Chim Việt Cành Nam            Trở Về   ]            [ Trang chủ ]
Từ Phong Diệp Lạc 
Phân Phân Đến Ào Áo Lá đổ
 Huỳnh Mạnh Tiên
Cuộc chơi lắm khi thật nhạt, bạc; tệ hơn cả muối pha trà độn: muốn có một người tình điệu (một chiếc yatch lá trúc, lá đa) cũng không kham; mong được một người bạn chắc mẩm (một cần câu không lưỡi, không giun con) cũng chẳng thành. Nói chi đến các điều đại sự, nghĩ người quên mình, khen người chê mình. Dòng đời, thế sự không chỉ vô định mà còn cả vô lường. Sát na khẩu nghiệp, tâm ma, niệm xà âm ỉ lộ diện hồ những ánh chớp, nhưng lại có thể đo nghiệm dai dẳng dăm ba thế hệ cầm bút/cầm súng. Thế hệ đứng lên. Thế hệ ngã xuống. Thế hệ nào mà không có cha, có thầy. Nhưng nói với cha, thưa cùng thầy nào phải bao giờ cũng làm tròn, làm trọn. Còn hội chứng "giết cha", bức thầy, hại bạn thuộc về phạm trù của các nhà phân tâm học, các nhà văn (lớn) và những vĩ nhân (tỉnh lẻ).

Vậy hôm nay, xuân này mai vàng đào thắm xin nói chuyện lá, thơ và chuyện ... chùa.

         Mộng giác cố viên tam kính cúc
         Tâm thanh hoạt thủy nhất âu trà (1)

Nghe đâu ông Võ Phiến không những thích Lý Bạch, khoái Nguyễn Du mà còn mê cả chiếc lá phong của họ Lý:
Minh triêu quải phàm khứ
Phong diệp lạc phân phân
Và, dĩ nhiên, cái màu quan san của cụ Tiên Điền:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Lúc tạm cư ở Minneapolis, bên Mỹ, Võ bỗng đâu bàng hoàng bởi các cánh hoa phong mùa xuân để rồi bồi hồi đau đáu thương về chiêc lá phong mùa thu. Nhớ thương kia Võ không im ỉm giữ kín nó trong lòng. "Thàn hậu", Võ mang nó ra chia sẻ cùng bạn đọc: san sẻ cho nhau sự an lành của một mùa xuân xa xứ mà mình chợt có (chợt không). Cảm khái quá Võ dịch luôn thơ cụ Lý:
Minh triêu quải phàm khứ
Phong diệp lạc phân phân
                      (Dạ Bạc Ngưu-Chữ Hoài Cổ)

Dựng buồm mai sáng thẳng dong
Tơi bời rơi rụng lá phong ven bờ.

Trước đấy đã có cụ Trần Trọng Kim chuyển ngữ:
Sáng mai buồm kéo thuyền đi
Lá phong rụng xuống bộn bề khắp nơi.
Rụng xuống. Phải thế chứ. Không lẽ rụng lên. Thừa một chữ? Chắc không. Cụm từ "rụng xuống" xin được hiểu chiếc lá bị rứt mạnh, xa cành, tung lên không, để rồi xoay tít, quay cuồng, rơi rớt xuống mặt đất. Cô đơn. Cố thổ. Điều này, ở đây, tôi có thể "bình" chơi như thế chỉ riêng với bậu bạn đã từng "trâm gẫy bình rơi", hoa trôi bèo giạt; còn với ai ai cưỡi ngựa kỳ ký xem hoa khô, ngắm kiểng nhựa, thì kẻ viết bài này sẽ trở thành người vô duyên nhất.

Câu thơ dịch của họ Trần - qua âm hưởng, nhạc điệu - tải được một nội tâm buồn lâng lâng, sầu nhè nhẹ, nhớ im im, đau kin kín của người xưa. (Đường thi, cũng như thơ Tống, chỉ gợi chứ không tả!).

