Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                 [  Mục Lục  ]

Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm
*
6.Thời Lê Sơ (1420-1527)
-
100 năm ưu việt của văn hóa Đông Đô 

Lê Văn Hảo

Thời Lê Sơ : 100 năm ánh sáng và bóng tối
Trong lịch sử dân tộc ta, có thể nói thời Lê Sơ là một thời kỳ xán lạn. Sau năm thế kỷ độc lập và văn hiến nhờ những tướng tài, vua giỏi, và trí thức lớn của các đời từ Ngô tới Trần, nhà Hồ có tội để mất nước (1407) vào tay nhà Minh.

Nhưng rồi khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ (1418) đưa tới những chiến thắng vang dội khiến quan quân Minh phải rút về Tàu; nền độc lập dân tộc được phục hồi, một triều đâi mới được thành lập. Ánh sáng của tự chủ tự do đã lại trở về với Đại Việt, với kinh đô cũ Thăng Long được triều Lê Sơ cho một tên gọi mới là Đông Đô để phân biệt với Lam Kinh ở Thanh Hóa, còn gọi là Tây Đô hay Tây Kinh.

Ánh sáng bừng lên từ Lam Sơn rồi tỏa chiếu trên toàn cõi đất nước cũng là ánh sáng của 100 năm văn hiến nhờ sự nghiệp của những Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh, Phan Phu Tiên ... , nhờ những thành tựu văn hóa đẹp đẽ như Hội Tao Đàn, bản đồ Hồng Đức, luật Hồng Đức ...

Nhưng lại phải nói thêm: thời kỳ 100 năm ấy đã bị hoen ố bởi những bóng tối đậm đặc , những bi kịch thảm khốc. Rất đáng buồn là vào thời Lê Sơ, một hình phạt thuộc loại man rợ nhất mà con người có thể nghĩ ra, gọi là tru di tam tộc, đã từ bên Tàu đột nhập nước ta như một vết nhơ khó gột rửa. Một số vua Lê Sơ hẹp lượng vô nghì, bạc nghĩa, đã sát hại nhiều công thần khai quốc, tiêu biểu là Nguyễn Trãi, Lê Sát, Trần Nguyên Hãn ... để đến khi những vị này được các vua đời sau như vua Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông minh oan và phục hồi danh dự cho họ, đền bồi cho con cháu thì đã quá muộn màng.

Sau đời minh quân Lê Thánh Tông, một vài vua Lê khác đã là những hôn quân bạo chúa, hoang dâm vô độ (khi say rượu thì giết cả cung phi) cho nên vào năm 1527 quyền thần Mạc Đăng Dung đã nhanh chóng xóa bỏ triều Lê Sơ lập ra vương triều Mạc.

Nho giáo, một học thuyết chính trị - luân lý rất khắc nghiệt và đầy bất công ra đời bên Tàu đã ảnh hưởng nhiều tới tư tưởng và xã hội của Trung Quốc cùng một số nước phương Đông khác, trong đó có Việt Nam. Vào thời Lê Sơ, Tống Nho được vua quan nước ta tôn sùng đã tác động rất tiêu cực trên đời sống xã hội và tinh thần.

Cũng may là nhờ Phật giáo, nhờ nhân dân và trí thức thời Lê Sơ đã có những phản ứng sáng suốt và kịp thời để ngăn chặn bớt những ảnh hưởng xấu của Nho giáo.

Về Lam Sơn thăm quê hương Lê Lợi và dự Hội đền vua Lê
Khu di tích Lam Sơn thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 55 km : đây là quê hương Lê Lợi và là cái nôi của cuộc khởi nghĩa hiển hách như đã thấy. Sau khi Lê Lợi trở thành Lê Thái Tổ, các vua triều Lê Sơ vẫn tiếp tục xây dựng chốn này thành một kinh đô thứ hai sau Đông Đô, nên Lam Sơn trở thành Lam Kinh, tức Tây Đô.

