Chim Việt Cành Nam         Trở Về  ]                [ Tác giả  ]

 
Cây Đại Thụ Toan Ánh
Phần 2
LaiQuangNam
Hôm nay, tại Việt Nam cụ vẫn còn nằm trong hòm kiếng, nhìn khuôn mặt cụ thanh thản, các con cụ đã tề tựu về vây quanh. Chu đáo và ấm cúng. Nắp vẫn chưa đóng, có lẽ còn đang chờ người con trai còn ở Canada chưa về kịp, giờ này chắc anh đang sốt ruột chờ chuyến bay để về Sài gòn nhìn cha già lần cuối.

Văn là người.

Xin mời đọc thử hai đoạn văn ngắn của Lão tiền bối viết vào giữa thập niên 60_70.

-o0o0-

Làng Xóm Việt Nam - Toan Ánh

01-Chùa

Chùa thường xây ở nơi phong cảnh thanh u, bởi vậy người ta hay tìm nơi gò cao để xây chùa, nếu không người ta cũng tân đất lên cho cao hơn nền thường.

Nhiều làng cất chùa ở những nơi danh lam thắng cảnh thật là rộng rãi đẹp đẽ như chùa Hương làng Yến Vĩ, tỉnh Hà Đông, hoặc chùa Thầy làng Thụy Khê, tỉnh Sơn Tây. Những làng trung du thường xây chùa ở ven sườn núi hay trong hang núi như chùa Láp làng Tích Sơn, tỉnh Vĩnh Yên, chùa Trầm, làng Long Châu, tỉnh Hà Đông .v.v...

Chùa từ ngoài đi vào thường đi qua một sân đất ở trước tam quan. Hai bên có hai hàng phỗng đá hoặc chó đá.

Từ sân đất bước lên tam quan có một bực xây gạch.

Tam quan là một căn nhà ba gian có ba cánh cửa khá rộng, và ba cánh cửa này đều được coi như ba cửa chính, thường đóng quanh năm, trừ những ngày hội hè, sóc vọng hoặc Tết nhất.

Cạnh tam quan về phía tay phải, thường có thêm một cổng bên, cổng này luôn mở trong những ngày thường, và trên cổng này là gác chuông. Cũng có chùa, gác chuông ở trên tam quan. Trên gác chuông có quả chuông lớn. Tăng ni lên thỉnh chuông phải leo một cầu thang có khi xây bằng gạch có khi chỉ là một chiếc thang gỗ.

Nhà tam quan thường chỉ dùng làm nơi cho các hào mục trong làng hội họp khi bàn tính tới việc chùa.

Khỏi tam quan là một lớp sân rộng lát gạch.

Qua khỏi lớp sân này là nhà thờ Phật gồm chính điện và nhà bái đường.
 

02-Hội chùa

Khi nói đến hội làng phải nói tới cả hội chùa.

Chùa thường mở hội vào dịp kỵ nhật vị sư tổ đầu tiên của ngôi chùa.

Hội là hội chùa, nhưng sự tổ chức cũng phải được sự đồng ý, nhất là sự bảo trợ của ban hội đồng kỳ mục trong làng.

Thường ngày hội, ban hội đồng được nhà chùa xin phép và mời họp ở tam quan chùa để ấn định chương trình của ngày hội. Tuy gọi là hội chùa nhưng ngoài việc tụng kinh lễ Phật, cũng có những tổ chức những trò vui như đánh đu, cờ người, cờ bỏi, v.v... để dân làng mua vui. Ban hội đồng kỳ hào ngoài việc bảo trợ về tinh thần cho nhà chùa, còn giúp đỡ thêm cả tài chính để tổ chức những cuộc đàn chay; những chi phí về các trò vui cũng do quỹ làng gánh vác.

Nhân dịp giỗ sư tổ này, nhà chùa làm cỗ chay trước là cúng Phật, sau là cúng sư Tổ. Cúng xong, nhà chùa khoản đãi dân làng tới lễ.