Phong diệp lạc phân phân

B T / T / B B
Tạm ngắt nhịp "thở vô - thở ra" như thế xem nào. Bạn chưa cột được ý, niệm vào hơi thở? Biết mà! Ai bảo tới con trốt hốt. Lá bay bay. Hoa rơi rơi. Chơi vơi. Chơi vơi. Ơi, bạn ơi. Phải đợi đến hôm nay, khi Võ nằm dài trên mặt cỏ xanh um "thẩn thơ trong nắng ấm, thần trí khật khừ" nhìn hoa phong vàng nhạt, cánh phong khô xoay tít giữa trời, bất thần rùng mình khí bốc tóc râu dựng đứng như Kinh Kha (trước phút giây sang Tần) mà hát rằng:
Dựng buồm mai sáng thẳng dong
Tơi bời rơi rụng lá phong ven bờ.
Mượn vần ong ông Võ thòng chữ dong. Có gì như những vỡ tung, xáo bung, tan tác, tan nát. Đau. Đau quá, không còn gì để thi vị nữa Võ la hoảng lên "trống huếch trống hoác. Trống kinh khủng, ghê rợn". Thì đã nói rồi:
Tơi bời rơi rụng lá phong ven bờ.
À, ra thế. Xa bờ, nhớ bến. Bến đời, bến đợi. Nhớ kinh khủng. Nhớ ghê rợn. Nhớ cảnh, nhớ người. Cho nên hoa phong, trái phong, lá phong... chỉ là những câu nói mào, là mô-típ để Võ đi, Võ viết. Yêu và (là) nhớ. Yêu mình, nhớ ta.
A ha, đời sót ta
Với nhành hoa
Rách tình xa
Buồn. A-ha.
Thôi! mình uống trà!
Đôi vần ngọng nghịu trên tôi viết cho riêng tôi và, nếu được, tặng ông Võ Phiến vậy.
Nguyễn Trãi thiên về lá trúc, lá trà. Nguyễn Du sành về cái lá phong, lá đào, lá liễu mùa thu.
- Tử thẩn bạc đầu khiếm thu thập
Mãn đình hoàng diệp lạc phân phân
                      (Thu Nhật Ký Hứng - Nguyễn Du)

Tự cười đầu bạc còn vụng tính
Đầy sân tơi tả lá vàng rơi
                      (tạm dịch)

- Đào hoa đào diệp lạc phân phân
Môn yểm tà phi nhất viện bần
                     (U cư - Nguyễn Du)

Đào rụng đầy sân lá tiếp hoa
Một gian lều nát khép lơ là
                     (Quách Tấn dịch)

- Duyên thành dương liễu bất thăng nhu
Diệp diệp ty ty vị cập thu
Bảo hướng phong tiền khán dao duệ
Tối điên cuồng xứ tối phong lưu
                     (Thương Ngô Trúc Chi Ca - Ng. Du)

Dương liễu ven thành mềm mại sao
Tơ tơ lá lá vẻ yêu kiều
Hãy xem trước gió lay phơ phất
Chính lúc quay cuồng đẹp biết bao
                      (Đào Duy Anh dịch)

Ô hay, những cánh phong mùa xuân xoay tít giữa trời, những lá liễu mùa thu quay cuồng trong gió chính là những lúc thú vị nhất. Thi vị thôi. Võ Phiến chuyên về Mùa Xuân, Con Én, Cỏ Bồng, Bánh Tráng, Bọt Trà,... Ông kham cả hoa mùa xuân, lá mùa hạ, tình mùa thu. Tôi thì tôi chỉ quẩn quanh cái lá mít, lẩn bẩn chiếc lá đa, lễ mễ cọng trà... tàu. Và cũng nhờ đó mà điều chỉnh lại thân tâm, lấy lại được quân bình trong tâm hồn mình. Nếu đôi khi tôi ngây thơ hoặc lẩm cẩm lỡ làm nhàm tai, mỏi mắt bạn, xin bạn hiền bỏ qua cho vậy. Biên soạn, phê bình là nghiệp tay phải. Âm hưởng, chính khí là duyên tay trái. Cũng thế, lập trường là "sở trường" riêng tư của mỗi người (cứ vô-lăng bo bo ôm giữ.) , nhưng chớ quên rằng văn hóa, nghệ thuật thuộc về "sở hữu" của mọi người, quần chúng (hãy cắp củm cho nhau, chia nhau). Lập trường , hùm! Hạnh phúc thì sao? Sao cứ đánh lận bảo nó "ăn theo" lập trường ? Nói thế phải chăng là nói: hãy cảnh giác! lập trường và hạnh phúc thường "gây kẹt đôi bên".
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
                       (Lá đỏ - Nguyễn đình Thi)
Đúng lập trường quá đi thôi.
Tìm thấy nhau rồi không lạc nữa
Anh dắt tay em chạy giữa mưa

