Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]        [ Tác giả ]  

Thư ngỏ gửi anh Nghiêm Xuân Hải

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Tôi nhận được Hợp Lưu số 65, tháng 6 &7 năm 2002 từ lâu, trong có bài "Di sản Hoàng Xuân Hãn" của anh, tr. 21 - 25 anh phê bình bài "Tìm hiểu mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả Lưu Hương Ký)" của tôi, đăng trong Hợp Lưu số 35, tháng 6 &7 năm 1997. Tuy nhận được Hợp Lưu từ lâu, nhưng đến nay tôi mới viết xong bài trả lời vì từ cuối năm 2001 mắt tôi phải làm việc quá độ (1) nên sau đó bị mờ, dòng chữ cong queo như con giun, tôi phải ngừng đọc, sách báo đến tôi chất đống, mỗi ngày đọc vài ba trang, vì thế đến 10 tháng 8 tôi mới thấy bài của anh và thấy anh hỏi (t. 22) :"Biết đến bao giờ Nguyễn Thị Chân Quỳnh mới sửa lại chỗ sai của mình ?".

Phải nói rõ từ đầu là anh đã lần lượt gửi cho tôi tới ba bản "Di sản Hoàng Xuân Hãn" : bản đầu qua M. Y. kèm thư đề ngày 9/10/98 ; bản thứ hai không có thư kèm, mấy dòng chữ bút chì ghi góc trái trang đầu không đề ngày nhưng thư trả lời của tôi viết hôm 30/11/98 ; bản thứ ba của anh kèm với thư ngày 22/01/99, vì bận viết sách nên đến tháng 5/99 tôi mới trả lời.

Nhận thấy thư đi thư lại lôi thôi, mất thì giờ, không bằng giải thích tận mặt, nên cuối cùng, vào khoảng hè năm 1999, tôi đã mời anh đến nhà nói chuyện, hôm ấy còn có hai người bạn khác là anh VNQ và chị VTHÐ. Tôi có nói rõ tôi không thù oán bác, không "vạch lá tìm sâu", nhưng nhận thấy bác viết có những chỗ không ổn nên phải lên tiếng. Ðối với tôi, hai vấn đề Hồ Xuân Hương và bản dịch "Chinh Phụ" chưa ngã ngũ, chưa thể khẳng định vì chưa có bằng chứng chính xác, tất cả chỉ là phỏng đoán nên có thể đúng và cũng có thể sai. Trong trường hợp bác đúng thì không nói làm gì nhưng trong trường hợp bác sai thì con cháu Hồ Xuân Hương, Ðoàn Thị Ðiểm, nếu có và còn sống, chắc cũng đau lòng...

Ðấy là chưa kể một buổi tối năm 1998 (hình như tối thứ bẩy, tôi không ghi ngày) anh gọi điện thoại nói chuyện rất lâu, khoảng hai tiếng đồng hồ và hỏi tôi số điện thoại của ông Nguyễn Quảng Tuân lúc đó sang Pháp vv. Còn nhớ trong điện thoại tôi có nói là một bằng chứng bác viết mà không kiểm tra là hai chữ "nữ giới" trong một văn bản bác gán cho bà Ðoàn Thị Ðiểm, bác giảng "nữ giới" là "ý muốn nói đó là đàn bà diễn ca" (2) nhưng tôi tra tự vị Hán Việt Từ Ðiển của Ðào Duy Anh thì chữ "giới" đó có nghĩa khác, thí dụ của Ðào Duy Anh : "giới yên" có nghĩa là "răn đừng hút thuốc phiện", anh có thể kiểm tra dễ dàng vì bác có sao chụp bià bản "nữ giới" ở cuối quyểnChinh Phụ Ngâm Bị Khảo (CPNBK) (3).

Tóm lại là tôi tưởng đã nhiều lần trả lời anh hoặc trực tiếp, hoặc qua thư hay điện thoại và chuyện đã "thanh toán" xong từ lâu, nay mới hiểu là anh muốn tôi phải công bố trên báo. Vậy tôi xin lần lượt trả lời anh từng điểm trong đoạn anh phê bình tôi, in trên Hợp Lưu số 65, từ trang 21 đến trang 25 :

- tr. 21 Anh viết :"Nguyễn Thị Chân Quỳnh không giới thiệu A0 mà lại giới thiệu "Thiên Tình Sử" là sách người ta tự ý in ba bài của bác, tôi cho là sách "ăn cướp", nếu dịch từ "pirater" của Pháp".

(A0 = "Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long", Tập san Khoa Học Xã Hội. Paris : số 10-11, tháng 12/1983)

1- Thiên Tình Sử - Trước hết, khi viết bài "Tìm hiểu..." tôi không "giới thiệu" Thiên Tình Sử (TTS) mà là "sử dụng" TTS vì tôi chỉ mua được bản đó chứ không mua được bản gốc in trong Tập san Khoa Học Xã Hội. Anh trách tôi sao không hỏi mượn anh bản gốc, nhưng lúc đó tôi tưởng TTS là bản gốc, được in lại với sự thỏa thuận của bác thì còn đi hỏi mượn làm gì ?

