Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]        [ Tác giả ]

Cùng một ánh trăng
Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Nhà thơ Huy Cận cho rằng trên thi đàn Việt-Nam thế kỷ XX, Xuân Diệu và Hàn Mạc Tử (1) sẽ trong số những người hiếm hoi để lại tên tuổi cho mai hậu

Xuân Diệu (1916-1985) xuất hiện như một luồng gió mới, đã được khách yêu thơ, đặc biệt phái Tân học, chịu ảnh hưởng văn chương Pháp, hết sức tán thưởng vẻ tân kỳ : ngôn từ rất mới lại thoát khỏi những tư tưởng sáo cũ, những niêm luật gò bó của "thơ Ðường" (2). Nhưng thơ Xuân Diệu cũng đã gây sóng gió trong làng thơ vì những người quen đọc thơ Ðường thường chỉ trích Xuân Diệu là "Tây" quá, "Tây" từ nội dung (đề cập đến "cái tôi" chứ không nói chung chung) đến hình thức (phép dùng chữ, đặt câu vay mượn cấu trúc Tây phương), thí dụ :

Hơn một loài hoa đã rụng cành
("Ðây mùa thu tới", Thơ Thơ)

Tuy nhiên, trong cái dáng dấp "Tây" của Xuân Diệu ai bảo là không phảng phất cái phong cách Việt :

Rượu nơi mắt và khi nhìn ướm thử,
Gấm trong lòng và khi đứng chờ ngây,
Và nhạc phất dưới chân mừng sánh bước,
Và tơ giăng trong lời nhỏ khêu ngòi,
Tà áo mới cũng say mùi gió nước,
Rặng mi dài sao động ánh dương vui.
("Xuân đầu", Gửi Hương Cho Gió)

Chính Hàn Mạc Tử cũng đã phân tích và công kích thơ Xuân Diệu : "Vẫn biết nghệ thuật chuộng ở sự tiến bộ, ở sự hoàn toàn từ tinh thần đến hình thức của một bài thơ. Song le ta không nên quên rằng thơ ta là thơ quốc âm, ta phải giữ cái tinh thần Việt-Nam của ta, hơn nữa, cái tinh thần Ðông phương mà sự rung cảm tâm hồn người ta là nhờ ở cái đẹp kín đáo, cái tình sâu sắc, cái buồn thấm thía... Vì thế cho nên những sáo ngữ : trăng, hoa, tuyết, gió, hay là những danh từ đẩy đưa trong khi hành văn (những danh từ rất thường dùng) đều là những luận-đề bất tử cả. Mất những danh từ ấy, những sáo ngữ ấy, nghĩa là mất hết tinh thần Ðông phương rồi, mất cái điện lực, cái gân chuyển tình cảm vào người (...) Bao giờ Xuân Diệu cũng ưa lập dị với những thi liệu của Tây phương, cốt làm cho bài thơ mình có cái dáng-dấp một sự duy tân. Nhưng cuộc duy tân ấy thất bại ngay, vì không hợp với lòng dân, nghĩa là không cảm được người ta vậy. Phải để cho bài thơ cái cốt cách nguyên vẹn từ xưa, cái cốt cách cố hữu của nó, mới nổi cái giá trị của nó lên. Kết luận không thể lập dị trong những sự dùng chữ kiểu cách, những "tournures" lạ kỳ để làm cho bài thơ thoát sáo, vì thoát sáo theo kiểu ấy, bài thơ sẽ mất sức rung cảm, kém hay" (3).

Hành trình của Hàn Mạc Tử (1912-1940) khác Xuân Diệu ở chỗ bước chân vào làng thơ với những bài thơ Ðường luật (nổi tiếng từ 1931 với ba bài : Thức khuya / Ðêm không ngủ, Gái ở Chùa, Chùa hoang (4) rồi mới bước sang thơ mới. Tập thơ đầu tay Gái quê, (1936) gồm cả thơ mới lẫn thơ Ðường luật, và sau đó Hàn còn đi xa hơn nữa, với những vần thơ kỳ dị, không mạch lạc, khó hiểu, sáng tác trong trạng thái đau khổ cùng cực khi mắc bệnh hủi (Thơ Ðiên sau đổi ra Ðau Thương ,1938).

