Chim Việt Cành Nam              [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]

Nguyễn Du : Nhà sư Chí Hiên
"Giang Bắc Giang Nam cái túi không"
( 1788 - 1790 )
 

TS Phạm Trọng Chánh

TÓM LƯỢC CÁC BÀI TRƯỚC: 
Nguyễn Du gọi cuộc đời từ năm 20 đến 30 tuổi (1786-1796) là "Mười năm gió bụi ", nhưng gia phả lại chép Nguyễn Du về quê vợ. Nếu Nguyễn Du về Quỳnh Hải có vợ con thì có gì đâu là gió bụi ? Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những trang nhật ký chứa đựng nhiều bí ẩn. Có những bài thơ làm ở Trường An, Hàng Châu không nằm trên đường đi sứ năm 1813 ? Có những nhân vật Nguyễn Đại Lang, Sĩ Hữu là ai ? Có những địa danh Trung Châu,Giang Nam, Giang Bắc, Giang Hán, Liễu cao lâm, Nam Đài, Long Thủy, không có ở Việt Nam ? Có những trưởng giả ăn mặc theo nhà Hán, không theo lịch nhà Tần. Và cả khí hậu tả cảnh tuyết, lá vàng, tiếng tù và.. không có ở Việt Nam. Vậy thì Nguyễn Du đi đâu, ở đâu trong 10 năm ấy. Tác giả sắp xếp lại những trang nhật ký, theo ngày tháng sự kiện lịch sử, và đi du lịch Trung Quốc, tham khảo sách vở các địa danh. Khám phá ra cuộc đời giang hồ Nguyễn Du trong mười năm gió bụi, một cuộc tình ba năm với Hồ Xuân Hương, những khám phá bất ngờ làm đảo lộn sách vở giáo khoa trăm năm qua. Tố Như không phải là bút hiệu Nguyễn Du mà chỉ có nghĩa là "người đẹp tài sắc như nàng Tiểu Thanh".

Khi tướng Tây Sơn, Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Đăng Tiến tước Quản Vũ Hầu tức Cai Gia, tức Nguyễn Đại Lang, quyền trấn Thủ Thái Nguyên, thay anh Nguyễn Du, Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Khản khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông, Thái Nguyên, chiến đấu với chỉ huy Giáo bị thua trận, bị bắt giải về cho Vũ Văn Nhậm. Nhậm trọng khí khái, tha chết và cho tùy ý đi đâu thì đi. Nguyễn Đăng Tiến cùng Nguyễn Quýnh, Nguyễn Du thoát chết lên đường đi Vân Nam. Đến nơi Nguyễn Du bị bệnh ba tháng xuân, sau khi khỏi bệnh Nguyễn Du muốn thoát vòng trần tục, thành nhà sư Chí Hiên. Cả ba tiếp tục lên đường và chia tay tại Liễu Châu. Nguyễn Du hẹn gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Trung Châu.

Nguyễn Đại Lang về quê hương cũ ở Quế Lâm. Nguyễn Sĩ Hữu về " làm chủ " Hồng Lĩnh. Nguyễn Du không về Nam Ninh gặp vua Lê Chiêu Thống mà lên thuyền theo sông Liễu Giang, Quảng Tây rồi đi ngược lên Động Đình Hồ đến Hán Khẩu theo thuyền sông Hán đến Trường An.

Nguyễn Du, mang danh hiệu Chí Hiên, danh hiệu Nguyễn Du dùng cho đến năm 1796, ký tên hai bài thơ tặng Hồ Xuân Hương, lưu lại trong Lưu Hương Ký. Nguyễn Du làm thế nào, không tiền mà đi giang hồ Giang Nam, Giang Bắc, đi Trường An, Hàng Châu. Đội mũ vàng, đi muôn dậm, lại đọc kinh Kim Cương nghìn lượt trong ba năm ? Bài viết này đi vào từng bài thơ, những trang nhật ký của Nguyễn Du, ba năm giang hồ Trung Quốc, thoát vòng trần tục, theo gương Lý Bạch tuổi trẻ đi chu du khắp Trung Nguyên, và dừng lại ở Hàng Châu, miếu Nhạc Phi nơi hò hẹn cùng Nguyễn Đại Lang. Nơi đây Nguyễn Du cư ngụ tại chùa Hổ Pháo cũng bên bờ Tây Hồ, nơi Từ Hải tức Minh Sơn Hoà Thượng từng tu hành. Tại Hàng Châu năm 1790, 24 tuổi Nguyễn Du có được bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du thôi đọc Kinh Kim Cương vì "Lòng ta thường định chẳng xa thiền." Từ đây Kim Vân Kiều trở thành quyển sách bên mình Nguyễn Du và miệt mài diễn ca thành thơ nôm để mua vui cũng được một vài trống canh.

Nhà sư Chí Hiên đầu đội mũ vàng nhà sư (Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế). Các chú thích ông Lê Thước trong Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, cho rằng mũ hoàng quang là mũ đạo sĩ, điều này không đúng, vì đạo sĩ mặc áo trắng, đội nón trắng. Nho sĩ mặc áo xanh biển, thì cũng đội mũ xanh, nhà sư mặc áo vàng, đội mũ vàng, hay mũ nâu. Hoàng quan do câu : Hoàng quan qui cố hương của Văn Thiên Trường, khi bị vua Mông Cổ bắt, muốn chiêu dụ ra làm quan, ông từ chối chỉ muốn thoát vòng trần tục về quê hương qui ẩn. Xem phim bộ Hương Cảng, Trung Quốc, Đài Loan ngày nay, họ nghiên cứu kỹ quần áo cách ăn mặc ngày xưa, chẳng thấy có một đạo sĩ nào mặc đồ trắng, đội nón vàng cả. Nguyễn Du đi 10 000 dậm. Một dậm khoảng nữa cây số, Nguyễn Du đi khoảng 5000km, đường từ Vân Nam đến Liễu Châu đi Trường An, xuống Hàng Châu, để đi giang hồ khoảng đường này Nguyễn Du phải mất 3 năm. Đường xá ở Trung Quốc ngày xưa, cứ 10 dặm hoặc 4,5 dặm đặt một sở, gọi là " đường", có binh lính canh gác, mỗi đường có ba tòa báo hiệu lửa, xây bằng gạch trên nhọn dưới vuông, giữa trống, khi có sự cấp báo, thì đốt lửa để khói bốc lên làm hiệu, tàn trắng như tuyết, tung bay khắp,cả, gọi là hỏa đài.(Theo Ngô Thời Nhậm, Thơ, Văn Học. Hà Nội 1986. tr 149.) Đường thủy có kinh Đại Vận Hà đào thời nhà Tùy- Đường chạy từ Bắc Kinh tới Hàng Châu, nối liền các con sông. Các sứ đoàn nước ta đi Bắc Kinh đi nhiều đoạn bằng đường sông. Trên sông tấp nập ghe thuyền buôn bán. Đi nhờ các thuyền buôn, nhà sư đi không ai lấy tiền, lại cúng dường món chay (Hết ở ăn nhờ biển đến sông). Hành trang trong túi vải là quyển Kinh Kim Cương Chú Giải của Lê Quý Đôn. Quyển sách nhà chùa Thăng Long khắc bản ấn hành được giới sĩ phu Bắc Hà thời bấy giờ yêu chuộng làm kinh gối đầu. Tam Nguyên Bảng Nhản Lê Quý Đôn là một trí thức lớn nước ta, hàng trăm năm mới có một người như thế, chết được chúa Trịnh để tang cho bãi chầu ba ngày, trong triều đình có 14 vị quan đại thần là học trò Lê Quý Đôn, chuyện hiếm có xưa nay, thì một thanh niên 18, 20 tuổi, mang bên mình cuốn sách của " thần tượng " mình là chuyện thường tình. Nhà sư mang cả thanh trường kiếm trong túi vải trên lưng, như truyền thống các nhà sư Thiếu Lâm xuống núi hành đạo, cứu đời chống bọn cướp bóc, các thương thuyền càng thêm kính nể. Khi thương thuyền có người đau ốm, hay việc trắc trở qua ghềnh thác, chủ thuyền nhờ nhà sư làm lễ tụng cho bài kinh cầu an. Khi mua hàng thì nhà sưở Trung Quốc cũng làm lễ rảy nước cành dương cho mua may bán đắt.. Đi một đoạn đường gặp một ngôi chùa, nhà sư từ giã thương thuyền đi ngao du thắng cảnh, tối về chùa tụng kinh Kim Cương làm công quả, bữa ăn rau đậu nhà chùa thết đãi không sợ đói.(Tôi đọc kinh Kim Cương nghìn lượt. Bài Phân Kinh Thạch Đài). Mỗi ngày tụng một lần, nghìn lượt, một năm 365 ngày nhân ba, cộng với thời gian ba tháng bị bệnh. Nguyễn Du đi giang hồ trong áo mũ nhà sư trong ba năm. 1788, 1789,1790. Đến ở một ngôi chùa khi đã chán cảnh rồi thì lại lên đường đi tiếp, khi đi theo sông, khi đi nhờ thuyền. Nhắm hướng Trường An thẳng tới. Trường An là kinh đô các triều đại Hán, Tùy, Đường, đến Trường An là một mơ ước của các sĩ phu khi đọc sách sử Trung Quốc ngày xưa.

