Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]

Hồ Xuân Hương 
khóc Tử Minh 

TS Phạm Trọng Chánh

 Lấy gì làm bằng cớ thơ truyền khẩu của Hồ Xuân Hương, là thật sự của tác giả ? Ba bài thơ  Hồ Xuân Hương khóc  Tử Minh trong văn bản Landes là một chứng cớ, nối liền thơ truyền khẩu và văn bản : vì thơ phúng điếu chỉ cóở gia đình người đã mất. Câu thơ « không ruột nhưng mà thương quá ruột » của Hồ Xuân Hương cho ta biết, gia đình Tử Minh là người thân duy nhất tại làng Nghi Tàm. Hồ Xuân Hương mất không thân quyến, con cái, những kỷ vật, di cảo Hồ Xuân Hương để lại, nếu có thì do gia đình Tử Minh cất giữ. Theo bài thơ Tử Minh mất khoảng năm 1811để lại hai cháu trai, vợ và em gái chăm sóc cha mẹ già.  Năm 1892 khi chép thơ Hồ Xuân Hương cho Antony Landes, Lê Quý, Nguyễn Văn Đại có đến tận làng Nghi Tàm, gặp con cháu Tử Minh và chép lại những di cảo thơ Hồ Xuân Hương do họ sưu tập. Nếu con Tử Minh còn sống thì 70 năm sau ngày Hồ Xuân Hương mất, họ khoảng dưới 80 tuổi. Văn bản Xuân Lan của Nguyễn Ngọc Xuân năm 1913 và văn bản của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến năm 1917 dựa trên văn bản này, vì ông Nguyễn Hữu Tiến từng làm việc ở Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Antony Landes(1850-1893)  nguyên giám đốc Trường Thông Ngôn ; ông là người đầu tiên sưu tập văn chương Việt Nam, trước khi Trường Viễn Đông Bác Cổ ra đời năm 1898 và thành lập cơ sở tại Hà Nội năm 1900 do Louis Finot làm giám đốc đầu tiên. Ông là tác giả bản dịch Nhị Độ Mai ra tiếng Pháp (Les pruniers refleuries, poèmes tonkinois. Saigon 1883. Cổ tích và thần thoại Việt Nam (Contes et légendes anamites, nxb Thuộc địa 1886. Chuyện cổ Chàm (Contes Tjames). Antony Landes chết đuối trên sông Saigon ngày 23-2-1893.

Là một người yêu văn học, thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ và chữ Chăm. ông đã tổ chức thuê mướn người chép lại, những chuyện cổ tích thần thoại Việt Nam và Chăm.  Sau truyên thơ Nhị Độ Mai, nhà thơ ông lưu ý sưu tập đến trước tiên là Hồ Xuân Hương. Tiếc thay ông mất sớm trong một tai nạn, bị chết đuối trên sông Sài Gòn. Các văn bản Hồ Xuân Hương về sau được lưu trữ tại Société  Asiatique Paris về sau được Maurice Durand sử dụng trong tác phẩm Hồ Xuân Hương (L'œuvre de la poétesse vietnamienne Hồ Xuân Hương Eds Ecole Français d'Extrême Orient Paris 1968).