2- Nhưng đấy là chi tiết phụ, cái chính là sử dụng TTS có làm sai lạc những luận cứ của tôi hay không ? Trong thư viết cho anh ngày 30/11/98 tôi nhìn nhận là sau khi đối chiếu, so sánh từng dòng, tôi thấy TTS khác với bản gốc anh cho mượn khoảng 150 chỗ : lỗi nhẹ là quên viết hoa tên người, tên địa điểm... nặng là quên một hai chữ, hay bỏ sót cả mấy dòng khiến câu văn sai nghĩa hoặc vô nghĩa. Tuy nhiên, đối với những lập luận của tôi thì những lỗi lầm ấy không có ảnh hưởng gì cả. Lập luận của tôi là :

a) Chưa thể khẳng định hai bà Hồ Xuân Hương, tác giả Lưu Hương Ký (LHK) và tác giả những bài thơ ai cũng biết mà tôi gọi là thơ truyền tụng (TTT), chỉ là một người vì vấn đề còn nhiêu khê, những "bằng chứng" đưa ra chỉ là phỏng đoán. Ngoài cái tên giống nhau và cùng hay làm thơ thì văn phong, duyên tình của hai bà vv. khác nhau xa.

b) Mối tình giữa Nguyễn Du và tác giả LHK được nhìn nhận qua bài thơ "Cảm cựu..." chưa chắc đã có thật : nếu quả hai người có tình với nhau đủ "ba năm vẹn" như xác nhận trong "Cảm cựu...", cả hai đều là thi sĩ có tài, hay làm thơ, tại sao lại không có thơ xướng họa với nhau trong LHK như đối với Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn họ Trần và những bạn tình khác của nữ sĩ ? Bài "Cảm cựu..." do Xuân Hương viết chỉ chứng minh mối tình của Xuân Hương đối với Nguyễn Du nhưng còn phần Nguyễn Du thì sao ? LHK không có mà trong di cảo của Nguyễn Du cũng không có một bài nào đả động đến Xuân Hương chứ đừng nói tới mối tình giữa hai người. Bài "Mộng đắc thái liên" bác đưa ra nói là chắc khi viết bài này Nguyễn Du nhớ tới Xuân Hương, nhưng chính bác cũng không dám quyết đấy là sự thực. Trích TTS :

tr. 246 :" ("Mộng thấy hái sen") hình như nhắc nhở đến hồi dan díu với Xuân Hương" ;

tr. 248 :"Bài này chứng rằng Nguyễn Du ở Quảng-bình hay ở Huế có lúc nhớ đến một người bạn gái xưa ở cạnh Hồ Tây tại Thăng-long. Tuy bút chứng không muốn trỏ là ai nhưng lấy mọi bằng chứng mà suy thì tôi đoán đó là Xuân Hương có lẽ là hợp lý. Dầu sao nếu Hầu (Nguyễn Du) còn quen một người con gái Hồ Tây nào khác thì tình duyên giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là sự có thật. Nó kéo dài "ba năm vẹn".

Ðọc kỹ bài thơ thì người con gái ấy là "hàng xóm" của Nguyễn Du (song không ai biết đích xác lúc ấy Nguyễn Du ở đâu) và hai người rủ nhau đi hái sen ở Hồ Tây, chứ không phải người con gái ấy "ở cạnh Hồ Tây" để mà đoán là Xuân Hương.

Vì chưa có bằng chứng nào khác tỏ ra Nguyễn Du có đáp ứng mối tình này, nên tôi cố công thử tìm xem ở những thời điểm nào hai người cùng sống ở Thăng-long trong ba năm xem chuyện có thể xẩy ra được không ? Kết quả là "không" (4).

- tr. 22 : Anh viết :"Sách (TTS) không in lại bản đồ mà bác vẽ, đọc thấy thiếu ngay. Bản đồ trong bài A8 của Nguyễn Thị Chân Quỳnh thì rất xưa (1490) và rất quí trên mọi phương diện nhưng tiếc là nó đã thay thế và làm mất bản gốc của HXH. Tôi không biết nó có đúng hơn với sự thực của thời Hồ Xuân Hương, nhưng trong bản gốc HX Hãn có vẽ thêm đường đi nên dễ hiểu hơn. Nên tôi có lời trách (chung cho tôi và tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh) : tôi đã nhờ chị TKhuê đăng trong báo Hợp Lưu số 29 (mà tác giả có trong tay vì có nói đến tờ báo đó) rằng ai muốn biết thêm về di sản của HX Hãn xin liên lạc với tôi. Nếu tác giả liên lạc với tôi (dễ quá vì cùng ở vùng Paris) tôi đã cho sao chụp ngay bài báo. Không liên lạc có phải vì tôi không đắt rao hàng chăng ?".

[A8 = "Tìm hiểu mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả LHK)", Hợp Lưu số 35, tháng 6 &7/1997]

3- Bản đồ Thăng-long - Xin trích lại thư tôi trả lời đề ngày 30-11-1998 :"Tôi đã giải thích với anh trên điện thoại, xin nhắc lại là tôi thường cố ý minh họa những bài viết bằng tranh ảnh hay bản đồ xưa : Ðấy là cách "bảo tồn di sản" của tôi, phải in ra để cho nhiều người được xem và đ" bị thất lạc, mai một. Bản đồ tôi đưa ra quý ở chỗ vẽ từ thời Lê Thánh Tông, thế kỷ 15, trong có chua rõ chỗ của phường Khán Xuân mà xưa nay người ta vẫn cho là chỗ ở của Xuân Hương nên tôi mượn cớ ấy để cho in bản đồ chứ không phải vì không có bản đồ của Bác trong tay nên đem cái này vào thay thế mà không có một lời giải thích. Ðấy không phải là cung cách làm việc của tôi".

Xin thêm một câu : Tôi cũng đã từng giải thích với anh : Tôi không biết bác có vẽ bản đồ Thăng-long (vì TTS không in) thì còn "thay mận đổi đào", lấy bản đồ thời Lê ra thay bản đồ của bác làm gì ? Chính anh cũng nhìn nhận trong TTS không có bản đồ bác vẽ. Anh được đọc bản gốc thì anh "nhận ra ngay", nhưng tôi chỉ có TTS thì không thể đoán được.

Anh còn "vặn" tôi "Khán Sơn" (trên bản đồ 1490) không phải là "Khán Xuân" và tôi đã giải thích :"Phường Khán Xuân nằm giữa núi Khán tức Khán Sơn và núi Xuân" (5).

