Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Ngũ phụng tề phi :
Những ai ? Nơi đâu ?

Phanxipăng

Đề cao truyền thống hiếu học và học giỏi, người dân Quảng Nam thường tự hào nhắc thành quả "ngũ phụng tề phi": xưa tỉnh này từng có 5 vị cùng lúc đỗ đạt cao, gồm 3 tiến sĩ và 2 phó bảng. Những nhân vật ấy là ai? Kỳ thi năm mấy?  Trong lịch sử khoa cử Việt Nam,  còn địa phương nào từng giành được thành tích xuất sắc tương tự?
"NGŨ PHỤNG" XỨ QUẢNG

Khoa thi năm Mậu Tuất 1898, niên hiệu Thành Thái thứ X, triều đình Huế tuyển được 8 tiến sĩ (TS) cùng 9 phó bảng (PB). Trong tổng số 17 vị này, nếu phân định theo sinh quán thì: Thái Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - mỗi tỉnh có 1 người; Bắc Ninh và Thừa Thiên - mỗi nơi có 2 người; Nghệ An có 3 người; đặc biệt tỉnh Quảng Nam có tới 5 người đỗ đạt. Dân Quảng tôn vinh thành tích đáng quý kia bằng mấy chữ 五鳳齊飛 / ngũ phụng tề phi.

Vậy 5 nhân vật ấy là ai? Thành tích và công trạng ra sao?

Về 5 vị đại khoa đang xét, thư tịch bấy lâu ghi chép hoặc thiếu tường minh, hoặc chưa thống nhất. Thậm chí ngay trong một cuốn sách cũng chứa những mâu thuẫn đáng ngờ. Công trình sưu khảo Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chủ trì (NXB Thuận Hoá, Huế, 2000) đều ghi "chưa rõ hành trạng" đối với hầu hết nhân vật được gọi "ngũ phụng" xứ Quảng. Bộ sách Quảng Nam - đất nước và con người do Nguyễn Q. Thắng biên soạn (NXB Văn Hoá Thông Tin tái bản, Hà Nội, 2001) ghi rằng thân phụ của TS Phạm Liệu là danh thần Phạm Hữu Nghi (tr. 490) và thân phụ của TS Phan Quang là cử nhân Phan Văn Thuật (tr. 514), song lại viết rằng cháu nội của Phạm Hữu Nghi là TS Phạm Liệu (tr. 226) và Phan Văn Thuật có cháu nội là TS Phan Quang (tr. 236). Thật khó hiểu làm sao!

1. TS Phạm Liệu

Tự là Tăng Phố và Sư Giám. Sinh năm Quý Dậu 1873. Người làng Trừng Giang, tổng Hoà Đa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn. Năm Giáp Ngọ 1894, thi đỗ cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân và lưu lại Huế học tiếng Pháp tại quán Tứ Dịch. Năm Tân Sửu 1901, được bổ làm tri huyện Đông Sơn rồi tri phủ Nga Sơn ở Thanh Hoá. Năm Ất Tị 1905, làm chủ sự Bộ Hình rồi chủ sự Quốc sử quán ở kinh đô. Năm Mậu Thân 1908, niên hiệu Duy Tân thứ II, làm tri huyện Phù Cát ở Bình Định. Năm Nhâm Tý 1912, làm viên ngoại phụ chánh Viện Cơ mật, hàm Quang lộc tự thiếu khanh. Khoa thi TS năm Quý Sửu 1913, làm quan duyệt quyển (1) cùng với Nguyễn Thiện Hành - biện lý Bộ Học. Hai năm sau, được thăng hàm Hồng lô tự khanh, làm phó chủ khảo trường thi Hương tại Nghệ An. Trải qua nhiều chức trọng quyền cao nơi triều chính, như tham tri Bộ Công và tham tri Bộ Lại, đến năm Kỷ Tị 1929 còn được bổ làm thượng thư Bộ Binh.

