Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]               [ Tác giả

Thăm Cần Giuộc 

Phanxipăng

Cần Giuộc là địa danh được bao thế hệ người Việt Nam hay, chủ yếu nhờ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc 
của Nguyễn Đình Chiểu. Tiếc thay, dẫu chỉ cách quãng ngắn, song biết bao cư dân Sài Gòn 
còn chưa trực tiếp trông thấy quang cảnh Cần Giuộc. 
Đông đảo bạn đọc ở các tỉnh thành khác càng chẳng rõ Cần Giuộc thế nào, 
vì thông tin về vùng đất này lâu nay 
ít phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Cần Giuộc là quận / huyện khi thuộc tỉnh nọ, lúc thuộc tỉnh kia. Vốn là huyện Phước Lộc của phủ Tân An, tỉnh Gia Định, rồi trở thành huyện Cần Giuộc của tỉnh Chợ Lớn. Giai đoạn Ngô Đình Diệm làm tổng thống, đổi tên là quận Thanh Đức của tỉnh Tân An. Từ năm 1963 đến nay, lại là quận / huyện Cần Giuộc của tỉnh Long An.

Hiện thời, huyện Cần Giuộc có diện tích tự nhiên 207,18km2, gồm thị trấn Cần Giuộc và 16 xã: Đông Thạnh, Long An (tên xã y hệt tên tỉnh), Long Hậu, Long Phụng, Long Thượng, Mỹ Lộc, Phước Hậu, Phước Lại, Phước Lâm, Phước Lý, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Tân Kim, Tân Tập, Thuận Thành,Trường Bình. Dân số huyện Cần Giuộc cuối năm 2006 là 167.045 người. Từ thị trấn Cần Giuộc đến chợ Bến Thành là 21km, nhưng đến ranh giới TP. HCM chỉ 3km.

Theo Trương Vĩnh Ký, địa danh Cần Giuộc xuất phát từ tiếng Khmer Srôk Kantuôt có nghĩa xứ cây chùm ruột(1).

Tên chính xác của một ngôi chùa
Ngày 14-12-1861 nhằm 13 tháng 11 Tân Dậu, thực dân Pháp đánh úp Cần Giuộc, Tân An, Gò Công. Hai hôm sau, 16-12-1861, đúng rằm, nghĩa quân 3 xứ nổi dậy đột kích giặc Pháp. Riêng tại Cần Giuộc, dưới sự chỉ huy của Bùi Quang Diệu, nghĩa quân tấn công đồn địch, giết chết tên quan hai Pháp cùng một số cảnh sát gốc Malaysia và Philippines. Trong trận ấy, theo công văn của tuần phủ Đỗ Quang, nghĩa quân hy sinh 27 người. Huỳnh Tịnh Của thì cho rằng nghĩa quân hy sinh 15 người. Đỗ Quang huy động Bùi Quang Diệu làm lễ truy điệu, phần văn tế do Nguyễn Đình Chiểu (1822 -1888) soạn thảo.

Tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc lắm khi mang các tiêu đề khác, chẳng hạn Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc, Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn, Điếu nghĩa dân trận tử văn, Văn tế vong hồn mộ nghĩa.Áng văn ấy do Nguyễn Đình Chiểu viết tại chùa Tôn Thạnh ở làng Thanh Ba, quận Cần Giuộc.

Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm;
Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ. (2)

Điều buồn cười là tên ngôi già lam này bấy lâu nay bị quá nhiều thư tịch - như hợp tuyển Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX do Chu Thiên, Đặng Huy Vận, Nguyễn Bỉnh Khôi biên soạn (NXB Văn Học, Hà Nội, 1976), Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX do Bảo Định Giang biên soạn (NXB Văn Học Giải Phóng, TP. HCM, 1976), Nguyễn Đình Chiểu (Cục Thông tin và cổ động xuất bản, Hà Nội, 1982), tập II Giảng văn của khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm I Hà Nội (NXB Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1982) - cứ liên tục in là chùa Tân Thạnh, Tân Hạnh, Tôn Hạnh, Lão Ngô. Hỡi ôi!

