Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [  Trang Chủ  ]
Chung Cư 

Tác giả :Trần Văn Tuấn

12. Hỏi, cưới...

Trang trước
Hết
Đầu tiên là ông chồng cô Đoan Trang mang về một chậu cây kiểng Thiên Tuế. Trông lạ mắt. Mấy tháng nay, xí nghiệp in của ông không đủ việc làm, phải nghỉ máy thường xuyên. Đang có nguy cơ giải thể, mạnh ai nấy chạy tìm việc. Cả xí nghiệp chỉ có ông là không lo lắng gì hết. Ông nói: "Việc đâu tới đó, lo chi. Có dịp nghỉ, cứ nghỉ".

Hàng ngày ông thong dong ngược xuôi tìm cây kiểng lạ, tu bổ vườn kiểng nhà ông như một vườn thượng uyển. Có người bảo ông chuẩn bị về hưu non. Dân chung cư không tin chuyện ấy. Con người lắm mưu nhiều kế, 53 tuổi ly dị vợ già lấy vợ trẻ này dễ gì chấp nhận thú vui hưởng nhàn. Cũng là lẽ tự nhiên, khi vườn kiểng của nhà ông trở thành nơi tụ tập thường xuyên mấy ông cán bộ hoặc đã từng là cán bộ nhà nước. ở đấy họ thông tin, bàn luận đủ chuyện chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học và các chuyện xảy ra ở chung cư. Trăng thanh gió mát, vườn thượng uyển của ông chồng cô Đoan Trang ở trên sân thượng quả là nơi thư giãn thần tiên. Nó càng được chú ý hơn với sự có mặt của chậu Thiên Tuế. Một cái đẹp vừa sang trọng, vừa hoang dã, vừa bí ẩn vừa rõ ràng, vừa mạnh mẽ vừa tinh tế. Cô Đoan Trang hãnh diện với mọi người vì chậu Thiên Tuế. Cô thầm thì nói: "Thứ đó hiếm lắm. Từ Mã Lai nhập vô đó". Nhiều người tin thật, lũ lượt kéo nhau lên xem. Cho đến khi gã Ba Tỷ đem một cây Thiên Tuế khác về nhà, người ta mới vỡ lẽ thứ cây kiểng đó chẳng phải là thứ ngoại nhập. Nó có ở xứ ta và ở vườn kiểng giống nào cũng có. Ba Tỷ khoe: "Thiên Tuế của tôi là loại đặc biệt ở Tây Nguyên, chưa hề lai tạp, còn nguyên chất núi rừng. Bây giờ người ta chuộng thứ cây nguyên thủy rồi, không ưa thứ kiểng lai nữa". Cây Thiên Tuế nhà Ba Tỷ cao khoảng 30cm, nhỏ và thấp hơn Thiên Tuế kiểng nhà cô Đoan Trang, nhưng nom có vẻ hoang dã dữ dằn hơn. Màu sắc của nó đậm hơn, cạnh lá sắc hơn. Hành lang nhà Ba Tỷ có chậu Thiên Tuế trông sang trọng và sáng sủa hẳn lên. Ba Tỷ rỉ tai nói với chị Chín Rơm: "Tôi nghe nói cây này ở trong nhà, tài lộc phát nhanh lắm. Nhưng phải là Thiên Tuế  rừng cơ. Để tôi biếu chị một cây. Nói cho chị hay chỉ có vườn kiểng Trúc Đào mới có thứ Thiên Tuế  rừng đó". Chị Chín Rơm nhận cây Thiên Tuế  của Ba Tỷ suýt khóc vì cảm động. Đi đâu chị cũng khoe Ba Tỷ tốt bụng, biết lo cho người khác. Chị Chín Rơm trưng cây Thiên Tuế  ở nhà hôm trước, hôm sau ông Lưu Bi mang theo heo quay đến nhà ngỏ lời cầu hôn. Chị Chín Rơm đờ đẫn mụ mẫm cả người vì hạnh phúc bất ngờ ập đến. Hóa ra ông Lưu Bi không nối lại tình xưa với bà vợ giàu. Ông chỉ đón tiếp bả theo nghĩa bạn cũ và vì tình yêu thương con cái. Ông Lưu Bi có chân trong Ban quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn gì đó, làm ăn đang phát đạt. Ông bảo đang tìm mua nhà mới, cuối năm cưới chị Chín Rơm... Tất nhiên với tính nông nổi "phổi bò", cái bí mật "Thiên Tuế vô nhà, tài lộc phát đạt" cũng được chị hô hoán ầm ĩ khắp nơi. Có lẽ cũng là cái cớ để chị khoe sắp lấy chồng giàu. Những người biết Ba Tỷ đều cười thầm trong bụng. Họ còn lạ gì tính "ba xạo, cà chớn" của gã "chân đá, tay chộp" ấy. Gã chơi thân với ông chủ vườn kiểng "Trúc Đào", thường làm mối giá bán sỉ và lẻ cây kiểng cho ông ta. Đất chật, Thiên Tuế rừng về nhiều, Ba Tỷ nhận giúp ông ta tiêu thụ, ăn phần trăm trên cây. Những khách hàng đầu tiên Ba Tỷ nhắn tới là cư dân chung cư. Gã biết người trong chung cư quanh năm suốt tháng mải miết làm việc, ít có dịp đi đây đi đó nên mới lũ lượt kéo nhau xem cây Thiên Tuế kiểng. Ba Tỷ cũng biết trước chuyện ông Lưu Bi đến cầu hôn chị Chín Rơm. Không có ai quảng cáo tốt hơn là miệng lưỡi chị Chín. Ba Tỷ thực thi kế hoạch "bán Thiên Tuế rừng" một cách hoàn hảo. Dù biết Ba Tỷ làm ăn trong vụ này, nhưng người dân chung cư chẳng ai để bụng. Ai cũng tỏ ra thông cảm với Ba Tỷ, chia vui với chị Chín Rơm. Người ta gửi tiền Ba Tỷ mua giùm. Sau một tuần, trong chung cư không nhà nào không có chậu Thiên Tuế rừng để ở ban công. Cũng bởi cái mốt chơi chậu kiểng đang phổ biến trong giới trung lưu và giá một cây Thiên Tuế rừng cũng không đến nỗi quá cao so với các chi tiêu dịch vụ, vặt vãnh khác...

