thèm ăn vặt.

Đa số dân ở tuổi lao động trong chung cư là cán bộ, viên chức ăn lương nhà nước, thuộc thành phần trí thức hoặc có họ gần, anh em với trí thức nên không có thời gian rảnh trong giờ hành chính để lo việc đồng hồ điện. Hồi này, các cơ quan, công sở quản lý thời gian làm việc khắt khe, không như trước có thể nghỉ cả buổi chẳng sao. Vả lại, nếu có thời gian nhiều người "máu sĩ" cũng ngán ngại chuyện chờ chực xin xỏ. Mọi nhà đồng thanh nhất loạt tăng giá dịch vụ cho Ba Tỷ, từ 100 ngàn lên 200 ngàn cho một cái đồng hồ. Ba Tỷ vẫn dửng dưng từ chối bảo:

- Thằng này không phải thứ gà què ăn quẩn cối xay.

Chuyện đến tai Minh, một chuyên gia về ngôn ngữ, rất nhảy cảm về tiền. Hơn năm qua, từ khi rời khỏi "nhà cầu thang" ở trường, anh ta săn đuổi đồng tiền trên từng cây số! Việc giảng dạy ở trường không bao nhiêu, anh ta lên lớp qua loa, nhận xét giỏi cho hết thảy mọi bài vở, rồi phóng xe máy đi chạy sô khắp nơi. Từ việc dạy cho trung tâm luyện thi đến việc làm thuê Luận án tốt nghiệp cho một số cán bộ cần có bằng Đại học để lên chức, cho đến chuyện sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật cho các loại báo đặc san, phụ trương nay còn mai mất... Nghĩa là, nếu việc có giá trị từ 10 ngàn trở lên trong một giờ là anh làm. Con số gần 20 đồng hồ, tính tiền là gần 4 triệu hết sức hấp dẫn đối với Minh. Anh ta nghĩ ngay tới ông cán bộ ở Sở điện đang theo học Đại học tại chức, là một học trò rất cởi mở rộng rãi. Ông này đã có bằng kỹ sư điện máy từ 4 năm trước, nhưng lại rất ham mê văn chương, báo chí nên lại ghi danh theo học đại học văn hệ tại chức. Ông ta có vẻ thích lối giảng "không theo giáo án", lắm ví dụ, điển tích của Minh nên đã hai lần mời Minh đi lai rai ở nhà hàng và lần nào cũng tặng Minh gói thuốc ba số 5.

Minh đến nhà riêng gặp ông ta. Đúng là bậc trưởng giả làm sang. Nhà treo nhiều tranh sơn dầu loại ấn tượng, nom rất quái đản bên cạnh những hòn non bộ, bể cá vàng. Minh khen nhà đẹp, trang trí có cấp độ văn hóa cao, rồi đề nghị thẳng:

- Anh giúp tôi lo chuyện 18 cái đồng hồ, tôi hứa sẽ làm luận văn tốt nghiệp cho anh...

Ông cán bộ điện ôkê ngay...

Minh khôn hơn Ba Tỷ, không đứng ra nhận tiền của các hộ mà giao cho một học trò - Gã đệ tử ruột của mình làm. Gã đệ tử này đem hồ sơ xin đồng hồ của các hộ đến Sở điện và được ông cán bộ nọ dẫn tới những nơi cần thiết làm thủ tục. Việc chạy ào ào. Đội quân mắc điện kế lại tấp nập hoạt động ở chung cư. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, tất cả các nhà đều có đồng hồ điện riêng. Do được dặn dò (và cũng là đe nẹt) những đồng hồ này là của người trong nhà nên cánh thợ lắp đồng hồ không dám "bày tỏ" điều gì, vui vẻ nhận điếu thuốc Zet và lời cám ơn của Minh.

Vụ này, Minh cho gã đệ tử hai trăm, còn lại bao nhiêu lấy hết. Mới đầu, người trong chung cư tưởng rằng Minh không ăn gì, chỉ môi giới vì lòng tốt, còn ăn to là tên trung gian miệng còn hơi sữa (chỉ gã đệ tử không biết tên của Minh) và dân Sở điện. Nhưng rồi vợ Khánh phát hiện ra "người trung gian" kia là học trò của Minh và từ đó biết hết mọi chuyện. Miệng lưỡi độc địa của vợ Khánh rêu rao khắp nơi. Dân chung cư chửi Minh là đồ "đê tiện, ăn chó cả lông". Bà Tư Rêu ngày nào cũng chửi xéo vợ chồng Minh là thứ lừa đảo. Vợ Minh buồn lắm, đi cứ cúi gằm mặt. Minh chẳng để ý gì, cứ thản nhiên như không, bảo: "Tôi chẳng có lỗi gì hết. Thuận mua, vừa bán kia mà".

Nói vậy, nhưng Minh vẫn cho rằng Khánh chơi xỏ mình. Việc làm của Minh chỉ có Khánh biết, Khánh ra sức thanh minh, phân bua mình không nói gì cả, mọi việc đều do mụ vợ lắm điều và bà già lắm chuyện điều tra, nghiên cứu mà ra. Minh không tin, thề không nhìn mặt Khánh. Vợ Khánh mát mẻ, bóng gió:

- Không nhìn thì thôi, cái mặt ấy là mặt gì khiến người ta phải cần gặp.

Còn bà Tư Rêu đuổi thẳng cổ thằng cu Tạo, con trai đầu của Minh khi nó mon men đến gần bé Nga con gái đầu của Khánh để xem ké truyện tranh ở hành lang:

- Nhà mày giàu nứt đố đổ vách, cần gì phải xem ké.