Những người đi lễ, ăn bữa cơm chay, tục gọi là thụ trai đều tự ý góp tiền bạc ít nhiều để giúp đỡ nhà chùa. Thụ trai xong, khi ra về họ được nhà chùa tăng lộc Phật gồm oản, chuối.

Oản do nhà chùa đồ xôi đóng thành oản, còn chuối một phần do nhà chùa mua ở chợ, nhưng phần lớn do thiện nam tín nữ mang tới lễ Phật với trầu, cau hương, nến.

Trong những ngày hội chùa, các bà vãi thường tới chùa kể hạnh, nghĩa là tụng những bộ kinh nhắc lại sự tích đức Phật và chư vị bồ tát với đức hạnh của các người. Thường các bài kể hạnh hay nhắc tới sự tích Quan Âm Thị Kính với những sự hàm oan của người.

Toan Ánh
-o0o0-


Cảm nhận của người ăn theo laiquangnam :

 
01-Phần tản văn

Cảnh sắc xưa giờ này liệu có còn?. Tỉ lệ còn bao nhiêu phần trăm ? ( ?%) .

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ

Vũ đình Liên
...

Đọc văn cụ nhẹ nhàng có lẽ chúng ta cũng thú vị chẳng thua kém gì khi đọc một bài thơ Đường của Thường Kiến. Càng thú vị hơn nếu như bạn tuổi đời đã lơn lớn, nay đang đi bên cạnh người bạn đời, hay bạn là người trẻ tuổi đang đưa người yêu vào viếng chùa , cảnh sắc nầy khiến tâm hồn bạn càng thêm sâu lắng. Chúng ta cũng còn gặp đó đây những cảnh chùa như thế này ở Huế ,trên đường đi lên lăng, hay một vài chùa đâu đó còn sót... .Mong quý bạn gặp may mắn , không bực bôi vì bị sự quấy rầy bởi lực lượng hùng hậu ăn xin, xin đểu và vv .....

常建
Thường Kiến
Nguyên tác
題 破 山 寺 後 禪 院

清 晨 入 古 寺,
初 日 照 高 林。
曲 徑 通 幽 處,
禪 房 花 木 深。
山 光 悅 鳥 性,
潭 影 空 人 心。
萬 籟 此 俱 寂,
惟 聞 鐘 磬 音。

Phiên âm

Đề Phá Sơn tự hậu thiền viện

Thanh thần nhập cổ tự
Sơ nhật chiếu cao lâm
Khúc kính thông u xứ
Thiền phòng hoa mộc thâm
Sơn quang duyệt điểu tính,
Đàm ảnh không nhân tâm
Vạn lại thử câu tịch
Duy văn chung khánh âm.

Chú vài từ và tạm dịch nghĩa

Thiền viện sau chùa phá sơn
Sáng sớm vào cổ tự
Trời ban mai chiếu rừng cao
Đường quanh co thông với vùng thâm u
Phòng thiền cây hoa rậm
Núi sáng làm đẹp lòng chim chóc
Ảnh đầm khiến lòng thanh thản
Vạn tiếng đều im lặng
Chỉ nghe tiếng chuông khánh

Thanh thần là thời điểm ban mai lúc mặt trời mới mọc .

Dich thơ quốc âm

Phá sơn tự hậu thiền viện

Lòng thanh thản bước vào cổ tự
Mặt trời mai chiếu nhứ rừng cao
Quanh co u tịch nẽo vào
Phòng thiền hoa đượm cây thao thức nhìn
Núi tỉnh lặng muôn chim an trú
Mặt hồ quang lòng tự thảnh thơi
Nơi đây tỉnh lặng tuyệt vời,
Có chăng chuông khánh rót lời vào tim! .
                 Laiquangnam

02-Phần thi ca
Tôi nhớ tuồng như giáo sư Nguyễn Hưng Quốc viết trong tập tiểu luận "Nghĩ về thơ" có ý kiến trải nghiệm như thế này         " ngày nay , dòng thơ Song thất lục bát hầu như mất hẳn, và dòng thơ thất ngôn bát cú thì hay được dùng trong mảng văn thơ trào phúng, nó nằm trong các ngóc ngách nào đó trên các trang nhật báo, hay tuần báo .." .Tôi tự hỏi không biết khi làm bài thơ dưới đây, ở độ tuổi 60 ngoài, cụ viết " dễ hay khó ". Cụ viết với ý trào phúng hay viết như là lời tự sự nội tâm cho chính mình bằng thể thơ quen thuộc của người xưa.

