11. Dân tộc Cơ Tu 
trên đường xây dựng văn hóa
Người Cơ Tu hay Ca Tu, Ka Tu, K’Tu, còn được gọi Ca Tang, Gao, Hạ, Phương là một dân tộc thuộc ngôn ngữ Môn-Khmer chủ yếu sống ở Lào và Việt Nam. Ở nước ta, với một dân số hơn sáu vạn người, họ cư trú dọc dãy Trường Sơn, ở tỉnh Thừa Thiên Huế 24% tổng số (A Lưới, Phú Lộc) và nhất là ở tỉnh Quảng Nam 75% tổng số (Đông Giang, Tây Giang) và ở Đà Nẵng (một vạn người), TpHồChíMinh (khoảng 100 người). Hồi thập niên 40, học tiểu học, tôi ở nhà anh tôi ở Vĩnh Điện, tỉnh lỵ Quảng Nam, hằng năm thấy người Thượng xuống buôn bán, đổi chác, không phân biệt dân tộc, thường được gọi là Mọi : họ là người Cơ Tu. Thu hái lâm thổ sản, họ biết trồng trọt theo lối làm rẫy, thao tác những dụng cụ thô sơ như rìu, dao, gậy. Ngoài ra, họ còn biết chăn nuôi, đan dệt, đánh cá, săn bắn. Làm rẫy mỗi năm chỉ có một mùa, gieo mùa xuân, gặt mùa thu, cây lương thực chủ yếu là lúa, sắn, bắp. Tuy nhiên cũng thấy có vài ba cây ăn trái : chuối, mít, thơm, chanh, đu đủ,...Để tránh mất mùa đói kém, chính phủ khuyên họ sống định cư trong một ngôi làng thường trực, giữa một khu vực canh nông và chấp nhận những kỹ thuật trồng trọt có hiệu quả chắc chắn : trồng lúa trong ruộng nước, dùng trâu bò cày bừa, sử dụng phân bón,...Vì vậy từ hai đến ba vạn người Cơ Tu tùy nơi ngày nay sống trong những dãy chòi tranh gọi là nhà đong, lúc đẩu nhà sàn, bây giờ sát đất, sắp đặt thành hình tròn hay hình thuẩn, hàng rào bao quanh là cây đặt chổng có sợi mây buộc lại với nhau, ra vào có hai cửa.
Nhà đong
Nhà gươI
Nhà sàn
Nhà dài
Giữa làng có một ngôi nhà truyền thống lớn gọi là nhà gươI, một bảo tàng nghệ thuật sống, là cầu nối giữa con người với vũ trụ, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin vào thần linh, ông bà, tổ tiên. Tương đương với nhà rông của các dân tộc Ba Na, Ê Đê ở Tây Nguyên hay đình của người Kinh, nhà gươI được dựng lên nhờ công sức của mọi người trong làng. Trong đời sống hằng ngày, đó là nơi hội họp, tiếp khách chung, khi có lễ lạt, hoạt đông văn hóa, tụ tập chuyện trò vui chơi và cũng là nơi trình bày những chiến tich săn bắn. Là linh hồn của làng, nhà gươI là nơi của đời sống tâm linh, người Cơ Tu không được cải vã, ẩu đả nhau ở trong ấy. Về mặt kiến trúc, nhà gươI có hình dáng một trái xoài, một cột cái ở giữa và tám cột con xung quanh, mái lợp bằng lá nón hay lá mây. Trang trí có những bức phù điêu trên vách, chạm trổ nhưng con vật sinh động, trâu, trăn, đầu trâu, tắc kè, kỳ đà,... những cảnh sinh hoạt thường ngày, đàn ông đánh trống, đàn bà bồng con. Trong nhà gươI còn có trình bày nhiều loại nhạc cụ, nhiều công cụ truyền thống, những đầu thú săn bắt hay đă giết chết trong các lễ hội. Là biểu tượng của buôn làng, nhà gươI lớn hay nhỏ tùy uy quyền và sức mạnh của làng đó, làng nào không có tức là không còn gốc truyền thống văn hóa nữa. Vì vậy, bà con trong làng đều ra tay chung sức xây dựng hay báo quản cho nhà gươI luôn được vững bền, đẹp đẽ.
Nhà moong
Nhà mô
Những gia đình khá giả, khuôn viên đất ở rộng, thoáng mát, thường có bố trí bên cạnh hay phía trước nhà một nhà moong, phù hợp với điều kiện địa hình, không gian và môi trường tự nhiên của rừng núi. Theo những người già am hiểu phong tục tập quán của người Cơ Tu thì nhà moongnhà gươI biến thể, thu nhỏ, mái hình mu rùa, có khi chóp nón, có khi mái cao trông tựa nhà rông Tây Nguyên. It được chạm trổ hơn nhà gươI, không có cột cái, chỉ có nhiều cột nhỏ xung quanh, một cửa nhỏ đơn giản, nhà moong thường có bên trong một cái cầu thang nhỏ để lên xuống như ở kho lúa miền Thượng. Là biểu tượng kiến trúc nhà độc đáo không thấy trên vùng Trường Sơn, nhà nầy cũng được làm từ các vật liệu lấy từ trong rừng như mây, gỗ, tre nứa, lá nón hoặc lá tranh, lá mây, lồ ô dùng để làm phên vách chung quanh ngôi nhà. Nhà moong thuộc loại kiến trúc nhà ở độc đáo mang sắc thái đặc thù truyền thống văn hóa vật chất liên hệ mật thiết với mức sống của dân cư. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà moong là công trình mang tính sáng tạo nghệ thuật cao và quý giá. Nó có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, trong lao động sản xuất, săn bắn, hái lượm và cả trong các dịp lễ hội của gia đình và của cộng đồng Như nhà gươI, nhà moong cũng được dùng để tiếp khách mức gia đình, ăn uống khi có lễ lạt, ma chay, cưới hỏi và lắm khi là nơi hẹn hò của thanh niên thiếu nữ đưa đến kết duyên vợ chồng. Trai trẻ Cô Tu có phong tục ngủ duông hay lướt zướng ăn nằm với nhau vài đêm trong lúc chờ đợi tổ chức lễ cưới truyền thống. Có một vài gia đình không đủ sức để cất nhà moong nhưng có thế đất đẹp, thì làm cái sạp tre đơn sơ để hóng gió, nghỉ ngơi sau suốt ngày nương rẫy mệt nhọc. Một khu vườn rộng rãi, từ trên cao nhìn xuống, gần mặt đường là điều kiện lý tưởng để bố trí ngôi nhà moong của gia đình. Tại làng văn hóa về nguồn thôn Bờ Hồng xã Sông Kôn, bốn ngôi nhà moong trình bày một diện mạo đặc sắc của dân tộc Cơ Tu là một điểm hẹn không thể bỏ qua trong những chuyến tham quan miền Thượng, một nơi dừng chân không thể thiếu sót cho những du khách ham chuộng kiến trúc độc đáo, hằng mong khám phá văn hóa các dân tộc ít người.
Lễ đâm trâu

