Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

Người nước khác nhìn ta

Thu Tứ


Cristophoro Borri
Paul Doumer
Pierre Huard
Tomita Kenji
John Stevenson và John Guy
Gerald W. Fry
*
Văn hóa Việt Nam truyền thống, nó như... Nguyễn Công Trứ lúc còn hàn nho hay đang chới với trong bể hoạn. Hay ơi là hay, thế mà thế giới chẳng mấy ai biết (vì nó hay về đường tinh thần, trong khi nhân loại quen đánh giá theo thành công vật chất).

"Người có biết ta hay thì chớ,
Chẳng biết ta, ta vẫn là ta."

Ít lắm, nhưng cũng có người biết "ta" đấy. Chẳng những biết mà lại còn giấy trắng mực đen cái biết ấy ra nữa. Đọc phát biểu sau đây của một cố đạo Ý, một trùm thực dân Pháp, vài học giả Pháp, một học giả Nhật, và ba trí thức Mỹ, chắc nhiều người Việt thấy hả dạ đôi phần...

CRISPHORO BORRI: TIẾNG VIỆT, TIẾNG TÀU

Tản Đà có lần bảo: "Chữ quốc ngữ của ta, âm và vận so với chữ nước khác, hãy nói như chữ Tàu, thì rất là giàu đủ và tách bạch hơn.".(1)

Hàng 300 năm trước Tản Đà, tình hình hơn kém giữa hai thứ tiếng đã như thế rồi, như Crisphoro Borri cho biết.(2)

----

Mặc dầu ngôn ngữ của người Đàng Trong cũng giống ngôn ngữ của người Trung Hoa, vì cũng như người Trung Hoa họ dùng những từ chỉ có một vần nhưng đọc và xướng lên với nhiều cung và giọng khác nhau, giữa hai ngôn ngữ có sự khác biệt: tiếng Đàng Trong dồi dào hơn về nguyên âm, vì thế dịu dàng và êm ái hơn.(3)

PAUL DOUMER: PHẢI SÁNH VIỆT VỚI NHẬT

Paul Doumer là Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 tới năm 1902, sau khi về nước có lúc làm tổng thống Pháp.

Vào thời điểm Doumer phát biểu nhận định sau đây, dân tộc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh thất thế nhục nhã, trong khi dân tộc Nhật Bản đang tột đỉnh vinh quang (vừa đại thắng Nga).

"Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già"!

Nhưng Doumer chỉ mới biết sơ sơ rằng người Việt thông minh, can đảm, chăm chỉ. Y chưa biết đến cái văn hóa thuần cảm vô cùng tinh tế mà tổ tiên ta qua bao đời đã bồi đắp nên.

Tinh hoa Bách Việt là ta!

-----

Paul Doumer viên cựu Toàn quyền Đông Dương cũ, đã so sánh người Việt với các dân Miên, Lào, Thái và các dân khác (ở Đông Nam Á) và cho rằng phải sang đến tận Nhật Bản người ta mới thấy được một giống dân tương xứng và giống với người Việt. Cả hai giống người Việt và Nhật, theo ông, đều thông minh, chăm chỉ và can đảm. Người Việt có thể trở thành những quân nhân can đảm và có kỷ luật, những công nhân gương mẫu, những nông dân ưu tú (...) Họ vượt xa các dân khác (ở ĐNÁ). Quan sát người Việt và quan sát hai mươi giống dân khác, Doumer đã đưa ra một nguyên tắc là những người quả cảm trong khi làm việc cũng quả cảm trong khi chiến đấu. Nếu người ta can đảm trước sự mệt mỏi, người ta cũng can đảm trước sự nguy hiểm và trước cái chết. E. Luro một trong những nhà hành chánh và học giả đầu tiên của người Pháp ở Nam kỳ cũng nhận định tương tự. Theo ông, người Việt coi nhẹ cái chết. Họ có thể lên đoạn đầu đài với vẻ mặt bình thản, miệng ngậm thuốc lá. P. Cultru cũng nghĩ như vậy.(4)

PIERRE HUARD: NGƯỜI VIỆT NÓI BẰNG MẮT

Bây giờ thì nhiều người Việt đã quen mắt lắm rồi, thấy tự nhiên lắm, thậm chí chính họ cũng đã như thế rồi.