BÀI MẠN HỨNG I. 

Nguyễn Du viết : Thân thế trăm năm phó mặc gió bụi, hết ăn nhờ miền sông lại đến miền biển. Đã lâu rồi không còn hào hứng với giấc mộng gác vàng (ra làm quan), hư danh chưa buông tha cho đến khi bạc đầu. Ba tháng xuân ốm bệnh nghèo không có thuốc ( Nguyễn Du ở ba tháng ở Vân Nam, trong nhà một thầy thuốc (Trúc thưa vườn thuốc lạnh hơi xuân. Sơn Cư mạn hứng). Một kiếp phù sinh có thân nên có mối lo. Ở xa cách quê hương ngàn dậm lòng nhớ quê nhà. Nếu Nguyễn Du đang ở Quỳnh Hải hay Hà Tĩnh không thể viết mình nhớ quê hương ngàn dậm được. Thẹn cùng anh hàng xóm có ngựa xe rong. Chắc Nguyễn Du đã bán con ngựa cỡi đi từ Thái Nguyên để trả tiền thuốc ba tháng bệnh thì mới còn sống sót mà viết Truyện Kiều, đi chơi bằng thuyền "miễn phí" mà mang ngựa theo thì hơi khó, lại phải có tiểu đồng đi theo lo dẫn ngựa ăn cỏ như Kim Trọng, Theo sau có một vài thằng con con, chăm sóc cho ngựa trong lúc Chàng Vương quen mặt ra chào, Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa. Lên thuyền mà đem theo ngựa chẳng ai cho đi không ! Tại Trường An trong khu vực chùa Đại Nhạn, tôi thấy có một khu bảo tàng sưu tập các trụ cột ngựa, rất đẹp, chạm khắc rất phong phú, chứng tỏ các nhà giàu Trung Quốc ngày xưa có ai cũng có ngựa, và trước nhà trụ cột ngựa cho khách tới viếng thăm. Sau khi gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Trung Châu, có lẽ được ông anh kết nghĩa chu cấp, thơ Đoàn Nguyễn Tuấn tả công tử Nguyễn Du tại Hoàng Châu, Hà Bắc đi xe song mã " đời mới " chạy về Nam và ở lữ quán "sang trọng" như phái đoàn đi sứ Tây Sơn.

MẠN HỨNG I

Trăm năm thân thế mặc phong trần,
Hết ở ăn nhờ biển đến sông.
Giấc mộng gác vàng thôi cạn hứng,
Bạc đầu chưa bỏ được hư danh.
Ba xuân ốm bệnh nghèo không thuốc,
Một kiếp phù sinh hoại tấm thân.
Ngàn dậm quê hương vời vợi nhớ,
Thẹn cùng hàng xóm ngựa xe rong.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
MẠN HỨNG I

Bách niên thân thế ủy phong trần,
Lữ thực giang tân, lại hải tân.
Cao hứng cửu vô hoàng các mộng,
Hư danh vị phóng bạc đầu nhân.
Tam xuân tích bệnh bần vô dược,
Táp tải phù sinh hoạn hữu thân.
Dao ức gia hương thiên lý ngoại,
Trạch xa đoạn mã qui đông lân.

Chú thích:

Hoàng các mộng: mộng gác vàng, mộng làm quan to. Cửa công đường thừa tướng thường sơn màu vàng , tích Đỗ Như Hối làm Tể tướng đời nhà Đường ba chục năm, lo cho dân nước. Hoàng các tam thập niên, thanh phong tiên vạn cổ. Gác vàng ba mươi năm mà thơm bia muôn đời.

Hoạn hữu thân: mối lo có thân. Lão Tử nói : Ta có mối lo lớn vì ta có thân.

Trạch xa đoạn mã: xe ngắn ngựa đi đủng đỉnh. Ý nói an nhàn ở nơi làng mạc, không cầu công danh.

BÀI MẠN HỨNG II 

Nguyễn Du viết: Chân không bén rễ mặc gió bay như ngọn cỏ bồng. Một chiếc túi rỗng không đi hết Giang Nam lại Giang Bắc , Trung Quốc. Cuộc đời trăm năm, không đi đó đây chẳng lẽ nằm nhà chết xác với văn chương trong sách vỡ. Tấm thân sáu thước sống lênh đênh trong vòng trời đất. Đội mũ vàng nhà sư đi muôn dậm, từ sáng cho đến khi trời xế chiều. Vì Tây Sơn ra Bắc nên phải lưu lạc, nhiều lo lắng đến bạc tóc. Bao nhiêu chuyện kim cổ các nơi đã đi qua gợi bao chuyện đau lòng. Nguyễn Du đã đi qua sông Mịch Giang nơi Khuất Nguyên trầm mình còn để lại lời thơ Ly Tao bất tử, nơi Văn Thiên Tường tử tiết chống nhà Nguyên Mông Cổ mà tấm lòng son còn lưu lại với sử xanh, qua Lỗi Dương mộ Đỗ Phủ, qua Thanh Liên quê hương Lý Bạch.. Mỗi một nơi đều có vết chân người xưa, dấu tích những danh nhân Trung Quốc mà Nguyễn Du chỉ biết trên sách sử bao nhiêu chuyện vui buồn.. Chỉ có dãy núi xanh là xanh mãi trong nắng xế hồng.

MẠN HỨNG II

Không rễ chân như ngọn cỏ bồng,
Giang Nam, Giang Bắc túi tiền không.
Văn chương nát với trăm năm đó,
Trời đất nổi trôi sáu thước thân.
Muôn dặm mũ vàng trời xế bóng,
Một đầu tóc bạc gió Tây tung.
Gợi bao nhiêu chuyện buồn kim cổ,
Non cũ xanh xanh nắng xế hồng.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
MẠN HỨNG II

Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng.
Giang Nam, Giang Bắc nhất nang không.
Bách niên cùng tử văn chương lý,
Lục xích phù sinh thiên địa trung.
Vạn lý hoàng quan tươngmộ cảnh,
Nhất đầu bạch phát tản tây phong.
Vô cùng kim cổ thương tâm xứ,
Y cựu thanh sơn tịch chiếu hồng.

Chú thích:

Giang Nam: vùng phía Nam sông Trường Giang (Dương Tử) Thượng Hải, Giang Tô, An Huy. Giang Bắc: vùng phía Bắc sông Dương Tử.

Lục xích: sáu thước, thước ngày xưa ngắn, sáu thước tương đương 1m 65 ngày nay.

Vạn lý: ngàn dậm, Vạn Lý Trường Thành dài khoảng 5000km.