Và, cũng bởi chuyện "làm ăn" môi giới nhận hoa hồng phần trăm bây giờ là một thứ nghề nghiệp, có tính phổ biến nên chẳng ai truy hỏi Ba Tỷ xem vụ "Thiên Tuế" anh ta thu được bao nhiêu. Không ai khảo, nhưng Ba Tỷ nhất nhất khẳng định: "Vụ này giúp ông Trúc Đào là chính, tiền phần trăm không đủ bữa nhậu".

Người ta cười, bảo: "Nào có ai nói gì đâu". Có lẽ Ba Tỷ cũng có chút áy náy, nên ráng sức phân bua thêm: "Thì tôi cũng nói vậy, kẻo có người nghi ngờ này nọ, hoặc cho tôi là thứ gà què ăn quẩn cối xay". Thực ra, Ba Tỷ nói vậy cũng là một phản ứng tự vệ. Cái người "có người" trong câu nói của anh ta có địa chỉ hẳn hoi. ấy là cô Đoan Trang. Cũng bởi người ta không để ý đến Thiên Tuế ở vườn kiểng nhà cô nữa, lại có ý chê là cũ, cổ và giả tạo. Cô chạy ngược chạy xuôi nói với mọi người rằng thứ Thiên Tuế kiểng ở nhà cô là loại đặc biệt quý, giá của nó tới hơn một triệu, còn thứ Thiên Tuế rừng giá bình dân chỉ có từ 10 đến 20 ngàn thôi. Có người tin, có người không tin. Nhưng dù tin hay không họ đều cười xòa, bảo: "Tuy là rừng, nhưng nó đẹp hơn". Thế nên cô nhất định phải giận Ba Tỷ. Từ sau vụ đánh lộn với chị Chín Rơm rồi hòa giải, tính tình của cô Đoan Trang có sự thay đổi chút ít. Dẫu giận, cô cũng không đích danh xỉa xói Ba Tỷ, chỉ nói bóng gió xa xôi rằng cái gã taxi ấy là kẻ môi giới làm ăn trên đầu người lao động chân chính, một loại gà què...