Chùa Tôn Thạnh, chính âm là Tông Thịnh, ghi chữ Hán thì 宗盛 . Chùa do nhà sư Viên Ngộ, thế danh Nguyễn Chất / Nguyễn Ngọc Dót (1786 - 1846), khởi lập vào niên hiệu Gia Long thứ VII, tức năm Mậu Thìn 1808. Tên cũ của chùa là Lan Nhã / Lan Nhược. Ngôi già lam này có khi được gọi là chùa Ông Ngộ hoặc chùa Tăng Ngộ.

Chùa Tôn Thạnh hiện ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Thanh Ba nguyên là tên làng, nơi sản sinh Lê Thị Điền - vợ của Nguyễn Đình Chiểu (3).

Quanh mấy tác phẩm do Đồ Chiểu viết
Bước qua cổng chùa, đi vào một đoạn ngắn, khách gặp tấm bia đá được dựng năm 1973. Bia khắc:

Dưới mái chùa Tôn Thạnh này
từ năm Kỷ Ngọ 1859 đến năm Nhâm Tuất 1862
đại chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)
bề ngoài mở lớp dạy học
bên trong lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp
và cũng nơi đây
cụ đã sáng tác thơ Lục Vân Tiên

Tại chùa Tôn Thạnh, trong thời gian lưu trú, Nguyễn Đình Chiểu làm một số văn thơ, mà được truyền lưu rộng rãi là bài thơ Chạy giặc thất ngôn bát cú:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà, lũ chó băng băng chạy,
Mất ổ, bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm vừng mây.
Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Ai cứu dân đen khỏi nạn này?

Bài thơ Chạy giặc tồn tại vài dị bản. Đáng lưu ý rằng giai đoạn ở chùa Tôn Thạnh thì tác phẩm bất hủ được Nguyễn Đình Chiểu viết là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Riêng thiên truyện lục bát Lục Vân Tiên, mãi đến nay vẫn chưa xác định chính xác niên điểm ra đời.

Niên phổ Nguyễn Đình Chiểu trong sách Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1973) và trong tập II Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (NXB Đại Học & Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1982) ghi rằng truyện Lục Vân Tiên có lẽ được bắt đầu sáng tác năm Canh Tuất 1850 hoặc Tân Hợi 1851. Nguyễn Quảng Tuân phát biểu trong Tập Văn 20 (1991) rằng Lục Vân Tiên xuất hiện vào khoảng 1850 đến 1854. Viết sách Chùa Tôn Thạnh (Sở Văn hóa - Thông tin Long An, 2002), Trần Hồng Liên cho rằng dưới mái chùa Tôn Thạnh, Đồ Chiểu hoàn chỉnh thi phẩm Lục Vân Tiên. Lưu ý rằng các ý kiến vừa nêu đều nặng tính phỏng đoán.

Ngày 27-9-1997, Bộ Văn hóa và Thông tin ban hành quyết định số 2890 VH/QĐ công nhận chùa Tôn Thạnh là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Một trong những lý do quan trọng khiến chùa đạt điều ấy: ngôi già lam này là nơi Nguyễn Đình Chiểu từng lưu trú.

Góc sân chùa có liếp nhà tứ giác bằng bê tông cốt sắt, che tấm bia lớn được khắc trích đoạn Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đại đức Thích Tắc Nhàn - tri sự chùa Tôn Thạnh hiện nay - nói với tôi:

- Bia đá dựng năm 1973 do nữ đạo hữu Châu Anh Phụng. Nhà bia mới thì Bộ Văn hóa và Thông tin đầu tư xây vào năm 1997.

Sông Cần Giuộc & chợ Trường Bình
Dạo thăm xứ cây chùm ruột, tôi lẩm nhẩm mấy dòng văn tế:

Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.

Sông Cần Giuộc còn được gọi rạch Cát dài 32km là nguồn nước chảy về tưới tẩm ruộng đồng xã Mỹ Lệ ở huyện Cần Đước kế cận nhằm góp phần tạo nên đặc sản lẫy lừng: gạo Nàng Thơm Chợ Đào.

Thế chợ Trường Bình chỗ nào? Dân chúng ở xã Trường Bình lắc đầu:

- Hổng có chợ nào tên Trường Bình cả à.

Anh Nguyễn Ngọc Nhẫn, chủ tịch xã Trường Bình, cho tôi hay:

- Chợ Trường Bình xưa chính là chợ Cần Giuộc bây giờ.

Anh Trần Văn Đạt, chánh văn phòng UBND huyện Cần Giuộc, hoàn toàn tán thành ý kiến ấy:

- Đúng vậy, đó là chợ Cần Giuộc bên cạnh kinh Cầu Tràm.