Tôi đã nói rõ tôi đưa bản đồ Thăng-long 1490 ra với mục đích phổ biến một bản đồ xưa hiếm quý chứ tôi có nói bản đồ ấy "đúng hơn với sự thực của thời Xuân Hương" đâu ?

Còn bảo vì tôi phổ biến bản đồ Thăng-long 1490 "làm mất bản gốc" (bản HXHãn vẽ) anh có thấy là anh nói quá đáng không ? Nếu có người "làm mất" bản của bác thì là người chịu trách nhiệm in TTS chứ sao lại là tôi ?

- tr. 22 và 23 - Anh viết :" Bài A2 in trên Hợp Lưu số 13, dễ tìm, sao Nguyễn Thị Chân Quỳnh không giới thiệu và xuất xứ cho đúng câu nhận xét đã ghi trong chú thích số 1 của chị là bác nhầm. Nhưng năm 1993 bác đã sửa lại trong A2, tức là bốn năm trước bài A8 của Nguyễn Thị Chân Quỳnh (...) Chuyện chỉ là chi tiết đáng bỏ qua, nhưng nó đã phạm đến nguyên tắc M1 : Viết để phục vụ cho độc giả (đ" mất thì giờ). Nay lại viết để cho độc giả rắm rối thêm. Vậy tốt hơn hết là không viết chú thích số 1 mà lại còn viết sai một thế kỷ. Và biết đến bao giờ Nguyễn Thị Chân Quỳnh mới sửa lại chỗ sai của mình ?".

(A2 = Thụy Khuê thực hiện : Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nói chuyện về thân thế và sự nghiệp Hồ Xuân Hương. Hợp Lưu số 13, tháng 11&12/1993)

4- Thời điểm - Trước hết, trong chú thích số 1 quả tôi có đánh máy "sai một thế kỷ" thật : Trần Thanh Mại phát hiện ra LHK năm 1963 chứ không phải "1863", đó là lỗi tôi đánh máy dở, mắt lại chẳng lấy gì làm tinh tường nên tuy đọc lại mà không phát giác ra, tôi xin nhận lỗi.

Nhưng tôi cũng xin nhắc anh là trong thư trả lời ngày 30/11/98, tôi có nêu ra một thắc mắc : "Tái bút : Bài này Bác viết xong đầu năm 1984 mà anh ghi bút chì là Tập san Khoa Học Xã Hội tháng 12/1983 e có sự sai lầm ?". Thư trả lời của anh đề ngày 22/01/1999 :"Tại sao bác đề "cuối đông năm Quí Hợi, đầu 1984" ? Theo tôi, năm Quí Hợi (1993) là bác viết nhầm từ Quí Dậu (1983), cuối đông là vào khoảng 12/1983, 01/1984".

Thiết nghĩ đã là người đọc sách ai cũng biết Trần Thanh Mại sống thế kỷ XX chứ không phải thế kỷ XIX, chẳng lẽ đánh máy "sai một thế kỷ" lỗi lại nặng hơn lẫn Quý Dậu với Quý Hợi ?

5- Về chi tiết bác nhầm thời điểm tuy tôi có nhắc đến nhưng đã đưa nhận xét ấy xuống "chú thích" tức là coi nó không quan trọng. Chính anh cũng nhìn nhận là "đáng bỏ qua". Mục đích của tôi lúc ấy chỉ là tìm xem có những thời điểm nào Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du cùng sống ở Thăng Long trong "ba năm vẹn", để chứng minh mối tình giữa hai người có thể có thật.

Xin trích thư đề ngày 30-11-98 : "Thời điểm. Anh trách tôi là biết Bác đã tự sửa lại sai sót về thời điểm mà lờ đi, không đả động đến vv... Nếu mục đích của tôi là bới móc những lỗi lầm của Bác thì "không đả động đến" quả là lỗi nặng của tôi, nhưng mục đích của tôi là tìm hiểu xem Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương có những dịp nào cùng sống một thời với nhau, cho nên dù Bác tự ý loại ra vài thời điểm, tôi vẫn nhặt lên, hơn thế nữa, tôi tự ý tìm thêm những thời điểm khác mà hai người cùng sống ở Thăng-long và đã chứng minh là không thể có được" (6).

6- Nguyên tắc M1 : Viết để phục vụ cho độc giả (đ" mất thì giờ) - Xin có một nhận xét là bài anh viết không theo nguyên tắc này, tôi không biết các độc giả khác thì sao chứ tôi đọc anh rất "vất vả" vì những A0, A2, A3, A8, A12, P1, P3, P4, P9, P10, P11, P12, M0, M1, M2, M3, M5 (chỉ đếm riêng trong mấy trang phần tôi) thì cảm giác của tôi là viết thế đ" mất thì giờ cho tác giả chứ không "đ" mất thì giờ cho độc giả" (mỗi lần phải đi tìm ý nghĩa những A0, A2, A3, M0, M1, M2... ấy), chính anh đôi khi cũng tự giải nghĩa liền sau đấy cho độc giả dễ hiểu.

7- Rắm rối - Anh trách tôi "viết để cho độc giả rắm rối thêm". Nếu chỉ vì tôi đưa ra những ý kiến khác với bác khiến cho vấn đề không đơn giản nữa thì quả là đúng. Song nếu tôi không đưa ra những điều mình thắc mắc, thấy không ổn, mà chỉ chép lại nguyên văn những gì bác viết thì tôi nghĩ thà đừng viết còn hơn. Nếu bác viết chỗ nào cũng hợp lý thì việc gì tôi còn phải lên tiếng ? Còn như bác viết có chỗ người ta không đồng ý thì dù tôi không lên tiếng cũng có người khác lên tiếng.

- tr. 23 - 25 : Bài "Cảm cựu..." trong LHK có hai câu thơ :

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.

Anh viết : "HXHãn hiểu rằng câu trên nói đến việc cụ Nguyễn Du sửa soạn ngựa xe đi sứ sang Tầu.

