Chim Việt Cành Nam           Trở Về   ]            [ Trang chủ ]


 
 Phiếm luận ngày xuân: Bùi Giáng và Những Chuyện Chiêm Bao

Như phong

Kể từ khởi sự mọc răng
Đến bây giờ vẫn thường hằng chiêm bao
Bùi Giáng

Kính thưa cụ Bùi Giáng,

Thật là tội nghiệp cho tôi, lúc cụ đang túi thơ bầu rượu ngao du giang hồ tứ hải, rót những vần thơ kinh khiếp cho đời thì tôi cũng vẫn còn lang thang nơi cửa ngục nào đó, mà chưa được ông Tần Quảng Vương cấp giấy cho đi đầu thai.
Bây giờ ngồi đây để nghiến ngẫm những dòng thơ của cụ, những dòng thơ bạt cổ thông kim thì cụ lại cỡi tiên hạc vân du tiên cảnh, như vậy có phải là cụ làm khó tôi không.

Xin cụ cho phép được gọi cụ là cụ Sáu Giáng nhé, bởi vì kẻ hậu sinh mạt học không dám gọi tên cúng cơm Bùi Giáng của cụ.
Lúc sinh tiền có người cho rằng cụ điên, có người lại nói cụ giả điên, điên thật hay điên giả không giả không thật, trong điên có tỉnh, trong tỉnh có điên, trong giả có thật, trong thật có giả, là triết lý thượng thừa, là Huyền Không...
Như lời cụ nói:
"Nó điên? vâng nhưng điên một cách vui vẻ, bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà?. Phải...? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy".
Nguyễn Công Trứ cũng có một câu:

Chẳng phải rằng ngây, chẳng phải đần
Chẳng gì phiền lụy chẳng ai rầy...
(Than Nghèo)
Đã có rất nhiều văn nhân, thi sĩ luận bàn về thơ văn của cụ rồi, kẻ hậu học nầy không dám khua mồm, múa bút đụng tới.
Nhân ngẫu nhiên đọc được hai câu thơ của cụ , ỉ mà nghe đâu đang lúc ngẫu hứng cụ ngang nhiên bước vào chùa và phóng bút làm cho những vị sư sải đều khiếp đảm kinh hồn bạt vía.
Kể từ khởi sự mọc răng
Đến bây giờ vẫn thường hằng chiêm bao.
Cho nên ở đây tôi xin phép cụ cho tôi tản mạn về những giấc mơ của cụ. Nếu ở nơi chốn hư vô nào đó cụ không hài lòng, thì mai sau trên đường xuống Hoàng Tuyền gặp cụ sẽ thưa tội cùng cụ vậy.

Thật vậy, trên đời nầy cành cây ngọn cỏ đều sinh diệt vô thường, kinh Phật nói "Đời là bể khổ, là mênh mông vô thường, là huyễn mộng"
Với cái Tâm phàm, mắt tục như chúng ta không làm sao có được ý thơ như vậy.
Ở đây cụ đại thi hào Sáu Giáng đã thấy "Đời là một giấc chiêm bao". Sinh ly tử biệt, thông suốt được cái Vô Vi của Lão đạo, cái lẽ âm dương của đất trời, vạn vật, cái trả vay vô thường của Phật đạo,... một giấc chiêm bao dài, vô cùng, vô tận, nếu không phải vậy sao cụ bỏ hết để đi chăn bò, để hoà mình trong đất trời thiên nhiên,ung dung, tự tại vui với niềm vui đồng cỏ, đàn bò, nằm trên thảm cỏ đánh một giấc có tiếng chim ca, nghe gió đồng hoang vi vu xào xạc lá cây rừng, nhìn trăng treo đỉnh núi ,tiếng suối nhạc du dương, có phải cụ đã thấy;