Những người được Landes, thuê chép văn bản là ai ? trước khi Trường Thông Ngôn đào tạo những thầy Thông đầu tiên thế hệ Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút Đông Dương tạp chí và Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong Tạp Chí. Người biết chữ Pháp, chữ quốc ngữ, chữ Nôm, chữ Hán đều xuất thân từ các trường dòng, đa số xuất thân từ các cô nhi viện, hay gia đình nghèo khó, do việc cấm đạo tại Việt Nam, họ được học tập tại tu viện Mã Lai. Con đường tu học trở thành linh mục không phải ai cũng thông suốt. Một số người đã bỏ cuộc, hoàn tục, vì lý do muốn hoàn tục lập gia đình, vì hạnh kiểm yếu kém Giáo hội không cho phép tiếp tục con đường tu tập..họ được người Pháp sử dụng trong việc thiết lập hệ thống cai trị tại Việt Nam. (Xem Nguyễn Xuân Thọ.Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam 1858-1897 TGXB California 1995.) có người trở nên những nhà văn hóa lớn có công lao trong công việc chuyển tiếp từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ  như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của. Có người trở nên những đại gia tỷ phú, nhờ biết chữ Pháp, thu mua đất đai do người bỏ đi tỵ địa sang đất triều đình miền Trung, trở thành những tỷ phú : như Huyện Sĩ, Tổng Đốc Phương.. Có người làm thông ngôn trong đoàn quân viễn chinh Pháp, đánh 'giặc' Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám.. rồi trở thành Tổng Đốc, hay đại thần triều đình Huế, thành Hiệu Trưởng trường Quốc Tử Giám không cần qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Ngày nay đã qua rồi, thế hệ cuồng nhiệt, đam mê đấu tranh dành độc lập, bài ngoại đến cả đốt Tự Điển Pháp Việt, bỏ cả việc học tiếng Pháp , tiếng Anh bậc Trung Học, Đại Học.. nhìn người Pháp nào cũng là Tây thực dân, người có liên hệ đến người Pháp là việt gian, là gián điệp (trường hợp Giáo sư Mauric Durand và Thụy An). Ta khám phá ra không chỉ có Yersin là có công trạng về y tế với dân tộc Việt Nam, có những người Pháp phái tả tranh đấu cho độc lập Việt Nam, mà có những người Pháp yêu văn hóa Việt Nam, có người là dâu, rể có vợ, chồng Việt Nam, hay mang hai dòng máu .. có công lớn trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam. Nếu không có việc làm của họ mướn người thuê chép, lưu giữ giùm văn bản, thì văn hóa Việt Nam qua khí hậu nhiệt đới, mối mọt gậm nhấm ngày nay chúng ta sẽ chẳng còn gì . Tuy nhiên khi sử dụng văn bản chúng ta cần thận trọng vì nhiều yếu tố có thể sai lạc :

Trong văn bản thơ Hồ Xuân Hương do Landes mướn người sao chép có lẫn lộn nhiều phần :

1. Thơ vua Lê Thánh Tôn, thơ Lê Quý Đôn, thơ chúa Trịnh Sâm,  đó là những nhà thơ Hồ Xuân Hương xem như bậc thầy. Đôi khi lẫn lộn thơ Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh Quan) vì bà là học trò Hồ Xuân Hương ngang tuổi với con Tử Minh.

2. Những bài thơ do chính Lê Quý, Nguyễn Văn Đại bịa đặt ra nhằm mục đích thêm trang để được tiền thưởng.

3. Những bài thơ nhằm đánh đổ Phật Giáo xuất hiện vào đầu thời Pháp thuộc, sau cuộc khởi nghĩa thất bại của các nhà sư Vương Quốc Chính, Nguyễn Văn Quý tại miền Bắc, nhà sư Võ Trứ tại miền Trung, Phan Xích Long tại miền Nam, hàng loạt các nhà sư bị bắt, bị tù đày, bị giết, khám đường chật ních các nhà sư, các nhà sư bị miệt thị là giặc thầy chùa, giặc đầu trọc. Hai mươi ngôi chùa tại Sài Gòn được xem là 'chiến lũy chùa chiền' chống Pháp bị phá sạch..

4. Những câu thơ của Hồ Xuân Hương bị sửa đổi để biến thành dâm tục. Ví dụ  ' Thềm đá'  xanh rì lún phún rêu, đối với  'cửa son', bị đổi thành 'hòn đá'.

Các bài thơ Vua Lê, đã khắc trên vách đá, trên văn bản triều đình ký tên Thiên Nam Động Chủ, những thơ này dù bị sửa đổi vài chữ để biến thành dâm tục như bài Đánh đu, Chợ trời, Đền Khán Xuân, Thằng mõ, Thằng bù nhìn.. ta không thể xem là thơ Hồ Xuân Hương, vì nhận là mang tội đạo văn.