Hoàng quan:Văn Thiên Tường, trạng nguyên, tể tướng nhà Tống, đi sứ sang Nguyên để cầu hoà, bị thừa tướng nhà Nguyên giữ lại, sai Toa Đô dụ dỗ, ông không chịu khuất phục. Thiên Tường đóng quân ở núi Ngũ Pha, Trương Hoàng Phạm đến đánh lén bắt được, đưa về giam ở Yên Kinh. Vua Nguyên giữ Văn Thiên Tường ở Yên Kinh ba năm, sai Vương Tích Ông dụ dỗ. Thiên Tường nói: "Nguyện được nhà vua khoan thải, cho đội mũ vàng trở về cố hương" (hoàng quan qui cố hương). Đội mũ vàng là dứt bỏ mọi danh vọng. Nguyễn Du "ước gì muốn thoát vòng trần tục", đội mũ vàng nhà sư đi giang hồ khắp nơi.

Trong Bắc Hành Tạp Lục có bài thơ Vọng Tương Sơn Tự, có câu Cô Chu giang thượng bằng lan xứ, trên chiếc thuyền cô đơn, đứng dựa mạn thuyền ngắm cảnh. Nguyễn Du đi một mình hay đi với sứ đoàn 27 người, mà đứng ngắm cảnh chùa một mình. Phan Huy Ích trong Tinh Sà Ký Hành tr 33 tả: " Thuyền sứ qua các phủ thành, quan sở tại dựng thủy đình ở bến sông, bố trí cả nhạc cụ và yến tiệc. Mỗi đêm khi qua các đình bên sông thì ở đó thắp đèn đuốc sáng rực, ánh sáng rọi lên tận trăng sao." Nếu bài thơ này làm năm 1813 lúc đi sứ thì Nguyễn Du không thể ở trên một chiếc thuyền cô đơn ngắm cảnh chùa một mình. Do đó tôi cho rằng bài này Nguyễn Du viết năm 1788 khi đi giang hồ một mình qua chùa Tương Sơn ở Quảng Tây. Chùa Tương Sơn là nơi trụ trì cuối cùng và nhập diệt của nhà sư Trần Huyền Trang (Tam Tạng) đời Đường sang Ấn Độ thỉnh kinh. Sinh năm 602 ở Hồ Nam. Huyền Trang rời Trường An năm 25 tuổi (năm 627) với mục đích đến tận nguồn gốc xứ Phật để sưu tập kinh điển, vượt qua bao gian khổ đi theo con đường tơ lụa, qua sa mạc Gobie qua Bactriane (Afghanistan) vượt đèo Hindukush qua thung lũng Indus đến Cachemire rồi từ đó đến đồng bằng sông Hằng (Gange). Rồi trong mười năm đi tìm thầy học đạo, gặp gỡ các nhà sư uyên bác Phật Giáo đương thời. Hai năm học ở Trường Đại Học Phật Giáo Nalanda (Bihar). Đến từng nơi Trần Huyền Trang đã viết ký sự những nơi đã qua. Năm 645, nhà sư Huyền Trang trở về Trường An, và tổ chức dịch thuật Tam Tạng Kinh Điển. Năm 652 Vua Đường Cao Tông cho xây chùa Đại Nhạn để chứa kinh điển và chùa Tiểu Nhạn. Tôi đã đến Trường An thăm ngôi tháp Đại Nhạn cao 64 m nơi chứa kinh điển . Ngày xưa ngài Huyền Trang đã chất trên 20 con ngựa để mang về, chất trong tháp, rồi cà đời bao nhiêu công phu tổ chức dịch thuật, in ấn.

Cổ Phật Vô Lượng người đời Đường, chân thân còn để trên núi Tương Sơn, chân thân một đêm lửa cháy hết. Ngôi chùa cổ ngàn năm phủ bóng mây chiều. Núi đèo Ngũ Lĩnh có nhiều khí sắc. Toàn Châu thành quách nằm trong gió bụi. Đứng dựa mạn thuyền cô đơn trên sông ngắm cảnh. Một dãy cây tùng, cây sam bóng chiều nhuốm nữa.

TRÔNG CHÙA TƯƠNG SƠN

Cổ Phật Vô Lường người thịnh Đường,
Nơi Tương Sơn Tự thân vô thường.
Châu thân một tối đà thiêu hóa,
Chùa cũ ngàn năm mây vấn vương.
Ngũ Lĩnh núi non nhiều khí sắc,
Toàn Châu thành quách bụi phong sương.
Đầu sông tựa mạn thuyền con ngắm,
Nửa dãy tùng sam bóng tối buông.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt.
VỌNG TƯƠNG SƠN TỰ

Cổ Phật Vô Lường Đường thế nhân,
Tương Sơn tự lý hữu chân thân.
Chân thân nhất dạ tẫn viêm hỏa,
Cổ tự thiên nhiên không mộ vân.
Ngũ Lĩnh phong loan đa khí sắc ,
Toàn Châu thành quách tại phong trần?
Cô chu giang thượng bằng lan xứ
Nhất đái tùng sam bán tịch huân.


Chú Thích: 

Cổ Phật Vô Lường, tôn hiệu Trần Huyền Trang.

Tương Sơn: núi tỉnh Quảng Tây.

Chân thân: thân thể người tu hành đắc đạo.

Ngũ Lĩnh: Chỉ năm đèo lớn nằm trên ngã đường, vượt qua dãy núi dài phía Nam Trường Giang, xuống miền Nam.

Toàn Châu: là Toàn Huyện, phía Bắc Tỉnh Quảng Tây. Thượng lưu sông Tương.

Tùng Sam: cây sam giống cây Tùng quả nhỏ.

Rời Toàn Châu, Nguyễn Du đi qua Hồ Động Đình, Trường Sa đến Hán Dương. Đoạn đường này trùng hợp với đoạn đường đi sứ. So với thơ trên đường đi sứ của Phan Huy Ích, Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ngô Thời Nhiệm, số thơ Nguyễn Du làm trên đoạn đường này khá nhiều, gấp bội, có thể có một số bài Nguyễn Du đã làm từ năm 1789, 1790 như những bài Nguyễn Du đi thăm làng Thanh Liên quê hương Lý Bạch, thăm quê Đỗ Phủ.. Từ Hán Dương, Nguyễn Du đi theo sông Giang Hán đến Trường An. Các đoàn đi sứ theo hướng khác đến Bắc Kinh

Đài đá chia kinh nằm nơi đâu ? Năm 582 nhà Tùy , vua Lương Võ Đế xây kinh đô Đại Hưng, sau đổi tên Tràng An. Vua Lương Võ Đế được tổ Thiền Tông thứ nhất. Cũng là tổ thứ 28 kể từ ngài Ca Diếp, Bồ Đề Đạt Ma từẤn Độ sang truyền bá Đạo Phật. Đạo Phật đã truyền sang Trung Quốc từ thế kỷ thứ hai đời Tôn Quyền, Đông Ngô thời Tam Quốc. Vì kinh điển không đầy đủ nên đời Đường, Trần Huyền Trang mới quyết chí sang Ấn Độ du học và thỉnh kinh. Sau 17 năm du hành. Trần Huyền Trang mang về được 150 xá lợi Phật, 8 tượng Phật, 224 bộ kinh Đại Thừa, 192 bộ luận đại thừa, 15 bản của phái Thượng Tọa, 15 bản của phái Đại chúng, 15 bản của phái Chánh Lượng, 22 bản của phái Di sa tắc, 17 bản của phái Ca Diếp tỉ la, 42 bản của phái Pháp mật, 67 bản của phái Nhất thiết hữu, 36 Bộ Nhân Minh Luậnb, 13 bộ Thanh Minh Luận, tổng cộng 520 hòm có 675 cuốn. Ngài phải dùng 20 con ngựa để mang tất cả.( Theo HT Thích Minh Châu. Huyền Trang nhà chiêm bái và học giả. Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. 1966, tr 55).

Năm 652 xây tháp Đại Nhạn cao 45m để chứa kinh Phật. tháp Tiểu Nhạn cao 45 m.