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du rông thấy cũng nực cười
                             Nguyễn Công Trứ
Là một giấc chiêm bao vô tận, chiêm bao để thấy khi chết đi có Kim Cương Nương Tử đến đái bên mồ, đề thấy Nam Phương Hoàng Hậu đến gõ cửa ghé thăm, để thấy Dương Quý Phi cao sang lộng lẫy, để thấy Marylyn Monroe bốc lửa giữa trần gian, và... thấy nàng Kiều đang trôi sông lạc chợ.
Bởi vậy cho nên cụ Sáu Giáng thà rằng:
Ngủ yên bên lá cỏ chiều
Giữa trời Thu mỏng gió diù mây trôi
Ngủ yên bên suối bên đồi
Bên rừng Thu tạnh bên người xót xa...
                      (Chuyện Chiêm Bao 7)
Và,
Kể từ khởi sự mọc răng
Đến bây giờ vẫn thường hằng chiêm bao
Là một giấc chiêm bao, chiêm bao từ lúc lọt lòng mẹ, từ lúc cất tiếng khóc chào đời, sự hiện hửu của con người, trên cỏi đời nầy chỉ là một giấc chiêm bao?
Siêu thoát quá, huyễn mộng quá, là Đại Giác, Đại Ngộ.
Nên cuộc đời của cụ Sáu Giáng vô ngã, vô cầu. Nhờ có được cái vô ngã, vô cầu đó nên dòng thơ chảy miệt mài không dứt, là một Tô Khất Di, là một Lý Bạch của thế kỷ vậy.
Kể từ,
Khởi sự,
Mọc răng,
Cái hay là ở chổ nầy đây, sao kông kể từ khi tôi cưới vợ, có con, sao không kể từ khi tôi lên mười, lên tám mà lại là kể từ khởi sự mọc răng.
Là lúc bắt đầu của một kiếp người.
Đến bây giờ,
      Vẫn,
Thường hằng,
  Chiêm bao !
Cụ Sáu Giáng ơi! Đến bây giờ là lúc nào đây ? hai mươi tuổi đời ? Năm mươi tuổi tri thiên? Hay tám mươi đại thọ,và "Ba vạn sáu ngàn ngày" không dài không ngắn mà chỉ đủ thời gian của một giấc chiêm bao. Thời gian, là đêm, là ngày...dẩu gì, ở đâu thì cũng chỉ là một giấc chiêm bao,
Bùi Giáng có cái yếm thế của Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang
Chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng
(Tự Trào)
Có cái thăng trầm cuả Nguyễn Công Trứ
... Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưỡng...
Rồi lại,
...Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục...
     (Nguyễn Công Trứ, Ngất Ngưởng)
Coi danh lợi như không, là một Tế Điên Tăng với chiếc Bút thần thông ngao du thiên hạ, ăn thịt , uống rượu mà cái Tâm không uống, không ăn, quả là Đại Giác, Đại Ngộ vậy.
Tuy nhiên cái Tâm Đại Giác ấy, Đại Ngộ ấy cũng có lúc lang thang trỡ về trần tục,
Ồ, thì ra cụ Sáu Giáng cũng biết buồn vui thế tục, cũng khóc cũng cười, nhưng sao không có nước mắt, bơiũ lẻ những giọt nước mắt cuả cụ Sáu Giáng đã trở thành những giọt sương đọng trên hoa la,ù cỏ cây mỗi độỉ Xuân về rồi chia ly tan biến vào lúc Đông sang.
Tôi nằm khóc lóc bấy nhiêu bao
Bao bấy mà ra chẳng giọt nào
Lệ thắm u tồn sương tuế nguyệt
Xuân hồng trường tại tuyết ly tao...
(Chuyện Chiêm Bao 5)
Lệ thắm u tồn sương tuế nguyệt. Đau đớn thay, khóc lóc bấy lâu nay! Bao lâu? một đời, nữa kiếp? Khóc cho mình một kiếp đời du tử, rày đây mai đó, hay khóc cho vạn vật, chúng sinh còn trong bể khổ trầm luân? Khóc cho Kiều của Nguyễn Du,"Cánh hoa tàn đem bán chốn thanh lâu, để rồi phải đoạn trường bạc mệnh nơi sông Tiền Đường."
Chút đau đớn đứng chút đìu hiu
Tuỳ thuận phồn hoa bước giấn liều...
...Em tưởng ở đời chẳng thấy thú