Những bài thơ do chính Lê Quý, Nguyễn Văn Đại bịa ra rất dễ nhận vì trình độ thơ kém cỏi, đôi khi có những chữ như chú Cẩm làông commissaire chỉ có vào thời Pháp thuộc.

Những bài thơ nhằm đánh đổ Phật Giáo, ngược lại với trình độ học rộng và uyên bác về Phật Giáo của Hồ Xuân Hương trong thơ chữ Hán như chín bài thơ vịnh cảnh Đồ Sơn.., thơ chữ Nôm truyền khẩu thì dốt đặc cán mai về Phật Giáo, chỉ biết qua bề ngoài đầu trọc lóc, áo không tà. Chùa Quán Sứ thời Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du là Nha Tuyên vũ nơi tiếp sứ thần các nước, nơi các sứ đoàn ra đi trực  thuộc triều đình do triều đình bổ nhậm chức tăng cang không thể là nơi ở của một ông sư đa dâm.Thời Pháp thuộc chùa Quán Sứ trở thành trung tâm đầu não công cuộc chấn hưng Phật Giáo và đào tạo tăng tài.  Danh tánh các vị sư trụ trì chùa Quán Sứ thời Pháp thuộc có thể tra cứu là nơi các vị đạo đức, phẩm hạnh cao trọng từ sư cụ Vĩnh Nghiêm Thanh Hanh, Hoà Thượng Tế Các  Phan Trung Thứ, Hoà Thượng Bằng Sở Dương Văn Hiển, đến HT Tố Liên, HT Trí Hải.., không ai có điều gì lem nhem.

Loại khỏi văn bản những bài thơ ngụy tạo, còn lại những thơ thật của Hồ Xuân Hương gần với thơ Lưu Hương Ký. 

Tóm lại Hồ Xuân Hương có làm thơ quỷ, thơ trêu chọc, thơ ngâm dỡn khúc , nhưng những thơ này tao nhã chứ không thô tục. Hồ Xuân Hương làm những thơ này thời còn thanh xuân lúc mới  tập viết, tập làm thơ, thời mười năm lận đận lấy Tổng Cóc, mở hiệu sách, đi buôn khắp nơi các hội làng, và có một số thơ viết trước khi mất. Những thơ này Hồ Xuân Hương không chép trong Lưu Hương Ký, hay Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập. Cùng với ba bài khóc Tử Minh là bai bài thơ Vịnh Hoa Cúc và Vịnh tiết Thanh Minh cho ta thêm những sự kiện về người thật việc thật làng Nghi Tàm.

Ba bài thơ khóc Tử Minh, Lê Quý, Nguyễn Văn Đại ghi nguyên chú :  " Tử Minh vốn người tài hoa, vào trạc bốn mươi, văn chương học vấn thật là tú khẩu cẩm tâm, nhả ngọc phun châu. Tử Minh và Xuân Hương đi lại thâm tình. Tình sâu keo sơn, nghĩa tựa chi lan. Tử Minh chết Xuân Hương đau đớn vô cùng, nên làm ba bài thơ điếu. "

KHÓC TỬ MINH  (bài I)

Ơi hỡi ơi hời chết Cả Tân !
Suy ra tạo hóa ác vô ngần.
Ba gian nhà học từ đây vắng,
Mấy lớp khoa thi những vắng dần.
Chăm cháu thầy Tư đau chín khúc,
Thương con bác Sáu khổ trăm phần.
Kêu cha lăn lóc, trông đàn trẻ.
Suốt họ ai là chẳng dậm chân.