Việc Kết tập Kinh Điển đã được tổ chức tại Ấn Độ. Sau khi Phật qua đời, sau đó 80 năm, 200 năm và thời A Dục Vương sau thời Phật 300 năm. Không có chuyện kết tập Kinh điển và phân bộ kinh tại Trung Quốc. Do đó thời Lương Võ Đế nhà Tùy chỉ có việc dịch kinh, in kinh và phân phối cho các chùa các nơi. Nhà Tùy đóng đô tại Trường An, do đó việc phân kinh chắc cũng ở Trường An.Trường An không nằm trên đường đi sứ Nguyễn Du năm 1813, do đó Nguyễn Du có lẽ viết bài Phân Kinh Thạch đài năm 1789. Tôi đến Trường An năm 2009 đến thăm hai chùa Đại Nhạn và Tiểu Nhạn với kiến trúc quy mô, nhưng hỏi đến Phân Kinh Thạch Đài đời nhà Tùy thì chẳng ai biết. Thời Nguyễn Du đến năm 1789 thì chỉ còn đài đá còn hai chữ Phân Kinh.

Thái tử Chiêu Minh, tên là Chiêu Thống (trùng tên hiệu vua cuối cùng nhà Lê nước ta) đời nhà Tùy còn gọi là nhà Lương(502-556) con vua Lương Vũ Đế (Chiêu Diên) (502-539).Một trong bốn triều vua thời Nam triều (Tống, Tề, Lương, Trần). Hai cha con đều sùng đạo Phật. Chiêu Minh là tác giả bộ Văn Tuyển, lập đài kỷ niệm nơi chia kinh :

Đây nơi Thái Tử Chiêu Minh đời Lương chia kinh, đài đá còn ghi hai chữ Phân Kinh, nền đài hoang vu dưới làn mưa, cây cỏ bị rét đều chết khô, nay không thấy kinh ở đâu hết. Chỉ nghe đồn chuyện thái tử triều Lương ngày xưa. Thái tử tuổi trẻ say đắm văn chương, khéo bày chuyện chia kinh chỉ thêm rắc rối vô ích. Đạo Phật vốn là không, không nhờ vào vật, đâu có ở kinh mà chia ? Văn thiêng không ở ngôn ngữ. Kinh Kim Cương là gì ? Kinh Pháp Hoa là gì ? Giữa sắc với không mờ mịt không hiểu rõ. U mê theo Phật, thì Phật trở thành ma. Một nhà cả hai cha con đều mù quáng. Ma sinh ra trong ýnghĩ, không thấy đài sen mọc ở chốn sơn lăng. Buổi sớm kia (Hầu Cảnh) cưỡi ngựa trắng qua Trường giang (Hầu Cảnh trước là tướng Đông Ngụy, sau hàng Lương, rồi lại phản Lương, cưỡi ngựa trắng qua sông Trường Giang đánh Vũ Đế. Khi Hầu Cảnh hàng Lương, Đông Ngụy đưa tờ hịch cho Lương cảnh báo : Sợ nước Sở mất vượn, họa lây đến cây rừng, cửa thành cháy, vạ lây đến cá dưới ao). Cây rừng Sở bị họa, ca dưới ao bị vạ lây. Kinh bị thiêu ra tro, đài cũng đổ nát, nghìn vạn lời lưu lại cũng vô ích, chỉ để bọn ngu tăng đời sau đọc điếc tai người ta. Ta nghe nói Thế tôn ở Linh Sơn, thuyết pháp cứu nhiều người nhiều như cát sông Hằng Hà,. Người ta hiểu chữ tâm tức là ngộ rồi. Linh Sơn chỉ ờ trong lòng người. Minh Kính cũng không phải là dài. Lục Tổ Huệ Năng có bài kệ : Bồ đề bản vô thụ, Minh Kính diệc phi đài, Bản Lạ vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai ?. dịch : Bồ đề không phải cây, Minh Kính không phải đài, Vốn không phải một vật. Bụi bặm vướng vào đâu ?. Ta đọc kinh Kim Cương nghìn lượt. Những ý nghĩa gọi là cao sâu trong đó phần nhiều không rõ ràng. Khi đến dưới đài phân kinh này mới biết kinh không chữ mới là chân kinh.

ĐÀI ĐÁ CHIA KINH CỦA THÁI TỬ LƯƠNG CHIÊU MINH

Triều Lương, Chiêu Minh thái tử, chốn phân kinh,
Đài đá còn ghi chữ Phân Kinh.
Hoang vu nền cũ trong mưa gió,
Lạnh tàn cây cỏ xác xơ cành
Chốn cũ nơi đây nào thấy kinh,
Còn nghe lưu truyền Lương thái tử.
Thái tử tuổi trẻ say văn chương,
Bày chuyện chia kinh vô tích sự
Đạo Phật vốn không, không nhờ vật,
Là gì Kim Cương và Pháp Hoa ?
Nào có kinh gì để phân chia,
Văn thiêng không ở nơi ngôn ngữ,
Sắc không mờ mịt không hiểu rõ,
Tâm mê theo Phật, Phật thành ma,
Một nhà cha con đều mù lòa
Ma tự sinh ra trong ý nghĩ.
Hoa sen nào thấy chốn sơn lăng.
Ngựa trắng một sớm qua Trường Giang,
Cây Sở cá ao đều bị họa,
Kinh sách ra tro đài tàn hoang,
Nghìn vạn lời lưu lại ích chắng ?
Điếc tai đời sau bọn ngu tăng.
Ta nghe Thế Tôn núi Linh Thứu,
Thuyết pháo độ nhiều sa số như cát sông Hằng,
Người hiểu được tâm ấy độ rồi,
Linh Sơn chỉở trong lòng người,
Bồ Đề chẳng phải cây,
Minh kính không là đài.
Ta đọc Kim Cương hàng nghìn lượt,
Lắm điều sâu kín khó hiểu rành.
Phân kinh thạch đài nay đến đó,
Mới hay không chữ là chân kinh.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
LƯƠNG CHIÊU MINH THÁI TỬ
PHÂN KINH THẠCH ĐÀI

Lương Triều Chiêu Minh thái tử phân kinh xứ,
Thạch Đài do ký " Phân Kinh" tự.
Đài cơ vu một vũ hoa trung,
Bách thảo kinh hàn tận khô tử.
Bất kiến di kinh hà tại sở,
Vãng sự không truyền Lương thái tử.
Thái tử niên thiếu nịch ư văn.
Cưỡng tác giải sự đồ phân phân,
Phật bản thị không, bất trước vật,
Hà hữu hổ kinh, an dụng phân ?
Linh vân bất tại ngôn ngữ khoa.
Thục vi Kim Cương, vi Pháp Hoa ?
Sắc không cảnh giới mang bất ngộ,
Si tâm qui Phật, Phật sinh ma,
Nhất môn phụ tử đa giao tế,
Nhất niệm chi trung, ma tự chí,
Sơn lang bất dũng hoa liên đài.
Bạch mã triêu độ Trường giang thủy,
Sở lâmhoa mộc, trì ương ngư,
Kinh quyển thiêu hôi, đài diệc dĩ.
Không lưu vô ích vạn thiên ngôn,
Hậu thế ngu tằng đồ quát nhĩ,
Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn,
Thuyết pháp độ nhân như Hằng hà sa số.
Nhân liễu thử tâm, tâm tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài,
Bồ Đề bản vơ thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh,
Cập đáo Phân Kinh thạch đài hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh.

Chú thích

Thế Tôn: Đức Thích Ca Mâu Ni.

Linh Sơn: hay Linh Thứu nơi Phật ở thuyết kinh Pháp Hoa.

Hằng hà: Phật đông như cát sông hồng, ai cũng co thể thành Phật được.

Lương Võ Đế: theo Pháp Bảo Đàn Kinh : Một hôm Lục Tổ Huệ Năng đăng đàn nói Pháp thì vị thứ sử hỏi sư rằng: " Đệ tử có nghe khi Đạt ma mới giáo hóa cho Lương Võ Đế: Đế có hỏi rằng: - Một đời trẩm xây dựng chùa chiền, cúng dường tăng, bố thí thiết trai; Vậy có công đức gì không ? Đạt Ma dạy: -Thật chẳng có công đức gì cả. Đệ tử chưa rõ được lý này, mong hòa thượng vì đệ tử chỉ dạy." Sư dạy:- Thật chẳng có công đức gì cả, chớ nghi ngờ lời nói thánh xưa. Vì Võ Đế mang tâm tà nên chẳng hiểu chánh pháp. Việc xây dựng chùa chiền, cúng dường tăng chúng, bố thí thiết trai là những việc cầu phước, chẳng thể đem phước đó để cầu công đức được. Công đức thìở trong pháp thân thì chẳng phải ở tu phước.