Quên những chông gai quên tất cả
Để lại sau lưng mọi bến bờ
                      (Buổi Chiều Ấy -Nguyễn Đình Thi)

Giờ, bức xúc không còn là lập trường . Hạnh phúc cái đã; quên những chông gai quên tất cả. Quay lui là bến. Giác ngộ là giải thoát. Thế đấy, nhưng làm được cũng tùy cơ duyên.

Nhà thơ - đôi khi mê ngoại cảnh - lạc rừng rơi bẫy. Người đọc thơ - lắm khi nặng chính kiến, chủ quan - tự bẫy mình, ghim chân tại bãi. Ai lại nhẫn tâm đòi hỏi thi nhân hoặc phải lãng mạn thứ thiệt con nai vàng, hoặc phải 100 % sắt thép; không cho anh ta một nửa vô sản lãng mạn, một nửa tư sản tư duy, đại loại bài thơ (tình) báng súng! Này, nè, đâu phải chỉ kẻ kinh doanh mới mê vàng vòng. Nhà thơ, nghệ sĩ họ cũng khoái ôm khối vàng ròng của họ chớ: Tài và tâm.

Có một khoảng trời xanh kia
Đâu phải chuyện đùa
                      (Một Khoảng Trời Xanh Kia-N.Đ. Thi)
đến cả đức Khổng Tử xưa kia mà cũng có lần nhiều "tục" ít "thánh"; giây phút "yếu lòng" Ngài trở về với chính mình:

- Ta cũng muốn như Điểm vậy.

Chúng ta, ngày nay, may mắn hơn Ngài: sáng chiều được tắm douche/baignoire, và mỗi tuần "chơi sông trèo đền" ít nhất là...một lần.

Ơ kìa, rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Rồi lá phong rơi rụng trong đêm khuya ở bến Ngưu Chữ; lá liễu quay cuồng; lá đỏ Trường Sơn ào ào, ... chỉ đo được, họa hoằn lắm, sự hiện hữu hằn nỗi cô đơn, bộn bề áy náy của nhà thơ. Lá, phải chăng, cũng nên đo cả sự lặng lẽ của đất trời.

Một tiếng sung rơi đo lặng lẽ
Mùa thu xào xạc lá tre khô
                       (Thu - Quang Dũng)
Lá chưa gây được một tiếng "chủm" lạnh lùng của một vật rơi vào lòng giếng (hay lòng mình)
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng?
                       (Đêm Thu Nghe Quạ Kêu - Quách Tấn)
Nghe đâu một đồng tiền (chưa cần phải một túi) đôi khi ném đi vẫn có thể gây một tiếng vang. Kinh thật. Lá, Thơ không có tham vọng đó.

Được biết Văn Cao có cả một thi tập mà tựa chỉ vỏn vẹn một từ. Tôi chưa được đọc nên không rõ "Lá" của Văn Cao có "lạc phân phân", "ào ào đỏ" hay đo sự mênh mông của đất trời không. Nhưng chắc chắn nhà thơ này có nói về lá trước đây. Thơ Hoàng Cầm thuộc viện bứt tung khuôn sáo ê-a nên tự nó có cái thiệt thòi nhỏ: khó nhớ. Tôi thử đơn cử đôi vần.

