Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]


 
Đọc và Phê bình sách
Từ Điển Văn Học

Đặng Tiến

Từ Điển Văn Học Bộ Mới[1], gọi tắt là TĐVH, in đẹp trên giấy tốt, vừa được phát hành đầu năm 2005. Nói là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây hai mươi năm, thì vừa đúng vừa không đúng.

Đúng vì cùng một số người chủ trương biên tập : Đỗ Đức Hiểu (đã qua đời), Nguyễn Huệ Chi, Phùng văn Tửu, Trần Hữu Tá, cùng những đề mục : tác gia, tác phẩm, thuật ngữ và đời sống văn học.

Nhưng không đúng vì Bộ Mới được biên khảo theo tinh thầncách tân. Dĩ nhiên phần thừa kế không thể tránh được, nhưng thành tựu chính là cái nhìn mới, tư duy mới, và cái mới nghiêm túc, thành khẩn, có khi còn ngất ngây xao xuyến. Các tác nhân, phần nhiều là học giả tên tuổi và đứng tuổi, bỗng cảm thấy nhiệt tình sôi nổi : niềm say sưa pha chút bùi ngùi, mà người đọc theo dõi thăng trầm của văn học Việt Nam vài ba mươi năm nay cảm nhận được. TĐVH nhìn dưới một góc độ nào đó, có thể mang thêm tiểu tựa : đoạn trường tân thanh, bộ mới.

*

Trong văn học, nghệ thuật mà dùng chữ tiến bộ có khi hồ đồ, tối nghĩa. Nhưng ở đây, chúng tôi đánh giá TĐVH là một tác phẩm tiến bộ, trong ba nghĩa :

- Tiến bộ so với tiền thân 1984 của nó, về lượng cũng như về phẩm : dồi dào hơn gấp bội, thêm nhiều đề mục, hiện đại và nhất là bổ sung những đề mục xưa kia bị gạt bỏ vì những lý do phi-văn-học. Từ đó, nội dung và lời lẽ của TĐVH cũng văn minh hơn trước. Như vậy là chuyển hóa về mặt tri thức, song hành với tiến bộ của thế giới khoa học, kỹ thuật, kinh tế, giáo dục. TĐVH nằm trong cao trào văn học thế giới.

- Tiến bộ theo nghĩa trí thức, như là một hệ luận : TĐVH đáp ứng lại với những đòi hỏi  tinh thần cấp bức của thời đại, của dân tộc trong nhân lọai, là tự do và dân chủ. Những người viết đã tự trọng, thận trọng, tôn trọng, trân trọng kẻ khác mình, cái khác ta. Thoải mái trong những quen thân mà không sủng ái, phấn khởi trong những mới lạ mà không sùng bái, chừng mực trong lý luận, thiết tha trong lời lẽ, TĐVH là một nỗ lực tập trung, đổi mới tư duy và tâm cảm cần được đánh giá cao.

Tiến bộ về hình thức và cách trình bày : cuối sách có ba bảng tra cứu : các tác gia theo mẫu tự tiếng Việt, tiếng La tinh, tiếng Nga và tiếng Trung quốc ; các tác phẩm cũng theo bốn lối chữ ; và các thuật ngữ tiếng Việt. Điều chúng tôi chưa từng thấy ở các sách Việt Nam. Bộ Từ Điển Văn Học của nhà xuất bản Pháp Larousse cũng không có. Sách có nhiều hình minh họa, màu và đen trắng.

Đặc sắc đầu tiên, có thể là quan trọng nhất, là cái nhìn phóng khoáng về chính trị, sau đó là khả năng tiếp nhận những tác gia, khái niệm mới, những nền văn hóa xa xôi hoặc nhỏ bé.

Những tác gia trước kia bị loại trừ, nay xuất hiện, như Hoàng Cao Khải, Lê Dư, Phạm Quỳnh, Phan Văn Hùm, v.v.... Trần Trọng Kim được đề cao trong ba trang. Cũng có điểm chưa chính xác : 1953 ông lại được Bảo Đại mời ra làm Chủ Tịch Hội Đồng Quốc gia thân Pháp ở Sài Gòn". Ngược lại, Hội Đồng này do Bảo Đại triệu tập để cưỡng lại áp lực của chính quyền Pháp, và đã ra một tuyên cáo theo hướng này. Thật sự, thời điểm này, Trần Trọng Kim không có danh vị gì ; ông ngồi nhà vấn thuốc lá hút vặt và chép miệng " sự đời chả cái đếch gì ra cái đếch gì " ! Nghiệm cũng chí lý.

