Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]        [ Tác giả ]

 
Đại Lược Về Quan Chế
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
 
LƯƠNG BỔNG
Làm quan là một sứ mệnh. Một ông quan chân chính làm việc vì dân vì nước chứ không phải để làm giâu hay vinh thân phì gia. Lương bổng chỉ là tượng trưng, thường không đủ nuổi gia đình.

Lúc đầu chưa định nghĩa rõ ràng, chưa phân biệt lương với bổng và lộc, thí dụ :

1044 Lý Thái Tông thưởng những người đi đánh Chiêm Thành : từ lục phẩm trở lên được áo bào gấm, từ thất phẩm trở xuống được áo là (lụa). (SKTT, I, 224)

1067 Lý Thánh Tông cho hai viên quan Sĩ sư trong phủ Ðô hộ mỗi người 50 quan tiền bổng, 100 bó lúa cùng cá, muối ; ngục lại 10 người mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa, để nuôi dưỡng lòng thanh liêm. (KVTL, 132-CM, III, 86)

Ðời Lê làm quan không có lương bổng thường xuyên, đời Hồng đứd cấp điển lộc, đời Trung hưng cấp tiền gạo thay điền lộc. (Ðiền lộc thời Hồng đức, Thiên nam dư hạ tập : Hoàng tông, Quốc công thế nghiệp đưọc điền 400 mẫu, thổ 34 mẫu, ruộng vua ban 400 mẫu, bãi trồng dâu ban 100 mẫu, đầm ban trị giá 60 quan, ruộng tế tự 200 mẫu). (CM, XII, 16-7)

Hai chữ lương bổng thường đi đôi với nhau cũng như bổng lộc, và sử sách đôi khi cũng không phân biệt ý nghĩa rõ ràng. Nói chung thì có thể coi lương là số tiền công, tiền thù lao được lĩnh theo định kỳ hàng tháng, hàng năm ; bổng là tiền thưởng bất kỳ ; còn lộc cũng là để thưởng công, như ruộng vườn... được cấp để thu hoa lợi. Bởi sử sách thường chép không minh bạch nên bổng lộc cũng có khi trỏ vào tiền lương.

Dưới đây tôi tạm chia ra ba hạng lương, bổng, lộc như định nghĩa trên đây tuy cũng có những chỗ phải chép theo sử sách, mặc dầu thấy không ổn nhưng không dám tự quyết sửa lại theo ý mình hiểu.

1- Lương

Thời xưa lương được cấp, hay tính, bằng gạo, tiền, vải lụa, áo mặc... Vì lương chỉ tượng trưng nên thường chỉ đủ nuôi thân, và phải trông vào quà cáp, biếu xén của dân.

Có những ông quan thanh liêm đành để mặc vợ con buôn bán nuôi gia đình chứ nhất định không nhận của đút, quyết giữ lòng liêm chính. Thời xưa có ông quan trót ăn nhầm phải của đút, móc cổ nôn mửa ra. Thời Nguyễn có Nguyễn Công Trứ nghèo quá, vua phải ban cho 10 nén bạc nhưng vì kính trọng nên kín đáo giấu bạc trong mười bánh trà ; Phùng Khắc Khoan chết không có của để lại khiến con cháu nghèo túng phải bán cả ảnh truyền thần đi.

Nhưng cũng có những ông quan tham nhũng, không chỉ trông vào tiền dân biếu xén để sống mà còn tìm cách đục khoét của dân để làm giầu, khiến dân gian phải ta thán.

Ca dao có câu :

Con ơi nhớ lấy câu này,
Cướp đem là giặc, cướp ngày là quan !
                             (Ca dao)
Tam nguyên Yên Ðổ thì mỉa :
Tri phủ Xuân trường được mấy niên,
Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên.
Chữ Y, chữ CHIẺU không phê đến,
Ông chỉ quen phê một chữ TIỀN !
                          (Tú Xương, YDTX, 87)
Người Pháp sang đô hộ thường gập loại quan này nên nhiều người về viết hồi ký tỏ ý rất khinh thường quan lại Việt Nam cũng dễ hiểu.