Ngoài các cung điện ( Quảng Đức, Sùng Hiếu ... ) Lam Kinh thuở xưa còn nhiều đền miếu, lăng tẩm như Thái Miếu (thờ tổ tiên các vua Lê), Vĩnh Lăng (lăng mộ Lê Thái Tổ), Chiêu Lăng (Lê Thánh Tông) ... Cung điện thời Lê Sơ nay không còn gì, chỉ sót lại các bậc thềm đá chạm rồng và các bia đá to vinh danh các vua.

Lớn và đẹp nhất là bia Vĩnh Lăng, dựng năm 1433, cao gần 3 m, rộng gần 2 m và dầy 27 cm, đặt trên lưng một con rùa khổng lồ, ghi lại tiểu sử và sự nghiệp Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi chấp bút, làm nên một áng văn đẹp đẽ, một tài liệu lịch sử chan chứa khí vị anh hùng ca.

Không xa khu Lam Kinh có thể dự Hội đền vua Lê vào xuân thu hai kỳ. Đến tiết xuân hàng năm, dân làng Vệ Yên, nay thuộc thành phố Thanh Hóa, mở Hội trận đền vua Lê từ mồng 5 đến mồng 8 tháng Giêng (lịch âm) để tưởng nhớ Lê Lợi, anh hùng dân tộc kiêm thần thành hoàng làng. Sau lễ tế là phần biểu diễn múa roi, múa kiếm, đi quyền, đấu vật trình thần. Tiếp theo là các trò chạy chữ, diễn trận (quâïn ta đánh quân Minh thắng lợi), rồi trò tung cầu kết thúc hội trận thu hút nhiều ngàn người.

Hội đền vua Lê mùa thu có qui mô lớn hơn nhiều. Cứ ba năm một lần, vào ngày giỗ Lê Lợi (22-8 lịch âm), hội diễn ra tại khu vực Lam Kinh, chung quanh ngôi đền thờ vua Lê Thái Tổ và một số vị khác như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông ... Hội lễ năm xưa bắt đầu bằng điệu múa hát rí ren cổ kính, rồi tới hát ca công và hát huê tình, múa Bình Ngô phá trận và múa Chư hầu lai triều. Đặc biệt có tục lệ đánh trống đồng uy nghi hùng tráng, thu hút nhiều vạn khách hành hương.

Ngoài đông đảo người Việt vùng đồng bằng chung quanh tỉnh Thanh Hóa, người dân những sắc tộc miền núi (Mường, Thái ... ), các tỉnh lân cận cũng nô nức về dự hội. Họ đem theo các lâm sản như mật ong rừng, nhung hươu nai, mật gấu, xương cọp, trầm, quế, cây thuốc ... rồi tạo nên một chợ phiên trao đổi nhộn nhịp giữa miền xuôi với mạn ngược, làm cho Hội đền vua Lê mùa thu trở thành một festival Kinh Thượng hoành tráng.

Nguyễn Trãi Vinh quang và thảm kịch của một bậc thiên tài
Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ vào năm 1980, một hội nghị quốc tế lớn tập họp đông đảo các nhà Đông phương học và Việt Nam học của nhiều nước đã được tổ chức tại Hà Nội để kỷ niệm trọng thể 600 năm sinh Nguyễn Trãi (1390-1442). Toàn thể hội nghị rất phấn khởi khi được biết hai tổ chức văn hóa lớn là UNESCO và Hội Đồng Hòa Bình Thế Giới đã đồng thanh tuyên dương Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới, một vinh dự mà 15 năm trước đó (1965) giới văn hóa quốc tế cũng đã trao cho Nguyễn Du nhân kỷ niệm trọng thể 200 năm sinh của thi hào (1765-1820).

Riêng về Nguyễn Trãi, có thể công nhận rằng 45 dòng dành cho thiên tài này trong Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, tập 3, N-S, ( NXB Từ Điển Bách Khoa , Hà Nội, 2003, tr. 187) đã chứa đựng những thông tin và đánh giá xác đáng. Chúng ta biết ông đã sớm vào Lam Sơn cùng với chủ tướng Bình Định Vương Lê Lợi tham gia cuộc kháng chiến chống Minh - đặc biệt công lao ông rất lớn trong lãnh vực ngoại giao.

