Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                 [  Mục Lục  ]

Nguyễn Trãi 

(1380-1442)

"ỨC TRAI TÂM THƯỢNG QUANG KHUÊ TẢO"

- Nguyễn Trãi (1380-1442) tên tự là Ức Trai, sống vào giai đoạn lịch sử sôi động từ cuối đời Trần, trải qua đời Hồ, thời đấu tranh chống ách xâm lược Minh cho tới đầu đời Lê. Ông là người anh hùng dân tộc, nhà tư tưởng, danh nhân văn hoá thế giới. Năm 1406, giặc Minh xâm lược Đại Việt, đánh bại nhà Hồ, áp bức muôn dân, bắt cha Nguyễn Trãi đưa về Trung Quốc. Nợ nước, thù nhà, Nguyễn Trãi đã tìm đến với phong trào khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi và trở thành nhà soạn thảo và thực thi những quyết sách đúng đắn, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Minh đến thắng lợi hoàn toàn. 
 
Nguyễn Trãi sinh ở Thăng Long, ông ngoại là quan tư đồ Trần Nguyên Đán, cha là Nguyễn Ứng Long (còn gọi là Nguyễn Phi Khanh), mẹ là Trần Thị Thái, con gái Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trãi lúc nhỏ ở với ông ngoại Trần Nguyên Đán. Năm 1385, Trần Nguyên Đán về Côn Sơn, đem Nguyễn Trãi theo cùng. Năm Nguyễn Trãi lên 5 tuổi, mẹ ông mất. Sau đó không lâu ông ngoại cũng mất. Ông đã về ở với cha tại quê nội ở làng Nhị Khê. 

Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, cũng là năm mở khoa thi đầu tiên của nhà Hồ. Nguyễn Trãi đi thi và đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm ông 20 tuổi. Năm 1401, Nguyễn Ứng Long đổi tên là Nguyễn Phi Khanh và được nhà Hồ vời ra làm quan, giữ chức Quốc tử giám tư nghiệp. Nguyễn Trãi cũng được vời làm Ngự sử đài chính chưởng. 

Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ đem quân chống cự nhưng không thành. Cha con Hồ Quý Ly cùng một số triều thần bị bắt đưa về Trung Quốc trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi muốn tròn đạo hiếu với cha đã cùng em là Nguyễn Phi Hùng đi theo cha. Trên đường đi, Nguyễn Phi Khanh đã nói với Nguyễn Trãi: “ Con là người có học có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, báo thù cho cha. Như thế mới là đạo hiếu”. Nguyễn Trãi nghe lời cha quay trở lại tìm con đường đánh giặc cứu nước. Rồi Nguyễn Trãi bị giặc Minh bắt, giam lỏng ở thành Đông Quan (Hà Nội). Một thời gian sau, ông trốn khỏi Đông Quan tìm đường theo Lê Lợi. Ông đã giúp Lê Lợi trù hoạch quân mưu. Cuối năm 1426, Lê Lợi lập bản doanh ở bến Bồ Đề (Gia Lâm). Tại đây, Nguyễn Trãi đã nhân danh Lê Lợi viết những thư từ giao thiệp với tướng Minh. Những bức thư đó có tính chiến đấu mạnh mẽ và có tác dụng lớn trong việc đánh vào tinh thần quân địch. Nguyễn Trãi luôn chú trọng tìm người tài đức, người hiền tài ra giúp nước. Năm 1429, ông thay vua viết “Chiếu cầu hiền tài”; Năm 1430, viết “Chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện, sảnh, cục tham lam, lười biếng”... 

Năm 1427, cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi đã thay mặt Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo” nổi tiếng. Năm đó, Lê Lợi lên ngôi vua, ban thưởng cho 227 công thần, Nguyễn Trãi được phong làm Triều Liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ thượng thư, Tước quan phục hầu. Nếu trong kháng chiến, Nguyễn Trãi chủ trương phải dựa vào dân thì mới đánh được giặc, cứu được nước thì khi đã đánh thắng giặc, ông vẫn luôn để tâm tới nhân dân, cho rằng phải lo đến dân thì mới xây dựng được đất nước. Năm 1437, khi vua Lê Thái Tông cử ông định ra lễ nhạc, ông cũng nói cho vua biết những điều phải làm trước hết là chăm lo cho nhân dân: “Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi nhân dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được gốc của nhạc vậy”. Tấm lòng ông luôn canh cánh tâm niệm một điều vì nhân dân, ông quan niệm phải luôn lo trước điều thiên hạ lo, vui sau cái vui của thiên hạ. 

Sự nghiệp văn thơ của Nguyễn Trãi đã để lại cho đời những kiệt tác còn sống mãi với thời gian. Tác phẩm của Nguyễn Trãi đã bị thất nhiều sau vụ án Lệ Chi viên. Bình Ngô đại cáo là một “thiên cổ hùng văn” bất hủ của dân tộc; Quân trung từ mệnh tập là một tập văn chính luận thư từ địch vận (Có hơn 70 bức thư, trong đó đa số các bức thư gửi cho tướng tá nhà Minh, phần còn lại là những thư từ viết gửi cho quân ta). Tác phẩm Dư địa chí soạn năm 1435 là kết quả của nhiều năm đi khắp nơi trong đất nước, tham gia phong trào của nhân dân. Về thơ, ông có tác phẩm Ức Trai thi tập gồm 105 bài thơ chữ Hán, Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ Nôm. Các tác phẩm của Nguyễn Trãi là những áng văn, dòng thơ bình dị, đề tài gần gũi mà nghĩa lại sâu xa, nói chuyện đời mà bộc lộ ý chí, bộc lộ tính tình. Những tác phẩm đã thể hiện lòng yêu thiên nhiên, lòng thương dân nước và cách nhìn năm tháng đời người một cách sâu sắc của một nhà thơ tràn đầy nghĩa khí. 

Cuộc đời Nguyễn Trãi là cuộc đời chiến đấu không ngừng nghỉ, chiến đấu chống bạo lực xâm lược và chống gian tà. Tư tưởng nhân nghĩa là đỉnh cao chói sáng trong thơ ông. Quan điểm xem văn chương là vũ khí chiến đấu thể hiện rõ trí tuệ sáng suốt của một thiên tài và bản lĩnh của một chiến sĩ dũng cảm. Cuộc đời Nguyễn Trãi cho chúng ta bài học quý báu về tinh thần nhân đạo, nhiệt tình chiến đấu, quan điểm mạnh dạn đổi mới, sáng tạo. Nguyễn Trãi là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như Lê Thánh Tông truy tặng "Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo". 

N.L (Tổng hợp)
 


 [  Trở Về  ]