Năm Quý Dậu 1833, vua Bảo Đại cải tổ nội các, bãi nhiệm cùng lúc 5 thượng thư, gồm: Phạm Liệu - Bộ Binh; Nguyễn Hữu Bài - Bộ Lại; Tôn Thất Đàn - Bộ Hình; Võ Liêm - Bộ Lễ; Vương Tứ Đại - Bộ Công. Sự việc đó thường được dân chúng truyền tụng qua bài thơ thất ngôn bát cú của Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn (1897-1947):

Năm trụ khi không rớt cái ình!
Đất bằng sóng dậy xứ Thần Kinh.
Bài không đeo nữa, xin dâng Lại,
Đàn nỏ ai nghe, khéo dở Hình.
Liệu thế không xong Binh chẳng được,
Liêm đành giữ tiếng Lễ đừng rinh.
Công danh thôi thế là hưu hĩ,
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.

Phạm Liệu về hưu tại quê nhà và mất ngày 21/11/1936 nhằm ngày 8 tháng 10 năm Bính Tý. Sách Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn do Phạm Ngô Minh và Trương Duy Hy hợp soạn (NXB Đà Nẵng, 1995) ghi thời điểm TS Phạm Liệu lìa trần đúng ngày tháng vừa kể, nhưng lùi lại một năm: Đinh Sửu 1937.

Một trong những người con của TS Phạm Liệu là nhà thơ tài hoa bạc mệnh Phạm Hầu (1920-1944) từng được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong tập Thi nhân Việt Nam rằng: "Ở giữa đời, Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi".

2. TS Phan Quang

Tự là Quế Nam. Sinh năm Quý Dậu 1873. Người làng Phước Sơn Thượng, tổng Xuân Phú Trung, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình; nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn. Là bạn đồng niên, đồng môn, đồng song, đồng khoa với TS Phạm Liệu: cùng học trường Đốc tại Quảng Nam, cùng đỗ cử nhân năm Giáp Ngọ 1894 tại trường thi Thừa Thiên, cùng đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân năm Mậu Tuất 1898 rồi cùng lưu lại Huế luyện Pháp văn tại quán Tứ Dịch. Năm Tân Sửu 1901, được bổ làm tri huyện Lệ Thuỷ rồi tri huyện Bố Trạch ở Quảng Bình. Sau nhiều năm làm quan luân chuyển qua các địa phương duyên hải miền Trung, đến năm Bính Dần 1926 được điều về kinh đô làm thị lang rồi tham tri Bộ Hình. Ấy là lúc Bảo Đại vừa lên ngôi. Năm Canh Ngọ 1930, về hưu. Năm Kỷ Mão 1939, mất tại quê nhà.

TS Phan Quang có 7 anh chị em ruột thì 4 anh em trai đều thuộc nòi thi thư: anh là tú tài Phan Xáng, em là tú tài Pham Ấm và cử nhân Phan Vĩnh.

Con trai của TS Phan Quang có nhà giáo kiêm nhà sử học Phan Khoang (1906-1971) được nhiều người biết qua tác phẩm Việt sử xứ Đàng Trong (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969; NXB Văn Học tái bản, Hà Nội, 2001) và nhà báo kiêm nhà văn Phan Du (1915-1983).

3. TS Phạm Tuấn

Vốn tên Phạm Tấn, sau đổi thành Phạm Trọng Tuấn, rồi Phạm Tuấn. Tự là Hỷ Thần. Hiệu là Văn Luân. Sinh năm Nhâm Tý 1852. Người làng Xuân Đài, tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Năm Mậu Dần 1878, niên hiệu Tự Đức XXXI, đỗ tú tài và năm kế tiếp đỗ cử nhân.

Theo Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (sđd), từ năm Ất Dậu 1885, Phạm Tuấn đã ra Huế thi Hội rồi thi Đình đều trúng cách, song chưa kịp truyền lô (lễ tuyên chỉ của hoàng đế chính thức công nhận học vị) thì xảy ra sự biến thất thủ kinh đô và vua Hàm Nghi xuất bôn. Chiếu luật lệ, kết quả thi khoa ấy bị huỷ. Phạm Tuấn lĩnh chức bang tá phủ Điện Bàn, rồi được bổ làm huấn đạo Quế Sơn quyền nhiếp tri huyện Hà Đông (Tam Kỳ), đến năm Bính Thân 1898 thì làm giáo thụ phủ Thăng Bình ở tỉnh nhà. Cũng theo sách vừa dẫn, năm Mậu Tuất 1898, Phạm Tuấn dự thi Hội lần thứ nhì (?) và đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân nên bà con gọi "ông nghè nhị khoa tiến sĩ". Bấy giờ, Phạm Tuấn đã 46 tuổi, hơn Phạm Liễu và Phan Quang những 21 tuổi.