Về tài ngoại giao tuyệt trần của Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn ở cuối thế kỷ 18 đã đánh giá : "Nguyễn Trãi viết văn, thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời đại ", còn Phan huy Chú ở đầu thế kỷ 19 thì khẳng định "Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi có sức mạnh của 10 vạn quân".

Là một thiên tài văn hóa, Nguyễn Trãi đã viết rất nhiều và rất hay từ hơn 350 bài thơ vừa Nôm vừa Hán cho tới các kiệt tác Đại Cáo Bình NgôDư Địa Chí ...

Sau kháng chiến thắng lợi, ông được coi là đệ nhất công thần, được liệt vào hàng đại phu, giữ nhiều chức vụ lớn đầu triều, nhưng lại bị nhiều gian thần ganh ghét, dèm pha nên đã cáo quan về Côn Sơn ẩn dật giữa suối rừng. Năm 1439, Lê Thái Tông triệu ông trở lại triều đình để cùng chăm lo việc nước. Ba năm sau (1442), thảm kịch sảy ra.

Ông có người vợ thứ ba xinh đẹp và hay chữ là Nguyễn Thị Lộ. Chẳng may Lê Thái Tông đã chết đột ngột tại vườn Lệ Chi khi bà Lộ đang có mặt bên vua . Thế là những kẻ thù trong triều đình đã ghép cả đại gia đình ông vào hình phạt tru di ba họ (họ cha, họ mẹ, và họ vợ). Một nỗi oan tày trời ! Đằng đẵng 23 năm sau (1465), Nguyễn Trãi mới được Lê Thành Tông trịnh trọng minh oan.

Ba nhà văn hóa xuất sắc: Lê Thánh Tông, Phan Phu Tiên, Lương Thế Vinh
Nhân tài thời Lê Sơ thật đông đảo. Tổng tập văn học Việt Nam, bộ hợp tuyển thơ văn đổ sộ và tương đối đầy đủ từ trước tới nay (42 tập, hơn 30 000 trang in), xuất bản năm 2000 - trong tập 4 nói về văn học thời Lê Sơ - đã dành hơn một ngàn trang để giới thiệu và trích dẫn nhiều trăm tác phẩm của hơn 50 tác giả.

Trong cái rừng văn sầm uất ấy nổi bật lên tên tuổi và tài năng của Nguyễn Trãi, bên cạnh ba nhà văn hóa lớn : một ông vua và hai nhà bác học.

Lê Thánh Tông (1442-1497) lên ngôi năm 19 tuổi, rồi trị vì suốt 38 năm và chỉ thọ 56 tuổi, nhưng đã để lại cho đời một sự nghiệp văn hóa to tát hiếm thấy:

- đã chủ trì biên soạn bộ luật Hồng Đức, cùng nhiều bộ sách quí báu như bộ Thiên Nam dự hạ tập (hàng trăm quyển), bộ Đại Việt sử ký toàn thư (24 quyển) là hai bộ sách lớn đầu tiên trong kho tàng thư tịch cổ Việt Nam;

- đã quan tâm nhiều đến giáo dục và thi cử nên cho tổ chức cả thảy 12 khoa thi hội, chọn được 501 tiến sĩ, trong đó có 9 trạng nguyên;

- đã nghĩ ra nhiều thuần phong mỹ tục văn hóa như dựng bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đặt lệ xướng danh, tổ chức lễ vinh qui bái tổ đưa những vị tân khoa về quê hương mình đều là những biện pháp tốt đẹp đề cao người hiền tài

- đã khuyến khích dùng văn Nôm, cổ xúy thơ Nôm, thành lập tổ chức văn học - văn hóa lớn đầu tiên của thời đại quân chủ là Hội Tao Đàn do chính vua làm chủ soái;

- đã sáng tác rất dồi dào và quan tâm tới nhiều thể loại ; thơ văn của vua có mặt trong nhiều công trình tập thể lớn như Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Lê triều danh nhân thi tập;

- trong sự nghiệp của vua, đáng chú ý hơn cả là bài phú Lam Sơn lương thủy và tập truyện ký Thánh Tông di thảo (chữ Hán), bài văn Nôm Mười giới cô hồn và nhiều áng thơ Nôm khác thắm đượm tình tự dân tộc.