Nguyễn Văn Vĩnh được đưa vào danh mục (trước kia nằm trong đề mục Đông Dương Tạp Chí) một cách ưu ái : " nhà nghèo, lên 8 tuổi phải đi làm thằng nhỏ kéo quạt ở trường Thông Ngôn của Pháp, mới mở ở đình Yên Phụ. Ngồi cuối lớp kéo quạt, nhưng ông vẫn chăm chú nghe giảng và nói, viết được tiếng Pháp " ông được dự thi lúc 11 tuổi, trúng tuyển, được cấp học bổng học tiếp và năm 14 tuổi đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp, đi làm thông ngôn tại tòa sứ Lao Cai (1895)... Những chi tiết này thường không có trong các từ điển văn học quốc tế cùng một kích thước ; nhưng ở đây, nó đắc cách, hàm chứa nhiều ý nghĩa xã hội và chính trị, nó lại mua vui cho người đọc và chứng tỏ niềm ưu ái của người viết.

Về những tác gia được khôi phục phải kể Phan Khôi được giới thiệu đầy đủ, súc tích, ngay cả giai đoạn Nhân Văn Giai phẩm : " chủ nhiệm báo Nhân Văn, rồi các bài viết (...), vẫn với ngòi bút sắc sảo, rắn rỏi sẵn có nhưng ông đi ngược dòng đường lối văn nghệ của Đảng Lao Động Việt Nam lúc ấy, nên đã bị báo chí đương thời phê phán cùng với sự phê phán nhóm Nhân Văn Giai Phẩm nói chung ". Người chấp bút danh mục này là Văn Tâm (1933-2004) cùng đã bị liên lụy trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm và bị treo bút trong nhiều năm.

Các tác gia dính líu đến vụ án này hầu hết đều có mặt, nhưng không có Thụy An, Phùng Cung ; nói chung, là được giới thiệu ân cần, có khi là bao che ; ví dụ như về Hoàng Công Khanh : 1940-1945 bị chính quyền Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La do tham gia biểu tình chống chính sách thực dân ". Câu này chỉ đúng một nửa trước ; không lẽ chỉ vì biểu tình mà phải ở tù đến những 5 năm ?

Trong các tác gia được phục hồi, không có Nguyễn Bá Trác, tác giả (hay là dịch giả ?) bài thơHồ Trường, và nhiều trước tác khác, không lẽ TĐVH lại hẹp lòng hơLược Truyện các Tác gia, 1972 ?

Về mặt lý luận, TĐVH đánh giá chừng mực, khách quan hơn trước. Ví dụ về Tự Đức, thay vì Tự Đức đã đi đến cắt đất, đầu hàng, mở cửa cho thực dân Pháp " thì Bộ Mới uyển chuyển hơn : " ông đã đi đến chỗ buộc phải cắt đất giảng hòa, mở cửa cho... ",liền sau đó, soạn giả biện bạch : Tự Đức không phải là kẻ rắp tâm phản bội dân tộc (...) ông quan tâm đến việc học hành, đào tạo nhân tài, khuyên răn quan lại (...) ông tỏ ra có lòng thương dân (...) động viên người ra mặt trận, thương khóc tướng sĩ chết trận (...) bồn chồn trông đợi tin tức quân ta... " Rõ là ân cần... Giữa tiết mục Nguyễn Hồng Nhậm (Tự Đức) và Nguyễn Hiển Dĩnh, nhà soạn tuồng, thì Bộ Mới đã thêm vào Nguyễn Hiệt Chi và nhất là Nguyễn Hiến Lê, hơn hai trang, gấp đôi phần Hồng Nhậm.

Tiện đây, cũng nhắc qua soạn giả : bài thơ nôm Khóc thị Bằng không phải của Tự Đức mà là của Nguyễn Gia Thiều. Ngô Tất Tố đã chứng minh điều này từ năm1941, trong cuốn Thi văn Bình Chú, Lê-Mạc-Tây Sơn[2] mà TĐVH không biết, vì chỉ nhắc đến bộ " Việt Nam Văn Học, mới hoàn thành hai tập đời Lý đời Trần, 1942 ". Những tuyển tập, toàn tập Ngô Tất Tố xuất bản gần đây cũng không nhắc gì đến Thi Văn Bình Chú. Ngoài ra, dường như Trần Danh Án (1754-1794) có dịch bài thơ nôm này ra chữ Hán.