Kinh Pháp Hoa: bộ kinh Đại Thừa quan trọng nhất lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Triều Tiên, Việt Nam. Thiên Thai Tông lấy kinh này làm căn bản. Đó là bản kinh ghi lời cuối đời Phật dạy ở núi Linh Thứu. Kết tập 200 năm sau. Giáo pháp về sự chuyển hóa của Phật Tính và khảnăng giải thoát. Có nhiều cách để giác ngộ, nhưng chúng chỉ là phương tiện nhất thời và thực tế chúng chỉ là một.

Kinh Kim Cương: Bộ kinh đàm luận giữa Phật và Tôn giả Tu Đà Đà. Bài kệ cuối cùng tóm lược: "Tất cả các pháp hữu vi như mộng, nhưảo ảnh, như bọt nước, như bóng, như sương mai, nhưánh chớp cần phải nhìn nhận chúng như thế."

Nguyễn Du đến Chiêu Lăng của Đường Thái Tông, phía Tây Trường An cạnh Vị Thành. Khu mộ an táng các công thần có công giúp nước. Bùi Tấn Công tức Bùi Độ tự Trung Lập, người đời Đường làm quan dưới triều Đường Hiến Tông (806-820) có công dẹp giặc được phong Tấn Quốc Công, làm Tể tướng ba mươi năm, sau vì bọn hoạn quan lộng quyền, ông cáo quan về nhà ngâm vịnh với các nhà thơ đương thời như Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích. Thăm mộ Bùi Tấn Công phải chăng Nguyễn Du nhớ đến cha anh, những người văn võ toàn tài, chỉ vì bọn kiêu binh lộng quyền mà mất nước. Trên cánh đồng thu rộng mênh mông gò đống bằng phẳng, Tấm bia mộ còn ghi tên Tấn Công. Một tấm lòng son lưu tiếng xưa nay. Nghìn năm xương trắng chia cách kẻ sống người chết. Ông có thừa tài thao lược làm tướng văn tướng võ. Còn về hình tượng đặt trên Gác Yên Đài ghi tên người có công không cần vẽ tranh xanh đỏ điểm tô làm gì. Đau lòng gần đây thấy cây ở Chiêu Lăng tiếng quyên kêu suốt một dãi Vị Thành.

MỘ BÙI TẤN CÔNG

Đồng thu vắng lạnh đống gò bằng,
Tấm mộ bia ghi tên Tấn Công,
Một tấm lòng son kim cổ nhớ,
Nghìn năm xương trắng tử sinh đành.
Tài cao mưu lược tướng văn võ,
Hình dáng cần chi nét đỏ xanh.
Cây cảnh Chiêu Lăng còn thổn thức,
Quyên kêu Thành Vị tiếng đau lòng.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ

BÙI TẤN CÔNG MỘ

Đãng đãng thu nguyên khâu lũng bình,
Mộ bi do chí Tấn Công danh.
Đan tâm nhất điểm lưu kim cổ,
Bạch cốt kim niên cách tử sinh.
Tẩn hữu du vi ưu tướng tướng,
Vô phương hình mạo yếm đan thanh
Thương tâm cận nhật Chiêu Lăng thụ,
Nhất đái đề quyên triệt Vị Thành.


Chú Thích:

Câu 5, 6 nguyên câu Bùi Độ đề vào bức vẽ truyền thần của mình: Thân hình không cao, diện mạo không đẹp mà sao làm được tướng văn tướng võ. Chỉ có cái tâm linh thiêng liêng không vẽ được. Bùi Độ tướng mạo tầm thường nhưng văn võ toàn tài.

Nguyễn Du đến thăm quê cũ Dương Quý Phi tức Dương Ngọc Hoàn, người Hoàng Nông, Hoa Âm tỉnh Thiểm Tây, mồ côi sớm được chú là Dương Huyền Yêu nuôi, mười tám tuổi nàng làm thị nữ cho Thọ Vương Mạo, con thứ 18 vua Đường Huyền Tông. Thấy nàng nhan sắc giống quý phi nhà vua mới mất. Thọ Vương tiến nàng vào cung vua. Huyền Tông yêu phong làm Quý Phi. Họ hàng Quý Phi nhờ thế mà lên địa vị cao. An Lộc Sơn nổi loạn. Huyền Tông chạy vào đất Thục, đến Mã Ngôi quân lính không chịu đi, đòi trừng phạt Dương Quốc Trung anh họ nàng và Dương Quý Phi. Nàng thắt cổ chết. Sự kiện Dương Quý Phi giống như Đặng Thị Huệ, quý Phi của chúa Trịnh Sâm, em trai cũng lộng quyền, kiêu binh cũng đòi trừng trị như thế. Phải chăng Nguyễn Du mượn chuyện Dương Quý Phi để nói đến Đặng Thị Huệ, nàng không tội tình gì, bao nhiêu tiến sĩ triều đình, bao nhiêu võ tướng đều bất tài vô dụng như phổng đá như con ngựa làm cảnh, nên đỗ oan việc mất nước cho một người đàn bà ?

Bài thơ viết: Mây núi thưa thớt, hoa bên sông rực rỡ ( Nguyễn Du đến Trường An vào mùa xuân năm 1789). Nghe nói Dương Quý Phi sinh ở đất này. Chỉ vì cả triều đình đều như phỗng đứng, mà nghìn năm cứ đổ oan cho sắc đẹp nghiêng thành. Cung Nam Nội buồn teo, cỏ dại mọc khắp. Đồng Tây Giao vắng ngắt, gò đống san bằng. Hương tàn phấn rã, nay biết tìm đâu ? Dưới thành gió Đông thổi, khiến người cảm xúc vô hạn.

QUÊ CŨ DƯƠNG QUÝ PHI

Bên sông hoa nở núi mây thanh,
Nghe nói Dương Phi đất ấy sanh.
Vì cả triều đình như phổng đứng,
Đỗ oan nghìn thuở sắc nghiêng thành.
Cỏ cây Nam Nội buồn man mác,
Gò đống Tây Giao giờ vắng tanh.
Hoa phấn hương tàn ai biết nữa,
Gió đông hiu hút dưới chân thành.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
DƯƠNG QUÝ PHI CỐ LÝ

Sơn vân tước lược ngạn hoa minh,
Kiến thuyết Dương Phi thử địa sinh.
Tự thị cử triều không lập trượng,
Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.
Tiêu tiêu Nam Nội bồng cao biến,
Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình.
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ,
Uông phong thành hạ bất thăng tình.

Chú thích:

Lập trượng : đứng im, lấy tích Lập trượng mã, những con ngựa được luyện tập đứng im, làm nghi vệ cho nhà vua, con nào kêu bị đuổi ra. Ở đây chỉ những ông quan không dám mở miệng can gián vua, để xảy ra cuộc loạn An Lộc Sơn.

Nam Nội tức cung Hưng Khánh, nơi Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ở.

Tây Giao: cánh đồng phía Tây, chỉ Mã Ngôi ở phía Tây Trường An, nơi Dương Quý Phi bị thắt cổ chết.

Trường An thời Nguyễn Du đến cũng chẳng còn cung điện, Cung A Phòng nguy nga nhà Tần đã bị đốt cháy hàng tháng trời, Cung nhà Hán, nhà Tùy, nhà Đường cũng chỉ còn nền gạch, cuối thời nhà Đường kinh đô dời xuống Lạc Dương. Các khám phá mộ của Tần Thủy Hoàng gần đây, thời Nguyễn Du chưa biết. Trường An chỉ còn lại những ngôi chùa, chùa Phật, chùa Tây Tạng, chùa Đạo Hồi của người Huy, hai ngôi chùa Đại Nhạn và Tiểu Nhạn nơi Trần Huyền Trang dịch kinh với quy mô to lớn không thấy Nguyễn Du nói đến. Có thể Phân Kinh Thạch Đài nằm nơi này chăng ? Trường An cũng có nhiều danh nhân, nhưng Nguyễn Du chỉ cảm xúc trước Dương Quý Phi và Bùi Tấn Công.