Cô cũng tri hô khắp nơi, nói cái thứ quảng cáo "Thiên Tuế vô nhà, tài lộc phát đạt" là thứ lừa gạt thô thiển. Người trong chung cư cười xòa, chẳng ai để bụng. Thu nhập khá lên, công việc bận rộn nên số tiền một hai chục ngàn chẳng còn là một nhân tố phát sinh sự cấu xé, dằn vặt nữa.

Nhưng rồi, cái niềm tin "Thiên Tuế vô nhà, tài lộc phát đạt" chưa kịp bén rễ đã bị tàn lụi khi cùng một lúc người ta phát hiện có một vết nứt rạn ở từng trái và hầu hết các trần nhà tầng lầu đều bị thấm nước. Thậm chí có phòng còn bị lở vôi vữa, trơ ra khung sắt rỉ. Toa lét nhà ông Công Chức, ông Tư Bi phải căng nilông ngăn chặn nước dơ. Cơ quan vội vã gửi công văn đến Sở nhà đất. Công ty quản lý nhà cấp tốc cử cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra. Năm người đi xe honda đến, sục sạo khắp mọi nhà, mọi ngóc ngách, từ tầng trệt trở lên, suốt một buổi sáng. Đến 11 giờ trưa, ông kỹ sư đội trưởng tuyên bố ở phòng trực: "Nhà phải sửa gấp. Đại tu toàn bộ". Tổ trưởng Trạng lo lắng hỏi: "Chừng bao nhiêu tiền". Viên kỹ sư biết nỗi lo lắng của chung cư, nên chỉ nói mơ hồ rằng số tiền sửa chữa là khá lớn không thể nói ngay được. Trừ những nhà sắp sửa dọn đi như nhà anh Khánh, ông Tư Bi... và gã Ba Tỷ chạy rong ngoài đường, người trong chung cư hoang mang, bàn tán. Người thì nói giá sửa vài chục triệu, người bảo vài trăm. Cơ quan S tuyên bố nhà đã giao cho Sở nhà đất rồi, thu xếp thế nào là tùy Sở.

Nửa tháng sau người của Công ty quản lý nhà đến thông báo cho bà con chung cư biết dự kiến số tiền đại tu chung cư. Mọi người đổ mồ hôi hột. Số tiền quá lớn. Theo công bố của Nhà đất với phương án nhà nước và dân cùng làm thì mỗi nhà phải đóng hơn 10 cây vàng. Sau một thời gian im lặng, hầu như tất cả mọi người đều thốt lên: "Nó đổ thì cho đổ, đành chịu thôi".

Nhà đất đưa ra phương án thứ 2: Các hộ dọn đến những nhà mới ở các khu nhà mới xây cất, không phải đóng thêm gì nữa, để nhà chung cư lại để công ty sửa chữa kinh doanh. Các hộ dọn đi đến 4 địa điểm nhà mới ở 3 khu khác nhau là Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh. Nếu không thỏa thuận được trong việc chia lô, chia nhà thì tổ chức bốc thăm. Các hộ phải làm giấy cam kết đổi nhà, trong thời hạn hai tháng. Sau hai tháng số nhà mới phân phối cho nơi khác, việc bố trí nhà mới không còn trong kế hoạch nữa. Sở nhà đất hết trách nhiệm. Phương án này được một nửa hộ dân trong chung cư chấp nhận. Song nửa số hộ còn lại nhất quyết bám trụ đến cùng. Thế là dân chung cư một lần nữa lại chia làm hai phe. Sự tranh cãi càng ngày càng quyết liệt. Phe đồng ý ra đi gồm những hộ đã có nhà ở ngoài hoặc có kế hoạch mua nhà trong đó có nhà Bà Tư Rêu, chị Chín Rơm, ông Lưu Bi, chị Lệ Tuyết... Phe nhất định bám trụ tập trung ở những hộ đông người chưa có điều kiện đổi nhà hoặc những hộ có mối quan hệ công việc, làm ăn gắn với trung tâm thành phố như nhà anh Minh, anh Trạng, chị Lệ Hồng, ông Công Chức, cô Đoan Trang...