1746 Thời Trung hưng các quan thường xuyên không có lương, phải trông vào kiện tụng. Nay có lệnh cấm dân không được tố cáo nhau nếu việc không cấp bách, tổn hại để bớt việc kiện tụng nhưng cũng không thay đổi được thói quen. (CM, XVIII, 41)

1812 Trước cấp lương bổng từng tháng, nay :
Từ nhất đến tam phẩm : mỗi năm cấp hai kỳ
Từ tứ phẩm đến thất phẩm : mỗi năm cấp 4 kỳ
Bát, cửu phẩm: cấp hàng tháng. (IV, 171-2)

1814 Tri huyện từ Quảng bình vào Nam, cấp hàng tháng 4 quan, 3 phương gạo, áo mát mỗi năm 10 quan. (IV, 236)

1831 Quan chức bị cách, truất làm lính chuộc tội, mỗi tháng cấp một phương gạo. (X, 302)

1875 Lương nhân viên Quốc sử quán :
Toản tu trước 5 quan, tăng lên 8 quan
Biên tu : 3 quan lên 5 quan
Ðằng lục 1, 50 quan lên 2 quan. (XXX, III, 182)

1887 Lương tùy phái mỗi tháng :
Chưa có phẩm hàm : 1 quan, 1 phương gạo
Từ thất đến cửu phẩm : 3 quan, 1 phương gạo, 15 bát gạo
Từ lục phẩm trở lên : 6 quan, 2 phương gạo. (XXXVII, 324)

1890
Kinh lược đại sứ mỗi tháng được 600 đồng
Tham tá được 100 đồng. (ĐN điển lệ, 237)

1900 Lương tháng :
Tổng đốc : 800 quan = 300 đồng 30
Tuần phủ : 600 quan = 100 đồng
Bố chánh : 500 = 83 đồng
Án sát : 400 quan = 60 đồng
Ðốc học : 300 quan = 50 đồng
Tri phủ : 220 quan = 36, 67 đồng
Giáo thụ : 100 quan = 16, 67 đồng
Huấn đạo : 40 quan = 6, 67 đồng
Chánh cửu phẩm : 25 quan = 4, 17 đồng
Lính canh : 12 quan = 2 đồng
Lính lệ : 10 quan. = 1, 67 đồng (ĐN điển lệ, 243- 47, 237-39)

2- Bổng

Bổng là tiền thưởng hoặc tiền cấp thêm những khi túng thiếu. (X, 330-1) nhưng Từ điển Ðào Duy Anh lại giảng bổng là "tiền lương của quan lại", lộc là "bổng lộc". Tóm lại là "lương, bổng, lộc" đã được sử sách dùng lẫn lộn.

Theo Quan Chức Chí thì đời Lý các quan đều không cấp bổng. Quan trong thì bất thần vua thưởng, quan ngoài thì cho thu thuế ruộng đất, hồ ao. (QCC, 71)

1044 Lý thái Tông thưởng người đi đánh Chiêm thành có công :
từ lục phẩm trở lên : áo bào gấm
từ thất phẩm trở xuống : áo là (lụa).
Cho quản giáp, chủ đô và người thu thuế : phàm dân đinh nộp thuế công, ngoài 10 phần được lấy riêng một phần làm bổng lộc, gọi là "hoành đầu". (KVTL, 132)

1477 Người kiêm chức ngang phẩm thì cấp bổng theo chức nhiều việc ; người chức thấp kiêm chức cao thì theo chức kiêm mà giảm dần xuống đến phẩm của mình, tùy công việc nhiều ít mà định cấp ; người chức cao mà hành chức kém thì theo chức hành mà tiến dần lên đến phẩm mình. Quan trong chỗ nhiều việc thì tiến lên hai bậc, việc vừa thì tiến một bậc, ít việc giảm từ một, hai bậc đến năm bậc.(SKTT, III, 259-60)

1477  Tuế bổng (gọi theo KVTL, CM gọi là quan lộc, SKTT gọi là lộc / bổng lộc) :
Thái tử 500 quan
Thân vương 200 quan
Tự Thân vương 140 quan
Quận công 120 quan
Quốc công 127 quan
Tước hầu 113 quan
Tước bá 106 quan
Phò mã đô úy 92 quan
Chánh nhất phẩm 80 / 85 quan
Tùng nhất phẩm 74 quan
Chánh nhị phẩm 68 quan
Tùng nhị phẩm 62 quan
Chánh tam phẩm 50 / 56 quan
Chánh cửu phẩm 16 / 17 quan
Tòng cửu phẩm 14 quan
Nha môn ít việc 2 đến 12 quan tùy việc nhiều ít. (QCC, 72, SKTT, III, 359)
(KVTL, 133-CM, XII, 8-9)

3- Lộc

Lộc để nêu công, tùy công nhiều ít mà cấp lộc điền để cho hưởng hoa lợi.