Nhà văn hóa Phan Phu Tiên là một nhà bác học thực thụ. Chưa rõ năm sinh năm mất, chỉ biết ông hai lần đậu tiến sĩ: vào thời Trần (1396) rồi vào đời Lê Thái Tổ (1429). Làm việc ở Quốc Tử Giám và Quốc Sử Viện từ 1445, 10 năm sau ông trở thành tổng tài (chủ biên), phụ trách việc biên soạn Đại Việt sử ký tục biên.

Nhà sử học Phan Phu Tiên cũng có một cống hiến lớn về nghiên cứu văn học, do đã biên soạn Việt âm thi tập, bộ hợp tuyển thơ văn đầu tiên ở nước ta. Ông còn quan tâm tới thực vật học và y dược học nên đã viết Bản thảo thực vật toản yếu.

Thơ của Phan Phu Tiên chỉ còn lại ba bài chép trong Toàn Việt thi lục: một bài đề tặng Nguyễn Trãi mà ông gọi là "bậc tiên tri tiên giác", bài thứ hai khuyên thanh niên hãy dốc sức học tập vì học vấn xưa nay vẫn là " bậc cấp để bước lên ngôi nhà lớn của đời người ", bài thứ ba nói lên chí hướng cao đẹp của nhà nho Phan Phu Tiên chỉ nghĩ tới trách nhiệm và nghĩa vụ, không hề nghĩ tới cá nhân.

Nhà văn hóa Lương Thế Vinh cũng xứng đáng được gọi là nhà bác học. Sinh năm 1442 (chưa rõ năm mất), từng nổi tiếng là thần đồng, ông đậu trạng nguyên năm 21 tuổi, rồi làm việc tại Viện Hàn Lâm, chuyên soạn các công văn bang giao với triều Minh. Việc làm này của ông đã có tiếng vang ra tận cõi ngoài. Lê Quí Đôn từng khen ông là "con người tài hoa, danh vọng tột bực", còn Phan Huy Chú cho biết "ông ham đọc sách, học vấn rộng rãi, từng là sái phu của Hội Tao Đàn".

Sự nghiệp của ông gồøm chủ yếu những bài thơ đoạn văn xướng họa với vua quan trong triều và những trước tác thuộc nhiều lãnh vực như Đại thành toán pháp (phép toán tổng hợp), Thiền môn giáo khoa (sách giảng dạy đạo Phật dùng nơi cửa Thiền) ... Đặc biệt đáng khen là Hí phường phả lục (ghi chép phả ký của phường trò) viết năm 1501, là công trình nghiên cứu lý luận sớm nhất ở nước ta về hát chèo, một nghệ thuật sân khấu dân gian quí báu của dân tộc mà đương thời triều đình sính Tống Nho có thái độ kỳ thị, coi rẻ, còn ông thì can đảm trọng thị và đề cao .

Ba thành tựu nổi bật của thời Lê Sơ: Hội Tao Đàn , bản đồ Hồng Đức và luật Hồng Đức
Hội nhà thơ cung đình đầu tiên của Việt Nam là Hội Tao Đàn, được sáng lập vào mùa đông 1495, đời Lê Thánh Tông: vua thấy hai năm liền thời tiết thuận hòa, nhân dân được mùa bèn làm 9 bài thơ ca ngợi điềm tốt, mở đầu cho tập Quỳnh Uyển cửu ca (9 khúc ca vườn Quỳnh). Đây là tác phẩm khai trương hội Tao Đàn: vua viết lời tựa, rồi tự xưng là nguyên soái của Tao Đàn, tập hợp 28 quan văn có năng khiếu, gọi là 28 ngôi sao của Tao Đàn, và đề nghị họ theo vần 9 bài thơ xướng của vua mà họa lại. Tổng cộng Quỳnh Uyển cửu ca có tới 261 bài. Hội hoạt động trong hơn hai năm (1495-1497), với tư cách một viện hàn lâm văn học và văn hóa. Sau khi Lê Thánh Tông mất (1497) không nghe nói tới hội nữa.