Là nói cái chuyện người Tây phương nói bằng cả cơ thể. Cái gì mà cứ hễ miệng mở là trán nhăn mày nhướng, mặt quay qua quay lại, đầu gục gặc, là hai bàn tay giơ ra, múa máy như làm... ảo thuật! Tổng thống trình bày quốc gia đại sự múa tay, mục sư giảng đạo múa tay, đến ca sĩ hát thì ôi thôi, múa nẩy lắc ngoáy không chừa một bộ phận nào!

Dưới mắt người Á Đông xưa kia, như thế là rất khó coi. Các cụ ta quý cái vẻ ôn tồn, điềm đạm, kín đáo.

Vẻ mặt vẻ người, triết lý hiện hình đấy! Khác nhau bởi nhân loại ở Á Đông vốn xem mình là một phần nhỏ mọn của toàn thể, trong khi nhân loại ở Tây phương quen xem mình là... cái rốn của vũ trụ.

Vẻ mặt vẻ người dĩ nhiên cũng là văn hóa. Tây nghĩ nhiều cảm ít. Ta nghĩ ít cảm nhiều. Trông những bàn tay "hùng biện" của Tây, nghĩ đến lý kia lẽ nọ. Nhìn vào những mắt "rất diễn cảm" của ta, thấy một trời cảm xúc...

----

Bộ mặt người Việt không diễn cảm lắm (...) thản nhiên, thậm chí không thể hiểu nổi (...) một sự tái hiện nhất định nào đó các đặc trưng tinh thần của tổ tiên (...) Một nền giáo dục rất đặc biệt từ bao thế kỷ đã góp phần tạo thành bộ mặt này (...) Đôi mắt họ (...) rất diễn cảm.(5)

TOMITA KENJI: CÁI MIỆNG NGƯỜI VIỆT

Tiếng Việt trong Truyện Kiều đẹp đẽ, tinh tế tuyệt vời.

Không phải nhờ Nguyễn Du mà nó đẹp, nó tinh. Chắc chắn khi Nguyễn làm thơ thì nó đã sẵn thế rồi. Truyện Kiều là thiên tài thơ của một người cộng với cái thành tích văn hóa to lớn của cả một dân tộc.

Tiếng Việt là một thành tích văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tổ tiên ta đã lập được thành tích ấy mặc dù coi như không có chữ viết.(6) Tiếng Việt "nên người", hơn người, không nhờ được viết xuống, mà chỉ nhờ được nói. Đại công gây dựng nó coi như hoàn toàn thuộc về cái miệng!

Cái miệng còn gây dựng nên "sự nghiệp ăn uống" rất vẻ vang của người Việt nữa. Ông Tomita Kenji nghĩ ta ăn độc đáo hơn ta nói. Thiết tưởng không phải thế. Sở dĩ người nước ngoài có cảm tưởng thế, ấy chỉ là vì cái ăn nó dễ thấy hơn cái nói nhiều. Nhưng ông vẫn đáng xem là tri kỷ.

----

Giáo sư Tomita Kenji của Đại học Ngoại ngữ Osaka, khi giới thiệu về Việt Nam đã có một nhận định khá độc đáo và ngộ nghĩnh. Ông cho rằng vũ khí lợi hại nhất của người Việt Nam (...) là cái miệng. Với cái miệng, những câu chuyện kể, những khúc dân ca, những điệu hát của người Việt Nam đã truyền đạt lại ý chí của nhân dân, động viên nhân dân trong suốt cả quá trình dựng nước và giữ nước. Và cũng với cái miệng, người Việt Nam lại có một lối ăn riêng. Đó là sợi dây ràng buộc nhau, nuôi dưỡng ý thức cộng đồng cho nhau. Ông cho rằng phong cách ăn của người Việt Nam đôi khi còn mang tính dân tộc hơn cả ngôn ngữ.(7)

STEVENSON AND GUY: GỐM VIỆT NHẤT ĐÔNG NAM Á

Từ lâu đã thấy đồ gốm cổ của ta thật "khác vời", nay đọc lời đánh giá này thật "như cởi tấm lòng"!