Chỉ duy nhất có gã Ba Tỷ không theo phe nào. Gã bảo bán cũng được, không bán cũng không sao. Phe đi nêu lý do có nhà ở trong từng hộ như vậy là khá rồi, không thể đòi thêm và trước sau gì chung cư cũng phải xây lại, không thể ở thế này mãi được. Phe không đồng ý đi lập luận rằng cánh nhà đất muốn lấy chung cư làm khách sạn nên hù dọa đuổi người, chứ nhà mới bị rạn trần chỉ sửa chữa sơ qua là ổn. Hai phe thuyết phục lẫn nhau.

Bà Tư Rêu dãi dề tâm sự với anh Minh. (Kể từ ngày Khánh đi nước ngoài về làm ăn phát đạt, bà đã chủ động sang nhà Minh xin lỗi, hòa giải và hai nhà không còn giận dỗi nhau nữa).

- Không phải là tôi nghĩ cho tôi. Anh biết đấy, từ ngày thằng Khánh nhà tôi nhờ ơn trên, lộc mưa làm ăn tấn tới có đồng ra đồng vào, chuyện nhà cửa sinh sống tôi đâu còn phải lo gì. Tôi chỉ lo cho nhà anh thôi. Tình trạng ở chung cư phức tạp như thế nào, anh quá biết. Không một ai muốn ở chung cư cả. Nếu có điều kiện, ai cũng muốn có căn nhà riêng của mình. Tôi thấy những khu nhà mới xây cho dân giải tỏa rồi. Cũng là chung cư nhưng riêng biệt, giống như nhà riêng vậy. Chẳng như thứ chung cư khách sạn này. Dù xa xôi, bé nhỏ thế nào đi nữa cũng là của riêng mình. Vả lại, tôi nghe nói, trước sau gì đường này cũng phải mở rộng. Thằng Khánh nhà tôi đi Nhật về bảo đường phố của họ rộng gấp đôi đường phố của ta. Bây giờ chưa có điều kiện quy hoạch nhưng ít năm nữa cũng phải quy hoạch thôi. Cũng như ngôi nhà này, xập xệ quá đát rồi, đâu có thể trụ lại lâu được nữa. Nhân dịp này ta tính trước đi là vừa...

Anh Minh hùng hồn nói lại:

- Con nghĩ khác dì. Con biết rằng chẳng thể nào thuyết phục dì được. Nhưng con cũng xin nói ra cái lý để dì suy ngẫm. Con đồng ý với dì ở hai điểm. Thứ nhất là đường phố phải mở rộng. Nhưng theo các nhà phân tích kinh tế thì với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, phải ít nhất đến năm 2000 đường phố này mới mở rộng được. Nhưng theo các nhà phân tích kinh tế thì với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, phải ít nhất đến năm 2000 đường phố này mới mở rộng được. Đây là khu dân cư lao động chứ không phải trung tâm buôn bán hay trục lộ giao thông chính. Thứ hai đúng là ngôi nhà này đã xập xệ quá đát. Nhưng nó thuộc loại chung cư xây dựng năm 1966. So với những chung cư thời Pháp để lại nó còn vững chắc và đẹp đẽ hơn nhiều. Dàn sửa chữa nhà cũng như bác sĩ, nhìn đâu cũng thấy bệnh. Con nói thật, chẳng có nhà chung cư nào ở thành phố này chắc chắn cả. Bói ra ma, quét nhà ra rác. Như ở ý, có cái tháp nghiêng đến ba thế kỷ nay vẫn không đổ. Ăn nhau là ở cái đất, cái móng. Đất ở đây cao chắc, móng tốt. Vậy cái vết nứt nhỏ chỉ là chuyện vôi vữa thôi, không đáng ngại.

Bà Tư Rêu nhăn nhó cười, bảo:

- Tôi thuyết phục anh, anh thuyết phục lại tôi. Còn nói gì được nữa...

Tình trạng giằng co như vậy lần lần trôi qua từng ngày. Chỉ còn 5 ngày nữa là hết hạn. Nếu không có câu trả lời thuận dời đi ở tất cả các hộ, coi như vụ này xù... Mọi nhà cứ ở, chờ đợi biện pháp mới và hy vọng nhà không bị đổ sập. Phe không đi có vẻ tự tin. Ngoài thiên tuế ra, họ còn mang về thêm những cây kiểng mới.