Tuy nhiên sự có mặt ngắn ngủi của hội vẫn cho phép đời sau tập hợp được một loạt tác phẩm có giá trị từ Quỳnh Uyển cửu ca tới Thiên Nam dư hạ tậpHồng Đức quốc âm thi tập. Qua những áng thơ văn xướng họa thù tạc của 29 ngôi sao Tao Đàn (kể cả vua) vẫn toát ra nhiều điều tốt đẹp của vua tôi thời Lê Sơ: tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử và dân tộc, niềm tự hào về đất nước thịnh trị và văn hiến, sự quan tâm của triều đình tới cuộc sống yên vui ấm no của trăm họ.

Tập bản đồ Hồng Đức là tập bản đồ chính thức đầu tiên của quốc gia thời quân chủ, hoàn thành vào năm 1490, do Lê Thánh Tông chủ trương và đề xướng từ rất sớm. Vào năm 1467 các thừa tuyên được lệnh vẽ bản đồ của địa phương mình. Hai năm sau đã có được một tập bản đồ bước đầu chưa đầy đủ, các thừa tuyên lại phải bổ sung, chỉnh đốn cho đến khi có khá đầy đủ một bản đồ chung của cả nước, một bản đồ Đông Đô và các bản đồ của 13 thừa tuyên gồm 52 phủ 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 665 xã, v.v... Nhờ tập bản đồ rất chi tiết này mà ngày nay chúng ta còn có được một hình ảnh sinh động và cụ thể về tổ quốc cách nay hơn 500 năm.

Bộ luật Hồng Đức, tức Quốc triều hình luật hay Lê triều hình luật, là bộ luật chính thống được xây dựng hoàn chỉnh cũng vào đời Lê Thánh Tông, gồm 6 quyển, chứa đựng tổng cộng 722 điều luật, chia thành 15 chương: bảo vệ hoàng gia, xây dựng quân đội, ruộng đất và nhà cửa, gia đình và hôn nhân, quan hệ tình dục bất chính, trộm cướp, kiện cáo, gian dối lường gạt, truy nã tội phạm, xử án, ... Các nội dung này cho thấy về thực chất đây không chỉ là luật hình mà là cả một bộ luật tổng hợp và toàn diện có tính chất tiến bộ nhất trong thời đại quân chủ khi ta đem so sánh nó với bộ luật Gia Long, tức Hoàng triều luật lệ thời Nguyễn đấu thế kỷ 19, là một bước lùi lớn so với bộ luật Hồng Đức vì các nhà làm luật 300 năm sau đã sao chép thụ động bộ luật nhà Thanh (Trung Quốc) một cách vô tội vạ.

Một nét son rực rỡ của thời Lê Sơ: nhân quyền và nữ quyền được bảo vệ, đề cao
Theo thiển ý, nên xem pháp luật nhà nước thời Lê Sơ là một trong những thành tựu lớn của lịch sử văn hóa văn minh ở Việt Nam và cả ở toàn châu Á thời trung đại. Quả thật bộ luật Hồng Đức có những đặc điểm làm chúng ta đi từ kinh ngạc tới thán phục. Điểm đặc sắc lớn đầu tiên là bộ luật cổ kính này đã bảo vệ và đề cao nhân quyền trong hai lãnh vực: các quyền bình đẳng và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của mọi người dân đương thời.

Trong các quyền bình đẳng, đáng chú ý là quyền bình đẳng giữa đàn bà và đàn ông, giữa vợ và chồng, giữa các sắc tộc trên toàn cõi Đại Việt. Mọi người dân có quyền hưởng cơ hội đồng đều về giáo dục, quyền tự do mở trường dạy học, tự do chọn trường và chọn thầy, phụ huynh có thể mời thầy về nhà dạy con mình từ vỡ lòng tới lúc chuẩn bị đi thi tiến sĩ, v.v...