Trần Thanh Mại, người đầu tiên viết sách giới thiệu thơ Hàn Mạc Tử, nhận xét là hai phần ba Ðau Thương viết về trăng và đặt câu hỏi, tuy không mấy tin tưởng, có phải đến mùa trăng thì người mắc bệnh hủi hay đau đớn, khó ngủ v.v... tựa như ảnh hưởng của trăng với nước thủy triều.

Trăng có ảnh hưởng đến bệnh hủi hay không thì không biết nhưng trăng thu hút cả Xuân Diệu và Hàn Mạc Tử là cái chắc. Dưới đây chỉ là những nhận xét cá nhân về ảnh hưởng của chị Hằng đến nguồn thi hứng của hai nhà thơ được nhiều người mến chuộng.
 

TRĂNG CỦA XUÂN DIỆU 

Xuân Diệu viết khá nhiều về trăng, chỉ riêng trong Thơ Thơ Gửi Hương Cho Gió đã đề cập đến trăng trong những bài : Trăng, Huyền diệu, Nhị hồ, Ðây mùa thu tới, Với bàn tay ấy, Thở than, Ca tụng, Nguyệt cầm, Buồn trăng, Lời kỹ nữ, Bài thứ năm, Bụi mưa mờ cũ, Sương mờ, Huyền ảo, Cảm xúc, Vội vã. Ngoài ra cón nào "Hoa đêm", nào "Thân thể" (5) ...

Trăng của Xuân Diệu có khi mơ mộng :

Trăng vừa đủ sáng để gây mơ
"Nhị hồ", Gửi Hương Cho Gió)

gợi nhớ nhung, tương tư :

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên khơi vơi.
("Nhị hồ")

Dưới trăng, lòng người có khi "buông thả" :

Nếu hương đêm say dậy với trăng rầm,
Sao lại trách người thơ tình lơi lả ?
("Cảm xúc", Thơ Thơ)

"Trăng lồng bóng nước" dưới mắt Xuân Diệu có lúc là trăng khỏa thân :"Bởi vì trăng cũng thở những ý nghĩ điếm đàng và trên nước chóa vàng tợ hồ một thân thể đang tắm" (5).

Người ta thường nôm na ví mặt trăng tròn với cái đĩa, thi nhân lại thây nó giống bộ ngực khêu gợi của thiếu nữ :

Trăng vú mộng đã muôn đời thi sĩ
Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy.

("Ca tụng", Tho Thơ)

Song trăng mô tả trên đây không thực là "trăng của Xuân Diệu", những cảm tác đó là cảm tác chung của các thi nhân." Trăng của Xuân Diệu" có bản sắc riêng, luôn luôn tràn đầy, tràn ngập :

Trong vườn đêm ấy nhiểu trăng quá,
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi
("Trăng", Thơ Thơ)

Trong khi ánh trăng lai láng khiến Thúc Tề cảm thấy xuân tình rộn rã :

Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước,
Ngập tràn sông trắng, gợn bâng khuâng,
Hương trăng quấn quýt hơi sương ướt,
Ngân dội lời tình điệu hát xuân.
"(Trăng mơ" (6)

thì ngược lại, ánh trăng huy hoàng, tràn lan chỉ gây cho Xuân Diệu cảm giác lạnh lẽo, buốt giá :

Trăng thu thường thấy trắng phau,
Ấy mầu của tuyết, ấy mầu của băng.
Lạnh thay là cảnh cô Hằng,
Lạnh trong cung lạnh, trong trăng lạnh lùng.
("Bụi mưa mờ cũ", GHCG)

Dưới ánh trăng lạnh lẽo và lặng lẽ, con người càng thấm thía niềm cô tịch :

Chỉ biển trời xanh, chẳng bến trời,
Mắt nhìn thêm gợn ánh khơi vơi,
Trăng ngà lặng lẽ như buông tuyết,
Trong suốt không gian tịch mịch đời.
("Buồn trăng", GHCG)

Trong khung cảnh tịch mịch dưới biển trăng trong vắt, tiếng nhạc trỗi dậy gây cho ta cảm giác rờn rợn, thấy mình quá bẻ nhỏ, bơ vơ giữa đất trời bao la :