Ngày 10-10, Lệ Hồng tổ chức đám cưới lần thứ hai. Bùi Chương sẽ đến ở với mẹ con chị. Cả chung cư nhộn nhịp, chăm lo, thăm hỏi, giúp đỡ Lệ Hồng. Đám cưới tổ chức ở nhà hàng. Đón dâu đưa dâu cùng một tuyến đường. Đến nhà hàng ăn uống chụp ảnh xong thì về chung cư... lại nhập tiếp. Ba Tỷ nhận phần việc xe hoa, kiêm luôn tài xế. Thực ra gã đâu có phải thuê mướn gì, chỉ cần gỡ cái biển taxi trên nóc xe, đem dây hoa phủ lên xe mình, thế là xong.

Đám cưới tổ chức ngày chủ nhật. Sáng, chung cư dậy sớm hơn lệ thường. Chị Đức Hạnh được giao việc đến bệnh viện đón ông thường trực ở bệnh viện về. Đúng là nhà có đám. Chung cư ồn ào, đi lại nhộn nhịp, đủ mọi màu sắc. Cô Đoan Trang mặc váy màu xanh nước biển có nhiều nếp gấp như đồng phục nữ sinh, nom cô trẻ ra đến 5 - 6 tuổi. Chị Lệ Tuyết không mặc đầm, hay xường xám nữa, lại mặc bộ đồ bó chẽn bằng vải súp bóng, giống như ca sĩ nhạc Rốc, nom có vẻ ngổ ngáo dữ tợn hơn. Chị Chín Rơm đòi mặc đầm. Ông Lưu Bi không cho, ép mặc áo dài màu hoàng yến. Chị Chín Rơm bực bội nói với cô Đoan Trang: Tao thấy tao mặc đầm là hợp nhất. Thế mà lão Bi bảo mặc thế nom quê mùa kệch cỡm, tây chẳng ra tây, ta chẳng ra ta, như con bù nhìn rơm. Lão bắt tao mặc áo dài. Mày coi, tao trước sau như một, không phân biệt ba vòng, mặc áo dài có khác gì cái cột biết đi...

Chị Đoan Trang cười hi hí bảo: "Ông xã tương lai của chị nói đúng đấy. Chị nên mặc áo dài màu hoàng yến. Nhưng phải qua tay em thì mới không thành cây cột điện biết đi...

Chẳng biết cô Đoan Trang phù phép thế nào, chỉ sau 15 phút, chị Chín Rơm trở thành một người khác hẳn, giống như một bà chủ phốp pháp đẫy đà, trên ra trên, dưới ra dưới. Ông Lưu Bi nghệt ra như ngỗng ỉa, nhìn lại vợ sắp cưới một lần nữa. Rồi ông hiểu ra, bật cười ha hả: "Hay, giả mà đẹp mắt vẫn cứ hay!".

Chị Chín Rơm mắc cỡ đỏ nhừ mặt. Suốt buổi tiệc chị không dám nói to, không dám cử động mạnh. Chị trở thành một người đàn bà nhút nhát, ít lời, dịu dàng và đoan trang mẫu mực. Cô Đoan Trang ngồi kế bên, thương quá, nói thầm:

- Không sao đâu, chị cứ tự nhiên, mọi thứ đều chắc chắn lắm chị khép nép quá khiến mọi người để ý, soi mói, dễ lộ...

Lời nói thầm lọt đến tai Ba Tỷ. Gã bò ra bàn cười rũ rượi. Nhìn thấy cặp mắt nảy lửa của chị Chín, gã vội vàng giả bộ xỉn lè nhè nói:

- Cứ có bia rượu vào là tôi cười, tôi cười không phải vì tôi say mà vì vui, vui, nên cười... Cười nhiều sống nhiều... Ha, ha...

Gã nhảy dựng lên mà cười. Mọi người cười theo.