Tôi cho rằng sự kiện này cần xem xét lại. Bởi các trường hợp trúng tuyển khoa thi Ất Dậu 1885 đều được đặc cách cho vào thi Đình ngay khoa kế tiếp, gồm khoa Kỷ Sửu 1889 và khoa Nhâm Thìn 1892. Tại sao Phạm Tuấn chẳng ứng thí? Giả thuyết vì lý do nào đó trở ngại, mãi 13 năm sau mới tái đăng khoa, tất ông cũng được miễn thi Hội mà chỉ thi Đình.

Năm Kỷ Hợi 1899, Phạm Tuấn được bổ làm thừa biện Bộ Lễ. Năm Nhâm Thân 1902, làm thị giảng học sĩ. Năm Mậu Thân 1908, làm đốc học Hà Tĩnh, hàm Quang lộc tự thiếu khanh. Năm Quý Sửu 1913, về hưu, được thăng hàm Hồng lô tự khanh. Năm Tân Tị 1917, tạ thế tại quê nhà.

4. PB Ngô Truân

Còn gọi Ngô Chuân, Ngô Trân và Ngô Lý. Chào đời năm Quý Dậu 1873. Quê làng Mông Lãnh, tổng Phú Xuân, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình. Do gia cảnh bần hàn, cha lại mất sớm, nên phải cùng thân mẫu qua ngụ cư làng Cẩm Sa, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Nam, huyện Điện Bàn.

Năm Giáp Ngọ 1894, đỗ cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ PB. Kế đó, được bổ làm tri huyện Thạch Hà ở Hà Tĩnh. Thế nhưng, chẳng may lâm trọng bệnh, Ngô Truân yểu tử lúc đương chức vào năm Kỷ Hợi 1899. Trong tập I Những con chim phụng đất Quảng (Hội Khuyến học Quảng Nam - Đà Nẵng ấn hành, 1992), nhà giáo ưu tú Huỳnh Trảng viết rằng Ngô Truân nguyên là học trò của hoàng giáp Phạm Như Xương (1844-1917) và Ngô Truân mất khi làm tri huyện Can Lộc ở Hà Tĩnh, được nha môn tẩm liệm tử tế, đoạn tức tốc đưa về làng Cẩm Sa để mai táng.

5. PB Dương Hiển Tiến

Sinh năm Bính Dần 1866. Người làng Cẩm Lậu (còn gọi Cẩm Lũ), tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn. Năm Tân Mão 1891, đỗ cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ PB. Năm 1907, Dương Hiển Tiến lâm bệnh thương hàn và mất ở quê nhà.

MẤY NHẬN XÉT

Nhìn lại sự kiện "ngũ phụng tề phi", nhà cách mạng nổi tiếng của Quảng Nam là Huỳnh Thúc Kháng (2) đã tỏ ý tiếc rẻ vì 5 vị đại khoa kia không lưu lại sự nghiệp chính trị, quân sự, kinh tế hoặc văn hoá sáng giá cho đời.

Nối tiếp quan điểm của tiền nhân, "nhà Quảng Nam học" Nguyễn Văn Xuân bày tỏ ý kiến trong cuốn Quảng Nam - Đà Nẵng xưa và nay (NXB Đà Nẵng, 1996): "Ba TS, hai PB cùng đỗ một khoa thi thì cũng đúng là 'năm con phượng cùng bay'. Nhưng trong việc học, bằng cấp cao đến đâu cũng chỉ đánh dấu sự khởi đầu. (...) Điều quan trọng nhất của việc học hành, chính là đậu để làm gì? Năm nhà đại khoa đó có sự nghiệp chính trị, văn hoá, học thuật nào? Tôi không thấy. Vậy ta nên coi đó là giai thoại giúp cho các bạn trẻ phấn chấn hơn trong việc học hành. Học giỏi, đậu cao, phụng sự đất nước, có sự nghiệp xứng đáng là điều đáng quý, đáng trân trọng, noi gương".