Lại nhớ Sổ tay văn hóa Việt Nam (1978) có chép:

"Chúng ta biết nghề gốm Việt Nam có một lịch sử lâu đời, nhưng đến đời Lý (1010-1225) thì có một bước nhảy vọt. Các loại đồ ngự dụng, dân dụng, nhiều khi cả vật liệu xây dựng, được phủ men nâu, men ngọc, men ngà, được trang trí cành, lá, hoa sen, rồng chìm, rồng nổi, cách điệu hóa hay tự nhiên, rất tinh tế. Đặc sắc nhất là loại bát đĩa men ngọc xanh mà các nhà khảo cổ tìm thấy ở hải cảng Vân Đồn (Quảng Ninh). Thứ men này khác với men xanh Trung Quốc đời Tống, từ chất liệu men đến kỹ thuật chế tác, độ lửa nung (...) Đồ gốm đời Trần nước men càng đẹp, phần nhiều men trắng làm nền và trang trí bằng men nâu da lươn hoặc xanh chàm."

Ấy là Trương Chính và Đặng Đức Siêu chưa thấy những sản phẩm gốm Chu Đậu trục vớt được ngoài khơi Hội An và nhất là những di vật gốm đào được ở khu hoàng thành Thăng Long...

----

Gốm Việt là một kết hợp độc đáo giữa sáng tạo bản địa và một số yếu tố ngoại lai từ Trung Quốc, Khơ-me, Chàm và Ấn-độ. Các hoa văn trang trí, các loại men, các phương pháp chế tác, có lẽ ngay cả quan niệm về đồ gốm, đều khác hẳn Trung Quốc. Dùng thứ đất sét rất tốt ở châu thổ sông Hồng mịn, ít tạp chất, sắc xám trắng người Việt đã tạo ra những món đồ gốm tinh tế nhất vùng Đông Nam Á.

Công trình nghiên cứu tỉ mỉ nhất về gốm Việt từ trước tới nay này là nỗ lực chung của chuyên gia từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Anh, Pháp và Hoa Kỳ (...)(8)

GERALD W. FRY: VIỆT NAM VÀ THÁI LAN

Cho đến năm 1975 thì nước Việt Nam đã hàng thế kỷ không có điều kiện để phát triển kinh tế. Trong cùng khoảng thời gian ấy, nước Thái-lan có đầy đủ điều kiện để tha hồ phát triển kinh tế. Thế mà chỉ vài mươi năm sau 1975, so sánh tình hình kinh tế hai nước, người ta phải nhận xét rằng người Thái-lan có thể học hỏi nhiều nơi đất nước ta!

Người Thái-lan thuộc dòng giống Âu, cùng trong Bách Việt với ta. Hơn nữa, ta tuy chủ yếu là Lạc nhưng chắc chắn cũng có lai Âu đáng kể. Tức họ với ta chẳng những đồng chủng mà về máu huyết còn gần nhau hơn gần những anh em Bách Việt khác.(9)

Tại sao thành tích "làm ăn" của đôi bên lại khác nhau thế?

Thực ra ta còn hơn hẳn họ trong nhiều lĩnh vực khác chứ không phải chỉ trong hoạt động kinh tế. Nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, văn chương v.v., họ không sánh được với ta đâu. Hình như ta chỉ nhường họ về số lượng kiến trúc tôn giáo, cụ thể là số chùa.

Nhiều chùa, ít thành tích trần gian...

Nhưng sao suốt thời Bắc thuộc tổ tiên ta theo đạo Phật mà vẫn không trở nên tiêu cực trong việc đánh đuổi Tàu, sao đời Lý đời Trần cả nước Đại Việt theo đạo Phật mà thành tích trần gian vẫn phong phú?

Chợt nghĩ đến cái tinh thần tiến thủ hết sức mạnh mẽ của dân tộc mà môi trường sống đầy thử thách ở Bắc bộ xưa kia cùng với mối đe dọa ghê gớm từ phương Bắc đã giúp hình thành. Tổ tiên ta hơn những anh em Bách Việt khác ở cái tinh thần đó. Và hẳn chính nó đã khiến khi vào đất ta Phật giáo phải "nhập thế", sống với dân tộc chứ không kéo được dân tộc vào cơn trầm tư mặc tưởng triền miên...