Còn một độc giả như tôi thì sao ? Tôi xin nói rõ tiến trình lập luận tìm hiểu của tôi.

Ðầu tiên tra tự vị. (P9: tìm nghĩa những chữ và M5: trở về nguồn, tìm hiểu chữ Việt cổ).

Chữ duyên có hai nghĩa có thể chấp nhận : Nghĩa tình duyên, nhân duyên lấy vợ lấy chồng, và nghĩa duyên nợ, duyên kiếp, duyên số, duyên phận (destinée, sort) Ngày nay nghĩa nhân duyên lấy vợ lấy chồng thông thường ở ngoài đời, nhưng vào chùa thì nghĩa duyên kiếp thông thường hơn. Và duyên lại có những nghĩa khác: cái đẹp kín đáo hấp dẫn hay sự may mắn trong các tập hợp "có duyên", "vô duyên" nay vẫn thường dùng, và duyên còn có nghĩa bờ... trong duyên hải = bờ biển.

Xưa thì sao ? (P9 và P3, P4). Chữ nhân duyên là từ Phật giáo..."

Anh giảng nghĩa chữ "duyên", trích Phật giáo, truyện Kiều vv hết trang 24 và đầu trang 25 rồi anh kết :"...trong Kiều có độ 40 lần duyên có nghĩa là duyên số vợ chồng nhưng vẫn còn 16 lần duyên có nghĩa là duyên phận, vậy nghĩa này xưa thông dụng. Dùng đối chiếu ba lần :"Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi", "Giận duyên tủi phận bời bời", "Cũng là phận cải duyên kim", thì luôn luôn duyên có nghĩa là duyên-phận.

Tiếp theo là tìm hiểu văn phong và nhân tính của tác giả, ngẫm nghĩ xem câu thơ có hợp tình hợp cảnh không. Theo HXHãn thì Hồ Xuân Hương của LHK cũng là tác giả những bài thơ truyền tụng (trừ những bài mà người sau đã gán cho bà và nay ta phải tìm cách loại ra). Viết LHK cho hậu thế, bà chỉ chọn những bài thơ "cao cấp". Vậy bà là một người đàn bà phóng khoáng, một thi nhân lỗi lạc và bà rất tự cao, không chịu thua kém đàn ông. Chẳng nhẽ một nhà thơ phóng khoáng, tự cao, hãnh diện, với địa vị văn giới và ý kiến về vợ lẽ rành rành như trong các bài thơ, lại đi than với hậu thế là ông kia đi lấy vợ bé mà không lấy tôi. Tôi thấy đây là một mâu thuẫn lớn, mà cách giải thích của Nguyễn Thi Chân Quỳnh chưa đáp ứng được.

Ðến đây sực nhớ đến phương pháp P10 (không có chữ Nôm trước mắt thì đừng nên đoán). Vậy chữ duyên viết bằng chữ Nôm trong văn bản LHK có thể giúp ta chọn nghĩa. Nhưng khi không có bản LHK trước mắt, ta cũng có thể kiếm được câu trả lời bởi vì tra tự vị thì duyên với cả hai nghĩa đều viết cùng một chữ Nôm. Như vậy nhìn mặt chữ Nôm, trong trường hợp này, không giúp ta làm rõ nghĩa hơn được".

8- Chữ "duyên" - Anh giảng giải cả trang về ý nghĩa chữ "duyên", trích Kiều, đạo Phật vv. nhưng anh không nói vì sao chữ duyên ấy lại dẫn đến ý nghĩa : "Nguyễn Du sắm ngựa xe đi sứ". Chỉ nói "Hoàng Xuân Hãn hiểu rằng..." đối với tôi không đủ.

Tuy "duyên phận" có thể dịch ra tiếng Pháp là "destinée, sort" nhưng nghĩa chính của "destinée, sort" là số phận, chứ không phải "duyên phận", "duyên phận" chỉ là nghĩa hẹp, tức là "số phận về mặt tình duyên".

Trích thư ngày 30-11-98 :"Chữ duyên. "Tôi vẫn giữ lập trường của tôi (không phải là tôi không biết chữ "duyên" có nhiều nghĩa). Nếu anh không tin nên đọc lại tất cả bài thơ ("Cảm cựu..."), thứ nhất câu cuối, và nên đọc tập LHK thì sẽ thấy rõ tác giả thuộc hạng người nào, Hồ Xuân Hương mà anh nói, theo tôi, là tác giả TTT chứ không phải tác giả LHK".

Câu cuối bài "Cảm cựu..." : "Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong" rõ ràng là một câu than thân.

"Lập trường của tôi" là vẫn cho câu thơ "Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập" trỏ vào việc như Nguyễn Du lấy vợ thì "hợp tình hợp cảnh" hơn là trỏ vào việc Nguyễn Du đi sứ và nó còn đối nghĩa với câu than thân ở dưới :"Phấn son càng tủi phận long đong" của tác giả LHK.

Trong thư tôi khuyên anh đọc LHK, nếu anh đọc sẽ thấy mấy câu khác tương tự, trong bài "Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ kí" (Ðêm thu nhớ Mai Sơn Phủ viết), ý nghĩa thật rõ ràng, phù hợp với cách giải thích của tôi :

Son phấn trộm mừng duyên để lại,
Bèo mây thêm tủi phận về sau.
Trăm năm biết có duyên thừa nữa,
Cũng đỏ tay tơ cũng trắng đầu. (7)

9- Mâu thuẫn - Anh tin hai bà Xuân Hương là một nhưng tôi không tin. Ðọc LHK tôi thấy tác giả "hiền lành" chứ không phải "cao ngạo", tác giả TTT mới "tự cao". Hãy cứ cho cả hai là một, "tự cao", nhưng đọc cả TTT lẫn LHK rõ ràng không thiếu gì những câu than thân, tủi phận. Bề ngoài người ta có thể tỏ ra cứng cỏi nhưng bề trong vẫn có thể có những lúc yếu đuối, không có gì là "mâu thuẫn". Thử đọc :

TTT : Bài "Tự tình I" :

Canh khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non ! (8)

LHK : Bài "Cảm cựu..." :

Phấn son càng tủi phận long đong.
(...)
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong !

không than thân thì là gì ?

