Thử tìm một giải pháp khác khi giới thiệu dòng thơ cổ của tiền nhân
*
III-Trường hợp thứ hai , bài thơ di sản chữ Hán "Ngôn hoài"  của Không Lộ thiền sư (?-1119) 

Laiquangnam

-o0o0o-

III-Trường hợp thứ hai , bài thơ di sản chữ Hán "Ngôn hoài"  của Không Lộ thiền sư (?-1119) 

 . Phần I - Đi tìm văn bản Ngôn Hoài thư quy 

 . Phần II - Truyện Không Lộ trong Lĩnh Nam Chích Quái (trong này có phần đối chiếu với Câu chuyện của Lý Cao và cao tăng Duy Nghiễm) 

. Phần III - Dàn Đồng Ca đã vu cáo Không Lộ Thiền sư như thế nào ? (trong phần này có phần các biện giải kháng cự và lời có cánh của các Giáo sư đầu ngành) 

. Phần IV - Giải mã "mật ngữ" trong thi kệ Ngôn Hoài của Không Lộ thiền sư. 

Phần II - Truyện Không Lộ trong Lĩnh Nam Chích Quái 

 Vào năm 1990 bản văn Ngôn Hoài của Không Lộ thiền sư được đưa vào giáo trình bậc học phổ thông tại Việt Nam. Hai năm sau, 1992, Viện trưởng Viện Khảo Cổ Việt Nam, giáo sư Hà Văn Tấn mở màn cuộc tấn công bản văn này. Là người có chức có quyền, bản văn tấn công của ông ngay lập tức gây tiếng vang và Dàn Đồng Ca thổi kèn xung trận. Đã có những tiếng nói kháng cự yếu ớt của các giáo sư văn học Việt Nam đầu ngành như Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Giáo sư Trần Đình Sử nhưng không ăn thua gì. Dàn đồng ca sau đó lặng lẽ kèm thêm lời chú thích cực kỳ tiêu cực vào bài học này trong sách Giáo khoa Ngữ Văn Lớp 10 sau 75. Người mở hộp Pandora là Hà Văn Tấn. Kẻ Đốt Đền lần cuối và quét sạch tàn tích là nữ giáo sư tiến sĩ Đoàn Thị Thu Vân hậu duệ ông. Năm 1998, "phe ta" đồng loạt bóc bản văn này ra khỏi Tuyển Tập Thơ Văn Lý Trần. Năm 1999 bản văn bị bóc ra khỏi giáo trình Ngữ Văn lớp 10. Cuộc chiến kết thúc, thắng lợi. "HUY HOÀNG!. thuộc về phe ta. (1)

"Ai đó" ngơ ngác đến não lòng!

Làm sao vô hiệu hóa thắng lợi vô lý của "Phe Ta" ?

Bước một là phải có ngay một bản văn thư quy về bài thơ Ngôn Hoài -chúng tôi đã làm. Bước hai là giải mã câu chuyện về Ngài Không Lộ thiền sư trong Lĩnh Nam Chích Quái - đang làm. Và cuối cùng là phải giải mã cho kỳ được bản văn Ngôn Hoài một cách thuần lý để bài thơ này là một viên ngọc trong kho tàng trí tuệ Việt Nam và có thể ở bậc cao hơn "?" - Đó là tiếng gọi của con tim của người Việt Hải Ngoại.

Tại bước hai là giải mã câu chuyện về Ngài Không Lộ thiền sư trong Lĩnh Nam Chích Quái - đang làm này, chúng tôi đã dùng hai tài liệu. Thứ nhất là Lĩnh Nam Chích Quái cuả Viện Văn Học Hà Nội do Đinh Gia Khánh chủ biên và thứ hai là Thiền Uyển Tập Anh của giáo sư Lê Mạnh Thát chọn dịch. (2)(3)

Lĩnh Nam Chích Quái là niềm tự hào của sắc dân sống tại đất Lĩnh Nam. Niềm tự hào của sắc dân Lạc Việt. Nó giúp củng cố niềm tin Việt là Việt, Hán là Hán, Tàu là Tàu. Nhà bác học Lê quý Đôn kín đáo nói xa gần rằng :" Tiền nhân ta ta luôn luôn có ý đồ cạnh tranh về trí tuệ với người phương Bắc. " Điều này có thật khi ta đọc kỹ câu chuyện về Không Lộ thiền sư trong Lĩnh Nam Chích Quái.