Thế tại sao vua ta rút cuộc lại bỏ Phật mà theo Khổng? Vì đạo Phật chỉ miễn cưỡng nhập thế chứ không thực thích hợp với nhu cầu cai trị một đất nước nhiều tham vọng. Nho giáo bản chất hoàn toàn thế tục, mới thực là thích hợp.

Tóm lại, nhờ hoàn cảnh sống rất khó khăn mà người Việt có thái độ sống rất tích cực, rồi nhờ thái độ sống ấy mà ta lập được nhiều thành tích sống xuất sắc.

----

Ở Đông Nam Á, về kinh tế Việt Nam đã trở thành một đối thủ lợi hại của Thái-lan trong nhiều lĩnh vực: du lịch, điện tử, dệt, xuất khẩu gạo và các loại thực phẩm khác (kể cả hải sản) v.v. Chẳng hạn, Thái-lan vốn là nơi công ty Nike (Mỹ) đặt nhiều cơ xưởng, bây giờ phần lớn hoạt động sản xuất của công ty này đã chuyển sang Việt Nam (...)

Năm 1986 Việt Nam quyết định "đổi mới", theo kinh tế tư bản. Từ bấy đến nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Với dân số hiện giờ là 91 triệu rưỡi (gấp đôi dân số năm 1975) Việt Nam có một nguồn lao động lớn, giá rẻ, lại rất hăng hái, để huy động vào việc xây dựng một nền công nghệ hiện đại...

Về nhiều mặt, đất nước Việt Nam ngày hôm nay làm tôi nghĩ đến Nhật Bản trước kia (...) Việc "con cọp mới" Việt Nam đang ráo riết phát triển kinh tế là một thách thức, đồng thời cũng là một cơ hội cho người Thái (cải tiến kinh tế nước mình).(10)

_______________

(1) Xem bài Âm Vần Tiếng Việt Tiếng Tàu của Tản Đà, trang gocnhin.net.

(2) C. Borri nói về tiếng Đàng Trong vì ông chỉ ở Đàng Trong, nhưng tất nhiên chỗ đặc biệt mà ông thấy đó là của tiếng Việt nói chung.

(3) Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghi dịch và chú thích, nxb. TPHCM, VN, 1998.

(4) Phạm Cao Dương, Lịch sử dân tộc Việt Nam, quyển I: Thời kỳ lập quốc, nxb. Truyền Thống Việt, California, Mỹ, 1987, tr. 26-27. PCD dẫn P. Doumer, L"Indochine francaise (hồi ký), nxb. Vuibert et Nouy, Paris, 1905, tr. 33, E. Luro, Pays d"Annam - Etude sur l"organisation politique et sociale des Annamites, nxb. Ernest Leroux, Paris, 1897, tr. 56, P. Cultru, Histoire de la Cochinchine francaise des origines à 1883, nxb. Challamet, Paris, 1910, tr. 22.

(5) Theo Nguyễn Văn Huyên, trong Văn minh Việt Nam, in năm 1944, bản dịch của Đỗ Trọng Quang, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 2005, tr. 44-45.

(6) Chữ Nôm cho đến thời Nguyễn Du chỉ một thiểu số người Việt là các nhà nho mới biết, và tuy biết nhưng rất ít khi dùng.

(7) Nguyễn Xuân Hoa, "Thực phổ bách thiên và 100 món ăn nấu theo lối Huế", Sông Hương dòng chảy văn hóa - tuyển chọn 1983-2003, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 2003, tr. 267. NXH cho biết phát biểu trên của Kenji là từ một tài liệu phổ biến ở Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á và Thái bình dương tổ chức ở Hyogo, Nhật, tháng 11-1996.

(8) Trích dịch từ Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition (Gốm Việt: một truyền thống riêng), John Stevenson & John Guy, Art Media Resources, Mỹ, 1997.

(9) Ngoại lệ là người Lào. Người Thái-lan với người Lào coi như một: cùng là Âu Việt từ Vân Nam di tản xuống.

(10) Trích dịch từ bài "Thais can learn much from Vietnam" của Gerald W. Fry, giáo sư khoa Lãnh đạo Tổ chức, Chính sách và Phát triển, Đại học Minnesota, Mỹ, đăng trên trang nationmultimedia.com ngày 27 tháng 8 năm 2012.