Mõ đêm hè cuốc lội
Ao mưa rằng rịt lá trường sinh
                      (Đêm Thủy)

Chùm cau tóc xỏa
Miệng cười kẽ lá
Mưa nhòa gương soi
                      (Mưa Thuận Thành)

Và dai dẳng em ơi
Là cơn say khát lá
Cứ thon mềm xanh lả
                      (Nhớ)

Dĩ nhiên có cả lá diêu-bông.

Lá. Lá. Lá. La là lá la. Thơ ca, lá hát. Thi nhân là chúa lãng mạn.

Ôi chàng lãng mạn như lá vàng
Dịu dàng như sao đêm
                      (Nguyễn Bá Trạc)
Và cũng chàng, nhưng thực tế:
Ông lắc đầu nhắm mắt làm lơ
Đôi khi núi nọ bơ phờ
Hoa nhăn nhó héo, lá ngần ngờ rơi
                      (Ngọn Cỏ Bồng-Nguyễn Bá Trạc)
Lá Nhã Ca thì rất nhã, rất hài:
Vết chân con lẫn bóng ngày
Lá bi quan thoắt rơi đầy tuổi thơ
                      (Vết Chân Con)
và rất... con gái:
Gió cũng chết trên đồi
Và lá che tay khóc
                     (Đồi)
Du Tử Lê đam mê tư duy, ẩn dụ:
Em nhan sắc gió: đêm và lá
Ta hiểu người ru: lời vô âm
Trần Mạnh Hảo có câu thơ, khi đọc lên tôi nhớ như mình đã có lần bồi hồi "đến sợ hãi":
Nước Việt đứng như bờ tre vẫy
Em đi rồi tre rụng lá vào anh (1)
Ôi, nói về lá, đến thơ, làm sao có thể quên một nhà thơ, một nhạc sĩ lão thành. Xin hãy đọc Phạm Duy và hát Phạm Duy: công lực ông không chỉ gói ghém vỏn vẹn trong "Giọt Mưa Trên Lá".

Đấy là chút tình tôi xin gởi lá trong thơ, thơ trong lá, những gì tôi đã may mắn được đọc và yêu thích. Còn những gì chỉ nghe qua, tựa hồ đồng giao hè phố cũng xin đơn cử luôn cho vui.

Xưa em Kh. (ca hát) là khổ
Nay em Kh. (ca hát) là khờ đó nhe
Đúng. Đúng lắm. Ai biểu. Đồ xướng ca vô loại! Ơ kìa, bỗng dưng sao chửi người ta?
Tháng tư dương lịch. đất trời, cỏ cây, con người đi vào ý xuân, tình xuân. Nhân loại, nếu được như loài kiến: nối đuôi nhau một hai hai một tung tăng áo mới kéo nhau ra tắm sông Nghi, leo đàn Vũ Vu; một hạt ngọc chia nhau; một lời nhịn nhường nhau, sinh lộ cùng đi, ngõ cụt cùng tránh; có trách nhiệm và tự trọng.

Tinh sương ngồi trên thảo am Trúc Lâm Villebon, bên trang sách, ấm trà. Vườn chùa sau trận mưa trái trời đêm qua giờ đẹp hài hòa áo mới. Trúc lục. Tùng, sồi, lật rậm xanh tươi. Trăm hoa vườn đua màu, đưa hương. Đẹp mắt, vui mũi, tịnh ý. Cửa hông phía đông Chánh điện thông mở, hương nhang bay tỏa thơm cả một triền đồi, vách núi. Thân xác tục lụy ngồi đây mà cứ ngỡ mình thanh cao thoát tục, bay quyện theo hương nhang khói đèn. Vô ngôn đốn ngộ, vong ngôn xứ.

Am rợp chim kêu, hoa xẩy động
Song im hương tiễn, khói sơ tàn
                          (Ngôn Chí. Bài 16-Nguyễn Trãi)
Tự tại ngắm nhìn quanh quẩn. Núi đồi vẫn thế. Cỏ cây vẫn vậy. Lòng này thì sao? Bất giác đặt nhẹ cốc trà. Rời Mai Am. 

Ô hay, ai mang "bạn" đến nơi này? Trèo lên tam cấp, qua 24 bậc thang đá. Lòng bàng hoàng lẫn thích thú. Mắt nhìn, tay vân vê cái "màu quan san" của "bạn".