Qua hai tài liệu kể trên, tôi đã dùng đến 95% những gì mà ta có thể dùng lại được. Sai sót chỉ một hai từ trong bài thơ Ngôn Hoài trong hai bản văn này mà thôi. Và việc này đã được giải quyết ở phần thứ I .

Cách viết của người Việt thời Lý Trần?.

Các tác giả của ta thưở ấy đang sống trên một đất nước không có chữ viết riêng cho dân tộc mình. Họ học chữ Tàu, đọc sách Tàu, viết chữ Tàu, do vậy thói quen dựa vào một cái nền của người Tàu đã làm sẵn là điều dễ hiểu. Tiện và gọn cho mình, bởi tiết kiệm về thời gian, về giấy mực. Có khi người xưa cho đó là mẫu mực thưởng ngoạn của người cùng thế hệ "?".

Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ghi lại đời sống và sinh hoạt của các cao tăng Trung hoa được lưu trữ tại các chùa Tàu và các chùa Việt thuộc dòng Phật Hán trên đất nước này. Câu chuyện của cao tăng Duy Nghiễm được Lý Cao, thi nhân đời Đường tán dương qua hai bài thơ, là niềm hãnh diện của dân tộc phương Bắc về một hướng tu thiền "Đốn ngộ" được Đại sư Suzuki nhắc lại trong bộ Thiền luận của ông.

I- Câu chuyện Không Lộ thiền sư trong Lĩnh Nam Chích Quái
( bản văn thư quy, Từ nguồn của giáo sư Lê Mạnh Thát )

Câu chuyện Không Lộ thiền sư xuất hiện đồng thời trong Lĩnh Nam Chích QuáiThiền Uyển Tập Anh. Cả hai bản văn đều "giông giống nhau " một cách đáng kinh ngạc về cách bố cục và ngôn ngữ, giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã viết như thế; rằng đã có một sự sao chép từ cùng một nguồn. Ngày nay chúng ta có điều kiện tốt hơn người xưa do bởi phương tiện truyền thông và đi lại.

THIỀN SƯ Không Lộ ( ? - 1119)
laiquangnam ghi bên dòng: Bạn sẽ thích nếu như bạn để ý rằng đã có rất nhiều data nén vào trong đoạn văn rất ngắn dưới đây.

"Ngài là người họ Dương. Dòng dõi làm nghề chài, sau bỏ nghề chài, hướng lòng theo Phật, thường trì tụng Đàlani môn. Trong khoảng Chương Thánh Gia Khánh (1059 - 1065) cùng bạn đạo là Giác Hải cất bước vân du, tạm đến chùa Hà trạch nương thân, mặc áo cỏ, ăn lá cây, đến nỗi quên chính thân mình. Ngài dứt ruỗi dong, trọng tu thiền định, tâm thần tai mắt ngày một nhẹ nhàng, bèn bay lên không, đi trên nước, làm cọp nép, kêu rồng xuống, muôn quái nghìn kỳ, người không lường nổi

Sau Sư về quận mình lập chùa. Một hôm, có thị giả thưa rằng: "Từ ngày con đến đây, chưa được thầy dạy bảo chỗ tâm yếu, nhưng con mạn phép xin trình một bài kệ:

Nguyên tác

鍛鍊身心始得精
森森直幹對虛靈
有人來問空空法
身在屏邊影集形

Phiên âm

Đoán luyện thân tâm thỉ đắc tinh
Sum sum trực cán đối hư linh
Hữu thân lai vấn không không pháp
Thân tại bình biên ảnh tập hình.