Bức tường vô hình đã ngăn cách hai nhà. Hai đứa nhỏ chẳng được chơi với nhau công khai, cứ phải lén lút ra dấu xuống lề đường. Người lớn lỡ gặp nhau không cúi mặt xuống, cũng ngoảnh đi. Khánh và vợ Minh buồn lắm. Không ngờ hai gia đình thân thích với nhau là thế, nay bỗng trở nên thù ghét xa cách. Khánh và Minh tuy không cùng quê, nhưng ở những năm học Đại học là hai người bạn thân thiết. Minh cưới vợ trước, một người bạn cùng học và Khánh lo tổ chức đám cưới cho Minh. Ngày Khánh lấy vợ, Minh cũng đứng ra tổ chức từ đầu đến cuối. Minh ở "nhà cầu thang" cực một, Khánh ở nhà vợ cực mười. Hai năm trước, họ cùng dọn đến đây, với số tiền sang tên giá hữu nghị của hai cán bộ được cấp nhà riêng khi lên chức. Những ngày đầu hai nhà như một, chung nhau một cái bàn ủi, một hũ muối, cái dây phơi. Bà Tư Rêu luôn miệng khen Minh biết làm ăn, căn cơ, khen vợ Minh hiền hậu tháo vát, đảm đang. Sự rạn nứt của hai nhà bắt đầu từ khi Minh "chạy sô" dạy thêm, không rủ Khánh theo. Thực ra Minh cũng có mời tuy không mặn mà lắm, rằng: "Nó chẳng đáng bao nhiêu, nhưng có còn hơn không?". Khánh từ chối thực bụng, rằng: "Tôi còn phải học thêm nhiều, không muốn phân tán thời gian".

Khánh ham mê học hỏi, nghiên cứu, không để ý đến đời sống vật chất. Anh âm thầm, bền bỉ học tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hoa. Do "chạy ngoài" nhiều, thu nhập của Minh tăng lên. Mức sống hai nhà cách biệt. Hũ muối chung không còn nữa. Bàn ủi của Minh mua về là loại xịn, không thể dùng chung được. Dây phơi cũng chia đôi. Bà Tư Rêu giận con trai, suốt ngày rền rĩ: "Cứ chúi mũi vào sách vở, tiền không có, rồi chết rục xương không có nơi chôn cất cho mà xem. Thấy nhà người ta mà thèm, sao không học cái hay của người ta". Vợ Khánh, một kế toán có tay nghề cao, biết cách làm ăn, là trụ cột tài chính của cả gia đình, mát mẻ: "Giờ đây, những người ham mê sự nghiệp cũng phải thuộc lòng câu châm ngôn mới, đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, sức khỏe của tuổi già, cái đà của danh vọng. Biết nhiều mà không có tiền thì biết làm gì...". Bà Tư Rêu đối chọi với con dâu trên từng cây số, riêng điểm này rất đồng tiền, nhất trí, mắng con trai tiếp: "Chống tai lên, mở mắt ra mà nghe vợ mày nói. Lời phải là phải nghe".

Khánh ậm ừ với câu nói cửa miệng quen thuộc: "Được rồi, được rồi, từ từ...". Nói vậy là để cho yên cửa yên nhà chứ Khánh không hề có suy nghĩ kiếm ra tiền. Dường như anh không có "tư duy làm ăn". Kiến thức thu lượm về, chất đống trong đầu, chỉ để một mình mình biết và giải trí. Ngày này sang ngày khác, cuộc sống của anh vẫn từ từ, lặng lẽ như chiếc đồng hồ treo tường. Sáng 6 giờ dậy, tập thể dục ở ban công, ăn chén cháo trắng với một trái cà rồi đến trường bằng xe đạp. ở đó, anh lên lớp, rồi lại chúi mũi vào những cuốn sách dày cộp. Trưa về nhà lúc 11 giờ 30, ăn hai chén cơm rồi ngủ trưa đến 13 giờ 30. Lại đến trường, ngồi lỳ trong thư viện cho tới 18 giờ. Buổi tối, Khánh chỉ xem tivi chương trình thời sự quốc tế. Lại đọc, ghi ghi, chép chép cho tới 23 giờ 30. Dù ra trường đã lâu, nhưng Khánh vẫn còn giữ thói quen thời còn đi học ở quê, không có đèn điện, tiết kiện dầu hôi. Anh nằm trên giường tưởng như ngủ, để nhớ và ôn lại tất cả những gì đã đọc, đã biết trong ngày. Chính vì vậy, cái đầu của anh không thua gì máy từ điển điện tử. Tuy vậy, Khánh vẫn không hề có ý định đưa vốn hiểu biết và kiến thức rộng rãi ấy vào thị trường hoặc khuếch trương nó cho mọi người biết... Mẹ và vợ mắng mỏ, đay nghiến, anh vẫn chỉ nói độc một câu:

- Từ từ...

Khánh buồn, tâm sự với ông Chức ở tầng trên, một cán bộ khôn ngoan một đống, mưu mẹo một cây, nói giỏi, ngoại giao tài, có trình độ Đại học thật sự nhưng đường quan lộc trục trặc gập ghềnh, đến tuổi về hưu vẫn là một ông Trưởng phòng cấp quận.

Ông Chức cười, bảo bâng quơ: "Nhà nào cũng vậy thôi, buồn làm chi". 
 

 Trần Văn Tuấn
Chung Cư


Trở Về  ]