Tôi nghĩ rằng giá huyện Cần Giuộc linh hoạt tổ chức tour du lịch văn hóa, nhiệt tình đón đưa khách viếng những nơi Nguyễn Đình Chiểu từng lưu dấu, thì hữu ích biết mấy. Nếu địa phương này quảng bá rộng rãi, tiếp thị khéo léo, phục vụ ân cần, chắc chắn học sinh, sinh viên và thầy cô giáo của rất nhiều trường từ các tỉnh thành gần xa, cùng tao nhân mặc khách muôn phương sẽ hào hứng ghé thăm Cần Giuộc.
 

___________
(1) - Tư liệu Le Cisbassac là di cảo của nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) từng được Louis Malleret sao lục, có chi tiết đáng lưu ý: "Cần Giuộc, ngôn ngữ Môn-Khmer gọi là Srôk Kantuôt". Mặc dầu đã tham khảo tư liệu kia, song Vương Hồng Sển (1902 - 1996) vẫn lấy làm phân vân và ghi vào Tự vị tiếng Việt miền Nam (NXB Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1993; trang 103): "Kantuôt không dịch được vì không có trong tự điển Miên - Pháp [của] J. B. Bernard." Thực chất, Srôk là một đơn vị địa lý mà cư dân Khmer thường sử dụng, tương đương làng bản và được người Việt (Kinh) quen phiên âm thành Sóc. Ví dụ: Srôk Kléang có nghĩa Xứ Kho chính là từ nguyên của địa danh Sóc Trăng. Kantuôt là gì? Nhiều bà con gốc Khmer cư trú tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết từ này chỉ cây chùm ruột / chùm giuộc / tầm giuộc / tầm ruột. Có nơi gọi cây này là khế tây / khế xiêm / khế miên. Tên khoa học của nó là Phyllanthus acidus (L.) Skeels. Đó là loài thực vật duy nhất có quả ăn được thuộc họ Diệp hạ châu (Phillanthaceae).

(2) - Khảo dị: Dinh Lang Sa nửa khắc đặng rửa hờn, tấc phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

(3) - Nguyễn Đình Chiểu, tục gọi Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi bị mù có thêm hiệu Hối Trai; chào đời ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ nhằm 1-7-1822 tại quê mẹ là làng Tân Thới, tỉnh Gia Định; tạ thế ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý nhằm 3-7-1888 tại làng An Đức, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tập 1 Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (NXB Đại Học & Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1980) chú giải: "Làng Tân Thới ở vào đâu, hiện nay chưa xác định được rõ ràng. Song, có điều biết chắc là phần mộ của bà Trương Thị Thiệt (mẹ ông) ở tại phường Tân Triêm, xưa thuộc vùng Cầu Kho. Thế thì có thể Tân Thới thuộc vùng Cầu Kho, Sài Gòn hiện nay". Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh do Lê Trung Hoa và Nguyễn Đình Tư hợp soạn (NXB Trẻ, 2003) cho biết địa danh Tân Thới chỉ 5 nơi khác nhau ở các quận huyện: 1, Tân Bình, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Tân Thới ở quận 1 được từ điển này ghi nhận: "Năm 1820 là lân của tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Năm 1836, là thôn của tổng Bình Trị Trung, tỉnh Gia Định. Năm 1813, huyện lị đóng tại đây. Nay thuộc quận 1." Chẳng rõ căn cứ vào đâu mà một số tài liệu như http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_%C4%90%C3%ACnh_Chi%E1%BB%83u cho rằng bà Trương Thị Thiệt quê làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, nay thuộc tỉnh Long An. Bà Trương Thị Thiệt là vợ thứ, bà Phan Thị Hữu là vợ chính của ông Nguyễn Đình Huy gốc làng Bồ Điền, nay là thôn Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 731 (23-4-2007)


Cổng chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc, Long An. 
Ảnh: Phanxipăng

Bia đá tri ân Nguyễn Đình Chiểu được dựng năm 1973 trong vườn chùa Tôn Thạnh. 
Ảnh: Phanxipăng

Đại đức Thích Tắc Nhàn và Phanxipăng trước bia khắc trích đoạn 
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu trong sân chùa Tôn Thạnh. 
Ảnh: Đặng Văn Năm