Trong làng có nuôi trâu nhưng không nhất thiết dùng để cày ruộng mà cốt yếu để cúng Giàng (tức là Trời) và các và thần linh. Lễ hội hàng năm thường diễn ra trước mùa tỉa lúa hay trỉa lúa nghĩa là gieo trồng bằng cách tra hột lúa trong lổ rồi lấp đất lên, trong sân hay trong lều dựng lên giữa sân làng. Lễ hội cũng còn để ăn mừng được mùa Bhuối Aví, ăn mừng nhà gươILang tơrí, ăn mừng lúa mới Cha ha roo tơmêê, ăn thề Pơ Ngoót (kết nghĩa anh em giữa hai làng)..., thường phải chuẩn bị trước, đặc biệt cây xờ nur (cột buột trâu) cần được trang trí hoa văn. Sau khi dựng xờ nur, họ nhảy múa, khóc tế nơơi trâu suốt đêm. Đối với người Cơ Tu, trâu biểu hiện cho quyền lực, uy tín của làng. Ðêm khuya ở núi rừng, nghe những già làng khóc tế trâu nghe nói thật não nề. Thông qua khóc tế, họ kể về nỗi khổ ải do thiên tai, mất mùa không có cái ăn cái mặc, bệnh tật ốm đau không có tiền mua thuốc chữa. Họ cũng thương con trâu cả một đời lam lũ vì con người, nay phải hiến dâng cho thần linh, cho Giàngchỉ vì họ muốn cầu xin sức khỏe, làm ăn phát đạt ! Thủ tục cúng bắt đầu từ tang tảng sáng, khi mặt trời mới ló dạng. Khúc nhạc cúng cồng chiêng vang dậy trước khi dân làng cùng nhau nhảy múa quanh con trâu được chọn để cung hiến. Sau đó đoàn cồng chiêng và múa chính thức biểu diễn điệu múa mừng. (A)n nhịp với tiết tấu của cồng chiêng lanh gọn, đôi tay trần của phụ nữ Cơ Tu mềm mại uyển chuyển uốn lượn. Con trâu hốt hoảng chạy quanh xờ nur cho đến lúc họ dùng giáo đâm ba lát. Nó gầm thét, khụy chân xuống, nhưng qua lát thứ ba trúng vào tim thì sống phút cuối cùng, miệng há hốc, nước mắt chảy dài. Người Cơ Tu tin là nếu trâu lúc ấy quay đẩu về hướng nhà gươI là điềm tốt. Họ rút ngọn giáo, đổ nước suối vào vết thương, băm cuộn lá chuối rừng lên xác trâu để tăng lượng huyết ứ và giữ thịt lâu hư. Họ cũng còn lấy rượu, nước, gạo, muối rãi lên đẩu trâu để linh hồn nó yên nghĩ bên kia thế giới. Bây giờ hết còn nhạc múa chính thức nhưng dân các thôn bản láng diền lại chung vui, cùng nhau múa hát ăn mừng, hy vọng tận hưởng những điều tốt lành trong năm.