Sau khi thăm Trường An, Nguyễn Du lại xuống thuyền theo đường sông Hán, theo sông Trường Giang vào kênh Đại Vận Hà đến Hàng Châu. Mộ Nhạc Phi là nơi hẹn gặp lại Nguyễn Đại Lang. Nguyễn Du đẽ làm 5 bài thơ nơi này, chứng tỏ Nguyễn Du chờ đợi khá lâu. Các nơi khác Nguyễn Du đi qua chỉ làm một bài thơ. Mộ Nhạc Phi là nơi danh lam thắng cảnh nổi danh mọi người đều đến thăm viếng, để ngưỡng mộ tấm lòng trung nghĩa một anh hùng chết vì nước hãm hại bởi gian thần. Hàng Châu với Tây Hồ nàng Tiểu Thanh. Tây Hồ là hồ nhỏ nhất nhưng đẹp nhất trong Ngũ Hồ của Trung Quốc: Thái Hồ, Động Đình Hồ, Tây Hồ, Đan Dương Hồ và Nhạc Châu Hồ. Người Trung Quốc có câu nói: Trên trời có thiên đàng, dưới đất có Tô, Hàng (Tô Châu và Hàng Châu). Tô Châu có những dòng kinh, những cây cầu, có những khu vườn danh tiếng trồng cây hải đường Hải đường lả ngọn đông lân, vườn sen, nhà thủy tạ, vườn non bộ tùng, thạch, trúc, với chuông chùa Hàn San, có nàng Tây Thi giặt lụa thôn Trữ La... Hàng Châu với Tây Hồ và các dòng sông, mùa thu sương muối làm cho lá thu rực đỏ: rừng thu phong đã nhuốm màu quan san, có các quán trà Long Tỉnh, thời Nguyễn Du có các thanh lâu ẩn hiện bên các bờ liễu rũ, có tiếng hát các nàng Kiều làm ngây ngất các anh hùng.. Theo truyền thuyết vua Đại Vũ lập nơi đây kinh đô nhà Hạ và đắp đê trị thủy sông Dương Tử Thế kỷ thứ VIII nhà Tùy, nhà Đường đã cho đào Kinh Đại Vận Hà rộng 40m nối liền Bắc Nam từ Bắc Kinh, nối sông Hoàng Hà, Sông Hoài sông Dương Tử đến Hàng Châu và đến Bắc Quế Lâm. và một đường kinh khác nối Liêu Dương và Trướng An dài 400km, một công trình quan trọng không kém gì Vạn Lý Trường Thành. Thi hào Bạch Cư Dị (772-846) tác giả bài Tỳ Bà Hành. Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, làm quan cai trị Hàng Châu năm 824 đã nâng cao bờ đê phía Nam Tây Hồ. Với 360 ngôi chùa Hàng Châu là một trung tâm văn hóa tôn giáo. Thế Kỷ thứ XII đời nhà Tống nhà Kim xâm lăng Trung Quốc. Lâm An tên gọi Hàng Châu thời bấy giờ trở thành kinh đô Nam Tống. Dân chúng tỵ nạn đổ về làm dân số Hàng Châu lên đến 1, 25 triệu người. Hàng Châu phát triển đường thủy trở thành một bến cảng hàng đầu và là đầu mối con đường tơ lụa trên bộ cũng như trên biển. Mông Cổ diệt nhà Tống lập nên nhà Nguyên năm 1279. Hàng Châu vẫn là thủ đô kinh tế văn hóa Trung Quốc.

Nhạc Phi (1103-1141) anh hùng khí khái bậc nhất Trung Quốc. Lăng mộ Nhạc Phi dưới núi Thê Hà bên Tây Hồ là thắng cảnh quan trọng bậc nhất Hàng Châu, nơi hò hẹn các anh hùng, tráng sĩ. Nhạc Vũ Mục tức Nhạc Phi người thới Nam Tống. Lúc bấy giờ trong triều đình có hai phe, Phe Tần Cối chủ trương hòa với Kim, còn phe Nhạc Phi chủ trương đánh. Sau mười năm xây dựng lực lượng, Nhạc Phi muốn đem quân tiến đánh quân Kim thì Tể Tướng Tần Cối mạo lệnh vua gọi về, một ngày hạ 12 đạo kim bài, bắt Nhạc Phi rút quân về. Lần cuối cùng Nhạc Phi phải than một câu rằng: Công lao mười năm bỏ đi một ngày, rồi mang quân về. Tần Cối giam vào ngục rồi giết chết. Nhạc Phi về sau được truy tặng là Nhạc Vũ Mục. Mộ Nhạc Phi trước có tượng Nhạc Phi ngồi trong nhung phục màu tím tay phải nắm đặt trên đùi, tay trái nắm chuôi kiếm, phía sau có bốn chữ Hoàn Ngã Hà Sơn (Trả lại ta giang sơn đã mất). Tượng bị phá thời Cách Mạng Văn Hóa, đã được làm lại và hoàn thành năm 1079.Nhạc Phi bị xử tử tại Phong Ba Đình sau vua Tống Hiếu Tông giải oan được cải táng nơi đây. Trước mộ Nhạc Phi có 4 tượng: Tể Tướng Tần Cối, vợ y là Vương Thị, Tướng Mặc Kỳ Tiết và viên cai ngục Trương Tuấn. Người đến thăm mộ thường đánh đập, phỉ nhổ vào các tượng sắt trên. Năm 1813 Nguyễn Du khi đi sứ ngang thành Hà Nam dất Yên nơi Nhạc Phi đóng quân chiêu tập bình mã, có làm bài thơ Yên Thành Nhạc Vũ Mục ban sư xứ.

Bài Nhạc Vũ Mục mộ:Ông là vị anh hùng xuất hiện trong trăm trận đánh ở Trung Nguyên, với chiếc thương thần dài trượng tám và chiếc cung nặng sáu thạch. Ở tướng phủ, người ta đã ghép tội ông bằng cái án ba chữ (tam tự ngục). Khi Tần Cối khép Nhạc Phi vào tội tử hình. Hàn Thế Trung hỏi: "Có tội gì ? " Cối trả lời "Mạc Tư hữu " (Chẳng cần có) Về sau người ta gọi đó là tam tự ngục. Trong quân còn tiếc công ông mười năm trời. Sông hồ còn đó, nhưng anh hùng mất rồi Nam Tống rỗng không. Cây tùng bách vẫn ngạo nghễ trước gió bấc lao xao. Buồn trông về lăng miếu cũở Lâm An, thấy núi Thê Hà chìm trong khói chiều.

MỘ NHẠC VŨ MỤC

Trung nguyên trăm trận xuất anh hùng,
Trượng tám thương thần, sáu thạch cung.
Tướng phủ tội hình ba chữ án,
Trung quân thương tiếc công mười năm.
Sông hồ đâu kẻ hùng Nam Tống,
Tùng bách kiên cường trước Bắc Phong.
Hoài vọng Lâm An lăng miếu cũ,
Thê Hà chìm đắm khói sương dâng.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
NHẠC VŨ MỤC MỘ

Trung nguyên bách chiến xuất anh hùng,
Trượng bát thần thương, lục thạch cung.
Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục,
Quân môn do tích lập niên công,
Giang hồ xứ xứ không Nam Tống,
Tùng bách tranh tranh ngạo Bắc Phong,
Trường vọng Lâm An cựu lăng miếu,
Thê Hà sơn tại mộ yên trung.

Chú thích:

Thạch: 120 cân Trung Quốc.

Lâm An: tên cũ Hàng Châu tỉnh Triết Giang thời Nam Tống trên sông Tiền Đường.

Thê Hà tên quả núí dưới chân có mộ Nhạc Phi.

Nguyễn Du làm hai bài Tần Cối tượng và hai bài Vương Thị tượng.