Bạn? Khách mới của vườn chùa đấy. Cây hồng phong lùn Nhật bản ấy mà. Lá phong đỏ sặm, đỏ gan gà. Chao ôi, màu quan san là màu gì nhỉ? Vàng úa, vàng đậm, vàng áo nhà sư, cà sa, vô cấu y? Hay đỏ gạch nung, đỏ gan gà, đỏ gạch cua? Nếu có họa nhân nào trải lên tranh mình cái màu tiên-điền kia chắc đã lắm gian nan? Gian nan chói chan tựa màu vàng tourrnesols van-gogh.

Đến gần ngắm kỹ người bạn mới, cội Erable japonais kia. Quanh chân cây, mô đất nho nhỏ đắp thành vòng, đất xốp còn xơn xớt, có thêm phân bón: nếu vừa hạ thổ thì chỉ tuần qua là cùng. Cuối mỗi chót lá đỏ đậm ngón hơi co gập lại: lá tươi, không thiếu nước, nhưng cây không khỏe ể mình gì đây, tựa hồ như ta mới đi xa về, đầu còn choáng ngộp âm thanh hình ảnh và thân xác thì mệt lả. Cây cỏ có khác chi con người. Loại hồng phong Nhật bản này lá màu đỏ sặm (đỏ gan gà, đỏ gạch nung già lửa). Thân lá xòe ra tựa bàn chân chim, chân gà ngón thon dài, nhỏ nhắn, có tất cả bảy ngón: năm chính, hai phụ bé hơn. Đôi khi lá đẹt, số ngón rút lại chỉ còn năm.

Vốn có chút duyên riêng trước đây với chi hồng phong lùn nên tôi không thể không mến người bạn mới của vườn chùa. Vậy xin kể câu chuyện của "bạn". 

Đầu xuân 1994 có một đạo hữu người Pháp mang lên thiền viện ba gốc phong Nhật bản. Trước đó anh đã có xin phép các Thầy, và tự chọn hộ đất để đặt gốc, hạ thổ cây. Mùa hè tháng tám năm 93 tôi đã có dịp quen anh. Anh cũng như tôi - con người của phồn hoa đô hội - lên chùa vào những khi rảnh rỗi, thanh thản hoặc lúc cảm thấy tâm khảm mình bị lốc đời bủa vây. Tính anh trầm lặng, đi đứng khoan thai, ít lời, nhỏ giọng. Cùng là đạo hữu biết mặt nhau gần năm qua nhưng tôi chưa biết tên anh, và anh cũng chưa hề hỏi... tên tôi. Mà cũng lạ, riêng tôi lên Trúc Lâm 7, 8 năm rồi, quen mặt, quen tiếng các đạo hữu thân cận, nhưng trong số các vị ấy đến giờ tôi vẫn chưa biết hết tên (hoặc nghề nghiệp) các vị. Tôi gọi "Chị", mừng "Anh", chào "Bác" đã thấy đủ gần nhau rồi. Các danh từ to lớn, rổn rảng ở nơi tĩnh lặng hóa thành hư từ chăng?

Vâng, cái tình của tôi đối với các vị, nếu lỡ không được như cốc trà Thiết Quan Âm, thì ít ra cũng là bát nước mát đầy. Ngược lại hẳn cũng thế thôi. Làm sao có thể khác đặng giữa những người đi chùa, lên chùa. Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới một đạo hữu thân thương đã mất cách đây hơn năm qua..., và cảm thấy yêu thương bạn bè vô vàn. Người quá cố ta không quên. Kẻ còn sinh tiền ta lại càng không nên hờ hững, lơ là.

Lúc căm hờn hoặc khi giận dữ
Đừng mưu toan gây khổ cho nhau
                        (Kinh Từ Bi)
Xin trở lại anh bạn Pháp hay đi chùa Trúc Lâm. Đôi tuần sau khi trồng cây kỷ niệm trên đồi chùa, anh xin được quy y (tháng 04-1994). Lễ phát nguyện tam quy y thật đơn giản, trang nghiêm. Giới sư: T.T. Thiện Châu, thiền chủ Trúc Lâm Villebon.