10- Hồ Xuân Hương - Bác cho hai bà Xuân Hương là một nhưng tôi nhận thấy chưa thể khẳng định như thế vì còn nhiều chỗ không ổn, chỉ lấy hai thí dụ : văn phong và duyên tình.

a) Văn phong : Thơ LHK tuy có thể liệt vào những áng thơ hay nhưng chưa ai nhìn nhận đó là những câu thơ kiệt tác, phi thường, "có một không hai", hơi văn đi mạnh, hình ảnh sắc sảo, táo bạo, gieo vần oái oăm mà vẫn thoát một cách tài tình vv. như trong TTT. Ðứng cạnh những bài TTT thơ LHK trở nên "bình thường".

Cùng là than thân, hãy so sánh :

Chiếc bách (TTT)

Chiếc bách buồn về phận nổi nênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình nghĩa mong đầy đặn,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
Chèo lái mặc ai lăm đỗ bến,
Buồm lèo thây kẻ rắp xuôi duềnh.
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh ! (9)

(Tôi trích bài này để tiện so sánh văn phong hai bà chứ không phải chọn bài này vì cho nó hay hơn những bài khác trong TTT)

Tự thán I (LHK)

Con bóng đi về chốc bấy nay,
Chữ duyên nào đã chắc trong tay.
Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt,
Trông suốt nhân tình dạ muốn say.
Muôn kiếp biết là duyên trọn vẹn,
Một đời riêng mấy kiếp chua cay.
Nỗi mình nỗi bạn dường bao nả,
Dám hỏi han đâu những cớ này. (10)

Bảo rằng thơ trong LHK "cao cấp", nữ sĩ về già tự ý loại những bài thơ "ngổ ngáo" viết khi còn trẻ để đương đầu với đám thư sinh chọc ghẹo như Trần Thanh Mại đề xướng và bác đồng ý thì quả thật tôi thấy khó tin. Một người đã sáng tác được những bài thơ như TTT (dù có bị người đời "nhuận sắc" nhưng cái cốt lõi vẫn còn) lại không nhận ra giá trị của nó, vứt bỏ đi để mà chọn giữ lại những bài thơ "cao cấp" như trong LHK, thì có họa là "điên" !

Người ta vì khâm phục những bài TTT nên mới nhớ đến cái tên Hồ Xuân Hương, và tìm đọc LHK vì tò mò thấy tên Hồ Xuân Hương, nếu tác giả LHK mang tên khác chưa chắc đã có nhiều người tìm đọc như thế.

Ông Ðào Thái Tôn đã viết và nhìn nhận hai Xuân Hương là một, rằng thơ LHK là thơ "sàng lọc" lúc về già vv. nhưng trong những buổi họp bạn bè, ông vẫn chọn ngâm TTT. Trích Ðào Thái Tôn, Thơ và Ðời :"Nói vậy thôi chứ mai uống rượu vào mà bạn bè bảo tôi đọc thơ Hồ Xuân Hương tôi vẫn có thể đọc "Thiếu nữ ngủ ngày", "Ðánh cờ người"... những bài thơ mà tôi đã loại ra khỏi phần chính văn" (11).

Vì sao ? Tất nhiên là vì nghệ thuật độc đáo của chúng chứ không phải vì ý nghĩa "tục". Văn thơ hải ngoại ngày nay thiếu gì người viết về tình dục nhưng nào có ai được người đời ca tụng, trọng vọng ? Nếu dựa vào LHK để "sàng lọc" TTT thì là làm chuyện ngược đời.

Chính Trần Thanh Mại nêu ra thuyết dựa vào LHK để thanh lọc TTT nhưng lại tự mâu thuẫn ở chỗ khi dịch bài "Cảm cựu..." câu 6 lại cố ý dùng chữ giống giọng TTT :

Biết còn mảy chút sương đeo mái (12)

b) Tình duyên hai bà tuy cùng trắc trở nhưng những "bạn tình" của hai bà khác hẳn nhau. Trong LHK không có bóng dáng Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh Tường (13) và trong TTT cũng không thấy một bài nào, một câu nào nhắc đến Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn họ Trần vv. Dù cho là tác giả LHK chỉ chọn lọc những bài thơ "cao cấp" để đưa vào LHK nhưng chẳng lẽ dân gian cũng chọn lựa TTT để loại ra những bài có dính dáng đến Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn họ Trần vv. ?

Tại sao không tạm thời chấp nhận có hai bà Xuân Hương sống cùng thời và cùng làm thơ hay nhưng mỗi người văn phong một khác, như đã có hai Nguyễn Du sống cùng thồi ? Nguyễn Du, 1765/6-1820, tác giả Truyện Kiều, là người Nghệ, đỗ Tam trường (có lẽ là thi Hội), khi có loạn Kiêu binh, ông lên Thái-nguyên rồi được kế nghiệp cha nuôi, giữ chức Chánh Thủ hiệu (một chức quan võ nhỏ), ông chống Nguyễn Huệ và thời Gia-long từng làm Cai bạ (Bố chính) rồi Cần-chính điện Học sĩ vv. Nguyễn Du thứ hai người huyện Thanh-oai, đỗ Hoàng giáp (tức nhị giáp tiến sĩ) năm 32 tuổi (1785), làm quan ba triều : Lê, Nguyễn Huệ và Gia-Long (14).