Dẫu sao, "ngũ phụng tề phi" là chuyện hoàn toàn có thật và mang ý nghĩa giáo dục tích cực nhất định. Ngay sau khoa thi năm Mậu Tuất 1898, tỉnh Quảng Nam hân hoan đón 5 tân khoa thì riêng phủ Điện Bàn đã sung sướng rước 4 vị.

Vấn đề đặt ra: thực chất, khoa thi ấy có gì cần chú ý?

KHOA THI NĂM MẬU TUẤT 1898

Công trình nghiên cứu Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (sđd) viết về Phạm Liệu: "Đặc biệt trong kỳ thi khoa Mậu Tuất 1898, ông là người đứng thứ nhì trong toàn khoa, đứng thứ nhất trong bảng danh sách đệ tam giáp, đứng đầu danh sách trong 5 sĩ tử Quảng Nam đỗ đại khoa". Cũng sách ấy viết về Ngô Truân: "Trong khoa thi Hội này, ông đứng thứ 9/17 đối với toàn khoa, nhưng là người đứng đầu danh sách, tức 1/9 PB".

Lối diễn đạt như thế e dễ gây hiểu lầm về trình độ học lực của 17 tân khoa thuở nọ. Để nắm chính xác vấn đề, thiết tưởng bạn đọc thời nay nên biết vài quy định được áp dụng trong khoa cử tại nước ta kể từ Thành Thái nguyên niên, tức năm Kỷ Sửu 1889.

Phần đông thí sinh đã thi Hương đỗ cử nhân, cùng hàng ngũ cống sinh, ấm sinh, tôn sinh (3) đã đỗ tú tài rồi được giáo quan Quốc tử giám sát hạch và xếp hạng (ưu hoặc bình) thường nô nức lều chõng trẩy kinh vào các năm triều đình mở thường khoa, ân khoa, hoặc chế khoa (4). Thi Hội gồm bốn trường. Từng sĩ tử được định đỗ hay hỏng sau khi ban giám khảo xét duyệt toàn bộ bốn quyển thi theo tiêu chí:

- Tổng điểm cả bốn trường từ 8 trở lên là chánh trúng cách.

- Tổng điểm cả bốn trường từ 7 trở xuống mà không trường nào bất cập phân (bị điểm liệt, tức dưới 1 điểm) là thứ trúng cách. Nếu có một trường bất cập phân nhưng tổng điểm ba trường đạt 8 trở lên cũng thứ trúng cách.

Chánh lẫn thứ trúng cách đều được tập trung ở nhà Tả và Hữu Vu, hai bên điện Cần Chánh, để tham dự điện thí, còn gọi thi Đình. Kết quả đỗ điện thí được phân làm 6 hạng từ cao xuống thấp:

1. Đệ nhất giáp TS cập đệ đệ nhất danh: 10 điểm.

2. Đệ nhất giáp TS cập đệ đệ nhị danh: 9 ~ 8 điểm.

3. Đệ nhất giáp TS cập đệ đệ tam danh: 7 ~ 6 điểm.

4. Đệ nhị giáp TS xuất thân: 5 ~ 4 điểm.

5. Đệ tam giáp TS xuất thân: 3 điểm.

6. PB: 2 ~ 1 điểm.

Với những quyển tuy chấm 1 hoặc 2 điểm, nhưng sau khi ráp phách, nếu xét thấy văn tạm ổn thì có thể nâng lên hàng đệ tam giáp TS xuất thân. Thông thường, trường hợp may mắn này hay dành cho thí sinh đã chánh trúng cách. Còn quyển nào quá kém phải loại ra hạng bất cập phân, đánh hỏng.

Ở khoa thi Mậu Tuất 1898, quan duyệt quyển gồm thị lang Tôn Thất Thiểm và tế tửu Quốc tử giám Khiếu Năng Tĩnh, quan độc quyển gồm đông các điện đại học sĩ Trương Quang Đản và hiệp tá đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng.