KHÓC TỬ MINH (bài II)

Tử Minh thôi thế thế là thôi,
Khắp họ ai không dạ ngậm ngùi.
Đèn sách mười năm lo bác dọn,
Xuân huyên hai nếp để em coi.
Kìa người văn hội thăm đông đúc,
Nọ lũ môn sinh khóc đứng ngồi.
Chẳng ruột nhưng mà thương quá ruột,
Con thơ vợ dại Tử Minh ơi !

KHÓC TỬ MINH (bài III)

Tai mắt thông minh cũng một đời,
Mười năm đèn sách phải lo trời.
Văn chương chôn chặt trong ba thước,
Hồ thỉ lưng chừng trạc bốn mươi.
Phong vũ hối minh ư tỉnh bái,
Thần hôn định tỉnh để cho ai ?
Đền bồi chẳng nhẽ trời không mắt,
Cú hoạ trông hai đứa cháu trai.

Đọc bài thơ ta cảm động với ngôn ngữ ứng khẩu chân thành của Xuân Hương khóc một người thân, một người em, dựa vào ba bài thơ cho ta biết người thật và việc thật chung quanh Hồ Xuân Hương và làng Nghi Tàm. Tử Minh tên gọi thân mật là Cả Tân, con đầu bác Sáu và cháu Thầy Tư, thầy Tư có lẽ hành nghề y, lý, bốc, số nên mang chức thầy. Tử Minh  là môn sinh cụ Hồ Phi Diễn, có lẽ là trưởng tràng, nên khi cụ mất năm 1786, và sau khi Xuân Hương lánh nạn lên Vĩnh Yên do chiến tranh chúa Nguyễn Ánh diệt Tây Sơn, Xuân Hương làm lẽ Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà năm 1802, Tử Minh tiếp tục dạy trẻ làng Nghi Tàm. Tử Minh mất khoảng năm 1811, 40 tuổi, tức là sinh khoảng năm 1771. Nhà học có ba gian, có cả lớp lớn dành cho thí sinh khoa thi Hương. Đèn sách mười năm Tử Minh có tham dự khoa thi Hương năm 1807 nhưng không đỗ. Tử Minh có vợ và em gái là bạn thân của Xuân Hương, có lẽ cùng đi buôn chung, trong các lời ghi chú các bài thơ thường thấy Xuân Hương đi chùa hay đi chơi với một người bạn gái khác. Gia đình "không ruột nhưng mà thương quá ruột" tuy không họ hàng nhưng là hàng xóm thân thiết nhau, cùng chia sẽ ngọt bùi với nhau, Tử Minh có hai con trai nhỏ, khi Tử Minh mất Xuân Hương thừa kế lớp dạy học, hai con Tử Minh trở thành học trò của Xuân Hương. Những ngày mưa gió Tử Minh thắp hương, tự sửa mình, tham thiền nhập định. Tử Minh thông minh ứng đối nhanh nhẹn, mọi người đều yêu mến. Khi Tử Minh mất người trong Văn Hội đến chia buồn đông đúc, các môn sinh khóc đứng khóc ngồi. Từ nay mẹ già và con dại cô em gái chăm sóc.

Hai bài thơ Vịnh Thanh minh có lời dẫn như sau:

"Bây giờ mùa xuân tháng ba, gặp tiết Thanh minh, cũng gọi là hội Đạp thanh. Người người đầu tranh lạ, đo đẹp ồn ào dầy đường, tía tía hồng hồng, chơi xuân ngắm cảnh. Hai cô dẫn sáu bảy trẻ trai, năm sáu hầu gái, dắt nhau đi chơi phía hữu Tây Giao. Ngày ấy trên đường qua lại, xe ngựa như mây, tiền giấy tro tung,  khói hương mù mịt người người qua lại, kẻđi sang hữu, người đi sang tả. Tiếng ồn ào, khi cao khi thấp trên bãi cỏ xanh om. Như thế không thể nói hết. Hai cô thấy cảnh như vậy ngâm thơ:

VỊNH THANH MINH (Bài I)
Man mác tàn tro giải mặt đường,
Ngẫn ngơ mấy lũ dạo tà dương.
Chân trời bảng lãng vầng mây bạc,
Mặt đất lơ phơ nấm cỏ vàng.
Cười lạt gióđông đào cũng tẻ,
Khóc om nội vắng ác càng thương.
Bốn bề khí muốn cơn trời lại.
Chân đất thành xây trắng ngỡ sương.