Sư xem xong bảo: "Ngươi đem kinh đến, ta vì ngươi nhận, ngươi mang nước đến, ta vì ngươi uống, thì có chỗ nào mà ta lại không cho ngươi tâm yếu?". Bèn cất tiếng cười ha hả. Sư thường nói kệ rằng:

Nguyên tác

言懷
擇得龍蛇地可居,
野情終日樂無餘。
有時直上孤峰頂,
長叫一聲寒太虛。

Phiên âm

Ngôn hoài

Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Từ văn bản Phiên âm F1

Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Laiquangnam đề xuất bản văn F2 (4)

Trạch đắc longxà địa khảcư
Dãtình, chungnhật, lạcvôdư
Hữu, thì trực thướng côphongđỉnh
Trườngkhiếu, nhấtthanh, hàntháihư.

Ngày mồng 3 tháng 6 năm Kỷ hợi, Hội Tường Đại Khánh thứ 10 (1119), Sư viên tịch. Môn đồ thu thập xá lợi táng trước cửa chùa.
Sau đó, vua ban chiếu sửa rộng chùa này và đặc cách cho thuế hộ 20 người để trông coi hương khói. "
 

II- Câu chuyện nhà sư DUY NGHIẾM và nhà thơ Lý Cao [ 李 翱 ]
 

( Theo sát đến 95 % và viết lại từ nguồn của giáo sư đầu ngành về văn học Trung Quốc Nguyễn Khắc Phi )

Lý Cao [ 李 翱 ] là ai ?. Ông là Quan Thứ sử đất Lăng châu thời Đường bên Tàu và là nhà thơ. Trước kia ông có quan điểm chống Phật giáo bởi sự cao ngạo của người Đại Hán, rằng Phật giáo vốn xuất xứ từ người Hồ, rằng " Trung Nguyên ta có văn hóa từ muôn đời nay, tại sao nay ta phải học của họ ". Về sau Ông thích minh triết Phật giáo, cho dù văn hóa Lão Trang vốn đã có sẳn trong tâm hồn người Trung Hoa như ông. Nơi ông cai quản có một cao tăng tên là Duy Nghiễm, ông thường đến đó thăm viếng và học thêm về đạo pháp. Ông nhận nhà sư làm thầy. Hai bài thơ sau đây, ông viết tặng vị thiền sư đó là nổi tiếng hơn cả. Nó nhuốm mùi thiền đốn ngộ.

Cảnh Đức Truyền Đăng Lục đã viết một bài dài bàn sâu về bài này. Sau đây là nội dung hai bài thơ vừa đề cập.

李翱,
Lý Cao

贈藥山高僧惟儼
Tặng Dược Sơn cao tăng Duy Nghiễm

-o0O0o-

其一
煉得身形似鶴形,
千株松下兩函經。
我來問道無餘說,
雲在青天水在瓶。

Kỳ 1
Luyện đắc thân hình tự hạc hình,
Thiên châu tùng hạ lưỡng hàm kinh.
Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết,
Vân tại thanh thiên thuỷ tại bình.

Kỳ 2

幽居
選得幽居愜野情
終年無送亦無迎
有時直上孤峰頂
月下披雲嘯一聲

U CƯ
( tức bài Tặng Dược sơn cao tăng Duy Nghiễm, kỳ II )

Tuyển đắc u cư khiếp dã tình
Chung niên vô tống diệc vô nghinh
Hữu thì trực thướng cô phong đính
Nguyệt hạ phi vân khiếu nhất thanh
 

III- Ta thấy gì ở hai bài thơ này ?