Sau bốn trường thi Hội năm Mậu Tuất 1898, duy nhất cử nhân Nguyễn Tự Như (gốc Quảng Trị) đạt 8 điểm, đủ tiêu chuẩn chánh trúng cách. Thấy vậy, quan trường bèn tâu xin và được vua đồng ý gia ân cho 2 thí sinh đạt 7 điểm xếp vào loại chánh trúng cách: Nguyễn Văn Trình (Hà Tĩnh) cùng Phạm Tuấn. Trường hợp đặc biệt là Bùi Thức (Hà Nam) bị bất cập phân một trường, song tổng điểm ba trường lại đạt 11 điểm dẫu có một bài thơ... lạc vận! Theo tài liệu Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn (sđd), Bùi Thức được phép điện thí nhưng bị đặt riêng một quy chế ngặt nghèo: "Nếu thi Đình được 3 hoặc 4 điểm thì chỉ cho xếp hạng PB; nếu đỗ 5 hoặc 6 điểm mới đỗ hạng chánh bảng; còn nếu quyển thi chỉ được 1 điểm thì phải trở về nguyên tịch cử nhân".

Rốt cuộc, thi Đình, trong loại chánh trúng cách, Nguyễn Văn Trình được 2 điểm, Nguyễn Tự Như và Phạm Tuấn mỗi người 1 điểm. Cả ba đều lọt vào chánh bảng, hạng đệ tam giáp đồng TS xuất thân. Trong loại thứ trúng cách, Bùi Thức vẫn giành điểm cao nhất: 6 điểm. Tuy nhiên, xem kỹ quyển thi, thấy dòng "thần cẩn đối" cuối bài bị sơ ý bỏ sót chữ "cẩn" nên họ Bùi đành chịu xếp cuối hạng đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân. Nhiều người thuở ấy lấy làm tiếc cho Bùi Thức vì lẽ ra ông xứng đáng đỗ thủ khoa với hạng đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh – tương đương học vị thám hoa thời Lê. Bởi thế, vị trí đình nguyên thuộc về người có số điểm cao thứ nhì là Đào Nguyên Phổ (Thái Bình): 5 điểm, hạng đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, tục gọi hoàng giáp.

Cũng trong loại thứ trúng cách, Nguyễn Quý Song (Nghệ An) cùng Phạm Liệu và Phan Quang mỗi người đều được 3 điểm nên đỗ đồng hạng đệ tam giáp TS xuất thân. Nguyễn Viết Tuyên (Nghệ An) và Ngô Truân mỗi người được 2 điểm, cùng đỗ PB. Bảy trường hợp còn lại, mỗi người được 1 điểm, đều xếp hạng PB, gồm: Nguyễn Duy Thắng (Quảng Bình), Nguyễn Thiện Kế (5) (Bắc Ninh), Nguyễn Đạo Quán (Hải Dương), Nguyễn Văn Đàm (Thừa Thiên), Nguyễn Đức Đàm (Nghệ An), Trần Đình Bá (Thừa Thiên) và Dương Hiển Tiến.

Từ khoa thi này, nhờ tấu trình của đại thần Cao Xuân Dục (1842-1923), vua Thành Thái phê chuẩn việc ban áo mão và cấp ngựa trạm cho các vị PB vinh quy bái tổ. Riêng điển chế có từ đời Minh Mạng là không khắc danh tính PB vào bia TS dựng ở Văn Miếu thì vẫn được giữ. Do đó, ngày nay tham quan di tích lịch sử - văn hoá ở Huế mà dân chúng cố đô quen gọi Văn Thánh, du khách thấy tấm bia đá Hoàng triều Thành Thái thập niên Mậu Tuất khoa TS đề danh bi chỉ khắc tên tuổi 8 vị chánh bảng – từ Đào Nguyên Phổ đến Bùi Thức – mà thôi.

"MIỀN NGŨ PHỤNG" LÀ TỈNH THÀNH NÀO?

Sách Khoa cử và giáo dục Việt Nam do Nguyễn Q.Thắng biên soạn (NXB Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1993) cho rằng: "Khoa Mậu Tuất 1898 tỉnh Quảng Nam có 5 thí sinh đều trúng kỳ thi Hội và thi Đình nên được vua Thành Thái (1979-1854) ban tấm biển ghi 4 chữ Ngũ phụng tề phi (Năm con phụng cùng bay) nhằm chúc, tặng cho các sĩ tử nói chung và học trò đất Quảng thuở ấy học giỏi".