Sau đó, có lần trong câu chuyện về thú làm vườn anh bạn Pháp tâm sự với tôi: "Không hiểu sao tôi cảm thấy gần gũi quá với Thiền viện, triền đồi, vườn chùa...". Giọng tôi có chút ghẹo phá: "Chắc ông bạn nhớ cây mình trồng, gối mình ngồi thiền chứ gì." Anh ngước mắt nhìn tôi, giọng ôn nhu: "Nó còn sâu xa hơn thế". (Những dòng này có thể xem như tôi viết gửi riêng anh bạn, mặc dù anh không đọc được chữ Việt, mà tôi cũng không có ý chuyển ngữ!).

Kể câu chuyện nhỏ trên tôi chợt nhớ đến một sự kiện khác cách đây hơn 30 năm. Không trực kiến sự việc nhưng tôi được biết qua. Nay xin kể lại.

Tháng tư năm 1961, tại chùa Xá-Lợi (Sài gòn) một giáo sư người Pháp tục danh H.M xin được quy y tam bảo. Người truyền giới đương thời là Hòa thượng Hành Trụ. Các bạn đạo hộ đàn có các cụ Hồ Tánh, Lê Chí Khiêm. Trước đây giáo sư H.M đã hành hương từ Ấn Độ sang Việt Nam, ông có cư ngụ tại đường Phan Kế Bính lúc ấy. Lễ quy y của H.M được cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền tổ chức rất long trọng, quan khách đông đảo, báo chí đương thời có đưa tin. Lúc bấy giờ, vào những thập niên 60, ở hai miền Trung và Nam Việt Nam có những tranh chấp giữa các tôn giáo về uy tín, thế lực. Dĩ nhiên nội biến, nội chiến, sách lược thị tộc và gia trị đương cục đã sớm trở thành biển dầu sôi hắt thêm vào khung nhà lửa. Không đầy bốn tháng sau ngày thọ giới ông H.M (pháp danh Chánh Kiến) mất tích. Theo dư luận quần chúng lúc bấy giờ là ông H.M bị các nhà đương cục quản thúc, hoặc thủ tiêu. Lại có nguồn tin khác: giáo sư H.M theo ông đạo Dừa mà mất tích. Khó xác định được sự việc. Nhưng giả thuyết thứ hai, đối với các đạo hữu quen và gần ông H.M thì "không hợp lý"...

Xin trở lại câu chuyện anh bạn người Pháp bị tôi bỏ quên trên Thiền Viện Trúc Lâm, bên gốc cây hồng phong lùn. Vâng, lễ quy y tam bảo của anh rất đơn giản. Đơn giản mà trang nghiêm. Pháp lý nhà Phật lại nhắc tôi phong cách của con người tu học, thiền hành: sống chơn hạnh phúc, sống ẩn vào trong. Ngạn ngữ pháp lại có câu: Pour vivre heureux, vivons cachés. Đại khái như thế. Còn câu "Il faut savoir vivre dangeureusement!" tôi nghĩ có lẽ chỉ để nói nôm na cho vui thôi.

Giới luật cửa Thiền không chỉ riêng gì cho Tăng Ni, mà còn cả cho những con người bình thường như chúng tôi, những kẻ chưa quán triệt được "thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay". Tục ngữ Tây phương cũng có câu: "Bạn ngồi hướng nào thì ngồi, nhưng nói thì nói cho ngay"

Nói những lời hòa ái
Ấy là chơn hạnh phúc
                     (Kinh Chơn Hạnh Phúc)
Đá chìm, dầu nổi. Archimède? Không đâu bạn ơi, Kinh A-Hàm đấy. Ý nói Phật tại tâm.

Sống chơn hạnh phúc: sống ẩn vào trong. Sống ẩn dật, đối với người Phật tử, không có nghĩa là theo trường phái Đào Tiềm, hoặc cáo bệnh từ quan như các cụ ta ngày xưa. Ngược lại, "Trải bao thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã hòa mình vào vận mệnh đất nước và dân tộc" (H.T Trí Tịnh). Quá khứ đã chứng minh sự nhập thế nói trên của Phật giáo VN, thực tại và trong tương lai, dĩ nhiên, cũng phải trên lằn gạch nối liền.