Giống và khác nhau  ( Một của Lý Cao và Một của Không Lộ thiền sư, tiền nhân ta )

IIIa- Về Lý Cao

Bài thơ thứ nhất, Lý Cao viết về cuộc gặp gỡ của ông với nhà sư. Ông thường hỏi nhà sư về tính không, về cách nhìn cho đúng " bản lai diện mục " của tạo vật. Bài thơ thứ hai, khi nghe người dân trong địa bàn ông quản lý kể lại " Đêm trăng tròn hôm qua, có tiếng cười vang dội từ một nhà sư đang đứng trên đầu núi nhìn trời". Ông đã hiểu điều gì đã xảy ra với thầy ông. Ông tin Thầy mình nay " Đốn ngộ " do bởi ông đã thấy được cái "bản lai diện mục", "cái chân tâm như thường trụ" ngay khi mây đen kéo đi hết, vầng trăng kia " phô ra ‘cái " đĩa vàng sáng vằng vặc " đó là " bản lai diện mục " của chính nó; Nhìn lại mình, nay ông đã thấy-cái chân tâm, cái Phật tánh khi mà mọi " vô mình kéo qua hết", ông đã đốn ngộ. Từ hình ảnh ấy, ông viết bài thơ thứ hai kể trên.

Từ thực tế đó, kinh sách Trung hoa viết lại, " tán ra " câu chuyện trong "Cảnh Đức Truyền Đăng Lục", giáo sư Nguyễn Khắc Phi dịch lại cho chúng ta như sau: (5)

"Thứ sử Lãng Châu là Lý Cao muốn tiếp thụ đức lớn của thiền sư, nhiều lần mời nhưng sư không đến. Bèn phải tự thân vào núi yết kiến. Sư cứ cầm quyển kinh, không màng ngó tới. Người hầu bạch cụ : "Thưa có quan Thái thú ở đây". Lý Cao tính tình nóng nảy, nói : "Thấy mặt chẳng bằng nghe danh !". Sư gọi: "Thái thú !". Cao thưa : "Dạ vâng". Sư hỏi: "Sao lại coi trọng tai mà khinh rẻ mắt ?". Cao chắp tay tạ lỗi và hỏi : "Thế nào gọi là Đạo ?". Sư đưa tay chỉ trên và trỏ dưới rồi hỏi : "Hiểu không ?". Cao đáp : "Không hiểu ạ". Sư nói : "Mây ở trên trời, nước ở trong bình" (Vân tại thiên, thuỷ tại bình). Cao vừa ý, đáp lễ rồi thuật một bài kệ như sau :

Kỳ 1

Luyện đắc thân hình tự hạc hình,
Thiên châu tùng hạ lưỡng hàm kinh.
Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết,
Vân tại thanh thiên thuỷ tại bình.

Cao lại hỏi: "Thế nào là Giới, Định, Tuệ ?". Sư đáp : "Ở chỗ bần đạo không có đồ dùng không cần đến ấy". Cao không đoán ra được ý nghĩa thâm thuý của câu nói. Sư bảo : "Nếu Thái thú muốn tu dưỡng chân tính và vận dụng được nó thì hãy lên đỉnh núi thật cao hay ngụp xuống dưới đáy biển cực sâu mà đi (trực tu hướng cao cao sơn đính, toạ thâm thâm hải để hành). Những vật trong khuê các nếu luyến tiếc mà không cắt bỏ được thì sẽ thấm điều phiền não !".

Một đêm, sư lên núi kinh hành. Bỗng mây rẽ trăng ló, sư cười lớn. Tiếng cười lan xa đến khoảng chín mươi dặm về phía đông Phong Dương. Cư dân ai cũng hỏi nhà phía đông của mình. Đến sáng hôm sau truyền hỏi đến tận núi Dược Sơn. Mọi người bảo : "Đêm qua hoà thượng đã cười lớn trên đỉnh núi đó !". Lý Cao lại tặng một bài thơ:

Kỳ 2

U CƯ
Lý cao
( tức bài Tặng Dược sơn cao tăng Duy Nghiễm, kỳ II )