Các sắc tộc ít người có quyền tự trị hành chánh vì nhà nước đã đặt ra cấp châu (ngang cấp huyện của người Việt) do chính người sắc tộc giữ chức tri châu (ngang cấp tri huyện vùng đồng bằng) để cai trị dân vùng cao; dưới các tri châu là các pơ tao (ngang cấp xã quan ở đồng bằng) là những tù trưởng cha truyền con nối cai trị các buôn làng. Các sắc tộc ít người được tự do canh tác các mảnh đất hoang ở vùng cao không hạn chế diện tích , v.v... Rõ ràng pháp luật thời Lê Sơ đã rất cởi mở và tiên tiến trong lãnh vực nhân quyền.

Điểm đặc sắc lớn thứ hai mà có lẽ ưu tú nhất là bộ luật Hồng Đức bảo vệ và đề cao nữ quyền, một điều hiếm thấy trong pháp luật và văn hóa Á Đông suốt thời trung đại:

- Bộ luật qui định quyền thuận tình kết hôn và thành lập một gia đình giữa đàn bà và đàn ông, quyền người mẹ và trẻ em được săn sóc và bảo vệ.

- Khi qui định quyền bình đẳng dân sự giữa vợ và chồng, luật Hồng Đức nêu rõ : nếu người chồng chểnh mảng hay bỏ bê vợ vì si mê một người đàn bà khác thì sẽ bị trừng phạt nếu vợ cáo giác trước cửa quan.

- Bộ luật qui định vợ chồng hoàn toàn bình đẳng về hôn sản: lúc hai người còn sống chung, vợ chồng đều bình quyền trong việc quản trị tài sản gia đình. Khi vợ hay chồng mất thì người còn sống, bất luận là vợ hay chồng, có quyền thu hồi đầy đủ quyền sở hữu toàn bộ bất động sản xuất phát từ gia đình bố mẹ mình, đồng thời có quyền thu hồi một nửa phần bất động sản do hai vợ chồng tạo mãi trong thời kỳ sống chung.

- Con gái được hưởng quyền chia gia tài bình đẳng như con trai. Trong trường hợp gia đình không có con trai thì con gái trưởng được quyền thừa kế hương hỏa , v.v...

Khi bảo vệ va đề cao nữ quyền như đã thấy trên đây, bộ luật Hồng Đức đã xác nhận truyền thống chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam lâu đời, và đã cho chủ nghĩa Tống Nho một bài học đích đáng.

Năm 1987, giới Đông phương học và giới văn hóa đã ghi nhận một sự kiện đặc sắc: nhà xuất bản Đại học Ohio (Hoa Kỳ) công bố công trình nghiên cứu, kèm theo bản dịch tiếng Anh của toàn văn bộ luật Hồng Đức nhan đề Lê's Code : Law in traditionnal Vietnam của ba giáo sư Tạ Văn Tài, Nguyễn Ngọc Huy và Trần Văn Liêm.

Ngay sau đó, giáo sư Olivier Oldman, chủ nhiệm khoa Luật Đông Á, thuộc trường Luật Đại Học Harward, đã đánh giá :

" Bộ luật thời Lê của nước Việt Nam truyền thống là một công trình bất hủ ở vùng đại Đông Á truyền thống [ ... ] Chúng ta thấy triều Lê vào những thế kỷ đặc sắc của mình đã nỗ lực xây dựng một quốc gia vững mạnh như thế nào để bảo vệ những quyền hợp pháp của con người thông qua một hệ thống pháp luật tiến bộ, trong đó có nhiều điều đã có thể sánh ngang về mặt chức năng với những quan điểm pháp luật phương Tây cận hiện đại ".

Một phán đoán hoàn toàn công minh và xác đáng !

Lê Văn Hảo
(Paris)
Phụ Lục
Lê Thánh Tông
Nguyễn Trãi
Lương Thế Vinh
Phan Phu Tiên
Ngô Sĩ Liên


 [  Trở Về  ]