Tần Cối Tượng bài I : Cây cối cạnh điện vua năm nào, nay đã bửa làm củi rồi, mà tên Cối lại đến dựa dẫm bên mộ Nhạc Vương; Nguyễn Du chơi chữ Cối trong điện cối, cây cối bên cạnh cung điện với tên Tần Cối. Đúng và sai là chuyện để ngàn năm định luận. Cái tượng Tần Cối, thân giảấy, dù đánh chửi có biết đau đớn gì đâu ? Cứng cát như thế rõ là con người sắt. Cớ sao lại khúm núm thờ quân Kim. Ai bảo kẻ náy không có công gìở đời. ? Muôn năm sau còn có thể làm cho bọn loạn thần phải lo sợ.

TƯỢNG TẦN CỐI  I

Cây cối điện xưa thành củi rồi,
Nhạc Vương mộ đây Cối nương thời.
Đúng sai chuyện cũ nghìn năm luận,
Đánh mắng giả thân công mất thôi.
Chơ vơ mặt sắt trơ trơ đó,
Luồn cúi quân Kim chẳng nhục lời.
Chớ bào kẻ này công chẳng có,
Gian thần vạn cổ làm gương soi.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TẦN CỐI TƯỢNG I

Điện cối hà niên chùy tác tân;
Khước lai y bạng Nhạc Vương phần.
Thị phi tẫn thuộc thiên niên sự,
Đả mạ hà thương nhất giả thân.
Như thử tranh tranh chân thiết hán,
Nại hà mĩ mĩ sự Kim nhân ?
Thùy vân ư thế vô công liệt ?
Vạn cổ do năng cụ lạn thần.

Chú thích:

Tương truyền cuối Bắc Tống, bên điện Vua Huy Tông có cây cối sinh nấm ngọc, người ta cho đó là điền Tần Cối, được trọng dụng để làm mất nhà Tống . Tần Cối trước làm quan Bắc Tống được quân Kim bắt được rồi tha về Nam làm Tể Tướng Nam Tống.

Bài tượng Tần Cối I I. Gác Cách Thiên lầu ngọc đều đổ nát, nhưng đứa gian phi vẫn còn đây. Suốt đời trái tim đen tối cũa nó vẫn chứa đầy nọc độc. Nghìn năm cục sắt sống kia phải chịu nỗi oan lạ lùng. Trong ngục người trung thần khi sống phải đổ máu. Dưới thềm kẻ gian chết rồi mà vẫn hành tội. Nó cũng bất tử như bậc trung thần. Cái phúc lạ lùng tày trời của nó thật là vô lý quá.

TƯỢNG TẦN CỐI II

Cách Thiên gác đổ ngọc lầu tàn,
Nhưng vẫn còn đây một kẻ gian.
Một kiếp tim đen đầy nọc độc,
Nghìn năm thỏi sắt chịu hàm oan.
Trung thần trong ngục sống tuôn máu,
Gian tặc dưới thềm chết vẫn hành.
Gian xảo trung thần cùng bất tử,
Lạ lùng cái phúc thật vô công.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TẦN CỐI TƯỢNG II

Cách thiên các hủy ngọc lâu tàn,
Do hữu ngoan bì tại thử gian.
Nhất thể tử tâm hoài đại độc,
Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan.
Ngục trung dĩ tiễn sinh tiền huyết,
Giai hạ đồ tru tử hậu gian.
Đắc dữ trung thần đồng bất hủ,
Tề thiên kỳ phúc thái vô đoan.

Chú thích:

Cách Thiên các: Nhà gác của Tần Cối ở, co treo tấm biển đề bốn chữ Nhất đức cách thiên nên gọi là Cách Thiên các. Bốn chữấy tự tay vua Huy Tông nhà Tống viết tặng Tần Cối, nghĩa là vua tôi cùng có đức thuần nhất có thể cảm thông được trời.

Bài Vương Thị I. Vương Thị là vợ tên gian thần Tần Cối đời Tống (960-1279). Lưỡi dài ba tấc của thị để làm gì ? Khéo cùng kẻ quyền gian kết làm vợ chồng.. Ngày bắt được hổ là trừ được mối lo về sau. Thì còn ai hỏi đến cái công sau này uống rượu mừng ở Hoàng Long. Tống bị Kim xâm lăng, Tần Cối chủ hoà, Nhạc Phi chủ đánh. Tần Cối giả lệnh vua bắt Nhạc Phi bỏ ngục, coi như bắt được hổ, nếu để sổng ra thì có mối lo về sau, nên giết đi. Nhạc Phi cầm quân đánh Kim, có hẹn với tướng sĩ rằng: Thẳng đến Hoàng Long cùng các người uống rượu mừng. (Hoàng Long là kinh đô nước Kim phía Bắc Trung Quốc, nay ở tỉnh Liêu Đông. Một đời bụng dạ Vương Thị giống hệt như chồng. nghìn năm hình hài thị làm nhục nữ giời. Việc đó nghĩ đến ba chữ: Mạc tư hữu (chẳng cần có) biết đâu là lời nói riêng của thị chốn khuê phòng, chẳng ai biết được.

VƯƠNG THỊ TƯỢNG  I

Lưỡi dài ba tấc làm chi chăng ?
Cùng kẻ quyền gian kết vợ chồng.
Định chuyện lo sau giam Hổ lại,
Còn chi công trước rượu Long mừng.
Một đời bụng dạ như chồng hệt.
Nghìn thuở dung nhan nhục má hồng.
Nghĩ đến một câu: chả cần có,
Biết đâu lời thị chốn khuê phòng.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
VƯƠNG THỊ TƯỢNG  I

Thiệt trường ba xích cánh hà vi ?
Hảo dữ quyền gian bị xướng tùy.
Hậu hoạn chính ân cầm hổ nhật,
Tiền công an vấn ẩm long kỳ.
Nhất sinh tâm tícjh đồng phu tế.
Thiên cổ hình hài nhục nữ nhi.
Để sự tưởng lai "mạc tư hữu "
Khuê trung tư ngữ cách thùy tri.

Tượng Vương Thị bài I I. Mưu mô sâu sắc hơn cả chồng, thị là hạng gà mái gáy sớm bậc nhất. Thị có cái lười dài ba tấc bất hủ, thân hình lại được đúc bằng gan thép lưu truyền lại muôn đời. Trọn đạo xướng tùy chắc không có gì hối hận ? Thủ đoạn bằng nhau nên càng ăn ý với nhau. Chớ bảo đàn bà không có sức mạnh. Chính thị đã phá vỡ quân đội của Nhạc Phi.
TƯỢNG VƯƠNG THỊ II

Mưu mô sâu sắc cả hơn chồng,
" Gà mái gáy sớm " nhất tiếng danh,
Ba tấc lưỡi mềm trời phú thế,
Nghìn năm thân rắn thép gan thành.
Xướng tùy trọn đạo lòng cùng sướng,
Xảo quyệt tương thân dạ kết đồng.
Chớ bảo nữ nhi không sức mạnh
Phá quân Nhạc Vũ đến tan tành.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt
VƯƠNG THỊ TƯỢNG II

Thâm đồ mật toán thắng phu quân,
Ưng thị "thần kể đệ nhất nhân.
Bất lạn dĩ sinh tam thốn thiệt,
Thuần cương hoàn đắc vạn niên thân.
Xướng tùy tận đạo ưng vô hối.
Kỹ lưỡng đồng niên cánh khả thân.
Mạc đạo nữ nhi vô lực lượng,
Dã tằng hám phá Nhạc gia quân.

Chú thích:

Thần kê: do câu Tẫn kê tư thần: gà mái gáy sớm, chỉ người đàn bà lộng quyền.

Nhạc gia quân: quân họ Nhạc. Quân Kim rất sợ Nhạc Phi, thường bảo nhau: Chuyển núi thì dễ, phá quân đội của Nhạc Phi thì khó.