Tuyển đắc u cư khiếp dã tình
Chung niên vô tống diệc vô nghinh
Hữu thì trực thướng cô phong đính
Nguyệt hạ phi vân khiếu nhất thanh

Mãi sau này, một người Tàu là Phan Quế Minh giải thích câu thơ của tiền nhân họ như sau: "Vân tại thanh thiên, thuỷ tại bình", trong bài thứ nhất như sau; "Đó là Thiền lý mà Lý Cao đã lãnh ngộ được. Mây trôi nổi phiêu dạt trên trời xanh, nước đứng yên trong bình, một động một tĩnh, bản chất thiên nhiên vốn là vậy, chẳng bận tâm làm gì. Đó cũng là ý của câu "Sơn thị sơn, thuỷ thị thuỷ" mà Thiền gia thường truyền tụng để ám thị cái cảnh giới sau khi đã đốn ngộ".

Tại bài thơ thứ hai của Lý Cao, ý thiền đốn ngộ quá rõ nên người Tàu không giảng gì thêm. Chính bài tứ tuyệt thứ hai là sự mô tả cụ thể giai đoạn hành thiền của nhà sư Duy Nghiễm. Một thiền sư chọn ngôi chùa dựa vào cảnh núi rừng yên tĩnh. Cái hay là câu cuối, vừa mô tả đúng thực tế, vừa lột tả phép tu đốn ngộ của dòng thiền Trung hoa ngày đó.
 

Xin Bạn đọc qua phần của Lý cao, và phần bình giảng của người Tàu tán dương về tiền nhân họ. Bạn đã được đọc câu ‘Vân tại thanh thiên thuỷ tại bình". Tiền nhân ta trong Lĩnh Nam Chích Quái viết mấy từ "Sư xem xong bảo: "Ngươi đem kinh đến, ta vì ngươi nhận, ngươi mang nước đến, ta vì ngươi uống, thì có chỗ nào mà ta lại không cho ngươi tâm yếu?". (Lĩnh Nam Chích Quái ).

Trí tuệ người xưa thật là kinh hồn và tinh tế làm sao. Hành văn nén chặt không chê vào đâu được !

Mời bạn đọc tiếp bố cục trong câu chuyện trong Lĩnh Nam Chích Quái

IIIb- Về Không Lộ thiền sư & Ngôn hoài.
.
Tiền nhân ta khi viết từ lại từ cái nền ấy trong Lĩnh Nam Chích Quái gọn hơn, nén hơn, nhưng áp sát theo mô thức của Cảnh Đức Truyền Đăng Lục. Bước thứ nhất đưa ra thơ mồi rồi tiếp đó đưa bài thơ chính Ngôn Hoài vào bản văn.
 

Đoán luyện thân tâm thỉ đắc tinh
Sum sum trực cán đối hư linh
Hữu thân lai vấn không không pháp
Thân tại bình biên ảnh tập hình.

Sư xem xong bảo: "Ngươi đem kinh đến, ta vì ngươi nhận, ngươi mang nước đến, ta vì ngươi uống, thì có chỗ nào mà ta lại không cho ngươi tâm yếu?". Bèn cất tiếng cười ha hả. Sư thường nói kệ rằng:

Ngôn hoài

Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Tại bài thơ mồi, từ "Bình biên", được dùng là một sự cố ý của tác giả Lĩnh Nam Chích Quái để hình ảnh minh họa linh động hơn. Tác giả cho người hành giả ngồi sát hay áp sát mặt vào tấm gương của chiếc bình phong thì hiện tượng này xảy ra ảnh tập (tập hay là rập như nhau ). Ảnh "đồ", rập /tập, ảnh trong gương soi y chang người ngồi trước nó. Bài thơ mồi có đại ý như thế này:  " Rèn luyện thân tâm thì mới được có tấm thân như ý mình, Tâm thanh tịnh, thể cường tráng. San sát thân người đối diện với hư linh. Người mang Hình hài này vốn vướng bận về Không Vương Pháp, (tức Lời Phật dạy về tính không ( không tánh), nay lòng mang điều còn nghi hoặc chưa thông, xin được ngài chỉ dạy. Tại sao thế?. "

Vừa nghe xong lời đệ tử, Ngài Không Lộ thiền sư của chúng ta đã đọc được ngay dòng tư tưởng của Anh ta, thế nên Ngài bảo:

1-Ngươi đem kinh đến, ta vì ngươi nhận.