Múa Cơ Tu trên sân khấu Nogent-sur-Marne Tết Ất Mùi

Giống như những dân tộc miền núi Trường Sơn, đồng bào Cơ Tu ăn mặc rất giản dì. Nếu ngày nay, đặc biệt ở giới trẻ, âu phục được ưa chuộng, trước đây việc sử dụng trang phục thổ cẩm truyền thống còn diễn ra trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng ngày : đàn ông cởi trần đóng khố, đàn bà vải yếm che ngực, váy ngắn ngang chân. Nam nhi còn vấn khăn, khổ loại bình thường, ít màu sắc, khi có lễ hội mới có khăn trang trí màu sắc hoa văn. Khi họ mặc áo cột tay thì trang trí hoa văn đối xứng, với những vạch sọc có khoảng cách đều nhau dệt thành ba màu vàng, đỏ và trắng trông nổi bật trên nền vải chàm đen. Mùa lạnh họ thêm khăn choàng dài, trang trí băng truyền thống trắng, đỏ, xanh trên nền màu chàm. Nữ giới tóc dài thả buông hay búi ra sau gáy. Mùa lạnh, họ mặc áo chui đầu khoét cổ, thân ngắn tay cộc. Loại áo đơn giản nầy là hai miếng vải khổ hẹp gập đôi, khâu sườn trừ chỗ tiếp giáp trên làm cổ. Váy ngắn cũng được may cắt tương tự với hai mảnh vải khổ hẹp gập lại thành hình ống. Các hoạ tiết hoa văn ở phần thân váy thường đứng riêng lẻ bằng cách vạch sọc như hoa văn ablơm (hoa tình yêu), lá trầu, dây buộc nhà gươl, múa da dá... màu sắc đơn giản, các hoạ tiết hoa văn được thể hiện dưới dạng hình học hoá. Nếu áo váy giản dị, đồ trang sức có phần phong phú hơn. Phụ nữ Cơ Tu thích mang vòng cổ, vòng tay, có khi mỗi cô năm bảy chiếc. Ngoài các vòng cổ bằng đồng hay sắt, họ còn mang khuyên tai bằng gỗ, xương hay đồng xu, các chuỗi hạt cườm, vỏ sò, mã não. Có cô đội trên đầu vòng tre kết nút hoặc dây rừng trắng rơnơk thêm lông chim. Cả nam lẫn nữ nhiều vùng đến tuổi trưởng thành nhằm vào lúc lễ đâm trâu có tục lệ cưa răng. Tục nầy cũng như tục xăm mình, xăm mặt dần dần được loại bỏ. Tuy nhiên, gần đây, việc khôi phục các lễ hội truyền thống cũng như các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những trang phục thổ cẩm đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu được chú trọng. Một số văn hóa đặc sắc, bảo tồn theo hướng cha truyền con nối được quy định, thông qua việc người dân trực tiếp dạy lại cho người dân và hiện nay đang phát triển, các nghệ nhân dạy lại cho các em, các cháu.