Ðấy là chưa kể, ít người biết là có tới hai bản LHK chứ không phải một. Theo Hồ Tuấn Niệm thì bản thứ hai nằm trong Thư Viện Khoa Học Xã Hội (A - 2814) nhưng "hoàn toàn khác về nội dung" (15).

11- Anh viết : "P10 (không có chữ Nôm trước mắt thì đừng nên đoán)". Vậy thì trường hợp hai chữ "nữ giới" rõ ràng bác có bản nôm trước mắt (và nhất định là bác thừa hiểu ý nghĩa cả hai chữ "giới"), nhưng bác vẫn giảng sai thì anh nghĩ sao ?

Trong Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, ngoài hai chữ "nữ giới" bác giảng không ổn, tôi còn thấy bác ghi cuối bài "Tựa" :

tr. 9 :"Viết tại ngụ sở, gần bờ sông Sen tại Pa-ri, mùa hè năm 1952" ;

tr. 36, bác viết :"Từ năm 1926 ông Phan Huy Chiêm đã gửi thư cho báo "Nam Phong", nói rằng bản "Chinh Phụ Ngâm" là "cụ Phan Huy Ích dịch ra văn nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ vừa nôm". Nhưng từ đó, mặc dầu những nhà khảo cứu yêu cầu, ông Huy Chiêm chưa từng xuất bản bài diễn ấy. Ấy là vì lẽ ông Huy Chiêm nghĩ rằng bản diễn ca của cụ tổ mình chính là bản đã in khắp nơi, mà có lẽ có câu không hay bằng nữa. Mùa hè năm nay tôi đã được ông Huy Chiêm nhờ người họ gửi cho một bản nhưng chỉ là một bản đã phiên âm ra chữ la-tinh. Hình như bản chữ nho và chữ nôm nay chưa tìm lại được".

Tôi thắc mắc là cho đến khi bác viết xong bài "Tựa" nhà họ Phan vẫn chưa đưa ra được bản chính chữ nôm của Phan Huy Ích, chẳng hóa ra bác đã khởi sự viết CPNBK chứng minh rằng bản dịch hay nhất xưa nay người đời gán ghép cho bà Ðoàn Thị Ðiểm chính là của Phan Huy Ích ngay từ khi trong tay chưa có bản chữ nôm của nhà họ Phan làm bằng chứng ?
 

Và cho đến nay vẫn chưa ai được thấy nó. Sau này (1970) ông Nguyễn văn Xuân tìm ra một bản ở Huế tên là Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc mà ông và bác đoán là bản của Phan Huy Ích dịch. Tôi dùng chữ "đoán" vì trang cuối bài "Tựa" chỗ đề tên tác giả (hay dịch giả) lại bị mất (16) nên bằng chứng này cũng chưa thể kể là "bằng chứng" đích xác, mà chỉ là phỏng đoán.

Ðây là tôi chỉ đứng trên lập trường lý luận về những bằng chứng cụ thể, đích xác, không ai chối cãi được, còn phần chữ nôm xin để nhường các chuyên gia.

Tôi đã trả lời anh cặn kẽ, từng điểm một, mong là chuyện chấm dứt ở đây. Bài này chỉ nêu ra một số thí dụ, nếu anh muốn có bài viết đầy đủ về những chỗ tôi còn thắc mắc thì xin đợi khi nào tôi lành mắt và có thì giờ thong thả tôi sẽ viết thật cặn kẽ, tường tận (17).

Xin nhắc lại là mục đích của tôi không phải để bới móc những sai lầm, sơ sót của bác mà chỉ là đưa ra những chỗ lập luận của bác mà tôi thấy không ổn, nhắc độc giả nên dè dặt. Nhận xét chung của tôi vẫn là bác làm việc công phu nhưng đôi khi thiếu kiểm tra, nên có những sai lầm dễ đàng tránh được nếu cẩn thận hơn. Chẳng hạn mất công tìm ra tên họ hai ông Hiệp trấn họ Trần (17) thường xướng họa với tác giả LHK nhưng bác không kiểm lại nên không thấy rằng ông Hiệp trấn Sơn-nam-hạ Trần Quang Tĩnh là người Bình-định chứ không phải người "đồng quận" (châu Hoan) với Xuân Hương như đã nói rõ trong thơ. Còn Trần Ngọc Quán thì chỉ được thăng lên chức "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng" năm 1815 trong khi LHK, chép những bài thơ đã xướng họa của nữ sĩ với Hiệp trấn họ Trần lại ngừng từ năm 1814, tức là một năm trước (19).

Cũng xin nhắc lại là khi viết bài "Tìm hiểu..." tôi phải tạm dùng TTS để chứng minh mối tình giữa hai người chưa thể coi là có thật vì vậy cuối bài tôi chua rõ :

"Xin lưu ý : Vì chưa tìm được bài của các ông Trần Thanh Mại, Lê Thước và Trương Chính nên tôi viện dẫn GS Hoàng Xuân Hãn nhiều hơn".

Nó có nghĩa là vì không có những "bản gốc" về vấn đề Xuân Hương của Trần Thanh Mại (là người đã đưa ra các giả thuyết : hai bà Hồ Xuân Hương, tác giả TTT và tác giả LHK, chính là một ; thơ trong LHK do nữ sĩ chọn lọc loại ra những bài thơ "ngổ ngáo" làm lúc trẻ vv.) nên tôi tạm viện dẫn TTS vì bác cũng đồng ý với những giả thuyết của Trần Thanh Mại. Nhưng nay tôi đã tìm được những "bản gốc" của Trần Thanh Mại thì tôi xin chuyển những "nhận xét" sang "chính danh thủ phạm" : Trần Thanh Mại mới là người đã xướng xuất ra những giả thuyết không ổn này, bác chỉ phụ họa.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận là chỉ trong vòng hơn một năm (1963-65) mà Trần Thanh Mại vừa phát hiện ra tập LHK, dịch ra quốc ngữ, tìm ra đối tượng trong bài "Cảm cựu..." là Nguyễn Du, phát hiện ra bài "Tựa" LHK của Tốn Phong, dựng giả thuyết hai bà Hồ Xuân Hương là một vv. thiết tưởng sức người không thể làm hơn được. Dù các giả thuyết ông đặt ra có những chỗ không ổn thì ông cũng không đủ thì giờ kịp nhận ra. Ông mất quá sớm (1965), nếu ông còn sống thì chưa biết câu chuyện sẽ đi đến đâu.