Kinh gì?, Kinh luận về tính không bát nhã, về Trung Quán Luận, bởi "ngươi" có ý muốn nhắc ta về Lý Cao, Duy Nghiễm ?. - laiquangnam nhắc tuồng bạn, " Ngài Không Lộ thiền sư là tổ thứ ba của dòng Thảo Đường, một dòng thiền chuộng văn học". Ta đang biết "Ngươi" chưa thông. "Ngươi" không biết là phải, bởi ngay cả điều đơn giản nhất mà "ngươi" còn chưa thông ( ảnh rập hình khi dựa tường, dựa gương ), vậy thì làm sao mà "ngươi" hiểu về tính không, luận về NHÂN VÔ NGÃ VÀ PHÁP VÔ NGÃ thường trụ ở cõi niết bàn. "

2-Ngươi mang nước đến, ta vì ngươi uống.

Tại sao tác giả Lĩnh Nam Chích Quái, và Thiền Uyển Tập Anh lại chèn từ "nước" vào đây. Thì ra từ bản văn của người hành giả, học trò?, Ngài biết " cậu ta" đã dùng câu thơ cùng lấy ý trong các dòng kinh khá khó là Viên Giác, Pháp Hoa, Kim Cương. Loại kinh cùng nguồn với bài thơ thứ nhất của Lý Cao viết tặng nhà sư Duy Nghiễm có từ NƯỚC, trong câu "Vân tại thanh thiên thuỷ tại bình"-. Mây trên trời và nước trong bình. Nước là từ thân quen thường được các Tổ mang ra làm ví dụ. Nước, sóng trên bề mặt đại dương có khác gì với lớp nước đại dương sâu thẳm. Này, xưa Đức THẾ TÔN khi hoằng pháp, Ngài đâu có giảng quá phức tạp như thế!. Nay cứ từng bước một theo điều được dạy trong Bài pháp kệ Ngôn Hoài truyền thừa, nó sẽ giúp mngươi tìm đến bến bờ giác ngộ mà không quá lao tâm lạo lực như thế. .

3-Sư thường nói kệ rằng:

Điều này cho thấy, bài Ngôn Hoài được thiền sư thường được Sư mang ra giảng cho chúng sinh, từ người mới bước chân vào cửa Phật cho đến một bậc cao tăng. Bài thơ thiền này chính là "bài pháp kệ truyền thừa" được thường xuyên giảng dạy trong Thiền phái.  Đây là điểm khác biệt của hai bản văn: bản văn của Lý Cao và bản văn của Không Lộ thiền sư.

Tác giả Lĩnh Nam Chích Quái gởi cho chúng ta nụ cười. Tác giả đã thay mặt thiền sư dấu mình sau trang sách, gởi đến thế hệ chúng ta nụ cười này: "- khờ quá, ông bạn nhỏ của ta ơi! ". Ảnh là bóng, Hình hài là thật. Ảnh hình giống nhau do mắt thấy, từ Ngã chấp mà ra. Có tiếng "cười ha hả. " rộ ra sau trang sách. Ô là là ! tiền nhân của chúng ta, Tuyệt lắm!.