Bài  I I
Dàu dàu hai nấm lẫn vàng xanh,
Kìa nấm thâm ân, nọ nấm tình.
Mấy giọt sa thầm nơi khoáng dã,
Trăm đường tẻ ngắt kiếp phù sinh.
Dưới cành vô ngại ngờ hồn bướm,
Trên cội tàn hương rúc tiếng sanh.
Ngoảnh lại càng trông càng ngán nỗi,
Sầu tuôn vũ trụ buổi thanh minh.

Lời dẫn hai bài Thanh minh nói đến hai cô: Xuân Hương và em gái Tử Minh, người viết có lẽ bị Truyện Kiều ám ảnh nên tả cảnh giống Thúy Kiều và Thúy Vân đi hội Đạp Thanh. Dịp thanh minh, người đốt giấy vàng bạc, tàn tro bay khắp mặt đường, buổi chiều tà nhiều người còn đi thăm mộ về, chân trời mây bàng bạc, mặt đất lơ phơ các nấm mộ cỏ vàng, mùa đông trước tết hoa đào đã nở trong lặng lẽ vì người người còn lo tảo mộ người thân nên chưa vui, người nhớ thương người quá cố khóc vang đồng nội vắng trong chiều tàánh mặt trời đỏ rực càng bi thương, bốn bề hơi sương đã lên không khí nặng nề, xa xa thành Thăng Long(mới xây lại năm 1804-1807)  trắng trong sương. Bài thứ hai có nhắc đến hai nấm mộ, kìa nấm thâm ân, nọ nấm tình đó cha và mẹ Xuân Hương. Cụ Hồ Phi Diễn mất năm 1786, mẹ Hồ Xuân Hương mất khoảng năm 1814, vì năm Tốn Phong viết tựa Lưu Hương Ký, bà vẫn còn (mẹ già, nhà túng). Trần Phúc Hiển từ Tri phủ Tam Đái, tháng 12 năm 1813 được thăng lên Tham Hiệp Yên Quảng, phải đợi năm 1816 mới cưới Xuân Hương, thời gian chờ đợi có lẽ cũng là thời gian nàng cư tang mẹ. Mộ Hồ Xuân Hương và cha mẹ có lẽ nằm trong khu nghĩa địa Đồng Táo trước chùa Kim Liên, vì năm 1842, trong bài thơ Long Biên trúc chi từ (Thương Sơn thi tập), Tùng Thiện Vương đến cúng dường chùa Kim Liên có dặn cô hầu hái sen dưới hồ Tây chớ trèo qua mộ Xuân Hương. Hồ Tây vốn là một khúc sông Hồng, do sông bị đổi dòng lấp lối ra nên tạo thành hồ. Không biết sông đổi dòng từ lúc nào, thời Mã Viện đánh Hai Bà Trưng đã có hồ tên gọi là Hồ Dâm Đàm. Mực nước Hồ Tây thế kỷ 19 thấp hơn ngày nay một thước, do việc lấp sông Tô Lịch và đấp đê Cổ Ngư (đường Thanh niên ngày nay)  chia làm hai hồ, mực nước dâng cao. Năm 2011 tôi có dịp gặp nhiều cụ già trong làng Nghi Tàm, đều nói đến mộ tổ tiên, bị lấp trong lòng nước Hồ Tây. Khi xây dựng khách sạn Thắng Lợi do Cuba trợ giúp những năm 1970, người ta còn thấy nhiều mồ mã ngỗn ngang. Do đó thời Hồ Xuân Hương, Hồ Tây hẹp hơn ngày nay, trước chùa Kim Liên là khu nghĩa địa Đồng Táo.  Đến thăm mộ cha mẹ nước mắt Hồ Xuân Hương rơi nơi hoang vắng, lòng nghĩ đến kiếp phù sinh ngắn ngủi cuộc đời lòng lạnh ngắt.  Dịp Thanh Minh trước chùa Kim Liên treo các ngọn phướng vô ngại ngũ sắc, bay phấp phới như hồn bươm bướm, trong buổi lễ thanh minh nhà sư thổi sanh bằng vỏốc, sau khi hương đã tàn. Ra về ngoảnh lại nhìn mộ cha mẹ lòng càng ngán nỗi, nghe sầu tuôn rơi khắp vũ trụ trong buổi thanh minh. Hai bài thơ này có lẽ Xuân Hương làm khoảng năm 1815 trước khi về Yên Quảng, nàng và cô em gái Tử Minh dắt học trò đi thăm mộ Tử Minh, mộ cha mẹ nàng. Hai câu:" Dưới cành vô ngại ngờ hồn bướm, Trên cội tàn hương rúc tiếng sanh" thật là tuyệt bút tả hình ảnh và âm thanh ngày thanh minh trước chùa Kim Liên.  Vô ngại, là vô úy : không sợ, Đạo Phật còn gọi là đạo vô úy, ngọn phướng nhà Phật như tấm áo cà sa treo cao không còn sợ ma quỷ, tà ma quấy nhiểu.