Sở dĩ có sự gán ghép là vì (dường như) Tự Đức khi nhuận sắc có sửa hai chữ mảnh gương thànhcổ kính và manh áothànhtàn y, nên Dương Quảng Hàm mới nhầm ra thơ Tự Đức và trong giáo trình văn học đã ghi là của Dực Tông, rồi người sau cứ truyền tụng như thế. Ngoài Ngô Tất Tố, các chuyên gia thơ cung đình triều Nguyễn, như Phan Văn Dật, Bửu Cầm đều nói không phải của vua, vì trong thư khố, không tìm thấy vết tích gì bài thơ này, và tên họ một bà phi nào tương tợ ; hơn nữa giọng thơ trữ tình bay bướm này khó có thể là giọng Tự Đức. Sinh thời học giả Hoàng Xuân Hãn cũng nói vậy.

Một ví dụ khác đánh dấu cởi mở, là đề mục Vũ Hoàng Chương. Bộ Mới đã xóa bỏ câu này :

Tập thơ Hoa Đăng... phụ họa với bộ máy tâm lý chiến của Mỹ Ngụy. Từ chỗ sa dọa trong sinh hoạt, suy đồi trong nghệ thuật, Vũ Hoàng Chương rốt cuộc đã sa đọa cả trong chính trị", cũng tập thơ ấy, ngày nay được cũng người viết ấy xem như là " những bài bốc đồng, thiếu chín chắn về mặt chính trị của một người thực chất chỉ biết say, mộng và tràn ngâp một trời sầu" và soạn giả còn viết nhiều đoạn đề cao Vũ Hoàng Chương " tài hoa, sang trọng... đã diễn tả thật thấm thía, nhức nhối tình cảnh và tâm trạng bơ vơ, lạc loài của những cái tôi không tìm thấy chỗ đứng và hướng đi...", soạn giả lại tìm  được và trích một đoạn thơ dài ca ngợi cách mạng Tháng Tám, chói lói sao vàng hoa vĩ đại...Vũ Hoàng Chương thừa hưởng được một trang dài ngang phần với... Vũ Hạnh trấn ngay bên cạnh. Để đáp lại thịnh tình, tôi xin mách : Vũ Hoàng Chương không sinh năm 1916 như đã ghi theo lý lịch, mà sinh nhằm ngày 1 tháng tư năm Ất Mão, tức là 15 tháng 5 năm 1915. Năm 1969 ông có làm bài thơ đùa, mừng mình lên 55 tuổi (ta), vượt Khổng Minh một niên !

Nhân nhắc đến Vũ Hạnh, xin mạn phép nhận xét : soạn giả danh mục này quá ư chăm chút cho thành tích cách mạng của đương sự, nên không còn mấy quan tâm đến sự nghiệp văn học, không biết gì đến những tác phẩm có lẽ là khá nhất của Vũ Hạnh, là các tập truyện Chất Ngọc(1964), Mùa Xuân trên đỉnh Non Cao (1964), và Bút Máu(1971).

Nét thông thoáng quan trọng của TĐVH là ghi nhận nhiều tác gia miền Nam ; ngoài những người trong Mặt Trận Giải Phóng, hoặc ít nhiều quan hệ, còn có những ngòi bút độc lập như  Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Đức Quỳnh và nhiều người khác. Thông thoáng đến có lúc làm người đọc choáng ngợp, như đề mục Kim Định dài bốn trang, ngang với Nguyễn Du. Đã đành, lời tựa có nói " số trang không phản ánh tầm quan trọng " (tr. 6), nhưng người đọc là khách hàng, mua sách là có phần là mua trang, đòi hỏi tương quan giữa phẩm và lượng. Người đọc không chỉ là khách hàng, lại càng khe khắt hơn.

Một số tác gia ở hải ngoại cũng được đưa vào : Bình Nguyên Lộc hay Nhật Tiến không gây ngạc nhiên. Có Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, nhưng vắng Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, vắng cả Nguyễn Văn Trung, tác gia có sách trước tác và xuất bản trong nước sau 1975.

Nhưng chúng tôi không chê trách gì ban chủ biên, vì chưa chắc gì họ đã làm chủ đường biên.

