Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

Bán bé, Bán to

Thu Tứ

Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân có "vẽ" chân dung một cô hàng giấy bút:

"Cô Phương, ở phố hàng Giấy, ngày trước là một người đanh đá chua ngoa có tiếng. Có một lần một cậu học trò vào hàng cô chọn bút (...) Anh chàng nhất định hỏi cho được cái thứ bút Tảo Thiên Quân mới chịu lấy. Thấy thầy khoá ăn mặc đồ vải xuềnh xoàng, cô Phương ra giọng bỉ thử: "Có Tảo Thiên Quân lông trắng, nhưng mà những hai quan một chiếc". Tiếp cái nguýt dài của cô hàng sách càng ngồi giãi thẻ thêm ra, người thư sinh mặt trắng chỉ tay lên tít trên đầu tủ: "Phải, Tảo Thiên Quân lông trắng; có còn thứ nào những năm sáu quan một quản, cô lấy cho tôi chọn." Lúc nói câu này, thầy khoá cố dằn giọng vào chữ "những", có ý bảo thầm cho nhà hàng biết rằng nên khinh người vừa vừa chứ. Cô Phương bẽn lẽn, nhưng cũng cố đứng dậy lấy thứ bút quý cất mãi trên cùng tột lớp tủ, đưa cho thầy khoá, chỉ đợi nếu anh chàng không mua nổi chiếc nào thì sẽ mắng một trận như tát nước vào mặt cho bõ ghét." (Báo Oán)

Trong hồi ký Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan ghi lại phong cách bán hàng ở phố cổ Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20:

"Khi có khách vào mua hàng, chị ngồi hàng liền đứng dậy buông màn cửa xuống cho hàng thâm được đen hơn. Người khách nào đem tấm hàng ra ngoài sáng để soi cho kỹ thì người chủ hiệu vội ngăn cản, nói những câu thật chua, thật khó chịu, làm cho khách mua hàng phải thôi không xem kỹ nữa. Có những người khách không bằng lòng mua bỏ đi thì chị ngồi hàng liền chửi theo luôn và rút mấy tàu lá nón ở gầm giường ra đốt vía".(1)

Vẫn phố cổ Hà Nội, đầu thế kỷ 21, chuyện tai nghe mắt thấy:
 
"Ðồ đàn ông mặc váy!". Lời mỉa mai đủ lớn để người khách vừa bước ra khỏi tiệm có thể chắc chắn mình không nghe nhầm. Sơ xuất gì đây mà căng thế? Khách đã ngắm nghía mấy chiếc va-li, nhỏ nhẹ hỏi giá rồi lẳng lặng rút lui. Việc xẩy ra vào buổi chiều, không phạm đến tục mở hàng. Hẳn bà chủ tiệm tưởng khách chê giá cao nên mắng theo cho hả tức.

Và kinh nghiệm của người thân: 
 
"Nó bảo em chiếc áo "những hai trăm nghìn" rồi không thèm lấy xuống cho em xem, anh ạ.". "Nó" là chị chủ một tiệm quần áo phụ nữ. Em là một cô gái quen ăn mặc giản dị. Hẳn "nó" đã trông y phục mà đoán (nhầm) rằng em không đủ tiền mua hàng "cao cấp" nên ứng xử thế cho gọn. 

Cô Phương, bà chủ tiệm va-li, chị chủ tiệm quần áo là quan sát lẻ tẻ. Vũ Ngọc Phan có ý mô tả cái điển hình.  Lẻ tẻ ăn khớp với điển hình mô tả, củng cố giá trị của mô tả.  A, vậy cái buôn bán của dân tộc ta trước kia quả có nét đáng chú ý.

 
"Em" rồi có dịp qua Mỹ, có dịp đi mua sắm ở tiệm Mỹ và không thể nào tin được mắt mình. Kìa bao nhiêu khách lôi hết quần nọ áo kia xuống đem vào buồng thử đi thử lại, rốt cục không mua được nửa mảnh vải con, thế mà người bán mặt vẫn tươi như hoa, đon đả ngọt ngào cảm ơn từng khách đã có nhã ý ghé xem hàng...
 
Khó tin nhất, hàng đã mua xong, đem về sử dụng đã mấy tuần, đem ra đòi trả lại, tiệm vẫn cứ vui vẻ hoàn ngay tiền không nửa lời chất vấn!