Bốn bề ánh nhạc biển pha lê,
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề,
Sương bạc làm thunh, khuya nín thở,
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.
("Nguyệt cầm", GHCG)

Người kỹ nữ sợ hãi ánh trăng mênh mông :

Em sợ lám, giá băng tràn mọi nẻo
Trời đấy trăng, lạnh lẽo suốt xương da.
("Lời kỹ nữ", GHCG)

Nàng sợ mình phải đối bóng mình :

Chớ để riêng em phải gập lòng em

và khẩn cầu sự hiện diện của một người mong đem lại chút tình ấm áp , dù người ấy chỉ là một khách làng chơi :

Khách ở lại cùng em trong chốc đã,
Vội vàng chi, trăng sáng quá khách ơi.
Ðêm nay rầm yến tiệc sáng trên trời,
Khách không ở lòng em cô độc quá.
("Lời kỷ nữ", GHCG)

Lời khẩn cầu thật tha thiết song nàng cũng thừa biết là vô vọng :

Tình du khách thuyền qua không buộc chặt.

Không phải chỉ nàng kỹ nữ bị xã hội khinh rẻ mới cảm thấy cô đơn dưới ánh trăng chói ngời, tình yêu thắm thiết của lứa đôi cũng không ngăn nổi cảm giác "bơ vơ" của thân phận con người :

Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá,
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ !
("Trăng", Thơ Thơ)

TRĂNG CỦA HÀN MẶC TỬ

Cũng như Xuân Diệu, không phải trăng của Hàn Mạc Tử không có những lúc mơ mộng :

Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ
("Trườrg tương tư", Ðau Thương)

Nhưng khác Xuân Diệu ở chỗ trăng của Hàn không gợi cảnh yêu đương, thương nhớ... mà thường nhắc nhở những hình ảnh tan vỡ, chia ly :

Mộng uyên ương khi trăng sao bàng bạc,
Biến mất rồi, anh thấy khói hương tan.
("Khói hương tan", Ðau Thương)

và những tư tưởng chán chường :

Trăng ! Trăng ! Trăng ! Là trăng ! Trăng ! Trăng !
Ai mua tôi bán trăng cho,
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò
("Trăng vàng trăng ngọc", Ðau Thương)

hoặc cay đắng :

Cách nhau ngàn vạn dậm,
Nhớ chi đến trăng thề
("Tình quê", Gái Quê)

Trăng của Hàn Mạc Tử có ba đặc điểm :

1- Nổi bật là bị tình dục ám ảnh - Ngay từ 1931, trăng của Hàn đã mang những hình ảnh khêu gợi rõ rệt :

Bóng nguyệt leo song rờ rẫm (7) gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn. ("Thức khuya")

Tập Gái Quê (1936) đầy rẫy những bức tranh phô bầy lộ liễu :

Trăng sóng soãi nằm trên cành liễu,
Ðợi gió Ðông về để lả lơi.
(...) Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe. ("Bẽn lẽn")

Trăng của Xuân Diệu cũng "tắm", cũng "lả lơi", cũng "điếm đàng" nhưng Xuân Diệu diễn tả kín đáo, ngòi bút Hàn Mạc Tử phóng túng :

Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng,
Lả lơi tắm mát, làm duyên gợi tình
("Uống trăng", Gái quê)

Bị ám ảnh về tình dục, nhìn đâu thi sĩ cũng thấy những hình ảnh khêu gợi : hết trăng "rờ rẫm", "trăng nằm sóng soãi" đến "trăng ôm" :

Tiếng vàng rơi xuống giếng,
Trăng vàng ôm bờ ao.
("Ngủ với trăng", Ðau Thương)

Hết "ngủ với trăng" lại đến nhìn "trăng ngủ" :

Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ,
Ðầy mình lốm đốm những hào quang.
("Ngủ với trăng", Ðau Thương)

Khi bị bệnh tật hành hạ, hình ảnh trăng biến dạng trở nên dữ dội, tàn bạo :

Gió rít từng cao trăng ngã ngửa,
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.
("Say trăng", Ðau Thương)