Tiền đường phó thác lạc linh phiêu.
(Chuyện Chiêm Bao  6)
Không trách sao cụ Sáu Giáng đang giảng "Đoạn Trường Tân Thanh" mà gục khóc sướt mướt, khóc tức tưởi như trẻ con, làm cho đám học trò hoảng sợ rồi thầy Sáu nhảy qua cưả sổ chạy tuốt về Sài Gòn và bỏ luôn nghề dạy học, cũng chỉ vì thương yêu em Kiều, thương cho một bậc hồng nhan bị đời ruồng bỏ, trách cho con tạo khéo trêu người, một người tài sắc như Kiều, mà phải chịu kiếp hồng nhan bạc phận.
Buồn, cho nhân tình thế thái, nên cụ Sáu lang bạc kỳ hồ lúc Già Lam, khi Vạn Hạnh Lên Long Huê về Pháp Vân và:
Đêm đêm anh ngủ màn trời
Nằm trên chiếu đất dịch dời tủy xương...
Cũng bỡi vì:
Bấy nay kẻ Việt người Tần
Bấy nay dưới nguyệt đếm gần đếm xa
Đếm lui đếm tới đời ta
Đếm từ mạt thế đếm ra thịnh triều...
(Chuyện Chiêm Bao 2)
Dài giấc chiêm bao, một đời chiêm bao, ngủ chiêm bao, thức cũng chiêm bao, đi đứng, nằm, ngồi, cũng chiêm bao, say chiêm bao, tỉnh cũng chiêm bao, điên cũng chiêm bao. Không điên cũng chiêm bao. Trong chiêm bao đôi khi cụ Sáu cũng mơ thấy những điều tục lụy của đất trời, cỏ cây, vạn vật buồn vui, cô đơn sướng khổ như con người.
Lá cây ngọn cỏ thật bơ vơ
Lá cây im lặng, ngọn cỏ bơ vơ, buồn cô đơn cúi mặt, cho đến lúc có làn gió mơn mang nụ hôn nhẹ lên môi, lên má thì lập tức uốn lượn trốn mình mắt cở như một nàng trinh nử khuê các đoan trang.
Hình dung từ dưới ngòi bút cuả cụ Sáu giáng thật là tuyệt vời, cỏ cây cũng biết ân ái yêu đương thỏa thích. Ở đây ta nghe có âm hưởng của Bà Huyện thanh Quan.
...Nhánh cành quấn quýt tình thắm thiết
Giông gió giập đè nghĩa tục thô
Tiếp tới cơn mưa tuôn xối xả
Phỉ tình hoan lạc lặng như ru.
(Chuyện Chiêm Bao 11)
Đặc biệt trong chiêm bao cụ Sáu Giáng mơ thấy rất nhiều tiên nử, lúc thì thấy tiên nử tắm suối,
Rừng đêm lá rụng liên miên
Bên bờ suối ngọc nàng tiên một mình
Nàng về từ cuối chân mây
Giữa đêm nàng tắm suối nầy suối kia
(Chuyện Chiêm Bao 13)
Cái thú rình, coi Tiên tắm của cụ Sáu Giáng, làm cho kẻ hậu bối như tôi đây phãi bắt thèm, tiếc rằng không thể làm học trò của cụ.
Nhưng đã là con người thì lòng tham đôi khi không hạn chế được, cụ Sáu thật là quá đáng, được voi còn đòi tiên, đã được coi tiên tắm rồi mà còn  la làng, đã là Tiên nử thì có mặc áo quần hay không cũng vẫn đẹp kinh người phải không, thưa cụ ?
Vậy xin cụ đừng bực bội làm gì:
Nàng có mặc áo mặc quần
(đây là rất mực giữa rừng)
Chẳng ma nào thấy nàng ngần ngại chi (có cụ Sáu đang rình coi thôi)
Cởi phăng quần áo ra đi
Suối rừng mát mẻ chờ nàng tắm cho
Chẳng ma nào ngó thấy đâu
(Chuyện Chiêm Bao 13)
Đó thấy chưa, đã nhắc cụ đừng có la ó om sòm ma? Để bây giờ nàng tiên đã thấy cụ rồi, bởi vì cụ là cụ Sáu Giáng mà, đâu phải là ma. Vì thấy cụ Sáu Giáng nên nàng tiên:
Ngại ngùng ngượng nghịu? Vì còn có tôi? (có cụ Sáu Giáng ở đây nè)
Nhưng tôi đâu phải là ma?
(Chuyện Chiêm Bao 13)
Thật là một giấc chiêm bao tuyệt vời.
Rồi nàng Tiên bất bình giận dỗi bỏ đi nên cụ Sáu Giáng đành ngồi than thở:
Nước non mây trắng nắng vàng
Gió đưa gió đẩy vạn ngàn rung rinh
Người đi Tiên nử vô tình...
(Chuện Chiêm Bao 20)
Nhưng có lẽ thấy sự si tình của cụ nên nàng tiên nữ bỏ đi không đành chăng:
...Một hôm bất chợt trở về
Giòng khe theo gót người về thăm tôi...
Và rồi chuyện gì đến phải đến cụ Sáu đã được người đẹp trong tay, bây giờ có chết cũng đành:
..Hôn em một phút phi thường
Anh nằm chết ngất mùi hương muôn đời
Hôn em một phút pha phôi
Anh nằm chết giữa bầu trời dửng dưng
Tỉnh ra nửa sợ nửa mừng
(Chuyện Chiêm Bao 20)
Tỉnh ra,!!! Trời ơi! Thì ra chỉ là một giấc chiêm bao.Thật là hú vía ông Địa, nếu không thì cụ Sáu, đã chết queo giữa bầu trời dửng dưng rồi, ma không biết quỷ không hay rồi, bây giờ tỉnh ra rồi mới thấy tiếc cho tuổi đời của mình đã già.
Tiếc vì em vẫn quá xinh
Mà tôi lẩy bẩy rung rinh tuổi già...
(Chuyện Chiêm Bao 21)
Nhưng mà:
Cái tình là cái chi chi
Dẩu chi chi cũng chi chi với tình
Sầu ai lấp cả vòm trời
Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung
(Nguyễn Công Trứ, Chữ Tình)
Cho nên cụ Sáu Giáng thà rằng được yêu một giờ, một phút cũng bằng trăm năm
...Hạnh phúc đâu cần thời gian tính:
Em cầm giỏ đi hái dâu
Còn tôi xách dép theo hầu sau chân
Một giờ cũng thể trăm năm
Trăm năm cũng thể trăm năm một giờ...
(Chuyện Chiêm Bao 21)
Vì những nàng Tiên mà phải vượt suối băng đèo, màn trời chiếu đất, tuỷ xương dời dịch, bạn cùng hoa cỏ trăng sao, chung quy cũng chỉ là những giấc mộng hảo huyền... Trời màn đất chiếu hỗn mang
Sầu đi hỗn độn quá quan điệu chào
(Chuyện Chiêm Bao 2)
Để rồi
Bấy nay dưới nguyệt tưởng gần tưởng xa
Tượng thể chan hòa quỷ ghẹo ma
Thao thức bấy chầy thơ dội mãi
Tuyệt vời từ đó mộng tuôn ra
Chung quy rồi cũng lá rụng về cội, người du tử sau bao nhiêu thăng trầm cuả cuộc đời, bỗng một hôm nhớ lại cái Mai, cái Cuốc, bờ khe ngọn suối, nhớ khói lam chiều con đê nhỏ,nhớ người mẹ già mỏi mắt trông con, nên tìm đường trở về cội nguồn.
...Đời xiêu đổ loan đường đi đứng
Nguồn xưa đâu anh lững thững tìm về
Gặp em tưởng gặp tình quê
Nào ngờ cố quận chán chê anh rồi...
Thời gian hay đổi, xóm làng đổi thay, xưa đi còn xanh tóc, nay trở về tóc điểm hoa râm, người xưa cảnh cũ tất cả đều đã khác xưa, người du tử lang thang đi tìm kỷ niệm:
...Bờ khe anh trở lại ngồi
Nhìn chuồng chuồng múa bốn trời ba con
Một mai một cuốc lại còn
Cần câu cũng một méo tròn hử em
Tròn hay méo tùy em nhận định
Méo hay tròn đủng đỉnh đong đưa
Giở trò ma quái thốt thưa
Quỷ thần số dzách thương thừa một cây.
(Chuyện Chiêm Bao 24)
Tiêu biểu là những bài thơ  trong nhiều bài thơ "Chuyện Chiêm Bao" của nhà thơ thế kỷ, thi nhân xuất thần thì có phong thái thất thường, lãnh hội được đạo lý sống, thế thái nhân tình, lấy thiên hạ làm kinh nghiệm sống cho mình nên cụ Bùi Giáng có những vần thơ siêu tuyệt cổ kim.
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt
Mặc xa mã thị thành không dám biết
Thú yên hà trời đất để riêng ta
(Nguyễn Công Trứ, bài "Thoát Vòng Danh Lợi")
Cho nên cái điên của Bùi Giáng là cái điên khôn, cái điên tỉnh, là cái điên hưởng thụ chân giá trị của cuộc sống mới không uổng ba vạn sáu ngàn ngày này vậy.
Nghêu nghao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ Hạc là người quen
(Nguyễn Du)
 

Như phong
Viết từ Dallas


Trở Về  ]