Quá nhiều hàm ý ẩn dụ, vừa thương hại, vừa bao dung, sau hai âm "ha hả" ấy. Người đã đại ngộ thì "Lạc vô dư" là vậy. Lạc là "sukha" trong cảnh giới Phật, cảnh giới thiền, đâu phải là Lạc của cảnh giới Lão Trang. Có khi nào Bạn hiền nghĩ rằng tác giả Lĩnh Nam Chích Quái, tiền nhân ta đã "cười nụ" trên bản văn của Cảnh Đức Trấn Truyền Đăng Lục?. Thành Phật đâu có dễ dàng như thế, - bạn có để ý ngài rất đa hệ -đâu phải chỉ là Tổ ở dòng thiền Vô ngôn Thông, thôi đâu.

Chính vì không đọc kỹ những gì mà tiền nhân ta viết, lại dồn nổ lực tra cứu trong kinh điểnTàu; choáng ngợp những gì họ viết, quay lại phát ngôn " vô trách nhiệm " trên di sản tiền nhân ta. Người thì mở hộp Pandora, Kẻ kia châm lửa Đốt Đền!. Tất cả đều đã là kẻ phạm Tội ác, tội hủy hoại di sản tiền nhân ta.

Xin các "người " trong Dàn đồng ca nhớ rằng, - Ai đó một khi đến cửa Phật, thì câu đầu tiên mà họ phải tự đọc là "Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng ". Một lần nữa, xin đừng quên rằng Ngài Không Lộ thiền sư trong sử sách viết ngài học đạo với một Samon khi qua Tây Trúc : với bài thi kệ Ngôn Hoài, nội dung thể hiện những gì mà Lời Phật dạy về vai trò của một tì kheo, tức tăng sĩ Phật giáo như sau:

1-Tỳ kheo là từ hàm chứa sự đầy đủ về giới hạnh (Pàli: Sìla; Skt: 'Sìla’) và trí tuệ (Pàli: Pannã; Skt: Prajnã).

2-Một tu sĩ chân chính khi vị ấy không những xa rời sự tham dục và những trạng thái xấu ác, mà còn thể nhập vào 4 trạng thái của thiền định (Skt: Dhyànas; Pàli: Jhànas).

3-Tỳ kheo nên làm những công việc đáng làm như sự tu tập về đức tính tàm quý, về thân-khẩu-ý hành thanh tịnh, về mạng sống thanh tịnh, sự phòng hộ các căn, sự tiết độ trong ăn uống, sự chánh niệm và tỉnh giác;

4-Tỳ kheo phải sống như hòn đảo của chính mình, hãy nương tựa chính mình, không nương tựa ai khác, để giải thoát mọi tham dục và phiền não thông thường ở đời.

Cuối cùng, Đức Phật kết luận lời dạy của Ngài rằng

5-một tu sĩ Phật giáo được gọi là hoàn hảo phải có 8 đặc tính:
a) có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, có sống với hội chúng, có vô úy thuyết pháp cho hội chúng, với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt mõi, chứng được không phí sức, do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát;
Thành tựu 8 pháp này, -này các Tỳ kheo, Tỳ kheo được tịnh tín hoàn toàn và được viên mãn về mọi phương diện (6) Thích Quang Thạnh Ph. D

Xin các "người", người đánh trống kẻ thổi kèn, cầm đuốc, mở hộp xông tới ngôi Đền thiêng -Ngôn Hoài nhớ cho một điều là "bản văn Ngôn Hoài của Không Lộ thiền sư của chúng ta vô cùng kỳ ảo, bởi nó áp sát Lời Phật dạy trên, mà trong bài thơ của Lý Cao không sao có được một chữ, một dòng - (7)

Đối chiếu với câu chuyện của Lý Cao, bản văn mà tiền nhân ta đã viết tuy rất ngắn nhưng đã làm rõ nét thuộc tính Việt, Việt là Việt, Hán là Hán, Tàu là Tàu.

Phần tham khảo.

(1) - ta sẽ trở lại vấn đề này trong một bài riêng, Kẻ Đốt Đền di sản tiền nhân, nằm trong loạt bài về Không Lộ thiền sư này, ngay trên trang website này.