Trần Thanh Mại đưa ra LHK làm cho vấn đề Xuân Hương vốn đã không đơn giản thêm "rắm rối" nhưng ai dám bảo công đóng góp của ông, chỉ riêng cho vấn đề Hồ Xuân Hương, là nhỏ ?

Nghiên cứu, biên khảo là để tìm ra sự thật. Nêu ra một vấn đề chưa được giải đáp thỏa mãn không phải là làm cho "rắm rối" mà chính là để cùng nhau thảo luận, góp ý, làm cho "sáng tỏ" vấn đề ấy, không phải để chỉ trích riêng ai. Trước đây, ông Bằng Vũ có ý không hài lòng, vì tôi cãi là Tú xương không đi thi chữ quốc ngữ, tôi đã đem bài trả lời ông in vào"Lối Xưa Xe Ngựa..." tập I, nhưng lại cắt xén đoạn nói về thái độ của tôi khi cầm bút, nghĩ là không cần thiết, nay xin chép lại đoạn ấy :

"Ðứng trước một điều nào mà tôi nghĩ là sai lầm đối với lịch sử hay văn học sử, tôi đã chọn thái độ lên tiếng. Giữ im lặng dĩ nhiên sẽ không có điều tiếng gì, nhưng có nghĩa là để mặc độc giả lầm theo (tôi muốn nói những người không có thì giờ đi tra cứu sách vở).

Song lên tiếng cũng có hai cách : Thảo luận để cùng nhau tìm ra sự thật, tôi tưởng rất nên. Còn vạch những chỗ sơ suất của người khác để khích bác tôi thấy không đem lại điều gì bổ ích mà còn mất thì giờ và cũng chẳng làm tăng giá trị người viết lên trước con mắt độc giả. Ðôi khi tôi quả có nêu danh một vài tác giả trong bài nhưng không ngoài mục đích tìm hiểu sự thật, và tôi cũng không cho rằng vì tôi mà những tác giả ấy bị hạ uy tín." (20).

Không ai dám nghĩ đến phủ nhận công lao của bác đóng góp cho Việt-Nam, nhưng bác cũng không tránh khỏi lỗi lầm sai sót. Nếu tôi không nêu những chỗ tôi thấy không ổn ra thì cũng có những người khác nêu ra. Bằng chứng là mới đây (2001) ông Lê Hữu Mục và bà Phạm Thị Nhung đã xuất bản một quyển sách nhan đề là Tiếng nói Ðoàn Thị Ðiểm trong Chinh Phụ Ngâm Khúc chứng minh bản dịch hay vẫn là của Ðoàn Thị Ðiểm. Tôi chưa được đọc quyển này, cũng chưa từng bàn luận với bà Phạm Thị Nhung về Chinh Phụ Ngâm, và chỉ có một lần trao đổi sơ qua với ông Lê Hữu Mục về CPNBK của bác, đúng sự thực là ông Lê Hữu Mục nói cho tôi nghe những chỗ ông không đồng ý với bác về chữ Nôm, tôi không biết Hán-Nôm nên chỉ "đóng góp" được có hai chữ "nữ giới" mà tôi đã tra tự vị. Có nghĩa là cả hai vị viết sách đều không do tôi xui giục.

Mục đích khi viết của tôi không phải là bới móc những sai sót của bác mà là nhắc nhở mọi người nên dè dặt. Chính vì bác có uy tín nên người ta thường quá tin, không kiểm tra lại, cứ theo bác mà chép nên sự lầm lẫn do đó nhân lên không biết bao nhiêu lần !

Anh cứ yên tâm, chuyện đâu còn đó. Di sản của bác không thể chỉ vì vài bài viết của tôi mà bị mất hết giá trị, cái gì bác viết đúng vẫn đúng, và dù sao cũng còn có công luận.

Di sản của Hoàng Xuân Hãn đồ sộ và quan trọng thật nhưng cũng không ngoài mục đích đóng góp cho việc tìm hiểu sự thật trong di sản của cả nước Việt-Nam.

Hai vấn đề Hồ Xuân Hương và bản dịch Chinh Phụ Ngâm sẽ còn làm tốn nhiều giấy mực.
 

Châtenay-Malabry 29-8-2002
Hợp Lưu, tháng 10 &11, 2002
Sửa lại tháng 8, 2003
Xin lưu ý : Tôi vẫn phải sử dụng số trang của TTS trong những câu trích dẫn vì đã trả anh bản gốc sau khi đối chiếu, sửa những chỗ sai và sao chụp bản đồ Thăng-long của bác vẽ, thiếu trong TTS.
CHÚ THÍCH

1- Tôi phải sửa bản thảo hai quyển Thi Hương "Lối Xưa Xe Ngựa..." tập II, để kịp đưa cho nhà xuất bản mang sang Mỹ in trước Tết (2002).

2- CPNBK, tr. 27.

3- CPNBK, tr. 290.

4- Xin xem "Tìm hiểu mối tinh giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả LHK)", Hợp Lưu, số 35 và "Rút nhầm tơ duyên...", Thế Kỷ 21, số 115.

5-Thăng-long, Ðông Ðô, Hà-nội, tr. 57. Núi Khán là khán đài thời Lê, chỗ vua xem diễn binh, giáp với Trại Hàng Hoa (Ngọc-hà, Hữu-tiệp) ngoảnh mặt ra Hồ Tây. Pháp đã san bằng núi Khán để xây Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch).