Cùng với ba bài thơ Khóc Tử Minh còn có hai bài thơ Vịnh hoa cúc, tả cảnh hoa cúc làng Nghi Tàm vào mùa thu, đây là những việc thật hàng ngày trong đời sống Hồ Xuân Hương.

Hai bài thơ Vịnh Hoa Cúc có lời dẫn như sau:

"Bây giờ vào tháng 9, cuối thu. Trăng sáng gió trong. Thật là cảnh tượng thái hòa. Hai côđi chơi ngoạn cảnh ngoài vườn, rảo chân đến đường hoa. Có nhiều cúc lắm, tựa hồ như cúc kính đang còn. Đẹp mắt, vui lòng, hai cô cùng cười mà lấy tay bẻ hoa giắt vào mái tóc, đồng thanh ngâm lên thành hai bài thơ."

VỊNH HOA CÚC
Bài I
Chấp cả hàn phong, xiết cả sương,
Trước rào sum họp tấm bào vàng.
 Yêu vì vãn tuyết hương càng lạ,
Lẫn với  phàm hoa sắc cũng thương.
Đào Lệnh nòi xưa nghe chữa hết,
Tây Thi giống trước hãy còn ương.
Yêu hoa nên hóa người say tỉnh,
Rượu chén hoàng hoa ngẫu những hương.
Chú Thích:
Đào Lệnh và Tây Thi là hai giống cúc. Đào Lệnh là Đào Tiềm làm tri huyện Bành Trạch, thi hào Đời Đường, khi ông vềẩn trồng cúc và sáng tác nhiều bài thơ về hoa cúc. Tây Thi gái nước Việt thời Đông Châu Liệt Quốc, được Việt Vương Câu Tiễn dùng làm mỹ nhân kế cống cho vua Ngô Phù Sai.
Hoàng hoa tửu: rượu ướp bằng hoa cúc vàng.
Bài I I
Uẩy uẩy nhà ai đóa tuyết sương,
Loi thoi ngọc trắng nhuốmbông vàng.
Phong Lưu Bành Trạch đà xa tục,
Cốt cách Tần Châu cũng khác thường.
Phố lão đã nhàm ba lối cũ,
Thoa quỳnh thửđánh một chồi ương.
Rồi đây thử ngẩm thu vềđó,
Hương ấy hay là có khác hương.
Chú thích:
Uẩy uẩy: tiếng xưa có nghĩa là rực rỡ.
Loi thoi: tiếng cổ nghĩa thưa thớt: Bà Huyện Thanh Quan bài Đèo Ngang: Loi thoi dưới núi tiều vài chú.
Tần Châu: Cung nữ đời nhà Tần.

