Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

Mau ăn chóng lớn

Thu Tứ


Cao ngất quê ta
Không còn nửa cái móng tay!
Ta ở tỉnh Tây thì sao?
Mau ăn chóng lớn... thành Tây!
*
Cao ngất quê ta

Sáu bảy chục năm trước, Hoài Thanh có lần phát biểu: "Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê."(1)

"Mỗi chúng ta", tức cả người Hà Nội đấy.

Nhà quê mà hễ gặp món Tàu món Tây là ra tay "hóa" thành món Việt dễ như chơi!

Bản lĩnh thế, chắc chắn nhờ cái văn hóa tinh thần độc đáo ra đời trên đồng lúa, trong lũy tre, dưới những cánh cò.

Văn hóa Việt Nam truyền thống là một văn hóa quê, vì cả đất nước Việt Nam vốn là quê, dù tỉnh vẫn quê, đến chính Thăng Long - Hà Nội cũng cứ đậm đà quê!(2)

Ngẫm mà xem, nói không ngoa đâu, văn hóa Việt Nam truyền thống đích thực là nền văn hóa quê lâu đời nhất và cao nhất thế giới đấy!

Không còn nửa cái móng tay!

Cái gì mà chả mất được.

Mất có khi từ từ, có khi nhanh ngẩn ngơ.

Thế kỷ 19 giặc Pháp chiếm nước ta. Một cách tự nhiên, khắp nước giặc chọn những địa điểm chiến lược để xây lỵ sở cho guồng máy cai trị. Giặc đóng nơi nào, nơi ấy dần dần biến thành "tỉnh Tây".

Giặc Pháp rút về trong thập kỷ 1950. Suốt khoảng gần nửa thế kỷ tiếp theo đó, cái tỉnh Tây không mở mang được thêm đáng kể. Nhưng rồi do quyết định đổi mới kinh tế không đừng được của nhà nước Việt Nam năm 1986, nó bắt đầu hùng hổ tiếp tục "sự nghiệp". Lần này nó hành quân thần tốc, như để bù cho khoảng thời gian giậm chân tại chỗ!

Năm 2012. Từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, nơi nơi thành phố, thị xã, thị trấn đang vừa tới tấp Tây hóa vừa đua nhau nuốt chững từng miếng quê thật to! Chẳng bao lâu nữa, sẽ không còn lại được một chút quê nào trên quê hương! (Không kể cái thứ quê như cụm phố giữa đồng.)

Chẳng bao lâu nữa, Hoài Thanh có sống dậy mà đốt đuốc lên đi tìm, cũng không sao thấy được một nửa cái móng tay nhà quê ở bất cứ người Việt Nam nào!

Tính từ Đông Sơn, quê Việt đã tồn tại hàng hăm mấy thế kỷ. Nó tiêu vong trong chỉ có hơn một thế kỷ thôi!

Ta ở tỉnh Tây thì sao?

Một nền văn hóa, phải mất không biết bao nhiêu thế hệ người sinh sống trong một môi trường tương đối ổn định thì mới có được nó chứ. Nó là không biết bao nhiêu cảm nghĩ sâu sắc về đủ mọi thứ mà chỉ sau khi cảm đi nghĩ lại qua đằng đẵng thời gian ta mới có được. Nó cũng là khả năng thể hiện những cảm nghĩ ấy thành cái gì đó giá trị mà cũng chỉ sau khi khổ công trau giồi qua đằng đẵng thời gian ta mới có được.(3)

Cái gì đó, chẳng hạn Truyện Kiều.

Đâu phải một sớm mà con người Việt Nam có được những cảm xúc tinh tế cực kỳ như trong Kiều. Đâu phải một sớm mà thơ Việt Nam trở nên đẹp đẽ cực kỳ như trong Kiều.

Tuy Truyện Kiều mới viết ra cách nay khoảng 200 năm, nhưng cái không gian văn hóa bao quanh Nguyễn Du chắc chắn già hơn Nguyễn Du không biết bao nhiêu. Không gian ấy ra đời, rồi lớn lên, rồi đợi đến ngày có một đứa bé thật dĩnh ngộ là Nguyễn Du lọt lòng mẹ để bắt đầu trút vào nó trọn cái tuổi của mình! Nhà thơ thiên tài lúc viết Kiều tuổi đời bất quá vài mươi niên, nhưng tuổi văn hóa thì già lắm, già cốc đế, già đến mấy nghìn năm!

Thử nghĩ về một đứa bé sinh ra ở nước Việt Nam trong thập kỷ 2010. Khi đứa bé ấy đủ lớn để bắt đầu hấp thụ văn hóa thì cái văn hóa quê hết mực già dặn của dân tộc Việt Nam, với những nếp cảm xúc đặc biệt tinh tế, những phương cách thể hiện nghệ thuật đặc biệt tài tình, đâu còn ở đời nữa mà ảnh hưởng đến nó, truyền nội lực thâm hậu cho nó! Xung quanh nó sẽ là một thứ văn hóa tỉnh Tây sơ sinh, chưa có chút nội lực nào. Không được môi trường truyền nội lực thì dù dĩnh ngộ đến đâu chăng nữa, đứa bé ấy sẽ vẫn lớn lên thành một con người quá non nớt về văn hóa để mong sáng tạo được thứ nghệ phẩm gì tuyệt tác.

Nên nhớ ta chỉ có thể vay văn hóa khác những chiêu thức, bài bản, chứ không thể mượn nội lực. Mà hễ thiếu nội lực thì "đánh đấm" sao ra trò nổi, bất cứ trò gì!

Mau ăn chóng lớn... thành Tây!

Cứ đà thay đổi này, không lâu nữa Hà Nội sẽ "văn minh" y như Nữu Ước, Ba-lê, Luân-đôn.

Lúc ấy có lẽ ta nên đăng ký khai sinh lại cho cái "văn hiến" của nước. Mấy nghìn năm tụt xuống chưa... ráo máu đầu!

Dĩ nhiên văn hóa Việt Nam mới rồi sẽ trưởng thành. Nhưng nó lớn lên tóc vàng vàng mũi lõ lõ mắt xanh xanh, chứ không giống cái văn hóa Việt Nam cũ tí nào!

Chắc chắn dân tộc rồi sẽ sinh những thiên tài mới. Thiên tài Việt Nam tương lai sẽ sáng tạo ra những thứ làm vẻ vang truyền thống văn hóa Tây!!!

___________

(1) Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam (1941).

(2) Xem bài Thôi Một Nước Quê của TT.

(3) Xem sách Tìm tòi và suy nghĩ (2005) của TT.