6- Xin xem "Tìm hiểu...", Hợp Lưu số 35 và "Rút nhầm tơ duyên...", Thế Kỷ 21, số 115.

7- Ðào Thái Tôn, tr. 123.

8- Ðào Thái Tôn, tr. 170.

9- Ðào Thái Tôn, tr. 169.

10- Ðào Thái Tôn, tr. 135.

11- Thơ và Ðời, tr. 249.

12- TTS tr. 245 bác viết là Hồ Tuấn Niệm sửa "sương đeo mái" ra "treo" bởi cho phiên âm như thế mới đúng, bác bảo là vô nghĩa, sửa thành "sương siu mấy" (sương siu = bịn rịn với mối tình xưa), ông Nguyễn Quảng Tuân không đồng ý, cho phải đọc là "sương gieo mãi" (Kỷ Yếu Hội Nghiên Cứu Văn Học năm 1998, tr. 185-92).

13- Bác chứng minh bài thơ "Khóc ông phủ Vĩnh Tường" là ngụy tạo, mới nghe rất hợp lý nhưng xét lại vẫn có chỗ chưa ổn. Xin đọc "Rút nhầm tơ duyên...", Thế Kỷ 21, số 115.

14- Tạp Kỷ II, tr. 290 - Tục Biên, tr. 463.

Thực Lục XII, tr. 36, Nguyễn Du làm Thự Ngự sử ; XIII, tr. 7, Nguyễn Du làm Giám sát Ngự sử đổi ra làm Án sát Thái-nguyên.

Thực Lục XIII, tr. 47 cho biết tên của tác giả Truyện Kiều ít nét hơn.

Ngô Ðức Thọ, Các nhà khoa bảng Việt Nam :"Nguyễn Du người huyện Chương-đức, nguyên quán huyện Thanh-oai, 32 tuổi đỗ Hoàng giáp (1785), làm quan đời Lê Hiển Tông đến chức Hàn lâm viện thị thư, Thiêm đô Ngự sử, khi Nguyễn Huệ ra Bắc (1788) ông được giữ chức Hàn lâm Trực Học sĩ, cùng làm việc với Ngô thì Nhậm và Ngô văn Sở, thời Gia Long ông làm Ðốc học Bắc thành".

15- Hồ Tuấn Niệm, "Chung quanh vấn đề Tiểu sử của Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Lịch Sử, số 152, tháng 9-10, 1973, chú thích số 3.

16- Nguyễn văn Xuân, tr. 33.

17- Tôi cố gắng lắm mới viết xong bài này vì đọc rất khó khăn. Dù có chữa lành mắt, việc chính của tôi vẫn là viết quyển Thi Hội - Thi Ðình, còn những thắc mắc về bác, tôi không viết cũng có người khác viết.

18- Chưa chắc có tới hai ông Hiệp trấn họ Trần. Xin xem "Rút nhầm tơ duyên...".

19- Thực Lục IV, tr. 246. Bài "Tựa" LHK của Tốn Phong cho biết đã viết xong đầu năm 1814.

20- "Tú Xương có đi thi chữ quốc ngữ hay không ?", Thế Kỷ 21, số 23, 3-1991.

SÁCH DẪN

Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ, Hoa Bằng dịch. Hà-nội : Khoa Học Xã Hội, 1975.

Ðại Nam Thực Lục Chính Biên, tập IV, Hà-nội : Sử Học, 1963 ; tập XII, XIII, Hà-nội : Khoa Học, 1965.

Ðại Việt Sử Ký Tục Biên, Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng dịch. Hà-nội : Khoa Học Xã Hội, 1991.

Ðào Thái Tôn, Thơ Hồ Xuân Hương - Từ cội nguồn vào thế tục. Nhà xuất bản Giáo Dục, tái bản năm 1995.

Hoàng Xuân tuyển chọn, Lữ Huy Nguyên giới thiệu, Hồ Xuân Hương - Thơ và Ðời. Hà-nội : Văn Học, 1995.

Hoàng Xuân Hãn, "Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long", Tập san Khoa Học Xã Hội, số 10-11. Paris, tháng 12/1983.

" " ", Hồ Xuân Hương - Thiên Tình Sử. Hà-nội : Văn Học, 1995.

" " ", Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo. Paris : Minh Tân, bản in lại không đề năm.

Hồ Tuấn Niệm, "Chung quanh vấn đề Tiểu sử Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Lịch Sử, số 152, tháng 9-10 / 1973.

Kiều Thu Hoạch, "Ðại cương về đất nước và con người", Thăng Long, Ðông Ðô, Hà Nội. Hà-nội : Sở Văn Hóa và Thông Tin Hà Nội, 1991.

Ngô Ðức Thọ chủ biên, Các nhà khoa bảng Việt-Nam (1075-1919). Hà-nội : Văn Học, 1993.

Nguyễn Quảng Tuân, Kỷ Yếu Hội Nghiên Cứu Văn Học, TPHCM, 1998.

Nguyễn Thị Chân Quỳnh, "Tú Xương có đi thi chữ quốc ngữ hay không ?", Thế Kỷ 21, số 23, 3-1991.

" " " ", "Tìm hiểu mỗi tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả Lưu Hương Ký)", Hợp Lưu, số 35, tháng 6-7, 1997.

" " " ", "Rút nhầm tơ duyên...", Thế Kỷ 21, số 115, 11-1998.

Nguyễn văn Xuân, Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc. Saigon : Lá Bối, 1972.

Trần Thanh Mại, "Phải chăng Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ chữ Hán ?", Nghiên Cứu Văn Học, số 3, 1963.

" " ", "Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Văn Học, số 10, 1964.

" " ", "Bản Lưu Hương Ký và lai lịch phát hiện nó", Nghiên Cứu Văn Học, số 11, 1964.