*

Thuật ngữ văn học là một mảng quan trọng. Trong hai mươi năm qua, nhiều thuật ngữ ở phương Tây đã nới rộng, thậm chí chuyển biến nội dung. Việt Nam muốn hội nhập vào tiến trình chung trên thế giới, phải noi theo. TĐVH đã quyết tâm theo đuổi những biến chuyển trong những khái niệm, và nhiều tiết mục đã được thay thế hoàn toàn – thay cả người chấp bút ; những bài, rất nhiều, trước đây ký tên Phương Lựu được thay bằng bài của Lại Nguyên Ân, lấy ra từ sách có sẵn là 150 Thuật Ngữ Văn Học, in năm 1999, mục nào không có trong số 150 này thì loại bỏ, như trào lưu văn học " " trường phái văn học; bỏ cả Tư Tưởng Văn Nghệ Lê Nin Tư tưởng Văn Nghệ Mac-Angghen hai đề mục dài bốn trang rưỡi của Phương Lựu ngày xưa. Không hiểu đây là chọn lựa hay tranh chấp nội bộ, nên tôi không dám lạm bàn.

Chuyện lý thuyết văn học vốn vô cùng vô tận, khó thảo luận ở đây. Nhưng cũng xin góp ý : trữ tìnhkhông phải là một từ khó ; người đọc hiểu trữ tình đơn giản như trữ gạo, trữ nước, cũng không đến nỗi  sai. Từ Điển Tiếng Việt của Văn Tân 1977 định nghĩa ngắn gọn " nghệ thuật nặng về tình cảm của con người". TĐVH giảng giải trong một trang dài, làm người đọc phát hoảng, ngay từ dòng đầu : thuật ngữ chỉ một trong ba phương thức biểu đạt của văn học (bên cạnh tự sự và kịch). Vậy toàn bộ sân khấu Cải Lương thì sao ? Người Pháp gọi kịch hát (opéra) là sân khấu trữ tình (từ lyrique tiếng Pháp do cây đàn lyre mà ra) ; tác giả viện dẫn Hégel, nhưng Hégel có nói thế thật không, hay chỉ nói đơn giản hơn : trữ tình là diễn đạt tình cảm cá nhân, đối lập với anh hùng ca, và bi kịch [3] . Tôi có thể đưa ra thêm vài ba ví dụ để bàn vui với các soạn giả, nhưng bài này không phải nơi và chưa phải lúc. Chỉ tóm tắt : từ điển văn học, nước nào cũng vậy, bao gồm những khái niệm văn học trình bày dưới dạng thuật ngữ, nhưng từ điển văn học tự thân nó, không phải là tự điển thuật ngữ.

*

Một số chi tiết cần được bổ khuyết hay điều chỉnh.

TĐVH thiếu thông tin, để trống nhiều chỗ. Tôi xin mách :

- Nhà văn Trọng Lang, tác giả Hà Nội Lầm Than, năm 1954 di cư vào Nam, có viết cuốn Điên Thời Đại(1964), qua đời tại TPHCM ngày 29-4-1986.

Nhà văn Đỗ Tốn tác giảHoa Vông Vang, cũng vào Nam thời ấy, gia nhập quân đội, làm việc tại Nha Địa Dư Đà Lạt, qua đời ngày 22-10-1973 tại Sài Gòn vì đứt mạch máu não. Đỗ Tốn quê ở Vĩnh Yên chứ không phải Hà Nội.

- Nhà thơ Thái Can, bác sĩ, mở phòng mạch tại Đà Nẵng, rồi sang Hoa Kỳ, qua đời tại California ngày 22-4-1998.

Một số năm tháng cần tra cứu lại :

- Về Xuân Diệu, bản 1984 cũng như Bộ Mới ghi ngày sinh là 2-2-1916, khi các tư liệu khác ghi 1917 ; tác giả cho trồi lên một năm có lẽ vì biết Xuân Diệu tuổi Thìn, vậy 1916 hợp lý hơn ; nhưng không may, ngày 2 tháng 2 lại rơi vào 29 tháng chạp (thiếu) năm trước, là Ất Mão ! Hoàng Trung Thông nhớ rõ và nhắc lại là Xuân Diệu sinh ngày Thìn, tháng Thìn, năm Thìn [4], nhưng vẫn ghi 1917. Nay thử so lại thì thấy : Xuân Diệu sinh ngày Nhâm Thìn, tháng Nhâm Thìn, nhằm ngày 23 tháng 3 năm Bính Thìn, tức ngày 25-4-1916.

Soạn giả đề mục này có vẻ là chuyên gia của Thơ Mới và văn chương tiền chiến ; viết về Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, từ 1984, ông ghi là xuất bản tại Hà Nội, khi mọi người đều biết là tại Huế. Sai nhỏ thôi, nhưng nhỏ lớn gì, sai vẫn là sai. Cái điều lạ lùng là từ hai mươi năm nay độc giả hay các chuyên gia văn học không ai mách để ông sửa một lỗi sơ đẳng như vậy.

Chèo, Ký hoạ của Bùi Xuân Phái.