1477 - Ðiền lộc thời Hồng đức (Thiên nam dư hạ tập)

a- Hoàng tôn :

Tước công : thế nghiệp (ruộng cấp cho được hưởng cả đời con cháu) điền 400 mẫu, thổ 34 mẫu, ruộng vua ban 400 mẫu, bãi trồng dâu ban 100 mẫu, đầm ban trị giá 60 quan tiền, ruộng tế tự 200 mẫu.
Tước hầu : thế nghiệp điền 300 mẫu, thổ 30 mẫu, ruộng ban 260 mẫu, bãi dâu 80 mẩu đầm trị giá 40 quan, ruộng tế tự 160 mẫu.
Tước bá : thế nghiệp điền 200 mẫu, thổ 28 mẫu, ruộng vua ban 230 mẫu, bãi dâu 70 mẫu, đầm trị giá 30 quan, ruộng tế tự 140 mẫu.

b- Các quan tước công, hầu, bá, không ban thế nghiệp thổ còn thì tương tự như Hoàng tông.

Chánh nhất phẩm chỉ ban thế nghiệp thổ 18 mẫu, không ban thế nghiệp điền, ruộng ban 100 mẫu, bãi dâu 30 mẫu, ruộng tế tự 70 mẫu.
Chánh nhị phẩm : thổ 14 mẫu, ruộng 60 mẫu, bãi dâu 15 mẫu, ruộng tế tự 50 mẫu... (CM, XII, 16-7)

1785 Thời Cảnh hưng mới cấp dân lộc cho Tham tụng, Bồi tụng :

- Ngụ lộc :
Tham tụng được 2 xã, 200 quan, 350 bát gạo
Bồi tụng được 1 xã, 100 quan,300 bát gạo.
Các quan giảng nghĩa sách cho Thế tử (con trưởng của chúa) :
Tả Tư giảng được 1 xã, 60 quan, 300 bát gạo
Hữu Tư giảng được cấp 1 xã, 40 quan, 250 bát gạo.

- Sứ lộc :
Chánh sứ được một xã, 120 quan, 300 bát gạo, 50 mẫu điền lộc
Phó sứ : 1 xã, 100 quan, 250 bát gạo, 45 mẫu điền lộc
Tùy tùng : 6 mẫu quan điền. (KVTL, 141-2 - CM ,XIX, 50)

4 - Dưỡng liêm

Tiền dưỡng liêm để giúp các quan đỡ túng thiếu, bớt nạn tham nhũng.

1067 Lý Thánh Tông cho Viên ngoại lang Nguyễn Trung Hòa và Ðặng Thế Tư làm Ðô hộ phủ sĩ sư, mỗi người bổng mỗi năm được 50 quan tiền, 100 bó lúa, cá, muối ; đổi 10 người thư gia làm ngục lại mỗi người được 20 quan, 100 bó lúa để nuôi dưỡng lòng thanh liêm. (KVTL, 132-CM, III, 86)

1741 Cấp ruộng dưỡng liêm cho quan văn :
Từ lục đến bát phẩm : mỗi người 20 mẫu
Ngũ phẩm : 25 mẫu
Tứ phẩm : 30 mâu
Tam phẩm : 35 mẫu
Nhị phẩm : 40 mẫu
Nhất phẩm : 45 mẫu
Hoàng giáp : thêm 5 mẫu
Thám hoa, Bảng nhãn : thêm 15 mẫu
Trạng nguyên : thêm 20 mẫu. ; (KVTL, 135)

1818 Lúc mới yên định, lệ lương bổng và áo mùa xuân tùy tiện chuẩn cấp. Phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm hàng năm :
Chánh nhất phẩm : 600 quan, 600 phương gạo, áo mùa xuân 70 quan
Chánh nhị phẩm : 300 quan, 300 phương gạo, áo mùa xuân 50 quan
Chánh tam phẩm : 120 quan, 120 phương gạo, áo mùa xuân 20 quan
Chánh, tùng bát phẩm : 18 quan, 18 phương gạo, áo mùa xuân 4 quan
Chánh, tùng cửu phẩm : 16 quan, 16 phương gạo, áo mùa xuân 4 quan. (IV, 341-2)

1857 Ðịnh lệ tiền dưỡng liêm cho quan ở ngoài :
Tổng đốc, chiếu theo chánh nhị phẩm ở kinh : 80 quan
Tuần phủ : 70 quan
Bố chánh : 60 quan
Án sát : theo tùng tam phẩm : 50 quan
Tri phủ ngang chánh tứ, ngũ phẩm ở kinh : 25 đến 40 quan
Tri huyện : 18 đến 30 quan. (XXVIII, 396)