- Họ tốt quá, anh nhỉ. Chả bù với bên mình.
 
... Cần sửa sai đây. Giải thích sao cho kẻ chân ướt chân ráo rõ thế nào là một dân tộc có truyền thống thương nghiệp...
 
- Họ khôn, chứ không phải tốt đâu.
 
- Khôn mà lại chịu bị thiệt hại vậy hở anh?
 
- Ừ. Người ta làm ăn to tát đã quen lắm nên biết nghĩ đường dài chứ không chỉ chực xơi cái miếng nằm ngay dưới mũi. Từ rất lâu rồi, người Tàu người Tây đã nghiệm ra rằng chịu khó chiều khách thì rút cuộc sẽ có nhiều lãi hơn là bán buôn cái lối sốt ruột...
 
- Sao lại lãi nhiều hơn được nhỉ?
 
- Thì do được "tiếp đãi như vua"(2) nên khách ưa trở lại. Cứ có nhiều khách trở lại thì rồi lượng hàng bán được sẽ lớn thừa bù cho cái tổn phí chiều chuộng khách.
 
- A... 

*

 
Dân tộc Việt Nam bao đời nay sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. 

Cây lúa, như mọi thứ cây, không ai bằng bất cứ cách gì có thể lừa phỉnh được nó. Mà có "nói những câu thật chua, thật khó chịu" cũng vô ích, vì nó không có... tai! Trồng lúa muốn thu hoạch như ý, chỉ có mỗi một cách cày sâu cuốc bẫm, đào mương, be bờ v.v. cho thật kỹ. Vì không lừa được, nên không phát triển tính đi lừa. Vì dữ dằn vô ích, nên không hóa dữ.  Sau bao nhiêu thế hệ suốt đời quanh quẩn bên cây lúa, người Việt Nam điển hình rất tự nhiên có tính tình thật thà và "hiền lành như thóc với khoai".(3)
 
Tất nhiên quê có chợ. Nhưng những người ngồi bán ở các chợ quê nói chung cũng thật và hiền gần như người trồng lúa. 
 
Lên đến tỉnh, nhất là đến Kẻ Chợ - cái tỉnh to nhất nước -, thì tình hình đổi khác. 
 
Một mặt, như từng trình bày, những hoạt động kinh doanh có quy mô lớn ở Thăng Long từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 chủ yếu là hoạt động của Hoa kiều (4), thực ra cho đến tận cuối thời Pháp thuộc ở Hà Nội đại đa số những nhà buôn to vẫn là Hoa kiều, chứ người Việt Nam buôn bán ở ngay kinh đô hay thủ phủ của "kỳ" đông dân nhất nước mình thì cũng không to lớn hơn ở quê nhiều lắm đâu. 

Mặt khác, tuy buôn bán chưa lấy gì làm to, sự đông đảo tấp nập và mức độ tứ xứ bất thường ở tỉnh đã khiến một số người ngồi bán đánh rơi mất cái thật cái hiền của dân quê.

*

Trong lịch sử lâu dài, người Việt Nam trồng to, thủ công cũng có món có thời to, nhưng bán thì nói chung bé.  Mãi gần đây mới bắt đầu bán to.

Dân tộc ta dĩnh ngộ, học cái gì cũng thật nhanh. Cứ xem cái lối các doanh nhân trẻ tiếp thu tinh thần hết mình phục vụ khách hàng của Tây thì biết.  Nhé, bên Tây người bán gọi khách là "vua", bên ta bây giờ gọi khách hàng là... Thượng Đế cơ. Mà không phải chỉ khẩu hiệu cho vui đâu: đã có một số người bán thực sự đối xử với người mua "đẹp" ra phết. (Nói cho đủ, để thương nghiệp ta mau trưởng thành, chính các "Thượng Đế" cũng phải học hành rất nghiêm túc nữa, nhưng thôi đây không phải chỗ... dạy.)

Chân thành kính chúc doanh nghiệp cả nước "kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công"!(5) 
 

(1) Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, nxb. Văn Học, VN, 1987, tr. 20.
(2) Người Mỹ hay nói "The customer is king."
(3) Lời ca khúc Vợ Chồng Quê của Phạm Duy: "Nói năng hiền lành như thóc với khoai".
(4) Xem bài Thôi Một Nước Quê của TT.
(5) Hình như nghĩa là thắng lợi giòn giã và nhanh chóng.