- Huy Cận sinh năm 1919 nhưng không phải ngày 31-5 ; ngày này là do ông cậu bịa đặt khi làm giấy khai sinh lúc Huy Cận vào trường huyện, đã lên 8 tuổi. Chính Huy Cận đã nhiều lần công bố điều này.

- Tô Hoài không sinh ngày 7 tháng 9. Ông ấy không biết ngày sinh, được bà cụ kể là sinh đêm Trung Thu 16 tháng 8, suy ra dương lịch là ngày 27-9-1920, các thư tịch Hội Nhà Văn đều ghi đúng.

- Nhà văn Tam Lang mất tại TPHCM ngày 7-1-1986 chứ không phải 1983.

- Kịch tác gia Vi Huyền Đắc, sinh ngày 19 tháng 1 năm 1899, chứ không phải 18-12, tại Hải Phòng chứ không phải Trà Cổ, Quảng Ninh là chính quán, theo báo Văn, Sài Gòn, số 136, ngày 1-10-1969.

- Thế Lữ tên là Nguyễn Đình Lễ ; Khái Hưng tên là Trần Dư, vân vân...

Đây là những chi tiết nhỏ, nhưng ít ra cũng chứng tỏ là tôi đọc TĐVH cẩn thận,  viết với tinh thần phê phán căn cơ. Với rất nhiều nhiệt tình và phấn khởi.

Chúng tôi chỉ nhận xét về những đề mục văn học hiện đại. Về văn học cổ điển, TĐVH cũng có chỗ bất cập, mà học giả Nguyễn Hữu Sơn đã vạch ra khá nhiều và minh bạch, trên báo Văn Nghệ, Hà Nội, ngày 9-4-2005. Xin bạn đọc vui lòng tham khảo thêm.

*

Mục tiêu của ngành nghề phê bình không phải là việc khen chê, cho dù phải đánh giá. Nói lên cái đúng, chưa đúng hay thiếu sót không phải là để khen chê, ít nhất là trên bình diện khoa học. Nhưng mọi nhận xét đều phải ngay thẳng và cụ thể, do đó bài này đã phải đưa ra nhiều dẫn chứng tiêu biểu cho chỗ yếu, chỗ mạnh, nhất là chỗ cách tân và canh tân của TĐVH.

TĐVH đã hóa thân theo hướng tiến bộ, nghĩa là đầy đủ, chính xác, phóng khoáng, uyển chuyển hơn trước, theo xu thế chung của văn minh thế giới. " Bước qua lời nguyền ", ban chủ biên và các đồng sọan giả đã tự giải phóng ra khỏi giáo điều, giải phóng văn học, đưa văn học vào những cố gắng của xã hội, từ những trăn trở, đang chuyển mình vươn tới tự do, dân chủ.

Có người sẽ cho rằng TĐVH là thành tựu của chính sách Đổi Mới. Nói vậy không phải là sai, nhưng lại rơi vào giáo điều. Thật ra TĐVH là thành quả những chuyển hóa tư duy  ngấm ngầm và dài hạn của toàn bộ xã hội, mà ban chủ biên và các soạn giả đã linh cảm, liên cảm và đồng cảm sâu xa, rồi  từ đó đúc kết, phát huy, tổng hợp, và cố công thể hiện khi hoàn cảnh cho phép.

Nhờ vậy, nó hy vọng sẽ làm tiền đề cho nhiều cách tân văn học trong tương lai.

Và chào mừng Từ Điển Văn Học Bộ Mới hôm nay, là kỳ vọng vào nền văn học, và xã hội Việt Nam, ngày mai.

Đặng Tiến

Paris, ngày14/4/2005

[1]Từ Điển Văn Học Bộ Mới, 2182 trang, nxb Thế Giới, 2004, Hà Nội.Ấn bản trước gồm 2 cuốn : tập I, 640 trang, 1983 – tập II, 480 trang, 1984, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

[2] Ngô Tất Tố, Thi Văn Bình Chú, Lê-Mạc-Tây Sơn, tr. 91, in lần thứ ba. Nxb Thế Giới, Sài Gòn, 1957. Nxb Đỗ Xuân Mai in lần đầu 1941, Hà Nội

[3] Hegel, EsthétiqueMỹ Học, ấn bản Benard, cuốn 5, tr. 1. Trích Đoạn, nxb P.U.F., tr. 133, 1959, Paris.

[4]Tuyển Tập Xuân Diệu, tr. 14, nxb Văn Học, 1986, Hà Nội.
 

Source : http://www.diendan.org


Trở Về   ]