Nhưng, không biết vì sao, có một nguồn tin nào đó từ bàn ông Công Chức phát ra khiến mọi người thôi cười. Tin đó nói rằng, tháng sau chung cư sẽ bị giải tỏa để mở đường và các hộ được đền bù theo chính sách chứ không theo giá thỏa thuận...

Anh Minh thở dài, bảo: 

- Không ngờ tốc độ phát triển lại nhanh đến vậy.

Bà Tư Rêu nói sang sảng, từ bàn này sang bàn khác:

- Nếu vậy, chúng ta về nhà mới thôi, đi trước một bước là khôn. Trâu chậm uống nước đục. Cái sự đền bù của nhà nước là rắc rối phức tạp lắm. Có nhiều thứ loại; loại tầng trệt, tầng lầu, tầng cao, tầng thấp. Rồi lại tính cả diện gia đình chính sách, gia đình nghèo, người có hộ khẩu thường trú, người tạm trú. Lại còn tính đến chuyện xuất xứ nữa... Ông em họ tôi ở quận 3 nhận đền bù căn hộ có 3 cây vàng. Không có hộ khẩu, coi như ở chui, kiện ai...

Hết thảy những người thuộc phe ở lại đều nghe rõ tiếng nói của bà Tư Rêu. Họ xì xào ngờ vực. Ngay cả cô dâu đang đi chào từng bàn cũng không thể đứng ngoài cuộc. Lệ Hồng bỏ qua ba bàn đến thẳng chỗ ông Công Chức, hối hả hỏi: "Tin đó là sao, chú" Ông Công Chức đã nhiều lần tuyên bố thề bám trụ ở chung cư cho đến chết, thuộc hàng ngũ đứng đầu phe ở lại, cười cười:

- Tin chính xác đấy. Tay đệ tử thân tín nhất của tôi ngày trước ở Sở Nhà đất nói cho tôi hay, biểu tôi chuẩn bị hồ sơ đổi nhà.

Chị Đức Hạnh nghi ngờ, hỏi:

- Chưa biết chừng tay đệ tử của chú ăn cánh với đám công ty mua nhà tung tin vịt để hù dọa bà con.

Ông Công Chức khẳng định:

- Không có đâu, tay này đáng tin cậy...

Cô Đoan Trang mát mẻ:

- Liệu có tin bằng gã Ba Tỷ không. Hàng xóm với nhau còn thế, huống chi...

Chồng cô Đoan Trang mạnh mẽ bảo:

- Tôi đồng ý với anh Chức. Chuyện này phải xảy ra thôi. Ta cứ theo bà Tư, đi trước một bước. Đừng để lún sâu vào vụ đền bù giải tỏa.

Ông già anh Minh hắng giọng tuyên bố:

- Tôi cũng thấy rõ điều đó. Đề nghị bà con ta nắm lấy cơ hội này. Ta đi thôi!

Thế là xong! Chẳng còn ai bàn ra, cãi vô nữa. Tất cả đã nhất trí "chạy làng" trước khi nhà nước "giải tỏa". Đám cưới chị Lệ Hồng trở thành một cuộc họp nhất trí thông qua việc đổi nhà. Cuộc vui tiếp tục trở về chung cư.

Ông Lưu Bi đã xỉn, khóc hu hu, bảo:

- Những lúc khốn khổ hàn vi tôi được bà con giúp đỡ, chăm sóc. Bây giờ làm ăn được, lại phải xa nhau... Tôi thương mọi người lắm. Mọi người đừng ruồng bỏ tôi...

Tổ trưởng Trạng phải ra sức vỗ về ông, hứa bao giờ đám cưới ông, mọi người sẽ đến đầy đủ...

Chị Chín Rơm phải dìu ông về. Ra khỏi bàn nhậu ở sân thượng, ông còn hét lên:

- Mọi người nhớ phải đến đấy... Nếu không, tôi sẽ khóc suốt đời...

Ai bảo ông Lưu Bi lạnh lùng, khắc khổ. Hóa ra cái vẻ ngoài đôi khi lại chỉ là thứ trang trí lừa dối người khác. Chỉ khi say xỉn, con người mới bộc lộ hết bản chất của mình. Cũng như anh Minh, ngày thường lặng lẽ kín đáo tỷ mẩn và keo kiệt là thế, xỉn rồi cứ đòi mời tất cả cánh đàn ông đi "tăng hai", lại còn dám quát lên với vợ khi vợ hỏi "tăng hai" là gì?