Trăng không gây cảm giác rờn rợn như Xuân Diệu, chính thi nhân điên cuồng, gào thét cho người khác "rởn ốc":

Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình,
Ðể gào thét một hơi cho rởn ốc,
Là Thiên đường, Trần gian và Ðịa ngục.
("Hồn là ai ?", Ðau Thương)

2- Thời kỳ của Thơ Ðiên tức Ðau Thương (8)

Trong Gái Quê, mảnh trăng lưỡi liềm chỉ khiến thi sĩ bực dọc muốn "chặt khóm thùy dương nghiêng ngả trước gió chiều lơi lả" và "chặt hồn ta dứt nỗi niềm" nhưng khi bệnh hoạn dầy vò, thi nhân thấy trăng lưỡi liềm là trăng đã... bị "cắn" :

Hôm nay có một nửa trăng thôi,
Một nửa kia ai cắn vỡ rồi.
("Em nhớ mình xa", Tặng Trần Thanh Ðịch,Xuân Như Ý)

Ðau khổ gây những ảo giác quái dị được thi nhân ký thác vào thơ :

Cả miệng ta là trăng, là trăng, trăng,
Cả hồn ta vô số gái hồng nhan,
Ta nhả ra đây một nàng...
("Một miệng trăng", Ðau Thương)

Thời kỳ bệnh hoạn, thần trí thác loạn, thi sĩ viết huyên thiên, không mạch lạc, chỉ cốt diễn đạt những cảm xúc hay đây là một cuộc thí nghiệm đi tìm một vẻ đẹp lạ kỳ ? Hàn Mạc Tử viết : "Tôi làm thơ ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi mất trí, tôi phát điên (...)Trong thời kỳ ấy óc mở ra rất mau, các tế bào trong não đều sinh sản thêm, dắt linh cảm người đến một vườn tư tưởng cao siêu lạ, và vì thế những bài thơ tân kỳ có dịp ra đời, nó ở ngoài mức trình độ hiểu biết của người thường, vì thế, người ta đọc thơ là không hiểu" (9).

Chúng ta thấy Thơ Ðiên không có mạch lạc, tựa như những hình ảnh trong chiêm bao liên tiếp hiện ra, biến đi tất nhanh, nó có cái "lõ-gích" của riêng nó mà ta đã chấp nhận dễ dàng trong giâc mơ. Có những hình ảnh đẹp đẽ, có những hình ảnh kỳ quái... Tuy vậy những hình ảnh ấy đều ít nhiều, xa gần, phản ánh sự thực :

Ngưòi trăng ăn vận toàn trăng cả,
Gò má riêng thôi lại đỏ hườm.
("Say trăng", Ðau Thương)

Theo gia đình và bè bạn thì cả những lúc bệnh nặng nhất, mặt mũi thi sĩ cũng không bị quá biến dạng, chỉ có gò má mang vết đỏ mà thôi.

3- Hòa nhập với vũ trụ - Xuân Diệu cảm thấy giá buốt, cô đơn dưới ánh trăng chói sáng, trăng của Hàn Mạc Tử không sáng mà cũng khiến thi sĩ thấm thía cái cảnh lạnh lẽo, đơn chiếc :

Trăng lạnh quá, ánh trăng không sáng mấy,
Cho nên chăn chiếu vẫn so le.
("Thao thức", Ðau Thương)

Tuy nhiên, ánh trăng sáng lòa lại không làm cho Hàn Mạc Tử sợ hãi, thấy mình bé nhỏ trước vũ trụ bao la, trái lại, trăng tràn ngập, chói ngời khiến Hàn quên hẳn mình đi :"Say sưa và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận mình là ai nữa" (10).