Sách Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (sđd) thì viết: "Cả 5 ông (Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Trân, Dương Hiển Tiến) được tổng đốc Quảng Nam lúc bấy giờ là Đào Tấn và đốc học Quảng Nam là Trần Đình Phong tặng cho bức trướng có 4 chữ Ngũ phụng tề phi và cũng từ đó người ta ưu ái gọi Quảng Nam là miền ngũ phụng".

Cùng một sự kiện, soạn giả của hai cuốn sách đều là người Quảng Nam mà đã trình bày khác hẳn nhau và chẳng hề nêu chứng cứ cụ thể. Hỏi người đọc biết tin sách nào?

Ví bỏ công truy tầm, hậu thế sẽ biết rằng "ngũ phụng tề phi" nguyên là điển cố xuất phát tại Trung Hoa thời nhà Đường (618-907). Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh ghi vắn tắt: "Đời Đường thi tiến sĩ, có một khoa nọ, bảng tiến sĩ từ thứ nhất đến thứ năm đều là người văn tài trỗi hơn cả nước, người đời tán tụng cho là 5 con chim phụng cùng bay với nhau".

Cũng có tài liệu ghi rằng "ngũ phụng tề phi" là tích từ thời nhà Tống (960-1279), xuất phát bởi câu thơ Ngũ phụng tề phi nhập hàn lâm do Hồ Mông sáng tác để mừng 5 người cùng quê quận Lư Lăng được đồng thời nhậm chức hàn lâm học sĩ.

Linh hoạt vận dụng điển cố kia để ngợi ca địa phương có 5 sĩ tử cùng lúc đỗ đại khoa, nếu chỉ giới hạn phạm vi trong lịch sử khoa cử Việt Nam giai đoạn vương triều Nguyễn – xét từ khoa thi tiến sĩ đầu tiên vào năm Nhâm Ngọ 1822 đời Minh Mạng đến khoa thi tiến sĩ cuối cùng vào năm Kỷ Mùi 1919 đời Khải Định – thì tôi cũng chứng minh được rằng: "ngũ phụng tề phi" quả là thành tích quý song chẳng... hiếm lắm. Trải nhiều kỳ thi Hội lẫn thi Đình, bao tỉnh thành trên đất nước ta không chỉ "ngũ phụng tề phi" mà mấy phen còn xuất sắc "lục phụng tề phi", thậm chí cả "thất phụng tề phi" nữa.

Chẳng hạn niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, khoa Tân Sửu 1841, Hà Nội có 4 thí sinh đỗ TS gồm Ngô Điền, Bùi Tuấn, Trần Vỹ, Vũ Văn Lý, cùng 1 thí sinh đỗ PB là Vũ Tá An (người huyện Gia Lâm, trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Niên hiệu Thiệu Trị thứ IV, khoa Giáp Thìn 1844, Thừa Thiên đỗ 2 TS Huỳnh Công Thịnh và Trần Hữu Thuỵ cùng 4 PB Lê Văn Phổ, Lê Thiều, Phạm Văn Tường, Trần Công Soạn. Niên hiệu Tự Đức thứ IV, khoa Tân Hợi 1851, Thừa Thiên tiếp tục đỗ 3 TS Thân Trọng Tiết, Nguyễn Thế Trâm, Hoàng Văn Tuyển, cùng 2 PB Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Đình Tuân. Niên hiệu Tự Đức XVIII, thường khoa lẫn chế khoa Ất Sửu 1865, Hà Nội lại đỗ 1 TS Nguyễn Tuyên, 1 nhã sĩ Nguyễn Phiên, 3 PB Thành Ngọc Uẩn, Bùi Văn Quế và Bùi Văn Tự (6). Niên hiệu Tự Đức XVIII, khoa Ất Hợi 1875, Nghệ An đỗ 4 TS Đỗ Hữu Chính, Đinh Nho Điển, Đinh Văn Chất, Phan Du, cùng 1 PB Hồ Bá Ôn. Niên hiệu Thành Thái thứ nhất, khoa Kỷ Sửu 1889, cũng Hà Nội đỗ 3 TS Nguyễn Viết Bình, Nguyễn Trung Khuyến, Nguyễn Khuê, cùng 2 PB Nguyễn Tích Trù và Nguyễn Hoan (7)(thời ấy huyện Bình Lục thuộc tỉnh Hà Nội, nay thuộc tỉnh Hà Nam). Niên hiệu Thành Thái thứ VII, khoa Ất Mùi 1895, Nghệ An đỗ 5 PB Hoàng Mậu, Đặng Nguyên Cẩn, Vương Đình Trân, Nguyễn Văn Chấn và Cao Xuân Tiếu (8). Niên hiệu Thành Thái thứ IX, khoa Đinh Mùi 1907, Nghệ An đỗ 2 TS Nguyễn Đức Lý, Trần Đình Tuấn, cùng 3 PB Nguyễn Thúc Doanh, Nguyễn Thạc Tính, Phan Duy Phổ. Niên hiệu Duy Tân thứ IV, khoa Canh Tuất 1910, Nghệ An lại đỗ 2 TS Vương Hữu Phu, Bùi Hữu Tuỵ, cùng 5 PB Lê Trọng Phan, Nguyễn Thúc Hiên, Nguyễn Cừ, Lê Xuân Mai, Phan Vũ.