Trường chay

Ớt chẳng, gừng không vị vẫn cay
Nhờ ơn trời đất được trường chay
Rau đay,rau muống quên thời thế
Khoai ngứa khoai lang lấp tháng ngày
Quen thói dạ dày chê cá thịt
Đói lòng thân xác sợ mưa mây
Tòa sen Đức Phật cười khen giỏi
Ngày trước ...tao tu cũng giống mày
            Toan Ánh
( Nguyễn Anh Khiêm sao lục )

Đôi khi đọc nhanh Khách thơ không thấy được cái tài hoa của người sáng tác.

Xin quý khách thơ cho tôi được làm "tài lanh tài khôn" lần này mà lạm bàn đôi điều mình cảm nhận, bởi tự hỏi _"có gì hay để bản văn này còn có người lớp sau ghi nhớ trong lòng?" . Đọc lại và ngộ ra một điều, ngôn ngữ Việt đáng yêu biết chừng nào! .

Ai lỡ có lần dại mồm dại miệng phát biểu "nôm na là cha mách qué" bởi cho rằng chữ viết của ta ta làm gì có sự "khóa tự" như chữ Tàu, được bởi các bộ trong chữ Tàu khiến chữ nghĩa của họ được phân nghĩa rõ ràng, nhưng họ đâu biết rằng dân Quảng Nam tụi tôi nói các âm sai chính tả nhiều lắm, nhưng viết thì tương đối ít sai trừ các lỗi hỏi ngã thì sai lia chia, khó khắc phục. Tại sao vậy , nhờ đâu mà ít lỗi ?, ngay từ khi học vở lòng abc tại quê nhà thì thầy giáo già khi dạïy tập viết cho đám học trò nhỏ, thầy luôn luôn viết biễu diễn cho họïc trò xem trong tập của từng đứa, thầy vừa viết vừa giảng ý nghĩa của từng ký hiệu của âm, tỉ như đay là rau đay, đay còn có nghĩa là đay nghiến, còn đau đớn thì là đau, a+u ( rất dễ lầm khi nói, khi nghe âm giọng trong tiếng Quảng); rau muống thì muống có g, mà muốn không g nghĩa là ham muốn; ngứa? chần chừ một lát ...thầy cười hóm hỉnh thì gãi! ... vì không có nước để tắm! hiểu chưa?...., rồi thầy hạ mục kính nhìn người học trò đang còn quẹt mũi, cười !, ôi cái cười của thầy giáo tôi ngày ấy sao mà dễ thương mà gần gũi đến như vậy; rau lang thì có g , lan là tràn lan thì không g ..rõ ràng chậm mà tuyệt hảo, ngày nay người Tàu đang cố hết sức la tinh hóa thứ chữ vuông của mình, họ còn đang chật vật lắm.

Do ăn chay nên ông không cho chúng ta ăn ớt và gừng cho đủ mâm đủ bát. nhưng lại nhắc, tuồng như có ý khiêu khích, cắc cớ là chỗ ấy, hóm hỉnh là chỗ ấy. "Ớt chẳng,gừng không vị vẫn cay!",. không biết câu này ông có chơi chữ, nói không là có, nói có là không ? . Tôi nghĩ cái ác trong hành văn của người Kinh bắc này lại là nhứ nhứ cái món khai vị cho chúng ta đày màu sắc cay nồng ớt, món "đầu tiên?", mà không có. Trời đất ơi! trong phép ăn chay ớt là thực phẩm người dọn ra phải cố tránh. Nhắc làm gì, quên không được sao cụ ơi!.Không ăn mà còn muốn nữa huống hồ gì ăn, thì ra một cách" tăng đô" của ngôn ngữ thơ. Không ăn những thứ kích thích này mà ...ngứa!, mà đay! ( không biết" ông già tây học này "có chơi chữ "die" không ? , có thể lắm! "Bắc kỳ thâm mà! " [con xin lỗi cụ, với con, cụ là " number one" rồi, cụ dễ thương quá mà, tại vì quen miệng cái thành ngữ Việt, cố tật này tập quên mà chưa bỏ được đó thôi ], đã "die" mà còn "muốn", còn "lan", còn mong "lấp tháng ngày". "Đói lòng thân xác sợ mưa mây" như là một bất hạnh của người đàn ông trung niên vì "trường chay"! vào thời buổi ấy .