Ranh giới giữa người và người cũng xóa sạch :

Không gian đầy đặc toàn trăng cả,
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.
("Huyền ảo", Ðau Thương)

Thi sĩ thoát xác, hòa nhập với vũ trụ :

Ta bay lên ! Ta bay lên !
Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm,
Ta ở côi cao (11) nhìn trở xuống,
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm. (12)

Xuân Diệu đi từ ngoại cảnh vào nội tâm, nhận rõ sự nhỏ nhoi bất lực của con người trước vũ trụ, người và vũ trụ là hai cá thể riêng biệt, không thông cảm nhau, hầu như đối nghịch nhau, khi trăng được nhân cách hóa, ra vẻ thông cảm với con người, ấy là lúc Xuân Diệu "làm duyên". Trong cốt tủy, trăng của Xuân Diệu là trăng phi nhân. Ðôi lứa yêu nhau tha thiết đến thế mà vẫn cảm thấy "chẳng bớt bơ vơ", trăng không giúp họ gần nhau hơn :

Sau giờ lặng lẽ nghe chung một,
Lại có riêng mình, lại có ta.
("Tình cờ", GHCG)

Trăng phi nhân nhưng vẫn là "ông trăng" quen thuộc của chúng ta, gần chúng ta hơn.

Hàn Mạc Tử cũng đi từ ngoại cảnh vào nội tâm rồi lại đem nội tâm trút lên ngoại cảnh, hòa đồng với vũ trụ. Trăng trong Thơ Ðiên dẫn thi sĩ đi vào một thế giới xa lạ, kỳ dị, bỏ ta lạc lõng, bỡ ngỡ đằng sau. Những hình ảnh thác loạn đã được thi sĩ thăng hoa, tạo ra những thi phẩm tân kỳ, đưa ta tới những cảnh giới lạ lùng, khó hiểu. đòi hỏi người đọc phải quên cách thưởng thức thông thường của lý trí, đón nhận những vần thơ kỳ lạ trước khi tìm hiểu ý nghĩa của nó. Chế Lan Viên viết :"Ý thức tôi còn chưa hiểu được thì tiềm thức tôi đã cảm được, chấp nhận, thông qua" (13).

Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Châtenay-Malabry tháng 10 / 2007
CHÚ THÍCH

1-"Mạc Tử" hay "Mặc Tử" ? Theo Mộng Cầm, người yêu ở Phan-thiết của Hàn Mạc Tử, thì khi hai người quen nhau khoảng 1934-35, thi sĩ còn giữ bút hiệu Lệ Thanh. Khi Hàn tìm gập Mộng Cầm lần đầu đã trao danh thiếp đề : "Hàn Mạc Tử, Cercle d'étude à Qui-Nhơn". (Hàn = lạnh, mạc = cái rèm, Hàn Mạc Tử là người ngồi sau rèm, có lẽ ngụ ý nhắc chuyện Hàn thường ngồi sau rèm đợi ngắm bà Kim Cúc đi qua cửa. Kim Cúc là đối tượng của bài thơ "Ở đây thôn Vy-Dạ", tên bài thơ chép theo thư của bà Kim Cúc gửi cho anh ruột, do ông Nguyễn Tường sao chụp lại).

Sau đó, Quách Tấn gợi ý nên thêm mặt trăng trên rèm, "Mạc" thêm dấu "ă" thành "Mặc" (mặc = mực, hàn trở thành "bút", Hàn Mặc Tử là người của bút mực).

Nhưng bút hiệu ký trên những bài thơ viết trước khi mất (1939-40) như "Khói hương tan", "Ra đời", "Bút thần khai", "Sao vàng sao"... thì lại là "Mạc" chứ không phải "Mặc". Năm 1941, Trần Thanh Mại cho ra đời cuốn Hàn Mạc Tử, giới thiệu thơ của Hàn, đã tiếp xúc với thi sĩ trước khi mất (1940) tất phải hỏi rõ bút hiệu. Căn cứ vào những thư Hàn viết gửi cho các bạn như Trần Thanh Ðịch, Trần Tái Phùng... do Trần Thanh Mại trích, cũng đều thấy ký là "Mạc".

Ông Võ Long Tê trong bài nghiên cứu công phu về Hàn Mạc Tử đã chứng minh là "Mạc" mới đúng và cho rằng vào cuối đời, thi sĩ chọn "Mạc" vì thấy "Mặc" không phù hợp với những đau khổ của mình. Dùng chữ "Mặc" là không tôn trọng ý nghĩ của thi sĩ.

Chế Lan Viên, bạn thân của thi sĩ, công nhận ông Võ phải nhưng vì "quen" gọi là "Mặc Tử" nên cứ tiếp tục gọi là "Mặc".