1831 Lệ cấp dưỡng liêm cho các phủ huyện. Bộ Hộ bàn ngoài lương tháng lại cho tiền dưỡng liêm để khuyến khích tiết tháo trong sạch. Từ năy các viên phủ, huyện mới được thăng bổ nhận việc vào :
tháng mạnh (tháng đầu một mùa) thì cấp tiền dưỡng liêm cả quý ấy
tháng trọng (tháng giữa một mùa) thì cấp nửa tiền dưỡng liêm quý ấy
tháng quý (tháng cuối một mùa) thì không được cấp.
Viên nào thăng điệu hay đến kinh hậu bổ nếu vào tháng mạnh đã lĩnh tiền dưỡng liêm thì phải trả lại, vào tháng trọng trả một nửa. (X, 330-1)

Ngừa tham nhũng

1486
Cấm quan lại nhận chức ở ngoài lấy đàn bà con gái trong địa hạt mình.
Cấm tậu nhà cửa trong trị hạt sợ hiếp bách dân mua rẻ.
Cấm quan địa phương không được thụ nhiệm ở tỉnh nhà hay cách 500 dậm để thân thuộc không cậy thế làm càn. (ÐDA, 150)

5 - Về hưu

1462 Các quan văn võ đến 65 tuổi muốn về hưu thì cho đầu đơn cáo tại Lại bộ. (QCC, 81)

1463 Từ Trung hưng về sau có thể xin về từ 60 đến 80, thường là 70 tuổi. Khi được 69 tuổi thì cuối năm phải làm tở khải xin, giao cho các quan bàn để chúa xét.

1486 Cấm quan về hưu không được lui tới cửa công để cầu cạnh. (ÐA, 150)

1832 Cấp tiền tuất cho các quan về hưu trí. (XI, 264)

1856 Các quan bị bệnh nặng, bắt về hưu, chuẩn cho chiếu lệ sát hạch (Tự Ðức năm thứ 7) được giữ nguyên hàm, miễn cho không phải giáng cấp. (XXVIII, 293)

1857 Về hưu trước niên lệ : Văn từ tứ phẩm ấn quan, võ từ nhị phẩm trở lên và các Phủ doãn, Ðốc học, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, người nào 60 tuổi trở lên, làm quan được 30 năm trở lên, không có tội phải giáng hay tội chỉ giáng một cấp thì mũ áo nguyên cấp cho trước chuẩn cho đem theo. (XXVIII, 351)

- Huệ lộc cũng gọi Huệ dưỡng, Ân lộc = cấp tiền, gạo hoặc ruộng vườn, đất đai để thu hoa lợi.
Trước không chép, thời Bảo thái mới định lệ huệ dưỡng, cấp dân lộc :
Nhất phẩm trở lên : 4 - 5 xã, 400 quan sử tiền (= 240 quan tiền thực)
Nhị phẩm : 2 - 3 xã, 250 - 300 quan sử tiền
Tam phẩm : 1 - 2 xã, 150 - 200 quan sử tiền
Tứ phẩm : 1 xã, 150 quan sử tiền
Ngũ phẩm : 1 xã, 100 quan sử tiền.
Số gạo không nhất định. (KVTL, 142-3-CM, XVI, 104, XIX, 50)

6 -Tử tuất

Thời Hồng đức không thấy cấp dân lộc, đời Bảo thái (1722-27) đã có thể lệ nhất định :

a- Có công trạng : bàn mưu kế, trấn thủ, đi sứ, giảng sách, chết trận vv.
Nhất phẩm trở lên : 3 xã, 120 quan cổ tiền (= 60 đồng)
Nhị phẩm : 2 xã, 96 quan cổ tiền
Tam phẩm : 1 xã, 72 quan cổ tiền.

b- 1741 : có công trạng mà dự hàng ngũ phủ liêu (gọi chung Tham tụng, Bồi tụng), Tri phiên) :
Chánh nhất phẩm : 60 quan
Chánh nhị phẩm : 50 quan
Chánh tam phẩm : 40 quan. (KVTL, 143-4- CM, XIX, 49-50)

1832 Các quan văn võ từ tam phẩm trở lên, được nguyên hàm về hưu, nếu chết thì bộ Lễ tâu, đợi chỉ cấp tiền tuất ; bị giáng hay bị bắt về hưu thì không được hưởng lệ ấy.

Chánh tứ phẩm trở xuống đi trận bị thương, đã cho về quê, cấp một nửa lương thì theo phẩm hàm cấp một nửa tiền tuất.

Những người về chịu tang, nghỉ già hạn rồi chết , từ tam phẩm trở lên, do bộ tâu lên đợi chỉ. (XI, 264-5)



  Trở Về   ]