Ẩn dật không đồng nghĩa với yếm thế, cầu an, hay trốn tránh. Đi chùa Trúc Lâm Villebon không hẳn chỉ vì chùa này rất Việt Nam, hoặc bởi phong cảnh ở đây đẹp quá, hoặc đi nhặt hạt dẻ (mùa dẻ rụng). Trái lại, nếu đi chùa, lên chùa với nội tâm của kẻ đi săn, người vào chợ (...quận 13) thì nhập nhoạng và nhọc nhằn quá. Ôi, cái đạo trung dung không ai ban cho mình hay tước đi được, nếu bản thân mình có. Cả đức Khổng Tử đấy mà còn phải nay Lỗ mai Vệ, suốt đời đã phải áo vải giầy cỏ phiêu bạt xứ người. Đã có lần Ngài khuyên ông Tử Hạ: Ngươi nên làm nhà nho quân tử; chớ làm nhà nho tiểu nhân. ("Nhữ vi quân tử nho; vô vi tiểu nhân nho" - Luận ngữ. Ung Giã, tiết 11). Thì nay (tân học, vi tính, điện tử, karaoke, fast food...) nhà nho (nhà thơ, nhà báo, nhà giáo) còn thua xa "nhà nhỏ". Nhằm nhò gì. Thay vào danh xưng nào mà chẳng đặng. Nhà gì cũng vui. Miễn đừng là nhà lá, nhà trò; tệ hại hơn, nhà mô phạm: "Fais ce que je te dis, mais pas ce que je fais". Hùm! Có kiến thức chưa hẳn là có ý thức, có văn hóa. Tôi tự răn mình. Đà-la-ni. Phạm Võng Bồ Tát Giới.

Tháng tư 94, có gia đình bạn ở Verrières-Le-Buisson, mời tôi vào chơi cuối tuần. Tôi có mang tặng bạn một gốc hồng phong lùn. Lá nó đỏ màu gan gà (thứ nhất Thế đức gan gà mà, khi nói về ấm trà). Chỉ đâu hai hôm sau bạn gọi điện thoại ra nhà cự tôi quá trời, than khổ hô cực: "Đào lỗ hạ thổ cây xì khói".

ƯØ, thì phồng tay chứ gì. Có thêm vài cái "bóng đèn" để "bỉnh chúc" chơi đêm khỏi sợ lạc mất đường về! Vậy mà cũng cà riềng cà tỏi, ông Võ Phiến đấy, ông ấy quá chịu chơi, đi nửa vòng tròn trái đất để đến nơi nằm chơi phơi nắng "chơi vơi, choáng váng" yêu lá phong, trái phong bay. Còn ông em tôi ở Verrières, chỉ đôi ba bước ra sân nhà là có thể diện kiến cái màu quan san kia, vậy mà bày đặt cự nự.

Sáng nay ngồi một mình trên triền đồi Villebon, nhìn cây hồng phong lá "nâu sồng" tôi chợt gồng mình dịch... lại (đại) thơ của ông Lý Bạch.

Minh triêu quải phàm khứ
Phong diệp lạc phân phân"

Tinh Sương thuyền vượt biển
Sang đây nhìn phong bay.

Chắc không xuôi ý (còn có ai vượt biên, vượt biển đâu!). Chỉ nguyện thuận tình người và hợp lòng giun dế trúc tre.
Si je suis par terre
La faute est à Voltaire
Si je suis au ciel
C'est grâce à ... Gabrielle
Lãng xẹt. Mùa xuân mai vàng đào mộng đỏ, ai lại đi nói chuyện trên trời dưới đất.
(Paris 1994)
Huỳnh Mạnh Tiên
(1) -  Chiếc lá đa của Trần Ðăng Khoa bốc đồng lên gân hù bạn bè bởi : 
"biếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng"


[ Trở Về  ]