- Là đi bia ôm chứ còn gì nữa. Cô không ngăn cấm nổi tôi đâu. Tôi có tiền...

Dĩ nhiên chẳng có ai hưởng ứng cả...

Cuộc vui đến một giờ sáng mới xong. Ai về nhà nấy. Chỉ còn ông Công Chức. Hồi này, ông ở nhà nhiều hơn đi làm. Ông không đủ tài, trí và sức lực cạnh tranh với đám trẻ trong nghề vẽ quảng cáo. Ông đang thâm nhập thị trường vẽ mẫu thời trang. Xem ra, thị trường này cũng không hợp với ông. Nên ông càng ngày càng buồn phiền, lắm tâm sự. Ông ôm đàn gảy khúc "Trăng in đáy nước" do ông sáng tác. Một khúc nhạc giống như tân - cổ giao duyên pha tạp giữa hát xẩm - quan họ - và nhạc mới.

Trăng sáng, gió hờ

Lòng ta đáy nước trông chờ người ơi

Thương thì nói, không thương thì thôi

Đừng to tiếng, chớ buông lời đắng cay

Ta suy

Thế gian không đủ nước

Ta phải lăn xuống hồ

Uống cho đỡ khát

Ta đâu phải là bóng

Ta là ta

Dẫu không có trăng. Ta vẫn là ta...

Hát xong, ông hỏi to:

- Trả giá bao nhiêu cho bài hát này?

"Meo!", Không có tiếng người, chỉ có tiếng con mèo hoang trú ngụ nhà Ba Tỷ lên tiếng.

Ông thở dài, bế con mèo lên, hát tiếp "Trời đất bao la, có trăng có nước cần chi mái nhà..."

Ông dò dẫm đi xuống cầu thang. Trời mờ mờ sáng.

-----------

Lời nói thêm

"Chuyện chung cư" có lẽ còn nhiều nữa, bởi đây chỉ là những đoạn kể chuyện về một chung cư trong số hàng trăm chung cư ở thành phố. Mỗi người đều có cuộc sống riêng, có số phận khác nhau nên mỗi chung cư đều có những nét riêng. Huống chi cái "chuyện chung cư" này chưa viết hết tất cả mọi nhà. Như chị Đức Hạnh, một kỹ sư hóa chất rất giỏi về chuyên môn, đã gần tới tuổi 40 vẫn sống độc thân cùng đứa con gái. Khi tiếp xúc với chị, ai cũng có nhận xét chị là người phụ nữ khả ái, dịu dàng và tràn đầy hạnh phúc. Gương mặt tròn, lông mày cánh cung, đôi mắt tròn sáng và nụ cười cũng tròn vành vạnh như trăng rằm. Nhưng, nhìn dáng đi của chị tôi không tin chị là người may mắn, sống trong hạnh phúc thường tình. Đàn bà đi lao đầu về phía trước, mắt nhìn xuôi với những cử động mạnh mẽ, dứt khoát không thể nhàn nhã được. Niềm tâm sự nhức nhối đau đáu của chị được thể hiện rõ khi đứng một mình. Tôi thấy chị chờ đèn xanh để băng qua đường. Bất chợt, đôi mắt chị ngước nhìn lên. Nỗi buồn vời vợi ở đôi mắt ấy còn sâu thẳm, mênh mông hơn cả khoảng trời xanh phía trước. Tôi chưa kịp làm quen, chị đã ra đi...

Hay như chuyện tình yêu của cô Thúy và anh chàng An, tôi cũng chưa kịp hỏi xem kết quả thế nào. Và chuyện bệnh tật của ông cựu sĩ quan pháo binh về hưu nữa...

Giờ đây, mỗi lần đi qua nơi trước đây là chung cư, tôi thấy như chung cư ấy vẫn còn sừng sững ở đó với màu vôi tróc lở, đen trắng nhạt nhòa và tiếng mèo kêu, tiếng cười hô hố của gã Ba Tỷ, tiếng còi của ông thường trực...

12-1995 
 Trần Văn Tuấn
Chung Cư


Trở Về  ]