Múa Cơ Tu trên sân khấu Nogent-sur-Marne Tết Ất Mùi

Nói chung, hiện nay việc xây dựng văn hóa của người Cơ Tu ở Quảng Nam đang được đặt mạnh. Ðược vậy là vì, theo Gs Nguyễn Ngọc Hòa, đội ngũ trí thức người Cơ Tu rất đa dạng, được hình thành và phát triển trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Hơn nữa, hiện họ lại có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội,đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng đời sống văn hóa nói riêng tại địa phương. Huyện Tây Giang chẳng hạn với dân số Cơ Tu hơn 90% dân số của huyện, 72 trưởng thôn, già làng có uy tín thì có nhiều tiềm lực bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa dân tộc. Các huyện Ðông Giang 73%, Nam Giang hơn 50% dân số của huyện cũng có khả năng nối gót. Nhà GươI truyền thống hay sân làng là nơi thao diễn những hoạt động văn hóa của đội ngũ trí tuệ. Ở đây, các nghệ nhân có dịp sáng tác những nhạc cụ, cải thiện nghệ thuật điêu khắc, tập luyện đánh cồng chiên, múa tan tung Za Zá, đặc biệt cho các em trẻ, một phương cách giữ gìn hữu hiệu bản sắc văn hóa dân tộc. Ðây cũng là nơi các gìà làng, dưới ánh trăng thanh, quanh đống lửa ấm, kể chuyện cổ Cơ Tu, cội nguồn dân tộc, sự tích dòng họ, phong tục tập quán, không những chỉ cho học sinh mà còn cả cho thanh niên, cán bộ. Một già làng đáng kính như Cơlâu Năm vốn đã biết nhiều nhờ ông cha kể lại, còn chịu khó lặn lội khắp các thôn bản hỏi han sưu tầm và vận dụng trí nhớ ghi vào ký ức nhưng truyện cổ xưa. Nghệ nhân điêu khắc Bhríu Pố chạm trổ những cảnh tượng phản ảnh cuộc sống sinh hoạt lên nhà mô, nhà gươI, nhiều nghệ nhân dân gian tham gia xây dựng mô hình nhà gươInhà moong.

Múa Cơ Tu trên sân khấu Nogent-sur-Marne Tết Ất Mùi

Qua thời gian chiến tranh và ảnh hưởng đời sống mới, dân cư, nhất là loại trẻ, ít hiểu văn hóa cội nguồn, không thấy quan trọng phong tục tập quán nên không lo chăm sóc di sản ông bà, từ đó nhà gươI nhiều thônxuống cấp và mất dần đi. Nha văn hóa tỉnh Quảng Nam rất ý thức vấn đề nên nỗ lực phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dặc biệt trong việc khôi phục nhà gươI. Này nay hầu hết các thôn Cơ Tu ở huyện Tây Giang đều có làm lại nhà gươI. Như Gs Nguyễn Ngọc Hòa đã có viết, Tây Giang là huyện dẫn đầu phong trào phục dựng nhà gươI. Trên đỉnh ngọn đồi cao ở trung tâm huyện là một quần thể làng Cơ Tu truyền thống gồm có một nhà gươI trung tâm, 10 ngôi nhà gươI đại diện cho 10 xã của huyện. Nét kiến trúc và trang trí mỗi nhà gươI cũng khác nhau, mang đậm sắc thái của cư dân Cơ tu vùng cao, vùng thấp. Ông Briu Liếc cho biết: Vì văn hoá làng là cái bảo tồn lâu bền nhất, từ đó chúng ta sẽ xây dựng đuợc những thể chế văn hoá khác, giữ được bản sắc truyền thống Cơ Tu. Tôi tin rằng, văn hoá truyền thống Cơ Tu sẽ tồn tại mạnh mẽ dưới những nhà GươI như thế!" 80% số thôn ở các huyện Ðông Giang, Nam Giang đều đã có nhà gươI. Ðiều này thể hiện nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ bà con dân tộc Cơ Tu bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Theo bà Lê Thị Thủy, phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang, thì trên cơ sở nhà nước hổ trợ một phần, chủ yếu là vận động nhân dân đóng góp. Có thôn vận động được doanh nghiệp giúp đỡ. Thôn khó khăn hơn thì tự quyên góp sức người, sức của. Khôi phục nhà gươI, công trình tiêu biểu của dân tộc, là giúp cho các thế hệ sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất tinh thần của dân tộc mình. Đồng thời cũng khôi phục nhà mô, ngôi nhà tâm linh, một công trình kiến trúc độc đáo khác, chế tác công phu, khắc họa sống động, mang tín ngưỡng dân gian hướng về tổ tiên nguồn cội lại là một việc làm rất có ý nghĩa khác...