Hai bài thơ Vịnh Hoa cúc, mang phong cách trang trọng tao nhã, thời kỳ Xuân Hương trở về làm thầy dạy trẻ nơi Cổ Nguyệt Đường và sắp trở thành bà Tham Hiệp Yên Quảng. Nàng đã qua thời kỳ gió lạnh, dầm sương, trước rào hoa cúc nở rộ vàng như tấm áo long bào nhà vua. Đã vắng tuyết sương mùi hương cúc càng nồng nàn lạ lùng. Lẫn với các loài hoa tầm thường khác hoa cúc càng đáng yêu. Chuyện Đào Tiềm về quy ẩn trồng cúc người đời cứ nhắc mãi. Sắc đẹp cúc (như) Tây Thi vẫn còn ươm đến ngày nay. Vì quá yêu hoa cúc nên hóa ra người khi say khi tỉnh, nhấp một chén rượu hoa cúc còn nghe thơm ngát mùi hương.

Rực rỡ trước nhà ai, hoa cúc trắng như tuyết, thưa thớt ngọc trắng nhuốm nhụy bông vàng. Phong lưu như tri huyện Bành Trạch (Đào Tiềm) đã xa thói tục. Cốt cách như cung nữ Tần Châu đã khác người thường. Nơi con phố già nua đã nhàm những con đường cũ. Ương hoa cúc như thử gieo một cành thoa bằng cây quỳnh. Rồi đây mùa thu tới sẽ về. Hương cúc sẽ sẽ thơm ngát hơn các mùi hoa khác.

Tóm lại các bài thơ Khóc Tử Minh, Vịnh Thanh Minh, và Hoa cúc. Đã nối liền Hồ Xuân Hương với người thật, việc thật làng Nghi Tàm. Phong cách và trình độ các bài thơ chứng tỏ một nhà thơ cóhọc rộng và thuần thục như lời tựa Lưu Hương Ký của Tốn Phong. Nó cũng nói lên tâm hồn đa dạng của Xuân Hương, không chỉ làm thơđùa bỡn, châm chọc mà có những bài thơ trang trọng, ý tứ cao sâu, tình cảm nồng nàn.  Tầm quan trọng ba bài thơ Khóc Tử Minh, là chứng minh Lê Quý, Nguyễn Văn Đại khi chép thơ cho Antony Landes năm 1892 (Văn bản C, Đại Nam Đối thi, hiện lưu trửở Socìté Asiatique Paris) có đến tận gia đình Tử Minh để chép thơ Hồ Xuân Hương. Những bài thơ này khó thể nhớ bằng kýức được, mà theo một văn bản đương thời. Thơ"truyền khẩu" Hồ Xuân Hương, không còn là thơ chép theo người đời truyền tụng như ca dao, mà chép theo những văn bản có thật tồn tại cho đến cuối thế kỷ 19. Nó chứng minh được Hồ Xuân Hương ngoài những bài thơ tình lãng mạn còn có làm "thơ quỷ" (theo Tốn Phong, theo Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến), "thơ ngâm dỡn khúc" (theo Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San, trong Xuân Đường Đàm thoại). Ngược lại với quan niệm ông Trần Thanh Mại, từ nay nên xếp thơ gọi là truyền khẩu vào loại thơ tác giả vô danh, tôi sẽ suy xét từng bài thơ bài nào là dị bản của Vua Lê Thánh Tôn, người mà Xuân Hương xem như bậc thầy, và bài nào chính xác của Xuân Hương qua những văn bản cổ nhất, và trả lại cho Xuân Hương những bài thơ nguyên tác, không bị thói đời dâm tục thích " sửa đổi lời ca".
 

*TS Phạm Trọng Chánh. 
Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.