Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

Tưng tửng và tửng 

Thu Tứ

Tưng tửng, tưng tửng...
Tửng là gọn lỏn và bất ngờ
Tưng tửng là tự nhiên, giản dị
Tưng tửng và tửng
Có phải tiếng mới không?
*
Tưng tửng, tưng tửng...

Ðâu đó trong Tạp văn (nxb. Trẻ, VN, 2006), Nguyễn Ngọc Tư có nhắc đến "giọng văn tưng tửng của mình". 

"Tưng tửng" là tiếng Nam, nó diễn một phong cách độc đáo của người Nam. Thử tra từ điển. 

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 2004) định nghĩa tưng tửng là "ra vẻ như không có gì, nửa như đùa nửa như thật". 

Ðại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý, 1999) tỉ mỉ hơn: tửng tửng là "buông từng câu ngắn gọn lỏn, biểu thị thái độ không coi điều đang nói tới là khó khăn, quan trọng". Theo định nghĩa này, tưng tửng không nhất thiết là đùa (dù chỉ "nửa như"), nhưng phải thật gọn.

Tửng là gọn lỏn và bất ngờ

Tra từ điển, rồi đi tra... bạn bè người Nam về một số nhân vật trong truyện trong kịch miền Nam.

Trong truyện ngắn Con Cá Chết Dại của Sơn Nam, Hai Ty mê Hồng mà chưa có dịp làm quen, bữa đó đứng trên bờ rạch thấy Hồng bơi xuồng ngang qua, Hai chưa kịp chào hỏi thành lời đã hăm nhảy xuống rạch để níu xuồng Hồng lại! Hai Ty như vậy, các bạn nghe kể đều bảo là "tửng".

Trong truyện Lý Con Sáo Sang Sông của Nguyễn Ngọc Tư, Út Thà sắp lấy chồng mà không phải lấy người thương là Phi. Mặc nhà gái lu bu sửa soạn nhóm họ, cô dâu tỉnh bơ một xuồng một mái chèo qua thăm Phi. Út ngồi nhậu mắm lóc với Phi hồi lâu rồi chợt nói: "Sao tự nhiên em qua đây lãng xẹt vậy không biết?". Út như vậy, các bạn cũng cho là "tửng".

Trong nhiều hài kịch miền Nam, nhân vật nói năng gọn lỏn, không hề "vòng vo Tam Quốc", và các bạn Nam cùng xem đều đồng thanh như vậy là "tửng".

Tửng chắc chắn là "gọn lỏn". 

Nhưng Hai Ty hăm nhảy rạch là do "mết" Hồng, Út Thà chèo xuồng qua thăm Phi là vì yêu Phi, chứ Hai với Út đâu có cà rỡn.

Tửng hình như không hàm ý đùa.

Thế tại sao khi xem những hài kịch nọ, khán giả lại cười... chết bỏ? Để ý là nhân vật trong kịch thường không nói lời gì thực sự khôi hài.  Người xem cười là do người viết kịch đã khéo léo vận dụng cái đặc điểm "bất ngờ" của tửng, vậy thôi.

Bất ngờ là một nét căn bản khác của tửng. 

Tửng là gọn lỏn và bất ngờ.

Tưng tửng là tự nhiên, giản dị

Trở lại với Nguyễn Ngọc Tư.  Nhà văn Nam bộ cho biết để văn có giọng tưng tửng người viết cần dùng những lời "dân dã, không quan cách". 

Thế nào là lời quan cách?

Đại khái, nói cách quan thì lời không để lồ lộ ý, lời trịnh trọng, cầu kỳ bao bọc ý lại như áo mũ cân đai hia hốt bao bọc da thịt tóc tai quan! Lời quan dài, lắm chữ, nghe rồi phải... lột phẩm phục mới hiểu được ý.

Còn thế nào là lời "dân cách"?

Hình như quan cách ba miền không khác nhau: hễ đã làm quan thì đều nói năng một lối.  Nhưng dân cách mỗi miền mỗi khác. Người dân trong Nam quen lối sống hồn nhiên, nên nghĩ sao là nói thẳng ra vậy chứ không vòng vo, úp mở, rào trước đón sau.  Lời nói dân dã Nam bộ tự nhiên, giản dị.

Vậy tưng tửng là tự nhiên, giản dị.

Tưng tửng và tửng

Tưng tửng và tửng khác nhau thế nào?

Cơ bản chỉ ở cường độ.

Tưng tửng thì gọn, chứ không phải gọn lỏn, và do đó tương đối ít khi gây bất ngờ.

Tưng tửng là một nét điển hình trong phong cách dân dã Nam bộ.  Người viết văn hay viết kịch có thể khai thác nó để tác phẩm mình có một thứ duyên không thấy trong tác phẩm ở miền Bắc hay miền Trung. 

Còn tửng là tưng tửng "đậm", có tính ngoại lệ, chỉ thấy ở một số rất ít người Nam. Các tác giả truyện kịch Nam có thể khai thác tửng để tác phẩm mình có nhân vật độc đáo hay để gây tác dụng hài.

(Về nội dung của tưng tửng hay tửng, còn một nghi vấn: liệu trong đó có cái thái độ coi nhẹ, xem thường, như từ điển định nghĩa hay không?  Nếu có, tưởng cũng không đáng ngạc nhiên lắm, vì điều kiện sống tương đối rất dễ dàng ở miền Nam có thể đã làm cho con người ta trở nên ít nhiều bất cần...)

Có phải tiếng mới không?

Có điều này lạ.

Một mặt, Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895), Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), Việt ngữ chánh tả  tự vị của Lê Ngọc Trụ (1960), Việt Nam tự điển của Lê Văn Ðức (do Lê Ngọc Trụ hiệu đính) (1970) tất cả đều không có tưng tửng hay tửng. Bấy nhiêu học giả lẽ nào để sót? Đây là tiếng mới lọt lòng vài thập kỷ nay chăng?

Mặt khác, cái phong cách rất đặc thù Nam bộ này chắc đã thành hình từ trước thời Sơn Nam bắt đầu ngửi "Hương rừng Cà Mau"...

Phong cách thì cũ, từ chỉ phong cách thì mới, lẽ nào?!

(Tưng tửng có họ hàng bà con gì với tưng tưng, cà tưng, cà tửng, hay không?)