Xét cụm "sợ mưa mây " , nếu trong đó "sợ mưa mây" mà dùng đúng từ là "mưa mây" , thì mưa mây là cơn mưa chùm mây. Các cơn mưa làm tăng sự oi bức bởi lượng nước quá ít làm hơi nóng trên mặt đất bốc lên mang theo hơi độc khiến người trong cuộc rất dễ bị bịnh, bên cạnh cái khổ, nước hiếm hứng đâu đủ tắm, lâu tắm rửa thì càng ở dơ, càng ở dơ thì càng ngứa bạo,thì càng gãi bạo...thế mới thấy cái tuyệt kỹ làm sao "cái ông già này!"; nhưng nếu mưa mây là "mây mưa" thì người Kinh Bắc này đang buồn vì thiếu ba cái chuyện ..."muôn đời "... , không biết người đàn ông vào tuổi 60, lúc ấy đã muốn dùng chữ nào?. Đúng là một "ông già Bắc kỳ dễ thương", người đã một thời bay nhảy mà nay đành ăn "Trường chay" mới tội nghiệp làm sao. Ăn mà lòng người trong cuộc chẳng muốn ăn. Lỗi tại cụ thôi, đã "Trường chay", vậy mà mà còn nhắc chi bác "ớt" , chú "gừng" mà khiến ông càng nhớ những ngày nào đó , ông hay dùng lai rai trong các buổi vui cùng bè bạn, cho nên " Đói lòng thân xác sợ mưa mây" là một câu than, phải chi có dăm ba ngày thịt thà thì đâu có sợ mưa mây như dzầy.Thiệt hết biết! Cụ Toan Ánh ơi là cụ Toan Ánh!.

Đọc bài thơ mà tuồng như như thấy cụ đang gãi gãi như thể Tề thiên đại thánh trong Tây du ký , đang khổ sở dấu cây thiết bản yếu xìu trong lưng, vừa phân bua với Phật tổ, lí nhí vài câu nhờ Phật tổ cứu bồ, vì lòng mình đang có điều khó nói. Không nín được, Bụt đành bật miệng , "Ngày trước ...tao tu cũng giống mày!". Hạnh phúc thay khi Cụ đã gặp đúng ông Bụt muôn đời trong tâm thức người Việt. Một ông Bụt tu khổ hạnh và thanh tú, nụ cười hiền khô, chứ đâu có như cái ông Bố Đại hòa thượng của Tàu đưa cái bụng đầy ứ mỡ cười toe toét thấy mà ghê, ông Bố Đại đang được thờ đâu đó trên đất nước này như là vị "phật tương lai" như trong các chùa mang rặc bản sắc Tàu, có lẽ đa phần với các thầy chùa ít học nên họ thần tượng thứ chữ hình vuông hơn chữ quốc ngữ của con dân Đại Việt Lý Trần chúng ta đang dùng chăng..

Bụt cười ...

"Ngày trước ...tao tu cũng giống mày!".

Ước chi đời mình trong giấc mơ được thấy Bụt xoa đầu mình cười

"Ngày trước ...tao tu cũng giống mày!".

Chúng con xin chúc cụ đi vào cõi vĩnh hằng , lòng thư thả , sớm được Bụt đưa tay cứu độ.

Saigon, giữa tháng năm .
Laiquangnam


  [  Trở Về  ]