Rõ ràng, Nghệ An là tỉnh độc chiếm 2 kỷ lục: 4 đại khoa với số người thi đậu từ 5 trở lên, trong đó có lần 7 sĩ tử đỗ đạt cùng lúc. Như thế, có thể nói:

* Miền ngũ phụng: Hà Nội và Quảng Nam.

* Miền lục phụng: Thừa Thiên.

* Miền thất phụng: Nghệ An.

Ắt một số bạn đọc "hơi bị" ngạc nhiên trước những cứ liệu nêu trên. Có thể do bạn ít tài liệu tham khảo, hoặc tham khảo tài liệu nhưng ít quan tâm thống kê và đối chiếu. Gặp dịp về Huế thăm di tích Văn Thánh để xem pho "sách đá" gồm 32 tấm bia TS (9), hay chỉ cần tra cứu vài ấn phẩm liên quan được công bố gần đây như Các nhà khoa bảng Việt Nam do Ngô Đức Thọ chủ biên (NXB Văn Học, Hà Nội, 1993), Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn (sđd), v.v., bạn dễ dàng kiểm chứng loạt thông tin mà tôi vừa trưng dẫn.

Qua đó, mọi người hẳn nhất trí nhận định: cùng với đất Quảng, trên toàn quốc còn nhiều tỉnh thành xứng đáng là "miền ngũ phụng". Sẽ không ngoa khi phát biểu:

- Nếu biết tích cực phát huy truyền thống hiếu học và học giỏi, rộng hơn nữa là chu đáo phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, thì cả Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng cất cánh... "đa phụng tề phi".

____________

(1) Mỗi kỳ thi Đình, hệ thống quan trường gồm nhiều người, trong đó có 2 viên quan độc quyển (đọc bài thi). Từ năm Bính Tuất 1826, niên hiệu Minh Mạng thứ VII, lại có thêm 2 viên quan duyệt quyển. Bài thi sau khi rọc phách, quan duyệt quyển chấm trước, quan độc quyển chấm sau.

(2) Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) còn có tên Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên, quê làng Thạnh Bình, nay thuộc huyện Tiên Phước. Huỳnh Thúc Kháng cùng Nguyễn Đình Hiển, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh là 4 thí sinh gốc Quảng Nam đỗ đầu bảng kỳ thi Hương năm 1900, niên hiệu Thành Thái XII, nên được dư luận khen là "tứ tuyệt". Sau đó, Huỳnh Thúc Kháng đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1904, niên hiệu Thành Thái XVI.

(3) Cống sinh: học trò giỏi các tỉnh xét hạch đạt kết quả tốt và cấp lương ăn học để thi tiến sĩ. Ấm sinh: con quan lại. Tôn sinh: họ hàng với vua.

(4) Ân khoa: kỳ thi được tổ chức không theo thời gian quy định trước, mà mở nhân trong nước có chuyện mừng. Chế khoa: kỳ thi với đề do vua ban, nhằm kén chọn nhân tài đặc biệt.

(5) Em ruột của Nguyễn Thiện Thuật.