Nguyễn Du chờ đợi gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Miếu Nhạc Phi, là nơi duy nhất Nguyễn Du làm 5 bài thơ, chứng tỏ thời gian chờ đợi khá lâu. Đối diện với Miếu Nhạc Phi phía nam Tây Hồ là chùa Hổ Pháo, nơi đây Từ Hải tức Minh Sơn Hoà Thượng từng tu hành. Từ miếu Nhạc Phi sang chùa Hổ Pháo có con đê Tư (Su) chạy thẳng, không phải đi vòng quanh hồ, tương tự như vị thế Đền Trấn Võ với chùa Trấn Quốc có con đê đường Cổ Ngư, Hồ Tây, Hà Nội. Có lẽ duyên tiền định Nguyễn Du đã đến trú, tụng kinh Kim Cương nơi này chăng ? Từ Hải người Huy Châu (Hấp Huyện, An Huy ngày nay) Nguyễn Du đã lấy quê Việt Đông của Nguyễn Đại Lang để gán cho Từ Hải. Họ Từ trước tu, học tập võ nghệở đây, rồi xuống núi trở thành một thủ lĩnh cướp biển triều nhà Minh, sau cấu kết với cướp biển Vương Trực thường dẫn "nụy khấu " (cướp biển) đốt cướp các đất duyên hải Giang, Triết. Năm Gia Tĩnh 35 (1556) vì nghe lời dụ khéo của Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến qua trung gian người vợ là nàng Kiều. Từ Hải bị vây bắt nên nhảy xuống sông tự tử.

Hồ Tôn Hiến (? - 1556). Tổ tiên của Hồ Cẩm Đào.Là đại thần triều Minh (1368-1644). Tự là Nhữ Trinh, hiệu là Mai Lâm, người Tích Khê tỉnh An Huy. Đậu tiến sĩ thời Gia Tĩnh (Minh Thế Tông 1522-1566) được bổ làm tri huyện Ích Đô, tỉnh Sơn Đông, sau đó Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Rồi lên chức Ngự Sử, làm tuần án Tuyên Phủ tỉnh Hà Bắc, Đại Đồng tỉnh Sơn Tây. Năm Gia Tĩnh 33(1554) ra án giữ Triết Giang. Thời hải tặc Vương Trực làm giặc, ông bày kế độc giết đến trăm người, rồi lại phối hợp với Trương Kinh phá cướp biển ở Vương Giang Kinh (Gia Hưng, Bắc Triết Giang) ông được thăng Hữu Thiêm Đô Ngự Sử. Có công dụ khéo giết được Vương Trực, Từ Hải, Trần Đông, Ma Diếp nên được thăng chức Binh Bộ Thượng Thư, sau bị phe Nghiêm Tung hạ ngục rồi giết chết. (Theo Trung Quốc Lịch Đại Danh Nhân Từ Điển. Đại Học Nam Kinh. Giang Tây 1982 tr 397-398.)

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn. Để có một bản Kiều tương đối đúng với nguyên tác. Tập San Nghiên Cứu Văn Học số 2 năm 1961 , số 4 năm 1964 tr 47-57 và số 9 năm 1964 tr 104. Vương Thúy Kiều là một nhân vật có thật và được 18 tác phẩm viết đến gồm lịch sử, kim nhạc phủ, tiểu thuyết và hý kịch : Minh Sử : Liệt truyện Hồ Tôn Hiến. Minh sử ký sự bản mạt của Cốc Ứng Thái ; Minh đại đạt văn của Lâm Tuệ Như. Lưỡng Hương Hoàn. Lưỡng Ca Kỹ. 3 bài Kim nhạc phủ. Trù Hải Đồ Biên do Mao Khôn xuất bản. Kiến chỉ Biên của Diêu Sĩ Lâm quyển hạ. Kỷ tiểu Từ Hải Bàn Mạt, trong Bạch Hoa Lâu Tàng Cảo của Mao Khôn. Lý Thúy Kiều Truyện của Đái Sĩ Lâm. Ảo ảnh hồi 7. Tuyết Nguyệt Mai hồi 47 của Trần Lãng. Vương Thúy Kiều Truyện của Dư Hoài. Hồ Thiếu Bảo bình nụy chiến công của Chu Tiếp. Thu Hổ Khưu của Vương Lung, Hổ Phách Thi của Diệp Trĩ Phỉ, Phù Nô Truyện, Song Thúy Viên của Hạ Bỉnh Hành và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Thanh Tâm Tài Nhân xuất hiện thời Khang Hy nhà Thanh (1662-1729) Tác giả này dựa vào chuyện Vương Thúy Kiều của người đi trước phát triển thành một pho tiểu thuyết gồm 20 hồi, viết văn bạch thoại, vận dụng hư cấu tự do thêm vào các nhân vật mới như Kim Trọng, Thúy Vân, Hoạn Thư, Thúc Sinh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Giác Duyên, Tam Hợp Đạo Cô, viết lại gia cảnh họ Vương Thúy Kiều, loại bỏ nhiều nhân vật lịch sử như Vương Trực. Tác phẩm không còn chuyện ghi công kỳ nữ có công với triều đình mà chuyển thành hồng nhan bạc mệnh muôn thuở. Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thuộc loại tiểu thuyết tài tử-giai nhân, thư sinh-kỹ nữ, vốn đã thành truyền thống từ thời Đường và đang phát triển mạnh thời Minh Thanh ; tác phẩm cũng mang nhiều nét khuôn sáo của thể loại này đương thời - một thể loại đang ở cao trào phát triển , do nó kết hợp nhu cầu buông thả tình cảm kiểu thị dân với việc ngợi ca, khẳng định lễ giáo phong kiến (Theo Lại Nguyên Ân -Bùi Trọng Cường. Tự Điển Văn Học Việt Nam quyển I ; nxb Giáo Dục Hà Nội, tr 475 ,477.)

Nguyễn Du đến Hàng Châu năm 1790 trong thời điểm Kim Vân Kiều truyện được khắc bản và in bán nơi đây. Tại Hàng Châu, Nguyễn Du đã tiếp xúc với nơi Từ Hải từng đi tu, biết được cuộc sống những nàng ca kỹ hồng nhan bạc mệnh trong các thanh lâu Hàng Châu và say sưa đọc Kim Vân Kiều Truyện, Nguyễn Du quyết chí diễn ca thành thơ Nôm, năm đó ông 24 tuổi.

Diễn Ca Kim Vân Kiều, Nguyễn Du không dịch từng câu văn xuôi thành thơ, mà nắm lấy ý chính, tùy hứng, tái sáng tạo thành một truyện thơ. Nhiều đoạn Nguyễn Du lược bỏ như đoạn Kiều trả ân oán trừng phạt Tú Bà, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư.., và thêm vào thay vì chấm dứt nơi Kiều tự tử nơi sông Tiền Đường, Nguyễn Du, cho Kiều tái ngộ cùng gia đình. Những đoạn văn xuôi nặng nề, thô thiển, Nguyễn Du đã tái sáng tạo thành một trường thiên âm điệu lục bát tài tình. Truyền Kiều không phải là một tác phẩm dịch. Từ một tác phẩm thường thường bậc trung. Nguyễn Du đã tái tạo thành một tuyệt phẩm trong kho tàng văn chương nhân loại và đặt một tên mới Đoạn Trường Tân Thanh. Không phải là cốt truyện Kim Vân Kiều, mà tài nghệ văn chương Nguyễn Du đã biến Truyện Kiều thành một tuyệt tác.

PTC . Paris 2-2-2013
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne. Tác giả : Hồ Xuân Hương, nàng là ai ? Khuê Văn xb Paris 2000. Nguyễn Du mười năm gió bụi . Khuê Văn Paris 2011. Truyện Thơ Odyssée qua 12110 câu thơ lục bát. Sử Thi Iliade qua 16933 câu thơ lục bát. Khuê Văn Paris 2009. Thơ Tình Nhất Uyên (Huy Cận Xuân Diệu đề tựa) Khuê Văn. Paris 2006. Tự Điển Tình yêu bằng thơ tình Xuân Diệu. Khuê Văn Paris 2011.
Kỳ tới : NGUYỄN DU GẶP ĐOÀN NGUYỄN TUẤN SỨ ĐOÀN TÂY SƠN 1790 TẠI HOÀNG CHÂU.