(2) - đã nhắc tại phần I, Đinh Gia Khánh chủ biên Lĩnh Nam Chích Quái và thứ hai là Thiền Uyển Tập Anh của giáo sư Lê Mạnh Thát

(3) - Lê Mạnh Thát Thiền Uyển Tập Anh
Lê Mạnh Thát, Thiền Uyển Tập Anh, bản khắc vào thế kỷ 18, đời Hậu Lê.

(4) - Các từ viết liền, là viết dính liền lại một đề xuất của laiquangnam nhằm thúc đẩy sự phát triển tự vựng tiếng Việt qua chữ quốc ngữ hiện nay, đây là của thuật ngữ Phật giáo, minh triết của nhà Phật, hay gọi là Phật triết.

Trong bản văn F2, các từ viết liền, là viết dính liền lại, đó là của thuật ngữ Phật giáo, hay nói khác hơn là các từ Phật triết của sắc dân Đại Việt thời Lý. Có ba cách viết trong bản văn Việt ngữ, viết rời, viết dính liền và viết có ngang nối. Mỗi cách viết khiến một cặp chữ mang một thẻ trạng khác nhau -

(5)- Nguồn của từ sách của giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Trung Quốc Thiền tông tư tưởng lịch Kim Nhật Trung Quốc xuất bản xã, Bắc Kinh, 1992, trang 335.
Phần liên quan đến Lý Cao, laiquangnam lấy trong sách Nguyễn Khắc Phi tuyển tập. Xin cám ơn giáo sư Nguyễn Khắc Phi.

(6)- (https://www. giacngo. vn/PrintView. aspx?Language=vi&ID=52C650
Đại đức Thích Quang Thạnh-Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hành của Học Viện Phật Giáo Việt Nam TPHCM
 

(7)- phần này sẽ dược làm rõ trong bài cuối cùng là bài Giải mã Ngôn Hoài của Không Lộ thiền sư

Những tháng ngày cuối năm "Con khỉ"
Laiquangnam
___________________

Mời bạn đọc bài giải trí
Phụ lục 1- Hộp Pandora là gì ?

---------o0o----------

Kỳ tới
Phần IV: Giải mã "mật ngữ" trong thi kệ Ngôn Hoài của Không Lộ thiền sư.
Bạn sẽ đọc vào ngày đầu Xuân con Gà
 

I - Tổng quan ( Vài định nghĩa ban đầu : Nguyên tác, bản văn F1 và bản văn F2)

II -Trường hợp thứ nhất, những gì xảy ra trên bài thơ danh tác: Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư :
. a ) Bản kê các văn bản F1 và F2
. b ) Giải mã bài thơ Ngôn hoài
. c ) Chim Quốc trong tâm thức người Hán & người Việt

III-Trường hợp thứ hai ,bài thơ di sản chữ Hán "Ngôn hoài"  của Không Lộ thiền sư (?-1119) 

 . a) Phần I - Đi tìm văn bản Ngôn Hoài thư quy 

 . b) Phần II - Truyện Không Lộ trong Lĩnh Nam Chích Quái (trong này có phần đối chiếu với Câu chuyện của Lý Cao và cao tăng Duy Nghiễm) 

. c) Phần III - Dàn Đồng Ca đã vu cáo Không Lộ Thiền sư như thế nào ? ( trong phần này có phần các biện giải kháng cự và lời có cánh của các Giáo sư đầu ngành)
- III A
- III B

 d) Phần IV - Giải mã "mật ngữ" trong thi kệ Ngôn Hoài của Không Lộ thiền sư.
- Đoạn thứ nhất , Dẫn nhập và tâm tình
- Đoạn thứ hai , "thuật ngữ của người xưa" 
- Đoạn thứ ba , bài pháp thoại của Không Lộ thiền sư mà Lĩnh Nam Chích Quái đấu kín