Requiem - Lời Cầu Nguyện

Thơ: Lê Anh Thư (Chơn Huệ)
Nhạc: Đỗ Dũng (Chánh Hải)

Ngôn từ, dù có đầy đủ và trọn vẹn đến đâu, cũng không diễn tả hết được những điều mà thế giới hư không, trong cái gọi là tâm linh chứa đựng. Còn có rất nhiều điều mà nội tâm con người, cả tư duy lẫn tri thức phải nhờ đến những âm thanh, nhờ tới sự rỗng lặng, không ngôn từ để mà thẩm thấu, để mà diễn tả, nói lên những cảm xúc huyền diệu, thể hiện sự cao thượng và thánh thiện. Chúng tôi dù có nương tựa bao nhiêu vào sự giúp đỡ của ngôn từ và âm thanh cũng chỉ có thể nói được phần nào những điều cần nói.

     Xin cho chúng tôi được cảm ơn sự huyền diệu màu nhiệm của thế giới tâm linh đã nâng đỡ và cứu giúp chúng tôi vượt qua những thử thách gian khó trong cuộc sống.

      Xin cảm ơn cả những điều khốn khó và đắng cay nhất mà cuộc đời mỗi chúng ta đã từng gặp. Bởi có đắng cay mới thấy được giá trị của sự ngọt ngào cạnh đó. Cũng thật là nhẹ nhõm và hạnh phúc biết bao khi vượt qua được tất cả những cám dỗ và thử thách đáng sợ, những cam go trong cuộc đời.

   Chúng tôi,những người học Đạo giải thoát xin được bày tỏ lòng tri ân đối với các Đấng, Bậc giác ngộ trong vũ trụ bao la, nơi tấm lòng của mỗi người, bằng những lời lẽ giản dị và ân tình . 

   Tác phẩm Requiem hôm nay bày tỏ được những cảm xúc nơi cuộc sống nội tâm của chúng tôi, trong có phần nào cuộc đời các bạn.

    Với tất cả cảm xúc và lòng biết ơn chân thành, chúng tôi xin được bày tỏ với quý vị có mặt nơi đây, trong đêm trình diễn này, sự tri ân, tri ngộ.

nhạc sĩ Đỗ Dũng & Lê Anh Thư
Lời giới thiệu của tác giả:

Chương 1: Không từ đâu tới và cũng không đi đâu

Tỏ bày sự biết ơn và tán thán công đức lớn lao của chư Phật đã chỉ dẫn, cứu giúp cho muôn loài gồm nhân loại và các chư vị thánh thần trong tam giới ( ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới )… Ba cõi này đã có chút phước báu khi tu học Đạo pháp - được hưởng phước báo từ phần thô ( nơi xác thân ) đến phần tế (trí tuệ - tư tưởng và tình cảm - thuộc về tinh thần )

Chương 2: Tiếng chuông chùa

Sự thức tỉnh khi nghe tiếng chuông chùa rung lên, gọi lòng người quay trở về với thực tại. Nhận biết sự vô thường của cuộc đời, chấp nhận thực tại, thấy được lẽ chân thường – trong cái vô thường với nội tâm an lạc.

Chương 3: Gió ơi thôi ngừng thổi

Khi tâm hồn không yên tịnh bởi ta thường hay hoài vọng và nuối tiếc những gì bằng lòng ưa thích đã qua đi, đã vắng bóng. Thật ra tất cả cái gọi là kỷ niệm hoài vọng đó vẫn tồn tại, vẫn hằng sống lặng lẽ ngay trong nơi mình, dù có đổi thay duới bất kỳ hình thức nào, khía cạnh nào, động - tịnh vẫn trong nơi nhau.

Chương 4: Ngời nắng ban mai

Sự phiêu linh của tâm hồn khi hòa nhập với thiên nhiên. Những cảm xúc bay bổng lãng mạn khi giao cảm với thế giới vô cùng, vô tận.

Chương 5: Con nhớ thương Hà Nội vào thu

Lại một lần nữa với không gian và cảnh sắc, ta thấy được lý huyễn hoặc tan - hợp; mất - được; vô thường; Thành; Trụ; Hoại; Không.

Nơi chùa Trấn Quốc, nhìn gốc bồ đề,
con nhớ Phật - gọi Cha.

Chương 6: Trời đất giao hoà

Trong tịch mịch và sự lặng không,con người cảm nhận sự giao hòa của tâm hồn mình với Trời, Đất, sự tranh đấu sinh tồn, được - mất “ngay trong những âm thanh cuộc đời với muôn mặt hợp thành nhân loại”. 

Cũng ngay nơi trí tuệ đó nuôi dưỡng và thể nhập tâm từ bi của chư Phật. 

Chương 7: Sắc sắc không không

Nói về lý sắc, không nhiệm mầu - một trong những giáo lý cơ bản của Phật pháp, giúp cho con người có tri kiến đúng đắn, thấy được sự không cố định nơi hình tướng cụ thể bên ngoài để không chạy theo nó. Nhờ đó không bị vướng mắc, ô nhiễm và ràng buộc, sống đời an lạc ngay chính nơi không như ý; hòa nhập mà không dính mắc, tự do, tự tại, làm chủ được hoàn cảnh.