(6) Bùi Văn Tự còn gọi Bùi Văn Dị tức Bùi Ân Niên (1833-1895) về sau được đặc cách sắc tứ học vị đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân vào năm Canh Dần 1890, niên hiệu Thành Thái thứ II. Từng làm phó tổng tài Quốc sử quán, thuợng thư bộ Lại, phụ chính đại thần. Khi Bùi Văn Tự mất, bạn ông là Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909) phúng điếu bằng cặp đối hóm hỉnh thâm trầm:

Ngư ky cựu phố, hoa sơ lạc;
Long bảng tân bi, thạch vị đài.

Tạm dịch:

Bến cá bàn xưa, hoa đã rụng;
Bảng rồng bia mới, đá chưa rêu.

(7) Con của thi sĩ Nguyễn Khuyến.

(8) Con của đại thần Cao Xuân Dục, thân phụ của giáo sư Cao Xuân Huy, ông nội của giáo sư Cao Xuân Hạo.

(9) Kết quả 2 khoa tiến sĩ Mậu Tuất 1898 và Tân Sửu 1901 được khắc chung 1 bia, dựng trong khuôn viên di tích Văn Thánh ở Huế. Về khoa Mậu Tuất, bia ghi:

Hoàng triều Thành Thái thập niên Mậu Tuất khoa tiến sĩ đề danh bi

Tứ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân nhất danh

Đào Nguyên Phổ

Toạ giám cử nhân. Niên canh Tân Dậu, tam thập bát tuế. Thái Bình tỉnh, Thái Ninh phủ, Quỳnh Côi huyện, Đồng Trực tổng, Thượng Phán xã

Tứ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân thất danh

Phạm Liệu

Tòng tỉnh cử nhân. Niên canh Quý Dậu, nhị thập lục tuế. Quảng Nam tỉnh, Điện Bàn phủ, Diên Phước huyện, Đa Hoà Thượng tổng, Trừng Giang xã

Phan Quang

Tòng tỉnh cử nhân. Niên canh Quý Dậu, nhị thập lục tuế. Quảng Nam tỉnh, Thăng Bình phủ, Quế Sơn huyện, Xuân Phú Trung tổng, Phước Sơn Thượng xã

Nguyễn Quý Song

Giáp Ngọ khoa cử nhân. Niên canh Giáp Tý, tam thập nhị tuế. Nghệ An tỉnh, Anh Sơn phủ, Nam Đàn huyện, Xuân Liễu tổng, Xuân Liễu xã

Nguyễn Văn Trình

Toạ giám ấm sinh cử nhân. Niên canh Nhâm Thân, nhị thập thất tuế. Hà Tĩnh tỉnh, Đức Thọ phủ, Can Lộc huyện, Độ Liêu tổng, Kiệt Thạch xã, Kỳ Trúc thôn

Phạm Tuấn

Thăng Bình phủ giáo thụ. Cử nhân xuất thân. Niên canh Nhâm Tý, tứ thập thất tuế. Quảng Nam tỉnh, Điện Bàn phủ, Diên Phước huyện, Phú Khương Thượng tổng, Xuân Đài xã

Nguyễn Tự Như

Tuy An phủ Dực thiện. Cử nhân xuất thân. Niên canh Canh Thân, tam thập cửu tuế. Quảng Trị tỉnh, Triệu Phong phủ, Do Linh huyện, An Xá tổng, Hà Thượng xã

Bùi Thức

Bính Tuất khoa cử nhân. Niên canh Kỷ Mùi, tứ thập tuế. Hà Nam tỉnh, Lý Nhân phủ, Thanh Liêm huyện, Mễ Tràng tổng, Châu Cầu xã
 
 

Đã đăng tạp chí Thế Giới Mới
số 510 (28/10/2002) & 511 (4/11/2002)



Văn Thánh Miếu ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. 
Ảnh: Phanxipăng

Bia 2 khoa tiến sĩ Mậu Tuất 1898 và Tân Sửu 1901 
tại Văn Thánh / Văn Miếu ở Huế. 
Ảnh: Phanxipăng

Phanxipăng viếng mộ TS Phạm Liệu 
tại thôn Xuân Đài, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 
Ảnh: Phan Thanh Đà Hải