Ðôi trai trẻ Cơ Tu trong nhà moong

Trong làng, những nghề thủ công như dệt thổ cầm tại các xã Tà Lu, A Ting, đan mây tre tại xã Sông Koon, chế biến rượu cần t ại thôn A Dinh, thị trấn Prao được khôi phục. Những nhạc cụ như trống, cồng, chiêng, khèn, những vật dụng lao động sản xuất, bảo vệ săn bắn, những dụng cụ trang trí, trang sức, trang phục được sưu tập và lưu giữ kỹ càng. Về văn hóa ẩm thực, nhưng món cơm lam, bánh sừng trâu, rượu tà đin, tà vạt (từ buồng cây tà vạt, thêm vỏ cây chuồn, cho tự lên men), nói chung những sản phẩm sẵn có trong tự nhiên hay phát xuất từ lao động được khuyến khích và phổ biến để mọi thôn bản khai thác chế biến sử dụng trong các lễ hội, ngày Tết, đãi khách. Tại một số xã trên địa bàn huyện đã tổ chức sưu tầm các truyện cổ dân gian, làn điệu dân ca, tổ chức các buổi nói lý, hát lý ghi âm lưu giữ.Trong phạm vi hoạt động có ý nghĩa về việc khôi phục, bảo tồn và phát huy tiếng nói và chữ viết của người Cơ Tu, mất dần từ 1975, phối hợp với Trường Trung cấp nghề Thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam tổ chức những lớp dạy cho cán bộ, công chức trên địa bàn. Đồng thời các nghệ sĩ dân gian đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tiếp âm và phát sóng chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phục dựng ghi hình để lưu giữ và phát huy một số lễ hội như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội Cồng chiêng. Công tác sưu tầm, giới thiệu, lưu giữ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cũng được chú trọng. Ðến nay, huyện đã sưu tầm và biên tập được hơn 50 truyện cổ dân gian các dân tộc Cơ tu, Ve, Tà Riềng để chuẩn bị xuất bản trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các loại hình dân ca, dân vũ cũng được tôn vinh thông qua các liên hoan, các hội thi, các hoạt động văn nghệ quần chúng ở địa phương...Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, vẫn còn một số hạn chế nhất định. Nhận thức về văn hóa nói chung và phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở còn chưa thấu đáo dẫn đến việc nhận diện và đánh giá phong trào chưa xác thực. Điều này đưa đến tình trạng phong trào xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ chưa có chiều sâu. Phát triển văn hóa là một đề tài cao siêu cần thiết rất nhiều thì giờ, chiến lược và kiên nhẫn.

Thành Xô cuối xuân 2015
(*) Ảnh Cơ Tu ở Quảng Nam lấy trên internet. Điệu múa Cơ Tu chụp hôm Lễ hội Làng tôi Tết Ất Mùi ở Pavillon Baltard tại Nogent-sủ-Marne.

Ðọc thêm

-Lê Anh Tuấn, Trần Đức Sáng, Trần Đức Anh Sơn, Biến đổi ván hóa tộc người trong bối cảnh phát triển đô thị ở Đà Nẵng, Phát triển kinh tế-Xã hội Đà Nẵng, dised.danang.gov.vn/LinkClick.aspx?fileticket...61

-Tấn Sỹ, Văn hóa ăn mặc của người Cơ Tu Quảng Nam hiện nay, QRT-Ðài phát thanh truyền hình Quảng Nam , www.qrt.vn/index.php?

-Phan Cẩm Thượng, Một thoáng văn hóa Katu, Tia Sáng 11.06.2012, tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News

-DTRHiep, Nhà Moong-Công trình nghệ thuật kiến trúc quý giá của tộc người Cơtu 23.07.2013, www.dulichthu-dong.com/tindulich_chitiet.php?..

-Lan Anh, Nhà GươI của người Cơ Tu, Tiếng Việt 30.07.2013, vovworld.vn/vi-VN

-TQ-DTV, Thú vị kiến trúc nhà Moong Cơ Tu, Văn hóa Dân tộc-Dân tộc Cơ Tu 05.10.2012 ; Nhà GươI-Biểu tượng văn hóa Cơ Tu, 10.10.2012

-PGS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Xây dựng đời sống văn hoá của người Cơ Tu ở Quảng Nam, Tạp chí Tuyên giáo số 4, Cống thông tin điện tử Quảng Nam 17.10.2014

-Bhriu Quân, Tìm lại chữ viết Cơ Tu,Quang Nam Online, 13.03.2015


[ trang trước ]  /    [ trang sau]
  .