2- Cái mà ngày nay ta thường gọi là "thơ Ðường", thuở nhỏ tôi được dậy phải gọi là "Hàn luật", do Hàn Thuyên dựa vào Ðường luật đặt ra, niêm luật có phần còn chặt chẽ, rắc rối hơn Ðường luật. Ở đây tôi dùng chữ "thơ Ðường" là dùng theo cách gọi thông thường của mọi người.

3- Trần Thanh Mại, tr. 47-48.

4- Năm 1931 Hàn Mạc Tử, dưới bút hiệu Phong Trần, gửi ba bài thơ bát cú ("Chùa hoang, Gái ở chùa, Thức khuya / Ðêm không ngủ") nhờ Thực Nghiệp Dân Báo chuyển cho "Mộng Du Thi Xã"ở Huế và đã được Chủ soái thi xã là Phan Bội Châu họa cả ba bài trong Công Luận Văn Chương. Trích phóng ảnh của Nguyễn Bá Tín, tr. 148-49.

5- "Hoa đêm", Sách Tết Ðời Nay, 1941 (theo Thi Nhân Việt-Nam, tr. 135).

"Thân thể", Phấn Thông Vàng.

6- Thúc Tề,"Trăng mơ", Thi Nhân Việt-Nam, tr. 90.

7- Dựa theo phóng ảnh những bài thơ lần đầu in trong Thực Nghiệp Dân Báo thì tác giả dùng chữ "rờ rẫm" chứ không phải "sờ sẫm".

8- Thời kỳ của Thơ Ðiên tính từ giữa 1938 vì khi Gái Quê xuất bản năm 1936 thì dường như chưa có triệu chứng gì tỏ ra thi sĩ đã mắc bệnh. Tuy bà Mộng Cầm sau này nói là ngay lần đầu gập Hàn đã thấy tai của thi sĩ"dầy dầy", biết là thi sĩ đã mặc chứng nan y. Có lẽ với thời gian trí nhớ của bà không được minh mẫn vì nếu đã biết thế tại sao bà vẫn thân cận với thi sĩ mà không sợ lây ? Từ 1937, Hàn mới nhận rõ mình mắc bệnh nhưng còn hi vọng chữa khỏi, đến 1938 bắt đầu tuyệt vọng.

9- Trần Thanh Mại, tr. 60.

10- Chế Lan Viên, tr. 119.

11- Côi cao = trên cao.

12- Thi Nhân Việt-Nam, tr. 210.

13- Chế Lan Viên, tr. 25.
 

SÁCH THAM KHẢO

Chế Lan Viên, Tuyển tập Hàn Mặc Tử, Hà-nội : Văn Học, 1987.

Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt-Nam, Saigon : Hoa Tiên tái bản, 1967.

Nguyễn Bá Tín (Thiện Nam), Hàn Mặc Tử, anh tôi, Paris : Tin, 1990.

Nguyễn Tường, "Hôm nay có một nửa trăng thôi", Dallas : Tiếng Sông Hương, 1991.

Quách Tấn, Ðôi nét về Hàn Mặc Tử - Hồi ký, Paris : Quê Mẹ, 1988. Phần Phụ lục có trích đăng bài của Châu Hải Kỳ, Nguyễn thị Như Lễ (chị thi sĩ), Hoàng Trọng Miên, (bạn thân), Ngọc Sương (chị của Bích Khê và cô của Mộng Cầm), Phạm Công Thiện, Nguyễn văn Xê (một bệnh nhân đã chứng kiến những giờ phút cuối của thi sĩ ở bệnh viện Qui-Hòa).

Võ Long Tê, "L'expérience poétique et l'itinéraire spirituel de Hàn Mạc Tử", BSEI, Tome XLVI I, No 4, 4e trimestre, 1972.

Xuân Diệu, Gửi Hương Cho Gió, Saigon : Hoa Tiên tái bản, 1968.

Phấn Thông Vàng, Hà-nội, 1939 ; Ngày Nay tái bản, 1968.

Thơ Thơ, Tập thơ đầu (1935-1938), Hà-nội, 1938 ;Saigon tái bản, không đề năm.

o O o



  Trở Về   ]